Quốc Ấn
Đó là một gian nhà ngói nho nhỏ đứng trơ trẻn giữa một bãi cỏ hoang cao đến gối. Sau đó là một đám đất trống chứa đựng những đống rác hôi hám làm cho người ta càng ghê tởm gian nhà ấy.
Nếu trước nó, xa xa, không có dãy dưỡng đường sừng sững thì người ta có thể tưởng nó là một cái nhà bỏ hoang nào. Nhờ đứng sau nhà thương, nó được mang cái tên gớm ghiếc: nhà xác!
Đây là một chiều u ám, mưa rơi lấm tấm, gió lạnh thổi từng chập vi vút. Quang cảnh quạnh hiu của một nhà thương thí ngoại ô càng thêm buồn bã.
Trang cùng bạn bước đến cửa sau dưỡng đường thì dừng lại. Nàng mở chiếc áo đi mưa màu vàng trong vắt, trùm phủ ra ngoài bộ y phục nữ điều dưỡng, bảo bạn:
– Chị chờ tôi một phút, tôi ra kia rồi trở vô liền. Mình về luôn!
– Chị đi đâu đó?
Trang chỉ gian nhà xa xa:
– Ra nhà xác xem có mạng nào từ trần không?
Nàng vừa bảo vừa cười.
Bạn nàng cũng mở áo mưa mặc vào bảo:
– Để tôi đi với chị cho vui.
Trang từ chối, nhưng bạn nàng không nghe. Rốt lại Trang phải nhận:
– Tôi sợ mất công chị. Với lại ngoài ấy hôi hám dơ dáy lắm.
Rồi nàng vỗ vào vai bạn, vừa cười bảo:
– Nhưng chị tôi sắp là một nữ bác sĩ trong vài năm nữa đây, tập hửi lần mùi thây người cho quen, phải không chị Mỹ?
Mỹ cùng cười:
– Ô! Tưởng gì! Chớ cái mùi nhà xác cũng thường với chúng tôi!
Trên những bàn dài, năm cái xác người nằm la liệt. Thỉnh thoảng họ cử động, nghĩa là họ chưa thật chết. Nhưng dầu sao họ cũng chết.
Mỗi người chỉ mặc một cái quần đùi. Họ là hiện thân của cái chết với thân mình ốm cong chỉ còn xương bọc da.
Trang và Mỹ đi qua từng người, xem xét. Đến người chót nằm ở trong cùng, gần bên cửa sổ, Trang bảo:
– Hiện nay thì chưa có ai. Nhưng chắc chắn sáng mai ít ra cũng có một nhân mạng.
Mỹ không trả lời, nhìn kỹ cái xác chết trước mặt nàng. Hình như không ai cưỡng lại được với một sự xui dục trong đầu, sự xui dục mãnh liệt của lương tâm một y sĩ, hai tay nàng từ từ nhấc lên. Nàng mở rộng cái khăn tay trắng tinh đặt lên ngực lở lói của người ấy.
Thoáng thấy, Trang vội nắm chặt tay Mỹ, gắt:
– Chị Mỹ làm gì vậy? Chỉ không thấy mấy vết lở lói ghê tởm kia sao?
Mỹ gỡ tay bạn:
– Chị để yên cho tôi xem. Người này hình như không đến đỗi chết.
Trang cãi:
– Bác sĩ đã bảo đem ra đây, tức nhiên nó sẽ chết, không phương gì cứu chữa.
Mỹ ôn tồn:
– Chị hãy nói cho tôi biết người này là ai?
– Là một tên ăn mày người ta nhặt được ngoài đường đem vào một nhà thương ở Sài Gòn. Ngoài ấy chật chỗ gởi vào đây.
Mỹ mở mắt to:
– Ăn mày? Sao chị biết?
– Tôi thấy rõ trong giấy tờ.
Mỹ nhún vai:
– Giấy tờ!
Và nàng chỉ lên người kẽ ấy:
Đây là những vết bị đánh, bị đốt, chớ không phải ghẻ chốc, chị biết không?
Và nàng lật cườm tay người ấy lên:
– Chị có thấy vết bầm đều ở hai cườm tay người này không? Những mụt nho nhỏ đầy mình này là vì ở một nơi đông người, như một cái trại giam chẳng hạn, nên bị rận cắn. Và tóc, chị nhìn kỹ tóc xem?
– Ừ! Óng mịn!
– Óng mịn! Nghĩa là thứ tóc được chải gỡ trước kia. Và không phải là tóc kẽ ăn mày.
Trang hỏi thêm:
– Nhưng sao người này ốm quá vậy?
– Là vì bị giữ một nơi lâu. Bị bạc đãi và ăn uống thất thường.
Rồi Mỹ đặt tay trái lên nơi trên ngực người ấy, dùng tay mặt gõ mạnh lên lưng tay mình. Nàng kéo dần cái khăn tay để gõ khắp ngực và hông rồi nắm tay người ấy nghe mạch.
Xong đâu đấy, Mỹ ngước lên bảo bạn.
– Tôi cam đoan người này không chết!
Trang ái ngại:
– Thế thì làm sao chị?
Mỹ không trả lời bạn, cười lạt bảo:
– Nếu ta để cho người này chết ở đây, thì ta là những kẻ sát nhân!
– Nhưng bây giờ thì làm sao đây?
Mỹ hỏi lại:
– Chị có chắc giấy tờ bảo người này là người ăn mày không?
– Chắc!
– Tên họ gì?
– Không có tên họ gì cả!
Mỹ gật đầu:
– Nghĩa là người vô tội phải không?
– Chắc chắn như vậy!
– Được! Tôi lãnh người này! Chị có quyền cho tôi lãnh không?
– Được chớ! Nghĩa là tôi có quyền cho thân nhân của người bệnh lãnh xác họ về chôn.
– Tốt lắm!
Mỹ lột chiếc áo mưa bằng nỉ đen của mình đắp cho người ấy, và theo bạn trở lên phòng giấy dưỡng đường làm giấy tờ.
***
Đứa trai nhỏ đến trước một thanh niên lễ phép thưa:
– Xin mời ông vào.
Thanh niên, trong bộ âu phục trắng chững chạc, nước da hơi xanh, nhưng có vẻ khỏe mạnh, đứng lên theo cậu bé. Cánh cửa hé mở cho chàng vào rồi nhẹ nhàng khép lại.
Thấy chàng, bác sĩ xô ghế, đứng lên bước ra đón:
– À, ông Hưng! Hôm nay thật mạnh rồi chớ!
– Dạ! Cám ơn ông, tôi đã thật mạnh rồi.
Bác sĩ nhìn chàng:
– Nước da còn xanh lắm, ráng tĩnh dưỡng.
Và ông hỏi:
– Còn cô Mỹ em ông, vẫn mạnh chớ!
– Cám ơn ông! Có lẽ! Vì một tháng nay tôi không gặp em tôi!
Ủa! Tôi gặp cô Mỹ cách đây bốn năm ngày gì mà!
Rồi trở về ghế ngồi, có vẻ suy nghĩ, rồi cười:
– Có lẽ chuyện gia đình ông có gì rắc rối. Cô Mỹ lại không muốn gặp ông khi đã mạnh, nhưng dầu sao cô cũng đã hết sức lo lắng cho ông.
Thanh niên gượng cười:
Tôi biết lòng tốt của em tôi lắm và có lẽ nó không muốn gặp tôi, cho nên hôm nay tôi đến đây yêu cầu ông nói lại giùm với Mỹ tôi cần gặp nó gấp. Vì tôi sắp đi!
Bác sĩ mỉm cười:
– Lại đi nữa! Nhưng này! Hãy nghỉ thêm ít lâu rồi muốn đi đâu thì đi. Được, tôi sẽ gọi giây nói cho Mỹ, cô ấy sẽ đến tìm ông chiều nay.
***
Ra khỏi nhà bác sĩ, Hưng chậm rãi đi bộ về nhà, một gian nhà lá trong châu thành Sài Gòn.
Suốt tháng nay, nghĩa là khi chàng đã khỏe mạnh lại, không một giờ phút nào Hưng không băn khoăn suy nghĩ.
Chàng nhớ rõ mình là một nghiệp chủ ở một tỉnh Hậu Giang. Vì quê chàng hiện nay không được yên, nên chàng đem tiền của về Trà Vinh sang lại một căn phố để ở. Một hôm, chàng đã bất bình trước việc người hiếp đáp người nên can thiệp vào. Cách đó một tuần, chàng bị bọn cướp ba bốn người đang khuya đến động cửa nhà chàng rồi bắt chàng trói lại, nhét giẻ vào miệng đem ra xe chở đi.
Đem vào sào huyệt, chúng đánh đập chàng tàn nhẫn và không nói vì cớ gì. Chúng giam chàng một nơi chung với nhiều người, rồi lại đưa chàng đi nơi khác. Vì cô thế không ai dám can thiệp cho chàng.
Vô cùng thống khổ, chàng tưởng đã chết mất.
Một hôm, tỉnh lại chàng thấy mình ở trong bệnh viện của một bác sĩ, được săn sóc kỹ lưỡng. Trong những lúc nói chuyện với bác sĩ, chàng được bác sĩ cho biết chính em chàng, cô Triệu Hương Mỹ, đã cứu chàng và gởi gắm trong bệnh viện. Khi chàng đã khá, thì một thiếu nữ đến bảo là nữ điều dưỡng, bạn của Mỹ,. đến xin phép bác sĩ đưa chàng đến một gian nhà lá sạch sẽ. Nơi đó, chàng có một đứa trai nhỏ săn sóc cơm nước. Trong mình chàng có đủ giấy tờ dưới cái tên Triệu Việt Hưng, thương gia.
Cái tên Triệu Việt Hưng không lạ với chàng. Đó là tên của một người bạn học đã chết một cách tối tăm tại Bạc Liêu.
Theo lời người nữ điều dưỡng, thì bạn cô là Mỹ đã cứu chàng trong một nhà xác, chỉ vì lương tâm một y sĩ không muốn thấy một người chết oan.
Chàng băn khoăn chờ đợi mãi mà người cứu tử của chàng không đến. Chàng đã mang một ơn nặng không bao giờ trả nổi. Muốn gặp mặt ân nhân, hôm nay chàng đến cậy bác sĩ nhắn với người mà bác sĩ tưởng là em chàng, cho chàng được gặp trước khi chàng đem cái kiếp sống sót dưng cho xã hội.
***
Tim Hưng đập mạnh khi chàng vừa bước chân vào nhà mình: bên chiếc bàn con kê sát vào vách, một thiếu nữ mặc áo dài đen ngồi day lưng ra ngoài, đang đọc một quyển sách đặt trên bàn. Nghe tiếng động nàng quay ra. Gương mặt không phấn son ấy kiều diễm lạ thường. Nhất là đôi mắt đen thật dịu dàng hình như đượm một vẻ buồn bất diệt. Nàng nhìn Hưng yên lặng gật đầu chào.
Thanh niên chào trả lại bỡ ngỡ, tự hỏi có phải là Mỹ đó chăng?! Chàng chợt thấy trên bàn, gần vách, chiếc áo “blouse” trắng xếp gọn ghẽ đặt trên mấy quyển sách dày. Chàng đoán chắc là Mỹ.
Chàng còn phân vân chưa kịp nói gì, thì thiếu nữ hỏi:
– Ông vừa ở nhà bác sĩ về à? Tôi cũng vừa nhận được điện thoại của bác sĩ cho biết ông muốn gặp tôi.
Biết chính là Mỹ, Hưng vội xin lỗi:
– Cô là cô Mỹ! Xin lỗi cô, mới hôm nay tôi mới biết…
Và chàng vụng về ngồi xuống một chiếc ghế đẩu gần đấy để giấu sự cảm động tràn lên tận cổ họng.
Mỹ mỉm cười:
– Tôi thì tôi được thấy ông luôn, vì tôi cần biết người bệnh của tôi mạnh yếu thế nào. Đó là một sự thích của nghề nghiệp.
Hưng lặng một giây, rồi bảo:
Hôm nay tôi muốn gặp cô để được biết cô và để tỏ lòng cám ơn cứu tử của cô. Nếu cô đã chẳng tình cờ thấy tôi trong nhà xác, thì chắc chắn…
Mỹ xua tay, ngắt lời:
– Đó chỉ vì lương tâm của một y sĩ yêu nghề mà thôi, và cũng là dịp tôi được thí nghiệm những điều đã học hỏi.
Hưng cãi:
– Không phải chỉ thế thôi, chính vì cô đã có một tấm lòng nhân đạo không muốn thấy một sinh vật thoát oan!
– Một y sĩ có lương tâm tất phải có lòng nhân đạo là lẽ dĩ nhiên.
Mỹ trả lời.
– Hơn nữa cô đã lo chu đáo cho tôi. Cô đã tự mình săn sóc cho tôi trong tháng đầu và chu cấp tiền bạc cho tôi lúc tôi đã khá.
Mỹ cười bảo:
– Chớ không lẽ tôi để cho ông chết đói khi đã lôi ông khỏi cái chết oan!
Hưng hỏi:
– Nhưng tại sao cô muốn lánh mặt tôi khi tôi vừa mạnh?
– Vì tôi tưởng phận sự của tôi đã hết. Hôm nay tôi đến để xem ông có cần dùng gì nữa không? Ông cứ thật tình nói ra. Tôi sẵn lòng giúp đỡ ông trước khi ông thật mạnh.
Hưng lắc đầu:
– Cám ơn cô. Tôi đã mang ơn cô quá nặng, không dám làm bận cô thêm nữa. Số tiền cô giúp tôi hiện hãy còn nhiều, tôi sẽ tự lo lấy sau này.
“Có điều tôi muốn biết, là cái tên Triệu Việt Hưng mà cô đặt cho tôi, hình như tôi có biết. Đó là tên của một người thật, phải không cô?
Mỹ gật đầu:
– Đó là tên anh tôi.
– Một viên kỹ sư canh nông, đã mất tại Bạc Liêu hồi năm…?
– Ông biết rành mạch thế, chắc ông có quen? À! Tôi quên hỏi ông tên gì?
Hưng chỉ mỉm cười:
– Tôi không muốn nhớ cái tên của tôi, vì nó chỉ là tên của một kẻ muốn được sống một cuộc đời ích kỹ.
Mỹ không hỏi thêm. Nhắc lại:
– Ông quen với anh tôi hồi nào?
– Chúng tôi cùng học một trường, nhưng không được thân lắm. Tôi được biết rõ cái chết của anh cô, cái chết xứng đáng của một công dân Việt Nam. Tôi rất thẹn mà được cô cho mang cái tên đáng kính mến ấy.
Bằng một giọng êm đềm và buồn, Mỹ bảo:
– Thú thật với ông rằng tôi cũng có một ít tâm hồn lãng mạn, khi được biết chắc ông sống, tôi hết sức vui mừng, cái mừng của một nghệ sĩ thành công ở tác phẩm của mình, tôi bươi óc để đặt cho tác phẩm ấy một cái tên. Tôi đã đắn đo nhiều khi đem tên của anh tôi trao lại cho ông, với hy vọng làm sống lại người mến yêu của tôi ở ông. Tôi đã săn sóc ông như một đứa em, vì tôi chưa được ái hạnh phúc săn sóc anh tôi bao giờ…
Mỹ tiếp:
– Ông đã có cái may là đến đúng với một người có một cảnh ngộ như tôi. Tôi mong rằng ông sẽ làm sống lại một cách xứng đáng anh Triệu Việt Hưng của tôi.
Và đôi mắt nàng sáng lên:
– Anh tôi, một người vóc vạc như ông, rất nghệ sĩ lúc thời bình. Và khi thời loạn đã biết dẹp lại tất cả những thường tình, nối lại những truyền thống tinh thần hào hùng của giống nòi xưa để làm một người trai không thẹn với tổ tiên…
Đợi Mỹ dứt lời, Hưng – cứ gọi Hưng cho dễ hiểu – cương quyết:
– Tôi xin thề trước vong linh anh Triệu Việt Hưng rằng anh sẽ sống lại một cách đầy đủ ở tôi. Anh sẽ có dịp tiếp tục chí hướng dẹp những nỗi bất bình ở xã hội. Sẽ làm thế nào không còn kẻ mạnh hiếp yếu, không còn những kẻ có thể sống oan như tôi đã suýt chết. Làm thế nào cho tất cả người Việt đều tỉnh ngộ. Không giết lẫn nhau, không hiếp đáp lẫn nhau và được sống bình đẳng với tất cả các dân tộc. Tôi nguyện sẽ làm được như thế hay là chết đi một lần nữa.
Mỹ đứng lên cầm áo và sách, giọng cảm động nàng nói:
– Từ đây, trên đời tôi đã có lại một người anh. Tôi đã là em của anh. Người em gái Triệu Hưng Mỹ của anh Triệu Việt Hưng. Mong rằng một ngày kia tôi được thấy anh kiêu hãnh như một kẽ đã tròn lời hứa khi anh sẽ gặp lại người em gái của anh”.
Nàng đưa tay siết chặt người thiếu niên rồi bước mau ra cửa.
Hưng thẫn thờ nhìn theo, lòng lâng lâng một cảm giác vừa vui tươi vừa cảm động: Chàng thấy hình như người thiếu nữ thùy mị ấy chính là em mình, một cô em gái thật dịu dàng, thật yêu thương anh, như những cô em gái Việt Nam dịu dàng khác của nòi giống Việt kiêu hùng…
Quốc Ấn
Nguồn: Thẩm Tuyên gửi truyện