Nguyễn Mạnh An Dân

Nhà thơ Tô Thùy Yên (1938-2019) |
Tô Thùy Yên, tên thật Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định trong một gia đình bình thường, đông các em, cha làm chuyên viên phòng thí nghiệm thuộc Viện Pasteur, sau về Bệnh viện Chợ Rẫy, mẹ nội trợ. Học tiểu học ở Gia Định, trung học ở Sài Gòn (trường Petrus Trương Vĩnh Ký và tư thục Les Lauriers), có ghi danh theo học ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ban Văn Chương Pháp, một thời gian rồi bỏ dở. Động viên vào cuối năm 1963, khóa 17 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tại ngũ cho đến ngày 30 – 4 – 1975, chủ yếu trong ngành Chiến Tranh Chính Trị. Cấp bực cuối cùng: Thiếu Tá. Tù Cộng Sản ba lần, tổng cộng 13 năm. Cuối năm 1993, cùng gia đình sang tị nạn tại Hoa Kỳ, mấy năm đầu ở Saint Paul, Minnesota, sau dọn về Houston, Texas cho đến nay. Thơ Tô Thùy Yên bắt đầu xuất hiện trên báo chí từ năm ông 16 tuổi. Gia nhập nhóm Sáng Tạo thành hình năm 1956, cộng tác đều đặn với nhiều tạp chí văn học ở miền Nam, chủ trương nhà xuất bản văn học Kẻ Sĩ. Đã xuất bản: Thơ Tuyển, ấn bản tại Đức năm 1994, ấn bản tại Mỹ năm 1995; Thắp Tạ, 2004. (Nguyễn Mạnh An Dân) |
Nguyễn Mạnh An Dân (NMAD): Anh là một tác giả thành danh rất sớm, thường xuyên có thơ văn đăng báo từ khi mới 16, 17 tuổi, và cho đến năm 1975, anh đã gần như liên tục tham dự vào những hoạt động có liên quan đến chữ nghĩa như viết báo văn học, có lúc làm báo văn học, dịch sách văn học Pháp, thậm chí làm cả xuất bản văn học, vậy mà anh lại chẳng cho xuất bản một tác phẩm nào của anh, tại sao vậy?
Tô Thùy Yên (TTY): Phải thú nhận là có rất nhiều lúc bất đắc ý với đời sống, tôi đã tỏ ra không mặn mà cho lắm với chữ nghĩa văn chương dù rằng hồi còn trẻ nhỏ, tôi đã cực kỳ mê đắm văn chương, nung nấu ước vọng sau này trở thành một tác giả giá trị. Tôi thường xuyên trăn trở trong cái ý nghĩ gai góc là văn chương phải chăng cũng chỉ là một trò chơi mà mắt, dối gạt, phù phiếm, vô bổ. Nên đã có mấy lần, đặc biệt hồi mới vào lính, bị đặt trước một tương lai sinh tử chờn rờn, trong mấy năm liền, tôi đã tự ý dứt khoát xa lìa mọi sinh hoạt văn chương chữ nghĩa, đến độ chỉ một hai người bạn thân ở Sài Gòn lúc bấy giờ biết rõ tôi lưu lạc ở nơi nào của đất nước. Những đại họa giáng xuống con người vô phương tránh đỡ, văn chương cùng lắm cũng chỉ là thêm nữa một tiếng kêu đau. Còn nhớ hồi 19, 20 tuổi, tôi đã viết một câu thơ: Anh định ngày rất gần đây, sẽ thôi làm văn nghệ, tôn giáo của những anh hùng bất lực… Vào cái thời còn là ngựa non, dê cỏn, tôi lẫn quẫn với cái ảo tưởng anh hùng đương đầu với cuộc sống. Sau này, trên 60 tuổi, tôi lại viết: Ôi, kinh điển nào chẳng là bia chú đoạn trường: / Nơi đây nhân loại cùng quẫn không yên nghỉ. Nói chung, trước kia cũng như sau này, đối với tôi, văn chương vẫn chỉ là một chứng từ sao lại về sự thất bại của con người trước cuộc sống.
(more…)