Archive for the ‘Song Thao’ Category

Ông Địa

Posted: 12/02/2021 in Phiếm, Song Thao

Song Thao

Ông Địa là người mang lại cái Tết cho mọi người. Giữa tiếng trống tiếng chiêng nhộn nhịp, ông nhảy múa với khuôn mặt không bao giờ tắt nụ cười. Tôi chưa bao giờ thấy ông Địa không cười. Nụ cười của ông không chỉ là nụ cười cứng ngắc trên mặt nạ mà còn hiển hiện trong bộ quần áo xanh đỏ lộn xộn, cái bụng phệ cố hữu và, nhất là điệu nhảy tung tăng với chiếc quạt bên những chú lân và những tràng pháo đang nhoáng lửa nổ vang lừng.

Trong đoàn lân ngày tết, “nhân vật” nổi bật nhất dĩ nhiên là lân. Ngày xưa chỉ có một cặp lân, con đực là kỳ, con cái là lân. Ngày nay lân cũng như người, bị nạn nhân mãn nên có cả bày lân. Con xanh con đỏ, con trắng con vàng, hoa cả mắt. Bên cạnh lân là ông Địa. Ông này thờ chủ nghĩa độc thân nên xưa hay nay cũng vậy, cứ mình ên múa lung tung. Trẻ em thường khoái ông Địa. Nhạc sĩ Vũ Hoàng có bài hát “Bé Thương Ông Địa” nói lên sự yêu mến này:
(more…)

Xe lửa

Posted: 08/02/2021 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Thượng Nghị Sĩ Joe Biden trên xe lửa đi làm hàng ngày

Tổng Thống Joe Biden đã dự định dùng xe lửa Amtrak từ quê nhà Wilmington, tiểu bang Delaware, lên thủ đô Washington dự lễ nhậm chức bữa 20 tháng 1 năm 2021 vừa qua. Nhưng cuối cùng, vì lý do an ninh, nên ông phải đổi qua dùng máy bay. Máy bay vù một cái là đến trong khi xe lửa ì ạch tới 90 phút mới nuốt hết đoạn đường từ nhà ông tới tòa Bạch Ốc. Vậy thì tại sao ông lại chọn cưỡi…rùa để tới thủ đô đón nhận vinh quang? Vì đó là phương tiện ông đã dùng trong suốt 36 năm làm thượng nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ. Ngay sau khi vừa đắc cử thượng nghị sĩ, ông đã mang hai cái tang hết sức đau buồn: vợ và con gái ông đã chết trong một tai nạn xe hơi. Hai đứa con trai còn nhỏ của ông cũng có mặt trên xe nhưng chỉ bị thương. Ông trở thành gà trống nuôi con. Ngày ngày, ông hai lần leo lên xe lửa đi và về, mất đứt ba tiếng đồng hồ di chuyển chỉ vì phải săn sóc hai cậu con nhỏ. Chín năm sau, ông cất bước đi bước nữa với bà Jill. Có người chăm sóc con rồi nhưng ông vẫn ngày hai buổi đi đi về về. Chắc quen thói rồi. Nhờ là khách hàng mẫn cán của xe lửa nên ông quen rất nhiều nhân viên và khách trên xe lửa.
(more…)

Cabane à sucre

Posted: 22/01/2021 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Quang cảnh một cabane à sucre.

Montreal bây giờ đang mùa đông. Hàn độ đã xuống dưới không độ. Con số hiển thị mỗi ngày đều ôm cái dấu trừ phía trước. Tuyết khi rơi khi không. Sáng ngủ dậy, vén màn cửa, có khi chỉ thấy một màu trắng tinh, có khi mặt trời rực rỡ. Nhưng đừng vội mừng. Thời tiết mùa này rất điêu ngoa. Nắng là lạnh thấu xương, tuyết rơi là ấm. Nói chuyện thời tiết với mấy ông bạn bên Cali, ông nào cũng phục sao tôi có thể trụ được tới mấy chục năm trong…tủ lạnh như vậy. Người ta phải sống với bão thì mình phải sống với tuyết. Sống lâu thành thân cận. Dân Montreal, những ngày cuối năm này, có một cái thú là tiên đoán xem Giáng Sinh này có tuyết không. Phải “white Christmas” mới khoái. Noel mà cỏ vẫn xanh, buồn thối ruột. Buồn rồi trách ông trời năm nay không biết pha màu trắng chi cả! Cũng quen cả thôi. Giống như anh bạn tôi mê cô vợ vì cái mùi phát ra dưới cánh tay. Không có cái mùi thân thương đó tối không yên giấc. Khi cô vợ sanh con, chẳng biết máu huyết thay đổi sao mà cái mùi nồng cháy đó biến mất. Anh tiếc ngẩn tiếc ngơ. Dân Montreal tôi cũng vậy. Sống mãi với tuyết riết rồi ghiền. Sáng ra đào tuyết tới mướt mồ hôi mới lôi được chiếc xe ra, đường trơn trượt, lái xe lướt đi cứ như trượt patin, cực thấy mồ, nhưng cũng quen đi. Mùa Noel mà không có tuyết thì làm sao gân cổ lên “đêm đông lạnh lẽo Chúa sanh ra đời” được.
(more…)

Song Thao


Ca sĩ Lệ Thu (1943-2021)

Tôi biết Lệ Thu từ hồi chưa có cái tên Lệ Thu. Khi đó Oanh mới 15 tuổi, tươi mát, xinh xắn, là hàng xóm của anh bạn tôi. Anh Trần Cao S. Hồi đó chúng tôi đang học lớp Đệ Nhị ban Văn Chương trường Chu Văn An. Khoảng thời gian đó, năm 1956, thi Tú Tài Một, ban C, như một cuộc vượt vũ môn. Số người đậu chỉ khoảng 10%. Chục người thi chỉ có một người đậu. Đi nghe đọc kết quả thi như đi nhận bản án. Số báo danh được xướng lên cách từng quãng lớn. Có khi cả phòng thi không có một người đậu. Vậy nên học thi tới xanh lét người.
(more…)

Các bà Phần Lan

Posted: 25/12/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin

Trong bài “Harris ở Montreal” tôi nhân cơ hội nước Mỹ lần đầu tiên có phụ nữ đạt tới chức Phó Tổng Thống “Chờ”, nên nhắc tới nhiều nước đã có các bà làm lớn. Tính ra tới khoảng 160 bà. Tôi hài tên một số bà quen biết tại một số nước trên thế giới. Phần Bắc Âu, tôi chỉ nhắc sơ sơ. Anh Nguyễn Bá Trạc, tác giả cuốn “Người Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải”, đọc và thấy…nhức đầu. Trước đây anh sống tại San Jose, nay theo vợ về an hưởng tuổi già ở Turku, Phần Lan. Anh nhắc tôi phụ nữ làm lớn tại Phần Lan có nhiều, và chuyện hay cũng nhiều. Anh viết cho tôi như sau:
(more…)

Karaoke

Posted: 21/12/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Hát karaoke giải trí

“Karaoke” là tiếng Việt, có nghĩa là cứ “ca ra là OK”. Vậy là dân ta thoải mái ca ra, dù nhiều khi chẳng OK chút nào. Trong mùa dịch cô Vi này, người người ở nhà, thiếu thú vui giải trí, người ta đâm ra thích “ca ra OK”. Tại Việt Nam, karaoke đã trở thành đại nạn, không biết có trầm trọng hơn dịch bệnh không, nhưng đủ để dân chúng la làng. Người ta hát thoải mái bất kể giờ giấc, nửa đêm vẫn cứ đua nhau gào làm náo động khu phố. Tôi đọc được trên Facebook lời than của một bạn ở Sài Gòn: “Nó hát ngày, hát đêm, hát thêm Chủ Nhật, hát tràn cung mây, hát không cho ai ngủ. Nó chuyển sang “Vùng Lá Me Bay” mà giọng lúc thì ồm ồm, lúc thì rít sần sật lên như thế thì lá bay sao được, bay kiểu gì mà từ trưa tới tối vẫn chẳng hết lá!”.
(more…)

Harris ở Montreal

Posted: 04/12/2020 in Phiếm, Song Thao
Thẻ:

Song Thao


Kamala Harris, Phó Tổng Thống đắc cử Hoa Kỳ

Cái tên Kamala Harris giờ đã nổi đình nổi đám trên hầu như khắp ngõ ngách của quả địa cầu này. Với danh vị Phó Tổng Thống đắc cử của nước lớn nhất thế giới, bà tạo kỷ lục là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Không phải chỉ một kỷ lục mà tới ba kỷ lục: người phụ nữ đầu tiên, người gốc da đen đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên. Hai bà trước, bà Sarah Palin và bà Hillary Clinton, đều mon men bước tới nhưng đã thất bại. Bà Palin ứng cử chức Phó Tổng Thống trong liên danh với Thượng Nghị Sĩ McCain vào năm 2008 và bà Hillary Clinton ứng cử chức Tổng thống vào năm 2016.
(more…)

Song Thao


Từ trái: Hà Túc Đạo và Song Thao (San Francisco, CA, 12/2006)

Tôi không nghĩ là tôi phải viết bài này sớm thế. Hôm nay là ngày thứ tư 25/11. Thứ bảy 21/11, Hoàng Ngọc Phan, tên thật của Hà Túc Đạo, gửi message: “Có vẻ tôi sắp dính covid rồi. Ho và sổ mũi mấy ngày nay. Lát nữa sẽ đi xét nghiệm. Hy vọng bị cảm lạnh thường thôi thì tốt quá”. Bữa sau, Chủ Nhật 22/11, gửi message tiếp: “Đang chờ xét nghiệm hôm thứ hai. Vẫn còn ho và nóng lạnh. Hôm nay nhiệt kế có lúc lên tới 103. Bác sĩ gia đình trấn an nếu chưa có ói mửa và tiêu chảy thì vẫn hy vọng chưa dính Covid. Đành phó mặc ông trời vậy”. Ông trời đã quay mặt đi!
(more…)

Chân dài

Posted: 13/11/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Maci Curren với kỷ lục Guinness về cặp chân dài nhất thế giới.

Cô bé Maci Currin, 17 tuổi, cư dân thành phố Cedar, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, vừa được Guinness World Records chứng nhận hai kỷ lục thế giới: người phụ nữ có đôi chân dài nhất thế giới và thiếu nữ tuổi teen có đôi chân dài nhất thế giới. Các ông bự truyền thông như CNN, UPI đều nhanh chóng đưa tin. Họ nhạy bén như vậy là phải. Cái chi liên quan đến chân dài đều là những tin hấp dẫn. Chân cô bé Maci dài bao nhiêu? Chân trái dài 134.62 phân (53 inch), chân phải ngắn hơn một chút, 134.3 phân (52.874 inch). Vậy thì giai nhân chân dài này sẽ đi kiểu chấm phết? Không, chỉ hơn nhau có 0,3 phân thì nhằm nhò chi. Dáng đi của Maci vẫn chuẩn như người mẫu.
(more…)

Song Thao

Tôi vẫn thường gọi anh là Phạm Phú Minh nhưng tên tác giả trên sách là Phạm Xuân Đài. Thì cũng chàng chứ ai. Tên đầu là tên thiệt cha sinh mẹ đẻ, tên sau là tên con gái dùng làm bút hiệu. Cuốn sách đầu tiên của Phạm Xuân Đài là cuốn “Hà Nội Trong Mắt Tôi” được xuất bản từ năm 1994, tới nay, 26 năm sau, mới có cuốn thứ hai “Đi, Đọc và Viết”. Điều này chứng tỏ ông bạn đồng tuế với tôi không thuộc loại con đàn cháu đống như tôi. Chuyện cũng đúng thôi. Phạm Phú Minh, hậu duệ của cụ Phạm Phú Thứ, tuy cùng tuổi với tôi nhưng khác tôi. Tôi chỉ làm những chuyện lặt vặt nhằm “mua vui cũng được một vài trống canh” trong khi ông bạn cao ráo, luôn nở nụ cười tươi như hoa, lại là người làm những chuyện để đời. Bạn tôi làm nhiều lắm, tôi chỉ nhớ tới hai sự kiện quan trọng: tổ chức cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn và số hóa bộ tạp chí Bách Khoa. Buổi hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn quy tụ nhiều nhà nghiên cứu nổi danh trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, là một đánh giá đầy đủ và thận trọng nhất về một giai đoạn khai phá thú vị nhất trong nền văn học của đất nước chúng ta. Bộ số hóa tạp chí Bách Khoa là một công trình dài hơi và tốn kém. Dù anh được nhiều bè bạn chung tay nhưng gánh nặng vẫn đè lên vai anh, cả tinh thần lẫn vật chất. Công trình làm ngạc nhiên ngay cả người khai sanh ra Bách Khoa, ông Huỳnh văn Lang, là sự hy sinh tận cùng của Phạm Phú Minh. Anh đã bán non bảo hiểm nhân thọ để có đủ chi phí trang trải.
(more…)

Cà cuống

Posted: 19/10/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao

Tôi phải cám ơn ông bạn đã chuyển cho tôi bài viết về cà cuống của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung. Vừa đọc được hai chữ “cà cuống” là đầu óc tôi cuống cả lên. Cả một thời nhỏ dại ùn ùn trở về. Nhưng đọc bài “Cà Cuống” của Vũ Thị Tuyết Nhung trước đã. “Tôi còn nhớ, mẹ tôi thuở sinh thời, cứ vào cữ tháng Bảy mùa thu trở ra đến tháng Mười chớm đông, lúc Người đi chợ Hàng Bè, thi thoảng lại được mấy bà hàng tôm hàng cá quen gọi vào, thầm thì giúi riêng cho mấy con cà cuống mà các bà thường chỉ để dành cho khách ruột sành ăn”. Tác giả Vũ Tuyết Nhung còn nhớ “mùa” cà cuống, tôi thì chịu. Ngày nhỏ ý niệm thời gian chưa vướng vào đầu óc, tôi chỉ nhớ bất chợt vào những buổi tối liên tiếp, cà cuống bay bổ vào những ngọn đèn đường là lúc chúng tôi chạy đuổi theo bắt cà cuống. Cà cuống là con gián cồ, lớn gấp nhiều lần. Vậy mà gián thì chúng tôi sợ mà cà cuống thì chúng tôi…thương, thi nhau chạy theo chộp bằng tay không. Chộp xong, kiếm mấy cành cây khô, nổi lửa, nướng ăn ngay tại chỗ, thơm cách chi!
(more…)

West Point

Posted: 28/09/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Mũ bay lên trời trong lễ tốt nghiệp.

Chỉ cần nói “West Point”, ai cũng biết đó là chi rồi. West Point là cái tên…dân gian, nói ra ai cũng hiểu. Tên chính thức của ngôi trường này là United States Military Academy (Học Viện Quân Sự Hoa Kỳ). Nhưng nếu lười biếng, chỉ cần nói The Academy hay The Point thì cũng biết liền chính là hắn!

Được Tổng Thống Thomas Jefferson thành lập vào năm 1802, đây là học viện quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ. Ngày nay mỗi năm trường thâu nhận khoảng 1300 sinh viên nhập học. Thời gian huấn luyện là 4 năm. Như vậy trong trường luôn luôn có 4 khóa tổng cộng khoảng trên 4 ngàn sinh viên. Chính ra con số này phải hơn nhưng vì mỗi khóa có khoảng 2% sinh viên bị loại mỗi năm, nên vào thì nhiều, ra thì ít, khoảng trên dưới một ngàn tân khoa mỗi khóa. Đây là một quân trường nhưng muốn vào học còn khó hơn vào những đại học danh tiếng. Tỷ lệ được chọn chỉ khoảng 9%, có nghĩa là trong 100 lá đơn xin học, chỉ có 9 thí sinh được nhận. Sở dĩ khó như vậy vì West Point chọn lựa sinh viên không chỉ dựa vào thành tích học tập ở trung học mà còn chú ý vào tổng thể con người ứng viên. Dĩ nhiên thể lực là một yếu tố đánh giá quan trọng. Không có sức khỏe tốt thì làm sao chịu được khi theo tiêu chí của trường là “trụng nước sôi 100 độ rồi trụng nước lạnh tiếp”! Thí sinh ứng tuyển phải qua kỳ thi đánh giá thể lực của trường (Candidate Fitness Assessement). Hồ sơ ứng tuyển còn phải kèm theo thư giới thiệu của một dân biểu, nghị sị hoặc Phó Tổng Thống hay Tổng Thống Hoa Kỳ.
(more…)

Bum

Posted: 14/09/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Vui hỉ?

Trên báo Montreal Gazette ngày 8/8/2020 có bài viết của nữ ký giả Emma Jones: “What the Smell of Your Farts Say About You” làm tôi chúi mắt vào ngay. Chẳng là anh bạn thân với tôi từ thời Chu văn An bỗng bị đau thắt bụng, không đại tiện được qua tới ngày thứ hai. Tưởng là tuổi già, cơ thể lúc thế này lúc thế kia là chuyện thường tình, anh không quan tâm lắm. Bạn bè tứ phương áp lực anh phải đi khám coi nó là cái gì. Anh đành phải chiều ý các bạn. Kết quả anh bị xoắn ruột non. Bệnh viện mổ gấp, mang nguyên bộ đồ lòng ra, xếp lại ngay ngắn rồi thuồn vô lại. Cả bệnh nhân lẫn các bác sĩ giải phẫu sau đó chăm chăm chờ đợi. Nếu anh bum được là tai qua nạn khỏi. Nếu không thì rắc rối tiếp. Cuối cùng anh cũng nổ được khiến mọi người ngây ngất. Bài báo của bà ký giả Emma Jones cũng nói tới sự quan trọng của tiếng bum. Theo bà, chuyện tự làm phát ra tiếng nổ hay ngay cả khi không có tiếng nổ nhưng gió vi vu kín kẽ là cần thiết cho sức khỏe con người. Trung bình mỗi người cho thoát hơi 8 lần mỗi ngày, mỗi lần thải ra từ 33 tới 125 mililitre khí thải. Con số trung bình này, tôi nghĩ là quá khiêm nhường. Nhiều người rất dễ dàng vượt chỉ tiêu này gấp nhiều lần. Vẫn theo bà ký giả, nhiều người vì mắc cở nên cố nén tiếng…lòng khiến có hại cho sức khỏe. Phái nữ vốn hay giữ ý nên cố nén hơn phái nam nhưng cả hai phái đều sản xuất số lượng khí bằng nhau, không có chi khác biệt. Bà viết: “Một số nhà nghiên cứu tin rằng việc nín bày tỏ nỗi lòng gây ra một căn bệnh gọi là bệnh túi thừa (diverticular disease), một bệnh tạo ra những cái túi nhỏ bám vào thành ruột già. Trầm trọng hơn, bệnh có thể gây ra viêm ruột già, chảy máu hậu môn. Cứ tự nhiên sản xuất tiếng lòng không những chỉ làm cho chúng ta dễ chịu ngay lúc này mà còn bảo vệ chúng ta trong mai sau. Vậy cứ dõng dạc, không cần đổ thừa cho con chó đứng ngơ ngẩn bên cạnh. Sức khỏe của bạn tùy thuộc vào đó!”.
(more…)

Câu

Posted: 04/09/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao

Ông Ron Touaty là chủ tiệm chuyên bán đồ câu cá “Lachine Bait and Tackle” ở Montreal. Lachine là vùng có khúc sông Saint Lawrence rất đẹp chạy ngang qua. Nơi đây có một công viên rộng lớn cho dân chúng tới hóng mát, chạy bộ, đạp xe đạp và các trò thể thao khác. Câu cá cũng là một môn thể thao. Khách hàng của ông thường là những người có tuổi và các du khách. Năm nay những khách hàng này vắng bóng nhiều. Du khách không có máy bay để cưỡi, người có tuổi ngại ra ngoài. Ông chủ tiệm chuyên bán mồi và các dụng cụ của…ngư ông cho biết: “Năm nay khoảng một nửa khách hàng của tôi là những người mới tôi chưa bao giờ thấy. Điều này cũng tốt. Dĩ nhiên đây là hậu quả của Covid!”.
(more…)

Hứa

Posted: 14/08/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Vợ chồng ông Tom Cook và vợ chồng ông Joe Feeney lãnh tiền trúng số

Ông Tom Cook, cư dân tại tiểu bang Wisconsin, đã trúng lô độc đắc Powerball 22 triệu ngày 10/6 vừa qua. Chuyện này không thành tin. Xổ số mở hàng ngày, có người trúng tới cả trăm triệu. Ông Cook trúng 22 triệu thì ăn thua chi. Nhưng chuyện thành tin nóng khi ông chia đôi số tiền này với ông bạn Joe Feeney trong khi ông Feeney chẳng góp tiền mua chung tấm vé số. Tất cả chỉ vì một lời hứa. Năm 1992, hai ông bạn chí thân này bắt tay với nhau và hứa nếu một trong hai người trúng số Powerball thì sẽ chia cho người kia một nửa. Chuyện như đùa mà nay thành thật. Thực ra ông Cook có thể làm lơ một cách dễ dàng. Vì ông Feeney chẳng còn nhớ tới chuyện cũ xì từ 28 năm trước. Khi được ông Cook điện thoại báo tin, ông Feeney tưởng bạn giỡn. “Ông ấy gọi tôi và tôi trả lời ‘ông có giỡn với tôi không vậy?’”. Trả lời báo chí, ông Cook nói: “Lời hứa là lời hứa. Đã nói thì phải giữ lời”. Hai ông dắt tay nhau đi lãnh tiền trúng số. Họ chọn cách lãnh trọn gói một lần. Mỗi ông được 11 triệu đô. Sau khi trừ tiền thuế, mỗi người bỏ túi được 5 triệu 700 ngàn. Cũng đỡ cho hai ông già. Ông Feeney đã nghỉ hưu trước đó. Ông Cook cũng nghỉ sau khi trúng số.
(more…)

Song Thao

Bãi sậy nằm bên chân một chiếc cầu đang xây cất ở một tỉnh lẻ. Dân chúng thường hay ra hóng mát. Vợ chồng họa sĩ Tuấn và cô giáo Thủy dọn về ở nơi tương đối yên tĩnh nhưng buồn tẻ này. Họ đang chờ một cặp sanh đôi chào đời. Ca sanh khó đã đưa tới tình huống nguy hiểm cho mẹ hoặc con. Thủy đã chọn sự sống cho hai đứa con. Và nàng đã nhắm mắt bỏ lại Tuấn và đôi trẻ sơ sinh. Tuấn còn chưa biết xoay sở ra sao thì một cặp vợ chồng hàng xóm nhận nuôi giúp. Họ có một cô con gái tên Loan, 6 tuổi. Cả nhà say mê hai đứa trẻ mũm mĩm dễ thương: Tú Anh và Tú Em. Loan quấn quýt với cặp sinh đôi, nhất là Tú Em.
(more…)

Mũ áo xênh xang

Posted: 29/06/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Cháu tôi ra trường…một mình!

Năm nay các cô các cậu ra trường không vui. Vì dịch bệnh, họ không được xênh xang mũ áo lãnh bằng trước bá quan thiên hạ. Xứ sở này người ta chuộng học vấn và tri thức. Cứ xong một cấp học là ồn ào tổ chức lễ ra trường, mũ áo đủ bộ, hoa hoét tưng bừng. Kể cũng hay và vui. Đây là một cách khuyến khích các cô các cậu chú tâm học hỏi. Vui nên phớt lờ truyền thống. Truyền thống là mũ áo ra trường chỉ dành cho các sinh viên đại học. Nhưng truyền thống đôi khi cũng phải theo thời, nói vậy nghe bù trất. Đã truyền thống thì cứng ngắc, chẳng cựa quậy chi được, theo thời sao đặng. Thời nay vui là chính nên ra trường trung học, tiểu học và ngay cả mẫu giáo, nhà trẻ cũng mũ áo như ai.
(more…)

Song Thao

Trung Tá Nhảy Dù Bùi Quyền, Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, vừa mãn phần tại Orange County. Bùi Quyền là đồng môn Chu văn An của tôi. Bài viềt này như một nén hương tiễn chân người bạn mà tôi rất quý phục. (ST)


Trung tá Nhảy dù Bùi Quyền (1937-2020)

Được e-mail của Trần Huy Bích có ghi subject “tin buồn”, tôi nghĩ ngay tới Bùi Quyền. Khoảng một tuần trước, Phạm văn Quảng từ Toronto gọi điện thoại cho biết Bùi Quyền mệt, nóng sốt và ho nhiều. Hai chúng tôi an ủi nhau cầu mong không phải là chuyện lớn trong thời buổi dịch bệnh này. Vậy mà chuyện lớn thiệt. Nhưng không phải do con virus bé chút xíu này gây ra.

Bích không nói được nhiều nên chỉ chuyển e-mail của Trần Minh Công. Công thông báo cho biết Bùi Quyền đã rời anh em vào lúc 3 giờ 23 phút chiều ngày 30 tháng 5 năm 2020. Tôi nghĩ chắc Bích còn chưa hết xúc động. Quyền ở San Jose, mỗi khi xuống Orange County, thường ở nhà Bích. Hai ông thầy đồ này rất hợp nhau trong chuyện tử vi bói toán và văn học Hán Nôm. Quyền đang viết về cuộc chiến Việt Nam nên rất thích kho sách Bích sưu tập được. Từ ngày học xong trung học, Quyền và tôi không có dịp gặp lại nhau nhưng cái nôi lớp Đệ Tam ban C, Chu văn An, ngay trong năm đầu tiên khi trường di cư vào Nam, còn rất êm ái khiến chúng tôi khó mất dấu nhau. Lần tôi gặp lại Bùi Quyền ở nhà Bích là lần đầu từ khi chúng tôi ra trường. Bữa đó, nhằm xuân Kỷ Hợi, năm 2019, tôi qua Cali ăn tết. Bích rủ tôi tới dự buổi họp mặt tân niên của Hội Chu văn An Nam Cali. Quyền cũng từ San Jose lên chơi và ở nhà Bích. Bích lái xe tới đón tôi. Không thấy có Bùi Quyền, tôi hỏi. Bích cho biết Bùi Quyền đang bận tiếp khách nên tới đón tôi, rồi về lại nhà để cùng đi với Quyền. Vậy là tôi gặp lại Quyền. Sau 60 năm!
(more…)

Người xa người

Posted: 29/05/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Bà cháu xiết chặt nhau tại Riverside, California

Tới nhà con gái, tôi đi thẳng ra vườn sau bằng lối cửa bên cạnh. Hai đứa cháu đang chạy chơi trong vườn. Đứa 4 tuổi, đứa 6 tuổi. Đứa lớn chạy ngay lại, tôi vội nói: “Hai thước!”. Nó khựng lại, cười ngượng ngập. Nhìn cháu cười, tôi vừa thương hại vừa tức cười. Chuyện cháu thường làm trước thời cô Vi đã trở thành như một quán tính nay bỗng bị ngắt, như có cái thắng tốt thắng lại. Nụ cười như một bào chữa cho sự quên lãng. Mẹ cháu đã giảng giải cho cháu hiểu tại sao bây giờ mọi người phải đứng cách nhau hai thước. Nhưng dù hiểu nhưng con nít thấy ông bà tới, quên hết lời dặn. Khi nghe tôi nhắc hai thước mới sực nhớ nên cười ngượng. Phải chi tôi có “dụng cụ” như nhà một bé gái ở Riverside, tiểu bang California.
(more…)

Cám ơn

Posted: 08/05/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao

Cảnh sát ở Fort Meyers, tiểu bang Florida, vừa làm một hành động ngoạn mục để cám ơn các nhân viên y tế đang bù đầu chống dịch cô Vi. Họ xếp 14 chiếc xe tuần tiễu thành hình một trái tim lớn trên bãi đậu xe của bệnh viện Lee Memorial Hospital. Giữa hình trái tim có 13 cảnh sát viên, mỗi người cầm một mẫu tự, xếp thành hàng chữ “FMPD Thank You”. “FMPD” là “Fort Meyers Police Department”. Xếp xong hàng ngũ, họ cho xe chớp đèn xanh đỏ làm rực rỡ cả khu bệnh viện. Các nhân viên y tế đứng từ cửa sổ các tầng lầu nhận lời cám ơn. Sau đó họ để lại các mẫu tự trên bãi đậu xe vắng ngắt.

Coi video quay lại cảnh cám ơn hào nhoáng này, tôi thực sự cảm động. Từ trước tới nay, thấy xe cảnh sát chớp đèn chạy ào ào trên đường là có chuyện. Nhất là khi cứ nhè đằng sau xe mình mà chớp khiến mình phải dừng xe lại. Thường là lãnh một ticket. Chuyện không vui. Nhưng lần này đèn cảnh sát chớp lại thấy vui. Vì đây là một cách cám ơn rất bắt mắt.
(more…)

Tuyến đầu

Posted: 04/05/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Những người ở tuyến đầu

Nếu New York là ổ dịch cô Vi của Mỹ thì Montreal chúng tôi là ổ dịch của Canada. Khi tôi viết bài này, thứ sáu 24/4, số người nhiễm bệnh tại thành phố tôi đã ngụ cư được 35 năm là 10.897 ca, số người chết là 808. So với New York thì chẳng ăn thua chi nhưng so với Canada thì có ăn thua. Canada có số người nhiễm là 43.888 người và số tử vong là 2.302. Montreal lãnh gần một phần ba số tử vong toàn Canada! Nếu so với con số của tỉnh bang Québec mà Montreal là thành phố chính, thành phố cũng dành phần hơn. Số nhiễm tại Quebec là 22.616 và số tử vong là 1340.
(more…)

Bướm

Posted: 05/03/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao

Trong lần tới thủ đô Reykjavik của hòn đảo băng giá Iceland, tôi đã có dịp tới một bảo tàng viện có một không hai trên thế giới: bảo tàng Icelandic Phallological Museum. Bảo tàng này trưng bày có một thứ duy nhất: bộ phận sinh dục nam của các loài có vú. Có tất cả 282 cái nhũng nhẵng của 93 loài động vật có vú kể cả con người. Bảo tàng này vụ vào các loài động vật hơn là con người. Phần con người chỉ có vài cái của người tiền sử và một bộ của 15 thành viên đội bóng ném quốc gia khi đội này đoạt được huy chương bạc tại Thế Vận Hội Bắc Kinh vào năm 2008. Bộ này chỉ là thứ giả, được đúc bằng bạc. Dĩ nhiên có lấy ni tấc đàng hoàng. Chúng được xếp trong một chiếc hộp bằng kính dưới bức hình chụp toàn đội bóng. Người ta không thể nhìn thứ tự trên bức hình để xác định chủ nhân của từng của quý bằng bạc bên dưới. Họ đã xáo trộn lung tung để giữ phần riêng tư cho các cô vợ trẻ của các tuyển thủ.
(more…)

Oan

Posted: 27/02/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao

Đầu tháng 2 vừa rồi, tôi lấy máy bay từ phi trường Vancouver về Montreal. Tới cửa đợi, vừa ngồi xuống một chiếc ghế trống, bà da trắng ngồi cách một ghế vội đứng dậy ra chỗ khác ngồi. Tôi biết  con vi khuẩn corona đã chia cách bà với tôi. Trước đó, khi xếp hàng vào làm thủ tục quan thuế, nhìn thấy một cặp vợ chồng trẻ cầm sổ thông hành màu đỏ có cờ Trung Quốc trên tay, tôi cũng thấy ngài ngại. Cũng con vi khuẩn nhỏ xíu nhưng đang làm kinh động thế giới này gây ra.

Tôi phải thú nhận rằng tôi không ưa bị hiểu lầm là người Trung quốc. Các bạn chắc cũng vậy. Trước khi con vi khuẩn bé tí tẹo này xuất hiện, nếu ai xì xồ tiếng Hoa khi tưởng mình là đồng hương với họ, tôi vội trả lời không biết tiếng Hoa với giọng không vui lộ rõ. Vào một cửa tiệm, được mấy cô nhỏ bán hàng da trắng xinh xẻo chào “nị hảo”, tôi cũng cải chính ngay tôi không phải là người Hoa. Tết vừa qua, gặp một anh hay chị da trắng nào gọi là Chinese New Year, tôi sửa lưng liền là Lunar New Year, tết âm lịch, vì không phải chỉ có Trung quốc ăn tết này mà còn có Việt Nam, Đại Hàn và Đài Loan nữa. Phần lớn dân mít ta không ưa anh láng giềng xí xa xí xô có lẽ vì họ cứ nhăm nhe gây sự với nước ta. Dòng Đại Hán từ xưa tới nay vẫn thế. Có cơ hội là họ mang quân sang bắt nạt chúng ta. Ngày nay thì còn tệ hơn nữa. Nhà cầm quyền Trung Quốc đóng vai một anh nhà giầu mới gây hấn với cả thế giới bằng những chiêu trò càn rỡ, bất chấp lẽ phải. Bộ mặt của Trung Quốc, với những cao ngạo lố bịch, đã trở thành một hình ảnh méo mó khó thương. Và người dân Trung quốc bị ghét bỏ một cách oan uổng.
(more…)

Song Thao

Ông bạn nhà thơ Phan Ni Tấn vừa gửi cho tôi cuốn “Ngòi Viết Lang Thang” mới ra lò. Cuốn sách nặng một…tấn! Dày hơn 500 trang thì phải nặng, nhưng nói nặng một tấn thì không có cơ sở. Nói vậy nhưng không phải vậy. Nhưng kể ra cũng có cơ sở.

Ông lang thang gần như hết cuộc đời ông trong đó. Cuộc đời của ông Tấn nặng là phải. Ông nhỏ nhẹ kể chuyện từ chốn rừng núi ông chào đời cho tới khi ông đi học. Học cả chữ nghĩa lẫn quân sự. Nhờ tốt nghiệp quân sự học đường, ông vào ngay trường sĩ quan Thủ Đức chứ không phải ắc ê 9 tuần ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Cuộc sống quân trường tại Thủ Đức có lẽ là thời gian ông thích nhất. Ông kể lang bang tới 22 trang, từ trang 231 tới trang 253. Đủ mọi món ăn chơi lẫn ăn thiệt mà bất cứ sinh viên sĩ quan nào cũng đã từng nếm mùi tân khổ.
(more…)

Om sòm trên vách

Posted: 24/01/2020 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Bìa báo Xuân Tiếng Chuông năm Canh Tý 1960
do họa sĩ Lê Trung vẽ

Năm 1954, di cư vào Nam, gia đình tôi mua được một căn nhà nhỏ bên Vĩnh Hội. Nhà vách ván, lợp tôn, hồi đó mua khoảng 50 ngàn. Nhà nằm trên một con hẻm, cắt ngang đường Bến Vân Đồn, gần cầu Ông Lãnh. Nhà chỉ có ở một bên hẻm, bên kia là chiếc tường cao và dài suốt hẻm của một hãng làm phân bón rất lớn có tên tây mà tôi không còn nhớ. Hẻm không có tên, số nhà xuyệc (sur) vài cái chồng lên nhau trên đường Bến Vân Đồn. Dân chúng quen miệng gọi là hẻm Hãng Phân. Cái tên không chính thức bỗng một ngày đẹp trời trở thành tên chính thức. Thành phố cho dựng bảng tên đường ở đầu đường với cái tên “Hẻm Hãng Phân” bảng xanh chữ trắng rất trang trọng. Vậy là chết con dân! Các anh chị tuổi bồ bịch bỗng rơi vào một tình trạng dở khóc dở cười. Thư từ biết để địa chỉ sao cho khỏi bốc mùi!
(more…)

Song Thao


Trong vườn nhà Du Tử Lê, Garden Grove, tháng 12/2006

Thường buổi sáng, ngủ dậy, tôi hay vào Facebook coi có chuyện chi lạ không. Sáng thứ tư 9/10/2019, thấy cái post của Hạnh Tuyền: “Ông ngoại đã lên trời”. Định lướt qua. Chuyện ông ngoại Lê và hai cháu Rock và Roll là chuyện vui chơi mà Hạnh Tuyền hay mang lên facebook cho vui. Những post này cho thấy một Du Tử Lê khác, rất hồn nhiên. Nhưng thấy mấy cái comment ở dưới mới giật mình. Lê đã bỏ đi thật. Như một phản xạ tự nhiên, tôi nhấc phôn, bấm số của Luân Hoán. Giọng Luân Hoán trầm buồn: “Tôi cũng vừa đọc đây!”. Rồi cúp. Biết nói với nhau những gì đây.

Tháng 9, Nguyễn Đức Bạt Ngàn cũng đã chuồn đi. Tháng 10, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt cũng bai bai anh em. Tin muộn còn ghi những ra đi của họa sĩ Nguyễn văn Trung và nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân. Giờ tới Du Tử Lê. Anh thần chết coi bộ láo lếu dữ! Hàng phòng thủ của chúng tôi như đã vỡ. Anh thần khốn nạn đã đột nhập và chém lung tung. Ai cũng ngơ ngác, thấy trống vắng ở lưng. Cú chém nào sẽ giáng xuống tiếp đây? Ông Luân Hoán, vốn cả lo, đã thơ:
(more…)

Bán chữ

Posted: 16/10/2019 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Quảng cáo của trang “Luận Văn Việt”.

Năm học Đệ Nhất ban Triết tại Chu văn An Sài Gòn, tôi được học môn văn chương Pháp với thầy Nguyễn văn L.. Ông thầy trẻ này chịu chơi hết biết. Tóc bồng bềnh, miệng lúc nào cũng cài điếu thuốc (thuốc đen nhưng phải quệt dầu cù là suốt chiều dài điếu thuốc), lái xe hơi thể thao chạy bụi tung mù mịt, nói tiếng Pháp như tây Paris. Ai cũng tưởng thầy du học bên Pháp về nhưng “du học mẹ gì!”. Thầy được một ông tây chính cống nuôi từ bé nên tiếng tây rổn rảng. Vào lớp, nháy mắt cười một cái, tay không chẳng sách vở chi, rút bao thuốc lá, móc chai dầu nhị thiên đường, xổ tiếng Pháp như điên. Chúng tôi chỉ biết há mồm nghe. Giờ dạy của thầy thiệt vui. Vui nhất là thầy hay nghỉ ngang xương. Cứ thấy bóng ông giám thị bước vào loan báo thầy không tới là lòng chúng tôi như mở hội, được về bát phố sớm. Nhưng thầy rất có lương tâm, bao giờ cũng dậy bù cho đủ giờ. Thường thì thầy dậy bù vào chiều thứ bảy, trường nghỉ, chỉ có lớp thầy dạy. Những giờ học bù này lớp vẫn đông đủ. Phần vì anh nào cũng khoái giờ của thầy, phần vì trường chẳng có ai, nên thầy trò muốn tự tung tự tác chi cũng được. Thầy mua la-ve cho cả lớp vừa học vừa nhấm nháp. Thầy một chai, trò mỗi bàn một chai, văn chương Pháp càng dậy mùi. Giọng tiếng Pháp của thầy hớp hồn chúng tôi ngơ ngẩn. Giảng xong, thầy cười cười xổ tiếng tây tiếp: “Văn chương để làm chi? Chẳng làm chi cả. Chỉ để cho tui tán dóc, bán chữ kiếm tiền mua la-ve thuốc lá!”.
(more…)

Song Thao


Nhà thơ Thành Tôn, người và sách

Thời giờ đi chơi như ánh chớp. Không biết sao cho đủ. Tới Cali, người đầu tiên tôi ới bao giờ cũng là Thành Tôn. Cà phê cà pháo, ăn nhậu sương sương, ké xe của anh đi gặp bạn này bạn khác, nhưng tiết mục phải có bao giờ cũng là tới nhà anh. Có thời giờ thì được chị cho ăn mì Quảng. Không có thời giờ thì dăm ba câu chuyện vội vàng. Nhưng phải là tại nhà anh. Chẳng phải vì anh mà vì sách.

Trong văn giới Việt Nam tại hải ngoại có hai người khổ sở vì sách là Trần Hoài Thư và Lê Thành Tôn. Trần Hoài Thư có tên cúng cơm là Trần Quý Sách. Tên nào cũng…khổ. Tên Hán Việt “Hoài Thư” hay tên thuần nôm “Quý Sách” đều vận vào người như nhau. Anh vất vả sưu tầm và phổ biến kho tàng văn chương thời Việt Nam Cộng Hòa. Những đầu sách anh đã tự tay in và phát hành và nhất là Thư Quán Bản Thảo là tim óc, mồ hôi và, đôi khi, nước mắt của anh. Với tên cúng cơm và bút hiệu, anh là một người quý sách có cầu chứng tại tòa. Cái tên Lê Thành Tôn không được chính thống như vậy nhưng anh cũng là người quý sách có tiếng. Tới thủ đô của dân tỵ nạn Việt Nam, cứ theo Thành Tôn là có thể liên lạc với toàn thể giới viết lách vẽ vời tại đây. Anh như con chim bay qua bay lại với những cuốn sách quặp nơi chân. Anh chuyển sách một cách say sưa, không bao giờ biết mệt. Trên tay anh, trên xe anh, lúc nào cũng có sách. Khi qua Mỹ định cư, hành lý của anh cũng chỉ toàn sách. Sách không phải như bánh kẹo, hũ mắm, con tôm, con cá mà người rời nước mang theo dễ dàng. Sách, nhất là sách của thời trước 1975, là thứ phải đút lót mới mang ra khỏi nước được. Anh đã phải chi tiền. Nhưng sách anh mang theo đâu có phải là sách cho anh. Anh mang qua cho tác giả những cuốn sách đó dù không biết họ ở đâu, làm cách nào cho châu về hiệp phố. Những sách đó anh đã thấy trên vỉa hè sách cũ, nhiều cuốn có chữ ký tặng của tác giả. Những đứa con vất vả lưu lạc đó, anh bỏ tiền ra thu thập chờ ngày xuất cảnh. Qua tới đất tạm dung, anh tìm từng tác giả, tặng lại họ những đứa con họ phải dứt tình bỏ lại để ra đi.
(more…)

Song Thao

Trong bài tựa cuốn “Có Một Thời ở Quê Hương Tôi”, cuốn sách mới nhất của Phan Ni Tấn, tác giả Lê Hữu kể lại chuyện có lần hỏi Phan Ni Tấn: “Tay nhạc tay thơ, tay nào phải tay nào trái?”. Chàng cười cười trả lời: “Vợ cả vợ hai, vợ nào…cũng là vợ cả!”. Phan Ni Tấn vừa cưới thêm vợ ba. Đó là…văn xuôi.

Nói tới Phan Ni Tấn người ta chỉ biết anh đàn hát, thơ thẩn. Nay bỗng dưng anh…trở mặt in ra một cuốn mà anh gọi là “tập truyện”, dày ngót nghét 200 trang, gồm tới 36 bài viết. Ngoài một vài bài có thể gọi là “truyện”, tôi thấy phần lớn gần với “chuyện” hay “hồi ký rời” hơn. Dù gọi là gì chăng nữa thì đây là một cuốn sách rất hấp dẫn. Anh quả đã ghi thêm một nghề mới trong lý lịch văn học của anh. Thơ và nhạc của Phan Ni Tấn đã định hình vững chắc từ lâu qua 12 tác phẩm gồm sách và CD như hai cây nạng chống đỡ sự nghiệp sáng tác của anh. Nay anh thêm một cây gậy mới ra ràng để tạo thành thế chân vạc. Như ba cạnh của một hình tam giác. Không thể gọi là một tam giác cân được mà phải gọi là tam giác bằng với hai cạnh dài có một cạnh đáy ngắn hơn.
(more…)

Song Thao

Nói tới “tết” người ta nghĩ ngay tới Tết Nguyên Đán. Nhưng tết đâu phải chỉ là thời gian giao mùa giữa năm mới và năm cũ. Ngoài Tết Nguyên Đán, chúng ta còn có Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu. Vậy tết là một ngày hội, một ngày vui được dân gian đón nhận. Những khi năm cùng tháng tận, tôi thường ôn lại dĩ vãng, nhớ lại những gì mình làm được cũng như chưa làm được trong năm cũ. Nhưng, từ bao năm nay, nỗi nhớ dằng dai hơn nhiều, từ ngày được tha khỏi cái gọi là trại cải tạo của Việt cộng. Đối với những người đã bước chân vào vòng tù mà không có tội, án cũng chẳng có, ngày tháng mênh mông như trong những đám mây, thời gian như một thách đố không có lời giải đáp, chuyện được thả cho về với gia đình là chuyện chết đi sống lại. Đó mới là ngày vui, ngày hội, ngày tết đích thực. Ngày về là…tết!
(more…)

Tuổi

Posted: 01/01/2019 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Ông Emile Ratelband, người Hòa Lan, xin tòa cho giảm tuổi
từ 69 còn 49. (Hình: AP Photo/Peter Dejong)

Tuổi là thứ trời cho, cứ năm mới gõ cửa là cái đầu nặng thêm một tuổi. Muốn hay không cũng chẳng được. Vậy mà ông Emile Ratelband ở Hòa Lan không chịu. Ông này làm truyền hình, năm nay 69 tuổi, lý luận: tuổi chỉ là con số. Số nào cũng vậy nên ông muốn chọn con số khiêm nhường hơn vì ông cảm thấy ông chỉ đáng 49 tuổi. Vậy là ông muốn trả lại cho trời 20 tuổi. Cũng được đi. Từ nay ai hỏi tuổi ông cứ nói “em chỉ mới 49”, chẳng chết con ma nào. Nhưng ông Emile không chịu chỉ nói khơi khơi như vậy. Ông muốn chính phủ phải chính thức đổi tuổi của ông trên giấy tờ đàng hoàng. Ông ngôn như ri với báo De Telegraaf: “Khi tôi 69 tuổi, tôi bị nhiều hạn chế. Nếu tôi 49 tuổi, tôi có thể mua nhà mới, lái chiếc xe xịn hơn.” Ông còn sừng sộ: “Tại sao người ta có thể chính thức đổi tên được. Đổi giống cũng được luôn. Tại sao tuổi không đổi được?” Vậy là ông mang sự việc ra trước tòa. Chuyện khá lạ làm cả thế giới căng mắt coi tòa sẽ xử ra sao. Ngày 3/12 vừa qua, Tòa ra bản án như thế này: “Ông Ratelband có quyền tự do cảm thấy ông trẻ hơn tuổi thật 20 năm và hành động phù hợp với tuổi ông tự nghĩ. Nhưng sửa ngày sinh của ông sẽ gây ra việc các dữ kiện trong 20 năm về ngày sinh, ngày tử, hôn phối và những điều đã ghi vào lý lịch biến đi mất. Điều này sẽ gây ra những hậu quả phức tạp về phương diện pháp lý và đời sống xã hội.”
(more…)

Song Thao


Thánh Andrew Dũng-Lạc

Ngày 5 tháng 11 năm 2018, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã gửi “Đơn Kiến Nghị Khẩn Cấp” do Hồng Y Nguyễn văn Nhơn và Giám Mục Chu văn Minh ký, yêu cầu thành phố Hà Nội đình chỉ việc ngang nhiên xây dựng trên đất của tòa Tổng Giám mục. Khu đất này chính là khu trường Dũng Lạc trước kia.

Tin xấu này làm nhiều người bất bình. Tôi là học sinh trường Dũng Lạc trong bốn niên khóa từ năm 1950 đến 1954, từ Đệ Thất đến Đệ Tứ, nên xót xa cho mái trường xưa, mái trường mà ít ngày trước đây tôi thẫn thờ nhớ khi cô cháu tôi từ Việt Nam qua chơi, đã mang qua cho tôi cuốn học bạ bốn năm tại trường Dũng Lạc. Cuốn sổ mỏng, vàng ố, chỉ có 16 trang, ghi lại thành tích học tập của tôi trong bốn năm học Trung Học Đệ Nhất Cấp này. Học bạ được in tại nhà in Tiến Long, 25 phố Nhà Chung, Hà Nội. Phố Nhà Chung, con phố ngắn nhưng rất thân thuộc với học trò Dũng Lạc.
(more…)

Song Thao

Cái tựa “Đứng Ngẩn Trông Vời” nghe chênh vênh hụt hẫng. Đó mới chỉ là nửa câu thơ. Nửa câu tiếp chắc ai cũng biết “áo tiểu thư”. Tác giả cũng xác nhận sự nửa vời này bằng cách trích nguyên văn bốn câu thơ của Huy Cận ở đầu truyện cùng tên.

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ,
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư

Người “trông vời áo tiểu thư” là cu cậu Bê vừa tới tuổi choai choai. Bỗng một buổi sáng, bà mẹ nhận ra anh con trai đã lớn: “Tự đó đến giờ, Bê có hề để ý đến áo quần của Bê đâu. Áo quần của người khác lại càng chẳng quan tâm. Vậy mà, tự lúc nào Bê biến trong phòng tắm lâu hơn để chải đầu, xịt keo lên tóc trước khi đi học. Bê bớt mặc cả với tôi từng phút xin ngủ nướng mỗi sáng. Có ngày, Bê còn xăng xái tự thức dậy sớm để đủ thời giờ “trang điểm”. Bê cứ băn khoăn sao tóc mình hay bị chĩa. Ở nhà, Bê đội suốt cái nón len, để những sợi tóc mất trật tự được ép đi vào khuôn khổ”.
(more…)

Đạp

Posted: 17/08/2018 in Phiếm, Song Thao

Song Thao


Học sinh Chu văn An biểu tình bằng xe đạp năm 1954

Chúng ta hầu như ai cũng có những kỷ niệm với xe đạp. Tôi cứ nói đại như vậy, trúng được phần nào hay phần đó. Nhưng nếu hỏi ai không có kỷ niệm với xe đạp, coi bộ không có ai giơ tay. Thôi thì tôi kể kỷ niệm của tôi trước.

Ngay sau khi di cư vào Nam, năm 1954, trường Chu văn An mở lại tại Sài Gòn, chỉ có đệ nhị cấp, từ lớp Đệ Tam tới Đệ Nhất. Tình hình lúc đó rất lộn xộn. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm vừa chấp chánh, phải lo ổn định đời sống của trên một triệu đồng bào di cư từ Bắc vào Nam, lại phải lo thù trong giặc ngoài. Lớp học sinh di cư chúng tôi hồi đó, từ 16 tới 18 tuổi, phải tiếp tay chính quyền. Chúng tôi thường xuyên tổ chức những cuộc biểu tình mỗi khi có biến cố xảy ra để ủng hộ Thủ Tướng Diệm. Biểu tình toàn bằng xe đạp. Ai chưa có xe đạp thì đèo nhau, xe hai người, xe ba người. Cuộc biểu tình khí thế nhất là đi bắt tên tướng cộng sản Văn Tiến Dũng tại khách sạn Majestic. Chúng tôi xuất phát từ trường tới khách sạn ở bờ sông Sài Gòn. Biểu ngữ lớn nhỏ rợp trời. Nhỏ thì do các bạn ngồi ở tay ngang xe đạp cầm. Lớn thì giăng ngang do người được đèo trên hai xe đạp song song nhau vác. Khi tới nơi, chúng tôi tập trung phía bên ngoài, hô khẩu hiệu rất khí thế. Khi nộ khí của chúng tôi lên cao, chúng tôi vứt xe đạp ngổn ngang ngoài đường, xông vào khách sạn, tìm phòng của tên tướng cộng sản. Tôi cùng vài bạn xông lên các tầng cao. Khách trọ tại khách sạn hoảng hốt chạy ra hành lang. Có các ông tây chạy thục mạng. Có các bà đầm không kịp mặc quần áo, quấn khăn tắm hoảng hốt chạy ra hành lang. Chúng tôi trấn an các khách của khách sạn và cho họ biết chúng tôi chỉ tìm cộng sản. Xe cứu hỏa tới phun nước dẹp, cảnh sát tung lựu đạn cay. Cuối cùng đám biểu tình tan. Bên phía học sinh chỉ có  một anh bạn cùng lớp Đệ Tam C với tôi bị kíp lựu đạn văng trúng mắt, sau bị hư luôn một con mắt. Chúng tôi vội tìm xe ra về. Không một chiếc xe nào lạc chủ!
(more…)

Song Thao

Sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam vào tháng 4/1975, toàn dân miền Nam, nếu chậm chân không leo được lên tàu di tản, đều sống trong những tháng ngày buồn. Nhưng cô nữ sinh 18 tuổi Ngọc Ánh, hơn mọi người, đã phải chịu cảnh buồn hiu. “Ngày Tháng Buồn Hiu” là tập hồi ký của Ngọc Ánh, con một cán bộ Việt cộng có vai vế, nhưng không chấp nhận được chế độ mà cha chị đã say mê tham gia tranh đấu. “Ba tôi là một người Cộng Sản, ông đã tham gia cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp chống Mỹ, các chị em tôi lớn lên ở Sài Gòn, nằm trong lòng “địch” nhưng cả nhà đều là những chiến sĩ xung kích trên khắp các mặt trận ở miền Nam cho tới ngày “giải phóng”. Má thì nuôi giấu cán bộ Việt cộng, các chị em thì làm giao liên. Sau ngày 30/4/75, ba và chị tôi được đón về từ nhà tù Côn Đảo như những người vinh quang nhất trong ngày vui đại thắng, gia đình tôi là một địa chỉ đỏ của thành phố với nhiều huân chương kháng chiến chống Mỹ được treo đầy tường”.
(more…)

Song Thao

Những ngày cuối tháng 5 của 43 năm trước, là mùa sách nạn của dân chúng miền Nam. Cộng sản vừa cướp được Sài Gòn đã vội ra lệnh tịch thu tất cả sách báo miền Nam mà họ gọi là “văn hóa đồi trụy và phản động”. Họ huy động từng đoàn thanh niên học sinh, mang xe ba gác đi từng nhà lục soát sách mang đi đốt giữa những bộ mặt hốt hoảng, bất lực pha lẫn ngậm ngùi của chúng ta. Một bài báo của một tác giả vô danh tôi lượm được trên internet truy niệm cho những cuốn sách vô tội bị hỏa thiêu: “Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn. Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế. Đứa may trốn thoát. Tôi có đứa cháu trai, hồi đó 6 ,7 tuổi. Khi đi di tản năm 1975, cháu chỉ mang cặp sách của cháu và nhặt một cuốn sách giáo khoa tâm lý học tôi viết thời đó. Sang sau vài năm, cháu đưa lại cho tôi. Kể cũng mừng và cũng buồn cười. Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói sôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít. Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi. Các cháu ngoan bác Hồ. Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng. Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở”.
(more…)

Song Thao



Mẹ Têrêsa và chữ ký của Mẹ

Tôi nghĩ người được nhiều người gọi là mẹ nhất trên thế giới khi còn tại thế phải là mẹ Têrêsa. Con người nhỏ bé, ốm yếu, đứng trong đám đông nào cũng lọt thỏm hầu như mất tích, lại là một trong những con người lớn lao nhất thế giới. Sự lớn lao tạo thành bởi những điều nhỏ bé của mẹ: chăm sóc những người nghiện ngập ma túy, người hấp hối, cô nhi, người vô gia cư, những người bị bỏ rơi. Toàn những loại người bị người đời lánh xa, khinh rẻ, không muốn động tới. Một lần mẹ và một chị nữ tu đang săn sóc vết thương gớm ghiếc cho một người bệnh, một ông nhà giầu bỉ thử: “Có cho tôi một triệu đô để làm việc này, tôi cũng chịu thua!”. Mẹ Têrêsa trả lời: “Có cho chúng tôi mười triệu đô để không làm việc này, chúng tôi vẫn làm. Vì tình mến Chúa”.
(more…)

Song Thao

Tháng 4 năm 2005, đánh dấu 30 năm xa xứ của con dân đất Việt. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng lúc đó đang giữ chức Chủ Bút của Viet Mercury, ấn bản Việt ngữ của tờ báo Mỹ Mercury ở San Jose, hú tôi viết bài cho số đặc biệt về ngày 30/4. Thực ra tôi chẳng muốn nhắc chi tới những giây phút đau lòng đó, nhưng bạn đã hú thì phải viết. Đây là bài viết của tôi ngày đó, 13 năm trước đây. (ST)

Tiếng súng vẫn ì ầm vọng về cho tới khi Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội hạ súng. Gia đình tôi co cụm trong góc nhà, dưới gầm cầu thang bằng bê-tông chắc chắn, hồi hộp nghe những lời chấm dứt cuộc chiến từ chiếc máy thu thanh chạy pin đặt trên sàn xi măng. Tôi tái mặt. Như có một tấm màn đen được tung ra phủ ập vào mắt. Mẹ tôi òa khóc. Rồi chúng mày sẽ ra sao? Bà có sáu đứa con thì hai đứa đang làm công chức, một đứa là sĩ quan Hải Quân, hai đứa đang dạy học tại trường công lập và một đứa nội trợ. Tôi như người mất hồn loạng choạng bước ra đi tìm một ly nước lạnh. Vợ tôi, mặt rũ rượi, bồng đứa con nhỏ mới bốn tháng lên nhà trên. Đứa con lớn hai tuổi chẳng hiểu chuyện gì ngơ ngác nhìn mọi người. Chẳng ai buồn nói năng. Như trong nhà đang có tang. Chiến tranh đã kết thúc như thế trong nhà tôi, một căn nhà như mọi căn nhà nằm trong vùng Thị Nghè, chỉ cách Saigon một con kinh nước quanh năm đen kịt, vào ngày tận của tháng Tư năm 1975.
(more…)

Song Thao
Tưởng niệm nhạc sĩ Trường Kỳ mất ngày 22 tháng 3 năm 2009.


Nhạc sĩ Trường Kỳ (1946-2009)

Có những lúc ngồi viết bài tôi bỗng thấy cần Kỳ. Ngày trước (cũng chỉ bảy tháng nay chứ mấy, nghe sao mà xa xôi!), ngồi nơi bàn computer, tôi biết chỉ cách tôi vài cây số đường chim bay, Kỳ cũng ôm chiếc máy kềnh càng của anh, có gì cần hỏi về nhạc, tôi nhấc phôn đã có Kỳ ngay đầu dây. Nhà tôi cũng như nhà Kỳ đều có máy ghi số phôn gọi đến. Dứt hồi chuông, giọng ấm áp của Kỳ đã nhanh nhẹn hỏi: “Anh Song Thao, khỏe không anh?”. Thường thì sau câu chào hỏi đó chúng tôi đi ngay vào chuyện muốn hỏi. Cả hai đều biết bạn mình không có nhiều thời giờ cà kê. Nhưng có những lúc buồn tình, chẳng biết sao mà tự nhiên thấy cần bạn, chúng tôi gọi nhau tán dóc đủ thứ chuyện. Có những khoảnh khắc, mọi chuyện đều là chuyện nhỏ, chỉ có những câu chuyện vẩn vơ cùng những tiếng cười thoải mái của bạn bè là đáng kể. Kỳ khác tôi ở chỗ anh ít cười nhưng có sao, chính lối nói chuyện thân tình và ấm áp của anh đã thay cho tiếng cười.
(more…)

Song Thao

Cuộc vượt biên vào năm 1979 của gia đình Võ Kỳ Điền được nhà nước cộng sản tổ chức theo kiểu “bán chính thức”. Anh đi với vợ và đứa con trai nhỏ chưa biết nói. Tàu lớn, rời bến được bảo đảm an toàn vì đã nộp vàng đầy đủ. Ra khơi gặp mưa gió thuận hòa nên chỉ ba ngày là tới bến. So với nhiều cuộc vượt biên khác, có thể gọi là một cuộc đi dạo biển! Vậy có chi mà phải phiền tới cây viết, nhất là trước 1975, anh chưa bao giờ sáng tác. Anh cũng biết vậy nhưng anh vẫn viết.
(more…)