Mênh mang Yên Tử

Posted: 30/12/2016 in Mỹ Trí Tử, Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự

Mỹ Trí Tử

chua_dong_yen_tu
Chùa Đồng, núi Yên Tử

Yên Tử là vùng đất Phật linh nằm cách Hà Nội gần 150 ki lô mét thuộc tỉnh Quảng Ninh với cảnh sắc tuyệt vời và không gian tĩnh lặng.

Chiều trôi chầm chậm trên từng tán lá ngọn cây khi chúng tôi đặt chân đến Yên Tử, nơi đã đi vào sử sách khởi từ việc vị vua anh minh Trần Nhân Tông từng chiến thắng vẻ vang đuổi quân xâm lược Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi đã quyết định nhường ngôi cho con để đến nơi này tu hành, xa rời thế giới trần tục, để rồi lập nên môn phái thiền Trúc Lâm và được đời sau kính cẩn gọi là Phật Hoàng.

Con đường nơi đây cong cong, gập ghềnh lên xuống, có đoạn đá xếp nghiêng nghiêng, cây cối rậm rạp che phủ bầu trời. Những tia nắng gắt của mùa hè xuyên qua từng kẽ lá làm rung lên những cung bậc cảm xúc hòa quyện từng giọt mồ hôi ướt đẫm cả vạt áo, như những giọt yêu thương nhắc nhở đến miền đất trù phú, bình an và linh thiêng của núi rừng Yên Tử.

Những chú chim hót thánh thót trên ngọn cây cao, những chú sóc còn non nhảy nhót trên cành cây cách đường đi vài chục mét dường như đón chào những đoàn người đang hì hục leo núi. Tuy số người leo núi bằng đường bộ không đông nhưng họ thường chờ để hỗ trợ cho nhau chứ không đi riêng lẻ. Còn phần đông đều đi cáp treo để có thể đi về trong ngày. Chúng tôi có chuẩn bị gậy để chống nên cũng không đến nỗi quá mệt. Cứ leo được vài cây số lại tìm chỗ nghỉ ngơi và uống chút nước.

Danh thiêng của Yên Tử trong sử sách nung chí, giúp mọi người hăng hái hơn sau mỗi lần nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng gặp được những người hành hương trên đường trở về, họ cười với chúng tôi kèm theo những tiếng thở liên tục vì mệt. Con đường trước mặt cứ hiện ra trong làn sương mỏng. Vì khởi hành muộn nên khi đến được chân núi Yên Tử đã là giữa trưa, sau khi làm những thủ tục như gởi xe, mua đồ ăn nước uống để chuẩn bị cho chuyến leo núi hơn 3 giờ đồng hồ.

Cảnh vật nơi đây có chút trầm buồn, cộng với không khí linh thiêng cùng sự kỳ diệu và thần bí càng làm cho Yên Tử hùng vĩ, thẳm sâu chất văn hoá Á Đông.

Từ chân núi lên đến chùa cao nhất có tên Chùa Đồng với chất liệu đồng lên tới hơn 70 tấn do giáo hội Phật giáo khởi công xây dựng lại. Đi từ chân núi lên đây khoảng hơn 6 ki lô mét, mất hơn 6 tiếng đồng hồ vừa đi vừa nghỉ ngơi và thắp hương cho các chùa dọc đường như chùa Hoà Yên, chùa Cầm Thực, chùa Bảo Sái, chùa Giải Oan nơi có suối Giải Oan, và chùa Lân. Mặc dù đã khởi hành từ sáng sớm nhưng lên tới chùa Đồng thì trời đã tối, chúng tôi không kịp đi thăm viếng nhiều vì phải tìm chỗ ngủ cho tối nay. Khi số người hành hương kéo nhau ra về thì chúng tôi hỏi mấy người bán hàng gần đó để nhờ tìm dùm chỗ ngủ. Cũng may có một người bán hàng có thừa một chỗ đủ cho chúng tôi nghỉ qua đêm với giá ba mươi ngàn đồng.

Đêm lạnh bởi sương đang tan bên ngoài, chiếc giường nằm nhỏ xíu, vừa đủ thẳng lưng nhưng lúc này quá mệt nên cũng là niềm an ủi. Những chú côn trùng ở rừng Yên Tử rả rích suốt đêm, để lại nỗi buồn sâu thẳm nơi đôi mắt của người bán hàng già, nhưng dáng dấp và điệu bộ vẫn nhanh nhẹn, tuy tận sâu vào đôi mắt ông có điều gì đó mà người thường như tôi khó có thể tả được, có lẽ rừng thiêng Yên Tử đã ảnh hưởng ít nhiều tới đời sống nội tâm của ông.

Chuyến thăm viếng ở các nơi bắt đầu từ chùa Đồng, sau đó chúng tôi dần xuống núi trong tiết trời se lạnh của một buổi sáng cuối hè, thỉnh thoảng có vài ngọn gió run rẩy lạc lối qua đây mang cảm giác lành lạnh như tiết thu.
Con đường cong vút hơn, sâu thẳm hơn, cuốn hút hơn, không gian cũng thần bí hơn, kỳ diệu hơn và mỗi một bước chân khẽ chạm đất là một vần thơ đầy xúc cảm. Chân chúng tôi rã rời từng bước nhưng miệng vẫn nhoẻn cười cùng nhau và mồ hôi vẫn đầm đìa chảy.

Yên Tử ngày càng hoàn thiện hơn bởi được tỉnh Quảng Ninh coi là chốn tâm linh, mà cũng là địa điểm du lịch then chốt của tỉnh. Yên Tử hay sự diệu kỳ của núi rừng Đông Bắc, in dấu nơi đây những điều tuyệt đẹp, từng ngôi chùa, từng tán cây, từng bậc thang, từng con đường cong cong ẩn khuất đều rất diệu kỳ, huyền bí, trong vắt và thanh yên khiến lòng du khách nao nao khi rời xa.

Mỹ Trí Tử
2016
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.