Posts Tagged ‘Nguyễn Thị Khánh Minh’

Lê Lạc Giao

Tôi nhận được tập thơ “Ngôn Ngữ Xanh” của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh tặng vào những ngày lập thu đầu tháng mười. Khi nhìn tên tập thơ, tôi nghĩ ngay đến nỗi niềm hoài vọng của tác giả. Tuy quen biết Khánh Minh chừng năm năm qua người bạn làm thơ Nguyễn Lương Vỵ, tôi lại biết rất ít về nhà thơ nữ cùng thế hệ này cũng vì điều kiện sinh sống có tính khép kín tại Hoa Kỳ. Về sau có đi uống café vài lần và nói chuyện với Khánh Minh, tôi càng khâm phục cô hơn nữa. Một người mà thể chất rất tệ vì bệnh tật, càng về sau đi đứng khó khăn cùng phải lo quán xuyến gia đình vẫn không ngăn cô sáng tác. Và các tập thơ đều đặn ra đời như thách đố với tình trạng tiêu cực của bản thân. Ngôn Ngữ Xanh là tập thơ thứ mười hai của nhà thơ Nguyễn thị Khánh Minh.
(more…)

Phan Tấn Hải


Hai ấn phẩm của Nguyễn Thị Khánh Minh và Trịnh Y Thư trong buổi ra mắt sách.

Hai tuyển tập nói nơi đây là tuyển tập thơ “Ngôn Ngữ Xanh” của Nguyễn Thị Khánh Minh và tuyển tập tạp bút “Chỉ Là Đồ Chơi” (ấn bản 2019) của Trịnh Y Thư. Cả hai người viết đều là những tài năng dị thường, nổi tiếng từ nhiều thập niên với các bút pháp độc đáo, uyên áo – và là hai chân trời cách biệt nhưng đều rất mực thơ mộng.

Hai tuyển tập trên cùng được Văn Học Press tổ chức ra mắt sách hôm Thứ Bảy 5/10/2019 tại quán cà phê Hạt Ngò ở Garden Grove, Quận Cam.

Thi tập “Ngôn Ngữ Xanh” của Nguyễn Thị Khánh Minh dày 210 trang, mở đầu là bài “Thơ về Thơ: Ở Đâu Một Ánh Mắt Để Có Ngôn Ngữ Xanh?” của Tô Đăng Khoa được dùng làm Tựa, với Phụ Lục của sách là các bài viết hay thơ của Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Xuân Thiệp, Đinh Cường, Vũ Hoàng Thư, Đỗ Hồng Ngọc, Hoàng Xuân Sơn, Lê Giang Trần, Nguyễn Lương Vỵ, Đỗ Xuân Tê, Phan Tấn Hải, Trịnh Y Thư, Nguyễn Thị Thanh Lương. Một tranh của Du Tử Lê được dùng làm phụ bản đầu sách. Và phần chính tuyển tập là thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh, gồm ba phần: “Phần 1: Phút Mong Manh Giữa Những Từ” với 33 bài thơ; “Phần 2: Ký Ức Xanh” với 20 bài thơ; “Phần 3: Ngôn Ngữ Xanh” với 32 bài thơ.
(more…)

Tô Đăng Khoa

Đây tác phẩm thứ 12 của Nguyễn Thị Khánh Minh: Ngôn Ngữ Xanh. Độc giả trong những năm gần đây có lẽ không còn xa lạ gì với tên tuổi Khánh Minh, người có sức sáng tạo rất sung mãn, gần như mỗi năm đều có một tác phẩm mới ra đời. Những tác phẩm gần đây của Khánh Minh đã được độc giả đón tiếp rất nồng nhiệt như “Ký Ức của Bóng”, “Bóng Bay Gió Ơi”, “Lang Thang Nghìn Dặm”, và “Tản Văn Thi”.

Khác với các tác phẩm trước trong đó Khánh Minh chọn thể loại Thi, Tản Văn, hay là Tản Văn Thi để nói về các chủ đề khác nhau của Thi Ca như: Ký Ức, Bóng, Giấc Mơ, v.vv… Lần này trở lại với độc giả qua tác phẩm Ngôn Ngữ Xanh, chủ đề được Khánh Minh chọn lại chính là Thi Ca, hay nói cách khác, Chủ đề của Ngôn Ngữ Xanh là: Thơ về Thơ.
(more…)

Lê Giang Trần

người dệt thơ như tơ lụa
dệt văn như dòng sông êm trôi

(Đinh Cường)

Trong khi thế giới phương Tây đã nổi dậy phong trào hiện sinh thì nơi phương Đông vẫn đi trên một con đường trầm lặng. Đó là con đường của nghệ thuật, các thế hệ tiếp nối nhau trong một thế giới lặng lẽ với những khát vọng trung thành nhất của đời sống. Đông phương là một thế giới trầm mặc xa xôi, mà nghệ thuật lại là con đường của cái trầm mặc đó… Trong nghệ thuật, con người đã lấy ngay chất liệu đau khổ của thế gian dựng thành ý nghĩa cứu cánh của đời sống… Qua con đường trầm mặc của nghệ thuật, chúng ta mới có thể xúc cảm sâu xa trước những gì mà tư tưởng và triết học không bao giờ có được. Dưới tác động của thời gian, đời sống là một cái gì đó rất mong manh, và hạnh phúc là một thứ chất lỏng không thể nắm bắt được. Chất lỏng đó chảy xuôi thành một dòng song biến động của thời gian. Chỉ trong những phút trầm mặc chúng ta mới có thể trầm mình vào suối để thưởng thức hương vị hiu hắt của hạnh phúc… Qua xúc cảm ấy, tâm hồn con người được mở rộng để đón tiếp mọi người mọi vật ngay giữa lòng sống động của hiện hữu. Người ta nói tâm hồn Đông phương là một tâm hồn trầm mặc và bao dung, chính là ở chỗ đó. (Văn Tuyển, Tuệ Sỹ, Hương Tích Phật Việt, Hoa Kỳ, 2014, tr. 12, 36, 37, 39)
(more…)

Hồ Đình Nghiêm


Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh

Thuở nhỏ, tôi yêu thích chuyện cổ tích. Về cái kết “có hậu”. Về một hình ảnh buộc phải xảy đến: Ra vườn sau ngồi ôm mặt khóc than một mình, thình lình có bà tiên vụt hiện ra, dịu dàng bảo: Nín đi con, con muốn gì ta sẽ trao cho con thứ con thiếu.

Một bà tiên. Suốt đời tôi vẫn thiếu bà. Tôi khóc mút mùa lệ thủy nhưng bà bận việc gì mà chẳng đoái hoài trông thấy tôi đang bưng mặt thổn thức với sầu đau?

Nhiều người chê cách dựng chuyện hoang đường kiểu ấy. Nhưng tôi thì không. Tôi vụng nghĩ, bạn nên tìm đến niềm hy vọng cho dù chân bạn không bước tới đường cùng. Đại diện cho nỗi khát khao chẳng có gì dễ thương cho bằng một hôm bạn nhìn thấy một bà tiên. Tiên cũng chẳng ngại ngần kề cận khi tóc bạn đã hai màu. Không phải sao, trong văn chương vẫn mãi tụng chữ thiên thần? Họ viết thêm: Khi em đến, xin hãy đóng cánh cửa sau lưng, khóa lại và ném mất chiếc chìa ấy đi.
(more…)

Đỗ Hồng Ngọc
“Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” (Trịnh Công Sơn)

Tôi không tin Tản Văn Thi của Khánh Minh là giấc mơ,huyền thoại, chiêm bao. Trái lại, nó rất hiện thực. Nó rất ở đây và bây giờ. “Đó là bức tranh sắc mầu cuộc sống”: bức tranh của một gia đình hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ như ‘Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo… Tôi nghe tiếng còi tàu… ’ (Kỷ Niệm, Phạm Duy).

Phải rồi. Chỉ ở đó mới có tiếng chim trao lòng tin cậy; chỉ ở đó mới có bờ vai nương tựa sớm hôm; chỉ ở đó mới có những ánh mắt sao trời thơ trẻ; và đôi cánh bay lên những ước mơ đằm thắm ngọt ngào của người thi sĩ, luôn nhắc nhở mình “đừng như bóng mây tan”. Phải rồi. Chỉ ở đó mới có tiếng reo vui Tat-bà-ha của Tâm kinh Bát nhã khi thấy biết “ngũ uẩn giai không/ độ nhất thiết khổ ách”. Bát nhã (Prajnã) là cái nhận thức có trước nhận thức, là cái trí tuệ có trước trí tuệ, không đếm đo, toan tính, nó vậy là nó vậy. Và chỉ ở đó, người ta mới thực sự hồn nhiên, thực sự reo vui: Tát-bà-ha!
(more…)

Trịnh Y Thư

Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao – Nguyễn Du

1.
Trong tuyển thơ Tản văn thi [Văn Học Press xuất bản, 2018], nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã dùng một trích ngôn của Hans Sachs, một thi hào sinh sống vào thời Trung đại, “Tất cả cảm hứng thi ca đều chỉ là giải mã những giấc mơ.” Từ chìa khóa ở đây là “cảm hứng.” Nhờ đó, chúng ta biết chị không phải là nhà thơ Siêu thực, chị không sử dụng thủ pháp “lối viết tự động” để diễn đạt những thi ảnh và cảm xúc của giấc mơ trôi ra từ tiềm thức hoặc vô thức. Ngược lại, những giấc mơ của chị bắt nguồn từ một ý thức tự thân, từ những xung động ngoại giới, từ cuộc sống hiện thực, rồi bốn mùa xuân hạ thu đông chúng được giú bên trong một tâm hồn thi ca mẫn cảm, một cảm xúc tha thiết, để qua chữ nghĩa cách điệu nhưng đẹp nền nã, óng mượt nuột nà, chị đã gửi đến giới yêu thơ hôm nay một tác phẩm thơ đặc sắc, rất quý và rất hiếm.
(more…)

Trần Thị Nguyệt Mai

chan_dung_nguyen_thi_khanh_minh-dinh_cuong
Nguyễn Thị Khánh Minh. Đinh Cường vẽ

Ở cuối mỗi điện thư, chị thường ký tắt km, chữ nhỏ, không hoa. Là “khánh minh”. Ai cũng hiểu như vậy. Nhưng bỗng một hôm anh Đỗ Hồng Ngọc khám phá ra: km là kí-lô mét.

khánh minh viết tên mình
km khiêm tốn
thư từ bè bạn
nhiều lúc đọc nhầm
thành kilomet
nhiều lúc hỏi thầm
từ đây đến đó
bao nhiêu khánh minh?

(km – đỗ hồng ngọc)
(more…)

Trịnh Y Thư

bia_truoc_bong_bay_gio_oi

Đọc tản văn Nguyễn Thị Khánh Minh [Bóng bay gió ơi, NXB Sống, 2015] chúng ta nên đọc thật chậm. Như đọc thơ. Bởi đấy là thơ. Bởi chị viết văn như làm thơ, chữ nghĩa nuột nà tung toả, lôi cuốn như có bùa phép – hay bùa hương, chữ của chị – làm mê hoặc người đọc. Đọc chậm để có thể thẩm thấu tầng chữ nghĩa của văn chương và qua đó hoạ may chúng ta hoà nhập lên tầng cảm xúc và phần nào nhận ra tâm hồn của tác giả. Đọc văn, hoặc thưởng ngoạn bất kì tác phẩm nghệ thuật nào khác, chúng ta không tìm kiếm những tình tiết, chi tiết có tính thông tin, thậm chí chẳng cần khai tâm mở trí làm gì. Chúng ta đọc, xem, nghe “tâm hồn” của người nghệ sĩ sáng tạo ẩn nấp đâu đó đằng sau tác phẩm. Văn nghệ sĩ là người phơi trải một cách tha thiết và chân thật cái phần tinh hoa của tâm hồn mình như một con người, và trải nghiệm đời sống, xấu cũng như tốt, của chính mình như một kẻ đồng loại. Cuốn tản văn Bóng bay gió ơi của Nguyễn Thị Khánh Minh là một công trình nghệ thuật đa dạng, phong phú trong đề tài, tầm vóc trong phong cách văn học, viết bởi một người nữ đa tài với cái nhìn tinh tế và tâm hồn nhạy cảm. Và quả thật không công bằng chút nào nếu chúng ta chỉ quan tâm đến mặt nội dung các đề tài viết mà bỏ lửng phần tâm hồn của tác giả. Bởi, trong mắt tôi, Nguyễn Thị Khánh Minh đã dốc hết trái tim riêng tư của mình ra trên mỗi trang viết.
(more…)

Lê Giang Trần

bia_truoc_bong_bay_gio_oi

Tôi được Nguyễn Thị Khánh Minh coi là bạn, thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ là bạn thân của Khánh Minh, qua anh Vỵ mà biết nhà thơ Khánh Minh với tài chữ nghĩa thi phú tuyệt vời thơ mộng, mà, sau khi đọc kỹ xong tập thơ “Ký Ức Của Bóng” của thi sĩ, tôi vô cùng yêu thích, trong lòng bảo phải viết một bài về thơ của người thi sĩ tài ba chan chứa tâm hồn thiên thần này. Rồi thời gian trôi.

Nhưng chưa hết, sau đó tôi có dịp đọc một số tản văn của nữ thi sĩ, tôi càng ngạc nhiên, ngoài tâm hồn và tài ba về thi ca, thi sĩ còn cho thấy tản văn của thi sĩ là một thế giới lộng lẫy tuyệt vời khác. Tôi bỗng khẩu phục tâm phục ngang xương người phụ nữ thi sĩ và văn sĩ này, ước mơ ngớ ngẩn rằng phải mình có được chút ít chữ nghĩa của Khánh Minh có lẽ mình làm thơ hay hơn! Cũng có lẽ chính vì thế mà tôi nhát tay, bao ý nghĩ hùng dũng lúc trước nổi lên định viết về thi ca của Nguyễn Thị Khánh Minh đã bị cơn địa chấn chữ và nghĩa và thơ mộng trong tản văn của Khánh Minh làm sụp đổ tan tành.
(more…)

Du Tử Lê

nguyen_thi_khanh_minh
Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh

Cách đây chưa lâu, một người bạn không thuộc giới làm thơ hay viết văn, nhưng là người nặng lòng với văn chương Việt, ông hỏi tôi, đại ý: Theo tôi thì trong hàng ngũ những người nữ, viết văn, làm thơ sau biến cố tháng 4-1975, ai là người có được cho mình, sự thành tựu ở cả hai phương diện thi ca và văn xuôi? Chừng sợ tôi không nắm được câu hỏi, ông mượn một hình ảnh rất “ấn tượng” trong kho chuyện chưởng của Kim Dung: Hình ảnh “song kiếm hợp bích”.

Tôi hỏi lại trí nhớ mình. Trí nhớ tôi, sau đấy, đã cho người hỏi câu trả lời, đại ý:

“Theo cảm nhận riêng của tôi thì một trong những nữ đạt tới mức độ “song kiếm hợp bích” đó là Nguyễn Thị Khánh Minh”.
(more…)

Nguyễn Lương Vỵ

nguyen_thi_khanh_minh-dinh_cuong
Nguyễn Thị Khánh Minh
dinhcuong

Năm 12 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Khánh Minh (NTKM) đã viết xuống 4 câu thơ hồn nhiên, trong veo, kỳ vĩ, lạ lùng:

“Chú chuồn kim nhỏ
Khâu vào trong gió
Một nghìn giấc mơ
Em về qua đó…”

Năm 14 tuổi, cũng giọng thơ hồn nhiên, trong veo, kỳ vĩ, lạ lùng ấy, có thêm một chút thảng thốt trong ánh mắt rất nhân hậu, cô bé NTKM viết tiếp:

“Em giơ tay hứng giọt mưa mùa đông
Nhịp nước nào rơi trong tiếng lạnh lùng
Tay em bé nước tràn không đủ nắm
Nên buồn buồn nước vỡ bâng khuâng…”

(more…)

Phan Tấn Hải

bia_truoc_bong_bay_gio_oi

Tôi có nhiều kỷ niệm với văn học từ trung học, thời của những lớp đệ thất (lớp 6) trở lên. Văn học với tôi là hình ảnh một cô giáo đứng trước lớp, tay cầm một cuốn truyện, có lúc một cuốn thơ, và có lúc một sách giáo khoa… Thời đó Việt văn chia ra làm đôi, gọi là cổ văn và tân văn. Và giờ văn nào cũng chắp cánh cho tôi bay bổng, nơi một thế giới được dựng lên từ những lượn sóng muôn trùng của chữ.

Cô giáo đọc dịu dàng, các âm vang được cô nói lên bay lơ lửng trước mặt bọn học trò, làm chúng tôi như bị hớp hồn, và rồi các chữ đó biến mất như những chiếc lá mùa thu trong trí nhớ về ngày đầu tới trường của một cậu bé.

Có những lúc giọng cô giáo đọc trầm bổng, đọc kinh ngạc, đọc thổn thức khi tới đoạn Ngọc giựt vạt áo chú tiểu Lan nơi sân Chùa Long Giáng và sững sờ thấy lộ ra một bầu ngực.
(more…)