Đại học Máu: Trại Trảng Lớn 7/75-7/76 – Chương 3

Posted: 02/06/2013 in Hà Thúc Sinh, Hồi Ký

Hà Thúc Sinh
Chuyện kể về 1685 ngày tù dưới chế độ Cộng sản Việt Nam

Đã đăng: [Vào truyện], Chương [1], [2], [3]

trai_tu_cai_tao

Như chương trình đã được thông báo vào chiều hôm trước, sáng hôm sau, ngay khi hồi kẻng 5 giờ điểm, các khối trưởng đã tích cực lôi mọi người dậy. Khối trưởng Trai hơi cuống khi nhìn thấy cảnh anh em khối 10 vẫn lè phè nằm nướng. Anh lên tiếng cự.

– Tôi lạy các ông dậy giùm cho. Tại sao cứ để người ta chửi lên đầu mình mới chịu?

Thế nhưng khối trưởng Trai không cự nự được nhiều hơn, và mọi người cũng không ai ngủ nướng được nữa. Tên quản giáo Cư thình lình xuất hiện ngay giữa cửa phòng.

– Nghiêm!

Một tiếng hô vội vã từ một chỗ nào đó xướng lên. Khối trưởng Trai giật mình quay lại. Ngược với dự đoán của mọi người là sẽ phải bành tai nghe những lời chửi rủa hôi hám không thua gì cái mồm cả đời không biết đánh răng của hắn ta, tên quản giáo Cư chỉ đùng đùng nổi giận với riêng khối trưởng Trai. Hắn hét.

– Anh Trai, anh gọi ai là “người ta”?

– …..?

– Cách mạng tin anh, đặt để vào chức năng khối trưởng để giúp Cách mạng giáo dục thắng lợi với tất cả những kẻ có tội với Đảng, với Tổ Quốc, với Nhân Dân là đồng bọn các anh. Trong những lần giao ban, Cách mạng đã giáo dục riêng anh bao nhiêu lần về cách xưng hô?

– …..!

Bộ mặt lạnh tanh của khối trưởng Trai như làm cóng lạnh tên quản giáo. Hắn run lên.

– Tại sao anh không trả lời tôi? Tại sao?

– Thưa… tôi quên!

Như nhớ ra điều gì, tên quản giáo hạ cơn nóng thật nhanh và mỉm cười một cách nham hiểm.

– Thôi được, lần này tôi chấp nhận cho anh quên. Nói đoạn hắn nhìn vào đám đông, tiếp. Nhân đây, tôi nhắc nhở chung cho toàn khối, nghe rồi phải nhớ trong óc và chấp hành cho tốt, không phải tôi nói như nước đổ đầu vịt, nghe lỗ tai này để nó chạy ra lỗ tai kia. Hắn tằng hắng lấy hơi và đảo mắt một vòng như để uy hiếp tinh thần bọn tù. Tôi nhắc lại một lần cuối cùng, các anh phải nhớ các anh là kẻ có tội. Các anh vào đây là để học tập cải tạo, để phấn đấu trở thành người công dân lương thiện. Không phải Cách mạng đem các anh vào đây nuôi cơm để các anh ăn không ngồi rồi, để đàn đúm thêu dệt những chuyện phản động, để tùy tiện muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Yêu cầu đầu tiên của Cách mạng đòi hỏi nơi các anh không nằm ngoài tính dân tộc của cha ông để lại: tiên học lễ hậu học văn.

Nói tới đây bất chợt tên quản giáo quay sang khối trưởng Trai, hỏi. Tiên học lễ hậu học văn là gì? anh Trai.

Nỗi căm hờn như rần rần chạy trong từng gân máu của anh chàng phi công to con, từng được bầu làm chiến sỹ xuất sắc và có ảnh đăng trên báo Chiến Sỹ Cộng Hòa. Lấy hết bình tĩnh, khối trưởng Trai trả lời.

– Thưa anh tôi dốt chữ!

Cái ngu của chính tên quản giáo làm cho hắn mỉm cười. Bỗng dưng hắn hạ giọng từ bi vô lượng.

– Đấy, các anh thấy không! Mấy đời nhà các anh chỉ đi làm tay sai, hết Tây sang Nhật, hết Nhật sang Mỹ. Các anh nói tiếng Tây, tiếng Nhật và tiếng Mỹ như gió; còn tiếng của cha ông để lại thì cứ mù mờ như người nước ngoài. Yêu cầu của Cách mạng đòi hỏi các anh phải tập trung học tập cải tạo là triệt để đúng đắn, triệt để “lô rích móc xích”. Nói tới đây hắn lại tằng hắng. Đã tự biết mình dốt ấy cũng là điều đáng quý, hắn nói tiếp. Nhưng dốt thì phải học tập. Tôi là người thay mặt Cách mạng giáo dục các anh, thì tôi là gì của các anh? Tên quản giáo bất chợt chỉ vào một người đứng gần khối trưởng Trai, hỏi đại. Là gì hả anh kia?

Anh chàng bị hỏi vừa bực vừa lúng túng, nhưng chỉ một tích tắc anh ta trả lời được ngay.

– Dạ là … Cách mạng!

Tên quản giáo Cư hơi nhăn mặt:

– Thì hẳn nhiên là Cách mạng rồi. Nhưng là gì chứ?

– Dạ là … Giải phóng!

Tên quản giáo có vẻ hơi cáu vì cái đần của thằng tù “ngụy”. Hắn giơ quả đấm lên cao nói một cách cương quyết.

– Là thầy, nghe rõ chưa? Tôi thay mặt Cách mạng giáo dục các anh tức là thầy các anh, nhớ cả chưa?

– …..!

– Mà đã là thầy thì bản thân tôi sẽ phấn đấu hoàn thành tốt công tác làm thầy. Các anh phải xa cha mẹ vợ con thì tôi cũng xa cha mẹ vợ con. Các anh đi học tập lao động dầm mưa dãi nắng thì tôi cũng dãi nắng dầm mưa với các anh. Các anh ra nông trường thì tôi cũng có mặt ở nông trường. Các anh đến lâm trường thì tôi cũng phải đến lâm trường. Các anh ăn năm lạng thì tôi cũng bảy lạng là cùng…

Bọn tù bỗng im như tờ lắng nghe tên quản giáo lên lớp. Chẳng phải họ chú tâm chi đến những lời lẽ huênh hoang của tên quản giáo ngu dốt ấy, mà vì trong những câu hắn nói đã vô tình tiết lộ nhiều chi tiết quan trọng hầu như mấy ngày qua ai cũng muốn biết. Tại sao hắn lại nói các anh ra nông trường tôi cũng phải ra nông trường? Các anh đến lâm trường tôi cũng phải đến lâm trường? Thôi thế này thì bỏ mẹ cả đám rồi!

Riêng tên quản giáo lấy làm hài lòng về sự ngoan ngoãn lắng nghe của bọn tù. Hắn mê man lên lớp. Còn về phần các anh, các anh phải có thái độ, có nghĩa vụ gì trong học tập, nhất là đối với người thầy dạy của mình? Các anh phải ý thức cho đúng đắn vị trí mới của mình, ấy là vị trí của một học viên cải tạo, nói nôm na là vị trí của một anh học sinh. Mà đã là học sinh thì phải có nhiệm vụ tôn kính thầy. Qua quan sát chẳng riêng khối này mà là tất cả các khối, khung nhận xét thấy các anh còn rất lơ là trong tác phong, thái độ học tập rất thiếu nghiêm túc, ăn nói rất thiếu khiêm tốn và lễ phép. Nói chung chung sự tác động qua lại trong tình người giữa các anh và các cán bộ quản giáo cũng như các chiến sỹ Cách mạng chưa đạt được tiêu chuẩn tốt. Điển hình là anh Trai khi nãy. Tại sao anh lại dùng chữ “người ta” để chỉ những người làm Cách mạng? Mổ xẻ cho sát, phân tích cho sâu, thì ta có thể khẳng định đây là kết quả của một quá trình đấu tranh tư tưởng chưa tốt. Vì đấu tranh tư tưởng chưa tốt nên anh Trai đã chưa củng cố được lập trường đứng hẳn về phía Cách mạng. Anh vẫn còn lơ vơ lờ vờ như người say thuốc lào. Bạn thù rất là chưa phân minh. Anh vẫn đặt những người Cách mạng sang hẳn một phía đối nghịch, do đó mới dùng những chữ lập lờ đánh lận con đen là chữ “người ta”! Nói công khai mà còn nói như thế, sau lưng chắc thế nào mà chả gọi những người Cách mạng là thằng nọ thằng kia.

Nói tới đây hắn bỗng giơ cao tay, vén tay áo một cách rất chậm rãi, tuồng như để ngầm khoe với mọi người hiện hắn đã được làm chủ cả một cái đồng hồ. Hắn xem giờ hơi lâu! Sau cùng hắn bỏ tay xuống và vòng cả hai tay ra sau đít. Sáng nay, hắn nói. Tôi tranh thủ lên lớp với các anh vài điều cần thiết như vậy thôi, có dịp tôi sẽ lên lớp tiếp. Cách mạng chỉ yêu cầu các anh từ nay về sau rút kinh nghiệm nơi khuyết điểm của anh Trai trong lời ăn tiếng nói. Lời nói không mất tiền mua, phải vậy không? Vậy thì các anh nói sao cho đúng vị trí của mình. Phải nhớ rằng đối với Cách mạng, tất cả mọi hành động, mọi lời ăn tiếng nói đều được đánh giá là kết quả của một quá trình ý thức. Do đó, đừng để vì những lời ăn tiếng nói mà gây ra hậu quả phải học tập cải tạo lâu dài.

Sau khi kết thúc câu nhát ma sau cùng, hắn quay lại nói nhỏ với khối trưởng Trai. Khối trưởng Trai gật đầu lia lịa. Lúc tên Cư đã khuất khỏi cửa, Trai quay lại phía anh em. Trai nhìn anh em một cách rất đau khổ, tuồng như cái mũ mà tên Cư đã âu yếm đội lên đầu anh vừa quá nặng lẫn quá chật khiến anh đau đớn chịu không thấu. Anh buồn rầu nói.

– Chúng ta đều vừa học được một bài học quý giá mà tôi là một điển hình. Yêu cầu anh em rút kinh nghiệm. Giờ cũng sắp tập họp đến nơi rồi, tôi đề nghị anh em tranh thủ làm công tác vệ sinh cá nhân thật nhanh. Cũng nhân đây, tôi nhắc lại lời quản giáo vừa nói với tôi khi nãy. Từ nay Trên cấm tuyệt đối việc nhúm lửa nấu nướng lẻ tẻ. Yêu cầu anh em tổ trực cho dọn sạch các viên gạch kê làm bếp chung quanh nhà. Ai còn vi phạm, bị bắt ráng chịu trách nhiệm.

Trai tính nói thêm nhưng hình như chẳng còn gì để nói, do đó anh ra một thủ hiệu tan hàng.

Mọi người đứng đã mỏi chân, được lệnh ai nấy gấp gáp cuốn chăn màn và phóng ra ngoài tìm nước đánh răng xúc miệng.

Đúng 7 giờ rưỡi, những tiếng kẻng thi nhau rền vang qua tất cả các trại thuộc L4. Riêng ở L4T1, khi nghe kẻng báo, mọi người đều từ trong phòng ùa ra sân như kiến vỡ tổ. Tất cả đều quy về khoảng đất rộng phía trước khối 10 và khối 14, chạy dọc theo con đường nhựa dẫn tới phía phi trường của căn cứ.

Đã một thời gian căn cứ bị bỏ hoang, cỏ lau mọc thành những cánh đồng bát ngát. Nơi những bãi đất trống trước đây giờ người ta chẳng nhìn thấy gì khác hơn là cỏ. Thỉnh thoảng có vài vũng nước mưa thật lớn và trong vắt còn hằn vết bánh xe Molotova. Những connex nằm rải rác bên đường lỗ chỗ vết đạn và nhất là súng ống, lựu đạn, giấy tờ, quân phục đủ loại đã dãi dầu mưa nắng: chứng tích của một cuộc tháo chạy ê chề tủi nhục vừa qua…

Hơn 1.000 tù của L4T1 được bố trí thành từng khối đứng dọc theo con đường nhựa. Vĩnh quan sát thấy sau mỗi ụ đất, mỗi connex đều có bố trí vệ binh. Chúng được trang bị AK.47 với nét mặt đầy cảnh giác hướng về bọn tù. Chắc đã được lệnh từ trước nên các khối trưởng tự động so hàng và điểm danh khối mình. Mười phút sau khi hàng ngũ đã đâu vào đó, bọn cán bộ tiểu đoàn và bọn quản giáo mới từ những dẫy nhà phía bên kia đường tràn sang.

Quả thực nếu như chúng không có những khẩu K.54 kè kè bên hông và những cái túi dết bằng da bò đeo trên vai thì không ai có thể tin được rằng đó là những sỹ quan cán bộ của tân chế độ. Thằng nào thằng nấy ngơ ngơ ngáo ngáo, áo quần xốc xếch dơ bẩn, lon lá không đeo; thực tình trông chúng không có tí tác phong nào của người quân nhân, chứ đừng nói chi tác phong của sỹ quan hoặc hạ sỹ quan cán bộ.

Chúng tràn sang bên này đường để tiến tới trước các hàng quân của những kẻ bại binh. Quản giáo khối nào tiến về khối đó. Riêng tên thủ trưởng, thủ phó và chính trị viên tiểu đoàn dừng chân ngay trên mặt lộ. Thật đúng là ba cái bia bắn trong quân trường!

Như tất cả mọi khối, tù khối 10 đã đứng vào vị trí của mình.

– Hôm nay ngày khai trường, này ông nhà văn nhà thơ, ông có thể mô tả quang cảnh này bằng một câu nào cho thật khéo không?

Một cái vỗ vai tiếp theo là một câu nói cất lên sau lưng Vĩnh. Vĩnh giật mình quay lại. Anh nhận ra Nguyễn Văn Ý, trung úy đại đội trưởng Biệt Động, thuộc tổ 5 và nằm cách Vĩnh hai người. Tự dưng Vĩnh hơi lo khi thấy có người biết được cái nghề tay trái trước đây của mình.

Trong trại cải tạo của Cộng sản, cái tóc là cái tội. Kinh nghiệm này ai cũng có thể tìm thấy qua hàng đống sách vở nói về thế giới lao tù của Cộng sản xuất bản trước kia. Mà đã được biết như vậy thì ai cũng muốn tìm mọi cách chứng minh mình… trọc đầu khi đã lọt vào đây. Là một sỹ quan “ngụy”, chứng minh mình ít tóc đã là một điều khó tin, lại còn đần độn chơi thêm tí nước hoa lên cái đầu rậm tóc của mình thì thật có ngày… chết ăn năn tội không kịp!

Nghĩ thế Vĩnh cười nhạt.

– Văn với thơ cái khỉ gì ông!

Ý vẫn đùa.

– Làm gì như Phê Rô chối Chúa vậy? Đồng bọn cả mà. Rồi như đoán được sự e dè của Vĩnh, Ý trấn an và tiếp. Ức lắm ông ơi. Không biết ông sao chứ tôi 7 năm cầm quân săn chúng trong rừng trong rú, chúng lẩn như ma. Bây giờ chúng rờ rờ trước mặt mà mình đếch làm gì được.

– Không lấy làm buồn! Một giọng nói có vẻ lạc quan cũng từ phía sau Vĩnh chen vào. Cháy nhà ra mặt chuột. Cứ để cho tông ti họ hàng nhà chúng nó ló mặt ra hết đi. Một ngày nào đẹp trời ta sẽ làm cỏ tận gốc.

– Lúc ấy sướng nhỉ! Một tay khác mơ mộng. Ai xử sao mặc xác, chứ riêng tao…

Sự mơ mộng của anh bạn thứ ba đứng sau Vĩnh chưa kịp thành hình thì phải đứt đoạn vì một tiếng hô.

– Nghiêm!

Tiếng hô của khối trưởng Trai thật to làm mọi người trong khối 10 rầm rập tuân lệnh.

– Thao diễn, nghỉ!

– Ngh…

– Làm cái trò gì đó?

Một tiếng thét thứ hai cũng chợt nổi lên và cắt ngang tiếng hô của khối trưởng Trai. Khối trưởng Trai hoảng hốt quay lại. Một lần nữa anh muốn ỉ…ra quần. Trước mắt anh quang cảnh đang diễn ra không êm ả tí nào. Tên quản giáo Cư đã không còn đứng ở vị trí của hắn nữa mà đã chạy ngược lên mặt lộ, hợp với ba bộ mặt hớt hải của ba thằng chóp bu trại tù đang đứng trên mặt đường. Nhiều khẩu K.54 đã được rút ra khỏi bao da, cùng lúc ấy sau các connex, sau các gốc cây, bọn vệ binh súng đã lăm lăm trong tư thế sẵn sàng. Bên dưới, hơn 1.000 tù đều giật mình dây chuyền.

Tên chính trị viên tay lăm lăm khẩu K.54 và chậm tiến về phía Trai.

– Này thằng kia, mày hô hoán cái gì thế? Hắn vừa hỏi vừa run, nhưng chẳng ai rõ hắn run vì giận hay vì sợ. Hắn lập lại. Mày vừa hô hoán mật lệnh đồng khởi hay gì đấy?

Khối trưởng Trai thừa thông minh để hiểu căn nguyên của vấn đề. Anh có vẻ mất bình tĩnh, càng mất bình tĩnh hơn khi thấy họng súng cứ ve vẩy về phía mình một cách rất nguy hiểm.

– Dạ thưa…

Có lẽ sau khi hoàn hồn, tên thủ phó tiểu đoàn đã nhận ra cái hố của cả bọn nên hắn vội tiến lên, ra dấu cho tên chính trị viên ngừng nói và cất giọng thật lớn như muốn át đi một phần cái ngượng của chính bản thân mình.

– Anh kia, lần này tha, lần sau Cách mạng sẽ có biện pháp xử lý.

Nói với Trai xong hắn thụt vài bước lên mặt lộ, nói lớn với tất cả. Đây là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng tôi nhắc nhở chung mọi người. Khi tập họp điểm danh báo cáo nhân số, mọi người phải có thái độ nghiêm túc và tác phong khiêm tốn. Các anh có quyền hô nghiêm, nhưng tuyệt đối cấm cái tác phong ngụy như ban nãy. Muốn dàn trận hay sao mà hô thao diễn?

Thế rồi cả tiểu đoàn lại mất thêm mười phút để lắng nghe bài học về sự tập họp điểm danh của tên thủ phó, lúc hắn đã cầm lên cái loa tay chạy pin để trên chiếc bàn kê ngay mặt lộ. Thôi thì đủ thứ chuyện hầm bà lằng. Rốt cuộc khi tập họp chỉ được dùng khẩu lệnh nghiêm và nghỉ một cách có tác phong… khiêm tốn theo đúng vị trí của một cải tạo viên. Mọi thứ khẩu lệnh khác của “Mỹ ngụy” đều phải dẹp bỏ vào đống rác của dĩ vãng. Để kết thúc bài học tập họp điểm danh, trên thủ phó không quên nhát ma thêm một điều nữa: Bất cứ ai lợi dụng chức năng đại diện tập thể để phát ngôn những lời lẽ gây phấn chấn tinh thần chống đối học tập cải tạo sẽ bị xử bắn!

Sau khi bài học chấm dứt, khối trưởng Trai quay lại với anh em. Bây giờ thì anh lúng túng như một tân khóa sinh lần đầu tiên phải làm tuần sự đại đội trong trường sỹ quan năm xưa. Anh không biết hô hoán thế nào để không bị ngộ nhận và có thể bị lôi ra bắn bỏ. Sau cùng, nối đuôi theo những tiếng hô Nghỉ của các khối khác, khối trưởng Trai cũng buồn bã buông một tiếng Nghỉ rồi đứng buồn như một anh Nhật vừa bị anh Tàu giải giới.

Sau khi tất cả các khối đã tập họp điểm danh và báo cáo nhân số, “Trên” bắt đầu làm việc. Tên chính trị viên, cái loa chính thức của bất cứ tiểu đoàn Cộng sản nào, tiến lên và cầm lấy cái loa từ tay tên thủ phó. Sau khi hội ý vài điều với tên thủ trưởng, hắn quay lại đám đông và bắt đầu đi vào bài học chính thức của ngày khai trường (!). Gõ vài cái vào loa, hắn tằng hắng lấy giọng.

– Hôm nay, vì hội trường chưa có, ban chỉ huy trại phải tập trung các anh ngoài trời để tranh thủ lên lớp với các anh những nội quy cơ bản cho sinh hoạt ăn ở và học tập lao động tập thể ở trại này. Yêu cầu trước mắt của Cách mạng là các anh phải chú ý nghe cho tốt, sau đó về đào sâu suy nghĩ, thảo luận hăng say và chấp hành cho đúng những nội quy quy định trong học tập cải tạo. Hắn thoáng nhìn đồng hồ tay, tiếp. Đáng lý ta phải lên lớp sớm hơn nhưng vì đa số các anh tác phong tập họp chưa đúng đắn, còn rất luộm thuộm gây mất thì giờ. Mùa này nóng nực, phải vậy không? Vậy bây giờ đã 8 rưỡi, ta sẽ tranh thủ lên lớp nhanh, giải phóng lớp sớm để các anh còn kịp về cơm nước và sửa soạn bước vào thảo luận chiều nay.

Cái loa tay bỗng nhiên câm. Người đứng xa chỉ thấy đôi môi của tên chính trị viên mấp máy tuồng như hắn đang ăn vụng một cái gì. Mãi đến khi tên thủ trưởng đập vào vai hắn báo động hắn mới hạ cái loa xuống khỏi miệng. Một tên cán bộ khác nhảy tới mò mò mẫm mẫm gì đó trên cái loa. Một lúc sau cái loa người lẫn cái loa máy lại bắt dầu làm việc trở lại.

Tiếp tục gõ thử vào cái loa vài cái, tên chính trị viên cất giọng trở lại. Đấy, các anh thấy không! Sự phồn vinh giả tạo của bọn đế quốc tư bản là như thế đấy. Cái loa này do bọn quân phiệt Nhật bổn chế tạo, trông thì đẹp mã lắm, mà dùng thì không tốt chút nào, toàn những lỗi lầm cố kỹ thuật!

Sau khi đả đế quốc tư bản một hơi về câu chuyện máy móc hắn mới quay về chủ đề chính. Trở lại vấn đề lên lớp hôm nay, hắn nói. Trước hết ban chỉ huy trại trả lời những thắc mắc tâm tư nguyện vọng của hầu hết các anh, dù chưa được chính thức đề bạt lên mà chỉ mới ngấm ngầm từ ngày nhập trại đến nay, ấy là vấn đề bao giờ thì về. Nhân danh Cách mạng, tôi xác quyết với các anh có đi thì phải có về. Tuy nhiên, đi thì đi một lượt nhưng về thì dứt khoát không thể cùng một lượt. Lý do các anh cũng tự hiểu. Chủ nghĩa Cộng sản không có nhà tù (!). Đó là điều ta phải khẳng định một cách dứt khoát. Chủ nghĩa Cộng sản chỉ có những trại tập trung cải tạo nhằm giúp đỡ những kẻ lầm lạc, mất phương hướng, có điều kiện tự rèn luyện để nhận biết được tội lỗi của mình, để phấn đấu lìa bỏ dĩ vãng xấu xa, trở về với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Trên thực tế, trại cải tạo ở xã hội ta phải nói là lý tưởng nhất so với các trại cải tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Có thể ví trại cải tạo ở đất nước ta có giá trị cao như những trường đại học tổng hợp (!). Và trong trường đại học tổng hợp này, các anh sẽ được Cách mạng tạo điều kiện để tự phấn đấu trở nên người công dân lương thiện. Được vào trại cải tạo của ta tức là đã may mắn như người được nhận vào học tại một trường đại học tổng hợp. Mà đã vào trường đại học tổng hợp thì không phải vào để mà chơi. Ta vào để ta học. Nhưng học thì phải có thi, có thu hoạch kết quả. Có thi, có thu hoạch kết quả thì phải có người đỗ người trượt. Đỗ thì vinh quy bái tổ, mà trượt thì dứt khoát phải tự nguyện đăng ký xin học lại cho bằng đỗ, dù học thêm 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa…

Bên dưới đám tù có nhiều tiếng xầm xì. Tên chính trị viên vẫn phớt tỉnh và tiếp tục. Các anh phải biết rằng Cách mạng chưa bao giờ gọi các anh là tù. Cách mạng đã trang trọng gọi các anh là những học viên cải tạo. Giờ đây có thể tuyệt đại đa số các anh chưa hiểu thấu lòng trân quý của Cách mạng dành cho các anh, nhưng nếu các anh được dịp đi tham quan các nông trường tập thể của các cựu tù binh Pháp sau trận Điện Biên Phủ thần thánh, các anh mới thấy rằng họ đang được sống như thế nào. Thật là rõ ràng họ đang được sống một kiếp mới hoàn toàn sung sướng, và hạnh phúc. Nói ra các anh không tin, chứ thực tế, sau một thời gian cải tạo, có nhiều tù binh được Đảng cho trở về Pháp đoàn tụ gia đình nhưng họ đã quyết liệt xin được ở lại sống trong đời tập thể mới của họ và thỉnh cầu Đảng và chính phủ cho được nhập tịch làm người công dân mới của một nước Việt Nam mới. Đối với tù binh thực dân Đảng còn xử cao thượng như vậy, nói gì đối với các anh, những đứa con Việt Nam máu đỏ da vàng đi lạc đường một thủa! Tôi khẳng định với các anh Cách mạng sẽ thương yêu các anh nhiều hơn thương yêu những tù binh thực dân Pháp hoặc Mỹ sau này. Ngay từ ban đầu, Cách mạng đã giấy trắng mực đen giáo dục các cán bộ chúng tôi phải giáo dục các anh như giáo dục các học viên cải tạo. Thế thì, trong tư thế của các cải tạo viên, các anh chẳng việc gì phải lo lắng và nôn nóng. Đúng nhất, các anh phải tự thấy mình có nghĩa vụ đền đáp cái ơn tri ngộ của Đảng, bằng cách đặt niềm tin tuyệt đối vào chính sách cải tạo của Đảng, của Cách mạng luôn luôn trước sau như một. Cách mạng nói 10 ngày là mười ngày, nói một tháng là một tháng. Nhưng 10 ngày hay một tháng với những người đỗ kìa! Trượt thì làm sao có chuyện 10 ngày hay một tháng được. Thế thì về sớm hay về muộn chủ yếu vẫn là ở chính các anh. Các anh học tập tiến bộ? Tốt, các anh cấp úy sẽ trở về đoàn tụ gia đình sau 10 ngày và các anh cấp tá cấp tướng sẽ về sau 30 ngày. Nhưng nếu các anh ngoan cố không chịu phấn đấu học tập cải tạo, ngoan cố không muốn từ khước con đường chống lại Đảng, chống lại Cách mạng, chống lại Tổ quốc, chống lại Nhân dân mà các anh đã một lần lầm lẫn đi qua, thì dứt khoát kẻ đó sẽ không bao giờ có ngày về! Đó là một vấn đề rất lô-rích móc xích.

Tên chính trị viên ngừng lại một lúc như để ôn bài và cũng để cho lũ “tù ngụy” ngấm những lời lẽ đểu cáng của hắn vào tận xương tủy, kế hắn tiếp. Tôi nói thật với các anh, qua quá trình gần 60 năm ra đời và trưởng thành của chủ nghĩa Cộng sản, chưa một đảng Cộng sản anh em nào lại có đường lối cực kỳ khoan hồng nhân đạo như của Đảng ta. Đừng nói đâu xa xôi, các anh cứ mở to mắt mà ngó đảng Cộng sản Kampuchea anh em của ta thì rõ. Sau ngày giải phóng Nam Vang, mọi sinh vật, kể cả chó mèo, nếu đã từng nếm mùi bơ thừa sữa cặn của bọn đế quốc tư bản phản động đều bị giết, giết hết, giết sạch. Nếu Đảng ta cũng ra tay theo đúng đường lối ấy thì liệu giờ này các anh còn được đứng nơi đây không? Tôi bảo thật, nếu cứ lấy câu châm ngôn mắt trả mắt răng trả răng ra mà xử với các anh, thì tội của các anh không chỉ xử bắn bằng một viên đạn, mà mỗi người phải chịu xử bắn bằng 10 thùng đạn đại liên. Nhớ chưa? Bằng 10 thùng đạn.

Lúc này nắng đã có vẻ hơi gắt, tên thủ trưởng tiến tới và nói nhỏ gì đó với tên chính trị viên; tên chính trị viên gật gù và quay lại phía bọn tù, tiếp. Để tranh thủ thời gian vì nắng đã lên cao, tôi tạm gác những chuyện khác cho những kỳ lên lớp kế tiếp. Giờ nhân danh chính trị viên tiểu đoàn, đại diện ban chỉ huy trại, tôi thông báo các anh những điểm chính buổi lên lớp hôm nay.

Một là, kể từ hôm nay, mọi sinh hoạt ăn ở học tập và lao động sẽ bắt đầu đi vào nền nếp tập thể. Cá nhân chủ nghĩa dưới mọi hình thức đều bị thủ tiêu. Sau buổi lên lớp này, các trưởng khối phó khối về lập danh sách thu tiền ăn 10 ngày đúng theo tinh thần thông cáo của chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã đăng tải trên các mặt báo. Ai đem theo gạo cá nhân đều phải nộp về kho hậu cần tiểu đoàn để phân phối cho tập thể sử dụng. Mọi thứ nồi niêu lon cóng dùng để nấu nướng linh tinh đều phải hủy bỏ. Dứt khoát từ đây không có chế độ bếp mẹ bếp con.

Hai là, kể từ nay, ngoài chế độ ăn uống được nhà nước cung cấp theo đúng tiêu chuẩn dành cho các cải tạo viên, Cách mạng còn quan tâm cung cấp thêm cho các anh tiếp phẩm hàng tháng theo tiêu chuẩn sau:

1. Mỗi tháng 1 kem răng.
2. Mỗi 3 tháng 1 bàn chải răng.
3. Mỗi tháng 1 gói thuốc lá và nửa lạng thuốc rê hoặc thuốc lào.
4. Mỗi tháng 1 lạng đường hoặc bánh kẹo nếu không có đường.
5. Mỗi năm 2 bộ quần áo.

Tên chính trị viên vừa dứt câu thì cả một rừng người đã nhao nhao lên. Yêu cầu các anh tuyệt đối giữ yên lặng và trật tự. Tên chính trị viên hét lớn trên loa. Ai muốn chống đối bước ra khỏi hàng.

Cùng với lời răn đe của hắn là những tiếng đạn lên nòng của nhiều khẩu AK.47 bố trí quanh địa điểm tập họp. Tiếng ồn lắng xuống dần. Tên chính trị viên lại tiếp. Chúng tôi đã nói với các anh rồi, về sớm hay về muộn là tùy ở nơi các anh. Riêng về phía chúng tôi, chúng tôi không hề muốn các anh ai cũng phải học tập lâu dài để mỗi năm lĩnh hai bộ quần áo của nhà nước. Riêng ở điểm này, các anh lại càng phải lưu ý hơn về lượng khoan hồng và lòng thương yêu của Cách mạng dành cho các anh. Các anh cứ nghĩ mà xem, nếu Cách mạng không có tấm lòng bể rộng sông dài thì việc gì phải tốn kém lo mãi cho những kẻ chậm tiến, không chịu phấn đấu tốt trong học tập cải tạo? Đàng này Cách mạng vẫn kiên trì tạo điều kiện vật chất cho những kẻ chưa tốt, ngoài cơm ăn còn có áo mặc để mà tiếp tục phấn đấu trở thành người công dân lương thiện phục vụ xã hội, phục vụ đất nước sau này. Đó chính là nét ưu việt nổi bật của Đảng ta, của chế độ ta. Các anh phải suy nghĩ cho kỹ trước khi kết luận.

Bọn “Rau Răm Ở Lại” như đã hiểu rõ thân phận mình nên hoàn toàn im lặng trở lại. Tên chính trị viên có vẻ hài lòng trước thái độ… biết điều ấy, hắn tiếp.

6. Mỗi ba tháng các anh sẽ được viết thư về thăm gia đình và ngược lại, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để gia đình các anh hồi âm. Nội dung viết thư như thế nào, động viên lẫn nhau ra sao vân vân và vân vân sẽ được học tập sau.

7. Từ nay, bằng mọi giá, ta sẽ biến trại này thành một xã hội xã hội chủ nghĩa nho nhỏ, ta sẽ cùng nhau chứng minh câu thơ của đồng chí Tố Hữu là đúng triệt để: Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Tên chính trị viên ngừng nói. Hắn cầm lấy ly nước có màu xá xị để trên chiếc bàn cạnh đấy nhấp một chút. Tuồng như không muốn để cho lỗ tai bọn “ngụy” được… kịp thở, hắn đặt ly nước xuống và trở lại vấn đề ngay. Mai đây qua các khẩu hiệu, các anh sẽ có những tiêu chuẩn chắc chắn để phấn đấu trong học tập cải tạo, đạt chỉ tiêu các mặt theo đúng nguyện vọng của Đảng, của nhà nước, của nhân dân, của gia đình và của cả bản thân. Hắn liếc nhìn đồng hồ tay. Bây giờ đã gần 11 giờ, để tranh thủ thời gian cho các anh về sinh hoạt cơm nước, tôi xin nhường lời lại cho đồng chí thủ trưởng lên lớp tiếp với các anh.

Tên thủ trưởng tiểu đoàn hăm hở tiến lên nhận lấy máy. Qua giọng nói, mọi người có thể đoán được hắn gốc người Quảng Nam nhưng đã sống giữa tập thể người miền Bắc lâu ngày. Dù hàm răng không vẩu nhưng chân dung hắn cũng không khác cái bia bắn là bao. Vừa cầm lấy cái loa là hắn lên giọng nói ngay.

– Đồng chí chính trị viên vừa lên lớp với các anh vài khâu then chốt trong bước đầu học tập cải tạo. Chắc chắn trong các anh còn rất nhiều tâm tư nguyện vọng mà chưa có dịp bày tỏ. Tuy nhiên, rồi đây ban chỉ huy trại sẽ tạo nhiều điều kiện để các anh bày tỏ nó ra. Hiện tại nói thế đã đủ, nhân danh thủ trưởng, tôi cũng có vài lời nhắn nhủ với các anh em học viên cải tạo như thế này. Các anh đừng bao giờ quên các anh là những kẻ có tội, có tội với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; đồng lúc, các anh cũng đừng bao giờ quên Đảng là người sống có tình có lý. Có tình vì luôn luôn khoan hồng cho những kẻ có tội nhưng biết thành tâm ăn năn hối cải. Có lý vì họng súng Cách mạng cũng luôn luôn sẵn sàng bốc khói trước những kẻ ngoan cố không chịu học tập cải tạo, vẫn tiếp tục tìm đường chống phá Cách mạng, chống phá nhân dân.

Hôm nay Cách mạng quy các anh về đây để cùng sống dưới một “mái trường”, tạo điều kiện tốt để các anh học tập lao động hầu trở nên người hữu ích, lương thiện; góp phần phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân xây dựng một xã hội mới độc lập, tự do, hạnh phúc, ấm no và giàu mạnh cho muôn đời con cháu mai sau.

Trong tương lai gần đây, tuần tự từng bước các anh sẽ được hướng dẫn đi vào nhiều khâu khác nhau của một quá trình học tập cải tạo. Hôm nay là ngày mở đầu cho bước đường dài phấn đấu đó, nhiệm vụ và yêu cầu trước mắt là các anh phải chấp hành tốt những nội quy của trại đã đề ra. Các anh cũng cần phải nhớ tất cả những kết quả tốt sẽ nhất định giúp các anh sớm được về đoàn tụ với gia đình; ngược lại, những kẻ gây kết quả xấu không những cá nhân mình bị thiệt thòi mà gia đình của những kẻ đó cũng phải chia xẻ nhiều trách nhiệm trước chính quyền địa phương.

Bây giờ mặt trời cũng đã đứng bóng, ban chỉ huy trại cho các anh về nghỉ để sửa soạn cơm trưa. Chiều nay các anh khối trưởng sẽ cho khối tập họp tại phòng vào lúc hai giờ. Các cán bộ quản giáo sẽ xuống hướng dẫn các anh sinh hoạt thảo luận những huấn thị mà tôi và đồng chí chính trị viên đã truyền đạt sáng nay.

Đứng mấy tiếng đồng hồ bọn tù vừa khát vừa mệt. Và sau khi trải qua vài câu hô hoán, mọi người được lần lượt quay trở lại phòng. Trong bữa cơm trưa hôm ấy, câu nói được anh em xử dụng nhiều nhất là câu: Cầu chúc bạn được hưởng ơn mưa móc 5 bộ quần áo của nhà nước!

Mời đọc tiếp: Chương [4]

Hà Thúc Sinh
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.