Giới thiệu tập thơ Buồn của Phan Đắc Lữ

Posted: 07/07/2013 in Giới Thiệu Sách / Điểm Sách, Hoàng Thiệu Khang, Phạm Ngọc Lư
Thẻ:

bia_sách_buon

Bạt

Hoàng Thiệu Khang

“Nỗi buồn bạc phếch câu thơ”

Có lẽ đó là câu thơ kết tinh được cả linh hồn cảm hứng lẫn hình hài thi pháp Tập thơ BUỒN của Phan Đắc Lữ – một nỗi buồn đã là yếu tính viên mãn của “muôn đời thi sỹ” [chữ của Xuân Diệu]. Như vậy,câu thơ trên đã là âm giai chủ,là một cách vào thơ của Phan Đắc Lữ.

Thơ với Phan Đắc Lữ như là một nghiệp chướng hồn nhiên, một định mệnh của tâm hồn đã đến độ hiện hữu.Anh không định là thy sỹ…nhưng cuộc đời riêng của anh xô dạt là như thế. Nên anh không thể đừng ; không thể không là “con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi” [ Xuân Diệu]. Phan Đăc Lữ làm thơ như một nhu cầu nội tại.

Ta buồn từ thuở năm nôi
Lời ru của mẹ nghẹn hơi thở dài
Ta buồn từ tuổi lên hai
Gà con mất mẹ xó đời chíp chiu.
[Buồn]

Phan Đắc Lữ không đặt sinh mệnh tập thơ Buồn thành vấn đề thi ca để soi rọi ngón tài hoa sáng tạo trong cái chức trách đã chớm phù du “thi sỹ”. Có cảm tưởng,Phan Đắc Lư làm thơ như chính một linh hồn cô đơn đang đi, đang thở,đang được trò chuyện với ai đó…nỗi niềm.Những nỗi niềm từ tiềm thức ẩn tàng đã tích lũy để trở thanh ý thức.Y thức về một nỗi buồn là một nỗi buồn tự ý thức mình bao giờ cũng đã đến độ đong đầy

Nhân gian quán trọ buồn tênh
Đời người hóa sợi mưa chênh ơ hờ
[Mưa ngâu]

Cho nên thơ Phan Đắc Lữ là một tự cấp cứu, một chiếc phao cho con người vịn vào nơi trùng khơi sóng dữ. Cuộc tự cứu mình của Phan Đấc Lữ khởi hành từ một hành vi nhận thức, từ cuộc đi tìm ý nghĩa nhân thế; hay đúng hơn,tìm chính mình trong nhân gian khổ đau…chứ không phải cuộc săn đuổi từ ngữ, Vì it nhiều,Phan Đắc Lữ đã biết rằng:

mọi từ ngữ chỉ là rào chắn” [toute écriture est cloture] nói như Yves Bonnefoy.

Giữa một thời đại văn chương đã quá tải về cái chung,về những đề tài sáo mòn,thời sự…có một cuộc truy tim cái riêng, cái chưa có nhiều cũng là một hành vi đáng được trân trọng, cảm động.

Tan thu sực tỉnh u mê
Theo đàn đom đóm lập lòe vườn hoang

Do vậy, nếu có một nỗi đau thì thơ Phan Đăc Lữ là nỗi đau nhân thế,nỗi đau thế sự chứ không về thời sự, về:

Nỗi đau non nước bể dâu

Về một xô dạt thân phận bọt bèo:

Như con chuồn chuồn chết đuối ao vơi

Sống nửa đời mình trong hai cuộc chiến tranh, thế mà Phan Đắc Lữ không Cầm lấy một nửa câu thơ buồn vì khói lửa chiến tranh.

Bằng thơ,Phan Đắc Lữ muốn chiêm nghiệm những tình huống đời người không thuận thảo để mà rồi đây biết hư vô, biết làm một đám mây lãng đãng nơi cuối trời…Cơn say bay bổng tận cùng trời mây

Vì cuộc truy tìm mình trong một nỗi buồn đã được ý thức cho nên thơ Phan Đắc Lữ chớm sờ được vào những giá trị suy tưởng:

Rêu phong xô lệch mái đình
Ngói lam sấp ngữa bóng hình âm dương
[Hội An ngày về]

Có một chút cảm xúc kiểu Chế Lan Viên [Điêu Tàn] trong những câu:

Phố buồn nhạt nắng chiều phơi
Tường loang lổ khóc một thời vàng son

Cũng có một chút cảm nghĩ kiểu Vũ Hoàng Chương [Vân Muội]

Ta sinh nhầm cõi mơ hồ
Quây cuồng nhật nguyệt xô bồ áo cơm
[Giao thừa]

Cũng có ẩn hiện nỗi buồn của Hàn MặcTử trong những câu thơ mộng tưởng

Cầu mai trời đổ mưa nguồn
Nửa đêm chớp bể dong hồn theo em
[ Đêm LiêuTrai]

Hoặc:

Xa em cháy đượm nỗi buồn
Anh thành sương khói đầu non ngóng chờ
[Tơ Vương]

Và nhiều khi Phan Đăc Lữ đưa suy tưởng về ngồi dưới chân Phật:

Một cành mai nở bâng khuâng
Xô ta một bước tới gần hư vô
[Giao thừa]

Mỏ khua kinh tụng chùa va vọng
Một thoáng lòng ta rũ bụi trần
[Đêm Tĩnh Tâm]

Người làm thơ ngồi trong đời không chỉ cảm mà còn nghĩ về đời,để đau một nỗi đau gấp bội, Trong chiều sâu trữ tình có thăm dò triết lý.Muốn hay không muốn, trong mỗi viêc làm thơ đều có sự tra hỏi về cách làm thơ.Thơ là sự khẳng định bằng âm nhạc, từ ngữ…

Ao bèo gió rối
Cỏ dại um tùm
Ngày em giặt áo bên cầu vắng
Nắng đuổi chuồn chuồn đậu nón em.
[Chuồn chuồn chết duối ao vơi]

Câu vồng lỗi nhịp qua tim
Để em bảy sắc áo xiêm phai mờ
[Mưa ngâu]

Có khi hình thức thơ Phan Đăc Lữ đạt đến thẩm mỹ cấu trúc thăng bằng: hình đối hình, nhịp đói nhịp, âm thanh đối âm thanh:

Sông Thu chở nắng Trường
Câu thơ mất ngủ gió trăng mất mùa
Hồn ta lá rụng sân chùa
Lang thang tìm cội nguồn xưa đi về,
[Vào Thu]

BUỒN là tập thơ đầu tay của Phan Đắc Lữ – một tập thơ hơn bốn mươi năm thơ của anh.Có lẽ hơn một nửa thế kỹ qua đã có nhiều bài thơ,tập thơ nói về buồn,nhưng chưa một ai đặt tên cho cả tập thơ của mình là BUỒN.

Cứ xem như đó là một thái độ thơ trước khi là một thái độ đời của Phan Đắc Lữ.

Tiến sỹ mỹ học Hoàng Thiệu Khang [1933-1999]

 

Cứ gọi là tâm sự [trích]

Phạm Ngọc Lư

Anh Phan Đắc Lữ – theo tôi [với tư cách một người đọc] anh có thể hài lòng với tác phẩm của mình, bởi BUỒN khá thành công [khá là nói khiêm tốn.]

Khiêm tốn là đức tính cần thiết của người nghệ sỹ], Tôi hiểu, khi nhà thơ bước qua tuổi lục tuần mới chịu in thơ, hẳn anh đã đắn đo, cân nhắc, suy nghĩ như thế nào rồi. Nhờ đó toàn bộ các bài thơ trong tập BUỒN mang tính đồng nhất rất cao ; trong một dòng suy tưởng chung nhất.Suy tưởng của han Đăc Lữ cũng là của tôi, của bao nhiêu kiếp nhân sinh hệ lụy, hữu hạn, Phù du. Người ta nói “ văn là người”, tôi lại nghĩ: thơ còn người hơn. Đọc thơ anh, tôi hiểu được những băn khoăn, ngậm ngùi của riêng anh; hẳn đời anh đã trải qua nhiều gian nan bất như ý? Thơ trước hết là một tâm sự và anh đã phô bày hết; không che đậy, không ngụy trang, không gian dối,Tôi quý thơ anh ở chỗ đó. Anh đã thành thật với tâm trạng mình ; anh đã suy tưởng theo cái riêng của anh, của nhân sinh quan muôn thuở: Đời người chỉ là một nỗi buồn, triền miên buồn, trầm lặng buồn, buồn vì bể dâu, buồn vì thấm thoát thời gian “ triêu như thanh ti- mộ như bạch tuyết” buồn vì cái nỗi cô đơn vòi või giữa nhí nhố người ngợm, buồn vì bao nhiêu mất mát, đổi
thay:

Chân không đi
Sao bụi đường bám gót
Cũng chẳng nghe ai những lời đường mật
Sao chiều nay vá víu cuộc đời
Như con chuồn chuồn chết đuối ao vơi
[Yên viên – 1961]

Cho anh xin lại hình hài
Me cha cho thuở phôi thai linh hồn
Gửi em đôi mắt cô đơn
Khóc không ngấn lệ cùng cơn mưa rào
[Tháng 5-1999]

Tôi trích hai khổ thơ của hai bài thơ mà anh viết cách nhau 38 năm: viết giữa mùa xuân và cuối thu của cuộc đời, nhưng cùng chung một nỗi buồn u uất, Tôi lại ngắm ảnh chân dung của anh in ở bìa trước. Ôi ! anh đang nâng ly gì vậy? rượu ư? Có thể không chỉ là rượu, có lẽ đó là ly sầu ! và nâng ly cũng chỉ để mà nâng một mình, hắt hiu, quạnh quẽ:

Tuổi xuân cộng một trừ hai
Mộng du suốt một thời trai mu lòa
Dẫu không đưa tiễn quan hà
Cũng xin cạn chén phôi pha nỗi lòng

Gần như cả tập BUỒN đều là thơ lục bát.Thơ lục bát có cái sở trường và sở đoản riêng của nó, nhưng theo tôi, cùng một ý tưởng đó, một hình ảnh nọ, một tâm sự kia nếu trang trải bằng thể thơ lục bát và thành công thì sự thành công ấy vẩn cao hơn, thuyết phục, truyền cảm hơn hẳn những thể thơ khác. Tôi là người bị bục bát mê hoặc, nhất là khi đọc lại Động Hoa Vàng của Pham Thiên Thư. Tôi đã làm khá nhiều thơ lục bát, làm rất cơ cực, trau chuốt, chọn lọc từng từ, từng hình ảnh, tiết điệu; xữ dụng cả những cách lộng ngữ, ngoa ngữ, ẩn ngữ…mà rồi vẩn chưa hài lòng; sửa không được và nhiều khi đành hủy bỏ, chỉ giữ lại cái tứ, chờ một dịp khác.

………………………………………………………………………………

Ngôn ngữ lục bát của anh đã tìm được cái sở trường của nó để chuyển tải và ấp ủ, chứa đựng nỗi buồn của một tâm sự. ngôn ngữ ấy không mới lắm nhưng vẫn rung cảm được người đọc. Có bao giờ anh nghĩ đến việc làm mới và thổi vào chữ nghĩa, hình ảnh, thi tứ, giai điệu của lục bát một cái gì đó mới hơn, cao hơn, sâu hơn như trong bài Vào thu. Bài Chị ơi rất hay, theo tôi, đây là bài thơ khá toàn bích. Tôi nghĩ: Khi ta viết thật với nỗi lòng mình, với những vui buồn hay hân hoan, đau xót của riêng mình, viết trung thực, không ngụy trang, không giả dối thì rất dể thành công – và một lần nữa – tôi thích thơ anh vì lẽ đó. Tôi tìm thấy tâm sự của mình qua một số bài thơ của anh. Sau nầy, nếu may mắn có dịp gặp nhau, hẳn anh sẽ thấy tôi là người rất khó tính với thơ và làm thơ. Tôi vẫn thường bông đùa rằng: làm thơ –với tôi- như một cơn đau đẻ ; còn hơn cái đau đẻ của phụ nữ. Tôi muốn cách tân ngôn ngữ, vượt thoát sự gò bó tầm thường của ngôn ngữ hình tượng,của sự sáo mòn chung chung nhưng “ lực bất tòng tâm”.

Việc giới thiệu và nhận định về thơ anh đã có hai ông Thu Bồn và Hoàng Thiệu Khang làm rồi. Tôi- một đọc giả- chỉ mạo muội trình bày vài cảm tưởng rất mông lung, lộn xộn, viết theo cảm tính. Nhưng đó là sự thành thật ; mong anh hiểu vậy. Giữa thời buổi mà quanh ta đầy rẫy, thừa mứa những thứ thơ tầm phào, thơ xưng tụng, thơ phong trào, thơ thời sự…thì dọc thơ lục bát BUỒN của anh, để cùng ngậm ngùi với anh, với chính mình, với nhân sinh phù phiếm, với thời gian “nhất khứ bất phục phản” …tôi rất cảm xúc. Vì vậy mới có thư nầy.Mong rằng có điều gì không phải xin anh thứ lỗi cho.

Chuc anh vui khỏe, tiếp tục sáng tác những bài thơ đắc ý,

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư
Đà Nẵng 20 -7-2000

Nguồn: Phan Đắc Lữ gửi

Đã đóng bình luận.