Archive for the ‘Truyện Ngắn’ Category

Trần Thế Phong

Năm 1997 người cháu mua đất làm nhà ở con hẻm 76 đường Lê Văn Thọ quận Gò Vấp thì ở đầu hẻm đã có quán càfê Thùy Trang.

Tên quán Thùy Trang nhưng khách quen thường gọi quán bà Ba Quảng. Sở dỉ có tên Ba Quảng vì bà chủ quán thứ ba gốc Quảng Nam. Quán cũng khá đông khách vì càfê ngon, tiếp đãi ân cần, giá cả phải chăng. Ngoài bán càfê, còn bán sinh tố, trà sữa và bánh mì.

Không biết ai trang trí quán, trông cũng khá ấm cúng, thơ mộng, còn giữ được cái hồn Quảng Nam. Trên tường bên trái treo hai bức ảnh thật lớn: Chùa Cầu và dòng sông Thu Bồn lặng lờ trôi. Tường bên phải treo hai bức tranh Mẹ Bồng Con của họa sĩ Bé Ký và Thiếu Nử của họa sĩ Hồ Thành Đức. Phía sau quày tính tiền một bức tường ngăn phần bếp treo một tấm thư họa với chử Tâm và bốn câu thơ:

Chử tâm độc tự thế mà hay
Thành bại nên hư ở chữ nầy
Tuổi trẻ gắng rèn, già cố giữ,
Cuộc đời gắn trọn cả vào đây
(more…)

Cáp Kim
Thận Nhiên dịch từ nguyên tác “A bad joke” trong New Sudden Fiction, do Robert Shapard & James Thomas biên tập (New York, NY: W.W. Norton & Company, 2007).

Cáp Kim (Ha Jin 哈金, tên thật là Kim Tuyết Phi 金雪飛) ra đời ở Liêu Ninh, Trung Quốc. Ông nhập ngũ Quân đội Giải phóng Nhân dân, vào năm 1969, trong thời Cách mạng Văn hoá. Năm 1981, ông tốt nghiệp Cử nhân ngành tiếng Anh, rồi ba năm sau lấy bằng Thạc sĩ về văn học Anh-Mỹ. Cáp Kim được học bổng du học tại Brandeis University (ở Massachusette) khi biến cố Thiên An Môn năm 1989 xảy ra.

Là tác giả của 7 tập thơ, 8 cuốn tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn, và một tập tiểu luận, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn chương: Flannery O’Connor Award for Short Fiction (1996), Hemingway Foundation/PEN Award (1997), Guggenheim Fellowship (1999), National Book Award (1999), PEN/Faulkner Award (2000), Asian Fellowship (2000–2002), Townsend Prize for Fiction (2002), PEN/Faulkner Award (2005), Fellow of American Academy of Arts and Sciences (2006), và Dayton Literary Peace Prize (đứng nhì, với tiểu thuyết Nanjing Requiem, 2012). Từ năm 2014, Cáp Kim là thành viên của Hàn lâm viện Văn chương Hoa Kỳ (American Academy of Arts and Letters).

Nhiều truyện ngắn của ông được in trong các tuyển tập truyện ngắn hay nhất của Mỹ và những tạp chí văn chương đương đại.

Ông hiện đang dạy ở đại học Boston.

———————————————————-
GIỠN MẶT CHÍNH QUYỀN

Sau cùng thì hai tay cà rỡn kể chuyện tiếu lâm bị tóm cổ. Họ chưa biết an ninh đang truy tìm mình nên mò vào thành phố mà không ngờ vực gì. Ngay khi vừa bước vào cửa hàng Nhật Thường Ngũ Kim thì một nhóm công an lao tới, đè nghiến họ xuống nền xi-măng, rồi còng tay ra sau lưng. Hai gương mặt lấm lem mạt cưa sững sờ, họ la hoảng, “Bắt nhầm người rồi, các Đồng Chí Công An ơi! Bầy tui có chôm chỉa chi mô!”
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Mãi việc, khi ông ngẩng lên văn phòng vắng lặng, mọi người đã về hết. Bấm phôn nhắn “ve chua”, “bận quá chưa”, “ti ghe dua ve”, “ok”. Thu ảm đạm, lại tối sớm; đề xe bật đèn thấy hơi ẩm đậu lấm tấm đầy bên ngoài kiếng trước. Lạnh. Ông đốt thuốc, lái ra khỏi bãi đậu xe.

Đây đó những trái bí, đèn dây trang trí; những hình nộm xương trắng, đầu lâu của thế giới bên kia, những thằng bù nhìn tay cầm lưỡi hái, đi lạc từ cánh đồng xa. Chung vui tượng trưng, đẹp mắt nhưng không gây ghê sợ vì đèn phố sáng. Không thấy trẻ con đi xin kẹo. Văn phòng, cửa tiệm đóng cửa gần hết. Nghỉ sớm về đưa con đi ‘trick or treat’ trong xóm nhà mình.
(more…)

Thu Phong

1.
Phong vô cùng ngạc nhiên khi thấy du hành vào thế giới này dễ dàng đến thế.

Từ nhỏ ông đã biết sau khi chết, con người sẽ lên Thiên đàng hoặc xuống Địa ngục tùy vào nghiệp báo, tu tập của từng cá nhân. Nhiều vị chân tu đã đến được hai thế giới ấy ngay khi còn ở thế gian, mô tả cảnh trí, cuộc sống và điều kiện để vào các nơi ấy. Các vị ấy cho biết có sáu cõi giới cơ bản mà chúng sinh khi chưa tu chứng đạt giải thoát, còn phải luân hồi. Đó là cõi Trời (Thiên đường), cõi A Tu La (các vị Thần), cõi người, cõi Ma Quỉ đói, cõi Súc sinh, và cõi địa ngục. Ông chỉ biết cảnh thiên đàng và địa ngục ngay trên Trần thế.
(more…)

Khổng Trung Linh

“Thật là kinh khiếp khi có điều gì nặng chĩu trong lòng mà không có ai tâm sự. Bạn biết tôi muốn nói gì rồi. Giờ thì tôi tâm sự với cây đàn những gì tôi trải bầy với bạn trước đây.” (Frédéric Chopin)

Hân kêu thêm một chai Black Tower. Chai rượu đầu tiên chưa đủ độ nồng cho đêm dài thêm ấm áp. Trong góc nhà hàng, tiếng nhạc từ máy phát ra những giai điệu êm ả, quen thuộc, loại nhạc thường được nghe để giảm bớt sự căng thẳng nơi những chiếc cầu thang máy. Ở ghế bên kia, Quý, một người bạn thân của Hân, môi cười hồn nhiên, mắt lim dim gật gù theo điệu nhạc. Từ xưa đến giờ Quý vẫn như thế, vẫn an nhiên, tự tại, dù ngoài kia cuộc đời có phong ba, bão táp thế nào, thì trên môi Quý vẫn luôn nở một nụ cười. Hân thường chọc Quý có nụ cười ‘niệm hoa vi tiếu’. Nụ cười của một kẻ đã ngộ đạo!
(more…)

Trương Đình Phượng

Tây hồ sen nở rộ
Thiếu nữ má hây hồng
Tình lang sao chẳng thấy
Chim nhạn lẻ tầng không!

Sương mai bảng lảng, bên mái hiên lợp tranh vàng một nàng thiếu nữ chừng mười sáu mười bảy tuổi đang ngồi thông tâm sen. Thi thoảng gió khuẩy trêu mái tóc, nàng khẽ đưa tay vén, môi hé cười, quả là vẻ đẹp mê hồn đắm nguyệt khiến cho những đóa hoa cũng không dám bung hết sắc hương.
(more…)

Phan Ni Tấn

Hồi nhỏ ông Phan Văn Tôi đã sớm xa nhà thì em của ông, thằng Lộc, mới chừng 3, 4 tuổi. Tưởng mình đi rồi về ai dè một đi không trở lại. Tới khi hai anh em gặp lại nhau nơi xứ người thì thằng Lộc đã có gia đình con cái đùm đề. Điều ngạc nhiên là nó cũng võ nghệ dàn trời như ông thời trai tráng. Có điều so với nó thì hồi xưa ông chỉ là võ sĩ hạng ruồi muỗi; còn thằng Lộc, thằng Phan Văn Lộc với cú đá thôi, cũng đủ liệt nó vào hạng cao thủ.

Khi biết hồi xưa ông anh mình lẹt quẹt ba ngón võ ruồi võ muỗi, thằng Lộc cười cười chìa ra tấm hình kèm theo cái video clip biểu diễn cú đá thần sầu quỷ khóc (quỷ khốc thần hào) của nó. Phải nói cú đá ác liệt của thằng Phan Văn Lộc, không riêng gì cột gẫy, tường xiêu, mà lỡ nó có đá trúng… Trời thì Trời cũng sập.
(more…)

Ngân-Hà

Lần đầu tiên hơn 20 năm biệt xứ, tôi lần theo mùi hoa hướng dương lẫn trong mùi nắng thơm nồng mà về. Ngồi trên hàng ghế mà tôi đã giữ chỗ từ lúc mua vé, một mình tôi bên cửa sổ mà đàng trước không có ai, để tôi được thỏa thê nhìn ngắm hình ảnh mẹ tôi bên ngoài không gian. Giả sử như chiếc phản lực này có lạc hướng bay thì tôi vẫn biết tìm ra đường về vì tôi sẽ lần ra mùi hoa hướng dương mà tìm về cho đến nơi mẹ tôi đang yên nghỉ. Bên ngoài những cơn mưa mù mịt lúc còn dưới đất đã bị chiếc động cơ bỏ lại dưới chân, nó đang cưỡi gió và leo lên vói độ cao ban mươi ngàn bộ để tặng lại cho tôi bầu trời xanh lơ, bầu trời mang tôi trở về tuổi thơ hơn 40 năm về trước, thời đó tôi chưa biết thế nào là mùi hoa hướng dương, nhưng còn mùi nắng? “A, phải rồi mùi nắng thì vẫn như xưa, nó trộn trạo một cách quen thuộc với mùi hoa dã qùy, hương đồng nhà quê và mùi mồ hôi hơi hướm của mẹ tôi mà mỗi khi đi bêu nắng lúc về nhà tôi lại ngã lăn vào lòng bà. Giá mà lúc này đây lại được ngã lăn vào lòng bà mà hít hà cái hơi hướm, cái mùi sữa thơm thì hạnh phúc biết chừng nào.”
(more…)

Lưu An
Viết riêng cho mẹ nhân dịp lễ Vu Lan

Mẹ tôi là một người rất biết tính toán trong việc chi tiêu, nhưng với số lương ít ỏi của bố tôi, ông trung sĩ trong quân đội VNCH vào những năm của thập niên 60, 70 tại Sàigon, không thể nào trang trải đủ cho cuộc sống gia đình với 9 miệng ăn, dù ở mức tối thiểu. Trong khó khăn, thiếu thốn triền miên đó, mẹ tôi đã nhờ một người quen chỉ dẫn lên chợ Cầu Ông Lãnh lấy chuối từ các vựa rồi đem ra bán lẻ trên lề đường chung quanh chợ Chí Hòa, gần nơi gia đình tôi sinh sống.

Trong suốt hơn 12 năm tần tảo kiếm sống đó, mẹ con chúng tôi có biết bao nhiêu chuyện vui buồn để nhớ, để kể lại cho bạn bè, người quen và cho cả chính mình nghe vào những lúc thư nhàn. Chỉ là một cách để tìm vui, hoài niệm về quá khứ nhọc mệt, thấm ướt mồ hôi, nhưng đôi lần vẫn có những cảm xúc rất đẹp, đáng nhớ từ những giao tiếp với những người mà mình mến thương, cảm phục.
(more…)

Khổng Trung Linh

Gã đàn ông đặt mình ngồi xuống trên phiến ghế, sáng thứ Bẩy công viên còn vắng người, chỉ có đàn le le đang rẽ nước kiếm ăn. Hắn mở túi ny lông, lấy ra vài miếng bánh mì cũ ném về phía mé bờ hồ, vài miếng bánh bị hắn vung tay quá trớn bay lên cao, rớt xuống chạm vào mặt nước, tạo thành những vòng sóng tròn nổi lăn tăn.

Bầy ngỗng, lũ vịt xiêm thấy có thức ăn bảo nhau lê những tấm thân dềnh dàng, ì ạch đến gần, miệng kêu quang quác tranh nhau tớp nhanh mấy miếng bánh vụn. Mấy con chim câu trên cành thấy động cũng ùa đến tranh mồi. Chẳng bao lâu, gói bánh mì cạn sạch. Hắn phủi tay, cầm cái bịch không, gấp lại, đứng dậy cẩn thận bỏ vào túi quần lặng lẽ rời xa đám vịt trời ồn ào, huyên náo.
(more…)

Gò trăng

Posted: 02/10/2020 in Sông Cửu, Truyện Ngắn

Sông Cửu

1.
Đêm cuối năm, tại một đô thị nhỏ sát biên giới phía Nam nước Mỹ giáp Mexico; xứ sở bộ phim “Người Giàu Cũng Khóc” là quê hương thứ hai của anh chị Bảy Đậm. Tính tết nầy nữa là mười sáu năm trời xa quê.

Đêm 30, cuối năm âm lịch, anh Bảy lom khom dọn bàn ra sân ngồi uống rượu một mình. Anh mỉm cười ôn lại chuyện đời. Ối cha; ba chìm bảy nổi vô số cái linh đinh… Bỗng dưng anh cảm thấy buồn buồn nên gọi vợ:

– Em ơi! Gần giao thừa rồi, ra uống với tui vài ly đi… Bà lúc nào cũng lu bu…

Chị Bảy bưng ra một dĩa tôm khô củ kiệu trộn lỗ tai heo luộc để lên chiếc bàn con, kế chai rượu Đại Hàn… nhìn chồng cười:

– Hỏng lu bu làm sao có món ăn quê hương mà ông đòi… Cần gì tui, nói đi?

– Nè, hồi mấy năm tui vô tù cải tạo, ở nhà bà làm “vệ tinh” cho người ta. Vệ tinh là cái giống gì vậy?
(more…)

Nguyễn Văn Sâm

1.
‘Ngày mai em lên thành phố làm phụ bếp cho tiệm ăn của dì Sáu. Anh ở đây đừng lộn xộn với cô nào nha. Họ ỏng ẹo, trêu ngươi quá làm em sợ.’

‘Đừng sợ! Anh hứa.’

‘Mấy con nhỏ đú đởn trong cái quán cà phê võng kia phải tránh xa nha.’

‘Ừ! Tánh xa!’

‘Tránh xa suốt đời nha. Họ ma quái lắm, vướng vô là chết đó.’

‘Hứa là tánh xa tới chết.’
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Ngày mai thứ Sáu là ngày làm việc cuối của ông ở đây. Ông ta đi lòng vòng kêu mọi người đừng mang thức ăn trưa.

– Tôi sẽ kêu pizza, bao hết, đừng lo.

Cách vách chắn nhưng tiếng ông vang thông qua khung cửa. Có tiếng bàn cãi nhỏ hơn.

– Thôi khỏi đi! Làm có một tháng bày đặt chi tốn kém… khi có việc làm ghé lại cà phê cà pháo thì OK.

– Có lý đa. Lúc đó hẵng tính.

Ông ta giỡn hớt bông đùa, nhưng không chịu lép; coi như xong: trưa mai pizza toàn văn phòng.
(more…)

Trần Thế Phong

Cây thầu đâu của nhà tôi, trước sân, gần cổng đi vào không biết trồng từ lúc nào. Khi tôi lên mười tuổi thì thân cây to hơn một vòng tay ôm của người lớn, chiều cao trên mười lăm thước. Cây thầu đâu đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được.

Quê tôi Quáng Nam gọi là cây thầu đâu. Danh từ thầu đâu tôi không biết giải nghĩa như thế nào. Tôi có hỏi nhiều người nhưng không ai biết, người xưa gọi người nay gọi theo, thành ra chết tên luôn.

Người miền Bắc gọi cây sầu đông, hay cây soan (hoa soan bên thềm củ).
Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn có bốn câu thơ về hoa sầu đông:

Hoa sầu đông vươn đầy vai đầy tóc
Áo mùa thu bay chợt thức bơ vơ
Mình tôi về qua lối nhỏ hoang sơ
Hồn buồn đường Catina chiều chủ nhật
(more…)

Nhật Tiến

Nhà văn Nhật Tiến vừa từ trần ngày 14 tháng 9 năm 2020 tại Irwine, California Hoa Kỳ. Chúng tôi xin đăng lại một truyện ngắn của ông thay cho nén hương tâm thành tưởng tiếc.


Nhà văn Nhật Tiến (1936-2020)

Ba Sinh là một người mê sách. Suốt mười năm ròng rã sống độc thân làm nghề giáo viên tiểu học, tiền dành dụm được, Ba Sinh chỉ dùng để mua sách. Tất nhiên không không thể nào mua đủ được các loại sách, nhưng mỗi tuần đổ đồng cả sách cũ lẫn sách mới chàng cũng đã mua được trên dưới hai chục cuốn sách. Con số đó thật nhỏ nhoi so với cả một rừng sách tràn ngập ở các tiệm sách lớn, các gian hàng trong chợ sách và cả ở những vỉa hè, nơi có người mua bán sách cũ.

Những ngày cuối tuần, Ba Sinh thường tiêu hết thì giờ vào việc đi la cà ở những tiệm sách. Và chỉ cần như vậy, chàng cũng đã nắm rất vững tình hình sinh hoạt sách trong tuần. Tác giả nào có sách mới ra, tác giả nào có sách tái bản. Một nhà xuất bản nào mới ra lò. Nhóm văn nghệ nào chính thức gia nhập sinh hoạt văn học nghệ thuật bằng một tuyển tập. Tuy không phải là người viết sách, nhưng Ba Sinh đã cảm nhận được rất nhiều ý nghĩ xao xuyến, rung động tuỳ theo tình hình xuất bản của thế giới viết sách và in sách. Chàng sung sướng một cách say mê trước một bìa sách mới. Chàng quan sát kỹ lưỡng từng cách trình bày. Chàng so sánh từ kiểu chữ này với kiểu chữ khác, mẫu bìa này với mẫu bìa khác. Chàng cũng thấy lòng dào dạt sung sướng khi mở từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mực, như chàng đã nhìn thấy tấm lòng của từng tác giả dàn trải lên những dòng chữ cả tâm tư, tình cảm của mình trong suốt thời gian thai nghén và hình thành tác phẩm.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Đang chập chờn với các mỹ nhơn, có tiếng động. Vang vọng, rơi rớt, đổ bể. Giấc ngủ ngắt ngang. Không biết dư ảnh trong mắt là mình còn mơ hay những thân xác thỗn thện của kênh 18 trên TV hồi khuya. Chới với một lúc mới tỉnh; biết là mình vừa ngủ dậy mà không nghe tiếng đồng hồ báo thức. Mắt cay, người nóng khan, Niên ngẩng đầu nhìn, 6 giờ; trước khi tắt TV ngủ, đã coi lại là 10 giờ mới reo mà. Tiếng lục đục từ phòng ngoài là sao. À, hắn dậy đi làm. Sao hôm nay ồn ào quái đản!

Kéo mền che tai, Niên nghĩ là sẽ ngủ lại dễ dàng. Về tới nhà 1 giờ, kề cà đến sau 2 giờ mới lên giường, phải ngủ 8 tiếng mới đủ; 1 giờ trưa là ra đi làm. Nhưng hôm nay thứ bảy mà, mình nghỉ. Không, thứ bảy này thì ‘overtime’. Còn Hùng sao phải dậy 6 giờ như ngày thường vậy. Niên đạp tung mền, mở cửa ào ra phòng ngoài, hỏi:

– Ông nội làm gì vậy?
(more…)

Xích lô

Posted: 11/09/2020 in Phan Ni Tấn, Truyện Ngắn

Phan Ni Tấn

– Xích lô!

Từ ngày đi tù Cộng sản về hành nghề đạp xích lô, Hồ Nhượng chưa từng nghe ai gọi “xích lô” dịu dàng đến như thế. Tiếng gọi của cô gái từ bên kia đường nhỏ nhẹ như sợ chạm đến tự ái nghề nghiệp của người xích lô khiến Hồ Nhượng cười thầm. Anh dễ dàng cảm nhận được tiếng gọi đó vừa thoát ra khỏi vành môi đã vội ngậm lại như sự lỡ lời của người biết tự trọng. Thời buổi này gặp được một người lương thiện là điều may mắn cho anh. Hồ Nhượng nghĩ vậy.
(more…)

Khổng Trung Linh

Duy nhìn lại căn phòng một lần cuối trước khi mang thùng rác, và những món lỉnh kỉnh ra để ở chỗ đường luồn bên hông nhà. Căn nhà chứa xe được chủ nhà ngăn đôi làm thêm một phòng cho người độc thân mướn nhìn có vẻ ngăn nắp, ấm cúng hẳn ra.

Phòng tuy hơi chật chội, nhưng cũng vừa đủ chỗ để kê một cái giường đơn, một bàn viết, một tủ lạnh nhỏ, một cái kệ con vừa vặn cho một cái máy truyền hình cỡ trung. Ông chủ nhà chắc sợ mùa hè oi bức, người thuê có thể chết ngộp vì không đủ dưỡng khí, nên đã cẩn thận gắn thêm một cái máy lạnh con gần cửa sổ.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Tan việc Niên đi rửa tay rửa mặt, tay ướt vuốt lại tóc tai, thắt cà-vạt, khoác áo vét, ra lấy xe chạy thẳng tới dạ tiệc Hiệp hội Truyền thông Sắc tộc. Người của 7, 8 chục tờ báo, đài phát thanh, truyền hình các cộng đồng sắc tộc hàng năm gặp nhau. Gây quỹ – vé ngồi bàn ăn, bán đấu giá các thứ; phô trương thanh thế – mời quan khách chính quyền chính trường; chủ yếu là bắt tay trò chuyện làm quen, trao giải thưởng, giới thiệu ban chấp hành nếu mới bầu bán. Với Niên: bia, đấu láo với mấy nhà báo Việt, ăn chơi dằn bụng, vổ tay.

Niên làm một vòng chậm, chào chào gật gật, qua lại vài ba câu; ghé lấy bia, trở ngược ra cửa làm một khói; vô lại chào chào gật gật; tìm đúng bàn để tọa, bắt chuyện với mấy người tới trước. Các vị chủ báo, chủ nhiệm, chủ bút còn đang loanh quanh xã giao, họ sẽ tới “ổn định vị trí” khi có lời mời trên loa. Xoẹt, xoẹt “làm miếng giải khát đi”, “tới lâu chưa”, “coi bộ đông à…”, “coi cái đầu đánh mấy trăm con rít dài tới hông, đều rỉ, đẹp chưa kìa”, “chủ báo Jamaican đó…công phu thật.”…
(more…)

Nguyễn Văn Sâm

Người đàn bà trẻ để nhẹ cái thau đồ giặt xuống kế bên miệng giếng rồi đặt đứa con nhỏ nảy giờ chị xốc nách đứng hơi xa xa một chút. Chị vừa kéo nước vừa ngó chừng con bé. Giặt quần áo dơ của con mà chị nhăn nhăn mũi kiểu tiểu thơ nhà giàu phải săn sóc con so khi chưa quen cực khổ. Đứa nhỏ lẩn quẩn bên mẹ. Con bé chừng 4 tuổi kháu khỉnh, mặt mày rất dễ thương. Thằng Tín nằm dựa lưng vô gốc mít nghỉ trưa tránh nắng thấy hết cảnh tượng. Nó đưa hai ngón tay búng ‘tróc tróc’ con bé để hai đứa cùng cười.  Rồi nó thiu thiu ngủ gà ngủ gật khi một vài cơn gió mát thổi qua.

Trong mơ màng nó cảm giác như ai đó bỏ gàu kéo nước mà nhấp cái gàu gần đầy xuống mặt nước quá mạnh. Nó vẫn chập chờn giửa mê và tỉnh của cơn nắng trưa chói chang muốn làm nổ màn tang người. Rồi nó tỉnh giấc hẵn hòi, mắt ráo hoảnh khi nghe tiếng khóc kể của người đàn bà trẻ. Không cần suy nghĩ nhiều nó cũng biết chuyện gì đã xảy ra. Buổi trưa nắng nóng, quanh giếng không có bao nhiêu người, chắc nịch là chẳng ai có thể giúp gì cho chị ta: vợ chồng ông thầy giác lể thì khỏi nói, yếu nhớt như sên, ba bà cụ quá già người Bắc di cư, mới tới Xóm Giếng không được bao lâu.
(more…)

Đỗ Phương Khanh

Chiếc xe Jeep chồm lên rồi ngừng lại. Ân nhẩy xuống, tay xách va li của Hạnh:

– Tới rồi chị ạ. Đợi tôi một chút tôi trình giấy nhé.

Rồi Ân buông cái va li, đi vùn vụt. Hạnh leo xuống đất. Trời mới hơi hừng sáng. Sương phủ mờ mờ. Xa xa, từng dãy phi cơ nằm im lìm. Cách chỗ nàng đứng chừng hai chục thước là hai chiếc máy bay lớn mầu trắng bạc, thấp thoáng bóng người qua lại. Văng vẳng bên tai Hạnh có tiếng ồn ào, tiếng gọi nhau ơi ới. Một bà mẹ dắt đứa con đứng bên cạnh cửa máy bay cứ vẫy mãi ông chồng đứng dưới đất. Cạnh đó là một cặp vợ chồng coi bộ như mới cưới. Cô vợ trẻ đưa khăn lên lau nước mắt hoài. Còn anh chồng thì cứ nắm lấy bàn tay vợ mà vuốt. Chắc là anh chàng dỗ dành. Bất giác, Hạnh thở dài. Nàng tưởng tượng ra cái anh chàng ấy trong tương lai, sẽ sống trong một căn nhà chật hẹp, với một bầy con nghịch ngợm bẩn thỉu, anh chàng sẽ cau có, hết cả sự dịu dàng âu yếm như lúc này. Hạnh thấy chán nản cùng cực. Nàng chỉ muốn chóng được lên máy bay, chóng ra tới Huế.
(more…)

Võ Hoàng

rot_tra_moi_khach

Buổi sáng sớm, hai tín hữu một nam một nữ đến viếng chùa. Có lẽ họ dạo cảnh bên ngoài cũng khá lâu rồi mới vào trong, thầy Đàm nghe họ nói với nhau những lời phê bình, so sánh giữa hai đám bông hồng ở trước và sau chùa. Thấy thầy, chừng như biết chắc là người ở đây, họ cúi đầu chào ra vẻ kính trọng và xin phép được vào chánh điện lễ Phật.

Người đàn bà có vẻ sành sỏi việc cúng vái. Cứ xem dáng điệu chị nghiêng nghiêng châm đầu nhúm nhang thơm vào ngọn nến đang cháy, xong rụt lại đưa tay trái quạt nhẹ nhẹ, phân ra làm hai phần đưa cho người đàn ông một nửa, thầy Đàm biết không cần nói thêm một lời chỉ dẫn nào nữa.

Lễ xong, thầy mời họ ra phòng ngoài uống chén trà nóng. “Nhà chùa thì không có còn gì quý hơn là chén trà nóng đãi khách.” Họ im lặng đi theo sau.
(more…)

Muộn màng

Posted: 21/08/2020 in Kha Tiệm Ly, Truyện Ngắn

Kha Tiệm Ly
(Viết theo một chuyện được kể lại)

Khi vừa bước vào ngưỡng cửa trung học, tôi tự cảm thấy mình là “người lớn”! Điều tồi tệ hơn nữa là với trình độ văn hóa đang học lớp sáu, tôi đã tự phong mình là một trí thức lớn! Mọi người quanh tôi, nếu ai không đang ngồi ghế nhà trường thì dưới mắt tôi, họ đều là những kẻ dốt nát; qua bộ đồng phục tươm tất của tôi, những người áo quần lam lũ là hạng người dơ bẩn!

Mẹ tôi là một trong số người đó! Dáng quê mùa của bà đã làm cho tôi xấu hổ với bạn bè rồi, đàng nầy bà lại chỉ có một mắt, khiến tôi càng xấu hổ hơn!

Từ khi ba tôi mất, bà càng tiều tụy, càng quê mùa, càng đen đúa, nên trông bà càng dơ bẩn hơn. Con mắt bị “đui” của bà càng sâu hơn, đôi khi có chất gì đó lầy nhầy từ khóe ứa ra trông nó càng gớm ghiết! Bà thường vuốt ve, âu yếm tôi, nhưng những lần như vậy tôi đếu xô bà ra với sự bực bội không cần giấu giếm.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Quân và Bill cua vô bãi đậu xe công ty cùng lúc. Cổng rộng, bốn năm xe ra vô một lượt không sao; bên kia xe Bill chững lại mấy giây, Quân thấy lạ, tay vuốt vô-lăng thêm, nhấn chân phải lướt lên trước. Đậu xe, khoác máy tính, một tay cầm brown bag thức ăn trưa, tay kia ly cà phê, ra ngoài co chân dập cửa; đặt các thứ lên mui, châm thuốc. Xe Bill trờ tới đậu kế, thường anh ta đậu xe mé bên kia.

Quân chào tiển:

– Morning Bill, have a good day.

Bill cao hơn 6 foot, ngực, tứ chi đầy thịt bắp, tóc vàng bung như tơ; vòng mấy bước tới bên.

– Hi, Quân. Tôi chỉa ông một điếu, được không.

– Sure. Why? Ý tôi là sao hôm nay lại hút?

– Thỉnh thoảng vẫn hút, Liz không chịu được mùi thuốc lá.
(more…)

Lão Memo

Posted: 10/08/2020 in Truyện Ngắn, Vũ Thư Hiên

Vũ Thư Hiên

Tôi và Memo có mối giao tình lâu năm. Thậm chí tôi cũng chẳng nhớ lão ở với tôi từ khi nào. Cứ như thể tôi ra đời là đã có gã bên mình. Điều thấy được là tôi già, lão cũng già theo.

Một hôm lão đến, buồn rầu bảo tôi:

– Ông ạ, chúng ta đã đến lúc phải chia tay.

Nhìn lão bất ngờ vác bộ mặt ủ rũ, tôi chỉ còn biết hỏi một câu ngớ ngẩn:

– Sao vậy?

Lão triết lý:

– Cái gì có khởi đầu sẽ có kết thúc mà ông.

– Ờ – tôi gật – Hình như Engels có nói thế.

Lão cũng gật, vẻ đắc ý:

– Đích thị.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Tiệm tạp hóa rộng độ 9 mét. Kệ hàng, tủ đông, tủ lạnh chiếm gần hết. Một chỗ đứng sau quầy và một ghế bố cách trước quầy một khoảng. Đấy là lối đi từ cửa tới cuối tiệm. Người Việt đi lui đi tới ok. Mỹ, Mễ lèn vô là đụng các kệ, đổ đồ. Có một cửa khe bên vách, đứng ở quầy có thể  thò tay thâu tiền, giao hàng cho khách không vô tiệm. Bố trí hợp lý, tận dụng không gian như trên tàu thủy.

Hạm trưởng, kiếng lão đeo xệ, chào:

– Niên, mi đi mô đây?

Tóc bạc, mặt đầy. Giọng mỏng, lạnh. Không hỏi tìm đường có khó không. Không một chút gì cho ba chục năm không gặp. Niên nói:

– Trông anh không thay đổi mấy.

– Già.
(more…)

Elizabeth Coatsworth
Doãn Quốc Sỹ chuyển ngữ từ nguyên tác The Cat Who Went to Heaven của Elizabeth Coatsworth.

CON TÀI LỘC

Xa … xa lắm, mãi tận bên xứ Nhật Bản, xưa có một chàng họa sĩ nghèo. Hôm đó họa sĩ đương ngồi buồn thiu trong căn nhà nhỏ của chàng, chờ bữa ăn trưa. Người vú già đi chợ chưa về, chàng lim dim ngồi đó, thở dài nghĩ đến những thức ăn mà người vú có thể mua về. Chàng ngóng đợi từng phút từng giây bước chân hấp tấp của vú, tưởng tượng vẻ khúm núm khi vú kính cẩn trình lên chủ những thứ mua về đựng trong chiếc lẳng nhỏ, phải đảm đang lắm mới có thể với mấy xu tiền chợ mà mua về ngần bao nhiêu thứ. Họa sĩ quả đã nghe thấy tiếng chân trở về. Chàng nhỏm vội dậy. Chàng đói lắm rồi.

Nhưng sao vú lại e dè dừng bước trước cửa thế kia? Lẵng thức ăn đậy kín.

“Vào đi chứ, vú,” chàng nói lớn, “xem vú mua được những gì nào”.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

10 giờ sáng chủ nhật, nắng còn dịu. Từ đường phố, Lam rẽ trái rải từng bước, chốc chốc đứng lại ngắm hai bên. Xe đạp, xe gắn máy, xích lô, người đi bộ khá tấp nập, không kém ngoài đường chính. Nhiều người đọng mắt nhìn Lam. Anh đã quen, hồi mới về nước người ta nhìn chòng chọc mới ghê.

Từ khách sạn Lam có thể theo đường trong, đường tắt để tới đây nhưng anh đã đi toàn đường lớn bao ngoài. Đường trong là từ phía ngược chiều Lam đang đi. Là đường hồi xưa học trò ở xóm này đi học về.

Lá dừa hai bên đường đong đưa đón gió nồm trên cao. Vẫn còn nhà villa to nhỏ ẩn sau vườn cây cảnh, bờ cây mũ xanh đậm làm hàng rào. Một số lô đất cắt thành hai, phần vườn xây thêm nhà căn, bề ngang 3, 4 thước, chạy hết bề sâu. Vài villa lọt thỏm ở giữa vì chia đất cho hai căn cả hai bên hông, chỉ còn một hẻm nhỏ vô sân trước đã chặt sạch cây cho thoáng. Mặt tiền của những nhà căn ra tới sát đường, có căn cửa sắt kéo, thành tiệm. Nước vôi, nước sơn những nhà làm thêm rất mới, rất tươi. Chúng vây quanh những ngôi nhà xưa, cũ.
(more…)

Phan Ni Tấn

Bốn ngàn năm trước, nho sĩ Đặng Thiên Nho là bạn ấu thời của Dương Công. Nhưng ngược với Dương Công vạm vỡ, khỏe mạnh, thích võ nghệ, ăn ngay nói thẳng chẳng kiêng nể ai hay nịnh bợ ai, thì Thiên Nho lại gầy guộc, thâm trầm, ưa đọc kinh thư, chọn núi rừng tiêu dao cùng cỏ cây, hoa lá.

Tuy nhiên, năm 40, đất nước Giao Chỉ bị nhà Đông Hán, Trung Hoa cai trị ngày càng hà khắc, bạo ngược khiến dân Nam lầm than, oán thán. Là nho sinh yêu nước họ Đặng xuống núi hợp với Đô Dương, Phùng Thị Chính, Lê Đình Lượng giỏi việc quân, cùng nhân dân theo giúp Lạc tướng Phong Châu Dương Công nổi lên chống giặc ngoại xâm.
(more…)

Túy Hồng


Thiếu nữ trong thành nội
dinhcuong

Anh Đỗ,

Tôi đã ở Huế từ trong bụng mẹ đến cuối năm thứ hai mươi tám của cuộc đời. Huế đã mang thai tôi, đẻ ra tôi cho đến khi tôi đi lạc vào Sài-gòn. Từ hơn hai năm nay tôi ở nhà thuê, nói tiếng Bắc, ăn chả giò, ăn bún riêu, canh chua cá dấm, thịt bò vò viên, mía ghim… Hôm nào anh vào Sài-gòn tôi sẽ đãi anh ăn một bữa thịt bò bảy món (mọi lần gọi là “bò bụng” vì ăn vào đầy một bụng thì thôi). Đàn ông ở Sài-gòn ăn chua dữ lắm anh Đỗ ạ! có nhiều ông vác cả trái cốc dầm cam thảo vừa đi vừa ăn lêu nghêu dọc đường.

Tôi vào Sài-gòn đã hơn hai năm mà vẫn còn hụt chân chưa đứng vững được, nghĩa là: tôi chưa hề viết được một chữ về cái Sài-gòn này. Khiếp quá! một lỗ hổng lớn… Còn nhớ thời gian ở Huế, khi tôi mang ý định bỏ Huế vào Sài-gòn ra nói với anh thì anh đã làm ra như cản như không: Chị chuồn hả? mình ở Huế có ai làm gì mình được?
(more…)

Khổng Trung Linh


Young girl in the silvery sea
Joaquin Sorolla

Năm 1973, khi Quân còn đang học lớp 10, mẹ Quân nghe lời cổ xúy của bạn bè đã bỏ vốn mua một miếng đất khá lớn ở bãi sau Vũng Tầu, mục đích là để trồng mãng cầu, nhãn lồng để kiếm thêm lợi nhuận. Vì ông anh và bà chị cả bận lo học hành thi cử, nên Quân nghiễm nhiên trở nên một ông quản lý tí hon. Mỗi cuối tuần, Quân đều phải đi từ Sàigòn ra Vũng Tầu để phụ giúp, đốc thúc, trông coi người làm trồng trọt và, trả lương cho họ.

Những chiều thứ Sáu sau khi tan trường, để dành tiền xe đò cho cà phê, thuốc lá, Quân khoác lên người bộ đồ Hướng đạo, đeo khăn quàng đứng ở xa lộ xin quá giang xe vận tải. Đa số tài xế xe hàng đều có cảm tình với hướng đạo sinh nên khi thấy cậu bé xin quá giang họ đều tấp vào hoan hỉ cho Quân đồng hành. Xe có khi chở rau cải, có khi chở heo, gà, gia súc. Đi nhiều nên quen, Quân leo lên chỗ gần mui xe, mở cánh cửa gỗ cho thoáng gió rồi ngồi ngắm cảnh hay lim dim ngủ gà, ngủ gật cho đến khi xe qua khỏi Rạch Dừa, ngừng ở ngã tư Giếng Nước, từ đó Quân lội bộ vào khu đất nhà.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Quảng cáo tiếng Anh “Bộ phận Điện toán & Tín dụng Công ty cần tuyển nhân viên tạm thời đứng máy OCR soạn thư. Thời gian 3 tháng, làm đêm, lương $12 – $16/giờ tuỳ kinh nghiệm. Gởi lược sử cá nhân về hộp thư… Sẽ miễn liên lạc với ứng viên không thích hợp”. Quân không biết máy OCR là gì nhưng thấy việc soạn thư mà trả tới 16$ trong khi làm hãng không tới $10; bỏ mấy tiếng soạn giấy tờ, tính sửa lại cho phù hợp, liên quan, nhưng không biết làm sao, để y, gởi đại.

Cầu sao mở được cửa, vô trong rồi thì tuần tự nhi tiến, tạm tuyển thành chính thức mấy hồi. Vô ‘chạy giấy’ vài năm, ghế ‘xúp’ lên ngồi ghế ‘xếp’ cũng từng trải qua rồi. Người ta nói “con nhà lính, tính nhà quan” để chế nhạo. Quân tình cờ biến tấu thành “làm như lính, tính như quan”; cứ cần cù, biểu sao làm vậy để đồng nghiệp không ghét; nhưng con mắt phải nhìn, cái đầu phải suy nghĩ; tự nhiên người ta biết, phải nghĩ đến mình khi cần cất nhắc.
(more…)

N. Nguyễn

Buổi sáng khi tôi đến quán cà phê thấy ông đã ngồi ở đó, ông là khách mới của cái quán cà phê bình dân này. Là khách mới nhưng ông tới đây thường xuyên ngày nào cũng tới, lẩn quẩn ở đó có khi đến chiều mới về. Ông hay đánh cờ tướng, ông chơi giỏi mấy người trong quán chơi không lại, đôi khi ông nhập bọn đám thanh niên chơi bài tiến lên hay đổ cá ngựa ăn tiền. Ông mới biết chơi, lần nào cũng thua, nhưng ông vui vẻ móc tiền chung, trong túi toàn giấy một trăm.

Một hôm ngồi gần bên, tôi mở lời làm quen:

– Anh đã nghỉ hưu?

Ông độ chừng ngoài sáu mươi, nhỏ tuổi hơn tôi nhưng vì lịch sự tôi gọi ông bằng anh. Ông cười mỉm nụ cười rất hiền.

– Lúc trước ở Việt Nam thì còn đi làm, giờ qua đây nghỉ luôn, mà tôi cũng chỉ mới qua đây hơn một năm thôi. Ở nhà một mình buồn quá tôi ra đây chơi. Buổi sáng đưa bà xã đi làm, chiều đón bà về. Vợ tôi tới nhà đứa cháu coi chừng con dùm nó, sẵn tiện nấu ăn cho vợ chồng nó luôn. Buổi trưa tôi ghé qua đó ăn trưa, làm biếng thì vô mấy tiệm cơm ở đây không thiếu thứ gì. Tôi ăn uống cũng dễ lắm, ăn đồ Mỹ cũng được, đụng gì ăn nấy chớ không kén chọn như người ta.
(more…)

Vũ Anh Khanh (1926-1956)

– Ơ kìa anh Ngạc, anh say đấy à?

Ngạc khe khẽ lắc đầu, mắt buồn hiu nhìn Loan qua khói thuốc. Chàng vén tay áo Loan xem đồng hồ, bưng ly rượu uống cạn cấn, cười sặc sụa:

– Gần giao thừa rồi.

Loan vẩn vơ nói:

– Mới mười giờ.

Một luồng gió rét lùa khe cửa, Loan rùng mình ngồi nhích lại gần chồng:

– Mình có lạnh lắm không?

– Không, chỉ lạnh ở lòng.

Loan nói nhỏ một mình:

– Lạnh ở lòng.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Từ phỏng vấn ‘Bàn 1’ Niên đi thẳng ra biển, nhìn bâng quơ, cách hơn cây số là cù lao có đầu và lưng cao đuôi thấp nên phe ta kêu hòn Cá mập. Trông hiền hòa nhưng mang huyền thoại dữ, có thể ngắm mà tưởng tượng.

Giá trong túi có vài đồng ringgits thì đã vô quán Happy kêu ly cà phê, ngồi phì phèo. Lên ‘Bàn 1’ chẳng là gì cả nhưng dấu hiệu ai cũng mừng: hồ sơ xin định cư của mình bắt đầu nhúc nhích. Ai tới được đảo rồi cũng phải qua trạm này của Di trú Mỹ, rồi mới biết tới chuyện có điều kiện đi nước nào hoặc không nước nào có nghĩa vụ nhận mình định cư, ‘mậu diện’, ‘long stayers’.

Thông dịch viên “Người này nói được tiếng Anh”. Phái đoàn Mỹ “Oh! Tốt! Cô có thể xả hơi một lúc”. Niên bất ngờ; nhìn cô thông dịch không quen thoáng cúi đầu cười mím.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Thu ra khỏi nhà, toàn khu nghỉ mát chìm trong đêm mờ và sương mù. Từ trong nhà ấm bước ra trời lạnh Thu xoải chân bước dồn. Những ngôi nhà tương tự nhau ẩn hiện qua màn sương. Phía cổng, khu quản lý có vài khung cửa sáng như bông gòn, nhà hàng đối diện nhiều ánh điện hơn; ngoài khoảnh ấm áp đó, không gian mờ tối, yên lặng, ẩm.

Thu đi về phía rừng, bỏ khoảnh sáng mơ hồ lại sau lưng. Hết khúc có những lối rẽ dẩn vào từng khu nhà mát, đường thu nhỏ dần thành lối mòn, lớp lá khô càng xa càng dày hơn. Thu nghe giày mình vẫn chạm sát nền đất. Nắng hè đã hong lá dòn, chúng bị sương thu uốn cong mình, nên tuy dày mà xổm. Dưới mỗi bước chúng xôn xao tứ tán. Thu thích âm vang đồng hành này. Một lúc sau có thêm tiếng của mình thở. Cây thưa, cao, gần trụi lá. Lối mòn quanh co, lên dốc xuống dốc. Ở những lối rẽ không có bảng chỉ đường; nếu có lúc này cũng khó thấy. Một lúc, tiếng thở của Thu át tiếng lá. Thu ngồi xuống một thân cây đổ. Lồng ngực dịu dần. Cùng yên lặng với rừng.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Nhà giam Cần giờ nằm trong khuôn viên Công an huyện, có hai phòng cửa riêng. Phòng thứ nhất ngăn thành mấy khoảnh, một trong mấy khoảnh đó đặt hai thùng sắt to, loại chứa hàng vận tải đường xa, thường gọi là connex, nóng ngạt. Phòng kia không chia ngăn, cửa sổ song sắt, thoáng. Thiên đàng hay địa ngục tuỳ cán bộ.

Mười em, trộm có hiếp dâm có cướp có, cướp ghe có; nhốt trong một connex. Toàn dân huyện; biết mặt biết tên, quen; nhưng ngang tàng thứ dữ, diện trọng án. Cán bộ có việc đi ngang, chúng dòm qua lổ thở, kêu đích danh đù mẹ đù cha tràn lan.

Tù xong bo bo bữa chiều, ngồi ngoài connex hút thuốc lào; cán bộ mở khoá bước vô phòng như thường lệ; tù rít thêm một bi, vươn vai lục đục chui vô thùng để khoá.

– Dô gom hết đồ rồi đi hàng một ra cửa.
(more…)

Kha Tiệm Ly

Dưới triều Minh Anh Tông, ở huyện Ngô (Tô Châu), ai cũng biết chàng họ Đường có biệt tài vẽ tranh mĩ nhân. Vẽ hàng nghìn bức họa mà không gương mặt nào giống gương mặt nào đã là chuyện lạ, lại còn mỗi tranh như đều được Đường truyền vào sinh khí nên người trong tranh sống động chẳng khác gì người thật! Nếu tranh giai nhân vui, thì người xem mát cả tấm lòng, nếu tranh giai nhân buồn, thì người xem cũng phải nhũn từ khúc ruột! Vương tôn công tử đua nhau mà mua, đến nỗi mấy bậc phu nhân nhìn tranh mà không khỏi ghen hờn!

Nếu cứ chí thú làm ăn, thì với tài ấy, Đường đã giàu to từ lâu. Đàng nầy, đang vẽ mà có “độ” thì vứt bút uống bừa đến say bí tỉ mới thôi. Bạn nhậu thường là phường vô lại, lợi dụng chàng có nết xấu đó mà vét hồ bao. Tánh lại hay thương kẻ khốn cùng. Thấy ai đói rách thì cầm lòng không đậu, trong mình có bao nhiêu cũng gom hết mà đưa. Vì vậy dù danh nổi như cồn mà nhà ở vẫn còn vách xiêu mái dột.
(more…)

Ý Ngôn

Chú Năm cùng cô Sáu mở cửa bước vô tay xách bịch đồ ăn mới mua ở chợ về, bữa nay thằng con đi công tác xa, chú Năm tự nhiên dẫn “người yêu” về nhà nấu nướng mà không sợ nó dòm ngó. Thật ra hai đứa con của chú không hề phản đối việc chú có bồ, nó nói “ba còn yêu thì cứ việc yêu”.

Chú Năm goá vợ một hôm đi chợ quen cô Sáu là gái “lỡ thì”. Chú mới có sáu mươi chín tuổi chớ mấy, còn cô mới có sáu mươi ngoài. Anh em cô khen hai người xứng đôi vừa lứa (và cứ mong chú Năm nếu thấy được thì rước cô về để cô có dịp cơm nước săn sóc hầu hạ chú).

Cô Sáu là người thích nấu nướng, món chay món mặn gì cô cũng biết làm, chưa kể các món chè xôi bánh ngọt các thứ. Cô ở Việt Nam mới qua nên thịt mỡ, thịt ba rọi, lòng heo huyết heo giò heo cô làm láng. Cô nói ăn thịt có chút mỡ mới ngon. Chú Năm thì sức khỏe tốt, chưa uống thuốc như mấy ông bạn già nên chú ăn uống thoải mái, thịt bò thịt mỡ tôm cua thích thì cứ việc ăn khỏi cần kiêng cử. Từ ngày quen cô Sáu chú mập ra thấy rõ, mặt mày hồng hào tươi tắn. Thằng con trai chú lâu lâu chọc quê ông già: người đang yêu có khác!
(more…)

Kha Tiệm Ly

Lư sinh người Hồ Nam, cha mẹ mất sớm, chỉ để lại mảnh đất bạc màu, trồng cây chẳng ra trái, trồng lúa chẳng trỗ bông. Học hành không tới nơi tới chốn nên lỡ sĩ lỡ nông. Được có bộ dạng khá khôi ngô, lại được tài ăn nói, bèn ra chợ viết mướn, “kiêm” coi tướng độ nhật. Dù vậy, ngày thăng ngày giáng, kiếm ăn vất vả.

Mé tây có cô gái họ Cù, cha mẹ cũng đã qua đời, thương cùng cảnh ngộ nên thường qua nhà Lư quét dọn, nấu giùm ấm nước nồi cơm, hoặc có món nào ngon đều đem qua biếu Lư rồi cùng ăn, cùng chuyện trò vui vẻ.

Cù nhan sắc đã tầm thường, mà má phải lại có một bớt đen lớn nên càng khó nhìn. Do đó, dù đã hai mươi tuổi mà chưa có trai nào ngó tới. Dù vậy, Cù lại là cô gái rất hiền lành, nói năng khuôn phép, giỏi việc nấu nướng, đảm đang việc nhà, nên mọi người đều thương mến, kính nể.
(more…)