Archive for the ‘Giới Thiệu Sách / Điểm Sách’ Category

Đỗ Trường


Nhà văn Trần Kỳ Trung

Thời gian gần đây, những lúc xã hội bị xáo động, hoặc tâm trạng không được thăng bằng, tôi thường tìm đến các văn nhân, thi sĩ xứ Quảng, như Trần Kỳ Trung hay Nguyễn Văn Gia… Văn thơ xứ này kể cũng lạ, không đọc thì thôi, đã bập vào (đọc) cứ như bị ma ám vậy. Mỗi nhà văn, nhà thơ đều cho tôi cảm xúc thật đặc biệt khi đọc. Nếu thơ Nguyễn Văn Gia đưa hồn ta về miền quê của một thời xa vắng, thì trang văn của Trần Kỳ Trung cày xới lên cái đểu giả, lưu manh, và rồi như những đường kim, sợi chỉ vá lại sự rách nát của linh hồn, xoa dịu, cảm thông đối với con người. Có thể nói, cùng với các nhà văn Hoàng Minh Tường, Tạ Duy Anh, hay Văn Biển…ở giai đoạn này, Trần Kỳ Trung không chỉ làm sống lại dòng văn học hiện thực phê phán, mà còn làm mới nó, bằng những tác phẩm (nóng hôi hổi mang tính thời sự) của mình. Cho nên, bất kỳ một biến cố, sự việc nào xảy ra, Trần Kỳ Trung cũng có thể đưa ngay vào tác phẩm của mình, một cách sinh động, mang tiếng cười mỉa mai, hay chua cay, đồng cảm đến cho người đọc. Với từ ngữ, lời thoại mang tính khẩu ngữ, làm cái chất trào phúng châm biếm ấy như tăng thêm cảm xúc cho người đọc, cùng giá trị độc đáo của nó vậy. Đây là nét (nghệ thuật) đặc trưng nhất trong trang văn của Trần Kỳ Trung. Chính vì vậy, với tôi, ông là một trong những cây viết tiêu biểu nhất về mảng truyện ngắn mang tính thế sự xã hội hiện nay.
(more…)

Hoàng Ngọc Nguyên

“Vòng Đai Xanh” của Ngô Thế Vinh được xem là một tiểu thuyết chiến tranh, được viết rất thực bởi một quân y sĩ xông pha ngoài trận tuyến. Cuộc chiến tự vệ của người dân Miền Nam chống xâm lược của Cộng Sản Miền Bắc kéo dài đến 15 năm (1960-75), nếu không nói đến hoạt động khủng bố, phá hoại 2-3 năm trước khi chiến tranh chính thức khai mào, cho nên chúng ta không thiếu những tác giả viết về cuộc chiến đó, cảm khái từ những mất mát, đổ vỡ, tan hoang của con người, của tuổi trẻ, của gia đình, của xã hội, của đất nước vì chiến tranh. Không thiếu, nhưng chắc không thừa, không đủ khi nhìn đến “quy mô” của cuộc chiến, chiều dài của nó về thời gian và không gian, cùng với những biến chuyển phức tạp qua các thời kỳ. Mặt khác, phần lớn những tác giả của thời đó, thường là quân nhân (và một số người không phải là “fan” của cuộc chiến đó), chỉ có phương tiện, thời gian và cảm hứng để viết những tác phẩm ngắn. Và bình thường, những truyện ngắn thường chỉ phơi bày những bi kịch thời chiến mà không có bất kỳ phê phán “tội ác chiến tranh” nào. Tưởng như những người phản chiến mượn ngòi bút để thể hiện ý chí của mình. Chúng ta không có một đại tác phẩm như “Chiến tranh và Hòa bình” của Leo Tolstoy. Hay “All Quiet on the Western Front” của Erich Maria Remarque, hay “A Farewell to Arms” của Ernest Hemingway. Hay “The Naked and the Dead” của Norman Mailer…
(more…)

Nguyên Giác

Ấn phẩm “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật” (DVTGP) là tuyển tập Kinh và luận ghi từ 3 truyền thống: Thượng Tọa Bộ, Đại Thừa, Kim Cang Thừa. Sách dày 850 trang, chữ nhỏ. Do vậy, khi viết bài này, dù nói là “đọc sách” hay nói là “giới thiệu sách” cũng chỉ là mạo phạm. Cũng y hệt như vào một thư viện Phật học khổng lồ, và tự biết rằng sức người chỉ có thể đọc một phần rất nhỏ, nơi một góc các kệ sách thư viện. Người viết tự biết là không dễ để viết về ấn phẩm này, dù là với nhiệt tâm muốn mời gọi độc giả tìm đọc, để thỉnh ấn phẩm này. Đúng ra, những dòng chữ này xin là “vài suy nghĩ rời” về một ấn phẩm rất cần thiết cho người học Phật.
(more…)

Đỗ Trường

Thời gian gần đây có khá nhiều nhà văn quay về với đề tài lịch sử. Sự đi sâu vào nghiên cứu cùng những trang viết ấy, họ đã tái hiện lại một triều đại, hay một giai đoạn lịch sử với góc độ, cái nhìn của riêng mình. Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng thành công với đề tài này. Gần đây ta có thể thấy, Hoàng Quốc Hải với hai bộ tiểu thuyết: Tám triều nhà Lý, và Bão táp triều Trần, hay Hồ Qúy Ly của Nguyễn Xuân Khánh… Và cách nay mấy năm, nhân kỷ niệm lần thứ 40, ngày thành lập Báo Viên Giác (Đức quốc) Hòa thượng Thích Như Điển đã trình làng cuốn tiểu thuyết lịch sử: Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa. Thật ra, đây là cuốn (tiểu thuyết) phân tích, lời bàn về lịch sử thì chính xác hơn. Thật vậy, trên sáu trăm trang sách được bắt đầu từ sự suy tàn của nhà Lý vắt qua ba cuộc chiến chống ngoại xâm của nhà Trần, đến cuộc đời, duyên định của Huyền Trân Công Chúa với Chế Mân. Một cuộc hôn nhân nặng màu sắc chính trị, khởi đầu cho việc mở mang bờ cõi về phía Nam, được miêu tả, phân tích dưới góc độ, cái nhìn của một vị chân tu, mang mang hồn vía sử thi.
(more…)

Đỗ Trường

Trước đây gần hai chục năm, tôi có được đọc tuyển tập thơ của người Việt ở Hoa Kỳ, và gần đây là: Thơ người Việt ở Đức, cùng tuyển tập: Nối Hai Đầu Thế Kỷ của người Việt ở CHLB Nga. Mỗi tuyển tập đều có những đặc điểm, tính đặc trưng riêng biệt. Có lẽ, do hoàn cảnh xã hội, tư tưởng của tác giả, cũng như biên tập khác nhau chăng? Nên mỗi tuyển tập đều cho tôi những cảm xúc khác nhau.

Cũng từ điều kiện lịch sử, xã hội ấy, dẫn đến tác giả tuyển tập Nối Hai Đầu Thế Kỷ, dường như phần lớn là các nhà thơ tên tuổi, trí thức, sinh viên, công nhân lao động cùng xuất thân từ miền Bắc Việt Nam. Vì vậy, ta có thể thấy, xuyên suốt 600 trang thơ của 132 tác giả hầu như đều né tránh những vấn đề gai góc có tính thời sự xã hội, và thân phận của đất nước, con người. Có chăng chỉ lọt được vào tuyển tập chỉ vài ba bài của Nguyễn Đình Tâm, Trần Văn Thi hay Trần Mạnh Hảo. Thiếu vắng cái khoản này, có lẽ cũng tại bởi chủ biên, nhà thơ Châu Hồng Thủy. Dù ông đã sinh sống học tập, và làm việc ở Nga rất lâu rồi, song vẫn không thoát ra khỏi sự ràng buộc, tiêu chí, định hướng của cái Hội nhà văn ở trong nước chăng? Bởi, trong ban tuyển chọn, ngoài Nguyễn Huy Hoàng, ta thấy còn có cả Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn ở trong nước hiện nay. Theo tôi được biết, còn một số tác giả đã và đang sinh sống ở Nga có những bài thơ rất hay về đề tài xã hội và thân phận của con người không được tuyển chọn vào thi tập. Có lẽ, cái hạn chế cùng một tiếng gáy, một chất giọng này, làm cho tuyển tập hơi bị đơn điệu.
(more…)

Hạnh Viên

Một buổi sáng cuối thu năm 2011, đang ngồi trong quán cà-phê sách ở Đà Lạt tôi nhận được mẩu tin của thầy gởi qua email, chỉ ngắn gọn mấy dòng:

…Tôi đi lang thang theo đám mây trôi, phương trời vô định. Bờ sông, hốc núi, đâu cũng là chỗ vùi thây. Một chút duyên còn ràng buộc thì còn có cơ hội ngộ, đời này hoặc đời sau.

Thị ngạn am vô trụ xứ.

Thư được gởi đi từ chiều hôm trước, nghĩa là tối đó ông đã lang thang đâu đó ngoài bến xe, tìm một chuyến xe nào bất cứ, đi đến một nơi nào khả dĩ, không hẹn trước. Chuyến đi của ông thầy tu không chùa, không đệ tử, không cần nơi đến. Ra đi như vậy, ngoài những ẩn tình riêng chung, nhưng kỳ cùng nó là một thôi thúc, một bó buộc đã sẵn có tự bao giờ. Và trở về, cũng là một thôi thúc, bó buộc khác.
(more…)

Phan Ni Tấn
(Nhân đọc tập truyện Thầm Lặng* của Doãn Kim Khánh)

Tôi còn nhớ năm 1979 cuối con hẻm nhỏ trên đường Thành Thái, Sài Gòn có một căn nhà nhỏ của một gia đình di cư không giàu có. Dĩ nhiên có thể nói họ nghèo nhưng tên tuổi, đạo đức và khí khái thì mênh mông. Đó là gia đình nhà giáo kiêm nhà văn Doãn Quốc Sỹ, tác giả của những tác phẩm giá trị trên văn đàn Việt Nam. Căn nhà cuối hẻm của nhà văn, vào thời buổi nhiễu nhương tuy không an toàn, nhưng với tôi, lại là nơi ấm áp nhất trần đời.

Đó là nơi tôi đã đến trú ngụ, dù chỉ một đêm thôi, nhưng đã để lại trong tôi một ngọn lửa hồng, một sự biết ơn. Đêm nằm trên bộ salon màu đỏ, đã cũ ngoài phòng khách, dù êm ấm tôi vẫn không ngủ được. Một du tử ngủ bờ ngủ bụi như tôi lúc bấy giờ, thấm thía cái lạnh nửa đêm ở Sài Gòn ra sao thì cái ấm áp dưới mái nhà này làm tôi bồi hồi, thao thức. Trong bóng tối lờ mờ tôi bỗng chú ý tới một bức tranh treo trên vách.
(more…)

Trung Trung Đỉnh

Tôi vốn là người mang sẵn tính cực đoan, kể từ thời nhỏ, thích cái gì, yêu cái gì, muốn cái gì cũng cứ theo đuổi bằng được. Lớn lên, nhất là thời trẻ, chừng hai ba chục tuổi, đã thế, còn hơn thế nữa! Trong các mối quan hệ xã hội thông thường của tôi rất dở, chỉ vì cái tính cứng quèo, gặp ai, cái cảm giác ban đầu mà có gì đó gợn lên trong lòng không thích, thế là y như rằng, ngay sau đó và đa số mãi mãi, ít khi lấy lại được thăng bằng. Có những người, trong giao tiếp chung họ rất lịch lãm, rất tốt, nhưng tôi gặp hay gặp tôi, chẳng hiểu vì sao, đến cả chuyện mời nhau điếu thuốc hay chén nước tôi cũng không bình thường được… Đến khi ngoài sáu mươi, bây giờ đã trên bẩy mười, thì hình như cái thói ấy nó không những không giảm, mà lại còn có vẻ gia tăng. Tất nhiên, nó chỉ gia tăng với những “đối tượng” mà tôi ghét trước đây, giờ thêm vào là khinh, là không thèm… nhìn mặt.
(more…)

Tô Đăng Khoa

Tác Phẩm “Nụ Cười Buồn Mùa Hè” là tác phẩm thứ tư của nhà văn Lê Lạc Giao do Nhà Xuất Bản Văn Học phát hành vào cuối năm 2020.  Ba tác phẩm trước là “Một Thời Điêu Linh” (2013), “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” (2016), và “Có Một Thời Nhân Chứng” (2018).

Tuyển tập truyện ngắn “Nụ Cười Buồn Mùa Hè” bao gồm 18 truyện ghi lại những chuyện đời thường, rất thật và đa dạng của những nhân vật đã trải qua cuộc chiến Việt Nam.  Tập truyện phác họa những mảnh đời muôn màu muôn vẻ, nhưng vẫn mang tính hợp nhất, và cũng là nột sự tiếp nối của dòng tư tưởng triết văn của nhà văn Lê Lạc Giao, một dòng tư tưởng triết học vừa uyên thâm vừa thực dụng: nó có tính chất soi sáng mối liên hệ sâu kín giữa truyền thống và định mệnh trên mọi cấp độ, từ cá nhân đến tập thể và thậm chí cho tới cả vận mệnh của một dân tộc.
(more…)

Ngô Nguyên Nghiễm

Trên lộ vắng, bước di hành vòng quanh mịt mịt trên một không-thời gian hiu quạnh của một kiếp người. Dù muốn thoát thai trở về một bản ngã sáng láng trong một vòng luân hồi, hành giả chắc chắn phải hiểu rằng: Bước đi đốn ngộ chỉ dành cho một bừng ngộ mà a tăng tỳ kiếp mới hạnh ngộ một lần trong sác na đạo pháp.

Thiện căn của thi tập “Tử Sinh Ca” cũng hy vọng khai hóa, không thể gọi là cơ bản thiền hành cho một căn cơ đạo hạnh, vì tâm thức cũng còn vướng víu trong hữu vi. Điều chắc chắn, hành giả có ý niệm rải từng đóa hoa vô ưu trên dọc lộ trình đã bước qua, hy vọng như ngọn mộc đăng le lói trong khu rừng tịch mịch, mà người đi sau có lối bước về.

Chính vậy, khách quen chỉ muốn vén màn trên một quan điểm cổ sơ, về ý niệm Sinh Ca và Tử Ca trong 12 nhân duyên hẹn gặp, dù không biết đến bao giờ thoát được vòng luân chuyển hằng sa?
(more…)

Từ Mai Trần Huy Bích
Cảm xúc sau khi đọc “Mặt Trận Ở Sài Gòn” của Ngô Thế Vinh

Đọc lại cuốn Mặt Trận Ở Sài Gòn của Ngô Thế Vinh trong một ấn bản song ngữ năm 2020, 45 năm sau khi Miền Nam sụp đổ, cảm xúc trào lên tràn trề. Người viết những hàng này muốn nói rất nhiều, nhưng sau khi cân nhắc, tự thấy mình không đủ ngôn từ; đành xin mượn ít câu thơ của một niên trưởng, nhà thơ Vô Ngã Phạm Khắc Hàm, để trình bày chút cảm xúc của mình:

Người thích câu rùa, đọc Lạc thư
Vớt con cá nhỏ, thấy chân như
Ta nâng trang sách, ngàn thu đọng
Trời đất rưng rưng giữa mịt mù…
(more…)

Trần Văn Chánh

Sách vừa do NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành khoảng giữa Quý II năm 2020, trong lúc đại dịch Corona đang diễn ra gây đe dọa sinh mạng của con người trên toàn thế giới. Dưới tên sách chính Trò chuyện với thiên thần còn có cái tên phụ: Những tai họa của thế giới và giấc mơ Việt Nam. Tôi chưa hiểu vì sao tác giả Trương Văn Dân xếp sách của mình vào thể loại tiểu thuyết (có ghi rõ hai chữ “tiểu thuyết” dưới tên sách), trong khi thật ra nó không giống một cuốn tiểu thuyết nào khác cả, vì từ đầu chí cuối chỉ toàn thấy nghị luận việc đời. Nhưng nó cũng không phải loại tiểu thuyết luận đề, như tiểu thuyết xã hội của nhóm Tự Lực Văn Đoàn hay tiểu thuyết triết lý của Jean Paul Sartre, Albert Camus chẳng hạn, vì bên trong không có nhiều nhân vật và các lời đối thoại, không có những tình tiết kịch tính.

Vậy có thể gọi đây là một thể loại tiểu thuyết đặc biệt chỉ riêng có ở nhà văn Trương Văn Dân?
(more…)

Nguyễn Thị Khánh Minh

Khi chỉ mới đọc truyện đầu tiên, truyện mang tên của tựa đề cuốn sách, Mặt Trận Ở Sài Gòn của Ngô Thế Vinh, tôi đã có ước muốn, được hỏi ngay, những anh hùng mà ông đề cập đến trong truyện này, hiện giờ họ ở đâu, họ ra sao, và tôi muốn gửi đến họ, rất muộn, lòng ngưỡng mộ, tri ân và cả nỗi sầu buồn. Và tôi cũng muốn nói ngay với tác giả, khi đọc tới đoạn này, tôi đồng tình với chủ trương của các nhân vật trong truyện:

… “Diều Hâu” là biệt danh ông bác sĩ đặt cho tính hiếu chiến của tôi. Xem ra ai cũng có vẻ bực bội về những tin tức xáo trộn ở Sài Gòn. Ông tiếp:

– Tụi sinh viên có đứa nào bất mãn, Diều Hâu cứ việc hốt hết đem lên căn cứ 7 giao cho tôi.

… Cầm lấy ly rượu như muốn bóp vỡ trong tay, thiếu tá Bính giọng gay gắt hơn:

– Cứ để tôi thì khỏi cần tốn phi tiễn với lựu đạn cay. Chỉ cần mấy cỗ đại liên trí mấy đầu phố.
Xem ra chính trị đã làm phân hóa giữa chúng tôi. Rồi ông quay sang hỏi ông Bác sĩ:

– Sao Docteur Zhivago, ông nghĩ sao về tụi sinh viên tối ngày chỉ biết có biểu tình phá rối ấy? (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 27-28)
(more…)

Thiếu Khanh

Gần một tuần nay không khoẻ, không ngồi làm việc được, bèn nhân đó nghỉ ngơi và đọc hết cuốn sách Chính Sách Giáo Dục Tại Nam Kỳ Cuối Thế Kỷ 19 do anh Lại Như Bằng vừa gởi tặng.

Cuốn sách là bản dịch các tập tài liệu: “Tiếng Pháp và Nền Học Chính taị Đông Dương (La langue française et l’enseignement en Indo-chine), gồm những “thông tri” của Etienne Francois Aymonier, Giám đốc Trường Thuộc địa tại Paris được đọc trong hai Hội nghị Thuộc địa tổ chức tại Paris vào hai năm 1889 và 1890, và bài phản biện của Emile Roucoules, hiệu trưởng Trừờng Trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gỏn: “Tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và nền học chính tại Đông Dương – trả lời ông Aymonier” (La langue française, le quốc ngữ et l’enseignement en Indo-chineRéponse à M. Aymonie, R” và một bài viết khác cũng của Emile Roucoules, “Nghiên cứu về giáo dục công ở Nam Kỳ (Etude sur l’instruction publique en Cochinchine.
(more…)

Hoàng Ngọc Nguyên

Trong những ngày đang phải cố thủ tại gia một cách tuyệt vọng trước “kẻ thù vô hình” Corona virus giăng mắc, phong tỏa nơi nơi, “Mặt Trận Ở Sài Gòn” là một nguồn quên lãng lớn cơn đại dịch này. Trước hiện tại đang thêm phần đen tối không chỉ vì đại dịch Cô-Vy và nạn suy thoái/ lạm phát mà chủ yếu vì một chính tình thối nát, có khi người ta phải đi vay mượn một vài tia sáng từ quá khứ để có thể ngày qua ngày. Những câu chuyện cách đây cả 50 năm ở một nơi nay quá xa xôi bỗng dưng sống lại một cách da diết trong trí nhớ, trong con tim của mỗi chúng ta khi có “Mặt Trận Ở Sài Gòn” đặt đầu bàn ngủ (không phải gối đầu giường).
(more…)

T.Vấn

Tôi vừa nhận được một số tác phẩm (sách in giấy) của nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cứu (và họat động nhân quyền) Thi Vũ Võ Văn Ái.

Cái tên Võ Văn Ái không xa lạ gì với rất nhiều độc giả người Việt, ngay từ những năm 1960s với sự ra đời của tập tiểu luận “Tiếng kêu trầm thống trước sự tàn phá con người” do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành năm 1968.

Từ bấy đến nay, ngòai những họat động tranh đấu nhân quyền cho Việt Nam, đánh thức lương tâm thế giới trước cao trào người vượt biển những năm 1970s, làm báo (chủ biên đặc san Quê Mẹ tại Paris từ năm 1976), mở nhà xuất bản Quê Mẹ v…v…, ông vẫn tiếp tục sáng tác với một khối lượng đồ sộ bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Pháp và Anh ở các thể lọai thơ, tùy bút, biên khảo, tiểu luận…
(more…)

Nguyên Cẩn

Nikos Kazantzakis có lần nói rằng “Nếu trọn tâm hồn tôi là tiếng thét thì tác phẩm của tôi là lời chú giải cho tiếng thét ấy.” Với Trương Văn Dân (TVD), ta như bắt gặp lại điều ấy. Gần 400 trang sách viết về cuộc trò chuyện với một đứa bé sắp chào đời và TVD đã nói với nó về mọi vấn đề, như là một Bách khoa thư, với 75 đề mục, khởi đi từ tình yêu và thiên chức của cha và mẹ, sợi dây liên kết thiêng liêng với con cái, hôn nhân và tình yêu cho đến những vấn nạn xã hội như ly dị, chủ nghĩa mackeno, cho đến những chủ đề bát ngát bao la như thân phận người Việt Nam hôm nay, trong một thế giới phẳng, tình trạng toàn cầu hóa, những vấn đề gai góc như ô nhiễm môi trường, phân biệt giàu nghèo, giới tính, chủng tộc, chiến tranh… Những câu hỏi vĩ mô: Thế giới sẽ về đâu? Nhân loại sẽ ra sao? Chúng ta sẽ bắt gặp trong tập sách này với những lời chú giải.
(more…)

Song Thao

Bãi sậy nằm bên chân một chiếc cầu đang xây cất ở một tỉnh lẻ. Dân chúng thường hay ra hóng mát. Vợ chồng họa sĩ Tuấn và cô giáo Thủy dọn về ở nơi tương đối yên tĩnh nhưng buồn tẻ này. Họ đang chờ một cặp sanh đôi chào đời. Ca sanh khó đã đưa tới tình huống nguy hiểm cho mẹ hoặc con. Thủy đã chọn sự sống cho hai đứa con. Và nàng đã nhắm mắt bỏ lại Tuấn và đôi trẻ sơ sinh. Tuấn còn chưa biết xoay sở ra sao thì một cặp vợ chồng hàng xóm nhận nuôi giúp. Họ có một cô con gái tên Loan, 6 tuổi. Cả nhà say mê hai đứa trẻ mũm mĩm dễ thương: Tú Anh và Tú Em. Loan quấn quýt với cặp sinh đôi, nhất là Tú Em.
(more…)

Elena Pucillo Truong


Tiểu thuyết- Tác giả Trương Văn Dân
Nhà Xuât Bản Tổng Hợp- tp HCM. 6-2020

Độc giả chắc sẽ khá bất ngờ về quyển sách này và nghĩ rằng các đề tài đề cập trong sách đều xa lạ với cái thế giới mà ta đang sống, vì đó chỉ là một cuộc trò chuyện với một nhân vật siêu việt: Thiên thần.

Nhưng hoàn toàn không phải vậy; đó là một quyển sách có những câu chuyện liên quan đến đời sống chúng ta, đến thân phận làm người, dù là nam hay là nữ, trong cuộc sống hằng ngày.

Trong một chuyến đi bình thường như tất cả các chuyến lần đi thăm viếng hay gặp người thân nhưng sau đó một đôi vợ chồng bỗng giật mình nhận ra rằng, những sự kiện trong đời, cái thế giới nhỏ bé và bình an mà mình đã khó nhọc tạo dựng, tất cả đều thuộc về một cái gì đó rất to lớn mà họ không thể nào kiểm soát.
(more…)

Trịnh Thanh Thủy

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn vừa vĩnh viễn ra đi. Trước đây chúng tôi dự định tổ chức một buổi ra mắt sách cho tập thơ mới của ông nhưng vì đại dịch đã phải hoãn lại. Nay ông đã ra đi, tôi xin chia sẻ cùng các bạn bài viết khi ấy về tập thơ như một nén hương lòng gởi đến nhà thơ tài hoa của đồi Phương Bối. (TTT)

Tôi được quen biết nhà thơ Nguyễn Đức Sơn tức Sơn Núi hay Sao Trên Rừng qua bạn tôi, họa sĩ Đào Nguyên Dạ Thảo. Tuy nhiên tôi chưa từng gặp ông dù có thư từ qua lại, dù rất mến thơ của ông vì mỗi người một phương. Mới đây Dạ Thảo cho tôi biết hiện bệnh của ông đang trở nặng, tôi cảm thấy lo lắng nhiều đến sức khoẻ của ông. Tôi chỉ sợ không may thì ….

Nếu đồi Phương Bối vắng bước chân ông, trăng Phương bối tìm đâu ra cái bóng đồng hành để cùng say khướt đổ nghiêng bên những gốc tùng xanh ngắt. Cây ổi đồi cao tìm đâu ra tên đạo chích ăn trộm nửa quả ổi rụng đã bị dòi ăn nửa kia?

Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên.
(Rụng một trái)
(more…)

Hòa Bình Lê

Trưa thứ Bảy mở thùng thơ, cuốn Radio Mùa Hè, thơ Phan Hiện Hạo, đến đúng lúc tôi đang suy nghĩ ngày mai sẽ đọc gì. Thú thật là bìa và tựa sách đã thấy qua đâu đó có lúc khiến tôi tò mò chú ý, có lẽ vì mình đã đọc và quen thuộc với lối “phát sóng” trên băng tầng này, cũng có lẽ mùa cách ly, con người thèm phiêu lưu đến những vùng miền nhiễu âm.

“Te te… tò tí te…
Good morning, anh chị em thủng nhĩ.
Đây là tiếng nói cô đơn,
Phát thanh từ nước Mỹ,
Giữa đồng bắp miền Trung Tây,
Trên băng tầng lưu vong không hối tiếc.”

(more…)

Thaophuong
Nhận định về tác phẩm The Sympathizer của Viet Thanh Nguyen. Ghi dấu tháng 4 đen lần thứ 45.

Trong những ngày nhàn rỗi cuả tháng 4, vô tình được đọc tác phẩm The Sympathizer (Grove Press New York, 2015) của Viet Thanh Nguyen (sinh năm 1971 tại Ban Mê Thuột), với bản dịch Việt Ngữ của Lê Tùng Châu (23 chương 434 trang), tôi hoàn toàn bị cuốn hút và ngỡ ngàng trước một tiểu thuyết lấy bối cảnh về chiến tranh Viet Nam, nhưng toàn truyện như một bản hòa tấu đủ cung bậc thăng trầm, với nhiều đoạn trường canh vừa có triết tính và thơ mộng, vừa có ý nghĩa sâu sắc và mang tính gợi hướng của thời đại. Chính Viet Thanh Nguyen, một nhà văn người Mỹ gốc Việt đã đánh bại bao nhiêu tác phẩm khác trên đấu trường văn chương và được hội đồng chấm giải Pulitzer vinh danh, trao giải năm 2016…
(more…)

Phan Ni Tấn

TRẦN YÊN HÒA Hơn năm mươi lăm năm THƠ là tập thơ phản ánh tâm trạng của nhà thơ qua nhiều thể loại thơ khác nhau.

Từ một cậu học trò xuất thân trong một gia đình văn hóa xứ Quảng, Trần Yên Hòa bắt đầu làm thơ lúc mười hai tuổi. Từ những bước đầu chập chững đến nay, sau hơn năm mươi lăm năm làm thơ, nhà thơ nhìn lại chặng đường dài đã đi: “Cha tôi cũng mê thơ. Ông có làm thơ đường, thơ thất ngôn bát cú và họa thơ (…). Hay mẹ tôi, thường hát ru tôi bằng những câu ca dao thắm đượm mùi vị quê hương, tình yêu trai gái, nên tôi thấm sâu vào lòng những âm thanh ấy, để rồi sau này tôi yêu thơ và làm thơ…“.

Phần tự sự trên đăng trong tập thơ TRẦN YÊN HÒA Hơn năm mươi lăm năm THƠ là một phần đời của Trần Yên Hòa được tác giả kể lại bằng thi ca.
(more…)

Phan Tấn Hải

Cứ mỗi tháng 2 dương lịch, Hoa Kỳ lại đón mừng Tháng Lịch Sử Da Đen (Black History Month), nhằm vinh danh thành quả của người da đen Hoa Kỳ, một truyền thống lần đầu tổ chức vào năm 1926 bởi sử gia Carter G. Woodson và kéo dài tới bây giờ.

Đặc biệt trong năm 2020, Tháng Lịch Sử Da Đen mang thêm một ý nghĩa là kỷ niệm 150 năm Tu Chánh Án Thứ 15 (Fifteenth Amendment), nội dung cho người đàn ông da đen quyền đi bầu cử, cũng như kỷ niệm 100 năm Tu Chánh Án Thứ 19, nội dung cho phụ nữ quyền đi bầu cử.

Bên cạnh các hoạt động văn hóa, như phim ảnh, triển lãm, kịch nghệ, diễn hành… trong Tháng Lịch Sử Da Đen có một truyền thống lặng lẽ, nhưng đầy chiều sâu: đọc sách. Bạn có thể đề nghị giới trẻ trong cộng đồng Việt một tác phẩm nào để các em đọc, để ý thức rằng sự kỳ thị màu da là có thực và rất đau đớn, và Phật Giáo đã trở thành nơi nương tựa của rất nhiều người da đen Hoa Kỳ hiện nay.
(more…)

Nguyễn Vy Khanh


Nhà văn Nguyễn Văn Sâm

Tìm hiểu hành trình văn nghệ của một số nhà văn thế kỷ XX, chúng tôi thích thú khám phá Nguyễn Tuân, Xuân Diệu viết phê bình văn học đặc sắc không thua gì thơ văn của họ: Nguyễn Tuân độc đáo khi viết tổng luận về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Du, cũng như Xuân Diệu khi viết về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Đó là những văn nghệ sĩ đi từ sáng tác đến thể loại phê bình, khảo cứu. Nguyễn Văn Sâm là một trường hợp ngược lại, có thể do hoàn cảnh phải sống xa quê hương, ông khởi đầu sự nghiệp với những công trình nghiên cứu nghiêm túc về văn học trước khi sáng tác, viết truyện. Các biên khảo của ông đều lấy chủ đề là văn học miền Nam (Văn Học Nam Hà, Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam, Văn Chương Nam Bộ) là những đóng góp độc đáo cho mảng văn học thường không được đánh giá đúng mức này. Ông đã đi xa hơn hai cuốn Văn Học Miền Nam của Phạm Việt Tuyền và Đông Hồ và đã đưa vào văn học sử mảng văn học yêu nước và kháng chiến của miền Nam, phần nào “chính danh” lại cho những văn nghệ sĩ miền Nam vốn vẫn bị đảng cộng sản sử-dụng cho chiêu bài “yêu nước” của họ. Về sự chuyển hướng, chính tác giả đã cho người đọc biết: “qua Mỹ viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt ngay trên quê hương hay lạc loài tha hương” (1). Về sáng tác, Nguyễn Văn Sâm đã xuất bản Câu Hò Vân Tiên (1985), Ngày Tháng Bồng Bềnh (1987). Trong bài này chúng tôi viết về tập Khói Sóng Trên Sông mới do tạp chí Văn (CA) xuất bản đầu năm 2000, đúng ra là một vài cảm tưởng về thể loại truyện ngắn và văn chương miền Nam, qua chữ nghĩa của Nguyễn Văn Sâm.
(more…)

Phan Tấn Hải

Trong khi nhiều bạn vẫn còn đọc đi đọc lại nhiều bài thơ của Nguyễn Hàn Chung trong thi tập Lục Bát Tản Thần (2018), thi sĩ đã bắt đầu ấn hành tập thơ mới và phát hành trên mạng Lulu.

Trong khi nhan đề thi tập năm 2018 nghe rất là vang dội giỡn cợt – bạn thử đọc rất chậm từng chữ “Lục Bát Tản Thần” sẽ nghe khúc khích tiếng cười thi sĩ – thì thi tập mới có nhan đề rất mực nghiêm trang, “Mót Chữ Trong Kinh,” dù độc giả đọc cách nào đi nữa, như đọc xuôi rồi đọc ngược, cũng sẽ nghe rất mực nghiêm trang. Như dường đây là chuyện của nhà chùa, hay có nghịch lắm (nếu bạn nhớ tới kiểu thi sĩ Nguyễn Hàn Chung ưa bỡn cợt) thì cũng có thể là những mối tình có bối cảnh sân chùa. Vậy mà không phải.

Không phải. Kinh đây không hề có nghĩa kinh điển hay đạo học gì. Kinh chỉ đơn giản là kinh, và muốn hiểu sao cũng được, nhưng không mang nghĩa tôn giáo chi cả.
(more…)

Phan Tấn Hải

Tập hồi ký nhan đề “Trung Kiên với Lý Tưởng: Cuộc Phiêu Lưu Saigon-Kabul” của Tiến Sĩ Kinh Tế Đinh Xuân Quân gói gọn gần trăm năm lịch sử của gia tộc ông dự kiến sẽ ra mắt tại Quận Cam vào giữa tháng 2/2020.

Buổi giới thiệu sách sẽ thực hiện tại: Westminster Community Service Center, 8200 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683 vào ngày 15/02/2020 từ 1:00pm-4:00pm.

Trong khi chúng ta thấy rất nhiều tập hồi ký về thời kỳ những năm sau 1975, sách này của TS Đinh Xuân Quân sẽ kể về gia tộc họ Đinh xuyên suốt gần 100 năm lịch sử, chiếu rọi thêm ánh sáng về thời Việt Minh tan rã, dẫn tới thời kỳ CSVN truy sát người quốc gia, rồi tới thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, và thời kỳ sau 1975.

Trong tập hồi ký có ghi lại một số sự kiện, từ điểm nhìn và hoàn cảnh của tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua thời kỳ Hoàng Đế Bảo Đại — trong đó, thân phụ tác giả Định Xuân Quân là cụ Đinh Xuân Quảng từng giữ các chức Bộ Trưởng trong nhiều nội các của Thủ Tướng Nguyễn Phan Long, Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân, Thủ Tướng Trần Văn Hữu, Thủ Tướng Hoàng Thân Bửu Lộc — trở về nghề thẩm phán dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, soạn thảo Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hòa và tranh cử Quốc Hội lập Hiến (1966-1967)…
(more…)

Nguyễn Văn Sâm

Khánh Trường viết mau và truyện của anh thu hút, mặc dầu anh ở trong tình trạng mà người khác đã bỏ cuộc nhiều thứ từ lâu, kể cả tự lo cho mình. Anh phải lọc thận tuần ba lần và ngồi xe lăn hơn hai chục năm nay. Vậy mà con người ấy từ chối quyết liệt chuyện bỏ cuộc văn nghệ. Anh vẽ bìa cho bạn bè, anh vẽ tranh cho mình, anh viết truyện và lên facebook trao đổi nầy nọ với nhiều người.

Sức sống của anh mãnh liệt để không bị căn bịnh hủy diệt. Anh có mặt với đời sống văn nghệ. Anh đào sâu những ký ức được xây dựng bằng vốn sống gian nan và lầy lội của một nạn nhân, chứng nhân trong một xã hội tan rã do chiến tranh và hậu quả sau cuộc chiến của bên thua trận để tạo nên tác phẩm của mình.
(more…)

Phan Tấn Hải

Trong khi chờ năm mới, một trong những niềm vui lớn là có vài ngày thư thả để lòng lắng xuống, mở trang sách xưa để đọc lại thơ Thiền… Năm nay, niềm vui của tôi là đọc tác phẩm “Thơ Thiền Lê-Nguyễn Zen Poems” – một tuyển tập song ngữ Anh-Việt, một công trình văn học mất hơn 10 năm để thực hiện.

Bản sách giấy trong lần xuất bản 2019 của NXB Hội Nhà Văn chỉ in 500 ấn bản, dày 160 trang, trên khổ giấy quý 25 X 25 cm.

Chủ biên là Nguyễn Bá Chung; dịch thơ tiếng Việt là Nguyễn Duy – Nguyễn Bá Chung; dịch thơ Anh ngữ là Sam Hamill – Nguyễn Bá Chung; Hòa Thượng Thích Phước An viết Lời giới thiệu (trang 11-13); Nguyễn Duy Sơn thực hiện phần hình ảnh; Nguyễn Duy thiết kế tổng thể; Võ Anh Thơ thiết kế mỹ thuật.
(more…)

Đỗ Trường

Tôi không bất ngờ lắm, khi nhận được tập 2, Thơ Việt Ở Đức, do Sa Huỳnh và Thế Dũng gửi tặng. Bởi, mấy tháng trước dù đang còn lật khật ở Pleiku, Thế Dũng đã dọa, sắp cho ra lò tuyển tập này. Và cũng từ lâu, tôi chỉ đọc và theo dõi, chứ dường như không còn nhiều hứng thú viết về thơ văn của những tác giả đang sống, và làm việc ở Đức nữa. Vì cái tính hịch toẹt của tôi đôi khi làm không vừa lòng nhau. Khen thì không thể, chê càng bỏ bà nữa. (Một sự kẹt cứng của ngòi bút). Biết là vậy, nhưng đã nhận sách từ Thế Dũng, thì không ít thì nhiều, sớm hay muộn kiểu gì cũng phải viết cho gã. Do vậy, tôi đọc, và viết ngay, bằng không, khó mà Ruhe (yên) trong những ngày giáp Tết này.
(more…)

Phạm Quốc Bảo.

“Their War: The Perspectives of the South Vietnamese Military in the Words of Veteran-Emigrés” vốn là chủ đề của cái tiểu luận do Julie Phạm thực hiện thành tài liệu năm 1999 để được chấm cho ra trường môn sử với hạng danh dự tại University of California, Berkeley vào năm 2001. Tài liệu này gồm hai phần:

– Một là những trang giấy đã ghi chép và đánh máy lại từ băng thu âm của trên 40 người tham dự trả lời phỏng vấn, trò chuyện (và dĩ nhiên là có chữ ký xác nhận của từng nhân vật được phỏng vấn). Sau đó, tài liệu này còn được dịch sang anh ngữ, gọi là phần Oral History.

– Hai là phần tóm tắt những điểm chính cần được nêu bật lên của công trình nghiên cứu này. Phần này được Julie Phạm thảo bằng anh ngữ, chính là cuốn sách mà chúng ta đang đề cập đến ở đây.

Cuốn sách này lần lượt tóm lược rõ nguyên nhân và lý do, nguyên tắc thực hiện cuộc khảo cứu, tiểu sử của từng nhân vật di dân vốn là cựu quân nhân QLVNCH đã được phỏng vấn, cùng phương pháp phân tích những yếu tố được phỏng vấn…, và cuối cùng, phụ bản là vài bài ngắn gọn nhằm nêu lên bề dầy sống, học hỏi và làm việc của chính tác giả Julie Phạm, trước khi được chấm dứt bằng kết luận do tác giả cô đọng viết.
(more…)

Phan Tấn Hải

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu trong năm 2017 đã phát hành tập truyện ngắn “Gập Ghềnh” của nhà văn Lưu Na.

Nơi trang đầu, trước khi vào truyện, nhà văn Lưu Na viết những dòng chữ đẩy cảm xúc về nghĩa “gập ghềnh” trong truyện và trong đời tác giả, trích:

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời

Tôi vào đời, một cuộc đời rất xa lạ, không có má dắt tay. Trên đất lành “không thấy phố không thấy nhà chỉ thấy mưa sa…”, tôi bước một mình chông chênh như qua cầu khỉ trên biển sóng dập dềnh lòng mang mối hận không còn thấy lại má. Rồi như một phép lạ, tôi đã trở về bước lại trên con đường xưa nghe mặt đất ấm bàn chân lưu lạc. Mà buồn sao phố xá nguy nga không còn bóng mưa sa, và lòng cứ bập bềnh tiếng sóng. Tôi đi, tôi về, không còn biết đâu là điểm khởi hành. Bước buồn tôi vẫn bước, nhưng mỗi chân mỗi quê – “quê nhà quê người”, chỉ là những bước gập ghềnh.

Lưu Na
(more…)

Phan Tấn Hải


Nhà thơ Lê Giang Trần và tập thơ mới ra (Photo PTH)

Thi sĩ Lê Giang Trần tuần qua vừa phát hành thi tập mới, nhan đề rất mực gió lộng ngàn trùng: Pha Thơ Vào Biển Gió.

Tập thơ mới ấn hành để kết thúc một năm 2019, đầy những giông bão tình yêu của chàng thi sĩ lãng mạn vào hàng thượng thừa trong làng chữ nghĩa hải ngoại.

Thi tập “Pha Thơ Vào Biển Gió” do nhà xuất bản Sống ấn hành, với tranh bìa và một số phụ bản của họa sĩ Đinh Trường Chinh. Trong thi tập dày 260 trang còn có một hình vẽ tác giả do họa sĩ Trịnh Cung Thực hiện. Và một số hình ảnh được ghi lại qua ống kính camera của Trịnh Cung và Trần Triết.
(more…)

Nguyễn Thị Khánh Minh

… Một chút gì thật vội không chờ đợi ai, mãi mãi là một gạch nối vô hình giữa những gì đã qua và sẽ tới, cái đương là bát ngát mênh mông người có thấy? Những câu thơ ghi vội vàng như hành động mở cửa sổ một buổi sáng ngó ra khu vườn, từ đó ta thấy đôi khi trời xanh, có chim hót, vài khi bắt gặp những đám mây trắng không hẹn cúi nhìn xuống đời dưới kia, nhưng cũng có khi bàn tay đâm bất động giữ chặt lấy song cửa, mắt ngó mông lung về một cái gì thoáng trôi…

Bóng nhạn đã bay mất hút trời xa, gió mơn man gợn nhẹ mặt hồ, đâu là ảnh, đâu là hình?

Và như thế một thoáng ngoài kia… (Vũ Hoàng Thư)

Nghe tiếng chim hót sớm mai mấy câu Thiền Thi của Thiền Sư Hương Hải, Nhạn quá trường khôngNhạn không có ý để dấu/ Nước không có tâm lưu bóng (Thích Thanh Từ dịch). Ảnh hình chớp mắt trong biến dịch của phút đang là, người thơ, ngay nơi đã và sẽ ấy, bật ra Một Thoáng, tràn đầy, an nhiên, khinh khoái. Không tràn đầy sao được khi sống bát ngát nơi cái đương là mênh mông. Chẳng an nhiên sao khi biết rõ rằng một chút gì thật vội không chờ đợi ai. Và trong phút giây có mặt ấy, người thơ đã khinh khoái điểm danh, một khuya sớm/ bóng sương buông/ cơn trường mộng/ cuộc vô thường là tên (Chiều Tím). Ngay tựa đề Một Thoáng đã gợi lên một sự liên tục (tôi muốn nhấn mạnh, liên tục) trực nghiệm về những khoảnh khắc lúc tâm yên ả cùng thân trong hiện hữu ấy. Đó thiết nghĩ chẳng phải là một pháp tu hay sao?
(more…)

Trịnh Y Thư

Nhà văn Mỹ gốc Việt Lại Thanh Hà (Thanhhà Lại) – từng đoạt giải thưởng National Book và giải Newbery-Danh dự, thể loại Thiếu niên, với tác phẩm thơ xuôi Inside Out & Back Again/ Trong ra ngoài & Ngược trở lại – mới đây đã được nhà xuất bản HarperCollins xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới nhan đề Butterfly Yellow/ Bướm Vàng (284 trang, giá bán $17.99) và đã được giới phê bình đánh giá là một tác phẩm tiểu thuyết xuất sắc. Phụ trang Văn Học của tờ nhật báo lớn nhất Hoa Kỳ, New York Times, có bài phê bình và đã gọi đây là một tác phẩm “đẹp nhức nhối.” (Searingly beautiful.)

Hiển nhiên, một tác phẩm tiểu thuyết lọt vào mắt xanh của NXB HarperCollins thì không phải tầm thường và đọc cuốn sách này, tôi đã bị cuốn hút từ đầu đến cuối. Cuốn hút bởi cốt truyện đã đành mà còn thú vị với văn phong độc đáo thấm đẫm tính hài, và chữ nghĩa phong phú, khác thường của tác giả.
(more…)

Đỗ Trường

Cứ ngỡ, ở cái tuổi quá lục tuần, với những cuộc rong chơi cùng trời cuối đất, Thế Dũng đã lạnh nhạt với văn chương, song tôi đã lầm. Bởi, hôm rồi tôi gọi điện thúc giục gã viết cho xong cuốn Con Chữ Thiên Di. Điện thoại chuông đổ ầm ầm, lúc sau mới thấy gã cầm máy. Tiếng ồn nơi đông người thật khó nghe:

– Thế Dũng! Bác đang ở đâu đấy?

Nghe tiếng gã cười khùng khục ở đầu dây bên kia:

– Đang bẹt nhè ở Pleiku. Có về được thì uống đỡ cho anh mày một chút.

– Rượu chè thế này, Con Chữ Thiên Di đến cuối năm xong thế chó nào được!

Tôi vặc lại Thế Dũng như vậy, làm cho gã giải thích như quát trong máy:

– Thằng em cứ đùa. Không xong cuốn này, thì anh mày xong cuốn khác. Văn thơ chứ đâu phải bổ củi. Đôi khi còn phụ thuộc vào cảm hứng nữa. Lắm lúc, định viết cái này, tự nhiên nó xọ mẹ sang cái khác. Vừa in xong cuốn: Tôi Vẫn Sống Ở Nơi Mình Vắng Mặt. Không nằm trong dự định, cũng đang định gửi cho thằng em…
(more…)

Lương Nguyên Hiền

Nguyễn Dữ là một nhà văn xuôi Việt Nam ở thế kỷ thứ 16. Tác phẩmTruyền-Kỳ Mạn-Lục do ông viết, đã được đánh giá như là một “thiên cổ kỳ bút”.

Vào một đêm mùa thu cách đây không lâu, nửa khuya thức dậy, theo lệ thường, tôi đi lòng vòng trong nhà hy vọng vớ được một cuốn sách để đọc qua đêm chờ sáng. Căn nhà thật vắng lặng và yên tĩnh, đi vào phòng làm việc, tôi đưa mắt dạo qua kệ sách. Chợt ánh mắt tôi dừng lại trên một cuốn sách cũ vàng úa, đầy bụi bặm nằm khuất ở một góc. Tò mò, mở ra xem, đó là cuốn sách Truyền-Kỳ Mạn-Lục, tác giả là Nguyễn Dữ sống vào thế kỷ thứ 16. Sách được nhà xuất bản Tân Việt in năm 1952 và do Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch ra chữ quốc ngữ. Đây là một trong những cuốn sách quý mà Cha tôi đã sưu tầm khi ông còn sống và được gìn giữ trong gia đình tôi cho đến ngày hôm nay. Tôi ngồi xuống, lật từng trang sách và bắt đầu đọc.
(more…)

Lê Lạc Giao

Tôi nhận được tập thơ “Ngôn Ngữ Xanh” của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh tặng vào những ngày lập thu đầu tháng mười. Khi nhìn tên tập thơ, tôi nghĩ ngay đến nỗi niềm hoài vọng của tác giả. Tuy quen biết Khánh Minh chừng năm năm qua người bạn làm thơ Nguyễn Lương Vỵ, tôi lại biết rất ít về nhà thơ nữ cùng thế hệ này cũng vì điều kiện sinh sống có tính khép kín tại Hoa Kỳ. Về sau có đi uống café vài lần và nói chuyện với Khánh Minh, tôi càng khâm phục cô hơn nữa. Một người mà thể chất rất tệ vì bệnh tật, càng về sau đi đứng khó khăn cùng phải lo quán xuyến gia đình vẫn không ngăn cô sáng tác. Và các tập thơ đều đặn ra đời như thách đố với tình trạng tiêu cực của bản thân. Ngôn Ngữ Xanh là tập thơ thứ mười hai của nhà thơ Nguyễn thị Khánh Minh.
(more…)

Trương Văn Dân

Có thể nói tiểu thuyết lịch sử ở Âu châu bắt đầu từ sau khi nhà văn Walter Scott viết tiểu thuyết “Ivanhoe”, xuất bản vào năm 1819. Truyện kể về một hiệp sĩ thời Trung Cổ của nước Anh và sau đó năm 1823 ông còn xuất bản quyển “Quentin Durward” kể về những chuyện xảy ra vào thời vua Luigi XI (1423- 1483) ở Pháp. Cả hai quyển này đã thành công xuất sắc và mở đầu cho thể loại tiểu thuyết này.

Cùng trong thời gian đó, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn thì tiểu thuyết “Người được đính hôn” (Promessi Sposi) của Alessandro Manzoni ở Italia cũng vừa xuất hiện. Được viết từ năm 1821 và xuất bản vào năm 1827 tác phẩm này thành công tức khắc và cho ra đời một thể loại mới về lịch sử.
(more…)

Nguyễn Vy Khanh

Chúng tôi như có cái duyên kỳ ngộ với vùng cao Ban-Mê-Thuột, qua các thành viên của “Phong trào Du ca” (và “Cơ sở Văn-nghệ Con người”), từ những năm đầu thập niên 1970 ở quê nhà cho đến gần đây khi Nguyễn Minh Nữu viết Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại (2017), Đoàn Văn Khánh với Ám Ảnh Đơn Thân (2019) và nay là nhà thơ/nhạc sĩ Phan Ni Tấn xuất bản tập tùy bút Ngòi Viết Lang Thang, sau tập truyện Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi (2019).

Đến với Ngòi Viết Lang Thang là chúng tôi đã khởi đi với tâm trạng “buôn”, “vùng cao” và tinh thần “nhập cuộc” của ngày nào; không ngờ tác phấm đã là một bất ngờ thích thú thực sự và nội dung đặc biệt khiến chúng tôi không thể không ghi lại đây vài cảm tưởng.

Ngay từ trang đầu, Phan Ni Tấn đã cho biết: “Tôi sinh ra ở Banmêthuột cho nên núi rừng là bạn của tôi. Đi đâu, làm gì, thức hay ngủ, rừng núi lúc nào cũng kề một bên. Lớn lên tôi có đọc chút ít lịch sử trước 1975 của quê tôi, ở đó miên man trải dài ngút mắt, là núi và rừng, nơi xanh um một màu xanh lá, nơi chói chang một trời nắng lụt, và cũng là nơi lầy lội, ẩm ướt những trận mưa vào mùa. Từ thị xã đến thôn quê, nhà cửa theo thời gian lần lượt mọc lên suốt dải cao nguyên đất đỏ; con người sống trong màu đất đỏ, tử sinh cùng đất đỏ…” (Quê Tôi).
(more…)