Song Thao
Trong lần tới thủ đô Reykjavik của hòn đảo băng giá Iceland, tôi đã có dịp tới một bảo tàng viện có một không hai trên thế giới: bảo tàng Icelandic Phallological Museum. Bảo tàng này trưng bày có một thứ duy nhất: bộ phận sinh dục nam của các loài có vú. Có tất cả 282 cái nhũng nhẵng của 93 loài động vật có vú kể cả con người. Bảo tàng này vụ vào các loài động vật hơn là con người. Phần con người chỉ có vài cái của người tiền sử và một bộ của 15 thành viên đội bóng ném quốc gia khi đội này đoạt được huy chương bạc tại Thế Vận Hội Bắc Kinh vào năm 2008. Bộ này chỉ là thứ giả, được đúc bằng bạc. Dĩ nhiên có lấy ni tấc đàng hoàng. Chúng được xếp trong một chiếc hộp bằng kính dưới bức hình chụp toàn đội bóng. Người ta không thể nhìn thứ tự trên bức hình để xác định chủ nhân của từng của quý bằng bạc bên dưới. Họ đã xáo trộn lung tung để giữ phần riêng tư cho các cô vợ trẻ của các tuyển thủ.
Coi chán chê vũ khí của cá voi, hải cẩu, dê và nhiều loài thú khác, tôi bỗng bất bình. Tại sao người ta lại trọng nam khinh nữ như thế này. Đực thì phô ra dưới đèn đuốc sáng trưng trong khi cái thì không được bình đẳng như vậy. Sự bất bình của tôi lòi ra cái dốt. Người ta có từ khuya mà tôi chẳng biết cái chi chi.
Vậy thì phải tìm cho được cái chi chi. Cái tôi tìm được không phải là một bảo tàng viện mà là một cuộc triển lãm ngắn ngày, từ 6/5/2011 đến 31/5/2011, tại Anh. Tên cuộc triển lãm là “Great Wall of Vagina”. Vạn Lý Trường Thành…Bướm. Đặt tên cho oai vậy chứ thật ra chỉ có 400 mẫu. Nhưng số lượng khiêm nhường này cũng thu hút đông đảo khách tới chiêm ngưỡng. Đừng tưởng bở là được tận mắt thấy thứ…tươi. Phòng triển lãm bày ra các mẫu vật bằng thạch cao, được sắp xếp sát nhau trên 10 tấm bảng, mỗi tấm 40 mẫu. Cách sắp xếp này giúp người xem thấy rõ sự khác biệt về hình thể của mỗi mẫu vật. Chủ nhân các mẫu này là những tình nguyện viên, tuổi từ 18 đến 76, thuộc đủ các tầng lớp xã hội. Điêu khắc gia Jamie McCartney, tác giả của công trình nghệ thuật này, cho biết ông chú trọng đặc biệt tới các cặp đồng tính, chuyển giới, song sinh hay mẹ con. Ngoài ra, ông cũng khuyến khích các tình nguyện viên lấy mẫu hai lần: trước và sau khi sanh hay trước và sau khi làm tình lần đầu tiên. Ông đã mất 5 năm để hoàn thành cuộc triển lãm này.
Giới truyền thông cho đây vừa là những tác phẩm nghệ thuật vừa là công cụ giáo dục giới tính trực quan. Phần tác giả, ông coi đây là một cái nhìn toàn diện và đứng đắn về cơ quan sinh dục nữ: “Cơ quan sinh dục nữ đã từ lâu được coi là nguồn gốc của những đam mê và tội lỗi. Nhưng thực tế chúng không chỉ có ý nghĩa tính dục mà mỗi âm hộ đều mang bản sắc riêng và là một phần tạo nên cái tôi của mỗi cá nhân, giống như khuôn mặt vậy”.
Có lẽ muốn đi tìm những “khuôn mặt” một cách rốt ráo nên ông Jamie McCartney đã có một dự án khác: làm mẫu thạch cao âm hộ của phụ nữ của mỗi quốc gia trên trái đất. Ông đang thực hiện, chẳng biết bao giờ mới xong để cho bà con biết cái này cái kia trên thế giới khác nhau ra sao. Vì muốn cho dự án này hoàn toàn trung lập nên ông dùng chữ quốc tế Esperanto để đặt tên của dự án: mondcivitano. Mondcivitano có nghĩa là “công dân thế giới”. Tôi vào internet để kiếm tài liệu về dự án này. Thường thì tôi rất chịu khó tìm tài liệu, chuyện này tôi lại chịu khó hơn. Ông đã liệt kê tên các quốc gia ông dự tính lấy mẫu. Tổng cộng có 176 nước trong đó có Việt Nam. Mỗi nước ông chỉ lấy một mẫu, ai ghi danh trước sẽ được ông chọn, không phân biệt hình thể của lá lẩu. First come first served! Những nước sau đây đã được lấy mẫu xong, các bà các cô chậm chân không còn cơ hội nữa: Bỉ, Canada, Chile, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hồng Kông, Hungary, Ấn Độ, Iran, Ái Nhĩ Lan, Jamaica, Latvia, Mã Lai, Hòa Lan, Tân Tây Lan, Nicaragua, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Nam Phi, Sri Lanka, Thụy Điển, Ukraine, Venezuela và Mỹ. May quá, Việt Nam chưa được lấy mẫu. Đồng hương của chúng ta còn hy vọng được…triển lãm.
Trong số các nước đã được an bài có Mỹ. Các bà chậm chân làm dữ khi không được dịp khoe. Không biết có phải các bà Mỹ thuộc loại to miệng không mà điêu khắc gia Jamie McCartney phải chịu thua. Ông nhận sẽ làm một dự án khác riêng cho các bà Mỹ, mỗi tiểu bang được một đại diện. Phải công nhận cồng của các bà Hoa Kỳ to!
Điêu khắc gia người Anh Jamie McCartney bận rộn với phần riêng tư của các bà thì họa sĩ Phan Nguyên của Việt Nam cũng bận rộn không kém. Ông đã có cả một bộ tranh mang tên Sexus để mô tả chốn thâm cung của các bậc nữ lưu. Ông đang ở chơi với chúng tôi tại Montreal. Tôi lân la hỏi chuyện ông. Ông cho biết bộ tranh gồm khoảng trăm bức, vì là các tác phẩm nghệ thuật nên dĩ nhiên không cái nào giống cái nào. Nghĩ ông làm việc giống như ông Jamie McCartney nên tôi nhìn ngưỡng mộ người đã trăm lần bắt bướm. Ông vội chối bai bải. Đâu có mất thời giờ như vậy. Nó đã dính trong đầu nên khi ông họa là ra liền.
Ngày chúng tôi tụ họp nhậu nhẹt, ông Luân Hoán bị sút chân giả nên không tới được tuy ông rất muốn gặp lại ông họa sĩ nòi tình này. Bởi vì ông Luân Hoán vốn dĩ cũng nòi tình không kém. Thơ ông vương vấn chốn…phồn hoa này hơi nhiều. Không gặp được tri kỷ, ông gửi tặng ông họa sĩ một bài thơ. Tôi trích ra một đoạn:
hiển linh thần hồn diệp
ấm lạnh nguồn sinh tình
huyền bí động dục lạc
mộ địa u u minh
tuyệt đỉnh ngọn hạnh phúc
ý nghĩa cả đời người
tất cả đều quy tụ
âm sắc tình tuyệt vời
bí hiểm tòa kiến trúc
hang ổ hiển hung thần
ẩn hiện trong lồ lộ
giữa cuộc sống thế nhân
Mấy ông bạn thơ thẩn của tôi hầu như ông nào cũng chạm tới chỗ “hiển linh thần hồn diệp” này cả. Có điều các ông thiếu can đảm. Cũng phải cảm thông với cái khó của mấy ông. Ngay bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, thơ rất bỗ bã, mà cũng chỉ chạy vòng ngoài. Khi thì mượn quả mít, lúc thì vớ con ốc nhồi, khi thì chiếc quạt, lúc cái giếng.
Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông
Giếng tót thanh thơi rất lạ lùng
Cầu trắng phau phau hai ván ghép
Nước trong leo, lẻo một dòng thông
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lội giữa dòng
Giếng ấy thanh tân ai đã biết
Đố ai dám thả nạ rồng rồng
Cái giếng này có nhiều tên tục trong chốn dân gian mà chúng ta thường…kỵ húy. Vùng cấm xã hội không cho chúng ta nói huỵch toẹt ra. Nhưng dân gian thì khác. Chỉ là cái tên. Thằng cu cái hĩm chẳng cần care. Ca dao bình dân cứ phứa phựa. Trong bài viết “Thằng Cu và Cái Hĩm Trong Ca Dao”, tác giả Mạc Thực Thái Doãn Chất đã sưu tầm được một số ca dao chẳng có vùng cấm này. Ông viết: “Không phải ngẫu nhiên mà từ ngàn xưa hai “cái ấy” và “chuyện ấy” đã hiện hữu trong văn chương bác học và văn chương bình dân, trong đó có ca dao, tục ngữ. Đó là đề tài muôn thuở, là thứ “vàng ròng” làm cho con người vui vẻ, khỏe khoắn, ham sống, ham chiến đấu và trẻ trung hơn. Nếu không có nó thì “mặt trời sẽ tắt”! Và cuộc đời của mỗi con người sẽ giảm phần hứng thú, thú vị”.
Tác giả Thái Doãn Chất là người rất công bằng. Ông bàn về cả hai thứ của hai phía. Trong phạm vi bài này, tôi bỏ qua phía nam nhi mà chỉ nói về sự tình của nữ nhi. Ông dẫn chứng nhiều câu gọi tên húy của vật thể có thể làm “mặt trời sẽ tắt” này. Bạn đọc nào có óc nghiên cứu thâm sâu có thể vào internet tìm bài của ông Thái Doãn Chất một cách dễ dàng. Tôi chỉ vớt vát được một câu hợp với cái tựa của bài này nhất. Bướm đồng động đến thì bay / Bướm nhà động đến lăn quay ra giường.
Bướm là thứ làm các bậc quân tử khoan khoái cả xúc giác lẫn thị giác. Chỉ kính nhi viễn chi mà hồn vía đã mây bay.
anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước
miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi
ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
em chưa đái mà hồn anh đã ướt
Bốn câu thơ này của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn nhưng nói chuyện…ướt phải nhắc tới nhà thơ Bùi Giáng. “Tôi thỉnh thoảng nhớ về Bùi Giáng. Mỗi lúc mỗi khác. Khi thì nhớ tới ông – lão già bẩn thỉu dắt một xâu chó lôi thôi đứng ngơ ngáo trên đường. Khi thì nhớ một lão nông tỉ mẩn nhặt gạo nấu cơm, ăn với muối mè. Cũng không hiếm khi nhớ cặp kính dày cộm cúi trên trang viết – nét bút như trẻ con, to và không thẳng hàng cho mấy. Còn thì chưa dám nói với ai rằng nhớ Bùi Giáng – một thằng cha phóng đãng say sưa nằm mọp xuống nhìn phụ nữ…làm ra mưa móc (xin lỗi!)”. Đoạn trích này là của tác giả Phan Thị Như Ngọc trong bài “Ba Ngày Bùi Giáng” đăng trên tạp chí Văn, xuất bản tại California, số 101 & 102, tháng 5 & 6 /2005.
Tác giả Phan Thị Như Ngọc có mối duyên kỳ ngộ với nhà thơ. Cô từ Đà Lạt xuống chơi với người bạn là một tăng nhân tại Đại học Vạn Hạnh. Phòng của người bạn cô bữa đó có nhà thơ Bùi Giáng dạt vào ở nhờ. Anh đành đi ngủ nơi khác, nhường giường cho cô ở chung phòng với Bùi Giáng. “Bùi Giáng nhỏ người, mặc bộ bà ba trắng rộng, Chung quanh chỗ ông ngồi là mùng màn, quần áo, mấy cái bị giang hồ bừa bộn. Chưa đủ lỉnh kỉnh, còn thêm một lồng chim cút dưới chân giường, cái siêu sắc thuốc, cái bếp dầu, soong nồi. Cứ như đàn bà nhà quê đi tản cư…Tôi nhìn nồi cơm đang sôi, màu đỏ quạch và chén muối mè thơm thơm, hiểu là ông đang theo phương pháp Oshawa ăn gạo lức muối mè. Bác bị làm sao mà ăn uống cực vậy? Bị điên! Sao lại có thể nói tỉnh táo về khái niệm không tỉnh táo thế nhỉ. Điên mà còn biết là điên thì có thực điên không? Tôi hỏi như vậy. Ông nói tự nhiên, điên thiệt chứ. Mỗi khi gần tới cơn thì đón xe lên Biên Hòa. Bớt thì lại ra. Tôi hơi hãi. Không biết bây giờ ông ta đang thế nào, đã “sắp” chưa?”.
Chẳng phải chờ lâu, nhà thơ lên cơn điên, cái điên ai cũng muốn có được. Buổi tối, tác giả dậy, rón rén đi vào toilet. “Thấy tôi vào nhà tắm, Bùi Giáng bật dậy, vào theo. Tôi tái mét. Ông ta ôn tồn. Cho coi một chút thôi. Cô ngồi xuống tưới cỏ cây đi, tui nằm coi. Mát mẻ con mắt vậy mà, mai mốt cỏ trên mồ cũng mát theo. Trời ơi! Toàn “m” – mát mẻ, mai mốt, mồ mả, mắt mũi…lùng bùng đầu óc. Tôi không giận, và cũng nghĩ ông không đùa giỡn, suồng sã. Chỉ là ngạc nhiên. Sao lại lúc này, lại là tôi. Những “mẫu thân” của ông đâu hết? Tại sao ông trở đi trở lại câu thơ Nguyễn Du. “Sè sè nấm đất bên đường, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” khi nằm nhai gạo lức trong bóng đêm?”.
Trước ngày tác giả trở về Đà Lạt, cô thấy một mẩu giấy được kẹp dưới chiếc dép cô để bên gầm giường. Rõ ràng gửi cho cô. “Đợi một ngày, còn chuyện nhờ đó”. “Chuyện nhờ vẫn là chuyện cũ, song thái độ thiết tha và ánh mắt trẻ con rưng rưng chỉ cần tôi nói không là òa khóc khiến tôi cầm lòng không được, lảy câu Kiều: “Đã lòng dạy đến, dạy thì xin vâng”. Trút bớt xiêm y, ngồi xuống, và mưa. Bùi Giáng nằm dán mắt nhìn mưa móc cỏ hoa và mặt đất tràn bờ, dập dềnh. Mặt ông chói rực luồng sáng riêng tư, hoàn toàn không thể hiểu biết và chia sẻ. Mái đầu nhiều tóc bạc, gương mặt dãi dầu, gầy gò, hai tay nhăn nhúm đen xạm…Tất cả như nở hoa, hân hoan từ mặt đất, mặt nước trên lầu bốn. Dưới đường vẫn ngược xuôi xe cộ, tiếng động của đời sống con người vẫn vọng lên đều đặn. Không ai biết mắt người điên Bùi Giáng vô cùng trong sáng, đẹp sững sờ!”.
Chuyện nhìn phái nữ xả nước có lẽ là cái thú triền miên trong lòng nhà thơ điên điên tỉnh tỉnh. Chẳng ai dám quả quyết là ông điên, cũng chẳng ai nghĩ là ông tỉnh. Ông như một thứ trích tiên xuống đời này chỉ để coi những cánh bướm làm mưa. Ông đã thực sự đã con mắt với cơn mưa của cô Phan thị Như Ngọc . Nhưng biết thế nào cho đủ. Nhà văn Nguyễn Quang Lập kể lại trong một bài viết vào năm 2009. “Mình nói nghe anh Tường kể Bùi Giáng yêu Kim Cương mà, anh Cung Tích Biền nói yêu văn thơ vậy thôi, có động được cái lông l. nó đâu, chỉ béo thằng Trần Trọng Thức thôi. Anh Biền đọc thơ Bùi Giáng gửi Kim Cương, mình thấy hay hay, chép lại ngay:
“Nếu ngày mai tôi chết đi, mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt
thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được
(Nhớ nhỏ ngay trên mồ)
ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười đón nhận
(ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)”
Mình cười khì khì nói thơ hay, yêu vậy mới là yêu, anh em mình toàn giả đò yêu thôi. Anh Biền nói chà, có con nào thì ăn tươi nuốt sống ngay, chờ đến khi chết nó tụt quần đái cho vài giọt thì sung sướng cái nỗi gì. Mà mình đã nằm trong hòm rồi, nó đái trển, cũng có thấy bướm nó đâu. Mình cười rũ. Cười xong thì thấy thương Bùi Giáng dại gái thế thì xưa nay hiếm”.
Ông Nguyễn Quang Lập thấy thương. Tôi thấy mắc mớ chi phải thương. Hàng vạn người lũ lượt vào phòng triển lãm của nhà điêu khắc Jamie McCartney, phải trả tiền, chỉ để coi bướm bằng thạch cao. Ông Bùi Giáng, chỉ cười nụ cười trẻ thơ, được coi bướm thiệt, cử động đàng hoàng. Thiệt “đã đời du côn”!
Song Thao
10/2019
Website: www.songthao.com
Nguồn: Tác giả gửi