Trái tim đàn bà

Posted: 07/10/2011 in Hà Thúc Sinh, Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự

Hà Thúc Sinh

Tuần báo “Teen People” mới đây ra một số chủ đề “Love Issue.” Bài mang tựa “Love Around the World” thấy cũng có điểm đáng lưu ý. Có 5 cặp trai gái qua 5 địa danh Peru, Luân Ðôn, Jerusalem, Hương Cảng, và Sydney được phỏng vấn. Là bài viết về đàn bà, người viết lược bỏ phần trả lời của mấy cậu, chỉ giữ những câu trả lời của mấy cô thôi.

Gái Peru tên Michelle Kilimajer, 16 tuổi, bồ bịch với Kevin Heringman, trai gốc Mỹ 16 tuổi, đến nay được 9 tháng, phát biểu: “Anh ấy luôn làm em cười. Anh ấy pha trò suốt ngày.”

Gái Ăng Lê tên Clemmie Ashton, 17 tuổi, bồ bịch với Mark Brennan 18 tuổi, đến nay được 13 tháng, phát biểu: “Có lên mặt ‘bà chủ’ nhưng một cách vui vẻ thôi.”

Gái Do Thái tên Ella Shippin, 19 tuổi, bồ bịch với Rami Hieb, trai Palestine 23 tuổi, đến nay được 3 năm, phát biểu: “Chúng em sợ những cuộc tấn công tự sát. Hồi tháng Giêng chiếc buýt chở chúng em bị nổ…”

Gái Hương Cảng tên Tiffany Chan, 16 tuổi, bồ bịch với Tony Kwan 18 tuổi, đến nay được 8 tháng, phát biểu: “Tony tìm thấy ảnh em trên một website và gửi cho em một điện thư. Thoạt đầu em không nghĩ nhiều về việc trả lời vì đã có vô số chàng điện thư cho em. Thật may mắn cho em là em đã hồi âm cho Tony.”

Gái Sydney tên Nellie Washington, 17 tuổi, bồ bịch với Jamie Moss 18 tuổi, đến nay được 10 tháng, phát biểu: “Chúng em có lối sống khác nhau nhưng cố tìm cách dính vào nhau. Cuối tuần anh ấy đi chơi với bạn anh ấy, còn em đi chơi với bạn em.”

Nhìn chung, lý do dẫn đến ái tình trai gái ngày nay và cách họ cảm nhau, cư xử với nhau chán ngắt như thế. Trừ mối tình không biên giới Do Thái—Palestine có vẻ khá liều mạng và tang chế có thể xảy ra bất cứ lúc nào, còn thì những mối tình kia xem ra như đều hờm sẵn cuộc chia tay ở một cuối đường nào đó mà một trong hai người chỉ cần nhảy cò cò vài bước là tới. Yêu gì mà quái dị như cái cặp ở Sydney: “Cuối tuần anh ấy đi chơi với bạn anh ấy, còn em đi chơi với bạn em.” Xử sự với nhau như thế phải chăng cô cậu này đã lạm dụng cái chữ yêu, một chữ vốn dĩ thiêng liêng đến nỗi thời cha mẹ họ đã dính vào nó rồi là… nhất nhật bất kiến như tam thu hề!

Dù sao ta cũng nên thông cảm. Mình khó khăn quá đám trẻ chúng biến ra một bọn toàn gay và lesbian thì nguy to. Thời nào, tuổi nào, có kiểu có mốt yêu của thời đó tuổi đó. Ta cứ biết rằng chỉ một ngày thiếu yêu thế giới này sẽ rã ra như một miếng ruột bánh mì ném vào lavabo và vặn nước. Ấy là bởi vốn có một ông tây nào đó nói một câu chí lý: “Khi ông A-dong phàn nàn về cảnh cô đơn thì sau đó không phải là một tá bạn trai Chúa tạo ra cho ông mà chỉ là một người đàn bà.” Như thế đàn bà được đem đến cho người đàn ông vào cái thời ông ta là người duy nhất. Thảm kịch đầu tiên cho đàn bà là chỗ này đây: bà E-và đã không có quyền lựa chọn. Ông A-dong dẫu có uống rượu như hũ chìm, bát đũa không dùng toàn ăn bốc, rồi quẹt mồm mỡ vào… bệ cửa (thời đó chắc chưa có tay áo), có thể thích nói chuyện bằng chân tay, đêm ngủ ngáy như sấm và gác chân thì toàn gác ngang qua cổ người ta vân vân và vân vân, thì bà cũng đành phải chịu; còn các cô con gái của bà thì tha hồ, nhất là ngày nay, chọn lầm cho chọn lại đến khi tìm ra một người mà nàng thấy đã hội đủ điều kiện là một tri kỷ. Vâng, tính tri kỷ vô cùng quan trong giữa liên hệ nam nữ. Chẳng thế mà nhà văn Pháp André Maurois phải nói “Muốn cho tình yêu gây được hạnh phúc, cần thiết nhất người yêu phải là người tri kỷ.” Và tri kỷ thì phải có tính tương xứng. Cây quế giữa rừng tri kỷ thế quái nào được với cái kiểu… leo xồng xộc lên người người ta của mấy chú mán chú mọi!

Nhưng mà nói gì thì nói, người viết và bạn bè nam nữ cùng thế hệ nên hãnh diện là mình đã được sinh ra bởi một thế hệ phụ mẫu vẫn còn cái yêu đương rất là… cổ kính; nó vừa lãng mạn, vừa say đắm, lại vừa bền bỉ mà ngày nay thế hệ con cháu chúng ta sống ở các nước Âu Mỹ, thậm chí ngay cả trong nước, chẳng cách gì cảm nhận nổi. Thời nay dễ gì gái yêu trai còn được như thế này:

Yêu anh mấy núi cũng trèo,
Mấy sông em cũng lội mấy đèo em cũng qua…

Hoặc ngay ở thế hệ chúng ta, thế hệ cuối cùng bắt đầu biết yêu từ hậu bán thế kỷ 20:

Yêu anh mấy biển cũng pha,
Mấy chuyến bay em cũng chấp mấy nhà ga em cũng liều.

Nhưng, chữ nhưng đáng ghét này thì thời nào cũng có, đàn bà mỗi thời yêu mỗi cách khác nhau, duy chỉ cái khoản lên cơn hen xem ra là không khác nhau lắm (hen = suyễn = không thở được, hoặc thở hổn hển, có khi cò cưa, có khi hồng hộc, có khi ngưng thở luôn thành chết giả mà không giật tóc mai, không bơm thuốc vào họng cứu kịp là chết thật, chết đứ đừ; hen loại này trong Kiều có Hoạn Thư bị rất nặng). Và sau khi thoát chết vì cơn hen có người dám làm những chuyện phi thường ngoài sự tưởng tượng của các quan toà, đám bồi thẩm, và công tố. Tội họ phạm thật tày trời nhưng thường là hiếm, do đó gần như chưa có một án lệ (?) để dựa vào đó mà cân nhắc sự nặng nhẹ, gia trọng hay đáng giảm khinh, ngõ hầu toà có thể đưa ra một bản án thích hợp. Có lẽ vì sự lúng túng đó mà các bà Chúa Hen thường được hưởng những bản án rất là… thông cảm hay được tha bổng. Ở Sài Gòn xưa có vụ án cô Quờn (Hoàn?) đốt chồng. Vụ này nổi tiếng đến độ nó biến thành tuồng cải lương, và được giới thương buôn xuất bản những cahier nho nhỏ in sáu câu vọng cổ mang tựa đề “Cô Quờn Ðốt Chồng” đem bán ở các bến xe đò, bến tàu, và nhiều nơi công cộng khác trong thập niên 1950 lúc người viết mới di cư vào nam. Cô bị án nhẹ và sau đó được tha.

Ngay ở Mỹ hồi 1993 cũng có một vụ án gọi là “Thẻo ngọt.” Người đẹp ác đức Lorena Bobbitt có chồng tên là John Wayne Bobbitt. Chàng đẹp trai, bay bướm, nhưng hiền lành giùm một chút đi, không, đã thế còn mang cái bệnh hở một tí là uỵch vợ. Một ngày kia bậc hiền thê của chàng nổi cơn hen pha cơn khùng lên, chờ khi chàng mệt phờ râu cáo và ngủ như chết, nàng ngồi dậy, xoa tay, cười khẩy, rút ra con dao dài 8 inches dưới nệm bén đến cạo râu được, và, a lê… hấp, thẻo ngọt một phát. Thi hành xong sự trừng phạt ác ôn mà ngay tu chính án thứ Tám của Mỹ đã cực kỳ nghiêm cấm trong hệ thống pháp lý của nó là “. . . không được thực hiện những hình phạt ác độc và khác thường,” cô nàng nắm cái khúc dồi rắc rối ấy ra xe, lái một vòng cho hạ nhiệt rồi xuống kính quăng luôn nó ra ngoài đường cho xe “cán chết cha cái thằng con của cái thằng cha ấy cho rồi.” Nhưng trời ngó lại. Cảnh sát tìm ra được khúc giò trường và đem nó vào bệnh viện kịp thời. Nền y khoa Mỹ hàn gắn được mọi thứ. Thế là châu về hiệp phố, bưu vật về lại với chàng.

Lorena Bobbitt sau đó được tha bổng với lý do cơn hen đã làm cô điên quá là điên; thêm vào, cô còn là nạn nhân của những vụ bạo hành trong gia đình.

Nhưng lạ, về một mặt khác quí bạn đọc cứ để ý kỹ mà xem. Văn minh kỹ thuật và tình yêu hình như là hai đối tượng tăng giảm ngược chiều. Nói một cách dễ hiểu hơn, văn minh kỹ thuật càng tăng thì sự say đắm của trái tim, đặc biệt ở đàn bà, càng giảm. Kể từ cái ngày 20 tháng 7 năm 1969 sau khi phi hành gia Neil Armstrong lái phi thuyền Apollo 11 đáp xuống thân thể chị Hằng, muôn vàn thi sĩ trên đời đã… bỏ làm thơ, muôn triệu cặp tình nhân đã chấm dứt chuyện nhìn trăng mà thề ước vân vân và vân vân. Ngay trong văn chương, âm nhạc, kịch nghệ đông tây ngày nay thấy cũng hiếm, gần như không còn nữa những thiên tình sử lớn—những tình sử mà hai nhân vật nam nữ chính, khi cần chứng minh nồng độ chất ngất của tình yêu, đã sẵn sàng chấp nhận mọi thảm kịch xảy ra cho họ như Tristan và Isolde hoặc Roméo và Juliet.

Qua nghệ thuật, dù sao, người viết chưa bao giờ được xem thêm một phim nào nói đến tình yêu trai gái say đắm, dữ dội, và rốt ráo như cái phim tình cảm do Ba Lan thực hiện và trình chiếu ở Sài Gòn thời người viết mới ra tù cải tại năm 1980. Cốt truyện thế này: một người đàn ông, một người đàn bà, một mối tình say đắm, một thế giới đặc thù thành hình, và một mụn con gái ra đời. Người đàn ông lao động nuôi gia đình và người đàn bà làm nhiệm vụ người vợ người mẹ đảm. Thế rồi bà vợ thình lình qua đời và người đàn ông lâm vào hoàn cảnh đúng y chang với câu thơ: người đi một nửa hồn tôi chết; một nửa hồn kia bỗng dại khờ (Hàn Mặc Tử).

Sau những suy nghiệm nghiêm chỉnh về lẽ sinh ly tử biệt của kiếp người, ông ta giác ngộ và thấy ra câu “tình là dây oan” không sai. Nó chính là nguồn khổ cho con người chứ tuyệt nhiên không là dây tơ hồng hay là nguồn hạnh phúc gì hết trọi. Các thi sĩ đều đúng cả khi bảo, “Tình hết vui khi đã vẹn câu thề,” (Hồ Dzếnh) hoặc “Les plus desèspérances sont les chants les plus beaux.” (Alfred de Musset). Vì thế sau bao đêm ôm con trằn trọc, ông quyết định: không thể để núm ruột của mình mười lăm năm, hai mươi năm nữa lại lâm luỵ vào cái khổ của chữ tình. Ông đốt nhà, đem con vào rừng, nơi sâu nhất mà ông tin rằng sẽ không bao giờ có ai có thể vào tới và con gái ông nhờ thế sẽ không bao giờ có được ý niệm về thế giới, về đồng loại, về văn minh, về văn hoá, về kiến thức, và nhất là về tình yêu luyến ái. Nó chỉ biết trên đời này có hai con người duy nhất là nó và bố nó. Ông đốn cây, cắt tranh làm nhà, đào giếng, khai hoang trồng tỉa.

Thời gian trôi qua và cô gái lớn lên. Cô xinh đẹp như một đoá lan rừng và tâm hồn trong như nước suối. Lý do cũng dễ hiểu. Ðã có người hùng nào nhảy vào giấc mơ cô đâu! Trong khi đó tóc cha cô bắt đầu bạc, chân bắt đầu run, và hai bàn tay không còn sức mạnh như xưa để chẻ những khúc củi đốt vào mùa đông. Gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Cô một mình làm hết. Nhìn ban mai, nhìn hoàng hôn, nhìn hoa nở, nhìn chim bay, không biết hát bài “Một Thế Giới Khác” của người viết nhưng biết huýt sáo như chim oanh chim yến.

Thốt nhiên ngày kia có một thằng cha râu ria lạc loài đến đây. Chả không đi xe Camry hay Lexus, mà cỡi ngựa và bị thương nữa. Ông bố vạn bất đắc dĩ phải vực kẻ lạ xuống và đem vào nhà cứu chữa. Cô gái nghiễm nhiên đóng vai nữ trợ tá bất đắc dĩ. Rồi thân thể được tắm rửa, những vết thương được băng bó, và râu ria được cạo. Mèng ơi, cô gái cứ ngẩn ra, và tự hỏi rồi tự trả lời: ai đây? cái gì vậy? thế đấy? ồ ra vậy! vân vân và vân vân. Thế rồi lần đầu tiên trong đời, cô gái không có gương soi mà tự thấy đỏ mặt, không ai check mức độ vi khuẩn như check nước trong spa hay trong hồ bơi, thế mà cô cũng tự biết tâm hồn cô đã… đục dễ sợ, cầu phải có một liều chlorine lớn may ra nước suối lại mới sạch được như xưa.

Chàng bình phục. Rồi thì họ yêu nhau! Ông bố khám phá ra sự thật này đã hết lời giải thích cho con gái ông biết: “Ðừng, đừng bao giờ con đụng vào thằng ấy hay để nó đụng vào con con ơi. Kết quả, coi kìa, bụng con sẽ to bằng bụng con bò ngoài kia rồi có ngày con… lăn ra chết!” Nhưng chết thì chết, cô gái bất chấp. Trong cơn tuyệt vọng của một người phá sản, ông bố giết chàng trai rồi nổi lửa đốt luôn căn nhà. Ông lôi con gái ông đi. Nhưng cô giằng khỏi tay ông, và nước mắt đầm đìa, mặc người cha gào thét, cô lặng lẽ đi thẳng vào căn nhà đang bốc cháy trong có người đàn ông cô đã chọn.

oOo

Trái tim đàn bà xưa sau có những điểm tích cực và tiêu cực khá giống nhau, dù sự rung động của nó cũng có những thay đổi qua các thời đại, chẳng hạn ngày xưa say đắm, lãng mạn, thiết tha, thậm chí yếu mềm, còn ngày nay bộc bạch, thẳng thắn, sòng phẳng đôi khi đến tàn nhẫn; nhưng dù thế nào, phải có nó nhân loại mới có tình yêu. Cộng trừ nhân chia xong cánh đàn ông phải lặng lẽ thừa nhận đó là thứ đáng thờ, duy có mỗi điểm này quý ông cần phải sáng suốt nắm vững khi đã quyết chọn một trái để thờ: đừng mong hiểu nó! Vâng thế đấy, làm sao ta hiểu nổi một đối tượng khi sự khôn ngoan của cánh đàn ông đa thê Hồi giáo (tức thừa thãi kinh nghiệm hơn bọn đàn ông tầm thường chỉ có một con sư tử ở nhà là chúng ta), đã cô đọng lại thành lời cảnh giác thế này: “Bạn ơi, dẫu suốt đời bạn đã tận tuỵ thờ một người đàn bà nhưng chỉ một ngày bạn làm phật ý nàng bằng một việc nhỏ nhất, nàng sẽ sẵn sàng đay nghiến bạn, tự xỉa xỉa ngón tay vào ngực, họng gào lên, rít lên: ‘Cả đời tôi, tôi chưa bao giờ thấy anh làm được một việc gì tốt lành cho tôi cả!’” ./.

Hà Thúc Sinh
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.