Archive for the ‘T.Vấn’ Category

T. Vấn


Nàng danh ca không có giọng ca Karla Burns
và con tem Hattie McDaniel

1.
Đời sống, đó là ân sủng lớn nhất. Từ đời sống, người ta được hưởng thêm những ân sủng khác. Thí dụ như hạnh phúc. Thí dụ như nghệ thuật. Tôi có một anh bạn làm thơ. Thơ anh đến từ đời sống, giản dị như đời sống. Đọc thơ anh, nhiều khi tôi chảy nước mắt. Thứ nước mắt hạnh phúc, vì nó gợi lên trong tôi cái đẹp của nghệ thuật. Cùng lúc, nó nâng đời sống lên trên những thô nhám thường ngày. Niềm vui, chưa hẳn đã đem lại thứ hạnh phúc trọn vẹn, bền bỉ. Nhưng nỗi buồn, một khi đã hóa thân thành nghệ thuật, nó đem lại cho người ta một cảm giác dễ chịu. Điều đó giải thích tại sao những bài hát được ưa thích nhất thường là những bài hát buồn.
(more…)

T.Vấn


Bà Nguyễn Đình Toàn (Ảnh chụp Nov. 2014 – T.Vấn)

1.
Lưu Na từ California gọi điện thoại báo tin chị Hồng Ngọc, phu nhân nhà thơ Nguyễn Đình Toàn vừa qua đời*, sau một thời gian dài lâm bệnh. Cái tin đến với tôi vừa ngạc nhiên vừa không ngạc nhiên. Ngạc nhiên là vì tôi mong đợi một cái tên khác “vừa qua đời”, chứ không phải cái tên chị Hồng Ngọc. Không ngạc nhiên vì đây là những ngày tháng người ta đã mất hẳn sự bất ngờ khi nghe tin có một ai đó quen biết vừa qua đời. Ai đó có thể là bất cứ ai, già trẻ lớn bé, nổi tiếng hay không nổi tiếng, trong giới văn chương hay ngoài văn chương.

Vậy là tác giả “Mật Đắng” của chúng ta đã trở thành góa bụa. Tôi không nghĩ trong đầu ông, trong tim ông, trong cõi lòng già nua héo úa của ông, có giây phút nào nghĩ đến rồi đây mình có thể thành “góa bụa”.
(more…)

T.Vấn

Tôi vừa nhận được một số tác phẩm (sách in giấy) của nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cứu (và họat động nhân quyền) Thi Vũ Võ Văn Ái.

Cái tên Võ Văn Ái không xa lạ gì với rất nhiều độc giả người Việt, ngay từ những năm 1960s với sự ra đời của tập tiểu luận “Tiếng kêu trầm thống trước sự tàn phá con người” do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành năm 1968.

Từ bấy đến nay, ngòai những họat động tranh đấu nhân quyền cho Việt Nam, đánh thức lương tâm thế giới trước cao trào người vượt biển những năm 1970s, làm báo (chủ biên đặc san Quê Mẹ tại Paris từ năm 1976), mở nhà xuất bản Quê Mẹ v…v…, ông vẫn tiếp tục sáng tác với một khối lượng đồ sộ bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Pháp và Anh ở các thể lọai thơ, tùy bút, biên khảo, tiểu luận…
(more…)

T.Vấn

Chuyện thường ngày

Chuyện kỳ thị chủng tộc ở Mỹ không có gì mới. Nó đã tồn tại hàng nhiều thế kỷ và sẽ còn tồn tại bao lâu còn có sự sống chung giữa các màu da Trắng, Đen, Vàng, Nâu trong cùng một quốc gia có tên gọi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Bất kể luật pháp nước Mỹ đã có và hiện có những biện pháp mạnh mẽ đối phó với vấn nạn kỳ thị. Bất kể các hệ thống truyền thông, các mạng lưới xã hội thường xuyên lên án các hành vi kỳ thị dù xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào.

Kỳ thị như con virus tiềm ẩn ở trong mỗi cơ thể người Mỹ, bất kể Mỹ trắng, Mỹ đen (African-American), Mỹ vàng (Asian-American), Mỹ nâu (Hispanic-, Latinos-, Fillipino-Americans)*; không ai được miễn nhiễm, lại càng không có tính miễn nhiễm tập thể (herd immunity), một trong những đặc tính của con virus đáng sợ nhất hiện nay đang hoành hành thế giới Covid-19.
(more…)

T.Vấn


Marynka Smoking (1980)
Kitaj Ron B

1. Khúc dạo đầu của một cuộc chia tay

Sau gần 30 năm hút thuốc lá (kể cả gần 10 năm hút thuốc lào trong trại cải tạo), với trung bình một ngày một gói, tôi đã bỏ hút. Lý do bỏ khá bất ngờ và đơn giản. Đứa con gái nhỏ 5 tuổi thấy tôi vừa ra ngoài vườn hút thuốc xong, bước chân vào đến cửa là ho sặc sụa. Nó nói sao bố không bỏ hút thuốc đi. Bố sẽ chết sớm nếu bố cứ tiếp tục hút thuốc. Câu nói này nguyên văn là từ cửa miệng bà cụ thân sinh ra các con tôi. Và cũng chẳng phải là lần đầu tiên con tôi lập lại lời nói của mẹ. Nhưng lần này thì khác. Nhìn con qua những dòng nước mắt (chảy vì ho) và nỗi khó chịu ở trong cổ, tôi chợt nẩy ý định: hay là mình thử bỏ thuốc? Và ý nghĩ cai thuốc lởn vởn mãi trong đầu tôi suốt cả một buổi sáng. Tôi vẫn còn mấy gói thuốc nguyên chưa hút hết. Bỏ cả thì uổng quá. Vả lại, nếu để đó thì khi cơn ghiền lên lại chịu thua vì thuốc vẫn còn sẵn trong tầm tay. Nhưng tôi lại nghĩ, nếu đã không kềm chế được cơn ghiền thì dù thuốc không có sẵn ở trong nhà, tôi chỉ cần vài phút lái xe là có thể mua thuốc tại bất cứ trạm bán xăng nào trong thành phố.
(more…)

T.Vấn


Tranh minh họa của Mai Tâm

1.
Thế là đã hết một năm nữa. Những con số điện tử trên tờ lịch đổi chỗ cho nhau nhanh đến chóng mặt. Thời gian cứ như bay như thổi. Bao nhiêu việc phải làm vẫn còn nguyên đó. Vậy mà cứ hẹn lần hẹn lữa. Thôi để ngày mai. Thôi để tháng tới. Thôi để năm tới. Thôi để… Cho đến khi không còn lần lữa được nữa. Nhìn những tờ lịch vơi dần như sinh lực của mình cũng đang vơi dần mà tôi bất gíac rùng mình. Năm cùng tháng tận cũng có nghĩa là sức mỏn hơi tàn. Vậy mà có người bạn gìa vẫn còn chơi trống bỏi được. Tài thật. Nhưng mà có ích gì không khi cứ cố bám lấy cái mà mình không còn khả năng nắm giữ được nữa? Ngày vui đã qua mau, rồi thì ngày buồn cũng qua mau. Lâu rồi đời mình cũng… xong. Nhưng xong sao được khi còn bao nhiêu việc phải làm, còn bao nhiêu món nợ chưa trả hết? chẳng lẽ bắt con cháu chúng è lưng ra gánh?
(more…)

T.Vấn


Sóng – Tranh: Mai Tâm

1.
Tôi may mắn là một trong số hiếm hoi những người ưa thích công việc làm kiếm sống của mình. Điều thú vị nhất trong những điều thú vị của công việc là thỉnh thỏang tôi được sở cử đi công tác ở những thành phố nhỏ phụ cận. Những chuyến đi đó luôn tạo cơ hội cho tôi được nhìn cuộc sống ở những góc cạnh đơn giản, trung thực, không che đậy, không màu mè, không đánh lừa (kể cả tự đánh lừa mình). Như dạo tháng 5 vừa rồi, tôi có dịp đặt chân đến thành phố Greensburg, cách Wichita (nơi tôi sinh sống và làm việc) khỏang 100 dặm về phía Tây. Chỉ vài ngày sau chuyến công tác ngắn ngủi mấy tiếng đồng hồ ở Greensburg, một đêm mưa gió bão bùng, cơn gió xóay (tornado) quái ác đã cuốn sạch thành phố như đứa trẻ trong cơn giận dữ hất đổ sạch bát đũa trên bàn xuống đất (có lẽ vì vậy mà người xưa đã dùng chữ Trẻ Tạo Hóa để chỉ ông Trời chăng?). Để rồi những trang viết của tôi lại được là chứng nhân cho những ý tưởng rất thật:
(more…)

T.Vấn


Kiếp Khác – Tranh: Thanh Châu

Buồn như ly rượu cạn,
Không còn rượu cho say.
Buồn như ly rượu đầy,
Không còn một người bạn.

(Buồn – Tạ Ký)

1.
Tháng 2, tháng ngắn nhất trong năm, đã qua đi. Rồi tháng 3 cũng qua đi. Nhưng mùa đông vẫn còn ở lại. Những ngày lạnh cao điểm vẫn còn chờ phía trước. Một buổi chiều, ngồi cô đơn trong quán cà phê Starbucks vắng người, nhìn ra bên ngòai những cụm tuyết trắng xóa bay lả tả, tôi chợt cảm thấy buồn … muốn khóc. Kể cũng lạ, đã mấy chục năm nay, bận rộn với bao vất vả lo toan của cuộc sống, tôi ít khi mang cảm giác buồn, cái cảm giác của những ngày trai trẻ, ngồi trong quán cà phê – khi vỉa hè, khi sang trọng lịch lãm – nhìn những mảng nắng xiên qua ô cửa kính, hay những giọt mưa từ cơn mưa vội vã làm ướt cả người từ đầu đến chân, nghĩ đến hiện tại vô vọng không lối thóat, nghĩ đến tương lai chết ngộp trong cuộc chiến khốc liệt, nghĩ đến những mối tình không có ngày mai, tôi đã biết buồn. Nỗi buồn của thế kỷ. Nỗi buồn của thế hệ. Buồn đến độ chỉ … muốn chết.
(more…)

T.Vấn

Từ đau đớn và truân chuyên, tôi gởi đến cho mọi người hạnh phúc vững bền của chữ nghĩa. (Hoàng Ngọc Tuấn)

1.
Năm 20 tuổi, tôi già nua theo năm tháng với nỗi ám ảnh của thứ triết lý thời thượng về một đời sống buồn bã. Mỗi ngày qua đi, tôi ngao ngán nhìn cuộc chiến khốc liệt trước mặt như con quái vật đang nhe răng gầm gừ sẵn sàng nuốt chửng lấy mình. Nỗi sợ hãi khiến tôi thu mình lại trong vỏ bọc một đời sống lơ lửng trên mây. Dầu vậy, tôi vẫn khao khát tình yêu (trong mơ) qua những trang văn Hoàng Ngọc Tuấn…

Năm 40 tuổi, tôi mới bắt đầu nhận ra rằng đời sống là có thật sau bao bất trắc của chiến tranh, của tù đầy. Quái vật chiến tranh đã biến mất, nhưng để tồn tại trong một xã hội hòa bình mà đằng đằng sát khí ấy thật không dễ dàng gì. Cái buồn bã lúc này là sự buồn bã có thật, đến từ một đời sống có thật, chứ không phải từ những trang triết lý thời thượng ngày nào. Dẫu sao, tôi đã là kẻ sống sót, sau một cuộc chiến, sau một cuộc đổi đời. Và hơn lúc nào hết, tôi khao khát một tình yêu (có thực, chứ không phải hình như) để bắt đầu lại đời mình.
(more…)

T.Vấn

Tủ Sách Điện Tử T.Vấn & Bạn Hữu vừa cho ra mắt tác phẩm thứ 42: Một Chút Dối Già – Tập Bốn của nhà văn Ngộ Không Phí Ngọc Hùng. Tác phẩm này cũng là tác phẩm thứ tám của Ngộ Không (gồm 4 tập Một Chút Dối Già, 3 tập Chữ Nghĩa Làng Văn và Tập khảo luận Phiếm Sử Lược Truyện), tất cả đều được xuất bản dưới hình thức sách điện tử do Tủ Sách điện tử của Trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện.

Trong số 8 tác phẩm nói trên, tác phẩm Một Chút Dối Già – tập Một được tác giả cho ra mắt độc giả và bằng hữu dưới dạng sách giấy trước khi cho tái bản bằng hình thức sách điện tử.

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng đã bước vào tuổi 75. Năm năm trước, ở tuổi cổ lai hy, ông tưởng mình sắp về cõi, nên cố sức tom góp lại mớ gia tài chữ nghĩa, mong có một chút gì để dối già. Với đời, với bằng hữu. Năm năm sau, cái một chút ấy đã nhiều hơn một chút. Nhưng nhiều hay ít, cũng vẫn chỉ là để dối già.

Bài viết dưới đây, được viết từ góc độ một độc giả, một người bạn văn sát cánh bên ông từ nhiều năm nay, giúp chiếu rọi xem Ngộ Không dối già như thế nào với gần 5 ngàn trang sách mà ông gọi là Một Chút ấy.
(more…)

T.Vấn


Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tòan (Ảnh: Lưu Na)

Để giới thiệu một người đã thành danh như Nguyễn Đình Tòan, quả là một việc làm thừa thãi. Và khó. Dù vậy, cảm giác mình mang món nợ gần hết một đời người với ông, cứ làm tôi vào suy, ra nghĩ, lấn cấn không yên. Cho đến khi nhận được mấy CD nhạc ông gởi “nghe chơi” qua người bạn trẻ Lưu Na, và lời “tiết lộ” rằng ông phải mầy mò tìm chỗ này một bài, chỗ kia một bài mới tạm gom lại được những đứa con âm nhạc của mình, tôi chợt nghĩ ra cách để… trả ơn ông, món nợ càng mang càng nặng, vì lãi đẻ ra lời, lời đẻ ra lãi.

Gần 50 năm, kể từ ngày tôi đọc những dòng chữ đầu tiên của tiểu thuyết “Con Đường” (Sài Gòn 1972- Giao Điểm xuất bản), làm quen với thế giới văn chương Nguyễn Đình Tòan, và từ đó, không nỡ buông ra, không thể buông ra, tôi đã nghiện cái không khí ẩm ướt của những trang chuyện, với những nhân vật không thật mà như có thật, không tên mà như có tên, mỗi người đều mang nỗi buồn riêng, như nỗi buồn của chính tôi. Từ ngày ấy, tôi biết thế nào là văn chương, qua chữ nghĩa Nguyễn Đình Tòan. Trên trang viết TV&BH, tôi đã hơn một lần nhận ông là người thầy chưa một lần gặp, dù quanh tôi, luôn phảng phất bóng dáng ông.
(more…)

T.Vấn


Quán cà phê
Thanh Châu

Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao – khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi
(Mai Thảo – Không Hiểu)

1.
Cuộc sống quả thật kỳ diệu. Không khi nào thiếu những tấn trò đời. Không khi nào thiếu những niềm vui và nỗi buồn. Như một tiền trường lừng lững bất chấp mọi biến đổi của thời gian, trên đó những người cũ vừa ra đi thì đã có người mới sẵn sàng thế chỗ. Những con số này vừa biến mất thì những con số khác đã có mặt. Một năm mười hai tháng nối đuôi nhau kết thành một chuỗi bi kịch và hí kịch. Những diễn viên có kẻ khóc, có người cười. Có kẻ hăm hở tiến về phía trước, có người cứ ngoái nhìn phía sau mà thấy bạn đồng hành của mình lần lượt rơi rụng. Dù muốn dù không, dù vui vẻ chấp nhận hay lắc đầu hờn dỗi, tháng giêng cũng đã lừng lững bước vào đầu ngõ. Tháng giêng đã trở về như một ngày đông năm ngoái nó đã bỏ đi. Ra đi và Trở về. Như một kiếp người bước chân vào đời chỉ để một ngày nào đó trở về nơi từ đó ra đi.
(more…)

T.Vấn


Thơ Hoàng Hưng, Văn Học xuất bản 2018

1.
Giáng Sinh 1984, hơn một năm sau khi được thả khỏi nhà tù thế kỷ có tên gọi là Trại Cải Tạo, tôi lại quay trở vào nhà tù một lần nữa. Lần này là một nhà tù đúng như tên gọi, không màu mè “tập trung cải tạo”. Lý do rất đơn giản, tôi và người bạn gái (sau này là mẹ của các con tôi) đang ngồi uống cà phê ở một quán cóc lề đường Tô Hiến Thành (Sài Gòn), thì một nhóm công an sắc phục ập vào xét hỏi giấy tờ của những người ngồi trong quán. Đến lượt tôi, một anh (hình như là trưởng nhóm) cầm tờ giấy ra trại (tức lệnh tha ra khỏi tù) của tôi, nói với vẻ giễu cợt: “Sĩ quan ngụy à? Thế thì lại được nhà nước nuôi thôi!”. Nói xong, anh ta gấp tờ giấy trên tay nhỏ vừa đủ để cho vào trong túi áo của mình. Tôi hiểu ngay mình sẽ lại được sống thực những cơn ác mộng thường gặp trong hơn một năm sau khi ra khỏi trại tù Z30A Xuân Lộc. Đêm hôm đó, khi bước chân vào phòng tạm giam của đồn công an quận 10 (Sài Gòn), cánh cửa sắt nặng nề vừa khép lại sau lưng, tôi giật mình nghe một tiếng quát “Cởi hết quần áo ra!”. Định thần lại, nhìn ra một tay có vẻ đầu gấu ngồi ngay cửa ra vào mặt hằm hằm nhìn tôi. Đã từng có dịp ở chung trại với bọn tù hình sự ngoài Bắc, tôi biết ngay vai vế của vị đầu gấu vừa quát tháo. Và tất nhiên tôi ngoan ngoãn, cởi hết quần áo theo lệnh rồi ngồi xuống đối diện “anh” trưởng phòng, một thằng tù nặng án, cũng là một ông vua đằng sau cánh cửa phòng giam.
(more…)

T.Vấn

Từ nhà sách đến đường sách…

Nhà sách (như nhà sách Khai Trí trước đây) vốn là một nơi chứa sách, kho tàng tri thức của nhân loại, được trân trọng theo tinh thần “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” truyền thống Việt Nam. Thế nên, nói đến sách, người ít học, người cả đời không được cầm lấy quyển sách, trân quý sách đã đành. Mà những người có học, người viết sách, càng phải trân quý sách hơn nữa, vì chính mình đã tự mang trong mình thiên chức làm giàu có thêm kho tàng tri thức của nhân loại, một thiên chức không phải ai cũng có thể hoàn thành được.

Từ nhà sách, ra tới đường sách, thì ý nghĩa trên lại càng to lớn và cao quý gấp bội.
(more…)

T.Vấn

statue-of-liberty-torching-a-seagul

Lời dẫn nhập: Câu chuyện “người thật việc thật” dưới đây được viết vào dịp lễ Độc Lập Hoa Kỳ tháng 7 năm 2008, trước thềm của triển vọng nước Mỹ sẽ có vị Tổng Thống da màu đầu tiên trong lịch sử mấy trăm năm lập quốc của mình (tháng 11/2008). Đến nay, 8 năm cầm quyền của vị tổng thống da màu Barack Obama đã chấm dứt, nước Mỹ bước vào một giai đoạn có rất nhiều những thay đổi lớn với sự lên ngôi của một nhân vật đầy tranh cãi, Donald Trump. Một trong những thay đổi lớn ấy là sự thách thức nghiêm trọng những giá trị nhân bản cao quý làm nền tảng cho sự hình thành, phát triển và đưa nước Mỹ lên vị trí cường quốc số Một của hành tinh, những giá trị mà câu chuyện trong bài được kể lại nhằm xiển dương.
(more…)

T.Vấn

bia_ngon_ngu_ngam_ngui

Nhà văn Lê Hữu, tác giả “Âm nhạc của một thời” [1], vừa cho ra mắt độc giả tác phẩm “Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi” trong tủ sách điện tử T.Vấn & Bạn Hữu. Sách dầy 322 trang, khổ giấy thông thường 5.5×8.5, mang đầy đủ quy cách của một quyển sách khi được giao đến nhà in. Cũng như tất cả mọi tác phẩm của tủ sách TV&BH, tác phẩm “Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi” của Lê Hữu được phổ biến hoàn toàn miễn phí trên trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu.

Thông minh, tinh tế, khả năng nhìn sự việc đến từng chi tiết nhỏ, thêm một chút uyên bác, thêm một chút hóm hỉnh; cộng với giọng văn trong sáng, rõ ràng, mạch lạc, cách dùng chữ “chuẩn” đến độ gây cảm tưởng khó có thể chuẩn hơn được nữa nơi người đọc, cho thấy sự nghiêm túc của Lê Hữu ở bất cứ đề tài nào được bàn đến trong các tác phẩm của ông. Đó cũng là những đặc tính làm nên cái “rất riêng” của Lê Hữu, khiến người đã từng đọc ông, sẽ nhận ra ngay những đứa con tinh thần khác của Lê Hữu.
(more…)

T.Vấn
(Thư gửi con gái của một người tị nạn Việt Nam)

trump-cartoon

Con gái của Bố!

Đã một tuần lễ trôi qua, kể từ đêm hai bố con mình hầu như thức trắng, mỗi người ở một nơi mà khoảng cách không gian tính ra dài gần một ngàn dặm đường. Qua trung gian đường dây điện thoại, bố cảm được nỗi tuyệt vọng của con khi nhìn những con số nhảy múa trên mặt màn hình máy tính. Ở căn nhà cũ của chúng ta, nơi con sinh ra và trưởng thành, rồi bay ra khỏi tổ ấm đi xây dựng đời mình, bố cũng ngồi lặng lẽ trước máy tính, cũng cùng một cảm xúc như con. Vì những con số đang nhẩy múa ấy, đã không như bố và con mong đợi.

Sự không mong đợi ấy, với bố, tuy là một ngạc nhiên thật khó chịu, nhưng không đến nỗi khiến bố bị mất thăng bằng tâm lý. Sống đến từng tuổi này, bố đã nhiều phen trải qua những bất ngờ bi thảm hơn thế, tệ hại hơn thế. Thí dụ như cái kết bất ngờ của cuộc chiến tranh Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc ấy con còn đang ở lơ lửng đâu đâu trong vũ trụ mênh mông này.
(more…)

T.Vấn

hon_la_ua
Hồn Lá Úa (ảnh: Lưu Na)

Năm xưa, cũng có đến hơn mười năm xưa, nhân sự kiện một nhạc sĩ (nay đã quá cố) chọn con đường trở về quê nhà sinh sống, đã chịu nhiều búa rìu của dư luận ngoài này (cả vì ác ý lẫn nhã ý), tôi có tham dự cuộc thị phi ấy với đôi điều bù lu bù loa về “Trở về và Ra đi“. Rằng khi ra đi ai cũng muốn trở về, vì đó là quê nhà, dù biết rằng sự lựa chọn quê nhà hay quê người trong hoàn cảnh đất nước còn dưới sự thống trị của nhà cầm quyền CS không phải dễ dàng gì.

Nay, sắp đến lúc phải đối diện với sự lựa chọn “buốt lòng”: Trở về hay vẫn cứ Ra Đi, dường như hoàn cảnh không còn như ngày xưa nữa.
(more…)

T.Vấn

bia_lenh_denh

Trong lời tựa của tác phẩm “Bếp Lửa” (1965), nhà văn Thanh Tâm Tuyền viết ở dòng cuối cùng:

Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót.

Sống sót để làm gì? Chắc chẳng phải để sống nốt cuộc đời riêng của mình. Nếu chỉ có thế, hẳn chúng ta sẽ không có một Bếp Lửa kinh điển vẫn còn được đọc lại sau hơn 50 năm. Kẻ sống sót năm ấy đã trở thành một nhà văn. Hơn nữa, một nhà văn tiêu biểu của thế hệ mình.

Mỗi một thế hệ Việt Nam đều có người sống sót để kể lại câu chuyện mà mình và những kẻ cùng thời đã kinh qua. Sẽ không quá cường điệu khi nói rằng Lưu Na là người của thế hệ một rưỡi sống sót để kể lại cho chúng ta nghe về nỗi đoạn trường mà thế hệ của cô đã bị buộc phải sống và chết với nó. Và tôi cũng không thể chối bỏ rằng nỗi đoạn trường ấy có nguồn gốc từ sự thất bại của thế hệ chúng tôi, một thứ gia tài của mẹ rách nát, khốn cùng để lại cho kẻ đến sau.

Mang tâm trạng ấy, tôi đã đọc “Lênh Đênh” của Lưu Na.
(more…)

T.Vấn

bia_tho_quynh-hoang_xuan_son

Tôi nhớ có đọc trong một bài phỏng vấn Hoàng Xuân Sơn, ông trả lời một câu gì đó về việc hát hỏng , rằng việc ca hát có phải là nghề nghiệp của ông không? Dĩ nhiên câu trả lời là không vì cho đến lúc tôi viết những dòng này thì chưa đọc, nghe, thấy, ở đâu người ta đặt danh xưng ca sĩ trước tên Hoàng Xuân Sơn. Nhưng phần tôi nhớ rất rõ của câu Hoàng Xuân Sơn trả lời là với phong trào ca hát ngày càng rầm rộ, từ đàn chay (thùng) đến karaoke, đến keyboard này nọ thì khán giả lại càng quan trọng hơn ca sĩ, rằng đã đến lúc ca sĩ phải trả tiền để khán giả vỗ tay. Bây giờ nhớ lại, tôi có cảm tưởng nếu dùng câu nói tự diễu cợt ở trên của Hoàng Xuân Sơn để nói về thi sĩ và người đọc thơ tưởng cũng không kém phần . . . chính xác.
(more…)

T.Vấn

tieng_vong_tu_vuc_sau-mai_tam
Tiếng Vọng từ Vực Sâu
Mai Tâm

Ngày 30 tháng 6 năm 2016, nhà nước Cộng sản Việt Nam tổ chức họp báo công bố nguyên nhân vấn nạn ô nhiễm môi trường vùng biển Vũng Áng khiến từ ba tháng nay, các sinh vật dưới đáy đại dương nằm chết trắng một dãy biển miền Trung Việt Nam.

Thủ phạm chính không ai khác hơn là nhà máy Formosa. Không ai ngạc nhiên về tên thủ phạm. Ai cũng biết từ lâu, kể cả các viên chức chóp bu Cộng sản VN.

Các viên chức nhà nước chủ trì cuộc họp báo thông báo cho người dân biết rằng nhờ nỗ lực của họ, công ty Formosa đã nhận lỗi và hứa bồi thường 500 triệu đô la Mỹ về những thiệt hại họ đã gây ra. Đổi lại, chính quyền CS sẽ miễn truy tố trách nhiệm hình sự công ty, vì “Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng“.
(more…)

T. Vấn

nguyen_tien_viet-minh_hoa
Người hát tù khúc: Nguyễn Tiến Việt – Minh Hòa

Về hưu.

Hai chữ ấy không chỉ gợi lên cảm giác thoải mái của việc buổi sáng thức dậy không còn phải lo hối hả cho kịp giờ đến sở và việc gì trong nhà cũng phải đợi đến cuối tuần mới có thì giờ thu xếp.

Về hưu.

Hai chữ ấy còn nhắc chúng ta rằng mình đã già. Và những thuộc tính không thể thiếu của tuổi già.

Một trong những thuộc tính đáng ghét nhất của tuổi già là bệnh tật.
(more…)

T.Vấn

thanh_ton-dinh_cuong
Nhà thơ Thành Tôn
dinhcuong

1.

Thế là tôi lại có mặt tại quận Cam của Cali vào một ngày tháng 5, với vài cuộc vui xum họp gia đình và bạn hữu từ mái quân trường xưa ở một thành phố miền cao nguyên Việt Nam. Tất nhiên, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội gặp mặt những bằng hữu thân quen của trang mạng TV&BH. Buổi gặp gỡ được hẹn tại một quán cà phê. LN bảo sẽ có mặt tác giả “Thắp Tình”(1969), nhà thơ Thành Tôn.

Vợ chồng tôi đến hơi sớm, loay hoay tìm một nơi vừa đủ ngồi cho nhiều người, vừa tránh những cơn gió khó chịu của tháng 5 Cali. Ở một góc quán, có một vị quá trung niên (thượng niên chăng?), ăn mặc rất nghiêm chỉnh, áo sơ mi dài tay cài nút gọn ghẽ, mặt vuông chữ điền, mắt sáng tia ấm áp, chiếu những ánh dò hỏi về phía vợ chồng tôi. Có lẽ chúng tôi quen nhau đâu đó trong khoảng thời gian mấy chục năm đoạn trường vừa qua chăng? Bạn học? bạn lính? bạn tù? Tôi cố moi trong trí nhớ ánh mắt ấm áp đó. Nhưng chịu. Tên mình và ngày tháng năm sinh đôi khi còn phải ngừng lại vài giây suy nghĩ trước khi trả lời người đối diện thì làm sao nhớ được một ánh mắt của nhiều năm trước, nhiều kiếp trước.
(more…)

T. Vấn

bob_kerry-time_cover

Trong nước, vụ cá chết tuy chưa giải quyết, nhưng dư luận lại quan tâm đến một vấn đề khác nóng hơn. Đó là việc ông Bob Kerrey, một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh ở Việt Nam, được mời giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).

Phản ứng mạnh nhất, và sớm nhất, đến từ bà Tôn Nữ thị Ninh, một nhân vật ngoại giao Cộng Sản. Theo bà này:

“ ông Bob Kerry hoàn toàn không thể giữ vị trí Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. Và cũng không thể nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật ông đã là người đã trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, người già tại thôn Thạnh Phong vào tháng 2/1969…”
(more…)

T.Vấn

tham_hoa_moi_truong

Tôi hoàn tất phần chuyển ngữ tiếng Việt tác phẩm “Tiếng Vọng từ Chernobyl” (*) viết về vụ nổ ở nhà máy phản ứng hạt nhân Chernobyl (nước cộng hòa xô-viết Ukraine) của nhà văn đoạt giải thưởng văn chương Nobel 2015 Svetlana Alexievich vào những ngày đầu tháng 5 năm 2016. Cũng vừa đúng lúc thế giới tưởng niệm 30 năm thảm họa môi trường khủng khiếp nhất châu Âu mà hậu quả của nó cho đến nay mới chỉ khắc phục được một phần rất nhỏ. Những ngày tháng 5 ngột ngạt này, chẳng may cho dân tộc tôi, lại cũng là thời điểm khởi đầu cho một thảm họa môi trường khác, mà về tầm mức và quy mô thiệt hại, cho đến nay chưa thể lường hết được.
(more…)

T.Vấn

poster-duc_tuan-bai_ca_khong_quen

1.
Trong lúc đi tìm những tài liệu cần thiết cho chuyên đề “Dòng nhạc kỷ niệm”, tôi bắt gặp một entry của Google có hai chữ khá hiếm hoi “nhạc đỏ”. Gọi là “hiếm hoi” vì, thường thì chỉ với một từ khóa “nhạc Việt” chúng ta có thể nhận được hàng triệu đường dẫn đến các trang mạng lưu trữ âm nhạc Việt, viết về âm nhạc Việt, về các ca sĩ nhạc sĩ Việt. Riêng về phần lưu trữ âm nhạc, hầu hết là những lưu trữ về nhạc miền Nam trước biến cố tháng 4 năm 1975, nhạc Việt tại hải ngoại và nhạc Việt trong nước khoảng thời điểm từ thập niên 1990s đổ về sau. Nói cách khác, đa phần loại nhạc người sưu tầm tìm thấy trong thế giới ảo hiện nay có thể gọi nôm na là nhạc vàng, nhạc xanh. Còn loại nhạc gọi là nhạc đỏ thì khá hiếm hoi, có tìm “đỏ” con mắt cũng không thấy được những bài hát đã một thời tra tấn người nghe từ những chiếc loa phường. Lý do thì không cần thiết phải đi sâu hay nhắc lại. Ai cũng biết, cũng hiểu tại sao, kể cả em bé bán vé số dạo chuyên hát nhạc vàng để gợi lòng thương xót của khách hàng. Vả chăng, ngày nay những cách gọi xách mé nhạc vàng nhạc xanh đã biến mất tự bao giờ. Vì chúng là sản phẩm của một thời không ai muốn nhớ mà vẫn không thể quên. Nhắc lại cũng chỉ vì chúng cứ nằm trong tiềm thức cùng với những thứ hồi ức buồn bã của một thời không thể quên này.
(more…)

T.Vấn

chan_dung_phung_nguyen
Chân dung Phùng Nguyễn
acrylic trên bìa carton
5 giờ sáng 18.11.2015
Đinh Trường Chinh

Hôm thứ ba tuần trước, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn gởi đến bài thơ. Đọc nhan đề: Adieu Phùng Nguyễn, tôi giật mình hoảng hốt. Vội vã phóng “chuột” đi khắp thế giới (ảo) dò tìm với cái tên Phùng Nguyễn, nhưng không thấy gì khác lạ. Đành về hỏi lại nhà thơ. Vẫn với sự nhanh nhẹn cố hữu, anh Hoàng Xuân Sơn xác nhận. Đọc thư anh, tôi mang một cảm giác trống rỗng kỳ lạ. Trống rỗng đến không còn tha thiết bất cứ sự gì của trần gian này. Trống rỗng đến muốn buông bỏ hết, xổ tuột hết, cả những việc đã xong và những việc còn dang dở. Chỉ còn đọng lại trong đầu ý tưởng mụ mị.

Nhắm mắt nằm xuống là hết, việc trần gian để người trần gian lo âu quán xuyến. Người đi thì cứ đi, như Phùng Nguyễn. Người còn ở trọ – như tôi – liệu mà thu xếp. Kẻo không kịp. Kịp gì? Lỡ tàu chăng? Thì đã sao?
(more…)

T. Vấn

svetlana_alexievich_1
Nhà văn Svetlana Alexievich

Hôm nay, 8 tháng 10 năm 2015, Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã chọn nhà văn nữ 67 tuổi người gốc Belarus, Svetlana Alexievich, là người sẽ nhận giải thưởng Nobel về Văn Chương năm 2015. Trong thông cáo báo chí được truyền đi sáng nay, ủy ban tuyển chọn đã cho rằng “ những tác phẩm nhiều âm điệu của bà là một tượng đài cho sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại chúng ta”.

Cái tên Svetlana Alexievich vốn không chỉ không mấy quen thuộc với độc giả tiếng Việt mà còn khá xa lạ với người đọc tiếng Anh trên tòan thế giới. Vậy mà trong số các ứng viên nặng ký cho giải văn học năm nay, nữ tác giả người gốc Belarus vượt qua được cả nhà văn Nhật bản rất quen thuộc Haruki Murakami. Bà là người phụ nữ thứ 14 trong tổng số 107 lần trao giải của Hàn Lâm Viện Thụy Điển.

Vậy chúng ta biết gì về một khuôn mặt vừa được tỏa sáng và xuất hiện trên hầu hết các trang mạng, blog điện tử của thế giới văn học hôm nay?
(more…)

T.Vấn

vu_cao_hien
Vũ Cao Hiến (Ảnh: khoa24.vobidalat.net)

Quá khứ luôn luôn là một gánh nặng không dễ dàng rũ bỏ, dù người ta có cố gắng đến đâu. Nhất là thứ quá khứ dính liền với những chặng đường khổ nhục của một đời người, dính liền với những người một thời mình chia sẻ nhiều thứ. Quên không được thì đành phải nhớ. Mỗi khi có dịp, nỗi nhớ như vết thương chưa lành, lại tấy mủ, sưng mọng, làm đau nhức. Và mất ngủ.

Trong bóng tối của đêm, ngoài hồn ma bóng quế dật dờ, còn có những khuôn mặt người tình, bằng hữu, nhất là những người đã vội bỏ cuộc chơi lạc bước vào miền miên viễn chiêm bao. Một trong những khuôn mặt mà tôi nhớ nhất trong những đêm mất ngủ nghĩ về ngày tháng tù đày là Vũ Cao Hiến.

Thực ra, tôi biết Hiến (chứ không quen) từ trước khi đi tù. Năm 1972, lúc tôi còn thụ huấn tại trường ĐH/CTCT/Đà Lạt, Hiến là SVSQ khóa 24 Võ Bị. Anh qua trường tôi hát giúp vui trong một buổi nhạc hội. Đó là một giọng hát khiến tôi khó quên. Bài hát Hiến hát đêm đó cũng khó quên : Kỷ Vật Cho Em của Phạm Duy. Đời sinh viên sĩ quan với những kỷ luật khe khắt của quân trường, dù rất muốn nhưng tôi không có dịp để làm quen người sinh viên võ bị có giọng hát tuyệt vời ấy.
(more…)