Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Giới Trẻ Seatle tuyên xưng niềm tin tại Đại Hội Giới Trẻ VYC3, CSU Long Beach, 2009
(Ảnh: Olivier Glassey-Trầnguyễn)
Tuổi trẻ Việt ngoại biên
Trên nhiều nẻo đường thế giới, nhân loại vẫn đang bắt gặp những khuôn mặt Việt trẻ làm chủ nhiều lãnh vực khác nhau trên bàn cờ quốc tế. Họ không chỉ thành công trong xã hội chủ lưu, mà người Việt trẻ ở khắp nơi vẫn rất đạt đạo trong việc thể hiện văn hóa và biểu dương nguồn gốc của mình.
Trong thiên niên kỷ thứ ba, cộng đồng Việt Nam hải ngoại không chỉ là một cộng đồng tỵ nạn như khi mới định hình 35 năm về trước, mà đã thực sự là một thành viên lớn mạnh giữa đại gia đình thế giới. Tuy không là một quốc gia thống nhất hay tổ chức quy mô về mặt chính trị, khối người Việt hải ngoại là một sự hiện diện chính thức, độc lập, vững chắc, và tiếp tục phát triển.
Sự trưởng thành này được đánh dấu bởi hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là do nền tảng của 35 năm xây dựng một quê hương thứ hai trên nhiều miền thế giới. Các thế hệ đầu tiên đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt để cày xới, vun bồi cho những miền quê mới. Để những cái tên như Orange County, Sydney, Montreal không còn đơn thuần là những địa danh nói chung, mà trở nên những vùng đất mang Việt tính.
Yếu tố thứ hai, chính là sự thành nhân và lớn mạnh của tuổi trẻ Việt ngoại biên. Ở đây, tôi chủ ý kiến tạo từ ‘ngoại biên’ thay vì dùng từ ‘hải ngoại’ để phân biệt rõ một điều. Đó là, danh từ ‘hải ngoại’ dùng chung để chỉ những người Việt sống ngoài lãnh thổ địa lý Việt Nam. Với từ ‘ngoại biên,’ tôi muốn nói đến những bạn trẻ sinh trưởng ở hải ngoại, và ở một mức độ nào đó, đã không còn gắn bó nhiều với mảnh đất quê hương như chính cha mẹ họ. Ngược lại, họ gắn bó với quê hương thứ hai, cho dù đó là Little Saigon hay Warsaw.
Theo tôi, yếu tố thứ hai đóng vai trò tiên quyết trong giai đoạn trưởng thành này của cộng đồng Việt hải ngoại. Sau khi chúng ta đã khẳng định bản sắc văn hóa và nuôi dưỡng tinh thần Việt Nam trong ít nhất hai thế hệ con em sinh trưởng ở hải ngoại, 35 năm sau, chúng ta đang bước vào một ngưỡng cửa mới. Ngưỡng cửa của hội nhập, không chỉ vào các xã hội địa phương, mà vào quỹ đạo toàn cầu, vào những trào lưu mới của nhân loại.
Vì những hoàn cảnh hệ tại, nhất là về tuổi tác và trách nhiệm duy trì văn hóa, thế hệ di dân cha mẹ không có điều kiện và tự do để xông pha vào những cuộc chơi ở bình diện rộng hơn là gia đình và cộng đồng sắc tộc (tuy vẫn có trường hợp ngoại lệ). Nhưng chính nhờ có sự đầu tư cốt lõi này mà người trẻ Việt ngoại biên đã có thể tận dùng sức mạnh gia đình và cộng đồng để làm đòn bẩy, và dám mạnh dạn nâng cao những đá tảng giữa đời.
Ai cũng cần có một cội nguồn
Những thế hệ Việt tại San Diego điểm tô Làng Văn Hóa tại Hội Xuân VAYA 2009.
(Ảnh: Trangđài)
Anh David Glassey, một Chánh Án trong Tòa Thượng Thẩm trong chính phủ Thụy Sĩ, đã nói như thế này khi hướng dẫn tôi đi tham quan khu trung tâm Bellinzona, giữa những thành đô cổ và quãng trường lót đá, “Tôi cảm thấy thật thú vị và hạnh phúc khi bước vào những ngôi thánh đường hay đi qua những quãng trường cổ, và biết rằng, hàng bao thế hệ trước tôi đã sinh sống ở đây, cũng bước đi trên những nẻo đường này.” Điều đáng nói ở đây là David rất ngưỡng mộ sự trẻ trung, mở rộng, và năng động của Hoa Kỳ. Thế nhưng, người bạn trẻ này không quên rằng cội nguồn là một di sản hết sức quan trọng, cho dù anh chưa bao giờ sống ngoài nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Khi Bắc Kinh chuẩn bị cho Thế Vận Hội 2008, Đài phát thanh công cộng NPR của Hoa Kỳ đã loan tải một loạt bài về giai đoạn này. Một trong những chuẩn bị quy mô là thay đổi bộ mặt thành phố, hiện đại hóa một số khu dân cư ‘cũ kỹ,’ biến những khu bình dân của Bắc Kinh trở thành những khu phố chọc trời. Một số cặp vợ chồng trẻ, ngược với suy nghĩ chung, đã nuối tiếc hình ảnh mộc mạc thân quen của con phố nhỏ, của những con hẻm hẹp với mái nhà rêu xanh đậm nét văn hóa Trung Hoa. Họ e rằng con cái của họ sẽ không bao giờ được hưởng những không gian êm đềm ấy nữa, nếu thế giới hôm nay cứ tiếp tục đổi mới và xóa đi những hình ảnh của hôm qua.
Tuy một không gian địa lý với vết tích xưa là một điều kiện cần thiết và quan trọng để các thế hệ trẻ có thể sờ chạm vào quá khứ, tôi cho rằng di sản tinh thần vẫn đóng vai trò chủ đạo. Sau 15 thế kỷ chiến chinh, nhiều kiến trúc xưa hay các phố cổ đã bị xóa sổ trên bề mặt quê hương Việt Nam. Nhưng công lao của những người đi trước, thành quả của những cố gắng liên thế hệ, và tinh thần cần cù chịu khó của người dân Việt vẫn còn đứng sừng sững trong tâm thức, nếp sống, và sự tồn tại của người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Cho dù tôi không được bước đi trên những con phố mà các thế hệ trước đã từng qua, tôi ý thức rõ ràng rằng mình vẫn đang bước đi trong anh linh và chí khí của họ.
Văn hóa liên mạch
Tôi cho rằng cộng đồng Việt hải ngoại rất may mắn ở chỗ chúng ta định hình vào một giai đoạn mà thế giới đại đồng bắt đầu có những xu hướng cởi mở hơn về sự bình đẳng văn hóa và sắc tộc. Nếu chỉ nhìn vào Hoa Kỳ, sự chèn ép văn hóa thiểu số vốn rất mạnh trong chỉ vài thập niên trước đó. Khi người Việt chúng ta đến tỵ nạn từ năm 1975 ở các nước trên thế giới, chúng ta có điều kiện để giữ gìn và duy trì văn hóa gốc, và đóng góp di sản văn hóa đó vào trong bàn tiệc văn hóa của nhân loại.
Dĩ nhiên, tôi vẫn không quên những giới hạn và khuyết điểm của trào lưu đa văn hóa. Tuy nhiên, trong trường hợp của cộng đồng Việt hải ngoại, chúng ta đã nắm được cơ hội này và phát huy những ưu điểm của nó. Một điểm mấu chốt là cơ hội này cho phép thế hệ di dân và thế hệ ‘ngoại biên’ gắn bó với nhau hơn, vì các bạn trẻ không phải cảm thấy mặc cảm về văn hóa mẹ đẻ của mình. Ngược lại, họ còn hãnh diện rằng mình có một văn hóa và ngôn ngữ riêng ngoài văn hóa chủ lưu.
Sự gắn bó giữa các thế hệ không đến một cách dễ dàng, nhưng được bồi thố bằng sự kiên định và thương yêu của ông bà cha mẹ. Trong thế giới Việt hải ngoại, tuổi trẻ có được một cơ hội vàng son. Họ có được sự hướng dẫn từ gia đình và cộng đồng, nhưng vẫn có đủ tự do để chọn lựa lý tưởng của mình khi sống trong một xã hội thiên về tự do cá nhân. Tuy luân chuyển giữa hai văn hóa và hai xã hội (gia đình và chủ lưu) là một bài toán rất khó, tuổi trẻ Việt ngoại biên đã tìm được nhiều câu giải đáp rất thỏa đáng khác nhau.
Những hạt giống của mùa Xuân
Vì vậy, khi ghi nhận và thưởng thức những đóng góp tuyệt vời của tuổi trẻ Việt ngoại biên, tôi đặc biệt quan tâm và ý thức một điều: di sản tư duy văn hóa.
Để một mảnh vườn rực rỡ đua sắc tỏa hương khi Xuân sang, thì suốt cả một năm trước, người làm vườn đã phải dày công chăm tưới, vun bồi. Không chỉ thế, công lao khó nhọc kia phải đi kèm với những hạt giống tốt. Nếu không, dù có tận tâm lao tác mà không có giống tốt để ươm trồng, thì mảnh vườn kia có thể chỉ là một bãi cỏ xanh vô vị.
Trong thiên niên kỷ mới này, với niềm hãnh diện và lòng tin mãnh liệt vào sức sống và khả năng của các thế hệ Việt ngoại biên, chúng ta trước hết cần tri ân những thế hệ đi trước – những người làm vườn kiên trinh – đã gieo những hạt giống tốt, để đời sau có thể thừa hưởng và duy trì.
Và chính vì công gầy dựng này, nên cho dù ở bất cứ nơi nào, tuổi trẻ cũng gắn bó với cộng đồng địa phương. Tại Little Saigon, chúng ta đã quen với hình ảnh nhiều thế hệ cùng sinh hoạt trong một đoàn thể hay tổ chức. Tuổi trẻ Việt ngoại biên đã lớn lên giữa lòng cộng đồng, để hôm nay, khi đã thành nhân, chính tuổi trẻ lại đang ôm ấp cộng đồng trong lòng họ.
Tuổi trẻ Việt ngoại biên tỏa sáng
VAYA Liên Hội Tuổi Trẻ San Diego cùng nhau làm sạch đường phố, tháng 10, 2008.
(Ảnh: Trangđài)
Giữa những vùng trời Việt trên thế giới, tuổi trẻ Việt hải ngoại tiếp tục lớn lên, phát triển, và tỏa sáng. Ở những nơi mà cộng đồng Việt đông đúc, như ở Mỹ hay ở Úc và một số nước Châu Âu điển hình, bầu trời Việt trẻ bao la sắc màu, ung dung tự toại vì có được một cộng đồng vững mạnh làm bệ phóng, cưỡi mây đi vào thiên lộ.
Không chỉ ở những cộng đồng đông và mạnh, mà ở mọi nơi, tuổi trẻ Việt Nam vẫn đi tìm nhau, kết hợp với nhau để duy trì tinh hoa văn hóa, di sản, ngôn ngữ, nếp sống, và tâm thức Việt. Tuyết có lạnh như ở vùng Bắc Âu đi nữa, thì tình quê hương cũng không bị đóng băng. Ở những nơi có ít người Việt, tuổi trẻ vẫn đến với nhau, để vun vén một mảnh tình quê.
Tinh thần tuổi trẻ Việt ngoại biên như những ánh nến trong hội hoa đăng, hay những hoa lửa của một đêm pháo bông. Đêm càng sầu, thì ánh hoa đăng càng sáng. Hoa đăng muôn vẻ, pháo bông muôn màu. Có những ánh đèn nở lung linh, bền bỉ. Có những ánh đèn sáng rực rỡ, chóa lóa. Có những chùm pháo bông nhẹ tan vào không gian. Có những chùm pháo bông lênh đênh giữa trời, tạo nên muôn hình vạn trạng. Pháo bông nghìn sắc, như tuổi trẻ Việt đa dạng, tinh khôi.
Tuổi trẻ Việt ngoại biên là những ánh đèn đó, những chùm pháo bông đó. Họ tỏa sáng ở khắp nơi, và tiếp tục tỏa sáng cho thiên niên kỷ thứ III này. Họ được cha mẹ nối lửa, được cộng đồng sắc tộc khơi màu. Trên thềm thiên niên kỷ thứ ba, tôi mời quý độc giả cùng hướng về một bầu trời đêm được thắp sáng bởi ánh tinh cầu của tuổi trẻ Việt ngoại biên, để chúng ta cùng đóng góp cho một ngày mai đầy hy vọng và tin tưởng.
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh