Cao Duyến
Hôm đó, tôi ngồi trên Đài chỉ huy HQ 231, từ Vịnh Thái Lan về sông Cửa Lớn. Nắng ban trưa nhẹ, gió biển theo sông tràn vào mát rượi, tàu cặp bến Năm Căn. Ngồi nhìn sông, nhìn rừng U-Minh, đời lính quên ngày tháng, tôi không nhớ mùa Xuân hay mùa Hạ, chỉ nhớ buổi trưa ngày Chủ nhật, cầu tàu Năm Căn hắt hiu, doanh trại vắng ngắt, những con tàu dập dềnh theo sóng nước ngủ vùi. Bỗng nhiên xuất hiện một gã đeo ba lô nửa bên vai, bộ quân phục bạc màu, đội cát-kết, lửng thững dọc theo bờ sông. Thấy tôi, hắn đi chậm lại, ngập ngừng. Tôi biết ngay anh chàng thuyên chuyển đén đơn vị mình. Ừ phong trần, để rồi tau sẽ cho mi biết thế nào là kỷ cương. Tôi nghĩ thầm rồi đi xuống gặp hắn. Thì ra lính mới học từ Mỹ về, mặt còn búng ra sữa, hiền chứ không như bộ quân phục của hắn.
Phạm Hồng Ân, tôi nhìn bảng tên thấy hay hay. Dáng ấy, người ấy, bộ quân phục làm cho phong trần một thư sinh. Hắn ở thị xã Cà Mau, Năm Căn cũng là quê hương của hắn. Vùng đất nằm chót vót tận cực nam trên bản đồ là đây, chúng tôi đang đứng đây.
Mới đó đã 45 năm, 45 năm lang bạt. Từ rừng xuống biển, từ biển vô sông, ra hải đão. Bến Hải, Cà Mau, chúng tôi cùng đơn vị, rồi xa nhau. Dù nơi đâu, trong tôi vẫn có người bạn. Cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ đến Phạm Hồng Ân, tôi nhớ ngay buổi trưa hôm ấy.
Một lữ khách túi xách mang vai, lửng thững đi mãi đi hoài, chưa bao giờ ngưng nghỉ. Mỗi bước là mỗi kiếm tìm, mỗi thao thức, kiếm tìm và thao thức ấy nhập vào hồn, thành thơ, thành văn, thành ra nhạc. Những tác phẩm thành ra con đường, con đường chạy về phía nghiệp dĩ. Xưa gắn liền với ngòi bút, nay gõ keyboard.
Phạm Hồng Ân đi, vô định. Có thể nói đề tài, cảm xúc tìm đến với Ân, con đường thành ra cuộc đời, Ân đi và chưa một lần định hướng. Với Ân là cảm xúc, là tình thân, bạn hữu làm nên đời sống. Ân hiền như Bụt, tự do chứ không ràng buộc bất cứ một hệ lụy nào trong đời. Ân viết nhiều thể loại, nhiều đề tài, có khi nghe bạn bè kể về một nơi chốn, qua Ân rồi cũng thành thơ. Không có đề tài nào gọi là húy kỵ với Ân, tôn giáo, chính trị, tình cảm xã hội, chuyện đời thường ….. ngay cả viết tuồng cải lương, phiếm luận.
Tôi thích thơ của Ân, mộc mạc, bình dị, chân chất như sông nước Cà Mau, gió biển mặn làm cho thơ Ân mặn, ruộng đồng bao la làm cho văn sáng. Rừng U-Minh không cho Ân sự trầm mặc, nó ủ hồn thơ, chữ nghĩa của Ân, trong khi nghệ thuật thì sáng tạo, cái mới là nhu cầu của người cầm viết. Nhu cầu ấy có khi làm cho văn, thơ của Ân trở nên ngượng nghịu, cái ngượng nghịu dễ thương của ngôn ngữ, đó không phải là kiểu cách làm dáng trong văn chương. Ở Ân chỉ có tấm lòng, có thơ, sự chân chất mộc mạc như đồng lúa Cà Mau yên lành.
Từ biển ta về sông Cái Lớn
Neo tàu nằm đợi lệnh di quân
Sá chi lũ giặc vài thằng mọn
Nhào xuống nước sâu tẩy bụi trần
Ba tháng lênh đênh râu tóc dài
Soi gương chợt thẹn chí làm trai
Rượu đã cạn bình, bao rỗng thuốc
Tình thân lảng đảng áng mây bay
Thơ Ân là cảm xúc, mơ ước nên thường lẫn lộn với đời thường.
Ta đã giang hồ về bến đậu
Buồn thì ngẫu hứng đọc thơ chơi
Vui thì rủ lính ra làng nhậu
Ngồi đếm râu ria nhớ đất trời
Đời thường, ngây ngô đến không ngờ, một ghe cá cũng lưu lại trong tâm tưởng của Ân rồi thành ra thơ.
Đêm vàng như áo cô thôn nữ
Ghe cá hôm qua ghé hậu cần
Nhìn áo mà thương người viễn xứ
Ôm vầng trăng rét tiết đông xuân
Ân đem cuộc sống vào trong thơ như ăn, như thở. Giữa cái hắt hiu nơi Năm Căn, Đầm Giơi, Cái Nước, sự hiểm nguy từng giờ từng phút, không biết ở đâu, nơi đâu là thù, là bạn. Với Ân vẫn là thơ.
Con kinh Cái Nháp dài như rắn
Rừng nối rừng nghiêng dáng tử thần
Ta, kẻ làm thơ đi đánh trận
Bên trời kiêu bạt đón xuân tan
Năm Căn, muỗi đói vo ve khóc
Sông chụm đầu nhau quẫy sóng ca
Lắc lư chiến đỉnh đời ngang dọc
Sóng Bạch Đằng xưa réo gọi ta
Thơ Văn, con người và cuộc sống Phạm Hồng Ân là sự kết hợp thống nhất, trọn vẹn. Ân tha thiết, chăm chú vào từng chuyển động nhỏ, ngay cả con cháu bạn bè. Mừng sinh nhật Sao Mai – Cao Minh Tri, Ân tặng quà.
Sinh nhật bé … đêm nay sinh nhật bé
đời vội vàng , dễ quên mất thời gian
cho chú lau những đường rơi giọt lệ
mười bốn năm ba mẹ bé gian truân
chú chỉ có dăm câu thơ hoài cổ
dành làm quà gởi đến bé cho vui
thơ chứa chan một trời thương trời nhớ
về quê hương đau khổ dập vùi
chú tặng bé con đường vươn trước mặt
có hoa thơm tươi thắm nét đông phương
ơi, hạnh phúc là những điều mơ ước
và sáng trong như mặt thực tấm gương
sinh nhật bé, chú tha hồ tưởng tượng
này nến hồng, này chiếc bánh con con
chúm môi nhé, xue tròn con mắt phượng
thổi ước mơ bay rợp tuổi vàng son
Những tác phẩm của Phạm Hồng Ân:
– Thiên cổ bùi ngùi. (thơ)
– Vỗ nát đời nhau tiếng sóng xưa. (thơ)
– Một trời tiếc thương. (thơ)
– Những ca khúc phổ thơ. (CD nhạc)
– Thời kiêu bạc. (tập truyện)
– Da rừng. (tập truyện)
Đọc Phạm Hồng Ân để thấy lại quê hương, kỷ niệm thấp thoáng với dáng đời mình. Muôn màu, muôn mặt trong thơ, văn, nhạc của Phạm Hồng Ân như mật rót vào lòng ta vị ngọt thân tình, bằng hữu, quê hương và một thời của thương, của nhớ.
Cao Duyến
Viết vội trong đêm đón giao thừa Dương lịch
Nguồn: Phạm Hồng Ân gửi