Archive for the ‘Trangđài Glassey-Trầnguyễn’ Category

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Đã bốn chục ngoài. Mà còn bị con nít dụ.

Ảnh biểu tui để tóc dài. Đặng ảnh nựng tóc.

Mèn ơi! Đã để đờ-mi-gạc-xong cả chục năm nay. Cho nó gọn, nhẹ, mau, lẹ. Wash and go. Không mất thời gian giặt tóc giũ tóc hong tóc. Không cần cài, kẹp, bới, xấy gì hết. Giờ để tóc dài hả? Mệt chết! Nội cái chuyện gội đầu cũng mất bao nhiêu thời gian và hao tốn nước của tiểu bang Vàng đang đìu hiu vì cháy rừng và khô hạn triền miên. Tội lỗi quá! Hồi mới cắt tóc ngắn, tôi đã tâm nguyện: xuống tóc cứu hạn! Hạn hán của tiểu bang. Và hạn hán trong cái quỹ thời gian của người mới tập làm mẹ và nhiều đam mê. Giờ lại để tóc dài. Vậy là… “tái phát hạn” sao?

Hồi tui mới xuống tóc, anh Hai ngẩn ngơ. Mấy bữa trước, tui nói với chồng tui:

(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn


Bà Triệu

trưa xuân nồng
lần khân giã cuộc
giấc điệp hồng
nựng nịu tương lai
rừng trí nhớ
tạp nhạp gá nghĩa
những niềm xưa
xiêu vẹo lối về
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

sáng. mùng Ba chập chờn mở mắt
ký ức lừ đừ đủng đỉnh bước ra
cõi hồn nhiên trùm lên ngôi nhà đổ
hạnh ngộ vầng dương. bỏ bạn bè
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn


“Thời sinh viên có cây đàn tranh xưa” ở phòng ký túc xá.

Đàn Xưa, Sách Cũ

Giữa tháng Mười, 2020. Hay tin Nhà sách-nhạc Tú Quỳnh đóng cửa, tôi buồn. Ở cái thời COVID-19 này, có bao nhiêu điều vui? Tuần trước, Ba Mẹ qua chơi với em út, Mẹ nói cháu gái muốn tìm thêm sách tiếng Việt. Tôi lật đật chạy vô kệ sách Việt Ngữ của mình, chọn sách ngữ pháp, sách sử, tự điển, và một số tập thơ để Mẹ đem về cho cháu. Đây là sách tham khảo của tôi, nhưng thấy cháu ham học thì tôi hết lòng hỗ trợ. Cô giáo Việt ngữ mà! Nghe ai tìm sách là hoan hỉ giúp liền! Mấy chục năm nay là vậy, quen rồi. Hai hôm sau, tôi gọi cho chị gái, báo tin cuối tuần đó, Tú Quỳnh sẽ mở cửa hai ngày cuối. Tôi hỏi chị có muốn đưa cháu đi coi sách không, nếu không thì tôi đưa. Hỏi cháu thích đi với mẹ hay đi với dì, thì con bé trả lời nước đôi. Thế là tôi một mình biểu quyết: đi với dì. Bữa sau qua thăm Mẹ tôi, cháu gái nói sẽ đi với mẹ, vì mẹ nói để mẹ chở cháu đi, dì khỏi chạy vòng vòng mất công. Tôi mới phải bật mí là, “Trước khi đi tiệm sách, mình sẽ đi xem đàn nữa!” Dì muốn có ‘surprise’ cho cháu nên không nói trước, nhưng cùng đường, đành phải bật mí. Hồi hè, con bé ngỏ ý nhờ tôi dạy đàn tranh. Tôi đang hoàn tất một dự án nghiên cứu, nên hẹn với cháu, sau khi xong việc, sẽ bắt đầu dạy đàn tranh cho cháu. Nhưng muốn dạy thì phải có hai cây đàn, nên tôi đã hỏi thăm và xin hẹn, rồi hôm đó đưa cháu đi cùng để cháu chọn cho vừa ý.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
(Một thành viên của Văn Phòng Giới Trẻ và Sinh Viên Công Giáo)

Mỗi lần tôi tới thăm, Dì hay kể chuyện Dì vui đùa bên con cái. Chuyện các con hay chọc Dì khi Dì nói giỡn. Các con hay kêu, “Mẹ à!” Cái chữ à, Dì kéo thật dài.

Những ai gặp Dì lần đầu sẽ không biết những ngổn ngang niềm riêng Dì chôn chặt trong lòng. Dì hay nói, “Sao bây giờ Dì quên nhiều lắm.” Ai lớn tuổi mà lại không hay quên. Tôi chưa lớn tuổi mà cũng hay quên nè. Dì không hẳn bị lẩn. Phần nhiều là bị mất thăng bằng về tình cảm. Dì hay nhắc chuyện cũ với người thân, nhất là Bà Ngoại và con trưởng của Dì. Rồi có lúc, Dì nói chuyện như thể người Mẹ đã đi xa mười mấy năm của Dì vẫn còn sống.

Qua những tâm sự của Dì, tôi chứng kiến những khoảnh khắc thương tâm của quá khứ như những trận mưa trút trời rơi xuống trên Dì. Dì xoè đôi tay đã khẳng khiu vì tân toan cuộc đời và sự hao mòn của năm tháng ra để hứng. Nước mưa cứ tuôn qua kẽ tay, đi hết. Còn nỗi đau cứ bám lại trên tim. Nên khi kể lại lúc xa Bà Ngoại để đi định cư ở Mỹ, Dì nghẹn lời. “Bà Ngoại đưa Dì ra phi trường. Dì thấy Bà Ngoại chảy nước mắt.” Và khi xa con gái duy nhất, Dì cũng chảy nước mắt. Ký ức lặng lẽ cuộn lấy Dì. Như nắng hè cuộn lấy con đường quê. Dài hun hút.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
* thời Cồ Vít, Vít Cồ Cồ *

ĐÍNH CHÍNH

CON nít. CON mắt lớn. LỚN hơn cái bụng. LỚN hơn rất nhiều.

Mỗi lần thấy Con lấy nhiều thức ăn, thì Mẹ hồ hởi, phấn khởi, luôn miệng khen Con ăn giỏi. Con nở mũi, khoái chí được Mẹ khen và cũng muốn ăn nhiều cho mau lớn.

Nhưng muốn thì muốn vậy, mà bao tử nó chẳng chìu! Ăn nửa chừng là ứ hò hen. Phải ngưng. Làm sao giờ? Ăn không xong là… mất mặt, vì mình đã oai phong lẫm liệt múc nhiều mà! Mẹ không cần ngó cũng biết. Mẹ nguýt một cái ngọt sớt, hỏi:

– No rồi hả? Ăn hông nổi chứ gì!

– Dạ!

– Để đó đi. Mẹ ăn phụ cho. Lần sau lấy vừa đủ. Con ăn xong, rồi muốn ăn nữa thì lấy thêm nghe.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn


96 thuyển nhân được thuyền trưởng Jeon Yong cứu

1. Cha về với Biển

Em viết email ngắn. Ngắn hơn bình thường. Nhưng em nói ngay từ đầu: Em có tin buồn. Rất buồn.

Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.

Mẹ gọi em để báo tin sáng nay. Mẹ nói tim Cha tự nhiên ngưng đập. Họ hàng ở quê phụ Mẹ lo tang lễ. Mẹ nói Mẹ không sao, nhưng Mẹ lo cho em nhiều hơn.

Em vẫn không thể tin là Cha đã ra đi. Em khóc cả ngày.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
* riêng kính tặng Nấm, Gấu, Mẹ Nấm, Ngoại Nấm

Mẹ bị bắt hai năm nay
hai con nương mái tóc
bạc như sương của Ngoại
tìm sống

Mẹ lao lý
con lao lung
trên một quê hương lao tù
một dân tộc lao đao, lảo đảo

sẩy Mẹ bú Dì
vắng Mẹ, níu Bà
Ngoại choàng tay nối dài tình Mẹ
Ngoại nhập vai Ngoại, vai Mẹ, vai Cha
ba vai oằn nặng hai vai
mưu sinh tối đen
tương lai bất định
bất công xé tan chân lý
cường quyền giẫm nát lương tâm
Ngoại hát đùa với Gấu
Ngoại thủ thỉ với Nấm
những đêm dài vô tận
con đường Mẹ Nấm đã chọn,
Ngoại Nấm một lòng theo
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

LGT: Sau đây là bài phát biểu của tác giả tại buổi ra mắt sách “Biệt Đội Thiên Nga” của Thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ, Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga thuộc Khối Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia, Việt Nam Cộng Hoà; hiện là Hội trưởng Kế nhiệm của Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa. Buổi ra mắt sách do Hội Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Nam California tổ chức tại Thư Viện Việt Nam, thành phố Westminster, lúc 2 giờ đến 5 giờ chiều thứ Bảy, mồng 7 tháng 7, 2018. Chương trình gồm có phần phát biểu của Đại Tá Trần Minh Công, nguyên Viện Trưởng Viện CSQG; tác giả; Nhà văn Toàn Như – Nhữ Đình Toán, cũng là đồng môn tốt nghiệp Khoá 1 CSQG với Thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ; và Nhà thơ Trạch Gầm. Để có sách, xin liên lạc Thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ tại thienngathanhthuy@gmail.com hay 714 837 5998, 714 952 5009.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn


Luật sư Đoàn Thanh Liêm (1934-2018)

Lần cuối tôi gặp Luật sư Đoàn Thanh Liêm là tại buổi ra mắt sách “Thung Lũng Tử Thần” của Nhà báo quá cố Vũ Ánh, trong phòng hội Nhật báo Người Việt, Quận Cam, California, Hoa Kỳ, chiều ngày 19 tháng 7, 2014. Bà quả phụ Ngô Yến Tuyết mời Nhà văn Phạm Xuân Đài và tôi phát biểu về quyển sách. Bài phát biểu của tôi có tựa đề “Hít Thở Bóng Tối Hy Vọng với Nhà báo Vũ Ánh.” Tại sao nói về trại tù cải tạo mà lại là ‘hy vọng’? Mà lại còn ‘hít thở bóng tối hy vọng’? Xin thưa, đó là vì:

Hy vọng không chỉ sau khi đã tìm thấy tự do, mà hy vọng ngay giữa lòng chảo tử thần. Hy vọng chính là cứu cánh duy nhất của người tù cải tạo, hay của bất cứ ai sống dưới chế độ Cộng Sản, ở nơi mà tác giả đã chân thành thổ lộ, “Sự chọn lựa giữa cái đói cào cấu và sự giữ thẳng lưng cũng như nhân cách là một chọn lựa khó khăn!” (tr. 97). (more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Mừng sinh nhật thứ chi chi của Hoàng Xuân Sơn


Hoàng Xuân Sơn
dinhcuong

một với một là hai
hai không trăm mười bảy
nhớ đến một ngày sinh
Xuân với Sơn cùng Hoàng

người thích ghẹo Nàng Thơ
mê thi-văn bằng hữu
phóng bút tập ‘cần nhau’ [1]
lơ với mơ ngoài lề
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Chiều thứ Ba chớm thu. Tôi ra bưu điện Garden Grove gởi tập thơ về quê. Mẹ nói Ban Giám Hiệu của trường phổ thông trung học Trương Định ở quê tôi muốn có tập thơ đầu tay của tôi. Có nhiều người ở quê tôi còn giữ tập thơ, nhưng không muốn cho trường mượn, sợ trường xin luôn. Dì tôi còn giữ hai quyển mà 15 năm trước tôi đã gởi tặng Ông Bà Ngoại. Ông Bà tôi đã khuất mấy năm nay, nhưng tôi đã ghi tặng cho Ông Bà, nên Dì nói gởi cho trường cũng không tiện.

Đó là tập thơ đầu tay của tôi, được xuất bản năm 2002 tại Đại học Cal State Fullerton, mang tên “nếu Mẹ thích – if you like, Mom.” Thơ song ngữ với bản dịch 13 thứ tiếng, với các bài nhận định văn học từ Tiến sĩ Thomas Klammer, Trưởng khoa ngành Khoa Học Xã Hội tại Đại học CSU Fullerton, và các vị giáo sư khác. Có lẽ vì tình Mẹ vốn là một đề tài muôn thưở của nhân loại, nên 1,000 quyển thơ đã nhanh chóng di cư vào cõi người, chỉ còn dăm quyển ở lại với tôi. Tôi giữ để làm quà cho các con. Có một số Thầy Cô dạy Việt Ngữ đã đề nghị tôi tái bản tập thơ nhiều lần, mà tôi mãi lo thai nghén bồng ẵm mười năm nay, nên chưa vâng lời các Thầy Cô được. Tháng Hai năm 2016, khi tôi hướng dẫn khoá tập huấn cho Trường Việt Ngữ Kitô Vua thuộc Giáo xứ St. Columban ở Garden Grove, Cô Hiệu trưởng đã để dành vài bản trong suốt 14 năm và tặng cho các Thầy Cô. Một cô giáo đã nói với tôi:

– Trong sách có nhiều bài thơ ngắn dễ thương để dạy các em tập đọc.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn


Nhà văn Hồ Đình Nghiêm

20 tháng 10 năm ni
sinh nhật thơm giòn cõi trước
văng vẳng nến chữ hiện về
mừng người âm ty thức dậy

tay chân, ừ rằng, ừ rí
từ cọ, từ sắc, từ tranh
cố đô nửa đời thắt dạ
đầu thai trong ngực, nằm ì
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn


Tác giả đang thuyết trình về chủ đề của Khoá TNSP

Tác giả soạn bài viết này cho phần Hội thảo Chủ đề của Khoá Tu Nghiệp Sư Phạm (TNSP) kỳ 29 ngày 28-30 tháng Bảy, 2017, do Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California tổ chức tại Coastline Community College, thành phố Garden Grove, Quận Cam, Hoa Kỳ. Chủ đề của khoá là “Tiếng Việt Truyền Thống Đối với Thầy Cô Giáo Trẻ.” Khoá có 68 người trong Ban Tổ Chức, 34 giảng viên, và 168 khoá sinh đến từ nhiều nơi tại Hoa Kỳ và Canada, gồm các Thầy Cô đang dạy tiếng Việt tại 35 trường (các trường công lập và các trung tâm Việt Ngữ trong cộng đồng), và 4 cá nhân dạy tại nhà. Bài phát biểu nhắm tới ba việc sau đây: 1. Thử định nghĩa tiếng Việt truyền thống đối với cộng đồng người Việt hải ngoại; 2. Đưa ra một số nhận xét tại sao chúng ta cần tìm về tiếng Việt truyền thống; và 3. Lược qua một số tài liệu giúp quý Thầy Cô tiếp tục phát triển khả năng hiểu biết và sử dụng tiếng Việt truyền thống khi dạy Việt Ngữ. Kính mời quý độc giả theo dõi.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Chúng ta đang sống trong thời đại khai phóng của thông tin đa chiều, của toàn cầu hoá, và của những cuộc thám hiểm đi tìm miền đất di dân mới trên Hỏa tinh. Ở một thời đại như thế, những con đường mòn trên mặt đất tưởng chừng sẽ mang lấy kiếp huyền thoại, một hình bóng xa xôi.

Nhưng không hẳn như vậy. Trong đời sống hằng ngày, những con đường mòn của cõi người vẫn là điểm nối của những sinh hoạt muôn thuở, dắt người ta đi về giữa muôn trùng hợp tan, sinh tử. Và con đường vẫn là biểu tượng của những hành trình bất biến trong kiếp nhân sinh, một tín hiệu cốt lõi trong sự hiện hữu của loài người.

Trong tuyển tập đa dạng “Bàng Bạc Gấm Hoa,” tác giả Mặc Lâm vạch ra một con đường mòn tưởng thân quen, mà lại khai phóng, tưởng gần gũi, mà thật vời vợi. Một con đường của cõi văn hoá, sáng tạo Việt Nam. Con đường mang tên Mặc Lâm. Con đường Mặc Lâm gửi đi những tín hiệu từ tiềm thức, bung những thước lụa sáng tạo, tủa đi những biểu đạt tim óc. Con đường ấy chỉ là khởi điểm, hướng độc giả đến những vùng trời văn hóa Việt Nam miên trường từ muôn thưở.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn


Nhóm Tài Năng Trẻ của CLB Tình Nghệ Sĩ góp mặt trong buổi ra mắt sách

1. Bao năm miệt mài

Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt (CLB Hùng Sử Việt) và Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ miền Nam California (Ban Đại Diện) vừa cho ra mắt “Sổ Tay Chính Tả Tập 1″ (STCT) và bộ “Việt Sử Bằng Tranh Tập 1-4” (VSBT). Chương trình ra mắt sách được trực tiếp truyền hình trên Đài SBTN tại Garden Grove, California vào chiều Chúa Nhật, 28 tháng 5, 2017. Đây là một chương trình đặc biệt nhằm giới thiệu các tài liệu tham khảo về tiếng Việt khá quan trọng, nhất là cho việc sử dụng tiếng Việt hằng ngày, từ cách nói đến cách viết. Chương trình bao gồm các phần phát biểu cảm tưởng và văn nghệ sinh động nhằm đề cao những nét đẹp của tiếng Việt.
(more…)

Trangđài Glasssey-Trầnguyễn

Cảnh Đồng QuêSơn dầu - Văn Đen
Cảnh Đồng Quê
Văn Đen

Con mở cửa ngày đầu tháng Chạp
vạt đàn tranh
đưa võng
tiếng trời

rạ ôm ruộng
húp bầu đất cạn
buổi chợ chiều lấp lửng
khô ran
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

tranh-ga-hoa_hong

Gió thổi bần bật. Tôi nhìn từ cửa sổ thông khói ở nhà bếp, thấy mấy ngọn tre gần đìa lạng ngụp lặn liên hồi. Tôi cứ sợ gió mạnh quá, sẽ thổi tung những lớp lá dừa nước và những sợi lạt lên trời, để sườn nhà đứng trơ trụi. Cả căn nhà sẽ hóa vào vũ điệu không tên trong ngày đầu năm này. Cái nhà bếp cũng sẽ bay lên, mang theo những hòn than đỏ hồng, và tấm đan nặng mà Ngoại kê lên cao, trên đặt bếp đất, dưới chất củi. Gió lớn quá, làm tôi sợ vẩn vơ, chứ căn nhà lá của Ngoại tuy đơn sơ, nhưng khang trang, vững chắc. Cột và xà đều làm bằng gỗ tốt, trụ đổ xi măng, không dễ gì ‘bay’ theo gió. Vách và mái đều được lợp bằng lá dừa nước đã chẻ đôi, phơi khô. Lợp khít và dày, nên nhà chắc chắn, lại mát mẻ, thoáng khí. Sườn nhà làm bằng gỗ bạch đàn do Ông Ngoại trồng quanh nhà từ mấy năm trước, đốn xuống, ngâm dưới ao cho chắc và tiệt mối, rồi mới đem xây nhà.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

tran_chuc_3
Nhạc trưởng Trần Chúc

1. Khi Trần Chúc yêu…

Nhạc trưởng Trần Chúc đang yêu.

Ở cái tuổi hoa râm, tình yêu của ông là tình yêu trọn vẹn của một người đã về hưu, có thể dành hết thời gian cho người ông yêu. Khi yêu, người ta thích nghĩ đến người mình yêu, và muốn được ở gần người đó. Và khi tình yêu đã lan chảy trong từng thớ thịt đường gân, từng phút giây của đời sống, thì người ta muốn nói cho cả thế giới biết về người yêu rất đỗi tuyệt vời của mình, về tình yêu quá ư nhiệm mầu ấy. Nhạc trưởng Trần Chúc cũng vậy. Ông muốn nói cho mọi người biết về một Đấng-Yêu-Tuyệt-Đối: Thiên Chúa. Ông đã nói qua nhiều cách trong suốt cuộc đời ông, từ những ngày ông làm ca trưởng ở Nhà thờ Đức Bà (1970-1972) tại Sàigòn, và mới đây nhất, là qua đêm Thánh nhạc mệnh danh “Chúa Là Tình Yêu” tối ngày 28 tháng 10, 2016 tại Arboretum, Thánh đường Christ Cathedral, thành phố Garden Grove, California.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn thực hiện & hiệu đính

tran_chuc
Nhạc trưởng Trần Chúc

Lời ban biên tập: Nhân dịp Ban Hợp Xướng Magnifica thực hiện chương trình thánh nhạc “Chúa là Tình Yêu,” chúng tôi hân hạnh giới thiệu cuộc phỏng vấn do Trangđài thực hiện với Nhạc trưởng Trần Chúc. Nhạc trưởng Trần Chúc tốt nghiệp Cử nhân Văn Chương Pháp tại Viện Đại Học Saigon, tốt nghiệp Cao học Điện Toán tại Hoa Kỳ sau 1975 nhưng đam mê âm nhạc, nhất là hát hợp ca. Ông tự học hát, điều khiển ca đoàn, hoà âm và phối khí. Ông đã trình diễn nhiều bài hát nghệ thuật với giọng tenor và là nhạc trưởng trong nhiều chương trình âm nhạc giá trị ở Việt Nam cũng như ở Mỹ. Ông điều khiển Ca đoàn Trùng Dương (1973-1975) và Ca đoàn Nhà thờ Đức Bà (1970-1972) tại Saigon. Từ 1989-2004, ông là Nhạc trưởng và Thành viên Sáng lập của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, và đã hoà âm cho hợp ca nhiều giọng cũng như dàn nhạc đại hoà tấu nhiều bài hát Việt Nam do Ngàn Khơi trình diễn. Từ 2005 đến nay, ông là Nhạc trưởng và Đồng Sáng Lập Viên của Magnifica Chorale. Từ 2015 đến nay, ông cũng là Nhạc trưởng Ban Hợp Xướng Viện Việt Học (https://tranchuc.wordpress.com/).
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

me_con-le_pho
Mẹ con
Lê Phổ

Anh Hai tức tưởi, vừa khóc vừa nấc, tiếng đặng tiếng mất:

– Mẹ nói (hic hic) với Ủn Ủn (hic) ngọt (hic) hơn là nói với con (hic hic)!

Tôi chưng hửng. Lần đầu thấy người yêu sáu tuổi của mình khóc tức tưởi và tận tình tới vậy, tôi nửa ngạc nhiên, nửa lo lắng. Hồi tôi sanh Anh Tư, Anh Hai đã buồn lắm. Đêm đầu tôi xuất viện về, Anh Hai nằm chờ cho tới khi mọi người đã ngủ, còn tôi đi bơm sữa, mới leo xuống giường, đến bên, nhìn tôi khẩn khoản:

– Mẹ là Mẹ của con thôi nghe Mẹ! Ba là Ba của em!
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

hoat_canh_giang_sinh-houston
Hoạt cảnh Giáng Sinh

Trong hai mùa lễ trọng Giáng Sinh và Phục Sinh, nhiều cộng đoàn Việt Nam trong Giáo phận Orange thường diễn lại những biến cố chính của các bài phụng vụ lời Chúa. Mùa Giáng Sinh thì có đêm canh thức, hoạt cảnh Giáng Sinh. Trong Mùa Chay, giới trẻ thường diễn lại cuộc khổ nạn của Chúa, mà một số người gọi là “Chặng Đàng Thánh Giá sống.” Các sinh hoạt đạo đức này không phải là phụng vụ chính thức của Giáo Hội, nên không có quy luật rõ ràng phải theo từ Giáo Hoàng đến giáo dân. Do đó, những việc đạo đức này được thực hiện theo sáng kiến và tuỳ theo văn hoá, hoàn cảnh giáo hội địa phương, và bản sắc của mỗi dân tộc. Tuy vậy, những diễn nguyện tôn giáo nếu nặng về hình thức và trang phục hoa hoè mà thiếu chiều sâu tâm linh sẽ đi ngược lại với ý nghĩa của một sinh hoạt đạo đức, biến giáo dân thành người xem thay vì là người dự – những người xem bất đắc dĩ và bất mãn.
(more…)

Lê Thị Huệ & Trangđài Glassey-Trầnguyễn

bia-mua_yeu_con
Hình: Olivier Glassey-Trầnguyễn

LTS: Nhân dịp Trangđài xuất bản tập thơ “MÙA YÊU CON Thứ Nhất” (2012), Nhà văn Lê Thị Huệ, Chủ biên Gió O (gio-o.com) đã có cuộc chuyện trò với thi sĩ về kinh nghiệm làm Mẹ và tác phẩm này, cũng như kinh nghiệm sáng tác bằng tiếng Việt, mà thi sĩ gọi là Tiếng-Nuôi-CON. Để có sách tặng người thân trong ngày Mother’s Day, xin liên lạc: vietamproj@gmail.com, 714 204 8340, trangdai.net.

Gió O: Tại sao là tác phẩm thứ nhất là một tập thơ về con yêu, Mùa Yêu Con?

TGT: Thưa Gió O, “MÙA YÊU CON Thứ Nhất” (2012) là tập thơ thứ năm của tôi. Tập thơ đầu tay, “nếu Mẹ thích – if you like, Mom” (2002) là tâm tình của một đứa con bằng máu mủ (đối với mẹ đẻ) lẫn một đứa con tinh thần (của Mẹ Việt Nam). Đây là một tập thơ song ngữ, với bản dịch 13 thứ tiếng. Tập thứ hai diễn đạt những cảm nghiệm tâm linh với cái tựa rất nghịch, “Cút Bắt (2002). Tập thứ ba ghi lại chuyến về thăm nhà đầu tiên sau bốn năm ở Mỹ, “những điều trông thấy – of things i’ve seen” (viết 1998, in 2004). Tập thứ tư nói về những đứt đoạn trong quan hệ cha con khi Ba tôi bị tù cải tạo và sau đó đi vượt biên, cũng như những ngày đầu tiên gia đình đoàn tụ tại Mỹ, “X–X1: Thuyền Nhân Khúc cho Ba – Songs for a Boat Father” (2004).
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

linh_muc_an_duc
Linh mục Ân Đức

Đến năm 2015, Linh mục Ân Đức, một Đan sĩ Xitô, đã phổ biến 10 CD các bài thánh ca do Cha sáng tác. CD thánh ca thứ 3 được thực hiện năm 2003 và mang tên “Khúc Hát Một Loài Hoa.” Tôi rất thích (mà hình như bài thánh ca nào của Cha Ân Đức tôi cũng ‘rất thích’ cả!) bài số 12, sáng tác năm 2001. Tựa bài hát khá lạ (không ‘suông tai’) so với các tựa bài thánh ca khác: “Xin tỏ Cha cho chúng con” lấy ý Thánh vịnh Ga. 14:8. Từ 2003, tôi hay nghe bài hát này qua những nẻo đường Chúa dẫn tôi đi làm nghiên cứu về người Việt hải ngoại, khắp trời Âu rồi về lại Bắc Mỹ. “Cha trên trời là Đấng Xót Thương.” Cha Trên Trời – chỗ dựa cho tôi trong mọi lúc, nhất là khi xa nhà.
(more…)

Trangđài Glasssey-Trầnguyễn

giu_gin_mam_cay

Dự hay không dự?

Đầu tháng 12, 2014. Tôi mới vượt cạn. Hai mẹ con sém chết vì thằng bé muốn tự mình ‘xuất cung,’ không thèm chờ mẹ rặn, đã đạp mạnh tới bể tử cung. Xe cứu thương chở vào đến phòng cấp cứu thì tôi nói ngay, “OR, please!” (Operation Room – Xin cho tôi vào phòng mổ ngay!) dù cả tháng trước ngày sinh, tôi đã đi bộ mỗi ngày hơn một tiếng để mong có thể sanh tự nhiên không cần phải mổ như hai lần trước. Người tính không bằng trời tính. Tôi đã tận nhân lực, nhưng cũng sẵn lòng theo thiên mệnh vì biết mình… không có chọn lựa khác.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

hinh_nam_thanh

1. Mặc áo Xuân Thánh

Hồi nhỏ, tôi thích nhất là được mặc quần áo mới ngày Tết. Tôi lớn lên trong thời tem phiếu sau 1975, nên như người dân thời đó, chỉ có hai bộ đồ: “một bộ đi,” đang mặc; “một bộ đứng,” đang phơi. Ngày Tết, trẻ con thích nhất là được quần áo mới và kẹo bánh, nhưng trẻ con thời hậu chiến như tôi thì thích nhất là quần áo mới. Kẹo bánh thì dù nghèo, Mẹ cùng các Dì và Bà Ngoại vẫn hay làm cho ăn. Chắc vì vậy nên mới có bài hát:

Sắp đến Tết rồi đến trường rất vui
Sắp đến Tết rồi về nhà rất vui
Mẹ đang may áo mới nhé, ai cũng vui mừng ghê
Mùa xuân nay em đã lớn biết đi thăm ông bà…
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

lovers-marc_chagall
Lovers
Marc Chagall

hãy để em hôn lên những nỗi buồn,
chúng sẽ nở thành hoa mai,
làm mùa Xuân thức dậy – và ở lại –
mùa đông âm u sẽ bay đi mất
mặt đất cựa mình,
đẩy hoa lá nở tung giữa băng tuyết đang tan
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

huy_hieu_nam_thanh_long_thuong_xot
Huy hiệu Năm Thánh Lòng Thương Xót

Câu đối Tết

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Câu đối là một phần không thể thiếu trong ba ngày Tết. Treo câu đối trong nhà trong dịp Tết là một phong tục tao nhã mà dễ giữ, vì nó không cầu kỳ, không đòi hỏi nhiều vật liệu. Điều quan trọng nhất là làm sao chọn được một câu đối hay. Thời nay, người ta sợ mỡ, bớt thịt. Pháo thì ở Việt Nam đã bị cấm từ lâu, nhưng câu đối thì không ai cấm (chỉ trừ những câu đối bị cho là ‘phản động’ ở Việt Nam), mà có cấm thì chắc cũng khó cấm được. Thời đại thông tin đa tuyến, người ta đi tìm những câu đối hay nhất không chỉ để treo trong nhà, mà còn chuyền qua email, gửi thiệp điện tử, hay gửi ‘thư tay’ bằng đường bưu điện cổ điển (có nhiều cái cổ điển đã không bị ‘tuyệt chủng,’ mà còn rất hữu dụng là khác), và để chúc nhau trong những lúc quây quần mừng Xuân trong những ngày đầu năm.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Kính biệt Thầy Lưu Trung Khảo

di_anh_luu_trung_khao
Di ảnh Giáo Sư Lưu Trung Khảo. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Thầy về, sinh ký tử quy
Một đời Hải Lượng quy y giữa đời
Phật học thấu triệt không rời
Miệt mài tu tập, sáng ngời tâm an  (more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

mother_love-marinella_owens
Mother Love
Marinella Owens

Má đưa hương Giáng Sinh về sớm trong mái ấm của chúng tôi. Còn cả tháng nữa mới tới lễ, mà Má đã chan đầy mái ấm của chúng tôi với tình thương cho từng đứa con đứa cháu, cho cả nhà.

Khi nhắc đến Mẹ chồng lúc nói tiếng Việt với gia đình, tôi gọi bà bằng “Má” vì tôi gọi Mẹ ruột bằng “Mẹ.” Gọi như vậy để dễ phân biệt, khi nói “Mẹ em” sẽ không lộn qua “Mẹ anh.” Hồi nhỏ, nghe Mẹ tôi gọi Bà Ngoại bằng Má, tôi thấy hay hay. Con cháu trong nhà cũng gọi các dì cách thân mật là “Má” và có thêm thứ bậc, chẳng hạn “Má Tư,” “Má Út.” Mẹ chồng tôi cũng hiền từ như Bà Ngoại. Tôi gọi bà là “Má,” vừa thân mật, vừa nhắc tôi nhớ đến Bà Ngoại tôi.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

thien_than_truyen_tin_cho_duc_me
Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ

1. Chuyển tác, đưa Hàn qua sông

Cuối tháng Mười Một. Bạn gõ cổng ảo. Bạn cũ trong Ca đoàn Hoa Biển thuộc Giáo xứ St. Bonaventure, Huntington Beach. Ca đoàn Hoa Biển do Nhạc sĩ Hồng Trang sáng lập và chăm sóc trong vài thập niên. Tôi hát lễ tiếng Việt chiều Chúa Nhật với ca đoàn trong nhiều năm, nên lòng quý mến đối với các anh chị ca viên vẫn đầy dù đã lâu không gặp. Vài năm gần đây, Cô Hồng Trang về hưu. Các anh chị ca viên cũ cùng nhau thành lập Ca đoàn Gloria. Người bạn muốn tôi giúp dịch tiếng Anh cho ba khổ thơ đầu trong bài “Ave Maria” của Hàn Mạc Tử để đưa vào chương trình Thánh nhạc Giáng Sinh với ba sắc dân của Giáo xứ. Ca đoàn Gloria sẽ hát bài “Ave Maria” do Cố Nhạc sĩ Hải Linh phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Hàn Mạc Tử. Bản tiếng Anh sẽ được đăng trong chương trình, để giúp những ai không biết tiếng Việt hiểu được ý nghĩa ca từ.
(more…)

Trangđài Glasssey-Trầnguyễn

luu_trung_khao
Giáo sư Lưu Trung Khảo (1931-2015)

Giáo sư Lưu Trung Khảo vừa qua đời lúc 12 giờ 18 phút trưa Thứ Ba, 22 Tháng Mười Hai, 2015 tại Nam California, hưởng thọ 84 tuổi.

Bài viết sau đây được trích từ tuyển tập “Lưu Trung Khảo dưới mắt bạn bè.” Tác giả đóng góp cái nhìn về Giáo sư Lưu Trung Khảo qua kinh nghiệm sinh hoạt Việt Ngữ.

Trong những ngày đầu tiên đến Hoa Kỳ năm 1994, tôi dự Khoá Tu Nghiệp & Huấn Luyện Sư Phạm do Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ miền Nam California tổ chức tại Rose Mead. Khoá đông vô kể, ngồi chật cả hội trường thênh thang. Giờ giải lao, các Thầy Cô hàn huyên, âm vang cả khu đồi yên tĩnh.

Từ những ngày đó, tôi được biết đến Giáo sư Lưu Trung Khảo. Tuy gần hai mươi năm nay, tôi chưa bao giờ trực tiếp nói chuyện với Thầy ngoài những lần chào hỏi Thầy Cô tại những chương trình sinh hoạt Việt ngữ, nhưng hình như “bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu” (tựa một tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng), tôi cũng được nghe và thấy Thầy.
(more…)

Trangđài Glasssey-Trầnguyễn
Nhân giỗ thứ 14 của Nhà báo Như Phong, ngày 18 tháng 12, 2015

nhu_phong_le_van_tien
Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến (1923-2001)

Bác tới Hoa Kỳ định cư 1994, cùng năm với tôi, nhưng tôi không có duyên được gặp bác mãi đến hai năm trước khi bác qua đời. Trong một lần bác qua California, một người bạn trong nhóm nghiên cứu giới thiệu một người bạn khác và tôi đến tham vấn với bác. Hiền lành và hóm hỉnh, bác đón chúng tôi vào nhà người quen bác đang ở tại Huntington Beach, và dành cả buổi sáng cho chúng tôi. Nghe bác kể về thời Tự Lực Văn Đoàn, về tờ Phong Hóa, về cái nhìn suốt chiều dài lịch sử Việt Nam cho tới cận đại với những nhận xét tinh tế về hiện tình chính trị, văn hóa, xã hội trong nước, vô cùng thú vị. Bác có cái duyên của một người kể chuyện đa tài, vừa súc tích, vừa cho người ta cười, vừa bắt người ta phải động não. Bác đưa chúng tôi đi quanh vườn sau và nói về cây cối trước khi tạm biệt. Tôi không biết bác yêu thích hoa lan, mãi đến sau này.
(more…)

Trangđài Glasssey-Trầnguyễn

cho_noi_mien_tay

sông nhiều nhánh
rẽ ngang, rẽ dọc
thuyền ngược xuôi
độc mộc, thuyền nan
giữa chợ thuyền
hai kẻ ngỡ ngàng
đi khác tuyến
dường muốn chung bến đỗ
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

thieu_nu_mac_ao_ba_ba

em chỉ có hai áo ngoài
áo một đi chợ, áo hai đi chùa
quê mình mùa nắng mùa mưa
hai mùa hai áo cũng vừa yêu em  (more…)

Trangđài Glasssey-Trầnguyễn

tuoi_tre_viet_nam_dot_lua
Dù ở phương trời nào, tuổi trẻ Việt Nam
vẫn tìm đến với nhau để hướng về tổ quốc.

Tuổi Trẻ về Đêm

Trong các sinh hoạt lãnh đạo sinh viên lúc còn học cử nhân tại Cal State Fullerton, tôi thường có dịp gặp gỡ, trao đổi, hoặc cố vấn cho các bạn sinh viên trẻ hơn. Tại một đại hội huấn luyện lãnh đạo dành cho sinh viên Mỹ gốc Á ở Nam California được tổ chức tại Loyola Marymount hồi đầu thập niên 2000s, tôi đã có một cảm nghiệm rất đẹp về giới trẻ gốc Việt lớn lên ở Mỹ.

Chương trình huấn luyện cho sinh viên trong vai trò lãnh đạo tại các đại học ở Nam California mang tên “Training the Next GenerAsian.” Hôm đó, tôi đến muộn, sau khi hướng dẫn lớp Tập Làm Văn cho các Thầy Cô Việt Ngữ trong khoá Tĩnh Huấn và Tu Nghiệp Sư Phạm tại Trung Tâm Công Giáo, Giáo phận Orange, California. Tôi được xếp vào chung bàn tròn với các ‘thủ lãnh’ sinh viên gốc Việt khác. Cả bàn đều thích thú hồ hởi khi nghe tôi nói có cả trăm Thầy Cô đang tu nghiệp để đi dạy Việt Ngữ. Do đó, các bạn chọn tôi đại diện cho cả nhóm phát biểu. Hơn nữa, tôi cũng là sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ngành Sắc Tộc Học Á Mỹ (do tôi dịch từ Asian American Studies) tại Cal State Fullerton năm đó (2001), vì chương trình vừa được đưa lên làm major (ngành chính) sau nhiều năm làm kiếp minor (ngành phụ).
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

1. Đi lạc

Những lần có việc cần đi đến những địa điểm ở khu vực Los Angeles, tôi vẫn thường gặp rắc rối khi xuống exit và không tìm được nơi cần đến. Đôi khi những cái exit oái oăm ở ngoài đời không đơn giản như hướng dẫn trên internet, nhất là ở thời điểm mà việc hướng dẫn này còn rất sơ sài và mới bắt đầu. Điều mà ai cũng làm là mở bản đồ ra xem, hay đi hỏi ở trạm xăng. Tôi thường chọn giải pháp thứ hai, vì tôi không thích xem những bản đồ chằng chịt. Hơn nữa, hỏi vẫn chắc ăn hơn. Internet còn chưa cập nhật hóa, bản đồ chưa chắc đã tin được.
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

thieu_nu_lang_thang_trong_chieu

thế giới gọi chúng tôi là
“thế hệ hòa bình”
những con người được sinh ra sau mười lăm thế kỷ binh đao của một Việt Nam tan tác
sau tháng Tư 1975
một kết thúc
của nhiều bắt đầu
vô định

kết thúc của một cuộc chiến không có lịch sử
kết thúc của một con rồng Á Châu, của Hòn Ngọc Viễn Đông
khởi đầu của một thời đại lưu vong
của thủ mưu đưa nhân sinh lên bàn mổ, của nhục nhằn nhân bản
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Riêng tặng Dì Út Hiếu

me_gia_11

ngày xưa con còn bé
hay theo mẹ về quê
mùa mưa trườn lê thê
mùa khô dồn nứt gót

con nhớ thời thơ dại
túi Ngoại là cái kho
con gửi những thơm tho
và những gì quý nhất
(more…)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Tháng Mười, National Work & Family Month

family_tree

1. “Những điều không thấy mà đau đớn lòng…”

Trước nay, người ta vẫn thường nói đến bạo hành trong gia đình khi có những dấu chỉ và bằng chứng rõ rệt trên thân thể của nạn nhân. Chẳng hạn, vết bầm trên trán là vết tích của một vụ hành hạ, vết thương bật máu là hiện thân của sự ngược đãi hung bạo. Những vết thương da thịt ấy, tuy nhức nhối, nhưng cũng sẽ lành lặn sau khi được chữa trị.

Có những vết thương âm ỉ hơn, đau đớn hơn, và khó lành hơn. Khó khăn ở đây là vì những vết thương ấy nằm trong thế giới vô hình nên khó nhận diện. Chúng ta không thể sờ được chúng, không thể dùng một mảnh băng keo để bịt dòng máu chảy, cũng không thể thoa tí dầu xanh lên những trái tim bị dằn vặt đến bầm tím kia. Cái khó thứ hai, là có những tác nhân của bạo hành mà chúng ta ít khi nhìn rõ. Khi nói đến bạo hành trong gia đình, người ta thường liên tưởng đến phái nam, một người chồng, một người cha. Nhưng chúng ta cần nhận ra những hình thức và tác nhân bạo hành khác, vì một gia đình có nhiều mối tương quan và nhiều không gian khác nhau.
(more…)