Hà Việt Hùng
Cái xóm đó không có tên. Không ai rỗi hơi đặt tên cho nó, ngay cả các đầy tớ nhân dân cũng vậy; nếu có rảnh, ngồi nhậu chơi sướng hơn. Vì vậy, từ bao đời nay, người dân vẫn gọi cái xóm đó là Xóm Nghĩa Địa, có lẽ vì nó nằm ngay phía sau khu nghĩa địa có nhiều cây cối rậm rạp. Khu nghĩa địa càng ngày càng làm ăn phát đạt. Các ngôi mộ mọc lên nhiều như nấm, cái ra cái vào, xô lệch, nhiều chỗ chiếm cả lối đi, không có hệ thống, và làm giảm bớt phần linh thiêng. Không ai muốn bén mảng vô đó, ngoại trừ bọn đĩ điếm, những thằng đi tìm gái để giải quyết, những tên bụi đời, những đứa chích choác, ma cô ma cạo. Xóm nghĩa địa là thế giới riêng của những người chủ như thế.
Ban ngày, xóm nghĩa địa nằm ngủ hiền lành như không có chuyện gì xẩy ra. Xóm có chừng trên ba mươi nóc gia. Đúng ra đó là những cái chòi xiêu vẹo, mái tôn có, mái lá có. Chung quanh những cái chòi này được đóng, cột, hay gắn bằng những tấm ván ép, cạc-tông, lá, ni-lông, hay bất cứ thứ gì có thể làm cho nó “kín đáo” hơn. Dân ở xóm nghĩa địa là những người nghèo, lam lũ, trôi gạt từ tứ xứ về đây. Họ cư trú không có hộ khẩu. Chính quyền không ai rảnh cứu xét cấp hộ khẩu cho họ. Mười mấy đứa trẻ con trong xóm không bao giờ đến trường, không bao giờ mua sách vở. Trường học là cái gì đó rất xa lạ đối với đám trẻ con này.
Có một điều xóm nghĩa địa lại là nơi thể hiện văn hóa chửi thề nhất trong nước. Người trong xóm ai cũng biết chửi thề. Không biết chửi thề, chắc chắn không phải là cư dân xóm nghĩa địa.
Khi trời nhá nhem tối, xóm nghĩa địa bỗng phát triển sinh khí, náo nhiệt và tấp nập hẳn lên. Bọn gái điếm ngủ dậy, vội vàng ăn uống, sửa soạn mặt mũi, thay quần áo diêm dúa, sức dầu thơm loại rẻ tiền, nực mũi. Ngoài bọn gái điếm “cơ hữu”, còn có những đứa từ những nơi khác đến, lượn lờ quanh nghĩa địa, chờ khách. Đối với xóm nghĩa địa, thời gian này mới thực sự là một ngày mới.
-Ê, đ…má, con Mến đâu? Mày xong chưa? Có khách kìa.
Tiếp theo tiếng gọi, một mụ đàn bà bước vào. Qua ánh đèn dầu lù mù, mụ gầy ốm, xanh xao như tàu lá. Mặt mụ được trét một lớp phấn dầy. Hai năm trước mụ cũng là gái điếm như con Mến, nay đã hết thời, phải quay qua dẫn mối.
Tư Mến đang ngồi gặm bánh mì. Nó vội vàng nhai nốt miếng chót. Sau khi đã chùi mép bằng mấy ngón tay, nó hỏi mụ đàn bà:
-Có khách hả, dì Bẩy? Ngon không?
-Đ…má, làm sao tao biết. Trời tối hù, tao không thấy rõ. Có khách là ngon rồi. Bầy đặt kén chọn. Lẹ lên, mày. Ráng bắt cho được nghe. Đây là cú đầu tiên đó.
Con Mến quơ vội cây đèn bấm và tấm ni-lông dưới bàn, thổi tắt ngọn đèn dầu đang leo lét cháy, rồi cùng mụ Bẩy bước ra ngoài. Tháng mười trời mau tối. Đường phía trước mặt ngoằn ngoèo như con rắn. Con Mến cầm đèn bấm đi trước.
-Đâu lận, dì Bẩy? Ngoài trước hả?
-Ngoài trước chứ sao. Đ…má, mụ nội ai dám vô đây. Tao phải đi ra đi vô cả chục lần, mệt muốn xỉu.
Từ xóm nghĩa địa ra ngoài trước chỉ chừng hai trăm thước, hai người đã thông thuộc lối đi, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải bấm đèn. Ra tới phía ngoài, con Mến thấy một chiếc xe tải đậu tấp bên lề đường. Loại xe tải lớn thường chở cây rừng, nhưng lúc này chỉ có xe không. Nó thấy hai người đàn ông đang loay hoay phía đầu xe, hình như bận sửa chữa cái gì đó.
Thấy họ, mụ Bẩy tươi cười:
-Em út ra tới nè anh hai. Bảo đảm ngon lành.
Gã đàn ông đang ngậm điếu ba số 5, áng chừng là tài xế, giựt cây đèn bấm từ nay con Mến, rồi soi thẳng vào mặt nó:
-Xem coi có được không.
Gã nhìn soi mói con Mến, hỏi:
-Em tên chi?
Con Mến nhỏ nhẹ:
-Dạ, em tên là Mỹ Sương.
Con Mến ráng ăn nói lễ phép. Mỗi ả điếm đều có một cái tên đẹp, thật thơm tho như con nhà lành. Cái tên này là “nghệ danh”, thay cho những cái tên cúng cơm nghe không văn nghệ chút nào. Con Năm Su là Thùy Phương, con Tám Cúc là Thanh Vân. Mụ Bẩy trước kia cũng có “nghệ danh” là Mỹ Oanh…
Gã tài xế gật gù:
-Được. Bao nhiêu?
Mụ Bẩy chen vào:
-Xin anh cho 100 ngàn. Em mới. Bảo đảm không bệnh tật.
Gã tài xế trợn mắt:
-100 ngàn? Em mới? Mới cái khỉ khô. Làm như ở khách sạn năm sao không bằng. Bộ bà tưởng tụi tui là đại gia hả?
-Vậy anh cho bao nhiêu?
-20 ngàn, được không?
Mụ Bẩy năn nỉ:
-Xin anh thương em út, cho thêm chút đỉnh. Tụi tui mới mở hàng. Độ này làm ăn khó khăn quá.
-25 ngàn. Chịu không? À này, có “ết” không đó?
-Bảo đảm với anh là sạch sẽ. Có “ết”, trả tiền lại.
Gã tài xế trợn mắt:
-Lúc đó kiếm mụ nội má con chị bắt thường hả?
Sau 15 phút “xem hàng” và “cò kè bớt một thêm hai”, cả hai ngừng lại ở cái giá 30 ngàn.
Gã tài xế nói với tên đàn em:
-Mày coi chừng xe. Tao đi “xả xui” một lát. Kẹt quá, công tác liên miên, hơn một tháng nay chưa về nhà.
Nói xong, gã theo mụ Bẩy và con Mến đi vào khu nghĩa địa. Trời tối đen như mực. Con Mến đi trước, tay cầm đèn bấm soi đường. Đi qua mấy ngôi mộ bên ngoài, mụ Bẩy biến mất. Con Mến đưa gã tài xế đi loanh quanh. Gã thấy mấy ả điếm khác đang đứng gạ mối. Có những tên đang mua bán, hay đang dựa gốc cây, chích choác ma tuý. Đi một hồi, đến một chỗ con Mến nói:
-Đến nơi rồi anh. Mình nằm ngắm trăng ở đây.
Nhờ ánh trăng trên trời, gã tài xế lờ mờ thấy con Mến trải tấm ni-lông giữa hai ngôi mộ xây bằng xi măng, khoảng cách chưa đầy một thước. Xong, nó tự nhiên cởi quần, nằm xuống tấm ni-lông chờ đợi. Gã tài xế cũng lần mò làm theo. Gã muốn nó cởi luôn cả áo. Nó chiều theo. Gã mò mẫm lấy trong túi quần một cái bao cao su. Có lẽ gã bị “bế tắc” lâu ngày, chỉ vài phút sau, gã trèo lên bụng con Mến, đạp liên hồi, và chỉ vài phút sau, gã kêu lên một tiếng nho nhỏ, rồi toàn thân co rúm lại. Con Mến định đẩy gã qua một bên nhưng khoảng cách giữa hai ngôi mộ hẹp quá, khiến nó phải nằm yên tại chỗ, chờ đợi. Gã tài xế lồm cồm bò dậy, đưa cái bao cao su cho con Mến.
-Em giục dùm cho anh cái này.
Con Mến cầm cái bao cao su, thản nhiên vứt vào bụi rậm trước mặt. Nó mặc quần áo, rồi cuốn tấm ni-lông lại. Tất cả công việc đều thành thạo, nhanh chóng.
Gã tài xế móc tiền trả cho con Mến.
-Để em đưa anh ra lộ.
Sau đó con Mến lại tiếp tục đón khách khác.
Có đêm chỉ trong vòng mấy tiếng, con Mến đi được 4-5 “cuốc”, có khi hơn nữa. Lẽ dĩ nhiên, có khi nó mệt và cảm thấy tủi nhục, cay đắng lắm, nhưng biết làm gì hơn, khi nó không có một nghề nghiệp đàng hoàng. Trong xóm nghĩa địa và những khu vực quanh đây, đa số các gái điếm bị đào thải từ những động mãi dâm khác, vì tuổi tác già nua, nhan sắc phai tàn, nghiện ngập xì ke, ma túy, bệnh tật, hay bị nhiễm HIV. Không biết căn cứ vào nguồn thống kê nào, báo chí loan tin có đến 77% gái điếm mắc bệnh HIV.
Thỉnh thoảng khu nghĩa địa lại bị công an bố ráp. Ả điếm nào xui hay không chịu đút lót, bị bắt, sẽ được đưa vào trại phục hồi nhân phẩm. Con Mến đã vô trại hai lần, mỗi lần gần cả năm. Mãn hạn, khi trở về, nó lại theo “nghề” cũ, vì không biết làm gì để kiếm tiền dễ hơn. Con Mến còn cha mẹ nghèo khó và đàn em thất học ở dưới quê. Tháng nào nó cũng phải gửi tiền về cho gia đình. Nó dấu cha mẹ và mấy đứa em, nó làm thư ký ở Sài Gòn. Gia đình nó tin như vậy. Thời gian nó bị bắt giữ ở trại phục hồi nhân phẩm, tuyệt nhiên nó không cho gia đình hay. Nhưng không có tiền gửi về, lòng nó buồn vô hạn.
oOo
Con Mến lần mò về xóm nghĩa địa. Đã 2-3 giờ sáng. Phần nhiều mọi người đã đi ngủ. Vài căn có người còn thức. Ánh sáng từ ngọn đèn dầu tỏa ra tù mù, không đủ sức hắt ra ngoài. Ả Thùy Phương tức Năm Su đang ngồi trước cửa nhà, hát vọng cổ. Thấy con Mến đi qua, ả nói:
-Bữa nay mày “lao động” dữ he? Cả thẩy mấy “cuốc”?
Con Mến trả lời có phần mệt mỏi:
-Bẩy. Toàn thứ “co bị” không hà.
-Tao hổng có “cuốc” nào thì sao.
Con Mến dừng chân. Nó móc tiền ra. Đếm, rồi đưa cho con Năm Su vài tờ:
-Sao xui vậy? Nè, cầm xài đỡ nghe?
-Cám ơn mày. Vậy là tao không chết đói rồi.
Con Mến bỏ đi. Con Năm Su lại ư ử mấy câu vọng cổ. “Anh ơi, nếu hai chúng ta không duyên không nợ, em thề sẽ cắt tóc trọn đời đi tu nơi cửa…ư…ư…chùa…”
Nó vô “xề” chữ “chùa” nghe ai oán, buồn thúi ruột. Mới cách đây hơn một năm, Năm Su còn vẫy vùng ở địa bàn Sài Gòn. Lúc đó nó còn cao giá, kén khách mới đi.Vậy mà sau khi tai họa ập tới, nó mắc bệnh ung thư tử cung, lại thêm nghiện ma túy, nên phải trôi dạt tới xóm nghĩa địa để có tiền sinh sống qua ngày.
Cách chòi Năm Su mấy căn là căn chòi của Tám Cúc tức Thanh Vân. Thanh Vân là hoa khôi của xóm nghĩa địa. Nó có khuôn mặt trắng trẻo, mịn màng; đôi mắt to đen như hai hột nhãn. Nếu đời nó may mắn, nó đã là vợ của một đại gia nào đó. Nhưng hoàn cảnh của Thanh Vân thật đáng thương. Trời bắt “hồng nhan đa truân”. Sau mấy lần yêu không thành, Thanh Vân trở thành người chán ghét cuộc đời, nhất là sau lần biết mình mắc bệnh “ết”, nó đã căm thù đàn ông vô cùng. Nó cảm thấy dửng dưng, không một mảy may xúc động hay ân hận đối với những gã đã mua dâm với nó. Có thể những gã này sẽ bị nhiễm “ết” như nó, và có thể sẽ đi đoong trong vòng 2-3 năm, hay trong 5-7 năm nữa. Có sao đâu. Luật chơi như vậy. Đời mà.
oOo
Mới 8 giờ, trong khi bọn gái điếm xóm nghĩa địa đang chờ mồi, mụ Bẩy hớt hải từ ngoài chạy vào. Năm Su đang nằm trên võng, ư ử mấy câu vọng cổ.
-Ê, tụi bay. Đêm nay công an phường bố ráp đó. Đ…mẹ, tụi bay “chém vè” rồi mạnh đứa nào đứa nấy lo thân nghe. Bao giờ yên hãy về.
Có tiếng nói:
-Vậy là hết “làm ăn”. Ngày mai đói chết mẹ. Sao độ này phường bố ráp hoài vậy?
-Ba ngày nay tao không có một “cuốc” nào hết. Đêm nay thứ bẩy cũng tiêu luôn.
Bọn gái điếm thu xếp nhanh cấp kỳ. Chỉ năm phút sau, chúng đã rút lui khỏi xóm nghĩa địa, ngoại trừ Tám Cúc tức Thanh Vân. Con Cúc là đứa duy nhất mới có hộ khẩu ở đây. Tờ hộ khẩu là lá bùa hộ mệnh của nó, và nó ỷ vào lá bùa hộ mệnh này, chẳng khác gì cán bộ nhà nước ỷ vào cái bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ giả của mình để có chỗ ngồi tốt. Tờ hộ khẩu của con Cúc là tờ giấy thật đàng hoàng. Nó đã tốn khá nhiều thì giờ, tiền bạc lo lót công an phường, cộng với may mắn, để có được tờ giấy đó.
Con Cúc chải lại đầu tóc, quét lại lớp phấn, kẻ lại chân mày, và không quên xịt thêm mấy giọt dầu thơm. Xong, nó ra nằm trên võng, ca câu vọng cổ con Su dậy nó, coi như không có chuyện gì xẩy ra. “Anh ơi, nếu hai chúng ta không duyên không nợ, em thề sẽ cắt tóc, trọn đời đi tu nơi cửa…ư…ư…chùa…”
Nửa đêm, khu nghĩa địa bỗng nhiên bị khuấy động. Công an “hạ quyết tâm” bắt cho kỳ hết bọn gái điếm hành nghề ở đây trong chiến dịch làm “sạch đẹp” các quận huyện ngoại thành để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng sắp tới.
Tiếng chân người chạy rần rần trong khu nghĩa địa. Công an bao vây kín khu vực. Họ dò tìm từng khoảng cách, nhưng không ngờ tin tức đã bị “rò rỉ” ra ngoài từ “hồi khuya”. Trước khi họ thi hành “nghiệp vụ”, khu nghĩa địa trở nên “hiền lành” khác thường. Nó lại là nơi “an nghỉ giấc nghìn thu” cho những người khuất bóng. Nó thể hiện là nơi thiêng liêng, có giá trị văn hoá hơn bao giờ hết. Đường đi lắt léo quanh co, tuyệt nhiên không một bóng người. Những người thuộc thành phần “bất hảo” ở đây, như gái điếm, bọn mua bán ma túy, chích choác, ma cô…đã cao bay xa chạy “an toàn”.
Chỉ còn những ngôi mộ lờ mờ dưới ánh trăng, và đôi lúc bị quét sáng bởi những vệt đèn bấm.
Công an không quên bao vây cả cái xóm nghèo tối tăm sau lưng nghĩa địa. Chiến sĩ Phàn lò mò đi trước, tay cầm dùi cui, bên hông đeo khẩu K54, trông oai phong như anh chàng cao bồi trong phim “oét tơn” nào đó. Phàn gia nhập ngành công an nhân dân theo hợp đồng có thời hạn vì ngành này đang cần người. Anh ta chỉ được huấn luyện nửa tháng để đáp ứng với tình hình gấp rút đòi hỏi.
Chiến sĩ Phàn tiến tới căn chòi nơi con Tám Cúc đang tênh hênh nằm trên võng. Con nhỏ thản nhiên ca vọng cổ.
-Này, cô là ai? Cho xem giấy tờ.
Con Cúc làm bộ giật mình. Nó ngồi dậy, vừa đi lấy giấy tờ, vừa nói:
-Em là dân ở đây. Có hộ khẩu đàng hoàng.
-Đâu, đưa coi.
-Dạ đây.
Tám Cúc đưa cho chiến sĩ Phàn một tờ giấy bọc ni-lông xếp đôi và một cái thẻ chứng minh nhân dân có con dấu đóng đỏ chót.
Trong tờ hộ khẩu và CMND đều ghi “Nguyễn Thị Cúc. Sinh năm… Nghề nghiệp: Thợ may.” Con nhỏ này có giấy tờ, có nghề nghiệp và cư trú hợp pháp, không có lý do để bắt nó.
-Mấy người khác đâu hết rồi? Sao còn bà già với con nít không vậy?
-Dạ, em đâu biết. Có người về quê, có người đi làm, hoặc chưa về. Dân ở đây vất vả lắm anh ơi.
Vừa nói con Cúc vừa đứng nhích sát chiến sĩ Phàn. Da thịt con gái, cộng với mùi dầu thơm làm cho anh ta choáng váng. Phải công nhận con Cúc đẹp. Khuôn mặt trắng trẻo, đôi mắt to đen và kinh nghiệm “chiến trường” đã hớp hồn anh ta.
-Anh vô xóm có một mình thôi à? Ở chơi với em một lát. Em ở nhà một mình, buồn thấy mồ…
Con Cúc chỉ nói chơi, và thoạt đầu chiến sĩ Phàn có vẻ do dự, nhưng rồi anh ta mau chóng quên nhiệm vụ Đảng và nhà nước giao phó. Anh ta chỉ biết con Cúc là đứa con gái có hộ khẩu, “nhà lành”, nghề thợ may. Hơn nữa, con nhỏ ngon lành hết sức, bỏ qua rất uổng.
Giờ này đã khuya, chỉ có một mình anh ta trong xóm. Con Cúc vừa nói vừa kéo anh ta vô buồng trong. Căn chòi không điện tối om càng làm cho anh ta thêm can đảm.
-Đồng chí Phàn ơi…
Tiếng tu huýt thổi, chiến sĩ Phàn giật mình. Rõ ràng đội trưởng gọi anh ta ở đầu xóm. Anh ta buông con Cúc ra, ngồi bật dậy:
-Chết mẹ. Tui phải đi làm nhiệm vụ.
Chiến sĩ Phàn rút nhanh ra khỏi căn chòi của con Cúc. Chiến dịch được xem như thành công.
Con Cúc chạy ra nhìn theo. Nó nói bâng quơ chỉ đủ mình nó nghe:
-Lần này mày chưa tới số. Lần sau tao cho mày dính “ết” nghe con.
Ánh trăng vẫn lờ mờ trên cao. Xóm nghĩa địa lại trở nên bình thường.
Hà Việt Hùng
Nguồn: Tác giả gửi