Phan Ni Tấn
Nói thiệt nghen. Lần đầu tiên nghe lời bạn bè rủ rê đi du lịch, hình như tui… nhác thấy mình hổng thua gì anh chàng nhà quê mới lên tỉnh. Trước kia tui đâu có dở ẹc vậy. Ngặt một nổi ở các nước văn minh điện tử, thời gian ngựa chạy, luật lệ của mấy chục năm xưa so với ngày nay nó đã khác biền biệt một trời mây. Khác từ cái chuyện mua vé tàu bay thẳng thét trên online on-liếc gì đó, rồi mua bảo hiểm du lịch (chỉ giỏi móc túi thiên hạ, mần ơn đi cha nội). Hành lý thì tui một cái xắc tay nhẹ hều, bả một cái va-ly nhỏ xíu, vậy mà cũng bắt cân đo nặng nhẹ, kích cỡ ra sao, rồi làm sao online check in để chọn số ghế cho mình trước 24 giờ đồng hồ (cái màn này người thiếu chữ nghĩa như tui đành chịu), rồi chọn Uber, Ubét nào, hẹn giờ ra phi trường ra sao vân vân, nhất nhất đều do ông bạn già Đoàn nhắc nhở, chỉ dẫn tận tình. Kẹt một cái, gặp phải anh nhà quê núi vụng về, văn dốt vũ dát như tui, rốt cuộc gần như ổng… mần giùm cho vợ chồng tui ráo trọi.
Xứ mình có hai mùa mưa nắng, khác với Gia-Nã-Đại nhì nhằng tới bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Mà mùa đông gì mới có 5 giờ chiều trời đã tối om; còn mùa hè 9 giờ tối trời còn sáng bửng, mặt trời chưa chịu lặn. Xứ gì kỳ cục thấy mụ nội.
Chớm hè, 4 giờ sáng thành phố còn ngái ngủ, tụi tui đã vù ra phi trường quốc tế Toronto bay qua viếng xứ Cộng Hòa Dominican. Nội cái chuyện cân hành lý quá ký lô hổng bị đánh thuế, rồi tha hồ gởi thêm bao nhiêu cái va-ly hay cái giống gì lên tàu bay cũng ok tuýt suỵt, miễn sao hổng phải đồ quốc cấm. Nghĩa là mình hổng cần kéo va-ly lên tàu bay xong hì hục bưng nó lên nhét vô ngăn chứa hành lý phía trên đầu chỗ mình ngồi. Xứ Châu Mỹ La tinh vốn cần khách nên hiếu khách, dễ dãi với hành khách, nó hổng có cái kiểu bắt người ta phải đối mặt với một đống thủ tục lằng nhằng, rối rắm, phiền phức như ba cái xứ văn minh Âu Mỹ kia. Đã mệt còn mất thì giờ các cụ đi du hí.
Lúc xếp hàng lên tàu, vợ chồng tui đâu có biết rúp (group) nào trước rúp nào sau, cứ chen vô đại rồi cũng xong. Bạn bè tui năm nào cũng du hí đó đây, kinh nghiệm đầy mình nên chễm chệ ngồi ở những hàng ghế trước; còn nhà quê như vợ chồng tui năm khi mười họa mới phiêu du một chuyến thì lẹt đẹt ngồi chót bẹt ở phần đuôi. Ngồi băng ghế trước hay ghế sau lợi hại lắm nghen. Tức là mỗi lần tàu bay chui vô mây hay lọt nhằm lỗ chân không là nó nhồi nó xốc thiếu điều ruột rà muốn lòi ra khỏi bản họng, còn mặt mũi thì xanh lè như đít nhái. Lúc trẻ tui bay nhảy tứ tung, dìa già đâm ra nhát hích hồi nào hổng hay. Ấy vậy mà lúc bình tâm ghé mắt dòm qua cửa sổ thấy mình bay cao hơn mấy từng mây tui lại tưởng tui là lão Tôn đằng vân qua Thiên Trúc thỉnh kinh, phong độ ra gì.
Tháng sáu có câu hát: “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt…” chắc là mưa ở đâu đâu chớ tụi tui đang bay trên không gian mênh mông nắng, mây trắng như bông gòn hổng thấy hột mưa tháng sáu nào hết trơn. Người kinh nghiệm đi mây dìa gió khuyên đi tàu bay không nên uống nhiều nước, mắc công đi tiểu. Thấy chí lý tui hổng hớp giọt nào nhưng lúc bay trên trời khát nước cổ họng tui đâm khô khốc, mắt thì láo liên. Ngày xưa bay đi đâu hành khách cũng được phục vụ ăn uống ngon lành. Bây giờ có bay mỏi cánh cũng đợi các cô tiếp viên phi hành ngực nở eo thon, bộ giò dài sọc lăng xăng bán rượu bia cho khách ghiền bia rượu đã đời rồi mới phục vụ thức uống cho hành khách.
Tui có cái tật uống nước vô là con mắt nhíp lại, gật gù mấy phát rồi đi luôn một giấc ngon lành. Lúc phi công trưởng lịch kịch lên loa thông báo tàu bay ta chuẩn bị đáp xuống phi trường, tui mới thức dậy mặt mày bơ ngơ báo ngáo. Trên cao dòm xuống tôi trố mắt ngạc nhiên hổng thấy cái giống gì phía dưới đất hết trơn, ngoài rừng. Nghĩa là hổng thấy phố, hổng thấy nhà, chỉ thấy rừng ơi là rừng. Mà rừng xứ này hổng hách-xì-xằng như rừng quê tui. Thưa rỉnh, hổng xanh, hổng rậm, hổng có cổ thụ; cứ lúp xa lúp xúp như đám bùi nhùi trải dài mút chỉ cà tha.
Xứ Dominican Republic, cái tên gì đọc muốn trẹo bản họng lại còn nghèo thấy tía. Phi trường Punta Cana hổng có gắn máy lạnh, thay vào đó là hàng chục cái quạt trần bự tổ chảng, quay lia lịa. Kéo va-ly đi dưới lũ quạt điện tui cứ lấm lét dòm lên sợ nó rớt bất tử là bỏ bu cuộc đời. Ngộ nhất là mái nhà lợp toàn bằng lá thốt nốt dầy cộm, khô khốc, cọng nào cọng nấy bạc phai như tóc bà già. Vách thì trống hốc tha hồ cho gió lọt nhà trống. Ngặt cái xứ nhiệt đới nóng thấy mụ nội, mang tiếng phi trường quốc tế vậy mà ít tàu bay lên xuống nên… ít gió, nhưng bù lại bãi đậu xe có nhiều bướm vàng và chim én liệng tới liệng lui thiệt đã con mắt. Từ phi trường xe buýt chạy khoảng một giờ đồng hồ mới tới Punta Cana, khu resort tụi tui ở có tên là Esmeralda, sát mé biển.
Lấy hành lý xuống xe, du khách hè nhau kéo vào hành lang tới quầy check in để lấy phòng. Xứ gì ngộ thiệt nha. Khách sạn bự chảng vậy mà cũng hổng có máy lạnh, đứng xếp hàng chờ lấy phòng nóng chảy mỡ ai cũng sốt ruột. Mấy cha nhơn viên mần ăn kiểu gì mà sắp xếp phòng ốc cho du khách chậm như rùa, hổng lanh lợi như tui hồi còn trẻ bán lưng cho trời, bán mặt cho đất trên nương rẫy. Hồi đó, nói dóc chết, tui khỏe như con trâu đang tắm dưới ao, lẹ như con cá dưới nước. Cuốc ba công đất tui cuốc cái rột. Gặt tám sào lúa tôi gặt cái rẹt. Có đâu lụt lịt như mấy cha nội này. Nhưng chờ sốt ruột hồi lâu rồi đâu cũng vô đó, cuối cùng ai cũng có phòng. Vợ chồng tui ở phòng số 010, còn hai cặp già trẻ bạn tui ở phòng 108 và 109 trên lầu hai, cùng Villa 94.
Công nhận khách sạn 5 sao Esmeralda hiện đại dẫu đa, một công trình kiến trúc ba từng, tường sơn màu vôi trắng tinh, tui thò tay rờ thử hổng thấy hột bụi nào. Bao quanh khu Villa 94 là hàng rào cao ngang đùi trồng toàn cây bông trang lá xanh bông đỏ. Ngoài ra xứ biển đâu đâu cũng trồng dừa, cau kiểng, chuối, chuối rẽ quạt, cây cọ, sứ cùi, bùm xụm… cây nào cũng ngạo nghễ vươn lên xanh mướt. Mà ngộ nghen. Đi đâu thấy cây thấy lá là tui nhớ rừng nhớ núi liền một khi. Tui sinh ra và lớn lên ở trển mà. Nhưng có lẽ làm người rừng hiếm khi tiếp xúc với nền văn minh nhơn loại nên mấy ông bạn tiều phu thấy tui tóc râu lùm xùm phơ phất bạc hay gọi tui là “bạn rừng”.
Mà “rừng” thiệt đa. Khi dìa tới phòng ngủ mới thấy mình quê xệ. Xưa nay già tui có bao giờ vác mặt xuống phố chui vô khách sạn nào đâu mà biết. Nội cái chìa khóa thôi cũng đủ thắc cười rồi. Nghĩa là tui cứ tưởng chìa khóa phòng ngủ khách sạn nó giống chìa khóa nhà, ai dè lại là cái thẻ, hệt cái cạt visa tui thấy thiên hạ hay cà. Đút cái thẻ vô lỗ khóa rồi rút thẻ ra là cửa mở. Lấy làm lạ tui cứ đút vô rút ra hoài. Ngộ hén.
Bước vô phòng ngủ, trời mẹ ơi nó sang như đĩ. Xin lỗi nghen. Nghe thiên hạ nói tui nói theo chớ biết sang như đĩ là sang làm sao, chỉ thấy nó rộng rãi, sach sẽ, mát mẻ, máy lạnh chạy êm ru là sướng rên. Nghiêng đầu ngó cái giường bự chảng, nệm dầy mo, trải ra trắng muốt, lại thêm màn che trướng rũ như cái long sàng, tui khoái chí nhào lên nằm duỗi tay duỗi cẳng xong… lóng tai nghe. Nó hổng có kêu!? Cái giường nó hổng có kêu kọt kà kọt kẹt như cái chỏng tre trong chòi tranh vách đất quê tui. Rồi thấy tui cứ sớ rớ hết rờ cái bàn, cái ghế xong loay hoay, tắt đèn, bật đèn bà nhà tui bực, nhăn mặt gắt nhặng xị. Xưa nay tui mang tiếng nể vợ, nhưng lần này thay kệ bả. Tui đang sướng mà. Hề hề.
Mèn đét ơi! Cái khách sạn này chơi sộp lắm nha. Trong tủ lạnh chất đủ các thứ rượu, bia, nước ngọt, nước lọc và chip khoai tây. Miễn phí tuốt. Gặp phải tay có “tâm hồn ăn nhậu” dẫu ních nguyên cái tủ lạnh vô bụng cũng hổng sao, hôm sau nhơn viên dọn dẹp phòng ốc lại chất đầy đồ ăn thức uống vô tủ lạnh lại. Riêng nhà quê tui cứ chắp tay sau đít đi tới đi lui lắc đầu, chắt lưỡi tiếc rẻ, phải chi có thêm lu nước mưa… ướp lạnh thì sướng lắm đa.
Nhưng mà hổng có nước mưa thì có biển. Biển Punta Cana tuy có nhiều rong, nhưng dễ thương đó đa. Nước trong vắt, mát lạnh, sóng thì rì rào, êm ả, hổng lo bị sóng “xô ngã dưới chân đời” như ông TCS thở than. Du hí bảy ngày tụi tui đều hăng hái lao mình xuống biển, mặc kệ bị nắng ăn, hổng bỏ ngày nào. Ngặt một cái, biển Punta Cana đang dịu dàng lại bị ông già Đoàn quậy cho nổi sóng. Số là già Đoàn nhà ta có khiếu kể truyện tiếu lâm, truyện nào cũng oang oang vanh vách khiến anh chị em tụi tui ôm bụng cười lộn ruột, đặc biệt trong đó có truyện 010 làm tui nhớ đời. Truyện như vầy:
Ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung có một số hồ nước lớn để khóa sinh sau khi đi bãi dìa tắm rửa, đồng thời cũng dùng làm nước uống. Nhưng thỉnh thoảng có những khóa sinh ba-gai, lợi dụng đêm tối lén nhảy ùm vào hồ tắm làm ô nhiễm nước hồ. Một hôm khóa sinh trực bắt gặp cớ sự, vội chạy lên văn phòng trung úy đại đội trưởng báo cáo. Đại đội trưởng nổi giận, đập bàn hét toáng lên:
– Anh có bắt được nó không?
– Dạ, nó chạy nhanh quá nên tôi không bắt được!
– Anh có thấy danh số nó không?
Vì ban đêm tên đó cởi truồng làm sao mà thấy danh số, chỉ thấy cái giống đực của hắn lúc chạy nó lắc lư dữ dội nên anh khóa sinh trực nhanh trí liền đáp:
– Báo cáo trung úy, danh số của nó là 010.
– !?
Lúc tắm biển lên, tụi tui đìa-rét (direct) vô nhà hàng buffet cạnh bãi biển ăn uống no nê xong về phòng nghỉ trưa, hẹn tối đón xe kart 8 chỗ ngồi đi coi ca vũ nhạc. Đang dú dí đút thẻ vô lỗ khóa cửa phòng ngủ, tui chợt nghe cả đám cười hi hí. Dáo dác quay đầu dòm lại thì thấy già Đoàn và chú Ang, tay chỉ số phòng 010, miệng cười toe toét. Ngước mắt dòm bảng số 010 gắn trước cửa phòng ngủ tui chợt nhớ tới truyện tiếu lâm già Đoàn kể lúc sáng ở ngoài biển. Rồi theo phản ứng tư nhiên, hổng nói hổng rằng tui vội cúi mặt dòm xuống chỗ “010” ngự giữa đùi tui khiến cả đám lại được một phen cười ầm lên khoái chí tử. Má ơi! Thì ra mấy cái người “mắc dịch” này cười phòng ngủ của vợ chồng tui mang số 010, ám chỉ già tui là “010”, trời à.
Từ đó, mỗi tối đi chơi dia tới trước cửa phòng ngủ của tui họ đều hỉ hửng, mắt láo liêng, miệng cười toe, vẫy tay chào “good night 010”. Thiệt tình.
Dìa lại quê nhà cũng đã lâu, đêm đêm nằm vắt tay lên trán tui ngẫm thấy con số 010 thiệt là lợi hại. Có “nó” mới có nhơn loại. Thiệt chí lý đa.
Phan Ni Tấn
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh