Phạm Xuân Nguyên

Tôi gặp Trương Văn Dân khoảng dăm năm trước. Một phóng viên báo Đại Đoàn Kết giữ mục Nhịp cầu liên hệ với người Việt Nam ở nước ngoài gọi điện bảo tôi là có một cộng tác viên của báo ở Italia thường về nước, anh có viết văn, nên muốn giới thiệu với tôi để làm quen và giao lưu. Thế là tôi gặp anh Dân, hình như buổi gặp đầu tiên ở quán nước cạnh Viện Văn học cơ quan tôi trên phố Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ấn tượng ban đầu anh Dân gây cho tôi là con người anh chất phác và đôn hậu. Cái chất người đó của anh hiển hiện tự nhiên ở dáng vẻ bên ngoài và ở cách trò chuyện. Sau này còn gặp nhau nhiều lần, khi một mình anh, khi có cả chị vợ anh người Italia, tôi càng thấy sự chất phác và đôn hậu đậm rõ ở anh Dân. Sống ở nước ngoài hơn ba mươi năm có lẻ, mà lại là ở những trung tâm văn hóa lớn của châu Âu, nhưng hình như cái chất dân quê ở người chuyên gia hóa dược đã qua tuổi tri thiên mệnh này chẳng hề phai nhạt, vơi giảm. Quen nhau rồi, mỗi lần gặp, anh thường đưa tôi một vài truyện ngắn, một vài bài viết lẻ, nói đọc chơi cho ý kiến, nói có thể đăng đâu đó được thì đăng, cho vui. Từ lần gặp đầu tiên anh đã nhờ tôi sắp xếp gặp một số nhà văn ở Hà Nội và sau đấy mỗi lần anh về nước ra bắc là Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà và tôi lại được hội ngộ cùng anh. Ngay từ đầu anh đã khiêm nhường không coi mình là nhà văn, chỉ là người thỉnh thoảng có viết văn như một nhu cầu thúc bách nội tâm, như một giãi bày tâm trạng, với chính mình trước hết. Giữa đám anh em văn sĩ ồn ào cười nói, vui đùa chọc quấy, nói đủ thứ trên trời dưới bể, bàn hết chuyện đông tây trong ngoài, anh Dân ngồi lẳng lặng nghe, bia rượu không uống, đồ mồi ít chạm, thi thoảng góp đôi ba câu chuyện nhỏ nhẹ, hiền lành. Cứ thế, anh đã thành bạn của tôi, của chúng tôi một cách tự nhiên, giản dị.
(more…)