Trần Huy Sao
Tìm được tấm hình chú Tư Đào bên hồ cá cảnh…ngày nào…
Thêm, một tuần lên Rancho Bernado thăm cháu Nội, nên cớ sự chuyện [cà-kê-dê-ngỗng] với cháu nội.
Thật ra, xưa tiếp nay, có rất nhiều chuyện kể hoài không hết…
Hôm nay, kể chuyện về cái hồ cá…
Hồi đó, sau khi bấu rào kẻm gai trở về, trầy trật xin vào được Hơp tác xã xây dựng Thống Nhất đặng có phiếu gạo hàng tháng, có thu nhập cho một vợ bốn con, có lý do cư trú lì không vào diện đi vùng kinh tế mới…
Nhiều lý do được miển trừ khi có được công ăn việc làm với tay nghề được xếp hạng bậc sau khi…thử tay nghề…trước khi được nhận vào hợp tác xã.
Thời gian bấu rào kẽm gai, tôi may mắn được lọt vào mắt xanh của ông Năm Giỏi.
Ông là ông thợ hồ chuyên xây nhà cho người ta ở.
Ông người miền Nam hào phóng xởi lởi và rất “trù phú” cho mổi đợt… “thăm nuôi”.
Lần đầu tiên gặp, ông chia cho tôi nguyên con khô cá Sặc.
Lần thứ hai, ông chia thêm mấy táng đường đen.
Lần thứ ba ông ghé qua chỗ tôi, nói chuyện trời đất mông lung rồi hỏi thăm lý do nào mà bấu-rào-kẽm-gai. Tôi thành thật “khai báo”.
Sau lần đó, ông cứ “đeo” tôi hoài…
Mổi đợt thăm nuôi ông thường chia sớt cho tôi nhiều món ăn miền quê Nam ngọt-mặn-chua-cay do bà Năm Giỏi tự nấu.
Thiệt tình mà nói, mổi đợt thăm nuôi, ngoài lon ruốt Sả, mấy táng đường đen, gói thuốc Lào ba số 888, lưng bao cát (mà đựng gạo) từ Mạ vợ hàng ngày buôn chuyến Trà Đà lạt&La Ba từ sáng tinh mơ tới tối mịt, từ bà xả hết sức tằn tiện từ đồng lương, tiêu chuẩn cô-giáo-lưu-dung bới xách mổi đợt thăm nuôi, tôi lại có may mắn được ăn dặm ăn theo thêm miếng ngon miền Nam từ tay ông Năm Giỏi chia sớt.
Ông có từng “giới thiệu” với tôi bà người gốc Bến Tre làm tôi liên tưởng tới bài ca và bài thơ nói um sùm về “dáng-đứng Bến Tre”…
Chớ thiệt sự tôi thấy bà Năm Giỏi có dáng-đứng-liêu-xiêu (giống như bà xã tôi) mổi lần hết giờ thăm nuôi, đứng dậy, chia tay chồng, ra về…
Ông Năm Giỏi thuộc “diện” hình sự, có tuyên án thời gian còn tôi thuộc diện “cải tạo” vô thời hạn. Hai “diện” nhốt chung vì không có chỗ chứa.
Một ngày nào đó, ông Năm Giỏi mản hạn tù thì được về còn một ngày, không biết ngày nào, tôi vẫn cứ tiếp tục chuyển Trại này qua Trại khác, mút-mùa-lệ-thủy, không có mốc (meo) thời gian…
Gặp nhau, chỉ tình cờ, vậy thôi…
Cho tới, một lần, đang trên nông trường “lao-động-vinh-quang” thì được gọi tên về sân Trại đứng xếp hàng với mấy tay cũng cùng bấu-rào-kẽm-gai mặt mày lơ láo thất hồn.
Lại lên xe chuyển Trại nữa rồi!…
Lát lâu thấy mấy tay quản giáo với…ông Năm Giỏi đi ra ghi ghi chép chép gì đó trong cuốn sổ rồi lùa cả đám vào phòng Giám thị Trại.
Chưa kịp hết hồn thì ông Năm Giỏi tới vổ vai, nháy mắt, cười, nói: “ Đi theo chú”.
Từ đó tôi theo toán thợ hồ ông Năm Giỏi đi xây những phòng “mật thất” giam giữ những bấu-rào-kẽm-gai cùng cảnh ngộ như tôi.
Tôi buồn lắm!.
Tôi oán giận ông đã đưa tôi vào hoàn cảnh trái ngang.
Tôi còn nhớ, có một đêm vào giấc khuya, ông Năm Giỏi đến lay tôi dậy, đưa tôi gói thuốc Tam Đảo và cười.
Tôi hỏi: “ Thấy chú chưa từng hút thuốc sao có bao thuốc cho tôi?.”
Ông cười, nói: “ Đừng mại hơi, chú em. Cứ cầm lấy rồi hút cho phê.”
Thấy tôi còn ngần ngừ, ông dứ dứ bao thuốc tới, lại cười: “ Rụt rè gì nữa. Cầm mạnh dạn lên. Thèm “thấy mẹ” rồi, còn mại hơi thấy ghét”.
Khi tôi cầm lấy bao thuốc, ông đặt bàn tay nồng ấm lên tay tôi, nhìn tôi, nói khẽ: “ Thấy hoàn cảnh cháu, chú thương thì giúp, vậy thôi. Biết tỏng cháu hờn giận chú nhưng mà, cháu nghỉ coi, chú với cháu giờ như con cá nằm trên thớt cắt chặt kiểu nào cũng phải chịu. Cháu lao đông bên ngoài cuốc xới cũng hoàn cuốc xới rốt ráo tới ngày được thả ra đời có nghề ngổng gì nuôi nấng vợ con. Chú ngắn gọn là muốn cháu theo nghề chú nhân thời gian này, tới đâu hay đó. Duyên may thì đat còn không thì tự cháu mày mò học hỏi thêm đặng có nghề mà nuôi vợ nuôi con sau này. Ý chú là vậy không có ý gì khác”.
Bàn tay nóng ấm và lời tâm sự mộc mạc đơn sơ khiến lòng tôi chùng xuống.
Tôi nắm lấy bàn tay ông Năm Giỏi tưởng chừng ông như là ông Bụt hiện thân cứu nạn sinh linh.
Từ đó tôi theo ông Năm Giỏi suốt thời gian bấu-rào-kẽm-gai, cũng khá dài.
Ông tận tình chỉ bảo tôi từ mổi đường bay xúc hồ vén khéo mạch gạch đá, đến độ mỏng dày khi tô tường trên bàn chà, đến độ thẳng đứng nhìn từ dây dọi, đến góc cạnh vuông khi mở móng nền nhà, đến chi li tính toán lỗ lời khi nhận thầu một công trình, đến những…mánh mung cần có trong nghề nghiệp…
Tôi đã học nghề từ nơi ông Năm Giỏi để chuẩn bị mưu sinh khi nhả-rào-kẽm-gai.
Ông chăm chú nhìn tôi tự xây bức tường đá, bức tường gạch thẳng đứng không ngả nghiêng.
Ông theo giỏi tôi chi li tính toán được số đá gạch, cát, xi măng cho một công trình
Ông Năm Giỏi (chỉ tạm) gật đầu, cười, nụ-cười-nam-bộ.
Ông truyền ngắn gọn một câu “ Nghề dạy nghề theo kinh nghiệm theo nghề.”
Và (rất) ưng tôi gọi ông là Thầy: Thầy Năm Giỏi.
Tình Thầy trò chỉ đặng một quảng ngắn thì thời… thì xa cách nhau.
Thầy về trước, một thời gian lâu thì trò mới về.
Về, mang theo bao nhiêu là căn bệnh dành dụm nhiều năm bấu-rào-kẽm-gai, nay có dịp tha hồ “giải phóng”.
Tôi bệnh (mà không có hoạn) dài (lâu) bắt hành tỏi bà xả đêm đêm lo soạn giáo án, ngày lên bục giảng hít bụi phấn rồi tiếp lo ông giáo (ăn theo) . Mệt quá chừng là mỏi.
Nay, viết dài dòng câu chuyện xưa là từ tấm hình chụp chú Tư Đào ngồi bên hồ cá cảnh.
Cái hồ cá (nhỏ xíu) này là tôi tự xây cho chú vì biết chú rất ưng có cái hồ cá để được nhìn đàn cá bơi qua lượn lại.
Thời buổi đói cơm lạt muối cơm độn sắn khoai chạy ăn từng bữa mà bày vẻ…thanh cảnh kiểu này, thiệt là đáng đem ra tổ dân phố hằng đêm đọc bài “kiểm điểm”…
Nhưng (nhị) chi đâu…
Là tại, bởi, vì thương con mà chìu con cho…tới bến.
Bài dạy Thầy Năm Giỏi từng dạy cho tôi cách chống rò rỉ thoát nước từ những bể cạn to nhỏ, chống dột những mái sân thượng nhà cao tầng…
Tôi mang những “bí kíp” này bỏ vô hồ cá chú Tư Đào cho hồ cá luôn đầy ngấn, không rò rỉ thoát nước.
Cho chú chụp được tấm hình bên bồ cá nhà xưa, ngày xưa…
Ôi, nhà xưa mái lợp giấy dầu, tường che vách ván ép…
Ôi, ngày xưa cơm độn sắn khoai…
Cháu nội Benjamin của Ôn..
Truớc tiên, là Ôn tặng tấm hinh chụp Ba cháu ngồi bên hồ cá cảnh ngày xưa, là dành tình riêng của Ôn cho chú Tư Đào, ngày đó.
Tiếp tới là Ôn cà-kê-dê-ngổng từ hoài niệm bài viết này khi Mệ đang ẳm cháu, ru cháu ngủ thời gian Ôn Mệ lên Rancho Bernado, một tuần, bồng ẳm cháu.
Ngôi nhà của Ba cháu lạ hoắc nhà xưa vách len ván ép mái lợp giấy dầu…
Hồ cá cảnh của Ba cháu bốn bề lộng kính đèn điện sáng choang khác cái hồ đào bới trét hồ xây gạch tô láng hồi xưa…
Đàn cá đủ màu nhởn nhơ bơi qua lượn lại mà còn thấy đâu con cá-ba-đuôi-mập-ú-thù-lù bơi không muốn nổi ngày nào, bởi ăn no mớ trùng huyết Ôn với Ba cháu vớt vợt ở mương nươc trước nhà chú Thành cô giáo Hà ở Cây số Bốn…
Tấm hình Ba của cháu bên hồ cá cảnh ngày nào đã là hình lưu niệm hiếm quý…
Nay cháu đang thời tìm hơi khát sữa khóc to sư-tử-hống khiến Ba Mạ cháu cũng vôi vàng xoắn xít bên nhau lo cho thằng cu háu đói.
Ôn thì cứ phán là thằng cháu Benji của Ôn xấu đói…
Đó…
Những chuyện đời thường khi cháu còn nhỏ xíu chớ mai mốt lớn rồi [hi vọng] cháu sẽ,nhớ,nói,đọc,viết được tiếng quê hương.
Ôn “chắc cú” cháu sẽ vui khi có Ôn Nội của mình vừa biết làm Thơ vừa viết Văn kể chuyện quê nhà, chuyện tha phương, chuyện rất đời thường…chuyện Ba con…chuyện mấy đứa cháu Nôi Ngoại….
Thiệt tình, mấy tay biết rồi thèm viết, như Ôn, bày văn thơ chữ nghỉa thày lay bao nhiêu chuyện kể thời con của Ôn (Hai Trí Trần Minh Trí, Ba Quyên Trần Thục Quyên, Tư Đào Trần Minh Đạo Út Linh Trần Nhã Uyên) rồi tới cháu của Ôn (LiLi Trần Huyền Trân, Andrew Trần Minh Huy, Kenneth Trương Thiếu Hiệp, Jasmin Trương Thục Nhi, Teddy Hồ Thiên Ân, Olli Hồ Hồng Ân, Eli Hồ Nguyên Ân).
…và, giờ đây, cháu nội Benjamin Trần Minh An của Ôn.
Có nhiều, rất nhiều chuyện nữa nên Ôn vẫn cứ còn gỏ phím còm-biu-tơ….
Trần Huy Sao
viết từ Rancho Bernado, San Diego, CA
Bear Dance&Higth Mesa
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh