Hồ Đình Nghiêm
Tặng Thiếu Úy Lê Ngọc Châu, khóa 24 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức
Ra khỏi đồn Mang Cá, người đàn ông có hơi tần ngần trước con đường ngập nắng. Màu hoa phượng đỏ thắm, rực rỡ đến nhức nhối và mặt nhựa đường như biết co giãn để cảnh vật cuối tầm nhìn mãi luôn xao động.
Trưa yên tĩnh, trưa đứng gió. Mọi thứ như thiêm thiếp giấc ngủ say. Có tiếng máy nổ nghe mỗi lúc một gần và rồi thì kề cận sát bên hông: Thiếu úy đi mô đó? Leo lên em cho quá giang.
Chiếc Honda 50 màu đen mới nước sơn. Nó sạch sẽ bóng loáng tới độ có thể phản chiếu trung thực những gì đang đọng vào đấy. Người đàn ông nhìn ra bộ quân phục mình mặc trên người. Màu cứt ngựa trộn lẫn với màu bụi vàng. Màu sương gió và màu trận mạc. Một thứ màu xác xơ chẳng giống ai. Anh kéo chiếc nón vải xuống thấp trước trán và anh lắc đầu. Người lính trẻ phóng xe đi với tiếng máy gầm gừ hung hãn. Mọi thứ ở hắn thảy đều lạ lẫm trong mắt anh, mặc dầu cả hai đều có cái phù hiệu số 1 giống nhau may chặt bên tay áo. Hắn quá trẻ và hắn có tác phong của một cậu học sinh sau giờ bãi học. Người đàn ông đi dọc theo hồ Tĩnh Tâm. Anh nhớ tới thằng em trai đang học lớp 10. Hắn cũng có một chiếc xe gắn máy. Hắn vừa có bồ và anh cầu mong hắn đừng phải chịu cảnh bị bồ đá. Trong đám lính của anh, cái lý do để tụi nó sớm nằm gai nếm mật đa số đều quy vào mẫu số chung: Thất tình. Và: “Em học không nổi Thiếu úy ơi, nhà em nghèo quá mạng!..” Duy chỉ mình thằng Phúc là ngoại lệ: “Em vừa ra khỏi chợ Đông Ba, có hai ông nội xáp vô kẹp tay em lôi đi. Cái mặt em như ri đây mà họ đổ hô là Việt cọng. Tụi nó còng em về bót cảnh sát tẩn cho một trận nhừ tử: Mụ cô mi, hôm nọ mi đi rãi truyền đơn tau đã chụp hụt một lần rồi. Chứ cơ sở mi đặt ở chỗ mô? Khai mau… Nói Thiếu úy đừng cười, lúc nớ em khóc như cha chết mạ chết. Khóc như rươi. Em đi lính với cái đầu óc đặc sệt một chữ: Trả thù. Ba em chửi: Đồ báo đời. Mạ em khóc: Con chi mà bất hiếu rứa bây! Vì mấy cái lời lẻ tẻ đó nên em không đành lòng chọn thứ dữ, em chui vô Sư đoàn 1 Bộ binh đặng gần gũi có chi mà phụ đỡ gia đình”.
Người đàn ông nhìn xuống hồ. Tĩnh Tâm, ai đặt cho mày cái tên nghe hay ho đến vậy? Mặt nước đục, cạn. Những cành sen khô nhàu và mùi bùn thì luôn hôi tanh. Anh tháo gỡ cái bông mai trên cổ áo, cất vào túi quần. Năm ngón vọc giỡn những tờ giấy bạc nhăn nhúm bên trong. Quang Trung, Lê văn Duyệt. Những vị tướng lỗi lạc được hậu thế ghi công và cái mãi lực khiêm nhường đáng phàn nàn mà nó có. Tiền lính là tính liền. Anh không đủ tĩnh tâm để tính toan được chuyện gì. Anh cũng là đứa báo đời. Đôi khi anh nhìn ra sự có mặt của anh giữa đời sống này là điều không nên.
Ve kêu râm ran một góc vườn nhà ai cây lá rậm rạp. Vô tình, người đàn ông để cho bước chân dẫm vào một lối đi quen thuộc. Anh hơi lưỡng lự, bần thần. Bụi chè tàu, cái bể cạn, vuông sân nhỏ, cây vú sữa, một cái giếng, một cái am… Nó vẫn thế hay nó đã biến dạng sau cái chia lià của chủ nhân. Ba Mạ anh đã quyết định bán căn nhà ấy để dọn vào Nha Trang sau thảm họa Mậu thân. Biến cố đau buồn kia đã xô đẩy người sống mỗi lúc một xa nhau, xa kỉ niệm, xa nơi chôn nhau cắt rốn, đoạn lìa rũ bỏ những gì cần ôm giữ đồng thời chính nó, sự bạc ác kia đã khoát vào thân anh bộ quân phục và Nha Trang cũng là địa danh quá xa so với người lính mãi đứng án ở tuyến đầu.
Anh dừng chân, anh sững sờ. Tất cả còn y nguyên, chẳng hư hao, như sức mẻ là thứ đã tới lằn mức cuối, không thể đổ vỡ hơn. Và cảnh vật nọ như đang mếu máo được gặp lại anh dù cậu bé con ngày nào giờ đã biến đổi ra thân phận khác. Một hình nhân có thể làm con nít nín bặt tiếng khóc nhè. Dạ xin lỗi chớ anh muốn hỏi ai? Đứa con gái nằm ru em nhổm người dậy trên võng. Võng chòng chành, hoa nắng lỗ chỗ đâm nát người anh. Phúc… Dạ không có ai tên Phúc ở chỗ ni. Người con gái trả lời, đứng ôm đứa nhỏ trên đôi tay gầy. Đứa nhỏ ngủ say không nghe ra đối thoại và khoảng cách giữa ba người luôn cách chia bằng một vuông sân vàng nắng. Tôi nói lộn, trước đây tôi ở nhà này, bây giờ tôi tạt ngang chỉ để ngó qua một lần, rứa thôi. Chiếc võng tạo thành những đường hằn đỏ lên da thịt đứa con gái, mắt nhìn tới người lính bằng thứ nhãn tuyến đọng chiếu hơn cả một ngờ vực. Ánh mắt thường gặp nơi những tù binh đợi chờ anh lấy khẩu cung. Xin em vài ba cây hương, anh đốt thắp cắm trên am rồi anh đi ngay.
Đứa con gái biến mất sau cánh cửa đóng vội và anh nghiêm chỉnh đứng ở tư thế đợi chờ ngoài sân nắng. Anh tự đánh cuộc, rồi thì thất vọng không mấy lâu. Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh. Anh đùa cợt thầm thì. Đứa con gái đã trốn biệt, ngay cả một con chó dữ bất thần nhảy ra sân gầm gừ tru tréo cũng chẳng có. Người đàn ông bỏ đi, anh ngạc nhiên khi tự nhận ra mình chẳng mang một ham muốn nào cả. Người anh trống trải, tựa một cao điểm mà cả hai phiá đều không tìm thấy cái vị trí chiến lược có nơi đó. Phúc, chẳng rõ tao có đủ can đảm để bước chân vào nhà mày không? Tao thích đánh một trận cho thật đường hoàng. Chường mặt ra, trực diện nhau, phân minh giữa trắng và đen, vàng và đỏ.
Mồ hôi ràn rụa đổ khi người đàn ông ra tới phố. Anh dừng chân ở nhà sách và lựa mua một cuốn tiểu thuyết. Truyện in chữ to dễ đọc, dày 200 trang vừa phải, đủ để tìm tới giấc ngủ. Nhét nó vào túi quần, đôi giày từng lội qua hai vùng chiến thuật dẫm lên nền gạch hoa sức mẻ trước thềm. Thằng con trai nhai cây tăm tre bật người khỏi chỗ ngồi, hắn quơ tay như xua đuổi ruồi chờn vờn. Anh đi một mình thôi à? Người lính nhìn lui, anh cởi nón và dùng nó lau lên trán. Trán anh cau lại những nếp nhăn. Muốn có tiết mục đặc biệt thì nhớ nói sớm nghe ông thầy. Là sao? Phòng có gắn máy lạnh à? Dạ không, khách sạn bình dân mà, tiền nào của đó. Anh ưa có bò lạc không?
Người đàn ông đón lấy chiếc chìa khóa phòng. Anh ngó thấy cái hình xăm nơi bắp tay thằng “quản lý khách sạn”. Một đứa con gái cởi truồng, xấu xí và vụng về nét mực xanh. Tao không có hứng. Anh nói khi quay lưng. Đàn bà sao lại gọi là bò lạc? Lỗ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi. Nói thế thì dễ hiểu, biết ngay đó là đường nhắm có trên một khẩu súng. Căn phòng nóng như một lò lửa. Người đàn ông mở toang cánh cửa sổ và tức thì những thứ tiếng động tạp nhạp dưới đường phố tràn ngập vào ngay. Tiếng động làm anh choáng váng, anh đợi một cơn gió hiếm nhẹ thoảng nhưng chẳng thấy. Anh vác mặt ngó xuống cái thế giới mà anh có bổn phận phải giữ gìn cho nó luôn an vui yên thắm. Anh ra tuyến đầu, làm cái hàng rào làm cái bờ đê làm cái vật cản, nhưng anh ý thức được có khi kẻ thù không hẳn là những bóng đen đang di động trước mũi súng. Mệnh lệnh. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Ừ, thì cứ nên tin như vậy, nhưng thi hành trước khiếu nại sau thì quả là thái độ ngược ngạo dễ dắt người ta đi vào tuyệt lộ. Anh tự nghiệm ra một bọn người lúc nhúc ngồi trong giao thông hào như trung đội anh chẳng có đứa nào nuôi dưỡng được một sứ mạng gì gọi là ghê gớm, thậm chí có đứa không lý giải được công việc giết người chẳng gớm tay của nó. Gia đình nó phật tử thuần thành, ròng rã ăn chay trường và nó tin rằng: “Buông đao xuống có thể thành Phật”.
Người đàn ông nằm vật xuống giường. Tấm khăn trải hoen ố, tuồng như đánh cắp từ bệnh viện. Xanh cái màu xanh đặc thù. Anh rút cuốn truyện từ túi quần ra, sửa thế nằm thoải mái, kê gối cao và dọn lòng cất bước. Một chuyện tình không êm xuôi. Chàng và nàng đầu hàng trước nghịch cảnh. Chàng vào Thủ đức và nàng lên xe hoa. Chàng luôn gọi nàng là cô bé. Chàng, Nàng, Cô bé. Cô bé, Nàng, Chàng… Người đàn ông gấp cuốn truyện đọc chẳng nổi ném xuống giường, anh thấy xa lạ với những con chữ ấy, không thể hòa nhập để cho hai nhân vật chính lôi kéo mình đi hết “đoạn đường chiến binh” của họ. Anh tiếc tiền, tiếc nuối một giấc ngủ sâu đã chẳng tìm gặp. Vùng dậy, anh lôi bọc ny-lông đựng giấy tờ ra, bắt gặp một bức ảnh đen trắng. Khuôn mặt gượng cười trước ống kính, sự miễn cưỡng đó như làm tăng lên vẻ ngây ngô có trên mặt đứa con trai tóc húi cua. Mặt sau ghi: “T.N. Phúc, kỷ niệm ngày quyết định khoát chiến y”. Trong bao ny-lông gạo sấy chứa cất những tờ giấy ẩm, đó là giấy tờ tùy thân mà Phúc chỉ trình ra nếu đứng trước mặt một thằng Quân cảnh có bộ mặt kháu ó. Sao tóc mày dài vậy? Sao giày mày chẳng được bóng láng? Mụ cô mi, mi thử dãi dầu ở đường 9 nam Lào. Mi thử ăn dầm ở dề bên sông Thạch Hãn, mi thử đóng chốt gần cổ thành Quảng Trị… coi thử mi có còn giữ được cái dáng dấp một thằng lính sạch nước cản mà mi luôn trau chuốt không? Bày đặt tra với khảo!
Người đàn ông xếp ngay ngắn những nếp gấp có sẵn ở túi ny-lông, cất lại vào túi áo trên. Anh rửa mặt nơi cái lavabo cáu vàng, anh cúi đầu cho vòi nước mát chảy thấm đẫm vào đầu tóc xác xơ khô cháy những sợi phai màu. Anh ra tựa cửa nhìn xuống dòng sông giờ này xanh mát bóng mây. Anh đóng cửa phòng, bước xuống những bậc thang hẹp tối. Anh bước về phiá chợ, lạc lõng giữa chốn luôn phô diễn cảnh lọc lừa để sinh tồn. Rậm rật, tất tả, xô bồ. To tiếng, thì thào. Chửi bới, van xin. Khóc, cười. Tất tần tật. Tứng lừng lựng. Len lỏi, lạc lối, ngóc ngách, lòn cúi, lộn hồn lạc viá, sau cùng người đàn ông đi băng qua hàng bán nón lá, sạp bán ly tách chén đọi và rồi dừng chân nơi cửa hàng chuyên trị hương đèn vàng bạc xe hơi nhà lầu nam thanh nữ tú. Tất cả đều bằng giấy, èo ọp chiếc xe đạp dựng ở góc. Trời đất! Anh Cư. Ngó lạ chưa tề! Chứ lon lá thu mô mà chẳng đeo? Người đàn ông vày vò chiếc nón trong đôi tay, anh hối hận đã không mang cuốn-truyện-tình-diễm-lệ ấy để tặng cô gái, người vừa bật lên tiếng hô hoán. Anh mới về? Ừ, ông già đâu? Ba em về làng chia tiền lúa, mai mới trở lại. Anh ngồi chơi.
Người đàn ông ngồi xuống chiếc ghế đẩu. Anh ngó tới thằng con trai lùn tịt, mặt tươi rói diện bộ đồ lớn. Tại sao không vẽ râu mà lại bôi son trét phấn vào mặt hắn? Nếu buồn tay cắt cho nó bộ đồ trận bên ngoài, xong rồi hí hoáy vô cổ áo hai ba bông mai bạc thì ai cấm? Một hai sao cũng chả sợ. Thế giới ấy yên hàn vô sự quá! Anh uống nước. Người con gái mời khi mang tới một cái ly, nước màu vàng đậm, mùi đậu ván nướng cháy thơm át hẳn mùi hương đèn giấy vàng mã keo hồ. Cô bận bộ đồ màu ruốc, túi áo gài kín cây kim băng. Buôn bán ra răng? Cô gái ngồi ké né nơi cái giường tre. Dạ đắp đổi qua ngày. Tết nhất không nói, ngày thường vắng như chùa bà Đanh! Anh ngó cô thiếu nữ treo lủng lẳng trên cao, hình như chưa hoàn tất, bởi trần truồng chưa có xiêm y, lòi cả nan tre. Anh chẳng rõ, sau cái chết người ta có còn tìm nhau để trả thù xưa, để đày đọa, dày xéo nhau. Tui chết oan ức quá mà, làm sao nhắm mắt mấy ôn ơi! Người đàn ông bật ra câu hỏi: Sao chẳng thấy súng ống? Anh thiệt méo mó nghề nghiệp! Súng bằng giấy có dễ làm không? Dễ, mấy tháng trước có bà khách đặt làm một khẩu. Ba em loay hoay chi nửa ngày là xong. Bà ấy nói con bà chết trận, chừ đốt cho hắn khẩu súng để khỏi buồn tay. Lúc sống, con bà lúc nào cũng nói: Súng là vợ, đạn là con! Bữa mô rãnh làm cho anh một khẩu, loại M-16. Tầm bậy nà, anh là lính tráng mà chẳng biết kiêng cử, cái miệng ưa ăn mắm ăn muối! Nếu kiêng cử thì còn chi để gọi là lính. Mấy người tu hành kiêng cử thịt cá sắc dục thì cái đó đáng hoan nghênh lắm. Ba biết người đặt hàng là anh thì sức mấy ông làm cho. Nói là anh cúng cho một người đã chết, còn sống ai lại khơi khơi đi ôm một khẩu súng giấy? Em nghe trong chợ họ đồn là sắp hòa bình rồi, đúng không anh? Anh đâu biết. Mới ban hành lệnh ngưng bắn, mà cái đó thì chẳng liên hệ gì tới hòa bình cả. Không liên quan à? Cô gái đổi thế ngồi, hơi chồm người ra trước. Người đàn ông moi bao thuốc Bastos xanh, thắp lửa. Khói xanh bay lên hình nộm khỏa thân. Để nói cho em nghe về chữ liên quan, nó giống như chuyện đốt pháo vậy. Năm hết Tết tới người ta mới đốt nó đì đùng, ba trăm sáu mươi ngày còn lại ai rãnh mà nghịch với pháo? Anh nói chi mà tối nghĩa, dạo ni ra đường em thấy lính tráng mô mà chật phố chật phường, nếu chiến tranh leo thang thì họ đã nằm ngoài mặt trận cả rồi, có đúng không? Nội chuyện nớ thôi là đủ để mình tin sắp có hòa bình rồi. Ừ, cũng đáng tin lắm. Hòa bình thì có trở ngại chi trong việc bán buôn này không? Chà, câu anh hỏi mới trúng tủ ba em, ít người chết thì hàng đồ mã phải chôn luôn môn bài! Mấy giờ em dẹp hàng? Anh hỏi có chuyện chi không? Rứa thì tối ni anh ngủ ở mô? Có rảnh rang em tạt qua dưới cầu Gia hội đưa giùm anh cái gói ni. Địa chỉ ghi đầy đủ ngoài bao ny-lông. Cái chi rứa? Thằng lính của anh bị ăn đạn, anh nhờ em vô nhà ông già nó mà loan tin giùm. Í, không được mô, bậy nà. Tìm cô nào mà trao thư xanh thì họa may. Em nhát gan lắm, anh vô nhà họ thì hợp lẽ hơn. Giúp anh một lần đi mà. Em hứa bỏ công ngồi làm cho anh một khẩu súng thiệt đẹp, thiệt giống, cái đó hợp với em hơn. Tưởng tượng mấy người trong nhà đó họ bu quanh em, họ tra khảo em, họ nằm vạ, họ khóc lóc, họ tắt tiếng… em ngán lắm. Trời, cho em sống với chớ!
Người đàn ông cúi đầu xuống, anh ôm trán, anh vò đầu và anh đứng lên. Đừng giận em nghe anh Cư. Không, anh nói câu đó với em mới phải. Và em cũng quên chuyện làm khẩu súng ấy đi. Mong hòa bình sớm tới em thử làm một con bồ câu rồi đốt cháy nó coi thử có chuyện lạ xảy ra không. Tối nay anh tá túc không, em đợi cửa? Tưởng có ba thì anh ghé, ông về làng thì thôi, để khi khác. Nhắn với ba là anh có ghé thăm.
Người đàn ông bước ra khỏi chợ chiều, tay nắm chặt cái túi ny-lông. Tay anh nhớp nháp mồ hôi. Anh đi lên cầu Trường Tiền, vịn vài cầu mà hóng gió. Từ xa, bóng chiều đã nhuộm thẫm hình dáng núi. Gần hơn, cầu Bạch Hổ vàng vọt thứ sắc màu của một chân mây sắp đi ngủ. Cái chateau d’eau thọc lên như cột trụ muốn chống đỡ, ngăn ngừa màn đêm. Tối đó có tiếng súng nổ lạch tạch, lát sau thằng Nhị xuất hiện với một hình hài sũng nước. Hắn mếu máo: Thằng Phúc… ông thầy ơi… Phúc… Chuyện gì đó? Đứa nào cả gan nổ súng đó? Tụi bây không biết là lệnh ngưng bắn đã có hiệu lực… Dạ thằng Phúc, hắn biểu em bơi qua sông, tụi mình chộp cổ con gà về nấu cháo cho ông thầy tẩm bổ… không biết tình hình có xấu lắm không, cầu trời hắn chỉ bị thương sơ sài…
Phúc, những gì tao có thể làm cho mày tao đã rán sức. Tao đợi chờ mày suốt ba ngày bên sông, đi lùng sục tới giới hạn cuối nhưng chẳng thấy xác mày nổi lên. Tao biết mày đã bị đạn găm, những kẻ bắn mày là những đứa trẻ nhỏ mới ngày nào còn lạ mặt nhìn nhau, đứng e dè trao đổi cùng nhau những điếu thuốc Nam Bắc trên một hàng rào ngăn chia tưởng tượng. Mày đi lính vì một ngộ nhận và khi chết đi, cái đó có phải là sự hiểu lầm? Chết vì một con gà, có đáng không Phúc, dẫu gà chưa tìm gặp được! Có đáng không, nếu hành động đó nhằm chứng minh thứ chân tình mộc mạc có giữa thầy trò mình. Huynh đệ chi binh, chữ ấy ngày càng nhạt nhòa và mày muốn làm đứa cất công tô đậm nét?
Tiếng đò máy chạy giữa sông xẻ sóng vang dội nghe phành phạch như cánh quạt trực thăng đang cố xuống bãi đáp nhiều hòn tên mũi đạn. Người đàn ông cúi đầu nhìn theo đường rách giữa con nước đen, anh ném xuống dưới cái thẻ bài có khắc số quân và loại máu của anh. Vĩnh biệt Phúc. Nước mắt anh ứa ra. Gần bốn năm trong quân ngũ, tham dự bảy trận đánh lớn nhỏ khác nhau, lần đầu tiên Thiếu úy Cư biết khóc!
Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: Tác giả gửi truyện và ảnh