Archive for the ‘Phan Tấn Hải’ Category

Phan Tấn Hải


GS Nguyễn Văn Sâm (trái) đón sinh nhật thứ 81 nơi một quán
cà phê Little Saigon và nhà báo Phan Tấn Hải.

Rất đáng khâm phục là sức làm việc hy hữu nơi một vị giáo sư già, sức đã yếu và tóc đã bạc trắng. Trong các dự án đang viết của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, có những tác phẩm bên bờ cơ nguy biến mất, nếu không được diễn Nôm và chú giải. Đó là những gì tôi thấy bùi ngùi khi nói chuyện về một nền văn hóa của quá khứ và khó tìm lại được nữa trong một ngôn ngữ có thể hiểu được cho quần chúng. Sinh nhật thứ 81 của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm là hôm Chủ Nhật 21/3/2021. Trong dịp này, nhà báo Phan Tấn Hải hân hạnh được ngồi hàn huyên mừng sinh nhật và phỏng vấn giáo sư về các dự án đang viết và sẽ viết.
(more…)

Phan Tấn Hải

Nhân loại đang đối phó với một trận dịch bệnh vô cùng nguy hiểm. Những mong manh của đời người hiển lộ ra rõ ràng hơn. Những khổ đau không còn là chuyện nghe nói của ký ức hay chỉ đọc trong sách vở, nhưng là những gì hôm nay chúng ta nhìn thấy ngay ngoài phố, góc chợ và màn hình điện thoại. Giữa các khổ đau trùng trùng của phận người như thế, tôn giáo đã trở thành nơi nương tựa thiết thân cho nhiều người, trong đó các lời cầu nguyện và than khóc được ghi vào âm nhạc và thi ca như các bậc thang hướng về cõi an lành, nơi đó đi song song với khổ đau là hy vọng. Bài này sẽ khảo sát về bốn tôn giáo lớn của nhân loại qua mắt nhìn thi ca về khổ đau và hướng tới hy vọng, sẽ viết theo thứ tự đông tín đồ nhất — Thiên Chúa Giáo nhiều hệ phái (31.5% dân số thế giới), Hồi Giáo (23.2%), Ấn Độ Giáo (15.0%), Phật Giáo (7.1%) — trong đó 3 tôn giáo lớn nhất tin vào Đấng Sáng Tạo, duy chỉ Phật Giáo nói rằng không hề có Thượng Đế nào trên đời này cả.
(more…)

Phan Tấn Hải

Cứ mỗi tháng 2 dương lịch, Hoa Kỳ lại đón mừng Tháng Lịch Sử Da Đen (Black History Month), nhằm vinh danh thành quả của người da đen Hoa Kỳ, một truyền thống lần đầu tổ chức vào năm 1926 bởi sử gia Carter G. Woodson và kéo dài tới bây giờ.

Đặc biệt trong năm 2020, Tháng Lịch Sử Da Đen mang thêm một ý nghĩa là kỷ niệm 150 năm Tu Chánh Án Thứ 15 (Fifteenth Amendment), nội dung cho người đàn ông da đen quyền đi bầu cử, cũng như kỷ niệm 100 năm Tu Chánh Án Thứ 19, nội dung cho phụ nữ quyền đi bầu cử.

Bên cạnh các hoạt động văn hóa, như phim ảnh, triển lãm, kịch nghệ, diễn hành… trong Tháng Lịch Sử Da Đen có một truyền thống lặng lẽ, nhưng đầy chiều sâu: đọc sách. Bạn có thể đề nghị giới trẻ trong cộng đồng Việt một tác phẩm nào để các em đọc, để ý thức rằng sự kỳ thị màu da là có thực và rất đau đớn, và Phật Giáo đã trở thành nơi nương tựa của rất nhiều người da đen Hoa Kỳ hiện nay.
(more…)

Phan Tấn Hải

Trong khi nhiều bạn vẫn còn đọc đi đọc lại nhiều bài thơ của Nguyễn Hàn Chung trong thi tập Lục Bát Tản Thần (2018), thi sĩ đã bắt đầu ấn hành tập thơ mới và phát hành trên mạng Lulu.

Trong khi nhan đề thi tập năm 2018 nghe rất là vang dội giỡn cợt – bạn thử đọc rất chậm từng chữ “Lục Bát Tản Thần” sẽ nghe khúc khích tiếng cười thi sĩ – thì thi tập mới có nhan đề rất mực nghiêm trang, “Mót Chữ Trong Kinh,” dù độc giả đọc cách nào đi nữa, như đọc xuôi rồi đọc ngược, cũng sẽ nghe rất mực nghiêm trang. Như dường đây là chuyện của nhà chùa, hay có nghịch lắm (nếu bạn nhớ tới kiểu thi sĩ Nguyễn Hàn Chung ưa bỡn cợt) thì cũng có thể là những mối tình có bối cảnh sân chùa. Vậy mà không phải.

Không phải. Kinh đây không hề có nghĩa kinh điển hay đạo học gì. Kinh chỉ đơn giản là kinh, và muốn hiểu sao cũng được, nhưng không mang nghĩa tôn giáo chi cả.
(more…)

Phan Tấn Hải

Tập hồi ký nhan đề “Trung Kiên với Lý Tưởng: Cuộc Phiêu Lưu Saigon-Kabul” của Tiến Sĩ Kinh Tế Đinh Xuân Quân gói gọn gần trăm năm lịch sử của gia tộc ông dự kiến sẽ ra mắt tại Quận Cam vào giữa tháng 2/2020.

Buổi giới thiệu sách sẽ thực hiện tại: Westminster Community Service Center, 8200 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683 vào ngày 15/02/2020 từ 1:00pm-4:00pm.

Trong khi chúng ta thấy rất nhiều tập hồi ký về thời kỳ những năm sau 1975, sách này của TS Đinh Xuân Quân sẽ kể về gia tộc họ Đinh xuyên suốt gần 100 năm lịch sử, chiếu rọi thêm ánh sáng về thời Việt Minh tan rã, dẫn tới thời kỳ CSVN truy sát người quốc gia, rồi tới thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, và thời kỳ sau 1975.

Trong tập hồi ký có ghi lại một số sự kiện, từ điểm nhìn và hoàn cảnh của tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua thời kỳ Hoàng Đế Bảo Đại — trong đó, thân phụ tác giả Định Xuân Quân là cụ Đinh Xuân Quảng từng giữ các chức Bộ Trưởng trong nhiều nội các của Thủ Tướng Nguyễn Phan Long, Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân, Thủ Tướng Trần Văn Hữu, Thủ Tướng Hoàng Thân Bửu Lộc — trở về nghề thẩm phán dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, soạn thảo Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hòa và tranh cử Quốc Hội lập Hiến (1966-1967)…
(more…)

Phan Tấn Hải


Tượng đài nơi Khu lưu niệm Nguyễn Du
ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (Photo: VietnamPlus)

Thi hào Nguyễn Du (1766–1820) mang trong tâm rất nhiều nỗi buồn sâu thẳm… Đó là điểm nổi bật hiện ra khi đọc lại thơ Nguyễn Du, nơi đó từng trang sách, từng câu văn là những suy nghĩ rất buồn. Hình ảnh Nguyễn Du trong văn học Việt Nam đã trở thành một đỉnh cao ngôn ngữ, một tượng đài thi ca cho muôn đời sau, tuy tuổi thọ của cụ chỉ 54 tuổi (ghi nhận, một số sách cũ ghi rằng Nguyễn Du sinh năm 1765, nhưng các sách mới ghi theo Nguyễn tộc gia phả viết rằng Nguyễn Du sinh năm 1766).

Như thế, năm nay, năm 2020, là 200 năm tính từ năm cụ khuất núi. Nguyễn Du từng có thời xuất gia… Nếu cụ ẩn trong chùa, sống suốt một đời tăng sĩ, hẳn là chúng ta sẽ thấy sự nghiệp văn học của cụ mang ngôn phong khác; có thể sẽ là một Thiền sư để lại nhiều bài thơ Thiền và một số sách luận giải kinh điển. Nhưng khói lửa thời ly loạn đã kéo Nguyễn Du về với nội chiến phân tranh, và tâm hồn lãng mạn đã dẫn cụ về những những hình bóng giai nhân trong thơ (và cả trong đời thường).
(more…)

Phan Tấn Hải

Trong khi chờ năm mới, một trong những niềm vui lớn là có vài ngày thư thả để lòng lắng xuống, mở trang sách xưa để đọc lại thơ Thiền… Năm nay, niềm vui của tôi là đọc tác phẩm “Thơ Thiền Lê-Nguyễn Zen Poems” – một tuyển tập song ngữ Anh-Việt, một công trình văn học mất hơn 10 năm để thực hiện.

Bản sách giấy trong lần xuất bản 2019 của NXB Hội Nhà Văn chỉ in 500 ấn bản, dày 160 trang, trên khổ giấy quý 25 X 25 cm.

Chủ biên là Nguyễn Bá Chung; dịch thơ tiếng Việt là Nguyễn Duy – Nguyễn Bá Chung; dịch thơ Anh ngữ là Sam Hamill – Nguyễn Bá Chung; Hòa Thượng Thích Phước An viết Lời giới thiệu (trang 11-13); Nguyễn Duy Sơn thực hiện phần hình ảnh; Nguyễn Duy thiết kế tổng thể; Võ Anh Thơ thiết kế mỹ thuật.
(more…)

Phan Tấn Hải


Thi sĩ Pablo Neruda (1904-1973)

Nhà thơ Pablo Neruda (1904 – 1973) đã viết những dòng thơ tình tuyệt vời và độc đáo. Có thể gọi là thiên cổ kỳ văn. Pablo Neruda là nhà thơ lớn nhất của dân tộc Chile, theo nhận định của nhiều nhà phê bình. Đúng thực như thế, Neruda là nhà thơ Chile có số lượng thơ được dịch ra Anh văn nhiều nhất.

Tiểu thuyết gia Gabriel García Márquez, người Colombia, từng gọi Neruda là “nhà thơ lớn nhất trong thế kỷ 20 trong bất kỳ ngôn ngữ nào.” Cả hai đất nước Chile và Colombia đều nằm ở Nam Mỹ, cùng sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha. Pablo Neruda được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải Văn Học Nobel 1971.

Thơ của Neruda cực kỳ lãng mạn, chữ của ông như chạm thẳng vào tim người đọc. Thí dụ như:

Đêm nay tôi có thể viết những dòng buồn nhất.
Tôi yêu nàng, và nàng đôi khi cũng yêu tôi…

(more…)

Phan Tấn Hải

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu trong năm 2017 đã phát hành tập truyện ngắn “Gập Ghềnh” của nhà văn Lưu Na.

Nơi trang đầu, trước khi vào truyện, nhà văn Lưu Na viết những dòng chữ đẩy cảm xúc về nghĩa “gập ghềnh” trong truyện và trong đời tác giả, trích:

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời

Tôi vào đời, một cuộc đời rất xa lạ, không có má dắt tay. Trên đất lành “không thấy phố không thấy nhà chỉ thấy mưa sa…”, tôi bước một mình chông chênh như qua cầu khỉ trên biển sóng dập dềnh lòng mang mối hận không còn thấy lại má. Rồi như một phép lạ, tôi đã trở về bước lại trên con đường xưa nghe mặt đất ấm bàn chân lưu lạc. Mà buồn sao phố xá nguy nga không còn bóng mưa sa, và lòng cứ bập bềnh tiếng sóng. Tôi đi, tôi về, không còn biết đâu là điểm khởi hành. Bước buồn tôi vẫn bước, nhưng mỗi chân mỗi quê – “quê nhà quê người”, chỉ là những bước gập ghềnh.

Lưu Na
(more…)

Phan Tấn Hải


Nhà thơ Lê Giang Trần và tập thơ mới ra (Photo PTH)

Thi sĩ Lê Giang Trần tuần qua vừa phát hành thi tập mới, nhan đề rất mực gió lộng ngàn trùng: Pha Thơ Vào Biển Gió.

Tập thơ mới ấn hành để kết thúc một năm 2019, đầy những giông bão tình yêu của chàng thi sĩ lãng mạn vào hàng thượng thừa trong làng chữ nghĩa hải ngoại.

Thi tập “Pha Thơ Vào Biển Gió” do nhà xuất bản Sống ấn hành, với tranh bìa và một số phụ bản của họa sĩ Đinh Trường Chinh. Trong thi tập dày 260 trang còn có một hình vẽ tác giả do họa sĩ Trịnh Cung Thực hiện. Và một số hình ảnh được ghi lại qua ống kính camera của Trịnh Cung và Trần Triết.
(more…)

Phan Tấn Hải


Hai ấn phẩm của Nguyễn Thị Khánh Minh và Trịnh Y Thư trong buổi ra mắt sách.

Hai tuyển tập nói nơi đây là tuyển tập thơ “Ngôn Ngữ Xanh” của Nguyễn Thị Khánh Minh và tuyển tập tạp bút “Chỉ Là Đồ Chơi” (ấn bản 2019) của Trịnh Y Thư. Cả hai người viết đều là những tài năng dị thường, nổi tiếng từ nhiều thập niên với các bút pháp độc đáo, uyên áo – và là hai chân trời cách biệt nhưng đều rất mực thơ mộng.

Hai tuyển tập trên cùng được Văn Học Press tổ chức ra mắt sách hôm Thứ Bảy 5/10/2019 tại quán cà phê Hạt Ngò ở Garden Grove, Quận Cam.

Thi tập “Ngôn Ngữ Xanh” của Nguyễn Thị Khánh Minh dày 210 trang, mở đầu là bài “Thơ về Thơ: Ở Đâu Một Ánh Mắt Để Có Ngôn Ngữ Xanh?” của Tô Đăng Khoa được dùng làm Tựa, với Phụ Lục của sách là các bài viết hay thơ của Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Xuân Thiệp, Đinh Cường, Vũ Hoàng Thư, Đỗ Hồng Ngọc, Hoàng Xuân Sơn, Lê Giang Trần, Nguyễn Lương Vỵ, Đỗ Xuân Tê, Phan Tấn Hải, Trịnh Y Thư, Nguyễn Thị Thanh Lương. Một tranh của Du Tử Lê được dùng làm phụ bản đầu sách. Và phần chính tuyển tập là thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh, gồm ba phần: “Phần 1: Phút Mong Manh Giữa Những Từ” với 33 bài thơ; “Phần 2: Ký Ức Xanh” với 20 bài thơ; “Phần 3: Ngôn Ngữ Xanh” với 32 bài thơ.
(more…)

Phan Tấn Hải

Cuộc chiến vì tự do và dân chủ của người dân Hồng Kông vẫn còn rất nhiều gian nan. Chính quyền Hồng Kông, với hỗ trợ từ chính phủ Hoa Lục, vẫn tăng áp lực trên những tiếng nói dân chủ — và quấy nhiễu bằng mọi phương tiện… Thi ca trên các báo mạng cũng là một mặt trận mới, bên cạnh lựu đạn hơi cay trên đường phố.

Nghị viên có lập trường dân chủ Jeremy Tam, 44 tuổi, đã xin từ nhiệm ra khỏi việc làm trong hãng hàng không Cathay Pacific Airways. Từ khi được bầu vào nghị viện năm 2016, Tam vẫn có tên trên danh sách phi công mặc dù đã ngưng lái các chuyến bay định kỳ nữa.

Bây giờ anh rút lui hẳn ra khỏi Cathay Pacific Airways (CPA) để công ty thoát “trận bão chính trị” vì áp lực từ Bắc Kinh đối với các nhân viên hàng không ủng hộ biểu tình. Vậy là CPA phải để ra đi 4 phi công, 2 viên chức phi trường, Tổng quản trị Rupert Hogg và Phó Tổng quản trị Paul Loo Kar-pui. Tam nói rằng anh kết thúc 18 năm phi công với Cathay, và đó là công việc anh rất mực yêu thích.
(more…)

Phan Tấn Hải

Huyền thoại thường nghe: tu thiền dễ bệnh khùng khùng điên điên. Sự thực: y khoa Hoa Kỳ từ nhiều thập niên đưa ra các cuộc nghiên cứu chứng tỏ lợi ích của thiền tập. Sự thực nữa: trong hàng chục triệu người khùng khùng điên điên trên khắp thế giới, đại đa số không biết gì về Phật giáo. Thêm sự thực nữa: Phật giáo gần với khoa học hơn bao giờ hết, trong khi hầu hết các tôn giáo khác đều hoang tưởng với các tín lý vô căn cứ… và hoang tưởng là một dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt.

Từ rất lâu rồi, có lẽ cũng hơn nửa thế kỷ, thỉnh thoảng lại nghe lời đồn rằng những người tu thiền hay luyện khí công sẽ dễ bị điên. Hình như huyền thoại này ban đầu xuất phát từ các tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, trong đó có một số nhân vật bị “tẩu hỏa nhập ma” – nghĩa là, lửa nội hỏa sẽ chạy loạn kinh mạch Nhâm Đốc nào đó, và thế là khùng khùng điên điên, tuy rằng võ công có khi thâm hậu xuất chúng. Lời đồn từ tiểu thuyết bỗng nhiên ám ảnh đời thường ở nhiều người dân thành thị.
(more…)

Phan Tấn Hải


Nhà biên khảo Vy Thanh

Bạn muốn tìm một tác phẩm nói đầy đủ về cuộc đời ông Hồ Chí Minh, người mang Chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam, bằng tiếng Anh để hế hệ trẻ hải ngoại hiểu được vì sao bạn kinh sợ Chủ nghĩa CS và trở thành người tỵ nạn? Bạn muốn giải thích cho thế hệ trẻ về những thảm cảnh dân tộc đã trải qua dưới chế độ CS? Bạn muốn thế hệ trẻ đọc các hồ sơ mật bằng Anh văn về ông Hồ Chí Minh từ các văn khố an ninh của Nga, Trung Quốc, Pháp quốc… để biết về khuôn mặt thật của người khai sáng chế độ CSVN? Bạn muốn thế hệ trẻ đọc về ông Hồ với một số giấy tờ nêu nghi vấn ông thủ tiêu một số lãnh đạo CSVN thời kháng Pháp (như Hoàng Đình Giong) để giành quyền lãnh đạo, hay về chuyện Nguyễn Thị Minh Khai (vợ chính thức của Lê Hồng Phong) có đứa con gái với ông Hồ, hay về hồ sơ và hình ảnh nhân vật Thiếu Tá Hồ Quang có phải đã đóng thay ông Hồ sau khi Nguyễn Ái Quốc có tin đã chết… Có một tác phẩm nghiên cứu viết bằng tiếng Anh đi tìm câu trả lời cho bạn.
(more…)

Phan Tấn Hải


Nhà thơ Abraham Sutzkever (1913 –2010)

Abraham Sutzkever (1913 –2010) là một thi sĩ nổi tiếng trong ngôn ngữ Yiddish – một tiếng nói sử dụng trong các cộng đồng Do Thái ở Trung Âu và Đông Âu thời kỳ trước Holocaust, cuộc diệt chủng bằng các lò thiêu do Đức phát xít thực hiện. Báo The New York Times viết rằng Sutzkever là nhà thơ vĩ đại của trận diệt chủng Holocaust.

Sutzkever sinh ngày 15/7/1913, tại Smorgon, Vilna Governorate, thuộc Đế Quốc Nga, bây giờ là quốc gia Belarus. Trong Thế Chiến 1, gia đình ông dọn sang Omsk, Siberia, nơi đó thân phụ ông là Hertz Sutzkever từ trần. Năm 1921, mẹ ông đưa cả gia đình sang định cư ở Vilnius, nơi đây Sutzkever vào trường giành cho trẻ em gốc Do Thái. Những bài thơ đầu tiên của ông viết trong tiếng Hebrew, một cổ ngữ dùng trong Kinh Thánh và Do Thái Giáo và rồi chuyển hóa để trở thành quốc ngữ của nước Israel thời mới.
(more…)

Phan Tấn Hải

Sách dày khoảng 630 trang, khổ giấy 6X9 inches, bên cạnh các bài thơ là những bài lý luận phức tạp, bên cạnh một số tranh minh họa của Ngọc Dũng, Thái Tuấn… cũng là các đồ hình lý luận về thơ Tân Hình Thức và cả khoa học…

Nhà thơ Khế Iêm đã xuất hiện rất mực Khế Iêm… Thơ Tân Hình Thức thường bị ngộ nhận là khó hiểu và bí hiểm. Nhưng nơi đây, độc giả sẽ không thấy thơ Khế Iêm khó hiểu hay bí hiểm… thực sự nhiều câu thơ rất dễ hiểu. Thí dụ, như bốn câu đầu bài thơ nhan đề “Tân Hình Thức và Câu Chuyện Kể” nơi trang 13, trích:

Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề
đường và kể lại câu chuyện đã được
kể lại, từ nhiều đời mà đời nào
cũng giống đời nào, mà lời nào cũng…

(more…)

Phan Tấn Hải


Nhà thơ Lưu Nguyễn

Nhà thơ Lưu Nguyễn là bạn học với tôi từ thời xa xưa, thời trước 1975, khi cùng học Ban Triết ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và cùng hoạt động trong Nhóm Nghiên Cứu Triết Học, cùng làm báo thời sinh viên. Đó là một thời rất mực thơ mộng, thời của giấy mực, đúng nghĩa là giấy mực, vì thời đó chưa có máy vi tính, cũng chẳng hề có điện thoại… nghĩa là, thời của “viết” thực sự, không hề có động từ “gõ” trong sáng tạo, dù là làm thơ hay viết văn.

Lúc đó tôi nhớ hình như anh bạn này chưa hề dùng bút hiệu Lưu Nguyễn. Và cũng lúc đó, tôi có một thành kiến rất lạ là, hễ sinh viên nào từ xứ Quảng vào Sài Gòn học đều phải là nhà thơ, bởi vì đó là những gì tôi thấy trong tiếp cận ở sân trường. Sau này lưu vong ra xứ người, tôi mới nhạt dần thành kiến đó (không phải ai cũng có cái hào quang xứ Quảng như thế, hơi tiếc).
(more…)

Phan Tấn Hải


Denise Ho

Dàn hàng ngang nơi tuyến đầu biểu tình tại Hồng Kông là giới trẻ hoạt động cho dân chủ. Họ là những người cảm tử, vì tương lai của họ và thế hệ sau của họ nằm trên những bước tiến hay lùi của họ bây giờ. Trong hàng ngũ đó, những người đồng tính luyến ái luôn luôn bước ra hàng đầu kình chống với cảnh sát; những người như họ không có đường lùi, vì trong khi xã hội Hồng Kông kỳ thị họ chỉ một phần, xã hội và chế độ Hồng Kông kỳ thị họ gấp nhiều lần hơn.

Ra trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ) tuần qua, vào ngày 8/7/2019, một khuôn mặt đại diện cho những người biểu tình là Denise Ho, một ca sĩ nổi tiếng và cũng là một lãnh đạo đi đầu trong những cuộc biểu tình của phong trào dân chủ Hồng Kông năm 2014. Trước đó hai năm, vào ngày 10 tháng 11/ 2012, Denise Ho công khai tuyên bố là người đồng tính trong cuộc diễn hành Hong Kong Pride Parade thường niên lần thứ tư.
(more…)

Phan Tấn Hải

Nhạc sĩ Phạm Duy là một thiên tài. Rất hiếm hoi để có một tài năng như thế. Tôi đã nghe nhạc Phạm Duy từ thời mới lớn, qua nhiều thể loại nhạc, phần lớn thời xa xưa là nghe qua các làn sóng phát thanh tại Sài Gòn, và rồi nghe qua băng Cassette – đó là những năm chưa có máy truyền hình màu, và dĩ nhiên là rất xa với kỷ nguyên Internet bây giờ. Chỉ gần đây, nghe được ca khúc “Xuân Hành” qua CD Phạm Duy Hát Vào Đời trong đó gồm 10 ca khúc do ca sĩ Bích Liên chọn và hát. Tôi không biết rằng việc mưu sinh bằng nghề bác sĩ của chị Bích Liên có ảnh hưởng gì tới việc chọn lựa nhóm ca khúc này từ cả ngàn ca khúc của Phạm Duy hay không, nhưng tự nhiên một bài trong CD lưu mãi một câu hỏi trong tôi, và nhiều ngày đầu mới nghe, tôi cứ nghĩ rằng ca khúc đó có tên là “Người Là Ai” – nhưng đó là nhớ nhầm, nhan đề đúng của ca khúc đó là “Xuân Hành”…

Ngay từ dòng nhạc đầu tiên, sức mạnh của chữ “ai” đã chụp lấy suy nghĩ của tôi:

Người là ai, từ đâu tới
và người ơi, người sẽ bước chân về nơi nao?

(more…)

Phan Tấn Hải


Xu Lizhi (1990-2004)

Nhà thơ Xu Lizhi (1990-2014) là một hình ảnh bi thảm trong thời đại chúng ta. Anh sống và chết như một bóng mờ rất nhỏ trong lịch sử Trung Quốc. Anh là một người lao động nhập cư, làm việc tới kiệt sức hàng ngày. Những gì anh để lại là hơn 200 bài thơ, ghi lại những đau đớn phận người lao động nhập cư. Tài liệu về Xu nơi đây được dịch sang tiếng Việt từ nhiều bài báo tiếng Anh.

Tên anh là Xu Lizhi (hình như phiên âm ra tiếng Việt có lẽ là Hứa Lập Chí?)… Anh sinh ngày 18/7/1990 tại một vùng quê có tên Jieyang (hình như phiên âm là Kiệt Dương), và chết ngày 30/9/2014 tại Thẩm Quyến. Xu bỏ quê lên thành thị, làm việc cho hãng Foxconn và chỉ sau khi anh tự sát, truyền thông mới để ý tới anh, sau khi các bạn anh phổ biến các bài thơ anh làm khi sinh thời.
(more…)

Phan Tấn Hải

Những cuộc biểu tình diễn ra tại Hồng Kông từ cuối tháng 4/2019 tới bây giờ vẫn thực hiện trong những ngày cuối tuần. Mục tiêu các cuộc biểu tình là chống lại dự luật dẫn độ Hồng Kông 2019 – dự kiến, theo dự luật, nhằm để Hồng Kông dẫn độ các nghi can từ Hồng Kông về Hoa Lục để xét xử.

Có nghĩa là, hệ thống pháp lý Hồng Kông trở thành một trung tâm tạm giam để chuyển nghi can về cho một hệ thống pháp lý khắc nghiệt hơn trong đại lục, nơi báo chí bị siết chặt hơn ở Hồng Kông và là nơi các quan sát viên quốc tế sẽ bó tay, bị bịt mắt.

Nhiều cuộc biểu tình lớn đã thực hiện ở Hồng Kông, trong đó cuộc biểu tình ngày 9/6/2019 thu hút hơn 1 triệu người tham dự, cuộc biểu tình ngày 16/6/2019 với hơn 2 triệu người tham dự. Đó là những con số kỷ lục. Hình ảnh đường phố chen chúc người biểu tình, như dường không kẽ hở để đi lại. Toàn dân Hồng Kông đồng thuận rằng, phản đối dự luật dẫn độ nghi can từ Hồng Kông vào Hoa Lục, nghĩa là, dân Hồng Kông phải bị xét xử bởi tòa án Hồng Kông, không để cho hệ thống tòa án Bắc Kinh xét xử.
(more…)

Phan Tấn Hải

Tuần lễ này là tưởng niệm 30 năm trận thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh, khi Quân đội CS Trung Quốc tràn vào Thiên An Môn ngày 4 tháng 6/1989 với xe tăng và súng máy, giải tán cuộc biểu tình vì dân chủ của sinh viên, công nhân và trí thức.

Số người bị bắn chết, và bị xe tăng cán chết tại Thiên An Môn ước tính dè dặt là từ 200 tới 2,500 người, theo nhiều cách tính từ nhiều nguồn độc lập. Con số thực, có thể chết tới 10,000 người. Hầu hết bị chiến binh bắn chết, một số bị xe tăng cán chết.

Trận thảm sát được gọi là “Sự kiện Thiên An Môn,” hình ảnh chủ lực là những cuộc biểu tình ngày đêm ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, kéo dài từ ngày 15 tháng 4/1989 tới ngày thảm sát là ngày 4 tháng 6/1989. Nhưng trên toàn quốc thời gian đó có biểu tình rải rác tại 400 thành phố trên toàn Trung Quốc.
(more…)

Phan Tấn Hải

Nhà xuất bản Văn Học Press vừa ấn hành tiểu thuyết Những Ghi Chép Ở Tầng Thứ 14 của Thận Nhiên… Đây là những trang giấy rất buồn. Từng chữ và từng hình ảnh trong tiểu thuyết dội lại trong hồn người đọc về một đất nước và con người Việt Nam một thời chiến tranh tan nát, và rồi một nền hòa bình buồn bã.

Tiểu thuyết này đã được giải văn xuôi của Văn Việt năm 2018. Khi viết những dòng cho Lời Tựa để ấn hành sách năm 2019, nhà văn Thận Nhiên đang ở Detroit, tiểu bang Michigan. Ông viết rằng tiểu thuyết này là hư cấu, dựa trên một số chi tiết đời thật. Khởi sự tiểu thuyết viết từ năm 2014, lúc đang sống ở Sài Gòn, ở căn hộ tầng 14, trong một chung cư ở huyện Bình Chánh.
(more…)

Phan Tấn Hải

Truyện Thạch Sanh Lý Thông có liên hệ gì với tư tưởng Phật giáo? Nơi đây, chúng ta thử suy nghĩ về chủ đề này, trong dịp Giáo sư Nguyễn Văn Sâm biên dịch, chú giải và ấn hành Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông.

Truyện cổ tích Thạch Sanh Lý Thông được kể qua văn học truyền khẩu nhiều thế kỷ trước khi xuất hiện truyện thơ cùng tên. Thường được gọi tắt là truyện Thạch Sanh. Do vì xuất sinh từ văn học truyền khẩu, nên có nhiều phiên bản khác nhau.

Riêng về truyện thơ, cũng có ba dị bản khác nhau, tất cả đều bằng thể lục bát. Như thế, ông bà mình đã ưa thích truyện này một cách đặc biệt.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm


Nhà văn Phan Tấn Hải

Không cứ là chuyện cổ tích bao giờ cũng khởi đầu giọng kể bằng “Ngày xửa ngày xưa…” Mỗi chúng ta hôm nay vẫn quen dùng tới nó khi nhớ lại một kỷ niệm đã trôi trong quá khứ. Ngày xưa, tôi từng gặp anh. Anh ở bên Mỹ sang đây, tay bắt mặt mừng những hai lần. Một lần có diễn ra Đại Hội Văn Bút tổ chức ở Montréal (1989). Lần khác anh lặn lội về chung vui cùng nhà văn hoạ sĩ Võ Đình để rồi chung buồn trong vấn nạn khôi hài có tên gọi “động đất ở Mộng Lệ An” (1992). Ngày xửa, anh có tặng tôi tập truyện ngắn “Cậu Bé Và Hoa Mai”. Ngày xưa, dù tổn thất do trận động đất gây ra có lớn tới mức nào đi chăng nữa, xấu xa rồi cũng chóng vuột trôi; nhưng tôi vẫn nhớ, tôi không quên một người: Anh Phan Tấn Hải. Nhớ nụ cười hiền, nhớ mái tóc thưa, nhớ giọng nói chậm rãi thường chứa những ẩn dụ bên trong, dẫu ngập ngừng như kiểu đắn đo trước khi bày tỏ. Nhớ ngày xưa, thấy trán anh bị sưng một nốt bằng ngón tay cái, không dằn lòng tôi buột miệng hỏi để có ngay câu trả lời: Đêm qua Phật chỉ trăng, tôi thưa ồ trăng sáng quá. Phật cười khẽ búng ngón tay vào trán tôi.
(more…)

Phan Tấn Hải

Nhà thơ Đỗ Nguyên Mai vừa ấn hành tập thơ cho ngày 30 tháng 4 năm 2019: Battlefield Blooming.

Tập thơ ấn hành cho ngày tưởng niệm 44 năm Miền Nam sụp đổ dày 60 trang, viết bằng Anh ngữ, vì bản thân nhà thơ Đỗ Nguyên Mai thuộc thế hệ trẻ tại Hoa Kỳ, trước giờ chỉ làm thơ tiếng Anh.

Thi tập do nhà xuất bản Sahtu Press ấn hành.

Tập thơ gồm 40 bài thơ, trong đó có bài dài hai trang — như bài “The Warrior’s Wife” trang 8-9 — và có bài ngắn chỉ 4 câu.

Tuy là rất kiệm chữ, nhưng nhiều bài thơ ngắn mang sức mạnh rất lớn, đặc biệt đối với   người Việt tỵ nạn (và có thể là xúc động cho tất cả những người tỵ nạn toàn cầu).

Thí dụ như bài thơ bốn dòng, trang 13 như sau:

THE REFUGEES

Bones washed
barren onto shores,

we smell of salt;
we open wounds

(more…)

Phan Tấn Hải

Cảm giác đầu tiên khi đọc tác phẩm mới này của Đỗ Hồng Ngọc, có thể thấy rằng đây là những dòng chữ từ một người sắp ra đi… Chẳng phải sao, ngay trên tựa sách đã ghi là “Về thu xếp lại…” (VTXL).

Đúng là trong các tản văn có nói về tuổi già, về bệnh, về những người bạn đã ra đi – trong đó, ngay ở Lời Ngỏ là ghi lại hình ảnh tới thăm người bạn thân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tại phòng Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tác giả Đỗ Hồng Ngọc, một bác sĩ về hưu và đang giữ thói quen Thiền tập hàng ngày, tự ghi lại hình ảnh của mình, trích:

“…Thấy những bạn trẻ… trên dưới bảy mươi mà “gato”! Mới vài năm thôi mà mọi thứ đảo ngược cả rồi. Bây giờ có vẻ như tôi đang lùi dần về lại tuổi ấu thơ, tuổi chập chững, tuổi nằm nôi…” (Lời Ngỏ, VTXL)
(more…)

Phan Tấn Hải


Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn

Chữ nghĩa của Nguyễn Đình Toàn là một phần rất lớn trong thời đi học của tôi. Cũng như sương buổi sớm, không mấy ai thấy rõ, nhưng sương vẫn bay phả khắp trời – chữ của Nguyễn Đình Toàn là như thế trong trí nhớ tôi thời còn mang sách tới trường. Bàng bạc, nhưng làm ướt tóc, ướt vai.

Trong cái nhìn thời mới lớn của tôi, Nguyễn Đình Toàn là hiện thân của Hà Nội, là những gì rất mực tinh tế, nhạy cảm. Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, bạn trong xóm toàn Nam Kỳ rặt, bước ra đầu hẻm là một tiệm hớt tóc lúc nào cũng có bàn cờ tướng cho mấy bác trong xóm tụ họp khề khà, hễ đi xe đạp ngang qua tiệm thường là nghe từ la-dô (máy radio) để nơi một kệ trong tiệm vang lên mấy câu ca từ những tuồng cải lương, thí dụ “ngày mai đám cưới người ta, vì sao sơn nữ Phà Ca lại buồn”… Thế cho nên, khi vào trung học Chu Văn An là một chân trời khác hẳn, hầu hết là Bắc Kỳ — chữ này gọi không đúng, nhưng là để đối lại hình ảnh trên, vì cậu học trò trong tôi lúc đó đồng nhất tất cả nơi đây là Hà Nội. Vâng, trung học Chu Văn An là hiện thân Hà Nội, nơi nhà thơ Vũ Hoàng Chương dạy văn, nơi thầy Nguyễn Đình Quỹ dạy toán. Cũng là Hà Nội dưới mắt tôi, kể cả khi tôi học Pháp văn từ thầy Nguyễn Đăng Thường, một người Nam Kỳ thuần.  Nghĩa là, Hà Nội là một phẩm chất của văn hóa khó tìm. Và rồi, cùng bạn hữu la cà các tiệm cà phê, tôi gặp một Hà Nội được hiện thân qua Nguyễn Đình Toàn.
(more…)

Phan Tấn Hải


Nhà thơ W. S. Merwin (1927-2019)

Nhà thơ W. S. Merwin vừa từ trần trong một giấc ngủ hôm 15/3/2019. Trong gần nửa thế kỷ, ông cũng nổi tiếng là một Phật tử, thực tập theo Thiền Tông Nhật Bản. Cuộc đời ông là một điển hình của giới trí thức Hoa Kỳ thập niên 1960-1970s, nhiều người nghiêng về Phật giáo khi nhìn thấy xã hội Hoa Kỳ tranh cãi về Chiến Tranh Việt Nam và khắp thế giới chiến tranh như dường bất tận.

Nhà phê bình thi ca Reginald Shepherd viết trên Poetry Foundation về các thi phẩm  thời kỳ đầu của Merwin, được viết trong thời Chiến Tranh Việt Nam: “Đó là những bài thơ không được viết cho một nghị trình [chính trị], nhưng đã thiết lập ra một nghị trình. Trân trọng giữ gìn và tái sáng tạo thế giới trong những chữ từ ái. Merwin luôn luôn quan tâm với quan hệ giữa đạo đức và mỹ học, cân nhắc cả hai phía đồng đều nhau. Thơ của ông là một đáp trả đối với một thế giới đã tan rã, không phải như những vùng địa lý nhưng là như các sự kiện thẩm mỹ.”
(more…)

Phan Tấn Hải


Họa sĩ Võ Đình

Trong tương lai gần, nhà thơ Đỗ Quý Toàn sẽ tổ chức một cuộc triển lãm tại hội trường nhật báo Người Việt dài hai ngày – trong đó, sẽ trưng bày là toàn bộ tranh của họa sĩ Võ Đình (1933-2009) để lại và đang được gìn giữ bởi người vợ cuối đời là chị Trần Lai Hồng.

Nhà văn Lê Thị Huệ từ San Jose đã cho biết như trên; khi được tin, tôi đã xin tới thăm chị Trần Lai Hồng tại nhà người anh của chị ở Huntington Beach, California. Chị Trần Lai Hồng nói chuyện và đi đứng còn chậm, vì vừa mới hồi phục từ một trận đột quỵ khi còn ở Florida, và sau đó đã dọn nhà từ Florida về Quận Cam, nơi nhà người anh ruột.

Nơi phòng khách giữa căn nhà Huntington Beach của người anh của họa sĩ vẽ lụa Trần Lai Hồng còn để nguyên kiện nhiều gói hàng gửi qua phi cơ, trong đó là những họa phẩm của họa sĩ Võ Đình, chỉ mới mở ra một vài tấm tranh. Như thế, ước lượng khoảng 30 tác phẩm hội họa của họa sĩ Võ Đình. Chị Trần Lai Hồng cho biết, bản thân chị cũng học vẽ từ họa sĩ Võ Đình, và chị cũng ưa vẽ mặt trăng như anh… Trong dịp này, chị cũng sẽ triển lãm một số tranh chị vẽ, trong đó người xem có thể nhìn thấy ảnh hưởng của phong thái Võ Đình.
(more…)

Phan Tấn Hải

Rất mực gian nan để kể lại chuyện của rất nhiều thập niên trước. Trí nhớ tôi bây giờ lúc nào cũng lãng đãng, sương mù. Khi khởi lên ý định kể lại mấy chuyện thời nhỏ, chỉ thấy hiện lại trong trí nhớ một khoảng sân trắng, mấy đứa nhóc quậy phá, những lọ mực tím, những tập vở kẽ hàng, mấy bàn học, lối đi có hai hàng tre xanh, âm vang trong đầu là tiếng ê a đánh vần… Tôi đã điện thoại để hỏi chị tôi về tên của vài người xa thật xa, nhưng cũng chỉ được vài phần, những nét kể lại cứ như hư, như thực.

Xóm Chuồng Bò thì nhớ tên rồi. Hình ảnh con bò thực ra lúc đó không còn nữa. Đúng ra cứ khi rạng sáng, khi nghe lộp cộp trên đường là biết ngay xe thổ mộ (may quá, còn nhớ chữ này, chứ không lại bảo là xe ngựa thì chẳng giống ai) từ trong Xóm Chuồng Bò chạy ra Chợ Hòa Hưng. Còn xóm ao rau muống thì chẳng thể nhớ tên gì. Lối đi từ nhà tôi vào Xóm Chuồng Bò có vài hẻm, những bụi tre xanh cao vút bên đường, dẫn tới mấy ao rau muống trong tận mấy xóm sâu. Lúc đó phía dưới là cát trắng.
(more…)

Phan Tấn Hải

Tôi có một thói quen rất bình dân, là rất mực ưa thích những gì gọi là bình dân. Chính vì như thế, tiếng Việt tôi sử dụng thường là bình dân, không có gì cầu kỳ, kiểu cọ, chẳng hề sang chảnh ngữ ngôn cách điệu gì cả. Nói cách khác, chữ tôi dùng rất mực nhà quê, ưa theo đám đông quần chúng.

Thí dụ, tôi ưa dùng theo đám đông, viết là “hồi ký” thay vì “hồi kí” và chẳng hề có thì giờ để xem các nhà ngữ học tranh cãi về y hay i. Đời mình chẳng có bao nhiêu ngày để sống, chẳng bận tâm những chuyện có thể là đã nằm ngoài tầm hiểu biết của mình. Đất nước lại chẳng có một Viện Hàn Lâm ở cấp quốc gia để thống nhất các chuyện như thế.

Thế rồi cũng mệt với dấu gạch nối. Thí dụ, một số nhà ngữ học viết có gạch nối là “hồi-ký” – người khác viết là “hồi-kí” và độc giả trung bình cỡ như tôi là khựng lại.

Sau này, tôi quyết định giữ thói quen kiểu Mỹ là đi con đường ngắn nhất, đơn giản nhất. Đó là, cứ viết “hồi ký” với y và không gạch nối.
(more…)

Phan Tấn Hải


Nhà thơ Hà Nguyên Du và tạp chí Văn Học Mới số 1. (Photo PTH)

WESTMINSTER, Calif. (PTH/VB) — Văn Học Mới, một tạp chí văn học nghệ thuật với tham dự của hàng chục nhà văn, nhà thơ vừa phát hành trên toàn cầu qua mạng Amazon.

Trong ấn bản số 1 — tạp chí này phát hành mỗi năm 3 số — người ta thấy có bài lý luận, truyện, bút ký, thơ và sáng tác của những khuôn mặt lớn văn học nghệ thuật hải ngoại: Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Vĩnh Long, Đức Phổ, Phan Ni Tấn, Nguyễn Trung Hối, Hoàng Ngọc-Tuấn, Biển Bắc, Nguyễn Minh Triết, Trần Việt Hải, Hà Nguyên Du, Đặng Phú Phong, Khế Iêm, Quan Dương, Thanh Thương Hoàng, Xuân Thủy, Hạ Du, Nguyễn Văn Sâm, Ngô Tịnh Yên, Phạm Quốc Bảo, Khánh Trường, Phan Tấn Hải, Hạ Quốc Huy, Nguyễn Đức Tùng, Ngã Phương Huyền, Nguyễn Lương Ba, Hải Phương, Phạm Xuân Đài, Trần Yên Hòa, Du Tử Lê, Hà Bạch Quyên, Nguyễn Thị Thảo An, Thành Tôn…

Nhà thơ Hà Nguyên Du phụ trách việc điều hành tạp chí Văn Học Mới, trong khi phụ tá là Vương Thư Sinh, phần kỹ thuật nhà xuất bản VHM do Phạm Hồng Thái trách nhiệm.
(more…)

Phan Tấn Hải


Bùi Giáng (1926-1998)
Phan Tấn Hải phác họa

Nhiều lời Đức Phật dạy trong kinh điển có thể được nhìn thấy qua nhà thơ Bùi Giáng.

Toàn thân Bùi Giáng chính là Khổ Đế hiển lộ qua cái được thấy. Tương tự, với Tập Đế.

Nụ cười của Bùi Giáng chính là Đạo Đế hiển lộ an lạc qua cái được thấy. Tương tự, với Diệt Đế.

Bùi Giáng đùa giỡn ca ngâm với lời lời ẩn nghĩa chính là diệu chỉ tâm không dính mắc của Kinh Kim Cang, hiển lộ qua cái được thấy và cái được nghe.
(more…)

Phan Tấn Hải

Từng trang trong tiểu thuyết “Có Một Thời Nhân Chứng” khi lật qua trước mắt tôi, y hệt như tấm gương chiếu rọi về một thời kỳ nửa thế kỷ trước; đó là những ngày thơ mộng sinh viên, hạnh phúc của những mối tình thời mới lớn, và đau đớn khi nhìn thấy xóm làng chia cách giữa lằn ranh nội chiến. Từng trang là hình ảnh hiển lộ từ một cuốn phim đen trắng của thời nghệ thuật điện ảnh chưa có màu… là một dòng chảy thời gian của dân tộc in sâu trong ký ức của thế hệ sinh viên Sài Gòn trong các năm cuối thập niên 1960s và đầu 1970s. Nơi đó tôi nhìn thấy hình ảnh Miền Nam trong cuộc nội chiến dai dẳng, nơi lằn ranh quốc-cộng có khi rất mờ nhạt nơi sân trường đại học Sài Gòn – nơi có những người bạn của tôi đứng ở cả hai bên lằn ranh quốc-cộng mờ nhạt đó. Và trong ký ức đó, có rất nhiều người đã mất một phần thân thể cho cuộc chiến, hay đã nằm xuống nơi chiến trường, nơi nhà tù sau 1975, nơi biển lớn Thái Bình Dương, và rồi khắp mọi nơi chúng ta có thể nghĩ tới.

Đó là một thời kỳ, như tác giả Lê Lạc Giao viết nơi Chương Những Kẻ Mang Vác Trên Lưng Nấm Mồ của “Có Một Thời Nhân Chứng” (CMTNC) là khi cả một thế hệ của anh: “…kêu gào ‘chiến tranh ơi hãy dừng lại một ngày!’ nhưng ngày vẫn trôi, máu vẫn đổ và việc giết nhau cứ tiếp tục…”
(more…)

Phan Tấn Hải


Sinh viên và trí thức Nam Hàn biểu tình đòi dân chủ tháng 5/1980, bị đàn áp dữ dội.
Kết quả: 165 người chết, 76 người mất tích, hơn 3,500 người bị thương.
(Photo courtesy of The 5.18 Memorial Society)

Đất nước nào cũng từng trải qua các cuộc chiến tranh với nước khác, cũng có khi trải qua những cuộc nội chiến trong dân tộc mình, hay là những phong trào tranh đấu vì lý tưởng dân chủ, tự do. Đó là những sự kiện lớn, khi nhiều ngàn người, và có khi cả triệu người hy sinh. Cuộc chiến nào cũng mang theo các vết thương đau đớn, dù là cuộc chiến Quốc Cộng tại Việt Nam các năm 1954-1975, hay như với phong trào Thiên An Môn tại Trung Quốc năm 1989, hay phong trào đấu tranh dân chủ Gwangju Democratization Movement tại Nam Hàn tháng 5/1980.
(more…)

Phan Tấn Hải

Nhà thơ Trần Yên Hòa vừa phát hành thi tuyển “Trần Yên Hòa: Hơn Năm Mươi Lăm Năm Thơ”… Đó là một tuyển tập gói trọn một đời thơ, cũng là nơi mang rất nhiều tình tự với quê nhà, với những khung trời kỷ niệm tình ca.

Đó là một tập thơ, khi bạn mở ra đọc vài trang, sẽ thấy như bị lôi cuốn đi mãi theo dòng ngôn ngữ. Bởi vì, thơ Trần Yên Hòa có nơi không còn là chữ, mà đã là cái gì rất gần gũi với chính bạn. Tuyển tập thơ của anh không chỉ là dấu mốc sáng tạo thi ca Trần Yên Hòa, mà cũng là một tấm gương soi mặt hồn thơ cho một một thế hệ, những người sinh ra và trưởng thành trong một cuộc nội chiến, và đã đào tỵ vào thơ như một thế giới hòa bình bay bổng riêng.
(more…)

Phan Tấn Hải


Họa sĩ Võ Đình (1933-2009)

Tôi có một vài ký ức về họa sĩ Võ Đình. Gặp nhau thực sự không nhiều, nhưng hình ảnh về anh vẫn khắc sâu trong trí nhớ.

Trong những ngày tôi cư trú ở Virginia, gặp họa sĩ Võ Đình thường là trong một số sự kiện cộng đồng, có khi tại nhà một vài người trong giới văn nghệ — mà thời đó, những năm cuối thập niên 1980s, tôi là một người tuổi nhỏ, so với các bậc tôn túc có dịp quen thân và làm việc chung, như Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhà văn Trương Anh Thụy, nhà bình luận Trương Hồng Sơn (bây giờ là họa sĩ Trương Vũ)…

Không khí văn nghệ thời đó ở Virginia vui lắm: mọi người, cho dù nổi tiếng thế nào đi nữa – thí dụ, giỏi nhiều ngôn ngữ xuất sắc như GS Nguyễn Ngọc Bích và phu nhân (chị Đào Thị Hợi cũng là một giáo sư về ngữ học tại một đại học ở thủ đô Washington DC), vẫn là những hình ảnh gần gũi, dễ thấy, dễ nói chuyện.
(more…)

Phan Tấn Hải

Thi ca, chiến tranh, và hòa bình. Khi xác người nằm xuống, và khi thi ca thức tỉnh…

Hai miền Nam, Bắc Hàn đang bước sang một trang sử mới. Hòa bình nằm trong tầm tay, khi hai lãnh tụ Nam, Bắc Hàn dự kiến sẽ ký văn bản chính thức kết thúc cuộc chiến Triều Tiên. Tuy rằng thống nhất còn xa, nhưng bước đầu tiên đã có được. Nơi đây, chúng ta sẽ đọc lại một số bài thơ của nhà thơ Bắc Hàn Kim Chul, người trong thập niên 1950s và những năm đầu thập niên 1960s được ca ngợi là thi sĩ hàng đầu của Bắc Hàn, thường làm thơ về tình yêu và từng được một số nhà phê bình gọi là “Pushkin của Triều Tiên.” Bài viết sẽ dựa trên nhiều nguồn tiếng Anh.
(more…)

Phan Tấn Hải


Nhà thơ Lý Thừa Nghiệp

Anh là một nhà thơ độc đáo, làm thơ y hệt như người hát Kinh Phật. Không phải một hình thức đọc tụng Kinh Phật như đời thường. Thơ Lý Thừa Nghiệp không đời thường, tuy vẫn nói về Sóc Trăng quê ngoại, nói về mẹ, nói về em, nói về Melbourne với Cù Lao Dung… nhưng tất cả hình ảnh đời thường hiện lên trong thơ anh đều nhắc tới những pháp ấn, rằng tất cả các pháp là bất như ý, là vô thường, là không gì nắm bắt được. Thơ Lý Thừa Nghiiệp là một thân chứng về cõi đời này, trong niềm vui đã ẩn tàng nước mắt, trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt, trong những tình cờ gặp gỡ vừa khởi lên đã thấy những rỗng lặng trống không của tâm hiện ra.
(more…)