Hồ Đình Nghiêm
Bạn còn nhớ Truyện Kiều của Nguyễn Du không? 3254 câu lục bát khởi đi khúc đoạn trường bằng vào cuộc dạo chơi của ba chị em trong tiết tháng ba, Thanh Minh là dịp lễ tảo mộ, xúi gặp phải nấm mồ lạnh tanh của Đạm Tiên không nhang khói, thế một điềm báo trước về kiếp hồng nhan, vận vào nhân vật chính: Thuý Kiều.
Sè sè nắm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Cỏ là cỏ. Nguyên trạng, mọc thấp lè tè, ngứa ngáy, tràn lan (xanh tận chân trời), không mắc mớ gì tới đám cỏ mịn màng kín đáo nằm trong hai câu của Bùi Giáng (1926-1988):
Bây giờ em đứng nơi đâu
Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao?
Thi sĩ Bùi Giáng dùng chữ đứng, nếu cho “em” nằm thì ta hiểu em ấy nào khác gì Đạm Tiên, nghĩa là thác dưới ba tấc đất có cỏ nửa vàng nửa xanh phủ lặng một cuộc đất không thân bằng quyến thuộc vãng lai. Đứng khác nằm, do vậy cũng nên nhìn nhận cái khác biệt của mỗi loại cỏ. Có loài cỏ không nhờ đất bón nuôi. Và sau hết, dàu dàu ngọn cỏ nọ cũng cạy mặt với “trồng cỏ”, thuật ngữ của bọn chuyên lao động mờ ám nhằm cung cấp cần sa cho những kẻ thích sống thử với mộng ảo, nghiện đi mây về gió.
Đã lâu (nói kiểu giật gân là vào thế kỷ trước) tôi có viết một truyện ngắn “Bữa Ăn Trên Cỏ” đăng ở trang mạng Tiền Vệ, tựa vay mượn từ “Le déjeuner sur l’herbe”, bức tranh sơn dầu nổi tiếng của nhà danh hoạ Édouard Manet (1832-1883) mà thời còn học trường Mỹ Thuật ở Huế đã bị nó quyến rũ khá lâu (một phần vì tai tiếng?).
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (1940-2014) cũng sáng tác ra tập tuỳ bút mang tựa “Ý Nghĩ Trên Cỏ” xuất bản ở Sài Gòn, năm 1971. Chạy ra biển ngoài, vì nghiệp viết lách đưa đẩy, dần dà tựu thành một tình thân ái. “Bữa Ăn Trên Cỏ” hằng tháng vẫn có thư đi tin lại với “Ý Nghĩ Trên Cỏ”, từ thư tay bỏ phong bì ra bưu điện mua con tem chừng năm bảy ngày là tới San Jose, cho đến hồi cách mạng bùng nổ bèn ngồi vọc mấy ngón trên bảng mẫu tự của máy điện toán, vi tính, MacBook Air, computer. Nội dung thường nhăng cuội hỏi thăm tới sức khoẻ, thèm được ngồi uống cà phê kề cận bên nhau, nhớ lại những thành phố từng đặt chân, nhắc về khung cảnh nơi ngồi sáng tác truyện ngắn. Và chân đi của thời gian luôn là một dấu chấm đầy nghi hoặc. Tôi khen bức ảnh đẹp đóng khung bốn nhân vật ngời sáng: Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng chụp vào năm 1973 trước toà soạn báo Văn, 38 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Để hai hôm sau, trong email gửi vào ngày thứ Bảy, 5 tháng 8, 2006 lúc 6 AM, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hồi đáp (chép lại nguyên văn):
“Hình cũ, scan đi scan lại hao mòn, mờ mịt, nhìn không rõ nét. Người chụp là một thợ ảnh sát bên toà soạn- ông này sau 75 là 1 cán bộ VC- ai mà ngờ. Chắc ngày ra đi của nxh không xa”.
“Ai mà ngờ”. Đó là câu ta thán nhuốm chút hoang đường thường chứa đựng trong truyện cổ tích và được thuật lại ngay cả sau tháng Tư, 1975. Một cổ tích luôn mới thế cho Chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm mà khi kể ra (nhằm vỗ về) không ai có thể chợp mắt yên ngủ suốt năm canh, trằn trọc là đằng khác. Cổ tích cũng nằm lắng đọng trong thơ Tô Thuỳ Yên (1938-2019), hãy nghe thi sĩ kể lể, trích một đoạn trong bài “Nỗi Mình Lần Giở”:
Ở chốn mệnh danh là chốn cũ
Dân gian thay mới những truyền kỳ
Đất trời ủ lứa chiêm bao khác
Dâu biển làm mưa nắng lạ đi
Bụi rác mỗi thời, một dạng loại
Chồng sâu thêm những địa tầng quên
Người về không biết có đúng chỗ
Lịch sử qua đường đã cải trang.
Ai mà ngờ. Nhức nhối. “Ai mà ngờ”, nghe nhẹ nhàng hơn “đùng một cái”. Chú Sáu khù khờ ngày trước chuyên hạ heo bò trong lò sát sanh cung cấp và phân phối thịt cho mấy chợ, đùng một cái giờ này chú ở trong uỷ ban nhân dân tỉnh ăn to nói lớn miệng mồm có gang có thép. Đùng một cái thế cho tiếng súng bất ngờ nổ, hoặc “tin đâu sét đánh ngang tai, Sáu kia coi bộ lắm tài trị dân”?
Bạn còn nhớ bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan (1916-2010)?
…
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
Đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh…
…
Khi gió thu về
Cỏ vàng chân mộ chí
…
“Tôi” đi lính, đi dưới hòn tên mũi đạn thì không sao; vậy mà “nàng”, vợ mới cưới của tôi ở hậu phương an lành, đùng một cái, đang sống chuyển sang từ trần. Thế mới sinh chuyện. Chuyện cổ tích. Ai mà ngờ. Ngờ sao đặng. Mấy ai học được chữ ngờ. Ngờ khác ngộ. “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” Ngộ nghĩnh lại khác với giác ngộ, hiểu ra vấn nạn. Nghĩ mà nhức đầu không kể xiết !
Cỏ mọc, giống này tăng trưởng rất nhanh, rậm rạp, lan tràn, xốn mắt; do lẽ đó, nó bày ra một thứ nghề và nuôi sống “tập đoàn” chuyên đẩy xe cắt cỏ. Cỏ cũng hăm hở đi vào lãnh vực thơ văn, đại loại như Ý Nghĩ Trên Cỏ và Bữa Ăn Trên Cỏ có nói ở trên, rồi thì là “đàn bà đái không qua đầu ngọn cỏ”. Vân vân. Nhưng hình như, người ta thích dùng cỏ để minh hoạ, làm rõ hình ảnh một nấm mồ. Biết chủ ngôi mộ mới vừa thác đi vì cỏ chưa kịp mọc. Hiểu ra người nằm dưới kia chết đã lâu rồi, bộ không thấy cỏ vàng héo hắt sao?
Ngày xa xưa, thời Pháp thuộc, ba tôi làm boss, chủ một cơ sở sản xuất gạch ngói ở Điện Bàn Quảng Nam, thường liên hệ với dân mắt xanh mũi lõ nên tiếng Tây tiếng u pạt-lê búa sua có chết thằng thực dân nào mà sợ. Nhưng ai ngờ, lúc đó người ta đang ra sức “giết Tây chết càng nhiều càng mừng vui”. Đùng một cái, khéo trách con tạo xoay mòng, ba tôi bị xếp vào dạng thế lực thù nghịch đối với giai cấp vô sản, hòng mưu cầu tai qua nạn khỏi ba mươi sáu kế tẩu vi thượng sách, ôm vợ con bỏ của chạy lấy người trở ra Huế (nơi phồn thịnh màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt). Những chú Ba, anh Tư, con Năm, thằng Bảy tổng nổi dậy, chất củi tưới xăng dầu đốt sạch cơ ngơi gia tài điền sản của ba tôi. Ai mà ngờ, từ rường cột hoành tráng chuyển đổi qua đống tro tàn chỉ chưa đầy 24 giờ, lửa táp rần rần cả một góc trời, đứng ở Cẩm Lệ Hoà Vang không cần bặp điếu thuốc cũng ngửi ra mùi khét, ngồi ăn cao lầu ở Hội An sơ ý mặt cũng bị dính bồ hóng từ chốn hung hiểm nọ thổi tàn tro về.
Trong những tấm ảnh đen trắng ghi lại thời hoàng kim mà ba tôi còn cất giữ (kỷ niệm thương đau), con cái ông đều nhìn nhận rõ có bốn (4) loại gạch ngói khác biệt nhau được sản xuất (đúng quy trình và đạt chất lượng) đều có ghi tên ba tôi nằm bên góc, thế một cái triện, một logo khằn lên cầu chứng, khi lõm khi lồi, trông rất uy tín. Ba tôi mất đã lâu, không đợi gió thu về quanh năm cỏ vẫn vàng chân mộ chí. Xa xứ triền miên từ độ tóc xanh nay đã úa màu, tôi quyết định tự mình đi Việt Nam một chuyến, chết bỏ bể bỏ. Trước thăm mộ song thân (mà chẳng đợi dịp tiết Thanh Minh tháng ba bởi sợ gặp lắm oan hồn) sau thử mò kim đáy bể cốt lùng sục cho ra một cục gạnh có khắc tên ba tôi mang về giữ làm vật gia bảo. Tôi nghĩ, một viên gạch cạy ra từ bức tường ô nhục Bá Linh, giá trị chả là bao so với viên gạch mà ba tôi từng đổ mồ hôi sôi nước mắt để nung nấu thành hình dạng. Sẽ đi hang cùng ngõ hẹp quanh khu vực Điện Bàn cạy cục, đào bới. Hoặc khù khờ ông trời độ tình cờ nhìn thấy nó lòi ra bên một bức tường sụp đổ do một đề án thi công nâng cấp cơ sở nào đấy đang đập phá. Xin không xong thì mua, hét giá bao nhiêu kẻ hèn này cũng xin hầu, ba vạn cũng bỏ. Tôi sẽ la trong bụng: Ba ơi, con tìm thấy nó rồi! “Tôi” về đã gặp “nàng”, vuông vắn nằm yên bên mương rạch đầy bóng tối, bần cố nông ghẻ lạnh vây quanh.
– Mục đích của ông khi về đây? Có quen ai ở chốn này không?
– Tôi về tìm nhặt chút di tích mà hồi xưa gia đình tôi khổ công làm ra.
– Di tích gì? Cớ sao lại bỏ quên?
– Thú thật là tôi mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua những mong tìm ra một hai cục gạch.
– Đang công tác ở viện bảo tàng hử? Hay dụng tâm muốn nói cạnh nói khoé?
– Là sao ạ? Tôi chẳng nắm bắt được ý bác.
– Báo vừa đăng chuyện xưa tích cũ đấy. Một phái đoàn ta được trung ương đề cử đi sang Pa-di để tìm cho ra hai cục gạch mà năm nào Bác đã vận dụng chất xám cạy cục mang gửi vào lò nướng bánh mì, hối hả đem về thế cái lồng ấp để đánh đuổi rét lạnh trong thời kỳ chông chênh lịch sử đảng hòng mở ra một lối đi cho dân tộc ngay trên đất thằng thực dân Pháp.
– Chuyện lạ nhỉ? Gay cấn thật! Thế họ có tìm ra không ạ?
– Có đấy. Thành công vang dội. Chúng ta đã không mần thì thôi, khi rớ tay vào thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
– Hay nhỉ! Từ hồi đó tới giờ mà gạch đá cũng giữ lòng chung thuỷ một nắng hai sương đợi chờ. Rồi có đưa gạch đi xét nghiệm năm tháng ra lò không ạ? Nó mang dấu vết dị hình gì để dễ nhận dạng không ạ?
– Lo bò trắng răng! Chạy trời sao khỏi nắng, giờ này nó nằm êm ấm, bảo quản chặt chẽ trong viện bảo tàng. Ta trân quý bảo vệ nó, nó đã giúp người sống qua bao đêm trường đói rét, cơm không có mà ăn áo không có mà mặc.
Cái bác người Quảng Nôm này mô có làm ở ban tuyên huấn mà răng mãi “nhồi sọ” tôi, trong khi miệng phun khói thuốc thơm của đế quốc mà tôi vừa “bôi trơn”, hối lộ cả bao để khỏi “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Bác ấy chà đạp mẩu thuốc cụt: Thôi khoắn ngay đi nhé, không nên thậm thụt dò la bất chính quanh đây cho rách việc. Hừ, hoá ra gia đình chú ba đời là thành phận địa chủ, giờ này còn mang âm mưu về bòn rút thành quả của nhân dân.
Tôi lấm lét chẳng đưa lời giã biệt, đành theo kế sách của ba tôi ngày cũ: Tẩu vi thượng sách. Rút lui, nhất bộ nhất bái. Tôi về không gặp nàng, tôi ngồi bên mộ ba mẹ mình đầy bóng tối. Cỏ không mọc được ở đất cày lên sỏi đá. Tôi chảy nước mắt. Ba tôi khởi nghiệp thành công với nghề sản xuất ra gạch ngói, đến khi mất, chôn xuống đất lạnh đã không có lấy một viên gạch cắm quanh chỗ an nghỉ sau cùng. Tôi bỏ ra năm trăm đô la nhờ một ông già thợ nề sống trong căn nhà tranh hở hang dưới chân đồi đầy gió, nhờ xây đắp xi măng và dựng một tấm bia cho ra hình dáng một nấm mồ. Nếu tôi là Thuý Kiều, nói tội trời e tôi bán trôn để “nâng cấp” căn nhà ba mẹ tôi ngó cho được tử tế, nhìn vào là biết ông bà khuất mặt này ắt có con cháu Việt kiều làm phận bèo giạt hoa trôi.
Gần chỗ tôi ngồi trông coi bác thợ nề đang ra sức thi công có đôi vợ chồng, áng chừng vậy, chậm rãi bày hoa quả và cúi đầu thắp nhang bên một ụ đất cao. Tôi rảo bước tới với ý nghĩ, dù gì thì thân nhân họ cũng là bạn láng giềng với song thân mình. Chết không biết có nói năng “bắt sóng” trao đổi những gì, nhưng đương sống thở thì nên biểu lộ chút tình cảm. Bất ngờ là giữa chốn hoang vắng gần trùng cảnh sơn cùng thuỷ tận này tôi đón nhận được một chuyện cổ tích theo lời thuật của anh thanh niên:
– Đống xương cốt lấp vùi dưới đó là ông nội tui. Ông chết bữa Mậu Thân dầu sôi lửa bỏng, hưởng dương 39 tuổi. Ông nội tui có một xưởng gỗ, nơi tạm coi như là một cơ sở an toàn cho việc giao liên thu nhận tin tức cũng như ông từng bỏ tiền mua thực phẩm thuốc men chuyển lên cho bạn bè nhảy núi. Ông có người bạn thân, xem nhau hơn anh em ruột thịt và ông bị chính người bạn này rút súng bắn ba phát vì ngang bướng không chịu theo họ rút lên Trường Sơn khi bị đánh đuổi. Xét cho đúng thì ông nội tui có công với cách mạng, nhưng theo chủ trương giết lầm hơn bỏ sót của họ thì ông nội là thành phần nguy hiểm, lỡ cơ sở bị lộ ông sẽ khai ra danh sách những ai đi theo kách mệnh. Sau 75, người bạn cũ, đứa giết ông về làm lớn ở bộ môn văn hoá, hoàn toàn chẳng gợn chút ăn năn về việc xuống tay “xử” tên đồng chí ngày nào, gieo cho ba mạ tui nỗi sợ triền miên khi trốn chạy. Máu mình nóng, thôi thì xa lánh kẻ máu lạnh cho yên ngày nào hay ngày đó. Đã mấy mươi năm mà mồ vẫn không xanh cỏ! Tức tối mới gớm!
Tôi nhìn đôi vợ chồng, thế hệ kế thừa thứ ba siêng năng thắp nhang cho ông nội họ, thành kính tưởng nhớ về trường hợp đột tử bất nhân. Cả ba đời đều nhẫn nhục câm tiếng kêu ca. Tự dưng tôi nhớ một đôi câu trong bài Quê Hương của ông Giang Nam bên thắng cuộc: “Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm… Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất có một phần xương thịt của…”
Yêu, ghét. Thương, hận thực sự giữa hai đối cực nọ chỉ cách nhau không đầy một gang tay. Đo thêm gang nữa sẽ đụng tới duy một đối đầu: Niềm phẫn uất. Giờ đây tôi chẳng có quê hương nên tôi không sôi máu. Tôi đứng trên mảnh đất còi cọc lạ lẫm này, đợi hoàn tất việc chỉnh trang ngôi mộ rồi tôi lại ra đi, thẳng cò o ngón chẳng quay đầu. Tôi chán ngán, tôi bơ phờ, tôi kiệt sức, tôi ngu dại. Sức người có hạn, ai đâu kể hết được những cổ tích liên tu bất tận xẩy ra trên xứ sở có 4000 năm văn hiến? Làm gì có cảnh đớn đau bỏ ra vườn ngồi bưng mặt khóc liền có một bà tiên hiện ra dỗ dành: Nín đi, con xin gì ta sẽ giúp hoàn thành ước nguyện. Hoang đường! Một cục gạch của cha, con thắp đuốc cũng tìm không ra hòng mang về xứ tuyết, sưởi ấm lòng trong tứ thời bát tiết.
Thôi. Ba Mạ chịu khó nằm lại với cô quạnh. Xin gạt lệ bái biệt, con bay.
Truyện Kiều dở ở hai câu kết thúc:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Ba hồn chín vía bước được xuống cầu sao lại bảo là mua vui? Vui này có giống như “ngày vui đại thắng”? Cái ngày cổ tích mà có ngàn người cười thì có triệu người khóc. Ba chục cái đám cưới thì ba chục vạn cái đám ma diễn ra, song hành. Nức nở dông dài mặc cho trống canh liên hồi điểm nhịp, hình như ngày mai trời lại tối.
Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh