Mỹ Trí Tử
Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui
Đó là câu ca dao xưa khi nói về cây cầu ngói thuộc Làng Thanh thủy, Phú vang, cách Thành phố Huế khoảng 8km về phía Đông, mà tôi vô tình nghe được trên chuyến xe đến thăm cây Cầu Ngói độc đáo và cổ kính trong chuyến trở lại Việt Nam dịp đó. Đây là cây cầu độc đáo và hiếm hoi ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Cây cầu được xây theo lối “Thượng gia hạ kiều” tức là: trên thì nhà mà dưới là cầu. Cùng với cây Cầu Chùa ở phố cổ Hội An thì cầu ngói Thanh toàn cùng cầu Chùa là hai cây cầu duy nhất ở Việt Nam được xây theo lối này.
Cầu được xây dựng vào khoảng năm 1776, nhờ công lao to lớn của người phụ nữ có tên Trần Thị Đạo. Bà là người cháu đời thứ 6 của một trong 12 vị đã có công khai phá và xây dựng làng Thanh Thủy, Chồng bà là một quan lớn trong triều đình thời bấy giờ. Trong ngôi làng nhỏ, nơi bà sinh sống có một dòng sông chảy qua. Người dân trong làng đi làm đồng ở phía bên kia sông đều phải chèo thuyền, các hoạt động đi lại đều phải gắn liền với thuyền, đò, thậm chí phải bơi qua sông nên rất vất vả, bất tiện và mất thời gian. Qua bao mùa mưa nắng, rét buốt, thấy dân làng đều phải vất vả để qua sông, bà nghĩ phải làm một điều gì đó để thay đổi chuyện này. Với sự đức độ và lòng thương dân làng bà đã tự bỏ tiền của mình để xây dựng một cây cầu cho người dân đi lại thuận tiện hơn. Cây cầu cũng có thể làm điểm dừng chân, hóng mát, gặp gỡ, chuyện trò… cho người dân trong làng.
Cây cầu này có tổng chiều dài là 16,85 mét, chiều rộng là 4,63 mét, và được chia thành 7 gian. Từ ngoài nhìn vào chúng ta sẽ thấy tổng thể cây cầu mang hình dáng của một ngôi nhà. Đó mới chỉ là cảm quan bên ngoài, nhưng khi bước vào bên trong thì thấy điều đó là đúng, bởi nó được chia thành 7 gian như 7 gian nhà khi bước vào một ngôi nhà truyền thống. Chúng ta cũng sẽ thấy bàn thờ tổ tiên thường được đặt ở chính giữa, ở cây cầu này cũng vậy. Một bàn thờ được đặt ở chính giữa cây cầu để thờ phụng và tỏ lòng thành kính với bà Đạo- người đã có công xây dựng công trình này. Còn hai bên, mỗi bên 3 gian đều được làm các bục cao như những bộ bàn ghế trong nhà. Hai bên thành cầu có lan can, dọc theo hai bên thành cầu có hai bục gỗ cao tầm 50cm như hai băng ghế dài. Chúng ta có thể ngồi trên bục lưng dựa vào lan can như ngồi trên ghế hay ngả lưng nằm mỗi khi mỏi mệt. Chính vì thế nên cầu thường là nơi tụ họp của người dân sống quanh đây mỗi trưa hè nóng bức. Mọi người ra đây hóng mát, làm việc riêng cùng với tiếng cười nói. Đây cũng là nét kiến trúc đặc trưng của những cây cầu được xây theo kiểu “thượng gia hạ kiều”.
Ở hai đầu cầu có hai bãi đất trống khá rộng, đầu cầu phía nam là một cái chợ nhỏ, chợ quê mà dân làng mang các sản phẩm làm được ra đây để trao đổi, mua bán với nhau theo lối tự cung tự cấp. Sau này khi giao thông thuận lợi thì có thêm các thương nhân ở các vùng khác đến giao thương. Còn đầu cầu phía bắc thì có một ngôi đình làng, nơi đây là chỗ diễn ra các lễ làng như: hội làng ngày mồng Ba tết âm lịch, hay ngày giỗ bà Đạo (người có công xây dựng cây cầu) vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Ghé thăm cầu ngói Thanh toàn lần này vào dịp cận Tết nên cây cầu có vẻ khác ngày thường. Đông vui hơn, nhiều người tham gia chợ quê ngày hội, người người vui tươi, háo hức… Một người dân địa phương cho tôi hay rằng, ngôi chợ nhỏ đầu cầu này vào những ngày cận Tết đông hơn ngày thường rất nhiều lần, phần vì dân trong làng đều nô nức ra chợ để vui chơi, giao lưu, buôn bán, phần thì khách thập phương đổ về nên chợ đông vui và nhộn nhịp. Người đến đây rất đông, già trẻ, gái trai đều có, nhiều nhất là giới trẻ, ai nấy đều xinh tươi, áo quần sặc sỡ đi thành từng nhóm, từng tốp rất đông vui.
Ở đây người ta bán đủ thứ, từ những quả cam, quả đu đủ hay mớ rau trong vườn nhà trồng được, hoặc là những mớ cá bắt được dưới sông, ngoài đồng. Xa xa có một bà cụ đang ngồi dáng lom khom với mái tóc bạc phơ vì tuổi tác cùng một rổ trứng gà nhà bà nuôi được. Những chậu hoa mai, hoa cúc bày bán trông đẹp mắt. Có lẽ biết được đây là dịp trước Tết đông người, nên dân làng ở đây tận dụng dịp này để mang những sản vật địa phương ra trao đổi nên các mặt hàng rất phong phú và đa dạng. Đi dạo một vòng qua các sạp hàng thấy được rất nhiều điều hay và lạ. Phần vì một số sạp hàng nơi đây là bán cố định thì đa số những người bán là phát sinh hay đột xuất, chẳng hạn như hôm nay người nhà bắt được mớ cá, hay một luống rau đã đến kỳ thu hoạch nhưng trong nhà không có nhu cầu hoặc ăn không hết nên các chị, các mẹ mang ra chợ bán để kiếm thêm tiền hoặc nhằm bán để lấy tiền mua những thứ khác mà mình cần hoặc còn thiếu. Họ đặt các sản vật lên những chiếc rổ, mẹt đan bằng tre (mẹt là dụng của của miền quê, được đan bằng những nan tre hình dáng như chiếc nong nhưng nhỏ hơn, đường kính khoảng 50cm. Người ta thường dùng mẹt để phơi hoặc đựng các vật dụng) hoặc trên chiếc bì lác (bì lác là cái bao to, dệt bằng những sợi nilon do các nhà máy sản xuất để đựng các loại bột, thức ăn gia súc hay phân bón, người dân ở quê thường tận dụng lại vỏ bao nhằm sử dụng cho các mục đích khác), thậm chí bỏ thẳng trên mặt đất rất đỗi sơ khai.
Huế vốn nổi tiếng bởi những món ăn, từ cung đình cho đến dân giã, mỗi thứ đều có điểm thú vị khác nhau. Tôi dường như bị mê hoặc bởi một chị bán “bánh canh” và một cô lớn tuổi bán các loại bánh ngồi cạnh nhau. “Bánh canh” thực ra là một loại cháo, người nấu bắt một nồi nước lớn đang sôi sục trên bếp than hồng rực, nồi nước sôi lên sùng sục ẩn hiện thấp thoáng những quả trứng chim cút trắng tinh, những cục chả cua vàng cùng những váng mỡ vàng ươm tạo nên một nồi nước dùng trông hấp dẫn. Chị nấu bánh canh như một người nghệ sĩ biểu diễn, dùng cái chai thủy tinh cán những cục bột gạo trắng tinh đã được nhào nặn sẵn từ trước. Chị cán cục bột mỏng ra thành một bánh tròn như cái dĩa ôm quanh cái chai, sau đó chị giơ cái chai trên nồi nước đang sôi, một tay cầm chai có tấm bột dính còn tay kia cầm cây dao nhỏ, cứ thế tay chị thoăn thoắt cứa vào tấm bột, từng sợi bột dài như chiếc đũa cứ rơi liên tiếp xuống nồi, rất điệu nghệ và vui mắt. Tôi nghĩ chắc có lẽ chị đã cắt và nấu hàng ngàn nồi bánh canh rồi thì chị mới có một kỹ năng điêu luyện như vậy. Một thực khách sà vào hàng bánh canh, ngồi trên chiếc ghế nhỏ được kê gần người bán, chị bán hàng đưa cái vá vào nồi nước sôi sục múc lên một vá có cả những con bột đã chín lẫn những quả trứng nho nhỏ tròn tròn, những cục chả cua vàng ươm đổ vào một cái tô bốc khói nghi ngút, chị bán hàng nhanh tay bốc một nắm lá hành xắt nhỏ rắc vào tô thêm một muỗng nhỏ hạt tiêu xay nhỏ và ớt bột, lúc này nhìn tô bánh canh thật hấp dẫn với đủ sắc màu: trắng, vàng, đỏ, xanh, và màu đen của tiêu bốc khói nghi ngút tỏa ra mùi thơm ngào ngạt lôi cuốn và hấp dẫn.
Cạnh đó thì cô làm bánh cũng thoăn thoắt đôi tay. Nhào bột, vo tròn và gói bánh. Nguyên liệu để làm bánh là thứ bột gạo đã xay nhỏ, ngâm nước cho sệt sau đó nhào nặn để có thứ bột dẻo. sau đó tùy từng loại bánh mà người làm bánh sẽ vò từng viên bột cho vừa. tôi đặc biệt chú ý đến món bánh Nậm ở đây. Cô làm bánh giải thích cho tôi rằng: bánh Nậm làm bằng bột gạo, có nhân tôm thịt và gói bằng lá chuối. Bột sau khi đã nhồi dẻo, người ta phết một lớp mỡ hoặc dầu ăn mỏng lên miếng lá chuối sau đó bỏ cục bột nhỏ lên lá chuối, dát mỏng và cho nhân tôm thịt vào. Nhân là tôm và thịt qua sơ chế được xay hoặc băm nhỏ rồi xào nhỏ lửa cùng với gia vị đến khi chín tới sau đó cho lượng vừa phải vào miếng bột đã dát mỏng trên lá chuối rồi gói lại. Sau đó bánh được bỏ vào nồi và hấp nhỏ lửa khoảng 15-20 phút thì bánh chín, bỏ ra đĩa, bóc chiếc bánh bốc hơi nghi ngút, lớp bột trắng hiện ra cùng với màu vàng đỏ của nhân tôm thịt trên lớp lá chuối xanh chấm vào bát nước mắm ớt chua ngọt thì không gì hấp dẫn bằng. Bánh lọc cũng làm tương tự như bánh nậm. nhưng có khác đôi chút đó là người ta thay bột gạo bằng bột lọc (bột lọc là tinh bột của củ sắn, nó dẻo hơn và rất trong) và nhân là người ta để nguyên cả con tôm sau khi đã chế biến. Bánh lọc ăn kèm với nước mắm ớt không chua ngọt.
Có lẽ bắt mắt và hấp dẫn nhất đó là hàng bà bán chè. Chè Huế ngày xưa chỉ một vài món, bây giờ người ta đã chế biến ra hàng chục món. Chè chủ yếu nấu từ các loại đậu như: đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu ngự..vv.. rồi có chè bưởi, chè khoai môn, chè bắp..tất cả được đựng trong những chiếc nồi nhôm trắng, mỗi món một màu sắc, một hương vị khác nhau rất hấp dẫn và bắt mắt. Ngoài ra còn có nào là bún, cháo gạo đỏ ăn với cá bống kho rim, ram ít (ram ít là loại bánh khá độc đáo mà tôi nghĩ chỉ có Huế mới có. Đó là sự kết hợp giữa mặn và ngọt, mềm dẻo và cứng giòn. Bánh ít làm bằng bột nếp nhân đậu xanh dạng như bánh dày ở miền Bắc, còn bánh ram cũng như bánh ít nhưng được rán lên vàng rộm, giòn tan. Hai bánh này được kẹp với nhau khi cho vào miệng nhai thì độ dẻo và mặn của bánh ít quyện với giòn hơi cứng và hơi ngọt của bánh ram tạo nên một hương vị hòa quyện rất khác biệt mà không một loại bánh nào có được), nem chả..mà mỗi món là một phong vị khác nhau khiến cho người dạo chợ khó cưỡng được.
Ở Huế cây cối rất xanh tươi, đất đai thổ nhưỡng rất tốt lại là nơi có rất nhiều nhà vườn, phủ đệ của vua quan xưa nên trái cây cũng khá phong phú và đa dạng. Ở chợ quê đa số là các loại cây trái trong vườn mang ra bán, nào là chuối, rất nhiều loại chuối như chuối Hương quả to và dài, chín rất thơm, chuối Mốc, chuối Tiêu, chuối Cau…từng buồng chín vàng ươm xen lẫn những quả chưa kịp chín chỉ mới chuyển từ màu xanh sang màu vàng nhìn rất đẹp mắt. Tết là mùa của các loại cam, cam sành, cam chanh, cam bầu, cam voi (vì quả nó to như quả bưởi) quả to quả nhỏ, vỏ xanh vỏ đỏ vỏ vàng xen lẫn nhau nằm từng đống lăn lóc một góc chợ. Ngoài những loại trái cây có sẵn của địa phương thì nay giao thông thuận lợi và phát triển nên những thương lái mang những loại trái cây của những vùng miền khác đến bán như: dưa hấu chuyển từ miền Nam nắng gió ra, xoài, chôm chôm, sầu riêng..tạo nên vẻ phong phú hơn cho những sạp hàng trái cây ngày tết.
Có lẽ bánh mứt Tết là những thứ mà cầu kỳ nhất, nhiều nhất ở Huế. Có rất nhiều loại bánh được làm để bày và dọn trong những ngày tết. Như bánh in được làm từ bột nếp rang chín rồi xay nhỏ trộn với đường cát trắng, đóng vào những cái khuôn có hình khác nhau nên có tên là bánh in. Chúng được gói trong các lớp giấy bóng xanh, đỏ, tím, vàng rất sặc sỡ và đẹp mắt. Ngoài ra còn có bánh trái cây, là loại bánh được làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh có hình dạng mô phỏng các loại trái cây nên có tên gọi là bánh trái cây. Rồi bánh đậu, mứt dừa, mứt gừng, mứt hột sen, mứt bí đao, cà rốt…mỗi loại là một màu sắc và hình dáng khác nhau rất đa dạng và phong phú.
Bên bãi đất trống thì người ta đang tổ chức các trò chơi, tiếng hò reo cổ vũ vang dậy một góc trời. Các trò chơi như kéo co, bịt mắt bắt lợn con và đập niêu là thu hút hơn cả. Những chiếc niêu đất được treo lên ngang tầm người, người chơi bị bịt mắt, tay cầm gậy và chỉ được đập dọc từ trên xuống chứ không được đập ngang, ai đập trúng làm bể niêu thì sẽ thắng. Tiếng reo hò, tiếng ồ lên tiếc nuối vang lên sau mỗi nhát đập của người chơi, tất cả rất hồ hởi, phấn khích tạo nên một không khí vui tươi háo hức. Có lẽ trò bị mắt bắt lợn con là vui hơn cả. một khoảng đất rộng được ví lại, một chú lợn con được thả vào và vài người chơi bị bịt mắt lại để đuổi bắt chú lợn con. Tiếng hò reo vang lên khiến chú lợn con hoảng loạn chạy tứ tung, người chơi thì chụp loạn xạ do không thấy đường, nhiều lúc không chụp vào lợn mà chính người chơi lại chụp vào nhau gây lên những tràng cười sảng khoái, hào hứng. Hội đã tan rồi nhưng lòng người còn vương vấn, thầm hẹn sẽ gặp lại Chợ quê ngày hội năm sau.
Đó là một nét văn hóa của một góc chợ quê bên chiếc cầu đầy thơ mộng và cổ kính. Cây cầu ngói Thanh Toàn không chỉ đẹp mà nó còn là nơi nghỉ ngơi, trú chân cho những người đi qua đây mỗi khi nắng gắt hay gặp những cơn mưa bất chợt. Nó còn là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các vùng lân cận. Cũng là một điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương với một kiến trúc cổ và độc đáo. Bây giờ ngồi nhớ lại trong đầu lại văng vẳng câu ca dao:
Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui.
Nhớ cây cầu đẹp, nhớ vùng quê thanh bình thân thiện, nhớ Huế, nếu còn có thể sẽ một lần ghé lại nay mai…
Mỹ Trí Tử
Tết 2021
Nguồn: Tác giả gửi