Hồ Đình Nghiêm
Theo lời bày vẽ, từ quận nhất tìm về Phú Nhuận cứ đâm xe ra Cách mạng tháng 8, quẹo Nguyễn Thị Minh Khai gặp Pasteur, chui vô hẻm sát bên tiệm phở Ngân xong gặp Huỳnh Tịnh Của, quẹo phải đụng Lý Chính Thắng… chỗ ông Paul Khamvanongsa thuê nằm gần cầu Kiệu. Mô tả thêm: Tầng lầu hai, ba cánh cửa gỗ đều sơn xanh, ngoài ban-công có giàn hoa leo, đôi lúc treo ở đó cái lồng chim, thỉnh thoảng giọng nó hót gửi được tiếng vui tai xuống dưới con hẻm chật.
Paul Khamvanongsa là người Lào, thông thạo tiếng Pháp và giỏi đàm thoại tiếng Việt. Ông thuê nhà ở đó đã được ba tháng. Tôi tìm đến ông là để dọ hỏi về tin tức má. Má tôi sang Lào đã gần năm, chẳng biết bà kiếm ra công ăn việc làm như thế nào. Lòng tôi nóng, đêm ngủ đón gặp những hình ảnh xấu xa. Má sợ chuyện gì mà chẳng hề viết về cho tôi một lá thư? Câm lặng mãi là chuyện không nên, do vậy bà tìm tới một nhịp cầu dọ dẫm bắn tiếng.
Paul là đầu cầu giúp thông thương, là con chim bay được qua biên giới để chuyển hộ tin tức cho má con tôi vơi bớt bao ngờ vực thấp thỏm hoang mang. Trái ngược với hình ảnh trong ca dao là má chưa gả chồng cho tôi thì bả đã đi xa, chim kêu vượn hú còn biết tới nhà con không?
Paul cao hơn tôi cả cái đầu, da rám nắng, rắn chắc. Ông với lấy chiếc áo thun tròng vào thân sau khi mở hé cánh cửa. Áo in hình con voi xám mốc hoen ố trước ngực. Tôi đoán chừng Paul lớn hơn tôi cả chục tuổi. Ông luôn gọi má tôi bằng chị. Ông nhận xét, mới đầu nhìn qua, biết ngay em là con của chị ấy, hai người giống nhau quá.
Hình như người Lào thích ăn xôi? Tôi đã ghé chợ Tân Định mua hai dĩa xôi, một nấu cùng lạp xưởng với nấm mèo, một còn lại là xôi ba màu nấu với nước dừa. Tôi mang đặt giữa bàn, hỏi: Ông đã ăn gì chưa? Paul nói chưa, tôi có ý đợi Lan tới để cả hai cùng đi ăn hủ tiếu. Tôi nhớ là má của em vẫn thích ăn hủ tiếu. Bên Phonsavan ở Luang Prabang có tiệm chuyên bán hủ tiếu Nam Vang.
Paul đi vào phòng bên thay đổi áo quần, lục đục một chốc khi trở lại với đầu tóc ướt, thẳng thớm những đường răng lược chải tém lui sau. Ông mang một vẻ tự tin, như thể biết chắc là tôi sẽ thuận lòng để ông dắt ra hàng quán. Hủ tiếu thì muôn đời vẫn hấp dẫn hơn xôi. Ông chả vội loan tin, ông nén cái bí mật đó nhằm thế một hấp lực quyến dụ. Khúc cà-rốt chờn vờn để tôi hoá thân làm con lừa ngóng tới, đi theo. Má tôi từng quả quyết, rằng người Lào họ thật thà hơn người mình. Tôi vào mạng lưới thông tin của internet dẫn dắt, biết được hiện nay Lào vượt trội bỏ xa “thằng” Việt Nam nhiều lãnh vực kể cả hệ thống giáo dục. Không cứ là Lào, xứ Campuchia cũng đang qua mặt anh láng giềng chẳng thèm bóp còi. Người Việt giờ này chỉ vin vào mỗi thứ bóng đá để tự hào, sau khi cất cao đầu về mục sản xuất gái đẹp, hoa hậu top 5 các thứ. Đâu có ai tự hào khi mất biển mất đất? Mình đừng hãnh diện, đi bão, cởi truồng vì thứ ấy, nhớ? Gái thì ba vòng rất chuẩn mà chữ S thì ngày mỗi thu bé lại, hết điện nước đầy đủ.
Chúng tôi đang trên đường đi tới quán ăn của người Miên. Ông Paul muốn thế chứ thực chất ở Sài Gòn thiếu cha gì món ăn ngon hơn, đậm đà bản sắc dân tộc. Tôi ghét mấy đứa Việt kiều khi vào quán, trước khi ăn đã xơi cả nạm thuốc trị tiêu chảy, ngừa ngộ độc thực phẩm, không mó tay tới rau xanh. Chúng chê quê hương mình sao quá bẩn. Tôi chưa có cơ hội được đi đây đi đó, nghĩ là tầm hiểu biết của mình chỉ tròn như miệng giếng. Sạch cỡ nào? Vệ sinh ra sao tôi nào hay! Chúng tôi quen sống với thứ triết lý: Ôi dà, hơi đâu, trâu bò mấy sạch!
Paul gọi hủ tiếu khô, tôi chọn nước. Trong mâm cơm ngày xưa bao giờ má cũng nấu một món canh, không thể thiếu. Hình như người nào mạng thuỷ đều ướt át, nhạy cảm dễ mềm lòng? Tôi ngồi vòng tay quan sát khuôn mặt kẻ đối diện.
Paul nói: Tôi biết Lan sốt ruột nhưng cứ ăn xong bữa rồi hẳn hay, chuyện gì cũng còn có đó. Ở bên kia, giờ này thời tiết chắc không đến nỗi nực nội như chốn đây.
Paul moi trong túi áo ra tấm ảnh: Lan nhìn ra ai không?
Má, tôi suýt buột miệng khi nhìn xuống người đàn bà bối tóc cao khoác vào thân chiếc áo đặc thù của phụ nữ Lào. Mượn đầu heo nấu cháo. Lạ chưa. Má tôi mà mặc áo dài, bà đã không trẻ đẹp tựa thế. Ui, ở đây mà quặn lòng nhớ má xa quê hương. Tôi không biết tiếng Lào, và tiếng Miên tôi biết duy chỉ một câu: Ăn xà lon bon tê? Có thương tui không?
Chị Mai có gửi về cho Lan năm trăm đô, chốc nữa tôi sẽ giao. Không viết thư, chỉ nhắn miệng là mọi việc vẫn ổn. Tấm ảnh Lan vừa xem chứng minh rõ về sự ổn kia.
Mai là tên má tôi. Đẻ ra tôi mang tên Lan, sau này tôi có chồng sinh con gái cháu được gọi là Cúc. Nếu theo đúng hàng chữ trên tấm pa-nô dựng ngoài xa lộ, đường về Vũng Tàu: “Mỗi gia đình hai con vợ chồng hạnh phúc” thì đứa sau ắt sẽ mang tên Trúc. Mai Lan Cúc Trúc là bốn giống cây thuộc hàng tứ quý? Hy vọng vẫn là hy vọng, đặt điều vẫn là đặt điều; bây giờ muốn cầm cự với cuộc đời, gia đình buộc phải có người mang thân đi gieo trồng, cắm dùi ở phương xa. Mai đi Lan ở lại nhà, húp tô hủ tiếu thiệt là đắng cay, má làm gì chẳng cho hay, ngồi nghe người thuật nhạn bay cuối trời.
Lan hiện đang làm việc chi?
Làm đủ thứ. Vừa xin được chân thợ may trong một xí nghiệp nằm tuốt Bình Dương. Muốn sang Lào thăm má có dễ không?
Cũng chẳng khó gì. Đợi tôi về thăm dò tình hình bên đó ra sao, quan trọng là ở chị Mai, biết chị ấy có thuận lòng? Chị nói gặp khó khăn thì cho chị hay chứ đừng lặn lội đi thăm làm chi cho tốn kém.
Quan hệ giữa hai người ra sao, có thể cho tôi biết không?
Ờ, chỉ trao đổi tiếp xúc do công việc thôi, chuyện tình cảm thì không xảy ra, chị Mai vẫn ở vậy. Thế nào có lúc chị ấy cũng về thăm Lan. Đừng nghĩ bậy. Trong phong bì này là năm tờ giấy 100 tiền Mỹ, tấm ảnh đó trao cho Lan giữ. Trước khi chia tay mình nên nhờ ai đó chụp giùm một tấm ảnh, tôi sẽ khoe chị Mai, làm chứng cớ là đã gặp Lan.
Tôi đang ở thời gian chọn lựa, nhẫn nha, chẳng nóng vội. Có ba chàng mặt mày cũng không đến nỗi nào sẵn lòng chìu chuộng làm vui lòng tôi. Dĩ nhiên cả ba anh này đều người Sài Gòn cả, tôi vốn chẳng mấy ưa dân tứ xứ vừa nhập cư. Huế Hà Nội thì em chã em chã.
Khi kiếm ra việc làm ở Bình Dương, tôi buộc phải làm màn sàng lọc cuối. Một người tên Trung xẳng xái: Có sao đâu, nơi kia có nhà tía má anh. Địa lợi, nhân hoà đã thủ đắc, giờ chỉ mong vào thiên thời thì ngon ăn cho Lan.
Trung tháp tùng theo tôi về Bình Dương, săn lùng giúp tôi một nhà trọ xét thấy an toàn cho thân gái dặm trường trú ngụ. Chỗ này nằm gần nhà ông bà già của Trung, gặp khó khăn Lan cứ chạy qua chạy lợi, có sao đâu. Theo quy định, mỗi cuối tuần từ Sài Gòn, Trung sẽ chạy xe máy về thăm tôi vào trưa chủ nhật, kéo nhau đi ăn và cũng có thể hôn hít bậy bạ cho vơi nỗi nhớ xa mặt cách lòng. Trung kiếm đâu ra cái khung để lồng bức ảnh má tôi vào, treo ngay ngắn trên đầu nằm. Tôi có kể cho Trung biết là má hiện ở bên Lào, Trung đơm mộng ước có ngày hai đứa nắm tay nhau đột ngột qua thăm má. Ôi, cảnh đoàn viên sao mà lắm cảm động. Ai đây? Chồng mày sao Lan? Ừa, đẻ hối cho má một mụn cháu để ẵm để bồng để à ơi thương ai nên phải đi đêm, nhớ ai nên quyết mần thêm keo này. Một liều ba bảy khéo bày, chơi cho tới bến đoạ đày nhân sinh.
Chủ nhật ấy Trung không về thăm, dù không thích, miễn cưỡng tôi quyết định đi tới gõ cửa nhà tía má Trung. Họ đón tôi với bộ mặt khác thường, Trung bị tai nạn xe máy trên cao tốc rồi ư? Má Trung nói: Cháu chưa hay tin gì sao? Ra cà phê net mà xem tin hôm qua phiên toà xử tội, triệt phá một đường dây vận chuyển ma tuý tinh vi tuồn về từ Lào phân phối khắp nước.
Đầu tiên là Paul Khamvanongsa, kế đến một gã trung niên mang tên Trần Văn Lương, tiếp theo trên băng ghế gỗ là bị can Nguyễn Thị Hoa Mai, là má tôi mặc áo bà ba cổ cột khăn rằng đen trắng. Cả ba ngồi cứng thân trên ghế, cổ tay có còng số 8 làm vật trang sức chớp nháy. Hai tội phạm nam ngậm miệng, quai hàm bạnh ra; riêng người đàn bà thì khản giọng: Oan cho tôi quá. Ma tuý là thứ gì cả đời tôi nào hay biết. Lan ơi, xui cho má số đen đủi ở lần lặn lội đường xa về thăm con. Má mua làm quà hai đòn bánh tét hai cái bánh chưng… có ai mà dè…
Tôi bỏ công ăn việc làm, bắt nóng một chiếc xe ôm hối hả biểu chạy lẹ về Sài Gòn. Tôi không tin vào phiên toà sơ khởi ấy, quá khứ luật pháp xứ này đã diễn ra biết bao oan khuất với thứ luận điệu “thà bắt nhầm hơn bỏ sót” mà họ thường rêu rao. Năm trăm đô má cho tôi chỉ mới hư hao có phân nửa. Tôi sẽ cầm cự sống thở cho đến hồi được gặp mặt má, tôi sẽ nói to: Con tin là má bị người ta gài bẫy, bắt oan.
Tôi sẽ viết một lá đơn xin được đi tù, yêu cầu giam chung khu vực với má. Nếu đơn không được chấp nhận tôi sẽ tìm cách vượt biên sang Lào, phản bội tổ quốc để hít thở bầu trời tự do. Cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam. Độc lập tự do hạnh phúc. Đơn Xin Được Vào Ngục Tù. Tôi tên Hồ Thị Lây Lan, 23 tuổi… Mực nhoè hoen dòng chữ chẳng ngay hàng. Mày vừa khóc sao Lan?
Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: Tác giả gửi truyện và ảnh