Một ngày với “trái tim vàng”

Posted: 16/09/2013 in Từ Sâm, Truyện Ngắn

Từ Sâm

thuong_binh

Sáng,

Xếp gọi sớm “cậu đi công tác nhé, nhớ lên tài vụ ứng vài chục triệu”. Chà, cái thằng nhân viên quèn chuyên lo chuyện nhà ăn, nhà bếp của công ty như bà nội trợ trong nhà, cả đời chưa biết đi công tác thì đây là dịp may. May thật vì trưởng phòng của tôi tối hôm qua nhậu xỉn rồi nằm luôn trong nhà tắm mà ngủ. Vì ngủ riêng nên sáng vợ mới biết, gọi báo với xếp xin nghỉ một ngày để củng cố sức khỏe bản thân. Nhậu với xếp nên xếp cho qua chứ nhậu với thiên hạ thì chỉ có ra ngoài đường mà kiếm việc.

Xe đậu bên khuôn viên hội trường có dòng chữ “Hội nghị tổng kết phong trào thi đua Trái tim vàng”. À ra thế.

Xếp vừa mở cửa xe thì đám  phóng viên bu tới như đám gián bu miếng thịt ôi. Tôi đoán thế  vì họ đeo máy ảnh, máy quay phim bên hông như cảnh sát cơ động mang súng ống.

– Chào anh Tốn, em là Móc bên DTV, anh nhớ chứ. Xếp tôi chưa kịp chào lại thì hắn móc ra từ chiếc cặp căng như bong bóng heo một cái đĩa CD chìa ngay trước mặt Xếp như chìa giấy báo nợ. “TV phát chương trình thì anh xem rồi, đĩa này em in thêm kỷ niệm anh”. Tôi nhớ ra là đã xem trên TV Xếp phát quà cho các cháu khuyết tật trường “Hy vọng màu da trời (từ chữ thanh thiên được Việt hóa cho khỏi phụ thuộc chữ Tàu)”. Xếp nói nhỏ vào tai tôi “hai triệu nhé”. Tôi che cặp, mở và đóng phong bì. Xếp bắt tay hắn “đây là tiền in đĩa”. Hắn cám ơn rồi lủi như chuột.

– Ôi dà, gặp người hiền như gặp Bụt, em là Xin bên báo Xã hội con người (tránh nhầm với báo Xã hội con vật).“Biết rồi, quen nhau giới thiệu bằng thừa”, Xếp cười nửa miệng. Hắn  rút ra một tập báo giơ cao trước mặt Xếp như cấp trên trao quyết định thăng chức cho cấp dưới, “biết anh có rồi, nhưng em mua thêm để anh tặng bạn bè, hôm đó trời thương nên ảnh của anh đẹp hơn ảnh chủ tịch tỉnh”. Đó là bài báo viết về tặng quà cho đồng bào dân tộc. Xếp mặc com lê cà vạt bên cạnh gìa làng quần đùi chân đất. Lũ trẻ con ngực trần trong giá lạnh cao nguyên, chúng sờ mó cái xe tiền tỉ như trên trời rơi xuống nên đứa nào cũng tươi như hoa. Bức ảnh “xao xuyến” lòng người về “tính đồng cảm”. Xếp lại nói nhỏ vào tai tôi “hai triệu nhé”. Xếp bắt tay hắn “đây  là tiền báo…”. Hắn lí nhí cám ơn rồi lẫn vào đám đông như thằn lằn bỏ đuôi chạy trốn.

Một tay bặm trợn râu ria như xã hội đen kéo một đoàn dăm bảy người sà tới. Lỉnh kỉnh đồ nghề như quân trang quân dụng thời chiến. Một em chân dài dí mi cờ rô sát vào mồm như Xếp đang ăn chuối. Té ra họ đã hẹn trước một cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị.

Xong việc, tay râu ria (tôi đoán là đạo diễn) xua đám lính tráng dọn máy,  nói với xếp vừa đủ nghe “em sẽ bố trí góc máy để anh xuất hiện liên tục, mấy thằng ủng hộ nhiều mà em cho ra rìa coi như bằng không”.  Xếp tôi “cứ thế nhé, cứ thế nhé” liên tục như băng cát sét.

Xếp lại nói nhỏ “mười triệu nhé, mấy thằng này là TV trung ương”.

Ban tổ chức mời đại biểu vào hội trường, còn thằng không là đại biểu như tôi (nhiều lắm) tự tìm bóng râm hoặc ngồi  bãi cỏ mà chờ.

Tôi nghĩ thầm, lương mình chỉ vài ba triệu, thằng con mua cái đĩa năm chục ngàn, còn tờ báo chỉ đáng bốn ngàn. Hiện hình trên TV dăm bảy phút là mười triệu, Xếp tôi không những có trái tim vàng với các hoàn cảnh khó khăn mà còn có trái tim “vàng” với nhà báo thì quả có gì bằng. Bái phục, như thế mới là người đáng kính, hèn chi trời cho Xếp làm to. Mua cho con hộp sữa đặc có đường mà vẫn chọn loại gần hết đát cho rẻ nên mình làm nhân viên là đúng rồi. Tôi tự thỏa mãn.

Trưa,

“Đến nhà hàng Con Sẻ Tre cho đỡ nhớ quê nhà”, Xếp bảo thế.

Cánh báo chí, cánh thi đua chỉ chờ Xếp vẫy tay là xong, ai cũng tự tìm đến, chỗ quen thuộc mà. Tôi chẳng thấy con sẻ đâu, toàn thấy rắn, rùa, tôm hùm và rượu tây chính hiệu.

Tôi thanh toán gần chục triệu, vừa tiếc tiền vừa bực bội vì thiếu cái món canh rau muống là không nuốt được cơm. Ra đến cửa phòng thì Xếp vỗ vai nói nhỏ “năm trăm nhé”. Tôi đực ra không hiểu thì một em tuổi chừng con gái Xếp toe miệng cười như pháo bông. Tôi hiểu rồi, tiền bo.

Tôi thực sự ngưỡng mộ Xếp vì tấm lòng cao thượng mà tôi có dịp nhìn thấy.

Loay hoay xong bữa thì đã xế.

Chiều,

Chúng tôi vào quán cà phê. Một ly năm chục ngàn không phải cà phê ngon mà do có các em cặp đùi mát như que kem đi động.

Nhạc nhẹ như gãi ngứa lưng. Cà phê đen như gần mực.

Một người bán vé số cụt hai chân đi bằng hai tay trên hai chiếc ghế xổm. Tôi hỏi, ông nói là thương binh, không biết thật hay giả, mà thật giả thì cũng bán vé số giống nhau.

Tuổi ông chừng ngang tuổi Xếp, tóc bạc xem xém như nhau nhưng khác nhau chu vi cái bụng và cái ví đựng tiền.

Ông chìa trước mặt Xếp tập vé bằng hai tay. Xếp  gỡ  kính râm đặt xuống bàn, móc  kính lão lên lựa cho ra số đẹp. Xếp chọn hai mươi tờ chín nút. Ông  vé số mừng quá như mọc thêm chân. Ông dướn người, đụng vào chiếc bàn. Roảng! hai ly cà phê còn phân nửa đổ xuống nhuộm ướt cái chân cụt màu đen. Cái kính râm cũng màu đen vỡ tan từng mảnh. Ông ta mặt xanh như tờ vé số, giọng xin lỗi, xin lỗi như cái loa rè, cái kính vẫn không lành trở lại.

Xếp bình thản phán một câu “kính này tôi mua hai triệu mới mấy ngày, có hóa đơn đây. Tôi tính cho ông triệu tám, bớt mười phần trăm”. (Cái đồng hồ xếp mua một ngày không ưng ý trả lại cửa hàng họ cũng giảm giá như thế). Ông vé số run bần bật như gặp phải bọn trấn lột đêm giao thừa năm ngoái. Ông ta banh túi xách, đếm mãi chỉ hơn trăm ngàn tiền lẻ.

Xếp lấy tập vé số đếm đúng một trăm tám mươi tờ loại mười ngàn, vị chi là triệu tám.

Ông ta chưa kịp phản ứng thì Xếp đứng lên buông một câu như ra lệnh “sòng phẳng nhé, chẳng ai mắc nợ ai”.

Ông ta ngồi thừ một lúc, nước mắt rơi xuống cái chân cụt hòa với màu cà phê như dòng máu đen của trái tim đã chết. Ông ta nhìn trời, nhìn đất rồi chửi đổng một câu, không biết chửi ai, “sao mà ác tăng ác nghiệp vậy trời”. Xếp nghe thấy, bỏ qua tai, đi thẳng. Tôi nhớ đến câu “chó sủa, đoàn người cứ đi”.

Đợi Xếp ra xa, tôi móc ví đưa ông ta hai trăm ngàn, “coi như tôi mua mười tờ mà không trúng. Ông đừng nghĩ xấu về Xếp tôi, ông ấy là người có trái tim vàng, tối ông xem TV sẽ thấy”.

Lên xe thì mặt trời lặn.

Hết một ngày của tôi, một ngày như thực như mơ.

Từ Sâm
Nha Trang  tháng 5 năm 2013
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.