Nguyễn Trần Diệu Hương
Những ngày cuối năm, trời trở lạnh, người ta nghĩ đến những người vô gia cư không nơi nương tựa, những người không may. Có khi nào bạn nghĩ đến những người đã mất một phần thân thể từ lúc còn rất trẻ?
Có khi nào bạn tưởng tượng mình đang khỏe mạnh, đang ở độ tuổi ngoài 20 đầy sức sống, chợt thấy một cánh tay, hay một phần của chân biến mất, hay tỉnh dậy với bóng tối mịt mùng bao phủ suốt cuộc đời? Hay tệ hại hơn, cả đôi chân không còn, một mắt không còn, một hay cả hai bên tai không còn thu nhận được âm thanh của thế giới chung quanh?
Các chú, các anh thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã sống như thế từ ít nhất là 45 năm qua, thầm lặng, cam chịu bên lề xã hội của “người thắng cuộc”.
Họ sống âm thầm, cam chịu, tự lo thân bằng tất cả khả năng của một thân thể khiếm khuyết. Một phần thân thể của họ đã hòa tan với cát bụi, đã biến mất trong bom rơi, đạn lạc từ những năm chiến tranh.
Có khi nào chúng ta tự hỏi mình đã cảm ơn những người đã hy sinh một phần thân thể để chúng ta có ngày hôm nay, để chúng ta được hưởng không khí tự do của miền Nam trong hơn 20 năm?
Đó là một món nợ ân tình mà chủ nợ không bao giờ đòi, nhưng chúng ta có bổn phận phải trả, trả đến hết cuộc đời.
Hàng năm, chúng tôi vẫn viết check ủng hộ các thương phế binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Số tiền nhỏ nhoi, không thay đổi được số phận hẩm hiu, không đáng là bao so với sự hy sinh to lớn của họ; nhưng ít nhất cũng làm họ vui hơn vì vẫn được nhớ tới, vẫn được trân trọng. Một đốm lửa nhỏ giữa đêm đen không đem về được bình minh như mặt trời, nhưng vẫn đủ để người phải sống giữa đêm đen ấm lòng.
Đâu đó giữa một thành phố bị đổi tên, có những người tàn tật tuổi đã ngoài 60, bán vé số để mưu sinh. Ngày xưa họ là đồng đội, trẻ trung, hào hùng trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, bây giờ họ là “đồng nghiệp”, nương nhau để sống.
Đầu năm dương lịch, những ngày cuối năm âm lịch, ngày Chủ Nhật 5 tháng 1 năm 2020, xin mời bạn đến San Jose, Center for the Performing Arts để nghe các tiếng hát của một thủa Sài Gòn (Lệ Thu, Thanh Thúy…), để nghe các ca sĩ trưởng thành sau chiến tranh (Trần Thái Hòa, Nguyên Khang…) hát về những ngày hào hùng ngày xưa khi các anh, các chú thương phế binh cầm súng bảo vệ tự do, để nghe những cam chịu, những vất vả nhọc nhằn của những người đã bỏ lại một phần thân thể của mình cho an vui của ông bà, cha mẹ, và cho cả sự thành công của chúng ta ngày hôm nay.
Và để cùng góp bàn tay thắp lên một ánh lửa giữa mùa Đông triền miên từ gần nửa thế kỷ qua cho các chú, các anh thương phế binh.
Thế hệ chúng tôi rất mê bài hát “Có bao giờ em hỏi” (thơ Duyên Anh, nhạc Phạm Duy) qua tiếng hát của Trần Thái Hòa:
Có bao giờ em hỏi quê hương mình ở đâu?
Có bao giờ em đợi tháng mấy trời mưa ngâu?
Có bao giờ em nói câu tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi hồn ta về với nhau
Nhưng những câu cuối, chúng tôi có cảm tưởng Nhà Văn Duyên Anh viết cho những thương phế binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa:
Em bao giờ em khóc, ngơ ngác chuyện chiêm bao
Chưa kịp mê tam cúc, xuân hồng đã trôi mau
Chưa kịp hôn môi Tết, tháng Giêng son phấn sầu
Bây giờ em đã biết, em đã chết từ lâu.
Xin hãy cùng đến dự Đại Nhạc Hội “Xuân nhớ Người Thương Binh VNCH” vào ngày 5 tháng 1 năm 2020 để cùng góp bàn tay trả món nợ lớn, và để gởi một chút quà nhỏ về góp phần vào mâm cổ ngày Tết của một trong những người đã đóng góp một phần thân thể mình cho hơn hai mươi năm tự do của miền Nam.
Silicon Valley, cuối năm 2019
Nguyễn Trần Diệu Hương
Ghi chú: Chi phiếu ủng hộ xin ghi:
Pay order of: Hội HO cứu trợ TPB và QP VNCH
Memo: (Bắc CA)
Và xin gởi về địa chỉ:
Hội HO cứu trợ TPB và QP VNCH
PO Box 25554
Santa Ana, CA 92799
Nguồn: Tác giả gửi