Lộn dzần

Posted: 19/10/2012 in Phạm Khắc Trung, Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự

Phạm Khắc Trung

Cuối năm Thứ Nhất, tôi tham gia nhóm hướng dẫn giới thiệu sinh hoạt và chương trình học của trường, phát đơn, trả lời thắc mắc của phụ huynh và sinh viên mới, rồi lại làm giám thị gác thi tuyển sinh…, nên được nhiều tân sinh viên biết đến.

Trong số những người bạn mới đó, đặc biệt có anh Bắc kỳ gốc Hố Nai rất hiền lành, ai chọc ghẹo gì anh cũng chỉ đáp lại mỗi một câu, “Lộn vần rồi bạn!”

Đời sinh viên phải biết, đã tụ tập nhau thì chẳng có chuyện gì chúng không bàn. Ngồi nghe chúng kháo chuyện “đĩ” ở quán cà phê trước trường sáng đó, anh bạn gốc Hố Nai buột miệng hỏi, “Làm sao biết được đứa nào có bệnh hay không?” Một người bạn nhanh nhẩu trả lời, “Mày thọc ngón tay khuấy vào âm hộ nó rồi đưa lên mũi ngửi, hễ nghe thúi thúi thì chớ đụng vào”, rồi cả bọn cười hô hố với nhau…

Ít lâu sau, cũng những khuôn mặt đó nơi quán cà phê đó, anh bạn gốc Hố Nai mở miệng than, “Đứa nào cũng thúi hết!” Làm cả bọn cười sặc sụa cà phê. Bình phê, “Bây giờ tao hiểu tại sao nó ưa nói ‘lộn dzần’ rồi! Nó ‘giận lồn’ đó bay ơi!” Anh bạn gốc Hố Nai gân cổ cãi, “Vần vê chứ không phải dzê!” Bình bảo, “Dân Nam kỳ chỉ có dzê chứ hổng dzê dziếc gì ráo!” Sơn chen vào hỏi, “Giận thì mày làm gì?” Anh bạn hôm trước trả lời lại lên tiếng đáp, “Giận lồn thì nó đấm cặc vào!” Câu trả lời thật chí lý, hay cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, chúng tôi ôm bụng cười nhao nháo cả quán, vung vãi cà phê, nước trà, tàn thuốc khắp bàn… Từ đó trở đi, anh bạn gốc Hố Nai bị “cháy” với cái tên mới là “Lộn dzần”.

Trưa hôm đó chúng tôi hẹn nhau ở tiệm bida trên đường Nguyễn Trãi, mãi hơn 4 giờ chiều “Lộn dzần” mới vác xác tới. Mặt mày tái mét, vừa hớt ha hớt hải bước vào, “Lộn dzần” vừa hấp tấp gọi tôi, “Anh Trung ơi! Chết em rồi!” Tôi hỏi sao thì “Lộn dzần” ấp úng, “Em đái ra nước đỏ và rát kinh khủng!” Lũ bạn được dịp cười ghẹo, “Ai bảo không ngửi?”… “Nghe thúi sao còn đấm vào?”… Có đứa hù, “Đưa nó vào Viện Bài Trừ Hoa Liễu cho mấy mụ y tá thông nòng!”… Tôi bảo “Lộn dzần” yên trí, lên xe tôi chở đi bác sĩ chích một mũi Penicillin là êm.

Đến văn phòng bác sĩ (quên tên) trên đường Cao Thắng, khúc giữa Phan Thanh Giản và Hiền Vương, đã gần 5 giờ rưỡi nên vắng tanh vì nhân viên giúp việc đã về hết, may mà ông bác sĩ còn nấn ná chưa về. Sau vài câu hỏi về thời gian và nơi chốn xảy ra sự việc, bác sĩ cho “Lộn dzần” biết, chỉ cần một mũi thuốc trị giá 2 ngàn đồng là mọi chuyện đều yên. Chích xong, bác sĩ ôn tồn bảo, “4 tiếng sau hoạt động bình thường, lần sau cẩn thận!”

Cách đây khá lâu, một chị bạn chuyển câu chuyện vui cho diễn đàn cười khuây khỏa cuối tuần, câu chuyện đại khái rằng (Trích):

“Bộ Y Tế ở nước Úc phát động chiến dịch phòng ngừa bệnh HIV, họ vẽ hình minh họa một cặp nam nữ và một cái condom (bao cao su) thật lớn, phía dưới ghi chú hàng chữ: ‘Telling him: If it’s not on, it’s not on’, thật rõ ràng!

Họ cũng muốn chua thêm tiếng mẹ đẻ của các sắc dân sống ở Úc, trong đó có người Việt, nên mới kêu gọi cộng đồng người Việt đóng góp, bằng cách gởi câu tiếng Việt dịch câu tiếng Anh nói trên. Vì là khẩu hiệu (slogan) nên họ đòi hỏi câu dịch phải ngắn gon và dễ hiểu.

Lúc đầu, một người tỵ nạn gởi đến câu khẩu hiệu: “Không áo mưa, không mây mưa“, ăn chắc là sẽ được chọn.

Ngờ đâu còn có người chơi xốc, gửi đến câu dịch súc tích và tác động mạnh hơn: ‘Không đeo, không đéo’, và được chọn”. (Ngưng trích)

 
Đọc email trên, tôi tin chắc rằng không ai nhịn cười cho được. Tôi lại là người nhiều chuyện nên thắc mắc thế này, “Dù đang tẩn mẩn tần mần nơi cõi tiên đi nữa, mà nghe em đặt điều kiện, ‘Không đeo, không đéo’, thì liệu ông nội đứa nào còn hứng mà tiếp tục làm trò?”

Tôi dám đánh cược, rằng câu khẩu hiệu thật dễ thương “Không áo mưa, không mây mưa” do người Saigon dịch, còn câu khẩu hiệu “Không đeo, không đéo” là tác phẩm của người Hà Nội, hay cùng lắm cũng do người Hồ Chí Minh sáng tác ra.

Nếu đứng trên khía cạnh quảng cáo đơn thuần, nghĩa là chỉ nhằm gây tiếng vang, đánh động sự chú ý của mọi người, thì không có gì đáng nói.

Nhưng nếu đứng trên khía cạnh văn hóa lại khác. Tôi lấy làm thắc mắc: Ai là người đã chọn khẩu hiệu nhếch nhác này? Không lẽ cái “văn hóa Đéo” lại có tính “thuyết phục” mà đánh gục cái “văn hóa Saigon” nơi hải ngoại hay sao? Việc Dương Thu Hương ngồi khóc tức tửi trên đường Lê Lợi, vì tiếc cho cái ác thắng cái thiện, đã khiến bao người ở cả 2 miền “ruột đứt dạ mềm”. Bây giờ còn chút di sản dân tộc ôm theo được, sao không trân quý mà nỡ lơ là để cuộc “xâm lược bằng ngôn ngữ” lấn lướt?

Nhân đọc bài “Đảng ơi & Tình ơi” của Bùi Ngọc Tấn, do Tưởng Năng Tiến đặt tựa và giới thiệu, đăng trên Thư Viện Sáng Tạo ngày 01 tháng 10 năm 2012, bỗng dưng tôi nhớ đến “Lộn dzần” kinh khủng. Xin phép được trích ra đây dẫn chứng, đồng thời cũng xin cám ơn hai ông Bùi Ngọc Tấn và Tưởng Năng Tiến, đã cho tôi chút hơi ấm, sưởi tấm thân tưởng đâu cô độc bấy lâu nay (Trích):

“… Cương đã ôm hôn Mơ ngay lúc đó. Mơ đáp lại cái hôn mới nhiệt tình sôi nổi làm sao. Thế rồi một buổi tối đã hẹn trước, Mơ xuống tầu anh, con tầu 307 nằm mãi cuối cảng, lẻ loi đơn độc, cầu tầu không một ngọn đèn. Chỉ một mình Cương trên tầu. (Buổi tối Nhược, Thuyền, Kích thưòng về nhà ngủ.) Hai người ôm nhau trên boong. Cương dắt Mơ vào buồng mình, rồi giơ tay tắt công tắc, bế thốc Mơ lên giường. Nhưng Mơ giẫy dụa thoát khỏi tay anh, bật đèn lên ngay lúc đó. Thấy vẻ hoang mang ngơ ngác của Cương, Mơ kéo anh tới bàn tiếp khách:

− Từ từ chứ. Chuyện đã nào.

Hai người ngồi ghế. Chuyện. Chỉ Mơ nói. Cương cố trấn tĩnh, dằn mình nghe Mơ nói. Toàn chuyện công việc. Chuyện xí nghiệp. Chuyện các phòng ban. Làm ra vẻ lắng nghe, nhưng Cương cứ nhìn hai bàn tay Mơ đặt trên bàn và giơ tay nắm lấy. Mơ rút tay ra, bảo anh.

− Chuyện một tý đã. Đâu có đó mà.

Thế nghĩa là Mơ hứa sẽ cho Cương điều anh đang mong, Cương biết cái gì sẽ đến cùng anh. Vậy hãy bình tĩnh chờ đợi. Đừng tỏ ra mình chỉ chăm chăm tới chuyện ấy. Mặc dù anh muốn ôm lấy Mơ, hôn vào đôi môi kia, và cùng nhau ân ái. Có lẽ Mơ sợ, đây là lần đầu tiên đối với Mơ, lần đầu tiên đối với một đời con gái nên Mơ sợ, anh nghĩ. Lúc này trông Mơ mới đẹp làm sao. Hai hàng lông mày gọn cong mà anh gọi là lông mày trăng non. Đôi mắt nhìn anh mới tin cậy làm sao! Anh sẽ lấy Mơ, chúng mình sẽ lấy nhau Mơ ạ. Dù Mơ là bí thư chi bộ còn anh vẫn là quần chúng. Anh choàng tay lên vai Mơ, nhưng Mơ hất ra, cái hất ra hơi mạnh và quyết đoán khiến Cương giật thót người, tự trách mình đã không kìm giữ được. Anh sợ bị Mơ khinh và lại ngồi im ngoan ngoãn.

− Tý nữa nào. Để em kể nốt cho anh nghe. Cái Nghĩa ở đài trung tâm cũng không tốt với em đâu. Con ấy kèn cựa với em, phấn đấu hăng, không buổi sinh hoạt nào vắng mặt. Nó muốn vào chi uỷ, nhưng vào làm sao được. Bố nó trước đây làm cho Nhật đấy. Nhà giầu lắm. Được kết nạp là may lắm rồi. Rồi Mơ nói sang chuyện một anh bảo vệ, chuyển từ xí nghiệp gạch ngói sang đây, đã sửa lại lương từ 50 đồng thành 56 đồng, dễ lắm, chỉ lồng tờ quyết định vào máy chữ, đánh số 6 đè lên số 0 là xong thôi, kỷ luật Đảng sáu tháng, mãi mới được sinh hoạt. Chưa hết. Còn chuyện trưởng phòng Trần Văn Dưỡng của Mơ. Lẽ ra được kết nạp lâu rồi. Chỉ tại cái mồm. Kế hoạch mười nghìn tấn cá trên giao xuống là pháp lệnh, làm được đến đâu thì làm. Trách nhiệm thuộc về đảng uỷ giám đốc về toàn xí nghiệp chứ đâu thuộc về mình. Cứ lên tiếng phản đối. Kỳ này cũng thuộc diện đối tượng rồi đấy. Em bảo: Anh cứ ngậm miệng cho em nhờ. Làm thế nào thì làm. Đừng để bất kỳ một đảng viên nào trong chi bộ phản đối. Chi bộ cũng đã đặt chỉ tiêu trong năm nay phát triển từ một đến hai đảng viên…

Tai Cương ù đi. Hoàn toàn không hiểu Mơ nói gì. Có lúc muốn vùng lên chạy ra boong. Nhưng vẫn ngồi cố làm ra vẻ chú ý lắng nghe để Mơ khỏi khinh mình là người xác thịt.

Cho đến khi Mơ đứng lên tắt điện rồi nhẹ nhàng cởi bỏ hết áo quần, nằm trên giường, Cương vẫn ngồi trên ghế, thần kinh ê ẩm, chân tay rã rời như vừa trải qua một thử thách quá sức gần như tra tấn. Đừng vội vàng, hãy ngồi lại đây một lát để bình tĩnh lại, đã cố được đến bây giờ…, anh tự nhủ.

Dưới ánh sao và những ánh điện từ xa chiếu qua cửa sổ để mở, (dù mở nhưng rất an toàn vì bên dưới là boong lái sâu thăm thẳm không ai có thể trèo lên nhìn vào được) anh thấy rõ thân hình trắng nõn của cô gái trên suốt chiều dài chiếc giường của anh, cả đám lông đen đầy khiêu khích và chờ bàn tay Mơ chìa ra về phía mình mà thấy từ đầu đến chân như tê liệt. Vẫn nằm trên giường, Mơ gọi anh:

− Nào! Ta sinh hoạt nào anh.

Anh chết lặng. Một câu hoàn toàn không chờ đợi, không ngờ tới. Còn hơn một gáo nước lạnh! Hơn cả sự thất vọng! Nhất là sau khi anh đã căng hết thần kinh nghe Mơ nói biết bao nhiêu chuyện.

Nào! Ta sinh hoạt nào anh. Sao đầy tính chất công việc rạch ròi thời gian đến thế. Những công việc phải làm. Cứ như trước khi đọc báo, trước khi họp công đoàn,họp Đảng. Sức công phá của nó là ngay tức thì. Toàn thân anh mềm nhũn, xìu đi. Như có một người thứ ba nào đó vừa có mặt ở đây. Như đang tham gia một cuộc họp mà Mơ là chủ toạ. Cương ngồi chết gí trên ghế. Anh thở dài, một tiếng thở dài dài nhất trên cuộc đời này. Tiếng Mơ như riễu cợt:

− Tự ái à? Không sinh hoạt à?

Lại thêm một búa nữa. Anh gục hẳn. Nhưng không thể để Mơ một mình ở đó. Anh bước tới giường, nằm xuống bên Mơ, nghiêng người quàng tay ôm lấy Mơ như một nghĩa vụ. Người anh đẫm mồ hôi như bị thoát dương. Anh tự động viên, cố gắng hết mình một cách tuyệt vọng dù biết hoàn toàn vô ích. Thằng bé con của anh rũ xuống. Cương thấy nó già hơn anh. Tư cách hơn anh. Triệt để hơn anh. Nó hoàn toàn độc lập với anh và điều đó làm anh kinh ngạc. Mơ tìm mọi cách khuyến khích anh, kiên nhẫn chờ đợi rồi cuối cùng ngồi dậy không giấu vẻ thất vọng, cáu kỉnh và khinh bỉ:

− Trắng thế này, đẹp thế này mà không làm ăn gì được! Sao có người chán thế?

Và khi đã mặc quần áo bước ra cửa còn ném lại một câu như một lời nguyền rủa:

− Anh có lấy vợ cũng không có con được đâu.

Cương im lặng không nói một lời. Không thanh minh. Nuốt cái nhục vào người. Mọi ý định tốt đẹp về Mơ tan biến. Thậm chí anh còn riễu thầm mình là đồ bất lực, điều Mơ không muốn nói thẳng ra...” (Ngưng trích)

 
Điều làm tôi kích động và nhớ tới “Lộn dzần” kinh khủng là ở “Lời giới thiệu” này (Trích):

Trong hai ngày 13 và 22 tháng 9 vừa qua, đã có hai công dân Việt Nam – ông Nguyễn Chí Đức và Tô Hoài Nam – làm đơn xin ra khỏi Đảng. Cả hai ông đều còn rất trẻ, và đều bầy tỏ những ý kiến rất tiêu cực về cung cách sinh hoạt và đường lối chính sách của ĐCSVN. Để rộng đường dư luận, và cũng để đối trọng với nhãn quan tiêu cực của hai nhân vật thượng dẫn, chúng tôi xin phép được ghi lại nơi đây một đoạn văn (được trích dẫn từ tác phẩm Biển Và Chim Bói Cá của nhà văn Bùi Ngọc Tấn) viết về sự hăng say, năng nổ và cuồng nhiệt trong sinh hoạt Đảng của một nữ đảng viên CSVN trẻ tuổi khác. Tựa (“Đảng ơi & Tình ơi”) do chúng tôi tự đặt.

Trân trọng,
Tưởng Năng Tiến  (Ngưng trích)

 
Tôi từng theo dõi và quan tâm đến những chuyển biến của anh Nguyễn Chí Đức trong thời gian qua. Hôm đọc lá đơn xin ra khỏi Đảng của anh, tôi xúc động rất nhiều, đã định viết ít lời cảm mến nhưng còn ngại. Hôm nay đọc bài “Đảng ơi & Tình ơi” làm tôi bạo dạn lên, xin mượn lời người bạn từng giỡn với “Lộn dzần” thuở trước, gửi đến anh Nguyễn Chí Đức và những bạn trẻ khác, lời nhắn nhủ thân tình: “Ừ! Đấm cặc vào!”

Thân mến,

Phạm Khắc Trung
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.