Nguyễn Vy Khanh
Tìm hiểu hành trình văn nghệ của một số nhà văn thế kỷ XX, chúng tôi thích thú khám phá Nguyễn Tuân, Xuân Diệu viết phê bình văn học đặc sắc không thua gì thơ văn của họ: Nguyễn Tuân độc đáo khi viết tổng luận về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Du, cũng như Xuân Diệu khi viết về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Đó là những văn nghệ sĩ đi từ sáng tác đến thể loại phê bình, khảo cứu. Nguyễn Văn Sâm là một trường hợp ngược lại, có thể do hoàn cảnh phải sống xa quê hương, ông khởi đầu sự nghiệp với những công trình nghiên cứu nghiêm túc về văn học trước khi sáng tác, viết truyện. Các biên khảo của ông đều lấy chủ đề là văn học miền Nam (Văn Học Nam Hà, Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam, Văn Chương Nam Bộ) là những đóng góp độc đáo cho mảng văn học thường không được đánh giá đúng mức này. Ông đã đi xa hơn hai cuốn Văn Học Miền Nam của Phạm Việt Tuyền và Đông Hồ và đã đưa vào văn học sử mảng văn học yêu nước và kháng chiến của miền Nam, phần nào “chính danh” lại cho những văn nghệ sĩ miền Nam vốn vẫn bị đảng cộng sản sử-dụng cho chiêu bài “yêu nước” của họ. Về sự chuyển hướng, chính tác giả đã cho người đọc biết: “qua Mỹ viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt ngay trên quê hương hay lạc loài tha hương” (1). Về sáng tác, Nguyễn Văn Sâm đã xuất bản Câu Hò Vân Tiên (1985), Ngày Tháng Bồng Bềnh (1987). Trong bài này chúng tôi viết về tập Khói Sóng Trên Sông mới do tạp chí Văn (CA) xuất bản đầu năm 2000, đúng ra là một vài cảm tưởng về thể loại truyện ngắn và văn chương miền Nam, qua chữ nghĩa của Nguyễn Văn Sâm.
(more…)