Hồ Đình Nghiêm


Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh

Thuở nhỏ, tôi yêu thích chuyện cổ tích. Về cái kết “có hậu”. Về một hình ảnh buộc phải xảy đến: Ra vườn sau ngồi ôm mặt khóc than một mình, thình lình có bà tiên vụt hiện ra, dịu dàng bảo: Nín đi con, con muốn gì ta sẽ trao cho con thứ con thiếu.

Một bà tiên. Suốt đời tôi vẫn thiếu bà. Tôi khóc mút mùa lệ thủy nhưng bà bận việc gì mà chẳng đoái hoài trông thấy tôi đang bưng mặt thổn thức với sầu đau?

Nhiều người chê cách dựng chuyện hoang đường kiểu ấy. Nhưng tôi thì không. Tôi vụng nghĩ, bạn nên tìm đến niềm hy vọng cho dù chân bạn không bước tới đường cùng. Đại diện cho nỗi khát khao chẳng có gì dễ thương cho bằng một hôm bạn nhìn thấy một bà tiên. Tiên cũng chẳng ngại ngần kề cận khi tóc bạn đã hai màu. Không phải sao, trong văn chương vẫn mãi tụng chữ thiên thần? Họ viết thêm: Khi em đến, xin hãy đóng cánh cửa sau lưng, khóa lại và ném mất chiếc chìa ấy đi.

Thuở nhỏ tôi cũng thích nghe bạn tiểu học thuật chuyện: Cô cho trò một viên kẹo, chỉ được quyền lựa một trong ba màu đỏ, xanh, vàng. Trò nói: Thưa cô em chọn viên màu xanh. Cô bảo: Vì sao xanh? Nó bé hơn hai viên kia mà? Thưa cô, vì có lần cô cho hay xanh là màu của hy vọng. Em hy vọng được thêm viên màu đỏ. Chuyện chỉ ngang đó, không rõ cô có rộng lòng đáp ứng lòng tham của trò kia. Dẫu sao thì qua mẩu chuyện có vẻ khôi hài nọ, tôi mang cảm tình với màu xanh từ thuở tóc còn… xanh. (Vì sao bọn trẻ người non dạ lại ví chúng là đầu xanh? Chỉ có bà tiên mới đủ quyền năng giải thích?)

Ngoài tiên cô, ở đời sống này, tôi đồ chừng thi sĩ cũng ít nhiều tạo ra “quyền lực”, ở một chừng mực nào đó. Và thi sĩ nhắc nhở tới màu xanh nhiều nhất, tôi e chỉ có một người nữ mang tên Nguyễn Thị Khánh Minh. Hãy cho tôi dẫn chứng, một trích đoạn đầu ở bài “Ký Ức Xanh” của chị:

Xanh. Xanh như trời xanh như lá xanh như nước xanh như ánh mắt sao Kim xanh. Em. Hạt biển xanh bung cao. Những con sóng nhìn lên. Ngưỡng mộ.

Ban đầu, xanh là hấp lực tiên khởi ẩn náu trong viên kẹo. Tốt nghiệp tiểu học yêu xanh. Lên trung học cũng buộc phải quần xanh áo trắng. Vào học Mỹ Thuật cũng mê pha các sắc độ đậm nhạt của xanh. Vượt biển đắm mình sinh tử giữa trùng khơi xanh, xanh bất tận. Bát ngát hơn thơ Kiều “cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Và lưu lạc. Và một vài bông hoa hiện ra. Tôi yêu lắm bài “Nương Náu” của chị Nguyễn Thị Khánh Minh. Cũng xin trích chỉ hai khổ đầu của bài thơ, phần sau hãy nên để người đọc tự khám phá lấy một ngân nga vẫn vang vọng khuất xa, tùy vào cảm nhận riêng biệt:

Vào quán nụ cười xin mua một nụ
Cười thật to cho vỡ nỗi điên
Thời buổi buồn và điên xôm tụ

Vào quán đêm xin vay một giấc
Mơ thật ngon. Và ngủ cho quên
Đời ngoài kia đêm nổ tan tành mộng.

(Tập thơ Đêm, chưa xuất bản)

Ôi thôi, đã mang thân lưu lạc thì thiết tha vô cùng một chỗ nương náu. Phòng trọ bất ngờ mở cửa mang tên Nguyễn Thị Khánh Minh ắt sẽ diễn cảnh rồng rắn sắp hàng. Bởi chăng hình ảnh được dựng lên kia quá đỗi cần thiết. Nếu bạn vô duyên, hãy ra ngồi vườn sau mà khóc một trận rõ to. Bà tiên có hiện ra vỗ về hay không? Hạ hồi phân giải.

Với tôi, ngoài niềm hy vọng mà màu xanh “đứng mũi chịu sào”, xanh còn tượng trưng cho Eden. Garden of God. Nôm na là vườn địa đàng. Vườn địa đàng luôn treo ngoài cõi thực. Tôi biết điều đó nên tôi từng xin nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh một chiếc vé vào cửa, một giấc mộng chẳng tính tiền. Free. Chị từng rỉ tai tôi:

Tưởng rất gần
Mà nối hoài
Hụt hơi
Không đến
Riết rồi, tôi đặt tên
Điểm ở đầu kia
Là Giấc Mơ.

Tôi có ý định làm thơ. Được nghe chị tâm sự, thay vì nói theo kiểu cực đoan của nhà thơ xứ Tiệp, thi sĩ Rilke: “Tôi van bạn chớ làm thơ, ngoại trừ trường hợp thiếu nó, bạn sẽ chết” thì Nguyễn Thị Khánh Minh cất lời dịu dàng:

Nơi không gian thơ
Có thời gian cho lời đọng lại
Thầm thì đi. Bước chân đi mãi.

Đi đâu? Đi về cõi Mộng đụng đầu vào Mơ. Mơ luôn là chữ mà Nguyễn Thị Khánh Minh muốn viết hoa. Có lần chị trích dẫn lời của Hans Sachs: “Tất cả cảm hứng thi ca đều chỉ là giải mã những giấc mơ”. Đã là mơ, những gì xảy ra trong chốn thâm cung ấy luôn cá biệt. Giường ngủ có thể giống nhau, chăn nệm có thể cùng nơi sản xuất, gối kê đầu cũng sắm toàn thứ xịn y trang nhau nhưng muôn năm, suốt đời mộng mị luôn khác biệt cảnh sắc khi vàng khi đỏ khi xanh vây chắn.

Tôi cũng từng hân hạnh được ngồi kề nhà thơ nữ Trần Mộng Tú, quan niệm về thơ, chị cũng có điểm gần trùng với những cơn mộng của chị Nguyễn Thị Khánh Minh. Nhưng viết xuống, “giải mã” thành lời thơ, tôi yêu sự khác biệt chẳng thể so sánh của cả hai. Khác biệt rất cần thiết, làm tự thân mỗi người gầy dựng riêng một vùng khí quyển; và không gian, thời gian, khí hậu của Seattle sẽ mãi chẳng xanh mộng thắm như người ở California.

Tôi là kẻ ngoại đạo, không làm được thơ. Nói khác đi, có thể do tâm hồn tôi già cỗi. Khô đét như cây xương rồng. Tôi chỉ viết văn và bị người đọc bảo “gai góc quá, sần sùi quá, đe dọa quá”. Do vậy, đọc thơ, đó là cách tìm kiếm một sự đắp bồi cho lòng tôi thôi hạn hán, bớt gai nhọn và biết rung động giữa sa mạc khi đêm bao phủ màu xanh huyền hoặc. Nói tới sa mạc tự dưng đâm hình dung tới những chuyến bay đêm của Antoine de Saint-Exupéry, tác giả cuốn Hoàng Tử Bé, riêng ở Pháp, được bình chọn là cuốn sách hay nhất thế kỷ 20. Sự thơ mộng la liệt, vương vãi nằm đầy trong từng trang chữ có tranh tự minh họa đi kèm. “Nhưng tôi còn bé nhỏ, làm sao hiểu thấu chuyện yêu đương!” Nhân vật chính đầu xanh đã thốt nên lời tự thú. Làm như thể một khi đã từng trải, “hắn” sẽ bị đánh đuổi ra khỏi khu vườn địa đàng xanh, nơi có trái táo xanh, con rắn xanh, chùm lá nho xanh và nắm tay người đồng hành duy nhất đang ôm giữ một sự tiếc nuối muộn, gầy xanh.

Tôi đang tự hình dung ra những trang sách gom đầy những tiếc nuối ngọt ngào trong cõi thơ văn của tác giả Nguyễn Thị Khánh Minh. Tài ba của chị là biết giấu nhẹm chát đắng để chế biến, hoàn thiện lấy một viên kẹo ngọt. Thưa cô, em chọn viên màu xanh vì em hy vọng…

Vừa rồi ở Cali có đôi ba cơn địa chấn ghé thăm. Nơi miền đông Mộng Lệ An này có bị ảnh hưởng không? Tôi còn bé nhỏ, nào hay biết gì! Gió hiếm ngập ngừng đi ngoài hàng hiên, đêm hè. Gió hỏi han tới cái phong linh, bật ra những âm thanh. Lời thủ thỉ trong trẻo kia có nên ví von bằng chữ Ngôn Ngữ Xanh? Cảm ơn gió. Cảm ơn thơ. Cảm ơn chiêm bao. Và cảm ơn chị Nguyễn Thị Khánh Minh đã chia sẻ những cơn mộng xanh (ngan ngát).

Hồ Đình Nghiêm
Montréal, 11.7.2019
Nguồn: Bài do nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh chuyển

Đã đóng bình luận.