Phùng Thành Chủng
“Phùng ơi! Phùng à…”
Phùng đi dọc đường làng, vừa đi y vừa hờ tên mình như bố hờ con chết. Giọng y đã khản đặc nhưng lũ trẻ con vẫn lẵng nhẵng chạy theo đeo bám, trêu chọc:
“Anh Phùng đọc thơ cho chúng em nghe đi…”
Mặt Phùng ngẩn ra:
“Phùng nào?”
“Thế anh không phải là Phùng à?”
Đôi mắt Phùng xa vắng, vô hồn. Y lắc đầu:
“Anh thì biết gì thơ phú…”
“Trước đây anh chẳng đã có thơ in…?”
“Các chú cứ “chửi đểu” anh làm gì!”
…Nói thế, nhưng sau đó Phùng vẫn hắng giọng và u ơ đọc. Theo y, bài thơ có cái tít là “Hư danh”! Chẳng biết thơ y làm hay là y đọc đựơc ở đâu, nghe đi, nghe lại nhiều lần quá đến nỗi lũ trẻ đã thuộc:
“Tôi mang trấu
gieo xuống cánh đồng…
Lũ trẻ xúm quanh nhao nhao:
“Hết thóc giống hả anh Phùng ơi?”
“Chắc là anh nhận nhiều ruộng quá(?!)”
“Có thuê chúng em làm cho…?”
Phùng lừ mắt nhìn mấy đứa vừa hỏi, không thèm trả lời rồi tiếp:
Trấu không nảy mầm,
vô tình nuôi cỏ!
Lũ trẻ đồng thanh, đế theo:
Trấu không nảy mầm,
vô tình nuôi cỏ!
Đôi mắt Phùng vụt long lanh vì được phấn khích:
…Huyễn hoặc về một mùa gặt hái.
Mơ… mình ăn cháo kê!
Cả lũ lại gào lên: “Cháo kê, cháo kê!” – Rồi xúm quanh Phùng, chúng vỗ tay đồm độp. Tiếng một đứa hỏi:
“Cháo kê chắc là ngon lắm phải không anh Phùng?”
Phùng nhìn trân trối những đứa trẻ đang đứng vây quanh. Đôi mắt đã lại đờ đẫn, vô hồn, khiến gương mặt y trông ngây ngô, đần độn. Bất giác, y cười sằng sặc. Đang cười, bỗng nhiên y dừng lại rồi khóc hu hu. Y lại thất thểu bước đi vừa hờ vừa khóc:
“Phùng ơi! Phùng à…”
oOo
…Bắt đầu từ việc Phùng in tập thơ đầu tay theo phương thức tác giả tự bỏ tiền và tự phát hành lấy. Chỉ mới cách đây năm, sáu năm mà nghĩ lại đã như là lâu lắm rồi!
Còn nhớ hôm Phùng mang bảo thảo ra nhà xuất bản. Từ nhà, y nhảy ô tô ra Hà Nội. Xuống xe, Phùng đi bộ không dám gọi xích lô, sợ bị chẹt và vì số tiền trong túi chỉ đủ phòng tiền ăn và tiền về. Y đã phải lộn đi lộn lại không biết là bao nhiêu phố để hỏi thăm vì không biết rõ địa chỉ và không thuộc đường (!)…
Người tiếp Phùng hôm đó là Trương Quân, một nhà thơ mà tên tuổi và tác phẩm – từ nhiều năm qua – Phùng đã đựơc biết đến trên mặt báo nhưng trực tiếp đối thoại thì đây là lần đầu tiên. Đói, mệt, mặc cảm và mất tự chủ trước một cây bút đàn anh làm hàm y cứng lại! Vốn hoạt khẩu vậy mà trong khi tiếp chuyện y cứ ríu lưỡi, nói năng lắp bắp như người hụt hơi, đến nỗi Trương Quân đã phải tập trung cao độ để lắng nghe thỉnh thoảng vẫn phải cắt ngang để hỏi lại. Sau khi biết rõ ý định và mục đích của y, Trương Quân bảo y để lại địa chỉ để tiện liên hệ và hẹn sẽ có thư trao đổi với y trong quá trình biên tập…
Cho đến khi tập thơ được cấp giấy phép, mấy lần nữa thư đi, từ lại và cũng mấy lần nữa Phùng phải ra Hà Nội gặp Trương Quân để được nghe góp ý về một vài câu chữ, bổ xung thêm một số bài bù vào những bài bị loại bỏ vì quá non, kém, và cắt xén một số câu mà theo Trương Quân là dễ gây ra sự hiểu lầm không cần thiết (!). Cuối cùng, tập thơ còn lại 32 trong tổng số 45 bài. Hôm Phùng ra nộp tiền, vợ y phải mua một bát họ và lấy suýt soát một tấn rưỡi thóc phường bán đi để có đủ năm triệu và ngoài ra còn dư được mấy chục nghìn làm tiền lộ phí cho y. Với hoàn cảnh nhà y thì đó quả là một số tiền quá lớn!
Vậy là chưa kể tiền bát họ, vợ y, các con y sẽ phải bớt ăn, bớt mặc trong bốn năm để mỗi vụ rút ra được hai tạ thóc nộp trả phường. Bốn năm vị chi là tám vụ. Nếu được mùa đã vậy, còn mất mùa?! Trong khi, từ trước đến nay vợ y đã phải rất chi li từ vài trăm lẻ trong việc chi tiêu hàng ngày…
Phùng thấy trong việc bỏ tiền ra in tập thơ của y có cái gì gần như là sự liều lĩnh của kẻ tự sát. Y bỗng thấy mình ích kỷ, thấy sợ. Rồi y khóc, tiếng khóc vỡ ra ông ổng vì cảm động. Trong tâm trạng như thế y đi Hà Nội, nhưng đến khi Trương Quân ngỏ lời khen ngợi tập thơ sau khi biên tập xong thì y lại cảm thấy những so đo, tính toán trước đó của y là nhỏ nhen, là đã quá yếu đuối, là: “Nếu thế sẽ không bao giờ y có thể “lớn” lên được…”
…Ngày ấy Phùng còn chưa biết đến cả mở nút một chai bia. Trong một lần ngồi quán, Phùng đã phải lúng túng khi người chạy bàn lễ phép hỏi y dùng loại bia gì(?!). Bởi vì ở nhà quê, y có dám uống bia bao giờ! Tửu lượng của y tuy cũng vào loại khá nhưng chỉ những dịp giỗ, tết hoặc gặp khi cao hứng lắm, y mới dám bảo vợ đưa tiền cho con đi mua một cút hoặc quá lắm đến nửa lít rượu trắng là cùng. Hình như cũng hiểu được điều ấy, Trương Quân đã tế nhị “gọi” hai chai bia Hà Nội và để tránh cho y một việc khó xử tiếp theo, Trương Quân đã nhanh nhẹn cầm lấy cái mở nút chai…
Lại đến đận ra lấy sách. Đúng vào dịp 28 tết. Cập rập như thế vì Trương Quân sốt sắng muốn cho y kịp thời có sách để biếu anh em, bạn bè trong dịp này. Không quen biết ai ở Hà Nội. Cũng chẳng biết đặt vấn đề ở đâu để nhờ người ta phát hành giúp, Phùng ôm tất cả năm trăm cuốn sách, gọi xích lô, đưa cho anh ta một bản danh sách liệt kê địa chỉ toà soạn các báo và tạp chí – tất cả vào khoảng trên dưới năm mươi điểm – theo phương thức khoán gọn. Mất bảy mươi nghìn cho việc này nhưng với y đó là con tính đúng đắn và khôn ngoan nhất đối với một kẻ không có phương tiện và không thuộc đường. Giáp tết, ở đâu người ta cũng bận túi bụi vì bao nhiêu công việc phải lo, cho nên sự có mặt của y trong lúc này có vẻ như là không hợp thời! Y nhận được những cái bắt tay hờ hững, những câu thăm hỏi và cảm ơn hời hợt. Tất cả như thuần tuý chỉ là những hình thức xã giao sáo rỗng, chiếu lệ – Phùng có cảm giác như tất cả đều muốn nhanh chóng thoát được y ra! Như là y thuộc diện những kẻ chuyên đến để nhiễu sự, mặc dù có những nơi họ cũng chẳng bận gì mà chỉ túm lại bàn tán với nhau về giá cả của một số mặt hàng. Thảng hoặc, Phùng cũng bắt gặp những cái nhìn ái ngại. Cả sự thương hại, chiếu cố. Không loại trừ những trường hợp y có cảm giác qua ánh mắt không mấy thiện cảm, y đang bị “khả nghi”, đang bị người ta “đo đạc” không phải bằng vào tầm vóc tác phẩm mà vào dáng dấp, cử chỉ và giọng nói đặc nhà quê rất khó nghe của mình!
Rồi thì Phùng cũng đến được hết những nơi định đến. Đầu tiên còn ý thức được công việc mình làm, nhưng sau đó thì y vung vãi một cách hào phóng “những đứa con tinh thần” của mình như kiểu người ta rải truyền đơn. Chia tay anh bạn chạy xích lô sau khi ngỏ lời cảm ơn và mời anh ta cùng dùng với mình một bữa cơm vỉa hè, Phùng nhảy xe buýt “tăng – bo” về thủ phủ tỉnh nhà. Từ đây y còn phải lấy vé, còn phải ngồi tiếp một lần xe nữa để về quê. Lộ trình của y vòng vèo như thế vì điểm cuối cùng để hoàn tất chuyến đi của y là sở văn hoá tỉnh. Số sách lúc này đã vợi đi một nửa. Thời gian thì mới là hai giờ chiều – đủ để y giải quyết nốt phần việc còn lại và kịp nhảy chuyến xe cuối cùng về nhà. Lưng đeo ba lô, Phùng còn đang ngơ ngác vì vừa mới “chân ướt chân ráo” từ trên xe bước xuống thì một bà cụ già nua, yếu đuối như từ dưới đất chui lên, bất ngờ chắn ngang trước mặt: “Xin ông dón tay làm ơn, làm phúc…”. Phùng nhìn bà cụ thoáng ý bất nhẫn, dò xét nhưng y cũng phải thừa nhận với mình: “Đúng là ăn mày thật chứ không phải ăn mày dởm!”. Bất giác, Phùng liên tưởng đến chuyện y bỏ ra năm triệu đồng in sách để mang đi cho không, biếu không với bà cụ đang đứng trước mặt, cầu xin ở y lòng thương hại. Sự so sánh đẩy y đến tận cùng, buộc y phải thừa nhận đó là một sự thật tàn nhẫn và dù muốn hay không y phải đối diện với chính mình. Chẳng biết thành thật hay là giả dối – như để chạy trốn, như là để biện hộ và tự bào chữa cho sự so sánh ấy, Phùng móc túi, chỉ bớt lại đủ tiền mua vé, còn thì y dúi tất cả vào tay bà cụ. Đầu óc mụ mị, Phùng đi như trôi trên đường, trông lạc lõng như một con lừa giữa dòng người, xe tấp nập ngược xuôi sắm tết. Được một quãng khoảng trăm mét thì trời đổ mưa. Tạt vào một hiệu tạp hoá, Phùng mua một chiếc túi nilon, bên ngoài in dòng chữ: “Chúc mừng năm mới”, loại người ta vẫn mua để đựng hàng tết, giá tám trăm đồng để bảo quản cho số thơ còn lại trong ba lô khỏi bị ướt. Mưa không to nhưng mau hạt và có khả năng còn kéo dài. Không áo mưa, không mũ nón, Phùng đội mưa mà đi – y đi như mê, đi như đang trong cơn sốt. Người Phùng hầm hập bốc hơi nhưng bị quẩn lại trong lần quần áo đã ướt sũng đang dán thêm cái lạnh vào da thịt không thoát ra được…
Người gác cổng lướt một cái nhìn từ đầu đến chân Phùng dò xét, không cần nghe xem là y đang nói gì! (Phùng không nhận ra cái thực trạng của y lúc đó nó thảm hại như thế nào!). Vẫn ngồi yên trong căn phòng vừa hẹp vừa thấp trông như cái điếm canh đê, ông ta hất hàm, ngước mặt ra cửa làm hiệu rồi nói như quát vào mặt Phùng:
“Anh không nhìn cái biển trên đầu kia à? Đây là cơ quan!”
Phùng ngớ ra. Chừng như cũng thấy mình bất nhẫn, ông ta thấp giọng, vẻ khổ sở:
“Bố thông cảm, hai tám tết mà “con” còn phải ngồi đây, chưa được về với vợ với con… – Rồi chìa cho Phùng mấy số báo, ông ta tiếp – Không có gì, chỉ có mấy số báo! Biếu “bố”…”
Phùng giận run người! Thì ra ông ta đã hiểu lầm y… (!). Thiếu chút nữa Phùng đã túm lấy ngực áo ông ta, nói cho ông ta biết mục đích của y đến đây không phải là để xin ăn nhưng nghĩ thế nào y lại thôi. Còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện biếu sách, Phùng nhìn ông ta, vuốt một cái nhìn khinh thị rồi không nói, không rằng – y quay ra, lộn trở lại bến xe.
Trên đường đi, Phùng chua chát nghĩ đến một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Vỹ và y thấy cảnh ngộ hiện thời của y thật đúng là khổ.. như chó.
oOo
Có lúc Phùng đã hoang mang tự hỏi: “Liệu y có phải là hiện thân của hương Bịch – một nhân vật trong chuyện ngắn “Mua danh” của Nam Cao?!”
Để thoát khỏi thân phận “bố cu, bố đĩ”, anh cu Bịch đã bỏ ra tất cả số tiền thu được nhờ bán trầu (năm ấy trầu đắt) lo cho mình chân hương trưởng để từ anh cu Bịch nhảy lên anh … hương Bịch. Khốn nỗi vì không có tiền để khao làng, cho nên khi vung vẩy chiếc roi mây để làm công việc giữ trật tự trong một đêm chèo (mà anh cho như thế là oai lắm!) chính anh lại làm trò cười cho mọi người bởi thói háo danh – trên thì bọn hào lý quát gọi, sai bảo; dưới thì… anh bỗng trở lên lố lăng, kệch cỡm, vì cho đến lúc đó trong mắt mọi người anh vẫn chỉ là anh cu Bịch (chứ chưa phải là hương Bịch!) với lý do: Nếu đã là hương trưởng sao không thấy anh khao…
Thực ra thì Phùng không đến nỗi phải “tiền mất, tật mang”, phải rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” thảm hại như hương Bịch mà so với hương Bịch phải nói rằng y đã gặp “may” (!)
Số sách còn lại, ngoài ba chục cuốn gửi bán ở hiệu sách nhân dân thị trấn – mà cũng phải lay đày hơn một năm mới hết – còn thì cũng chỉ để cho dần, biếu dần! Nhưng bù lại, tập thơ đã mở ra cho Phùng những quan hệ mới. Theo địa chỉ ở bìa cuốn sách, y nhận được những lá thư từ các nơi gửi về. Rồi những cuộc viếng thăm tại gia của khách văn chương – quý nhau, tìm đến với nhau chỉ vì tập thơ đã làm y cảm động. Tiếp đến là những chuyến Phùng được mời ra Hà Nội, được kéo đi dự những đêm thơ sinh viên. Tắm mình trong không khí hồn nhiên, trong sáng đến thánh thiện của môi trường tuổi trẻ học đường, Phùng thấy mình như trẻ lại và có lẽ đó cũng là những giờ phút thực sự hạnh phúc của đời y. Nhưng, như thấy lại phiên bản của chính mình, đôi khi Phùng không khỏi nén, giấu đi một tiếng thở dài – y chẳng đã từng vô tư, đã từng ngây thơ đến tội nghiệp…
Rồi cũng nhờ tập thơ mà Phùng đủ “tư cách pháp nhân” để được kết nạp – để được trở thành hội viên chính thức của Hội văn nghệ tỉnh. Thêm điều kiện cho y mở rộng tầm mắt và vỡ vạc ra nhiều điều. Phùng thấy y như một con chiên ngoan đạo đến cuồng tín – y đã ngộ nhận đến ngây thơ, và – từ trước đến nay, không tự giác – y đã bị phỉnh phờ, bị huyễn hoặc bằng ngay những ảo tưởng của chính mình. Chả là phù phiếm (nếu không ngờ nghệch) lắm sao khi y vẫn tụng ca – vẫn coi tất cả những ai hành hương đến với văn chương như là những thần tượng, những tín đồ sẵn sàng tử vì đạo, trong khi không thiếu gì những kẻ coi văn chương chỉ như là một phương tiện phục vụ cho mục đích tiến thân?!
Lúc này Phùng mới thấm thía với câu “Lập thân tối thị hạ văn chương” khi thấy trong văn chương người ta cũng đố kỵ, ghen ghét; cũng xun xoe, xu phụ – cũng đủ những thói hư, tật xấu như bất cứ đâu – chứ không phải là nơi quá cao xa, quá ghê gớm đến như y tưởng!
Phùng thấy thất vọng, thấy vừa có cái gì trong y gần giống như là một sự đổ vỡ! Hụt hẫng – choáng – sốc và hoài nghi ngay chính bản thân mình! Phùng có biết đâu đó chính là một thứ nghiệp chướng bắt buộc mỗi người phải tỏ rõ bản lĩnh và bộc lộ tính cách – là ranh giới của sự chọn lựa để phân biệt chân, giả, chính, tà, thiện, ác… và, đáng lẽ phải biết vượt lên để tự khẳng định thì y lại trượt những bước đầu tiên trên con đường dần đánh mất mình! Với ý chí “đi tìm thời gian đã mất” – coi văn chương như một trò chơi phù phiếm, ma mị để lường gạt lẫn nhau và lường gạt chính mình, Phùng thấy mình “giác ngộ muộn nhưng tỉnh ngộ sớm” còn may mắn hơn khối kẻ bị bỏ bùa mê, thuốc lú – đánh cược cả đời mình với văn chương cho đến khi đã kiệt sức, tàn hơi, giật mình nhìn lại vẫn đôi bàn tay trắng mới biết mình đã ngộ nhận.
Văn chương bây giờ đối với Phùng cũng chỉ là một thứ phương tiện để y mở rộng những mối quan hệ xã hội… Phùng nhảy sang viết báo. Thời buổi cơ chế thị trường, sách báo cũng đa dạng, phong phú và có nhiều chủng loại. Nhưng Phùng đủ khôn ngoan và trí thông minh để biết được cái “gu” của từng tờ báo và căn cứ vào cái “tạng” của mình để mà gửi bài, viết bài. Ngoài ra y còn biết “đón lõng” vào những thời điểm cần thiết. Và phải nói rằng – trong lĩnh vực này, y đã có những gặt hái và đã thành công. Chỉ sau một năm Phùng đã khẳng định được tên mình trên mặt báo. Xa hơn, một vài tờ báo mời y cộng tác. Phùng biết như vậy họ sẽ có một “phóng viên nằm vùng” không mất công đào tạo, không phải trả lương (vì viết bài nào trả tiền bài ấy). Ngoài ra, y còn bị ràng buộc trong khẩu gửi bài – Phùng biết thế, nhưng ngược lại y cũng biết y sẽ có được những ưu tiên – khung nhận bút cho mỗi bài viết của y sẽ cao hơn và số phận những bài vở gửi đi không còn bấp bênh, không còn phải trông chờ ở sự may rủi…
Phùng đã bắt đầu có thu nhập để yên tâm sống bằng nghề viết. Từ chỗ chỉ được trăm rưỡi, hai trăm, lên ba trăm, hơn ba trăm, rồi đều đều ở mức ổn định năm, sáu trăm nghìn một tháng. Phó mặc mấy sào ruộng khoán cho vợ con – từ lúc nào, Phùng quên hẳn đã có một thời y cũng từng cày bừa, xe phân, tát nước… Bởi từ nay y đã kiếm được tiền theo cách của y! Năm, sáu trăm nghìn là ba tạ thóc, làm nông nghiệp một tháng làm sao có nổi được số thóc ấy(?!). Phùng đã “dám” uống bia mỗi ngày. Trước bạn bè mỗi khi có dịp, y đã bắt đầu nói to hơn, nói nhiều hơn. Âu cũng coi như một cái nghề để kiếm cơm giá như y bằng lòng, tự thoả mãn – giá như y yên phận và biết dừng lại ở đấy. Nhưng y đã đi xa hơn…
oOo
Sau này khi còn tỉnh táo có dịp nhìn lại Phùng cũng không hiểu tại sao(?) từ chỗ chỉ chọn những đề tài dễ viết, dễ đăng, lần ấy y lại nhảy sang lĩnh vực phóng sự điều tra…
Cũng như một số nơi, địa phương y cũng có những chuyện tiêu cực xung quanh việc mua bán, sang nhượng đất trong những đợt giãn dân, nhất là từ ngày xã y – vì là trung tâm – có quyết định được nâng cấp lên thị trấn. Có một thực tế là chính những người thực sự có nhu cầu về đất ở thì lại không mua được vì không có tiền cho nên cái phố huyện quê y – ngày xưa chỉ đi vài chục bước chân đã hết – bây giờ được kéo dài suốt một cây số về hai đầu, dọc theo hai bên quốc lộ (trước đây vốn là đất thổ canh) được tập trung vào các đối tượng: Những người buôn bán hoặc làm nghề mới phất, những gia đình có con em đi xuất khẩu lao động và… hàng ngũ chức sắc ở những cương vị chủ chốt hoặc đầu ngành của thị trấn và huyện. Không chỉ xí phần cho mình, họ còn lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ trong việc xét duyệt, bởi vì nhu cầu thì nhiều nhưng đất đai thì có hạn. Xa hơn, họ còn thông đồng với nhau, tự ý cấp vượt mấy chục xuất ngoài chỉ tiêu quy định mặc dù không phải là cấp có thẩm quyền để trốn nộp ngân sách, có tiền chia chác và lập quỹ đen. Rồi, một dãy ki-ốt được xây cất, án ngữ suốt mặt tiền của khu vực chợ, biến tướng dưới hình thức cho thuê dài dài…(!)
Phùng đã phải bỏ ra ngót hai tháng trời để thu thập tư liệu và trong việc này phải nói y đã vấp phải không ít khó khăn. Nhưng cuối cùng thì bài phóng sự với cái “tít” là “Ăn đất” cũng được hoàn tất. Khi Phùng đang chạy những dòng cuối cùng của bản thảo trong khâu chép sạch thì – Ấm, một tay anh chị nổi tiếng là đầu gấu ở địa phương tìm đến:
“…Như thế là ông đã “chỉ vào bụt” rồi đấy!”
Phùng ngớ ra:
“Anh nói tôi không hiểu…”
“Việc ông xía vào chuyện đất cát…”
Phùng đã ngờ ngợ:
“Họ sai anh đến đây?”
“Chẳng ai sai, nhưng tôi đến để tuyên bố cho ông biết: Nếu ông còn tiếp tục xía vào chuyện đó thì…”
Cảm thấy bị xúc phạm khi thấy họ thuê một thằng đầu gấu đến để đe doạ, Phùng cười giễu cợt:
“Thì sao?”
“Thì… cụt tay!”
À ra thế! Bây giờ thì Phùng hiểu. Chả là hồi còn nhỏ y vẫn thường cùng bạn bè tụ bạ, chơi bời, đùa nghịch ở ngôi chùa làng. Chẳng hiểu nguyên do từ đâu mà có sự huyên truyền trong lũ trẻ: “Đừng có chỉ vào bụt, nếu đứa nào mà chỉ thì cụt tay!”. Vậy mà bây giờ…?! Phùng hiểu hàm ý của cụm từ “cụt tay”! (không những thế mà có khi còn “hỏng” người). Bỗng một ý thoáng nhanh trong óc, giả giọng hoà hoãn để thăm dò, Phùng lấp lửng:
“Cái gì cũng có giá của nó…”
Tưởng Phùng đã chịu và đòi mặc cả, Ấm chuyển sang thân tình:
“Nếu ông biết điều rút lại bài viết của mình thì…”
Phùng mỉa mai:
“Bao nhiêu?!”
Hắn cười vui vẻ:
“Thì… thì cho ông… mút tay”.
…Sau việc đó, chẳng những không chùn lại Phùng còn càng thêm hăng hái và lòng quyết tâm vào cuộc bởi được kích thích muốn tỏ ra là một “người hùng”!. Sợ bài viết có thể bị thất lạc nếu gửi qua đường bưu điện, Phùng đã trực tiếp đem bài phóng sự ra tận toà soạn tờ báo mà y thường xuyên gửi bài và đề nghị được in ngay vào số tới. Trong khi đó, ở địa phương – thấy y đã ra mặt tuyên chiến – “người ta” cũng sẵn sàng có kế hoạch để đối phó lại…
Phùng đã chờ đợi, đã thắc thỏm, hi vọng…
Nhưng một tuần rồi hai tuần – mỗi lần cầm tờ báo trên tay, giở đi, giở lại đến cả chục lần, Phùng vẫn không thấy có tên mình – mỗi lần như vậy, y lại tự an ủi: “Có lẽ không thể nhanh như thế được! Chắc là số sau…”. Cho đến khi nghe phong thanh có phóng viên về làm việc với địa phương, Phùng đã mừng! Nhưng rồi số sau, số sau nữa, vẫn không thấy bài phóng sự được lên khuôn thì y đã hoang mang thực sự. Cực chẳng đã, lại một lần nữa Phùng phải ra toà soạn. Y choáng váng khi người ta cho biết: Toà soạn đã cử phóng viên về địa phương của y để thẩm tra lại trước khi quyết định cho đăng nhưng về mặt tư liệu – ngoại trừ một số điểm (phần này địa phương đã xin tiếp thu với lý do là trong quá trình thực hiện cũng khó tránh khỏi được những sai sót) – còn thì đa phần là không chính xác (nếu không muốn nói là tác giả của nó đã có ý đồ vu khống!).
Phùng đã định thanh minh và xin nhận hoàn toàn trách nhiệm trước bài viết của mình nhưng có cái gì cứ dâng lên chẹn lấy cổ y, làm y nghẹn ngào không nói lên được…
Những kẻ có dính líu đến chuyện đất đai ở địa phương đã bắt đầu nhìn Phùng thách thức, còn những người trước đây từng ủng hộ y, sẵn sàng tung hô y là anh hùng nếu y là kẻ chiến thắng thì bây giờ cũng bắt đầu lảng dần! Có dư luận cho rằng việc làm của y không cẩn thận có thể còn bị truy tố trước pháp luật về tội vu khống cán bộ, nhưng cũng lại có dư luận về chuyện phong bì, phong bao khi phóng viên nhà báo về địa phương làm việc. Họ xa xôi bóng gió là: “Y đã làm cỗ cho thằng khác xơi!”
Cũng đã mấy lần Phùng có ý định viết gửi cho báo khác nhưng – như ngọn lửa bùng lên lần cuối trước khi tắt hẳn – mỗi lần ngồi đối diện trước trang giấy trắng là mỗi lần y đối diện với sự trống rỗng và nguội lạnh của tâm hồn mình. Phùng sợ hãi nhận ra là y đã không thể viết được nữa…
Cho đến lần – chẳng thể đừng – Phùng phải lên trụ sở uỷ ban nhân dân thị trấn để xin nhận thực mấy thứ giấy tờ có liên quan đến việc học hành của con cái nhưng họ tìm đủ những lý do để gây khó khăn thì Phùng thực sự ngấm đòn. Sau đận ấy, tiếp đến việc “người ta” cho dân quân đến nhà y thu đồ vì vợ y nợ sản thì y gục hẳn…
oOo
Phùng ốm. Biểu hiện đầu tiên là những cơn đau đầu. Tiếp đến, y đã lẫn lộn không có những khái niệm về không gian, thời gian. Ở bệnh viện huyện, người ta chẩn đoán là Phùng bị thiểu năng tuần hoàn não vì trong não có khối u nhưng là u lành chứ không phải u ác và điều y lên tuyến trên. Vợ Phùng – một người vợ dám bỏ ra một lúc cả bát họ và một tấn rưỡi thóc bán đi cho chồng lấy tiền in thơ – thì cũng dám sẵn sàng bán đi tất cả những gì có thể bán được để lấy tiền chạy chữa cho chồng. Nhưng sau một thời gian điều trị các bác sĩ cho biết: Phùng có những dấu hiệu ở giai đoạn đầu của bệnh tâm thần phân liệt và khuyên thị nên đưa y về nhà trông nom…
Từ đó người ta thấy Phùng cứ suốt ngày đi lang thang “gọi mình”.
Thảng hoặc có những lúc bỗng nhiên Phùng bảo vợ mua một cút rượu và kiếm cho y một con cua, nướng lên để y làm đồ nhắm. Ấy là những khi Phùng tỉnh táo. Rượu vào đằng mồm lại chảy ra đằng mắt. Y ngồi xếp bằng, gương mặt xa xăm, sống lại với những kỷ niệm của một thời mà giờ đây đã thuộc về quá vãng. Đó là cái thời:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa…”
Cái thời, mỗi buổi chiều về vợ y lần từ cạp quần ra những con cua bắt được lúc đi làm, đã vặt trụi hết cẳng, cho vào bếp nướng lên trong khi đứa con đi mua rượu…
Rượu vào, phởn lên, y vừa đọc vừa bình cho vợ con nghe những bài thơ vừa làm…
Cái thời…
Ôi, giá như thế mà lại hay!
Phùng Thành Chủng
Nguồn: Tác giả gửi