Lội biển ra ghe

Posted: 19/02/2018 in Phan Ni Tấn, Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự

Phan Ni Tấn

25 tháng 11 năm 1979 cách đây 39 năm là một thời điểm quan trọng, một biến cố lạ lùng sôi nổi đã ăn ruồng vào tâm trí tôi muôn thuở không quên. Nếu không có phép lạ xẩy ra thì cái ngày định mệnh này đã buộc tôi phải ra đầu thú với nhà cầm quyền Việt Cộng tại Sài Gòn để có cơm ăn, có nhà ở, dù đó là cơm tù và là nhà tù.

Ai trong chúng ta mà không nhớ ngày 10-03 khởi đầu cho một loạt biến cố nước mất nhà tan. Sau khi Ban Mê Thuột rơi vào tay Cộng Sản, những người lính quân lực Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi lớp bị bắt, lớp đầu hàng lần lượt bị đưa vào Trại Cải Huấn Ban Mê Thuột giam giữ. Ở đây sau hơn hai năm đội lớp tù học tập “cải tạo lao động” theo đường lối Xã Hội Chủ Nghĩa, một đêm cuối tuần tôi và người bạn tù tên Liêu, trốn trại may mắn thoát được. Sau này ở Canada tôi mới biết Liêu bị bắt trở lại, bị đánh liệt một chân, mù mắt trái rồi đưa vào trại tù Méval, cách thị trấn Ban Mê Thuột khoảng 35 cây số trong rừng sâu. Méval trước kia là đồn điền trồng cao su và cà phê của Tây.

Mười hai năm sau Liêu được phóng thích, được thân nhân bảo lãnh qua Mỹ không lâu bạo bệnh chết. Riêng phần số tôi xuống tới Sài Gòn ở nhà người này vài ngày, người nọ ba bữa, người kia nửa tháng, cứ vậy luân phiên xoay vòng cho tới khi không bà con thân nhân nào dám chấp chứa “tội phạm” được nữa.

Từ đó tôi trở thành một người “vô sở trú” hoàn toàn đúng nghĩa với câu “chuyên chính vô sản” mà Cộng Sản luôn luôn lớn tiếng đề cao. Ban ngày tôi đi lang thang vô định, hoặc ngồi lặng hằng giờ ngoài công viên, đói thì uống nước làm no. Nhiều phen tôi cố đi tìm việc nhưng không có giấy tùy thân lấy đâu ra việc. Cho tới một hôm thất thểu ra chợ sách tình cờ tôi gặp lại người bạn cùng đơn vị cũ đang bán sách tại đây. Vậy là tôi hăm hở lao vào nghề “bán chữ nghĩa” bằng cách đi “cân ve chai” hoặc biết chỗ đến mua sách về bán lại cho các bạn hàng kiếm ăn qua ngày.

Ban đêm nhà tôi là màn trời chiếu đất. Có đêm ngủ ở chợ Thái Bình; có đêm rúc trong xe nước mía ở Ngã Tư Bảy Hiền; có đêm ngủ bậy trên cây vú sữa đường Lương Hữu Khánh; có đêm ngồi co ro dưới chân cầu Bông v.v… Chim có tổ, người có tông; tôi cũng là người nhưng còn có cái gì đây! Người đời nhìn tôi thân tàn ma dại lúc bấy giờ chẳng ai ngờ mình cũng từng là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Riết rồi chịu hết nỗi tôi hóa cuồng định sáng hôm sau ra đầu thú may ra đỡ hơn cảnh trôi sông lạc chợ chăng? Song con người ai cũng có số mệnh. Một khi người ta rơi xuống tận cùng đáy sâu của xã hội có người tuyệt vọng xuôi tay thì cũng có người được một phép lạ cứu ra, vượt lên, thoát đi. Sông có khúc, người có lúc mà.

Như đã nói ở trên, ngày 25-11-79 mới thực sự là ngày đổi đời của tôi. Má tôi, người đàn bà suốt đời tận tụy vì chồng con, từ trên Ban Mê Thuột bán nhà xuống nộp 5 cây vàng cho bà thím để đưa tôi đi vượt biên.

Tờ mờ sáng ngày 25, tôi và người bà con tên Phước- cựu Thiếu úy Biệt Động Quân Chung Sự Vụ, tù “cải tạo” 4 năm tại Phú Quốc, đi chui đường Rạch Giá cả thảy 8 lần không lọt – đón Taxi xuống bến xe Xa Cảng Miền Tây mua vé đi Rạch Giá vượt biên.

Bến xe Xa Cảng Miền Tây 4 giờ sáng đã ồn ào náo nhiệt. Nhiều người chịu khó ngủ qua đêm trước quầy bán vé, chầu chực tới mờ sáng thức dậy chen nhau xếp hàng, giành nhau mua vé. Bến xe mà y như buổi chợ. Chen giữa tiếng người huyên náo là những tiếng động cơ xe hai bánh và xe xích lô máy. Tiếng còi xe ngược xuôi vô trật tự ré lên inh ỏi, át cả những tiếng người gọi nhau ơi ới, những tiếng khóc của trẻ con, những tiếng chữi thề ngọt lịm, những tiếng rao hàng lanh lảnh.

Bây giờ không biết đường về Lục Tỉnh ra sao chớ hồi đó đường Sài Gòn – Rạch Giá lỡ lói, lỡm chỡm đầy những ổ gà. 7 giờ sáng xe đò mới chuyển bánh. Xe đã quá tải, dọc đường còn rước thêm khách. Những chiếc ghế “súp” (ghế phụ) được tận dụng tối đa. Chuyến xe sáng xuôi Nam như con ngựa sắt già nua, ốm đói, xục xịch, lắc lư đưa tôi về miệt Phú Lâm, chạy qua Bình Chánh, qua cầu Bến Lức, qua phà Mỹ Thuận về Bắc Vàm Cống, qua ngã ba lộ tẻ theo con đường số 8 vào thị xã Rạch Giá. Xe vừa tới bến trời cũng vừa xế chiều. Hồi còn đi học có dịp về miền Tây lòng tôi như trẻ nhỏ lúc nào cũng nôn nao, háo hức, khác với lần này – âm thầm, lặng lẽ, băn khoăn, lo lắng – tôi đi như rong rêu, như đám lục bình trôi ra biển hay giạt vào nơi không bến không bờ.

Bến xe Rạch Giá, sau 75 được dời ra ngoài thị xã, tọa lạc trên một mảnh đất thuộc phi trường Lạc Hồng. Không biết đã dời ra bao lâu nhưng lúc xuống bến xe trông đìu hiu, vắng vẻ lắm. Chỉ vài căn nhà lợp tôn, vách ván dựng lên thô sơ trên một nền đất, đá, bụi và rác cốt để kịp tiếp rước hành khách đi ngược về xuôi. Trong khi tôi ngao ngán nhìn quanh thì người bà con hối thúc tôi ra đường đón xe lam vô chợ chờ người đến rước đi.

Vừa qua cống Rạch Mẻo theo con dốc đổ vào thị xã Rạch Giá, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cách cấu trúc sống động của cổng Tam Quan đứng lừng lững giữa trời và đất tự bao giờ. Biểu tượng muôn đời của người Rạch Giá lúc đó trông cũ kỷ, buồn bã nhưng không kém vẻ oai nghiêm và tự nhiên. Hình ảnh này khiến tôi liên tưởng đến bộ mặt hoàn toàn mới mẻ, trẻ trung, tươi rói mà lạ lẫm và thật tội nghiệp của Chùa Một Cột ngoài Bắc, là một trong những “nạn vật” của những “đỉnh cao trí tuệ” có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Đành là phải tu bổ để chống lại sự hũy hoại tàn khốc của thời gian, nhưng đứng trước các biểu tượng chùa chiền, đền đài, lăng tẩm này máu tôi như chảy ngược. Người ta đã lột bỏ lớp vỏ cổ kính, u trầm mà dòng thời gian mưa nắng gió sương đã âm thầm phả lên đời nó. Giống như những tĩnh vật có cái đầu lộn ngược, có cái chân mọc trên cánh tay, có con mắt nhắm nghiền gắn ở sau lưng. Sự cách tân phi nghệ thuật này làm cho nó xa với vẻ tự nhiên, xa với sự thật hiển nhiên của đời sống.

Về nguồn góc cổng tam quan thì được biết vào thời Đệ Nhất Cộng Hoà, một trong những vị Tỉnh trưởng Rạch Giá muốn lưu lại một cái gì đặc biệt cho tỉnh nhà nên mới phát sinh công trình này. Cổng tam quan do nhà thầu khoán Mười Cối dựng nên qua họa đồ kiến trúc của thầy Lộc, một nhân viên công chánh địa phương.

Về ý nghĩa cổng tam quan thì:

“Tam quan là ba cửa. Cửa giữa dành cho Trạng Nguyên đi qua. Hai cửa còn lại là của Thám Hoa và Bản Nhản. Chỉ thế thôi”.

Cách giải thích giản dị, dễ hiểu về cổng tam quan rõ ràng khác với ý nghĩa của cửa tam quan trước chùa.
Bậc thiền giả kiến giải như sau :

“Một bên là Không quan. Một bên là Giả quan. Ở giữa là Trung quan. Người mới nhập đạo thích vào Không quan những mong sớm tiêu trừ nghiệp chướng nặng nề để thành Không. Học đạo rồi mới hiểu cái mình có là giả nên hướng qua Giả quan. Sau khi ngộ đạo là khai huệ, mở được con mắt bát nhã – mới biết cái mình cảm thấy vừa không phải là Không mà cũng không phải là Giả. Nghĩa là bậc thiện tâm đã bước qua Trung quan. Lúc đó người lẫn tam quan đều biến luôn”.

Điều này làm tôi nhớ tới mấy vần thơ nổi tiếng của thi hào Tô Đông Pha, một quan đại phu đời nhà Tống cảm tưởng:

Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều.

Dịch là:

Khói ngút non Lô sóng Chiết giang
Khi chưa đến đó luống mơ màng
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang

Cũng như sư Thanh Nguyên Duy Tín có lời tự thuật như sau:

“Sãi tôi, ba mươi năm trước, khi chưa học Thiền thấy núi là núi, thấy nước là nước. Nhân sau theo bậc thiện trí thức chỉ cho chỗ vào thì thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước. Rồi nay thể nhập chốn tịch tĩnh, i nhiên, thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước”.

Chèn ơi! U mê ám chướng như tôi mà luận về Thiền thì… phi Thiền mất. Vậy xin trở lại vấn đề.

Nghe nói nhiều người xuống Lục Tỉnh đi chui phải ngụy trang sao cho giống với người địa phương hầu che mắt bọn công an rình rập bắt bớ. Riêng tôi và người bà con vốn đã phong trần từ lò “cải tạo” có tới lui xuôi ngược cả buổi giữa kẻ chợ cũng chẳng ma nào thèm ngó. Ngồi ăn cơm chiều ở một quán cơm lộ thiên tôi lặng lẽ quan sát thấy chợ Rạch Giá quả là sầm uất. Chợ búa về chiều kẻ buôn người bán vẫn vui vẻ tấp nập. Bên kia đường là rạp hát Châu Văn đang diễn tuồng cải lương gì mà người đông đen.

Khoảng 8 giờ tối người dẫn đường tên Nỏn tới đưa chúng tôi đi. Nhưng vì chưa tới giờ hẹn cũng như để tránh tai mắt những kẻ tò mò, chúng tôi đi lanh quanh vô chợ nhà lồng rồi rảo bước ngược ra hướng cầu đúc.

Đứng trên cầu ngó xuống dòng nước đen thẫm lấp loáng những vệt ánh sáng hắt xuống từ một ngọn đèn đường tự nhiên lòng cảm thấy buồn hiu. Rồi tôi ngước lên nhìn ngọn đèn đỏ vươn lên cao vút, âm thầm soi mình trong đêm tối. Tôi nghĩ đến nỗi buồn trời biển của Đốc Binh Tiền Đạo Nguyễn Trung Trực, một đấng trung can tiết liệt đã cùng các trang nghĩa sĩ vì nước đứng lên chống thực dân Pháp. Nhưng rồi khi lâm cảnh mạt lộ, người đã tự ý ra nộp mình cho giặc để đồng bào khỏi bị chết oan và để mẹ già thôi bị hành hạ.

Nỗi buồn bất đắc chí của Quan Thượng Đẳng Đại Thần, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực lại là cái tang lịch sử chung cho cả nước. Cái tang dân tộc đó khởi từ ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhằm ngày 12 tháng 9 năm Mậu Thìn tại chợ Rạch Giá kéo dài cho tới tận bây giờ và cho cả tương lai.

Sống đời có những nỗi buồn thâm hậu mà thời gian có trăm năm vẫn chẳng phôi pha, cũng như có những nỗi buồn dẫu phớt nhẹ thôi cũng đủ làm đời lay động, nhưng cũng có những nỗi buồn chẳng ra gì mà cũng chẳng thắm thía chi như cái buồn tôi đang mang trong lòng: bỏ xứ mà đi.

Đúng 9 giờ 30 tối chúng tôi bắt đầu lên đường hướng ra biển. Vì sống bằng nghề nông quen đường đi nước bước nên Nỏn đi rất nhanh. Lúc thì băng đồng vượt suối, lúc thì xuyên kinh lội rạch làm hai thằng tôi lúp xúp bám theo muốn học xì dầu. May nhờ có ánh trăng soi đường cũng đỡ khổ cho tầm nhìn. Tôi nhớ đêm đó có đi ngang qua một ngôi chùa tịch mịch, hắt ra một chút ánh đèn vàng ệch lẫn trong tiếng kinh kệ trầm buồn như thầm đón người mới tới mà cũng ngầm tiễn bước chân đi. Tôi tin rằng đi lánh nạn mà gặp chùa chiền, thánh thất hay nhà thờ chẳng khác nào có trời phật, thần thánh theo sau độ trì.

Khi chúng tôi tới điểm tập trung là một cái chòi thì đã có khoảng chục người gồm đàn ông đàn bà và trẻ con tới trước rồi. Để phòng du kích hay công an ruồng bố bất thần, tôi và người bà con mò ra gốc cây me cách chòi khoảng 20 thước nằm ngủ. Nhưng muỗi đông như cám vãi tấn công tới tấp khiến chúng tôi không tài nào ngủ được.

Đêm xuống sâu. Gió rất thoảng. Nghe sóng vỗ dưới bãi lòng nhớ nhà vô hạn.

Ngày hôm sau nằm chờ ghe lớn đến nửa đêm có người xách đuốc tới đưa từng toán chúng tôi ra ghe. Cái cảnh đêm hôm khuya khoắc quê người dò dẫm theo ánh đuốc chập chờn mà lần bước xuống bãi bùn lội biển ra ghe làm sao mà quên cho được. Đã lạnh lại hồi hộp sợ bể, bị bắt đi tù thì chỉ có nước… tự trầm. May mà chuyến đi bình an vô sự. Chiếc ghe mang bản số KG 741, ngang thước rưỡi, dài bảy thước chở 42 thuyền nhân như chiếc lá tre giữa mênh mông biển cả sóng dồi. Vậy mà rồi sau hai ngày ba đêm ghe cũng lù đù cặp mũi vào bến Leam Ngop, Thái Lan rạng sáng ngày 1 tháng 12 cùng năm.

Rạch Giá của tôi, tôi chỉ biết có như vậy. Tôi chỉ biết Rạch Giá có một ngày một đêm, mà lại biết về đêm hơn là ngày. Tôi cũng không ngờ chỉ bước chân lên đất Rạch Giá một lần thôi mà sau này trở thành rể Rạch Giá, và người trăm năm của tôi là một thiếu nữ Kiên Giang bình dị, chất phác như mảnh đất hiền hòa nằm bên bờ biển Rạch Giá, nơi 39 năm về trước tôi bỏ xứ mà đi.

Phan Ni Tấn
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.