Những người trình dược viên tôi đã gặp

Posted: 18/08/2013 in Hồi Ký, Trần Mộng Lâm

Trần Mộng Lâm

visiteuse_medicale

Hành nghề y sĩ đã gần nửa thế kỷ, dĩ nhiên là tôi có rất nhiều người đồng hành trong nghề nghiệp. Những người y tá, những sĩ quan trợ y, cán sự y tế, trợ tá xã hội, nữ hộ sinh… Nhưng không thể không nói đến những người trình dược viên. Bên Pháp, họ gọi những người làm nghề này là visiteur hay visiteuse médicale, bên Canada, đổi ra là représentant médical, nhưng người Việt chúng mình gọi là trình dược viên.

Người trình dược viên đầu tiên tôi biết, khi gần ra trường, sắp được gọi là bác sĩ, là một anh bạn học, sinh viên Y Khoa dưới tôi một lớp, chúng tôi gọi là anh P. Roussel, vì anh làm cho viện bào chế này.

Ở Việt Nam hồi ấy, chúng ta có 3, 4 hãng thuốc gì đó, cũng phát đạt lắm, như OPV, Tenamid. Trang Hai (không biết có đúng không, lâu quá rồi)… Tặng phẩm Tenamid tặng cho chúng tôi khi tốt nghiệp là một cái thùng đen ngòm, mà các bác sĩ để các dụng cụ khi mang nó đi khám bệnh tại nhà các bệnh nhân. Sau này khi mới sang Canada, tôi còn thấy bán tại một nhà buôn dụng cụ y khoa, nhưng phải nói là cái va ly đó xấu kinh khủng, và chẳng bao giờ được xử dụng.

Ra trường, tôi được đưa về Cần Thơ để phục vụ trong quân y viện Phan Thanh Giản. Tuy là ở trong quân đội, chúng tôi vẫn được quyền hành nghề, khám bệnh vào buổi sáng sớm, trước khi vào quân y viện và buổi chiều, sau khi dời trại bệnh. Có người còn thím sực thêm 1, 2 giờ buổi trưa. Nhiều đàn anh rất đông khách, chích choác gần 200 bệnh nhân mỗi ngày. Tôi thuộc loại làng nhàng, cũng có được 50, 60 bệnh nhân, cầm hơi. Bởi vậy cho nên các hãng thuốc cũng cần gửi người đến giới thiệu các sản phẩm cho các ông bác sĩ tỉnh nhỏ đó.

Thường thì các trình dược viên xuống Cần Thơ khoảng 3,4 lần một năm. Họ thường đến từng nhóm 3 hay 4 người, đàn ông có, đàn bà có. Phần lớn những người này nhà cửa ở Sài Gòn, xuống Cần Thơ họ phải ở khách sạn, và sau đó đi gặp các bác sĩ.

Hinh như giữa các trình dược viên và các bác sĩ có một mối giao tình đặc biệt. Hồi xưa ở Việt Nam đã vậy, mà sau này ở Canada cũng không khác gì. Nghề nghiệp khiến họ phải làm vui lòng các ông bác sĩ, mà chúng tôi thì hồi đó còn trẻ, lại độc thân, nên nhiều khi hay lê lết với bọn họ.

Trong số những người đàn ông, có một ông người rất gầy ốm, người ta nói ông ta là em của bác sĩ PQĐ, là người đã có thời làm Thủ Tướng chính phủ VNCH. Ông bạn này hiền như cục đất, khi cùng chúng tôi đánh mà chược, gặp ván bài to, tay run như bị Parkinson… Có một ông bạn khác, rất bảnh bao, nhậu khá giỏi, uống nhiều mà không say.

Nhưng kỷ niệm sâu đậm nhất phải dành cho những visiteuses médicales…

Những người trình dược viên phái nữ tôi gặp hồi đó không phải là các cô son trẻ, độc thân. Hinh như các hãng thuốc cũng đã có chủ trương, hay tại vì các cô son trẻ không chịu đi xuống tỉnh, các người tôi gặp hồi đó đều là những thiếu phụ, không còn trẻ, nhưng cũng không phải là già, ngoài 30, nhưng không quá 35.

Vì họ ở nhiều ngày mỗi lần xuống Cần Thơ như vậy, nên bọn này thường đi ăn, đi chơi với nhau. Những bậc đàn anh thì bị các phu nhân giám sát chặt chẽ, nên chỉ còn đám bác sĩ ở trại độc thân như chúng tôi.

Có một cô hát rất hay, và rất hay hát. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên được tiếng hát của cô trong các bản nhạc như Trăng Sơn Cước :

Cùng nàng ngồi bên bờ suối,
Hẹn hò một duyên tình mới,
Nàng ngồi lặng nghe chàng nói,
sẽ rung rinh đôi làn môi….

Hoặc Trăng Mờ Bên Suối :

Một đêm thiết tha rồi đây xa cách.
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào.

Ôi, cái thời thanh xuân đó, của miền Nam !!!

Người đại diện các công ty dược phẩm ngoại quốc tôi gặp đầu tiên tại Cần Thơ là của hãng Servier, đến từ Paris hoa lệ. Anh chàng này rất đẹp trai, như phần lớn các người đàn ông da trắng. Hồi đó, Servier chỉ có mấy món thuốc như Vitathion (bây giờ đã ngưng sản xuất) và một vài món thuốc khác, hình như là Triquilar gì đó. Anh ta mời chúng tôi đi ăn tại nhà hàng nổi đậu nơi bến Ninh Kiều. Ăn thì ngon, nhưng chia verbe mệt quá, dù sao, đó cũng là một kỷ niệm đẹp.

Cuộc đời của những sĩ quan trong thời chinh chiến có những cái khổ, như phải xa nhà, phải cấm trại, không được ăn Tết với gia đình, nhưng cũng có những cái thú vị của nó.
Chúng tôi làm được đồng nào xài hết đồng đó, nào đánh bài, nào ăn nhậu, nhiều khi có thể nói là không cần biết đến ngày mai.

Đang vui thì bị bọn Việt Cộng đến phá đám, có bữa đang đánh bài, thì Cần Thơ bị pháo kích vào xóm Cả Đài. Đêm đó, bọn tôi đang đánh bài, nghe nổ ầm ầm, ra nhìn trời một lúc, rồi vào đánh tiếp. Trời kêu ai nấy dạ, nếu có quả đạn nào rơi trúng chỗ mình ngồi, cũng không sao.

Tôi cứ nghĩ là tương lai dù có thế nào, mình chỉ làm độc nhất có một nghề là chữa bệnh, thì sau chiến tranh, cùng lắm là về…. cầm ông chích. Thật là một sự ngây thơ đến tội nghiệp, bây giờ nghĩ lại, mới biết mình ngu thì đã trễ rồi. Để trả giá cho cái sự ngây thơ đó, là mấy năm trời cải tạo tại U Minh, rồi sau đó sất bất sang bang, đến phải lưu lạc tha phương ra nước ngoài.

May mà tôi còn đến được Canada. Thật là trời ngó lại.

Rồi thì phải đi thi lại, làm nội trú lại, và sau gần 6 năm gián đoạn, tôi lại được trở lại hành nghề như xưa, và có dịp gặp lại các người représentants hoặc représentantes pharmaceutiques, nhưng thật ra thì cũng như xưa thôi.

Nói cho ngay, thì những người này làm việc không khác các đồng nghiệp của họ ở Việt Nam ngày xưa, nhưng các hãng thuốc ở đây hình như có nhiều phương tiện vật chất hơn các hãng thuốc Việt Nam. Thành thực mà nói, họ tổ chức những buổi học hậu đại học tại các nhà hàng sang trọng, rồi những năm trước, lại còn cho những vé đi xem những trận tranh giải tennis hay baseball , hockey quốc tế, nghe nhạc…v.v. Nhưng sau này, y sĩ đoàn cấm tiệt những quà tặng kiểu đó, nhưng những buổi học hậu đại học vẫn còn. Ai là người đứng ra tổ chức các buổi học và ăn như vậy, lại vẫn chính các cô visiteuses médicales.

Làm cái nghề này phải ăn mặc sang trọng, có thể nói là đẹp hơn các ông, các bà bác sĩ, vốn hay ăn mặc luộm thuộm, như kẻ viết bài này. Họ lại có trình độ đại học, có người là luật sư, có người là y tá, nhưng cũng chuyển nghề sang trình dược viên một thời gian cho vui.

Tôi cứ tưởng nghề này thơ mộng và thích thú lắm. Các cô lúc nào cũng tươi như hoa, các ông lúc nào cũng lịch thiệp, nhã nhặn. Cho đến một hôm, tình cờ tôi đọc được một bài báo nói về Nhật ký của một trình dược viên (Journal d’une visiteuse médicale).

Tác giả của cuốn nhật ký này là bà Julie Wesselin, bà đã làm visiteuse médicale trong vòng 25 năm, hàng ngày phải di chuyển nhiều cây số để hành nghề. Bà đã vạch trần những khía cạnh đen tối của nghề làm visiteuse médicale mà chúng tôi sẽ viết là VM cho ngắn gọn.

Julie Wesselin vào nghề năm bà 35 tuổi, không chồng, và có 2 con. Người ta thâu nhận bà để thay thế một người VM tiền nhiệm bỏ mình trong một tai nạn giao thông vì băng tuyết.

Năm 1980, Pháp có chừng 700 VM , nay thì con số đó lên đến 2000 người, quá nhiều, đủ để làm rộn các bác sĩ trong việc khám bệnh. Vì vậy, nếu trước kia có thể vào gặp các ông bà bác sĩ giữa hai bệnh nhân, nay phải phôn lấy hẹn trước nên rất vất vả. Để có thể « faire six médecins », bà ta ăn trưa trong lúc cầm tay lái chiếc xe R5 của bà, dong duổi trên xa lộ. Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là bà phải tìm cách lung lạc các ông, các bà có quyền ghi toa thuốc cho bệnh nhân. Muốn vậy, người VM phải luôn luôn có dưới tay những tài liệu để đưa ra, lung lạc người thầy thuốc, nói những điều mà chính họ cũng không tường tận. Còn gì khó hơn là phải trả lời những nhà chuyên môn khi sự hiểu biết của các người VM không bằng1/100 kiến thức các người này : Répondre à un spécialiste quand on n’a pas le centième de ses connaissance, ca a quelque chose de surréaliste.

Việc đó làm cho bà Wesselin có cảm tưởng như là bà ta làm thương mại trên sức khỏe của bệnh nhân. Trong một thời gian khá dài, các VM của Servier đã quảng cáo mãnh liệt cho một thứ thuốc giảm mập của hãng này, tên gọi ở Pháp là Mediator, trong lúc các VM của GSK thì trách nhiệm với món thuốc tên Requip, trị bệnh Parkinson. Các VM thực ra cũng không biết hết các tác dụng phụ ghê gớm đến thế nào của các món thuốc này.

Nhưng điều mà Julie đã dám nói ra trắng trợn trong khi mọi người đều giữ trong đầu là câu này : Si les patients savaient pourquoi ils avaient un médicament plutôt qu’un autre, ils tomberaient raides morts. S’ils savaient que c’est parce que j’ai apporté douze bouteilles de champagne.

Xin đọc giữa hai hàng chữ là champagne chỉ là một biểu tượng, chỗ nổi lên trên mặt biển của tảng băng miền Bắc Cực, nếu ta đọc thêm ở một đoạn khác : Il faut faire jeune et beau même si on a le moral dans les chaussettes.

Các quà tặng thì không kể được, mùa nào, thức nấy. Có một ông bác sĩ nọ hành nghề ở Blois trắng trợn đề nghị bà mua cho phòng mạch của ông một cái đèn khám bệnh. Có ông nọ lần nào bà đến đều rủ bà faire un flipper dans un bar au coin de sa rue.

Đây là những gì chính Julie viết trong cuốn sách của bà.

Có các VM kiệt sức, có người trầm cảm, có người nghĩ đến tự tử, và có người đã tự tử..

Có bao nhiêu bác sĩ đã từ chối quà tặng? Theo Julie, sau 25 năm hành nghề VM, bà chỉ đếm được có 5 ông.

Sau cùng, chúng ta hãy đọc lời kết luận của Julie Wasselin: Pour rien au monde, je ne voudrais refaire cela.

Xin các bạn đừng vội có những kết luận vội vã.

Trong cái cõi ta bà này, luôn luôn có những người hay tô mầu,có người hay bi thảm hóa những sự kiện, kinh nghiệm sống mà họ đã trải qua. Nhưng cũng có thể Julie Wasselìn cũng đã đau khổ quá trong nghề VM, khi mà với phương tiện ngày nay, các hãng bào chế có thể theo dõi những đơn thuốc của các ông bác sĩ để đánh giá việc làm của các VM. Có người VM hỏi : Sao chả thấy bác sĩ biên toa thuốc của hãng tôi gì hết ?? Người bác sĩ ngượng ngùng, tuần trước vừa có mặt trong một buổi hậu đại học do cô tổ chức. Thường thì phải nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, tên của một món thuốc mới mới in vào đầu một ông bác sĩ già.

Julie Wasselin chỉ mới hành nghề 25 năm mà đã vội viết sách. Đọc cô, tôi chỉ có một chút bâng khuâng. Cuộc đời, đâu phải lúc nào cũng mầu hồng. Nhưng cuộc đời là thế, cuốn nhật ký của Julie làm thay đổi được điều gì không. Tôi thật hoài nghi.

Cách đây chừng vài năm, tại phòng mạch, tôi nhận được một cú điện thoại viễn liên :

– Bác sĩ Lâm hả, có nhớ cố nhân không?

Nghe giọng quen quen, tôi hỏi :

– Ai đó?

– N.X.H. đây, hồi trước làm visiteuse médicale xuống Cần Thơ nhiều lần đó.

– À, nhớ rồi, còn hay hát không?

– Vẫn hát như thường, muốn nghe không?

– Hát đi!

Và cô ta hát thật, khe khẽ, bài hát cũ :

Suối mơ, lời hẹn ước bên bờ suối xưa.
Nhớ chăng… người phương xa trong khói điêu tàn.

Tôi lặng người, biết bao kỷ niệm trào về như thác đổ. Tôi hỏi H.:

– Bây giờ ở đâu?

– Connecticut, hỏi làm gì.

– Khi nào rảnh, sang thăm.

– Thôi đừng, bây giờ mập lắm, xấu lắm, điêu tàn lắm, đừng gặp thì hơn, giữ cho nhau một vài kỷ niệm.

Tôi gác điện thoại, không hỏi gì thêm nữa, và từ đó, cũng không bao giờ thấy H. gọi lại.

Thời gian và kỷ niệm, qua đi, qua đi, qua nữa đi, như nước trôi qua cầu.

Trần Mộng Lâm
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.