Chuyện vắn, chuyện dài với nhà văn Hồ Đình Nghiêm

Posted: 12/12/2019 in Bút Đàm / Phỏng Vấn, Triều Hoa Đại
Thẻ:

Triều Hoa Đại


Nhà văn Hồ Đình Nghiêm

Sau vài ngày rong chơi, hôm nay chúng tôi lại rong ruổi ca bài “Đường trường xa muôn gió câu bay rập rồn.” Mây hình như xà xuống và chắc chắn một điều hai bên đường cây lá đang và đã thay nhau đổi màu, thiên nhiên thật đẹp, thật tuyệt vời. Bây giờ đã gần cuối mùa thu, ông Thanh Tịnh đã “đi học” vài tháng trước rồi, giờ chỉ còn lại mấy bác thợ săn mà thôi. Nói đến mùa thu là nói đến thi nhân, nói đến mấy bác thợ săn rình mò tìm kiếm những con nai vàng “ngơ ngác”. Về thi nhân tôi nhớ câu thơ của Đinh Hùng: “Giờ cuối thu rồi em ở đâu/ nằm trong đất lạnh chắc em sầu/ thu ơi đánh thức hồn ma dậy/ta muốn vào trong đáy mộ sâu”. Tiện thể tôi lại nhớ luôn đến bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư có câu: “Con nai vàng ngơ ngác đạp lên bác thợ săn”. Tôi không hiểu nhà thơ Đinh Hùng khi viết “giờ cuối thu rồi em ở đâu/ nằm trong đất lạnh chắc em sầu” lúc đó tâm trạng của ông ấy có bình an không, chứ xem ra nó loanh quanh thế nào là bởi khi biết em đã nằm “trong đáy mộ sâu” rồi lại còn muốn vào trong đó nữa mà lại giả vờ: “em ở đâu” thì khó hiểu quá. Lại nữa, mùa săn bắn ở nước cờ hoa này nó nhộn nhịp lắm, những bác thợ săn chuẩn bị “cung tên” chỉ để chờ những chú nai vàng cứ ngơ ngác đi dạo giữa rừng thu để đến nỗi đạp lên bác thợ săn mà thấy tội nghiệp quá. Thơ, văn thì tôi mù trấc. May gặp được người tài hoa là nhà văn Hồ Đình Nghiêm ở đây, người mà tôi đã là “săn lùng” để hỏi một đôi câu vậy thì xin mời quý độc giả cùng theo dõi buổi chuyện trò này.

Triều Hoa Đại (THĐ): Xin chào người tài hoa.

Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Xin chào anh. Nếu anh tự nhận là thợ săn thì mình tự nguyện là một con thú. Đừng giết nó, bởi nó là thú hiền, chẳng nguy hiểm. Có đáng ghét chăng là do bởi nó từng làm nhiều người buồn lòng vì những điều nó “tâm sự”. Anh dùng chữ tài hoa thì coi chừng bị nó phỏng vấn lại anh a. Tài hoa là gì, thưa anh?

THĐ: Vài câu thơ tôi nhẩm theo trí nhớ thượng dẫn chẳng biết đúng sai thế nào, là người thông thái xin anh giúp sửa sai và nếu có thể xin bàn thêm chút đỉnh về con nai vàng nó ngơ ngác và bác thợ săn trong rừng thu bạt ngàn lá rụng?

HĐN: Ngơ ngác, theo mình là một vẻ đẹp. Đẹp vì ngơ ngác gần với hồn nhiên. Nó hiện ra và nó băn khoăn về một lối đi tìm về nơi ít cạm bẫy. Nếu mình là thợ săn, mình sẽ xiêu lòng trước ngơ ngác, lẽ nào giương cung tên, cho đạn lên nòng để tiêu huỷ cái mong manh. Rừng thu đẹp một phần vin nhờ vào giây phút có dại khờ dẫm chân lên lá rụng. Ơ, mình đã đi xa?

THĐ: Lá rụng, nai rồi xa, cuối thu hay đầu thu rồi cũng theo nhau mà đi, anh nghĩ sao nếu mai kia mốt nọ có người nào đó tình cờ gặp anh rồi nắm áo, rồi hỏi: Anh có phải nhà văn Hồ Đình Nghiêm đó không? Rồi lại có người khác nữa: anh có phải nhà thơ Hồ Đình Nghiêm, người nữa lại nói: Điêu khắc gia Hồ Đình Nghiêm đây rồi may quá dược gặp anh hôm nay. Nhà nào là cái nhà của ta, nhà nào là cái nhà do USA/ CANADA làm ra. Anh nhiều nhà quá tôi thật sự tối tăm mặt mũi về cái gia tài đồ sộ của anh?

HĐN: Thưa anh, trong rừng văn chương, mình chỉ là con nai vàng ngơ ngác. Nó chạy đuổi theo chữ viết, bước dài gọi là văn, lần khân bước ngắn thì xem là thơ, chỉ có vậy thôi. Nó chạy tìm một lối thoát tự nó xúi vậy và một phần nó muốn chia sẻ với các bạn nai yếu lòng khác. Nó tin, văn chương là một con suối ngọt cầm tìm tới để gục đầu vào. Mình thích chữ tình cờ trong câu anh hỏi. Bắn đi một mũi tên phút đầu cần tới một lực đẩy tính toán. Mình khác, tất cả đều do tình cờ đẩy đưa.

THĐ: Chuyện đùa một tí cho dzui vậy thôi bây giờ thì chúng ta bàn đến chuyện thơ, văn, vẽ vời một tý nhé?

HĐN: Xin anh cứ tự nhiên ạ. Cũng đùa cho dzui, thấy khó quá thì… miễn bàn.

THĐ: Những năm đầu của thập niên 1970 lúc ấy anh chỉ là một cậu bé “ngơ ngác” như nhà văn Hồ Minh Dũng mô tả làm tôi nhớ đến con nai vàng, cũng may thời đó không có bác thợ săn nào bên cạnh. Tập tành làm người lớn, tập tành mơ mộng, viết văn cũng NGƠ NGÁC như đã đề cập ở trên, ấy thế mà qua ngày tháng hôm nay anh đã là nhà văn mà là một nhà văn danh giá, ngòi bút của anh đẩy đưa bao nhiêu vui, buồn, bao nhiêu dấu tích thăng trầm của kiếp nhân sinh, anh có mơ đến một ngày Thuỵ Điển bia đá sẽ đề tên chăng?

HĐN: Ấy chết. Ngôn ngữ trong facebook kêu bằng “chít em roài”, “em hỏng thít”. Không dám đâu anh. Mình chỉ là con nhái nhảy trên bề mặt của lá sen ao hồ, tạo ra được chút sóng xô động, lăn tăn chỉ hù doạ đàn cá bơi lội bên dưới. Làm sao mọc ra được, tựu thành được một giấc mơ hoang tưởng đến thế, thưa anh. Mình biết ngoài kia sông dài biển rộng, mình chẳng có được tham vọng của kình ngư hoặc những loài thuỷ sản biết lội ngược dòng. Anh có thương thì đặt ra câu hỏi khác. Xí xoá câu trên.

THĐ: Anh có hai tay nhưng lại có nhiều “nghề” hơn hẳn người khác, này nhé: Viết văn là một “nghề”, làm thơ lại thêm một “nghề” nữa, điêu khắc cộng thêm một “nghề” nữa, vậy thì NGHỀ nào là nghề mà anh yêu thích?

HĐN: Cần đính chính là hồi trước mình theo hội hoạ chứ không là điêu khắc. Anh bỏ chữ nghề trong ngoặc kép là đúng, bởi nào có gì chuyên nghiệp đâu. Nhưng nên thưa cùng anh là mình thích “nghề” viết văn hơn cả bởi cái sự thoải mái tha hồ tả tình tả cảnh trong lúc anh làm thơ buộc anh phải giản lược cô đọng chữ, tiếng thở dài của anh nén lại, nụ cười cũng vậy, nửa vành môi. Và truyện ngắn, thích viết vì… được trả tiền nhuận bút. Lại dùng chữ trong facebook “he he he”.

THĐ: Ông Trần Tú Xương đã có lần tuyên bố: Trong thiên hạ có bốn (04) bồ chữ mình ta chiếm hai bồ, một bồ thì dành cho anh em ta, bồ còn lại thiên hạ chia nhau mà xài. Anh có nhiều nghề như vậy bộ không e thiên hạ sẽ “buồn vào hồn không tên” hay sao, tôi thực sự buồn cho bản thân vì so với anh thì tôi chỉ là một vì “ngôi sao xấu”. Buồn!

HĐN: A, cái ngôi sao xấu nằm trong ngoặc kép! Mình có thể mượn nó từ anh để khoác thân cho thôi rét. “Ngôi sao” này cũng từng “buồn vào hồn không tên” anh ơi là anh! Từng khi “thức giấc nửa đêm lén dậy đi tìm nàng”. Trống lạnh, nói anh đừng ngầy ngà, viết văn làm thơ như kiểu mình luôn là tìm đuổi một hư ảnh để rồi va thân vào khoảng trống. Nàng ơi nàng hỡi nàng chờ bến nao?

THĐ: Đọc ở đâu đó có người cho rằng: “Hầu hết nhà văn Việt Nam đã mắc phải một chứng bệnh khó trị: Sự dễ dãi và lười nhác trong tư duy sáng tạo.” Đồng ý hoặc không xin anh nói rõ hơn về suy nghĩ của mình?

HĐN: Người nào “cho rằng” ấy đã đưa ra nhận định quá chính xác, chẳng sai trật. Ở trong nước ra sao, mình không hiểu. Nhưng hải ngoại, thưa anh, có ai sống toàn phần vào nghiệp viết đâu? Chưa một ai sáng cắp ô đi chiều xác xơ về với công việc viết văn liên tục trong tám tiếng mỗi ngày được trả lương. Một chàng “công chức nhà văn” có thể sẽ thôi lười nhác, cắm cúi đào bới vào sáng tạo, vạch được một lối đi riêng. Còn hạng như mình và văn hữu đó đây, viết chỉ là “nghề” tay trái. Khen tui nhờ chê tui chịu. Mua vui chưa tới nửa trống canh. Một điểm cần lưu ý, “chúng tôi” không có mấy thời giờ, đi cày về thì có khối việc chia sẻ với vợ con, đi chợ, phụ nấu ăn, phụ rửa chén, phụ giặt giũ, phụ quét nhà và… đi đổ rác. Trăm dâu đổ đầu tằm, khi còn chút sức lực, ngồi xuống bàn viết, e dễ dãi với chữ nghĩa cũng là chuyện sẽ tới. Mình chẳng thích thanh minh, phân trần và cũng ghét đỗ lỗi vào hoàn cảnh. Cũng đành vậy thôi.

THĐ: Nhà thơ quá cố Tô Thuỳ Yên có lần đã nói: “Đối với một người cầm bút chân chính việc tối kỵ là lập lại chính mình, chép lại chính mình, đạo thơ văn của chính mình” là một người sáng tác anh có nghĩ khác với điều mà nhà thơ Tô Thùy Yên đã phát biểu?

HĐN: Điều này chẳng mới lạ gì, mình đồ rằng nhà thơ Tô Thuỳ Yên đã lập lại lời của các vị ở phương Tây từ ngàn xưa. Và thành thực để tâm sự cùng anh, mình vẫn mang nhược điểm ấy, đang cố sức để thoát ra khỏi khung cửa hẹp. Nhà văn Victor Hugo có viết câu mà mình thích: “O mon Dieu, ouvre-moi les portes de la Nuit…”

THĐ: Tôi đoán rằng nhiều lúc rảnh rỗi thế nào mà anh lại chẳng đọc lại những tác phẩm của mình, ấy vậy anh có vừa lòng với những gì mình đã viết ra không. “Trong tác phẩm cũng có sai lầm, không đúng cả được.” Có người đã nói thế, vậy những gì đã viết anh có thấy điều gì là chưa đúng, là không vừa lòng?

HĐN: Mình viết truyện ngắn, đó là một thể loại văn học chứ không phải là một dạng nghiên cứu thuộc sách giáo khoa. Sai lầm và không đúng chẳng nên áp đặt vào một “không gian” đầy chật cả hư cấu hoặc tưởng tượng hoặc tác giả tự muốn ngòi viết phải đi lạc khi tìm kiếm vẻ đẹp. Có ai đi phê bình một bài thơ bằng cách dùng chữ sai lầm và không đúng? Hy vọng đừng nên thế. Ngược lại là đàng khác, anh phải không đúng, anh phải sai lầm (điều này sẽ viết dài ra ở một dịp khác). Thỉnh thoảng mình cũng có đọc lại, chỉ hiện lên một ý nghĩ, sao thuở đó vụng dại quá, ngây ngô quá. Chỉ hối hận, chỉ không hài lòng, nhưng vẫn không ghét bỏ, vì ít ra nó nhắc nhớ về một thời xa xưa, về những bàn chân chưa định ra phương hướng.

THĐ: Khi chúng ta sợ SAI TRÁI, sợ cái ÁC tức là chúng ta đã mặc nhiên sợ tiến bộ và vì thế mà nhà văn là người phải và nên đứng trên những SAI/TRÁI, là người tỉnh táo hay nói rõ ra là nhà văn thì phải đứng trên cái thành kiến HAY/DỞ và đứng trên cái THIỆN và cái ÁC, anh nghĩ thế nào?

HĐN: Hoàn toàn đồng ý, nếu quan niệm văn chương là một hình thức đấu tranh, phản kháng nhằm thay đổi cái xấu xa mà xã hội đang luôn bị đe doạ. Họ muốn đánh động bằng chữ viết, nhằm thức tỉnh. Nhưng khi nói đến một tác phẩm có giá trị ở mặt văn chương, chuyện này lệ thuộc vào những mặt khuất lấp khác. Đôi khi muốn “hay”, nhà văn phải lao vào với cái “ác”. Hắn “sai” ở phút giây đó nhưng hắn tin người đọc sẽ nhìn ra cái đúng khi gấp sách lại. Ví dụ nhỏ, hắn muốn tạo ra nhân vật nữ bằng hình ảnh một cô gái ăn sương, buộc lòng hắn phải hoà mình vào trong các động điếm. Hắn sa đoạ, hắn bị nguyền rủa, nhưng nếu hắn tài ba, hắn để lại cho người đọc một tác phẩm sống động, một cảnh quang tăm tối mà đứa “thiện” chưa hề nhìn thấy. Mình rất vụng về môn phân tích, khả năng yếu kém, mình chỉ biết trình bày chút đó thôi.

THĐ: Trong những năm gần đây người đọc dễ nhận ra rằng: Cái mà chúng ta vẫn thường gọi là Văn Học hải ngoại có vẻ như sa sút, từ từ lịm tắt như ngọn dầu lạc sắp sửa cạn dầu thiếu hẳn những sinh động như trước thời kỳ vàng son của những năm 1975-1995. Là nhà văn chắc anh cũng đã nhìn ra như thế, vậy thì nguyên nhân nào đưa đẩy đến “nỗi đoạn trường” này?

HĐN: Nhiều nguyên nhân, thưa anh. Một tác động hổ tương cần thiết như ban đầu đã phôi pha, giữa người viết và người đọc. Người viết than: Không ai chịu đọc. Người đọc than: Chả có gì hay ho lôi cuốn cả. Mãi trách móc nhau, mà là trách móc đúng. Phần khác, một số các người viết đã thành danh, họ nhìn nhận (từng nghe tâm sự) là mình đánh mất thời gian một cách vô lối, mình chăm đi cày để kiếm tiền, cho khỏi mang mặc cảm tội lỗi. Anh muốn làm nhà văn hả? OK, nhưng anh cần phải có việc làm vững chắc hòng nuôi lấy thân anh. Những nguyên nhân khác có thể là chính bạn, bạn làm cho gia đình mất an vui, bạn sa đà vào hư huyễn, xa thực tế. Và một chữ “nản” hiện ra, không có nhà xuất bản nào ngó ngàng tới đứa đang nuôi “âm mưu” in ra một cuốn sách. Muốn có “tác phẩm” hắn phải tự bỏ tiền túi ra, nhờ vả người này, van nài kẻ kia, quỵ luỵ, rất chi là mất phẩm giá của một “nhà văn”. Mình dự tính sẽ in một tập truyện ngắn, nhưng nghĩ tới chuyện tự dưng phải mất đi cả tháng lương hưu, rồi phải xuống giọng ỉ ôi chìu lòn này nọ nên quyết định: Dẹp. Tự ái nổi lên, ta đâu nỡ muối mặt thế!

THĐ: Với dân số trên một triệu người mà hình như vấn đề in ấn cũng có vẻ lơ thơ tơ liễu buông mành, đó là nói về số lượng nhưng khi đề cập tới phẩm chất của từng tác phẩm, từng thể loại thì xem ra cũng không mấy vui, vẫn là những chuyện tình vớ vẩn, những yêu đương cũ mèm có một số nhà văn vẫn còn ngoái cổ nhìn lại thời lao tù khổ ải mà lẽ ra nên quên đi là bởi với đề tài này ai cũng biết cả rồi xưa như trái đất, bỏ đi tám nhắc lại làm chi “khổ quá biết rồi nói mãi” anh nghĩ thế nào?

HĐN: Lại cũng xin đồng thuận. Và đào sâu một chút. “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Tự mình tài hèn sức mọn thôi. Đề tài tình yêu luôn không bao giờ cũ, ngàn năm nó vẫn vậy, vẫn chứa lắm vẻ đẹp e ấp. Chuyện lao tù khổ ải cũng thế, nhiều thương đau cần được phơi bày. Như vậy, rõ ràng là nhà văn chúng ta thực sự bất lực, nên nhìn nhận cái yếu kém đó. Một người bạn Gia Nã Đại nói với mình, mày lớn lên ở xứ sở chiến tranh, mày trải qua cuộc vượt thoát bằng ghe thuyền, toàn cả chết người, bao đề tài to lớn như vậy mà chính mày cũng như nhà văn Việt chẳng chịu khai quật ra cho bọn tao xem? Đó nào khác gì một gáo nước lạnh vừa tạt vào mặt mình. Tóm lại, nếu bạn có thực tài, chẳng có thứ gì xưa cũ cả. Bạn phải tìm cách làm mới nó để người đọc thu cất lại lời phê bình kia. Nói ra mới thấy đó thực sự là nỗi bất hạnh chung. Đau thương chạm đáy mà chẳng ai kêu gào đúng với tầm mức địa ngục nọ. Mình nằm trong số “ngơ ngác và ngơ ngáo và tủi hổ và tài hèn sức mọn khó dung thứ”.

THĐ: Ở hải ngoại thì đã thê thảm đến thế nhưng nếu chúng ta nhìn về “quê cha đất tổ” với dân số trên 93 triệu người mà số lượng in ấn và chất lượng tác phẩm xem ra cũng vô cùng khiêm tốn, không lẽ dân ta không còn tha thiết với chữ quốc ngữ như Phạm Quỳnh đã kỳ vọng hay là người dân VN của chúng ta đã đi theo cái nhà ông Bùi Hiển nào đó hết rồi chăng?

HĐN: Chuyện Việt Nam bây giờ thì có nói đến 1001 đêm vẫn chưa xong bao phi lý luôn diễn ra thường hằng. Mình nhớ lại thời học Mỹ Thuật, cuối năm phải “đi thực tế”, những ký hoạ, những bức tranh mang về sau cả tháng miệt mài trong gian khổ bị đánh giá là không đạt, buộc phải vẽ “xa thực tế”. Đồng không mông quạnh là thế, khốn khó là thế, hờn tủi là thế… mà nay đưa vào tranh phải vẽ mặt cười rạng rỡ, vai u thịt bắp, lúa vàng ngập đồng, xe cày phun khói, nhà máy hiện đại. Tất cả đều gian dối và sẵn lòng “chụp mũ”. Bây giờ cũng vậy thôi, tệ nạn xã hội đầy rẫy có “thằng” nhà văn nào dám khuân đặt vào tác phẩm không? Và “con” nào đang đói cho mờ người lại bảo rằng tớ đang sống trong thiên đường ấm no hạnh phúc độc lập tự do? Chúng có lương tri, chúng còn sót chút tử tế thì chúng quăng cái laptop đi, vì chúng tự tìm lấy chút an toàn cho bản thân. Một câu nói “thực lòng” của ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục chống tham nhũng, nên là đại diện cho nhà văn “tâm tư”: Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại họ có khi chúng tôi chết trước.

THĐ: Người dân không có tự do, nhân phẩm thì bị coi thường và chà đạp ông có thấy một nhà văn nào đó dám đứng lên thay mặt người dân để viết lên những gì mà họ không viết được hay ít ra thì cũng giống như trước kia Hoàng Cầm đã từng nói: “Dù sợi tóc còn cứa vào nhân phẩm/ Tôi còn thét to dù khản tiếng khàn hơi“. Không làm được những điều như vậy thì thử hỏi chúng ta có dám ngửng mặt lên mà tự xưng mình là người cầm bút?

HĐN: Như đã thưa ở trên, cho đến giờ phút này mình chưa thấy nhà văn nào lộ diện cả. Chỉ có nhà báo, là cô Phạm Đoan Trang, dù bị tù tội, dù bị đánh đến gãy một chân, cô vẫn bất khuất lớn tiếng trình bày một thực trạng bi đát mà đất nước cố tình che đậy, mãi chà đạp lên nhân phẩm con người. Đáng nói là những gì cô Phạm Đoan Trang trình bày ra văn bản nó mang tính chính xác cao, phê phán cái ác cái xấu của xã hội Việt Nam rất logic, rất khó chối cãi. Mình rất quý trọng tiếng nói ấy, một phụ nữ thông minh và can trường.

THĐ: Giữa hai miền Nam/Bắc như ông đã rõ văn nghẽ sĩ đã có một lối suy nghĩ và cách viết khác nhau đối nghịch như lửa với nước. Miền nói Nam thì “trăm hoa đua nở” trong khi tại miền Bắc thì “Trăm nhà im tiếng” nói thế thì có vẻ không được công bình cho lắm, miền Bắc vẫn có tiếng nói đấy chứ nhưng là tiếng “Của Đảng” viết theo chỉ thị, theo đơn đặt hàng, bây giờ câu hỏi ở đây xin gửi đến anh:

a/ Anh có cảm thấy mình đã may mắn được sinh ra và rồi thì được sinh hoạt trong một xã hội mà tương đối văn nghệ sĩ vẫn có một đời sống thoải mái, sáng tác phẩm một đôi khi cũng bị một chút dòm chừng nhưng vẫn còn dễ thở.

b/ Thử tưởng tượng bừng còn mắt giậy bỗng thấy mình đang sống ở “ngoài ấy” và đương nhiên phải suy nghĩ và viết theo chỉ thị thì anh có cam đảm cầm viết nữa chăng hay cũng chỉ giống như Tô Hoài nhắm mắt qua sông để sống trong những tháng ngày của một “một thằng hèn”.

HĐN: Dạ, mình quá may mắn được sinh đẻ và trưởng thành ở miền Nam tự do. Bà Dương Thu Hương phút đầu đã ngợi ca miền Nam trong ai oán “tôi bị chúng nó lừa phỉnh”. Chỉ trích có bấy nhiêu lời cũng đủ hình dung ra sự tuyên truyền, cách nhồi sọ của “ngoài ta”. Còn giả dụ là mình đương sống trong nước, dĩ nhiên kẻ hèn này sẽ nhập vai chạy xe ôm để mưu sinh sau khi “chà đồ nhôm” đến chẳng còn thứ để chôm đồ nhà mang đi bán ngoài chợ trời. Hắn sống với cái đầu mãi gục mặt, một đứa chỉ biết nói chuyện với đầu gối làm sao dám đủ dũng lược để viết “bậy bạ” sai quan điểm, mất lập trường. Nói theo kiểu người trong nước: Hoàn cảnh lắm anh ạ! Ngang đây mình cũng giận mấy tay Việt kiều, sao họ có thể về ăn nhậu lu bù sảng khoái mà bên cạnh có lắm người đi ăn xin, đi bán vé số, đi lượm ve chai. Sự dửng dưng của họ cũng tựa như một tên nhà văn mãi ngợi ca chế độ.

THĐ: Khi chúng ta đề cặp đến văn nghệ sĩ ngoài “nớ” tôi bỗng hình dung ra: “chín năm đốt đuốc soi rừng/ về đây ánh lửa ngập ngừng bước chân”, hoặc là: “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ nhà ai xa đèn trông ra khơi/ anh bạn dãi dầu không bước nữa/ gục trên báng súng ngủ quên đời”. Những năm kháng chiến ấy bao nhiêu thế hệ những người trai yêu nước đã ra đi mong giành lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc, cái đó gọi là lý tưởng. Nhưng sau bao hy sinh. Chịu đựng khi chiếm được Miền Nam thì xem ra cái hào quang ấy không còn nhất là với những văn nghệ sĩ thì ngay lập tức họ đã nhận ra giữa cái XẤU và cái TỐT cho nên họ có viết đấy nhưng chả có một tác phẩm nào ra hồn. Anh nghĩ sao về chuyện này?

HĐN: Họ “phản tỉnh”. Có đôi kẻ nhìn nhận ra sai lầm, nhưng tất cả chỉ xảy ra trên chiếu rượu, trên bàn nhậu. Vụ Nhân Văn Giai Phẩm vẫn là một ám ảnh khôn nguôi. Chỉ có ông Trần Vàng Sao viết được nhiều bài thơ “tố cáo” nhưng thuộc dạng chuyền tay nhau đọc thôi. Bài “Tau Chửi” là một ví dụ. Chế độ đó đáng bị nguyền rủa. Đổi trắng ra đen. Mày liệu hồn, chúng tao sẵn lòng bôi đen mày, con cháu mày. Tất cả ngậm bồ hòn làm ngọt trên “xứ sở đáng sống nhất hành tinh”.

THĐ: Còn chúng ta thì sao, chúng ta ra đi không có gì cả: Ra đi không mang thê nhi/quần áo cứ thế cắp nách, có chăng khi đã đến được đất tạm dung thì ngay lập tức một vài tờ báo đã ra đời, sáng tác lai rai vì còn phải tìm kế mưu sinh, tiếng Tây, tiếng Mỹ thì “NÓI” nhiều đến nỗi mỏi tay, thế rồi sau đó ra sao, ổn định chốn được cuộc sống thế là văn nghệ sĩ lại “lên đường”, nhà xuất bản mọc lên ào ào, sách báo đua nhau in ấn vui ơi là vui. Nhưng, cuộc vui sao mà chóng tàn quá vậy, giờ đây cái thời oanh liệt ấy đã bỏ chúng ta mà đi, mọi sự khựng lại, chẳng biết ông thì thế nào nhưng với kẻ hèn này thì buồn lắm lắm. Cái nền văn học hải ngoại “nối dài” này xem vậy mà không phải vậy, nói ông chớ buồn chứ thực tình xem ra văn chương “ngoài này” những lúc gần đây chỉ toàn là những tác phẩm lăng nhăng đầu voi mà đuôi thì chuột, một vài đọc giả vui miệng mà “ngôn” vậy như vậy, anh có cho là người đã lo quá hay chăng?

HĐN: Mình nhận ra một điều, là những câu anh hỏi luôn chứa chút bi quan. Mình từng buồn, buồn tới đổ bệnh, xuất viện và “đi chỗ khác chơi”. Buồn chẳng giải quyết được gì cả, buồn cho lòng người bội bạc và xin dại khờ mang nỗi hoài nghi kia đặt vào đoản văn hoặc thơ thẩn. Nếu còn có ai đó lo xa như anh hỏi thì mình đổi buồn sang vui. Khi bạn quan tâm có nghĩa là bạn còn vương vấn, còn đoái hoài tới nó dẫu nó vẫn chưa thoát xác, vẫn đầu voi đuôi chuột. Con nai vàng ngơ ngác sống mình ên cũng sầu tủi, nay gặp con voi mai gặp con chuột há không phải là niềm vui sao, khu rừng đỡ cô quạnh. Kệ đi mà, mọi thứ đều có nguyên do, đều “vui là vui gượng đó mà”, đời sống vẫn lạnh lùng tiếp diễn, xé rời từng ngày cho đến trang cuối, mòn hao.

THĐ: Xin lỗi đã vô tình “chạm” phải nỗi buồn và những bi quan nhưng đời thì cũng có những vui/buồn, tôi tin là như thế. Vậy thì bây giờ xin hỏi anh nghĩ sao về cái phong trào FACEBOOK, tôi thì thấy rằng hầu như đã có rất nhiều giới tham gia nồng nhiệt, nhưng cái gì thì cũng có cái hay và cái tệ, bọn xấu nhiều khi đã lợi dụng để “xâm nhập” vào từng lãnh vực để khai thác những điều mà họ muốn, anh còn nhớ nghị quyết 36 của nhà nước XHCH/VN đã đề ra không, biết đâu đấy cũng là một vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm. Tôi có đa nghi?

HĐN: Ôi, lời anh là một cảnh tỉnh đáng lưu ý. Mình vừa nhào vào cõi ấy với tất cả sự mê muội trải lòng. Tự rày bớt giảm ngừng, bớt cà khịa. Ngoài vấn nạn “an toàn” như anh bảo, mình cũng tự nhìn thấy tới chuyện hao tổn sinh khí, thường “bực cả mình”. Chốn đó rất mực thượng vàng hạ cám, rất nhiều người chẳng hợp tạng mình. Nói chung là xô bồ, là “thị tại môn tiền náo”, là chốn lao xao dành cho người khôn, sẽ có lúc mình làm đứa dại tìm về với vắng vẻ. Thực tâm mà nói, nếu mình mang tham vọng viết nên một cuốn tiểu thuyết, điều cần làm trước tiên là phải nghỉ chơi, xa lánh facebook, muốn tập trung suy nghĩ thì xin ngồi chỗ vắng tiếng ong ve mà facebook là khu rừng hỗn tạp âm thanh đủ mọi âm vực chứ nào chỉ có ong ve thôi. Đúng là “khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười”.

THĐ: Nghĩ ra tôi đã làm phiền anh rất nhiều mong rằng với lòng nhân ái anh cũng vị tình mà không chấp. Anh còn muốn nói thêm gì nữa không với độc giả của chúng ta?

HĐN: Nói đã nhiều, có nói thêm cũng chỉ một lời, rằng thưa thốt thì sẽ mắc lỗi lầm, đụng chạm vốn khó tránh. Nếu lỡ mang tội, xin độc giả khoan dung lượng tình bỏ quá cho. Độ rày sức khoẻ mình sa sút, một tinh thần không minh mẫn trong một thể xác chẳng tráng kiện. Xin từ bi hỉ xả, rộng mở nụ cười. Sau hết, cảm ơn nhà thơ Triều Hoa Đại đã có lòng hỏi han. Mình không tin là tâm sự của mình đã “thoả đáng” cho những câu hỏi của anh đặt ra. Đành tạ lỗi trước.

THĐ: Xin cám ơn nhà văn Hồ Đình Nghiêm.

Triều Hoa Đại thực hiện bằng điện thư
tháng 12, 2019.
Nguồn: Nhà văn Hồ Đình Nghiêm chuyển bài

Đã đóng bình luận.