Vân

Posted: 27/11/2019 in Nguyễn Thùy Dương, Truyện Ngắn

Nguyễn Thùy Dương

Năm Vân 15 tuổi, Vân rời quê lên Thành phố học nghề. Vân nghèo, Vân khờ, Vân hiền cục mịch. Vân gặp cô Phượng. Cô Phượng ngọt như mía lùi. Cô kêu Vân về ở chung đỡ tốn tiền trọ. Vân về ở với cô như con cháu trong nhà.

Cô Phượng vốn người trong giang hồ. Vân ngày đi học may, chiều về làm việc nhà phụ cô. Cô luôn nói tốt về Vân, mở miệng là thương yêu. Đằm thắm như vậy ngót nửa năm trời. Trong xóm có chàng trai hơi xấu về ngoại hình lẫn tính cách, không ai muốn kết hôn. Gia đình khá giả và có “đạo đức” nổi tiếng khắp nơi. Cô Phượng vay tiền góp của gia đình này. Mấy tháng sau, cô Phượng đem Vân cấn nợ. Vân chưa 16, cô Phượng về quê Vân ngọt nhạt tương lai sung sướng hạnh phúc. Mẹ Vân cầm tiền gật đầu đưa đời Vân qua cổng hoa. Cô Phượng vui lắm, Vân lấy Tám. Cô sạch nợ. Chủ nợ lại cho vay thêm nữa.

Vân lấy chồng sướng lắm. Vân không phải đi làm cho nhọc thân. 3h sáng, mẹ chồng kêu Vân dậy để giặt hết đồ trong nhà. Từ của mẹ chồng, chồng, chị chồng, cháu chồng đến nỗi nhà chị chồng kế bên cũng gửi qua cho Vân tiện tay vò dùm. Sáng, Vân phải đi chợ sớm. Bữa nào, mẹ chồng vui thì bà đi chợ. Vân đi chợ mua gì, tiền thối còn bao nhiêu không thiếu dù chỉ 1 đồng. Cuộc sống Vân tưởng cứ vậy mà trôi qua. Ngờ đâu, cô Phượng trốn nợ. Mẹ chồng Vân lôi Vân ra đánh, bà mắng nhiếc không tiếc lời. Cả nhà chồng nói Vân là sao quả tạ, xui xẻo. Họ hành hạ Vân hơn. Vân sống thua một con ở.Hầu chồng, hầu cả nhà chồng. Ngay cả lúc mang thai, sinh con.

Con với Vân là niềm vui duy nhất, Vân ít cười nhưng Vân luôn cười với con. Vân ngại tiếp xúc mọi người. Chiều Vân dẫn con ra đường đút cháo, Vân rạng rỡ trong từng ánh mắt. Vậy mà nhà chồng Vân nói mặt Vân u ám, ngu ngục. Con lên 3 nhà chồng cho Vân đi làm. Con Vân cần đi học. Khuya Vân vẫn dậy giặt giũ, lau dọn rồi đi làm. Chiều về dọn dẹp, ôm con. Tiền lương mẹ chồng cầm hết. Có lần gặp Vân ở đầu hẻm, hỏi Vân: “Sao em không trốn đi? Ôm con mà đi?”

– Giấy tờ họ giữ hết của mẹ lẫn con rồi chị, quê e nghèo lắm. E ráng sống ở đây để con em sau này đỡ hơn.

Mấy ngày sau đầu đường có cờ tang treo. Vân chết! Tôi bàng hoàng. Bước ra hỏi tại sao? Mấy cô hàng xóm bức xúc chửi đổng um xùm:

– ĐM! Quân sát nhơn, quân ác đức. Con mẹ chồng mất 1 chỉ vàng. Nó nghi con nhỏ. Nó chửi mấy nay. Bà Ù nhà giàu khuya hôm qua dẫn chó đi bộ tập thể dục, gặp con nhỏ giặt đồ trước sân. Bả cho con nhỏ 6 trăm ngàn bạc, kêu con nhỏ mua gì ăn hay xài gì xài. Con nhỏ bỏ túi, bị rớt. Con đ* chó mẹ chồng nói con nhỏ ăn cắp vàng. Chứ tiền đâu mà nó có, tiền của nó bả giữ hết. Cả nhà nó chửi, thằng chồng mắng nhiếc nó giấu tiền. Bữa sau, con nhỏ cũng dậy giặt đồ, nó ôm con nó trước khi đi làm. Nó dặn chồng chiều ghé xưởng may lấy tiền lương đóng tiền học cho con. Nó sửa xe về trễ. Chiều đó, nước cạn, không sâu lắm. Xe đạp Vân để trên vỉa hè lang can sông, khi nước cạn hết. Người ta thấy Vân úp mặt xuống bùn. Vớt lên thì nó đã chết rồi.

Tôi hiểu con bé dân sông nước, nó không dễ chết vậy. Nhưng nó muốn chết, nó không biết bắt đầu làm lại từ đâu. Nó chọn con đường giải thoát cho nó. Cho bi thương khổ cực, nhục nhã trong cuộc đời nó. Nó thậm chí không có một nơi để về. Ngay cả mẹ nó cũng bán nó.

Đám tang của Vân cả xóm không ai đi. Họ không muốn gia đình kia có 1 đồng tiền điếu nào. Mẹ chồng Vân gục mặt trước những lời mắng nhiếc của bà con. Thiêu Vân rồi, người ta mới ngã ngửa. Người lấy một chỉ vàng của mẹ chồng Vân là con trai của bà. Và cô Phượng chỉ là người quen chứ chẳng ruột thịt gì. Vậy mà họ bắt Vân thế thân trả nợ ngon ơ!

Nguyễn Thùy Dương
Nguồn: Fb Nguyễn Thùy Dương

Đã đóng bình luận.