Nguyễn Văn Sâm
(Bài nói chuyện của tác giả tại Montréal ngày 17 June 2018)

Cách đây gần 60 năm, khi còn theo học bậc Tiểu Học ở trường Trương Minh Ký[1] Sàigòn, tôi đã mê loại truyện thơ bình dân Miền Nam của mấy nhà xuất bản Phạm Văn Thình[2], Phạm Đình Khương và Thuận Hòa ở Chợ Lớn. Đặc biệt về hình thức, mỗi truyện của loại nầy người viết và nhà in xếp đặt sao cho đầy 16 trang. Về hình thức, trang bìa, giấy màu, có hình khắc ván thường kèm theo hai câu lục bát, trang cuối ghi lại tất cả những quyển cùng loại đã xuất bản. Bên trong sự trình bày cũng độc chiêu, mỗi hàng in câu lục và câu bát kế tiếp nhau chớ không xuống hàng giữa câu lục và câu bát như ngày nay. Quán nhỏ của người cô tôi sinh sống và nuôi hai anh em tôi ăn học nằm ở góc nhỏ của Chợ Cầu Ông Lãnh là đường Boresse và đường Quai de Belgique, lúc đó bán tạp hóa, tạp hóa có nghĩa bán nhiều thứ không dính dáng gì với nhau, từ xà-bông Cô Ba, bri-dăn-tin ba số 5 tới tiểu thuyết hay va-li, túi xách, xi-ra Kiwi, mực viên Ara, thuốc tẩy Toàn Trắng, kem đánh răng Gibbs, Kol, phấn trắng đánh nón đánh giàyEverblanc, dây giày, sữa Con Chim…. Truyện thơ bình dân nói trên và truyện Tàu của nhà in Trí Đức Thư Xã ở đường Sabourin là những món hàng bán chạy, tuy không lời nhiều, nhưng được nhiều người mua. Khách hàng tất cả đều là người lao động ở gần đó hay dân quê miệt vườn theo ghe chài lên Sàigòn bán tam tứ thập vật, có thể là cá, khô, lu, hủ hay mía, thơm, dừa; có thể là bàn ghế, chiếu lát hay cát dùng để trộn hồ, hoặc nước uống[3]. Họ ghé lại mua một vài cuốn truyện cho mình hay mua giùm lối xóm vì đâu phải ai cũng rảnh rang mà cơm ghe bè bạn lên được Sàigòn? Nhiều ông già bà cả tới quán cô tôi, cố gắng nhớ lại được cái tựa mà không biết lựa sách vì không biết chữ, thằng nhỏ mười tuổi là tôi phải lựa giùm. Và tôi đọc hết tất cả mấy chục quyển thơ ấy với mấy chục bộ truyện Tàu dầy cui của nhà Tín Đức Thư Xã đương một mình một chợ lúc nầy. Cứ trốn vô góc sạp coi cho cẩn thận, đừng làm rách, rồi thế nào cũng bán được như là sách mới, bởi vì không phải ai ai cũng có thể đi ra Sàigòn, hay vô Chợ lớn vì một cuốn truyện.
(more…)