Thanh gươm cổ sử anh hùng Đặng Dung

Posted: 02/09/2020 in Nguyễn Minh Thanh, Thơ

Nguyễn Minh Thanh

Mùa lá,
Đêm đọc “Cảm Hoài” (1) nơi đất khách
Giọt sương tí tách truớc hiên hoa
Mơ hồ ai khóc non sông rách
Rụng xuống thiên thu mắt lệ nhoà..!!

Quốc thù hề! Chiêu binh phục quốc
Tử, sinh hề! Mây trắng đầu non
Trường Sơn (2) truông đá dài dằng dặc
Chiến mã hề! Chẳng nản chân bon

Than ôi!
Vận nước Thu bay sầu điệp điệp …
Trăng cao nhiều khuyết ít khi tròn!!

Khúc Cổ Sử bi hùng tráng quá
Có ai mài kiếm giữa đêm trường
Gưong trăng chênh chếch treo đầu núi
Nghĩa Sĩ miệt mài áo đẫm sương

Chống kiếm trông trăng lòng thổn thức
Hét vang uất hận chấn thiên hà
“Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền (3) đái nguyệt ma”

Giận thay bạo ác tên Trương Phụ (4)
Tàn hại dân lành đến tả tơi
Mô Độ (5) quyết trừ loài giặc dữ
Nam dân yên ổn ấm no đời

Thái Gia (6) kịch chiến đường gươm sắc
Suýt bắt được thù cứu núi sông
Cơ hội trôi đi rừng héo hắt
Tử thù Trương Phụ đã đào vong

Mấy năm sỏi đá dày gian hiểm
Binh lực ngày càng thêm yếu đi
Dũng tướng Đặng Dung lòng chẳng chuyển
Chiến trường gai góc vẫn kiên trì

Ô hô thế giặc cao triều sóng
Sông Núi chìm sâu chuỗi dập vùi
Mãnh hổ cùng đồ bị bắt sống
Anh hùng tuẫn tiết hận nào nguôi
Biển Đông nhảy xuống hồn bay bổng
Ảm đạm Núi Sông cũng ngậm ngùi..!!

Kinh Kha (7) – trả nợ sang sông Dịch
Nghĩa Sĩ – quốc thù lập chiến khu
Kinh Kha – gãy kiếm xương chan thịt
Nghĩa Sĩ – ôm hờn nghe sóng ru..!!

Tưởng Người hào kiệt dưới trăng thâu
Bên suối đăm chiêu dáng dãi dầu
Lặng lẽ chống gươm nhìn nước chảy
Ưu tư thế Nước chuyển về đâu!?

Lồng lộng trời cao cơn gió hú
Sao cài rải rác áng mây xa
Đau lòng giông bão phương trời cũ
Vẳng tiếng oan khiên dưới nguyệt tà

Núi hỡi buồn chi đứng thảm sầu
Chim rừng sao khóc giữa đêm sâu
Hướng về Cố quốc xa thăm thẳm
Trúc hỡi làm sao đứng gục đầu!?

Nguyễn Minh Thanh

Lược sử: Ông Đặng Dung (1373 – 1414) người Nghệ An, con ông Đặng Tất. Lúc đầu hai cha con ông đều phò Giản Định Đế. Sau khi cha bị Giản Định Đế giết oan, Đặng Dung về với Trùng Quang Đế. Ông lập được nhiều chiến công. Rồi vì binh ít thế cô, Chúa, Tôi đều bị tên Trương Phụ bắt và giải về Trung Quốc. Trên đường đi (đường biển) cả hai Chúa, Tôi đều nhảy xuống biển tuẫn tiết!!

(1) Cảm Hoài là bài thơ duy nhứt của anh hùng Đặng Dung. Lời thơ rất thống thiết:

Cảm hoài

Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma

Đặng Dung

Cảm Hoài

Thế sự miên man, tuổi hắt hiu
Rượu nghiêng trời đất hát ngao nghêu
Gặp thời đồ điếu nên công dễ
Lỡ vận anh hùng nuốt hận nhiều
Xoay trục phò vua mong chuyển hướng
Khơi sông gột giáp chẳng thông chiều
Bạc đầu thù nước buồn chưa trả
Mấy bận gươm mài dưới nguyệt xiêu..!!

Nguyễn Minh Thanh cẩn dịch

(2) Trường Sơn: dải núi dài khoảng 1100 km, khởi từ thượng nguồn Sông Cả trên đất Lào giáp Nghệ An tới cực Nam Trung Bộ.
(3) Long Tuyền: thanh kiếm quí, đời xưa.
(4) Trương Phụ: Tướng giỏi nhà Minh (Trung Hoa), tên giặc đại ác đã tiêu diệt Nhà Hồ & Nhà Hậu Trần, giết Sứ thần Nguyễu Biểu, chôn sống tù binh, giết dân ta rồi nấu dầu…
(5) Trận Mô Độ: năm 1410 hai bên kịch chiến ở Mô Độ, quân Minh bị thất thế.
(6) Thái Gia: địa danh chiến trường xưa, vùng Ái Tử Quảng Trị. Năm 1413, tướng Đặng Dung đang đêm nhảy lên thuyền định bắt sống Trương Phụ. Nhưng không biết mặt. Trương Phụ chạy thoát.
(7) Kinh Kha: người nước Vệ thời Chiến Quốc, là môn khách Thái Tử Đan nước Yên, chịu nợ áo cơm cúa Thái Tử, nhận trọng trách ám sát Tần Thủy Hoàng. Không thành, bị băm thây!

Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.