Thầy tôi

Posted: 27/11/2012 in Hoàng Quy, Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự

Hoàng Quy

Nửa chữ cũng là thầy. Cái đạo nghĩa phi thường “Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư” ấy, nó lớn vô cùng, nó sâu nặng trong đạo làm người. Thầy tôi. Không phải tôi chỉ học ở thầy có một chữ mà thầy đã trao truyền cho tôi một bụng chữ.

Lớn lên. Tôi biết làm người. Biết hít thở huyền khí để sống. Tôi biết ơn trời đất. Biết vạn hửu, vạn vật, tôi và đất trời đồng thể uyên nguyên. Cái bụng chữ nhỏ nhoi ấy, nó lớn lên, nó đơm hoa nẩy lộc từ lúc nào không biết. Chỉ thấy trong thiên hạ có tôi và trong tôi có thiên hạ. Tôi và thiên hạ như cánh diều no gió giữa hồn nhiên của thiên địa mang mang. Ôi chữ và nghĩa. Thầy và trò. Một đời không nói hết.

Năm bốn tuổi, cha dắt tôi đến trường. Trường tôi là một ngôi chùa, vách tre, mái tranh, nằm trong khu vườn rợp bóng cây xanh. Tôi ngơ ngác như con nai con lạc bầy. Hai ông Thiện và Ác  đứng hai bên cửa chùa. Mặt mày ông nào cũng xanh đỏ, dữ dằn đứng đó, yên lặng nhìn những đúa hoc trò ngu ngơ như tôi, đi  vào lớp. Lớp học đầu đời của tôi không đầy mươi đứa con nít, tóc còn để chỏm, đi chân đất, quần áo te tua. Tâm hồn tôi như tờ giấy trắng in đậm nét hình ảnh người thầy đầu tiên ấy. Một ông đồ có đôi mắt sáng, mái tóc bù xù đã điểm bạc. Hình như lúc nào thầy cũng mặc bộ đồ vải màu nâu có vài miếng vá vụng về trên vai. Cái thuở ấu thơ ấy, tôi không hình dung được mái trường, lớp học, và ông thâỳ… Chưa nói đến sự học là cái gì. Thế nhưng, mọi việc rồi nó sẽ đến, sẽ tuần tự qua đi và khôn lớn như tuổi đời, như mọi cảm xúc tràn ngập theo tháng năm. Chữ đầu tiên tôi học “thiên trời, rồi địa đất…” Tôi ê a cùng bạn , mỗi ngày cái âm ngữ ấy càng in đậm trong tâm trí của tuổi thơ. Những nét chữ hí hoáy trên lá chuối với cây cọ tre làm bút, tôi miệt mài như một họa sĩ cần mẫn. Tâm trí tôi chạy theo  những  nét ngang, những sổ dọc. Thầy cầm tay uốn nén cho tôi những nét chữ, tạo cho tôi những ghép nối, là chữ, là nghĩa, là tượng là  hình…Chữ Hán, chữ Nôm là vậy. Thầy tôi nghiêm khắc mà hiền từ. Chưa bao giờ tôi thấy thầy về thăm nhà.Chùa là nhà của thầy? Hằng ngày, cũng không thấy ai đem cơm đến cho thầy. Có lẽ thầy ăn cơm ở nhà trù phía sau, thầy ngũ ở hậu liêu mái tây của chùa.

Ngày đó, thơ ngây và trong sáng. Tôi không biết suy nghĩ gì về thầy, mà chỉ thấy thương mến thầy nhiều lắm. Cho đến bây giờ, ở cái tuổi cỗ lai hi nầy, mỗi lần nhắc đến thầy, mỗi lần thấy mình khôn hơn một chút là tôi nhớ đến thầy. Người thầy đầu tiên trong cuộc đời tôi. Người thầy đã mớm cho tôi con chữ đầu đời. Con chữ lớn nhất, hay nhất, con chữ mang hết ý nghĩa của sự sống, con chữ mà sau nầy tôi mới biết, nó tràn ngập khắp không gian, thời gian. THIÊN: Trời.  Nó là Càn là Khôn, là Vũ Trụ bao la. Nó là Dương là Âm là mọi sự hình thành trong mênh mông của vũ trụ. Nó sinh thành, dưởng nuôi rồi chuyển hóa dưới mọi hình thức của vật chất và tâm linh. Ở trời, nó là Tánh, ở người nó là Mạng, ở vật nó là  Lý. Tất cả là Một. Phải chăng nó là bản thể vô hình. Thiên theo Dịch lý, nó còn là quẻ Bát thuần Càn, quẻ đầu tiên của Thượng kinh, là Dương sanh có bốn đức chính: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh vận chuyển trong đất trời lồng lộng.

Rời chùa Đại Phước năm tôi vừa sáu tuổi. Làng tôi bắt đầu xôn xao về cuộc chiến 45, và kéo theo những ngày tháng hun hút của tuổi thơ. Lớp học ở chùa tan đi hồi nào không hay biết…Chừng ấy tuổi, tôi vẫn ngu ngơ như con nghé, con bê lạc mẹ trên cánh đồng quê nhà. Ngồi trên lưng trâu, cầm dây mủi trâu cho cha tôi cày ải đám ruộng ngoài Cửa Đồng. Ruộng tháng mười sủng nước. Gió mùa đông bắc thổi về từ phía truông Phường Rạnh se sắc. Cái tơi lá không đủ che ấm cho hai cha con. Những con sáo sậu bay đi, bay về trên lưng hai con trâu Đẩy, con Nghê đang  lội bì bỏm trên luống cày. Một vài con cò trắng sà xuống kiếm ăn trên bờ ruộng sạ. Nắng tháng mười vàng úa, thơm mùi rạ ngập nước. Quanh tôi, những tiếng hò rì…hò tắt…còn vang vọng mãi trên cánh đồng “con trâu đi trước, cái cày theo sau“!

Ban ngày đi chăn trâu. Ban đêm xách đèn ve chai đi học. Cả một thời tôi học chữ quốc ngữ ở trường làng. Nhiêu khê thế đấy. Mười hai tuổi. Cha tôi qua đời trong tức tửi. Ông không kịp trối trăn lại cho tôi một lời. Từ ấy, tôi trở thành đứa trẻ  mồ côi, cô đơn tuyệt cùng. Mùa đông. Gió bấc thổi rao rao trên những vòm cây, những cành tre lả ngọn. Con chim chèo bẻo buồn bả kêu chiều. Mỗi lần đi đốt lửa dưới chân mộ cha tôi, phải đi ngang chùa, trường cũ. Tôi vẫn dõi mắt tìm hình bóng thầy tôi. Người thầy đầu đời ấy. Nhưng chỉ nghe tiếng chuông chiều loang dần ra, loang dần ra trong xóm nghèo heo hút gió. Thầy tôi đi đâu? về đâu ? Còn hay mất?

Trong cái thế giới nhỏ nhoi, tịch nhiên của tôi, thầy tôi hiện lên như một nét son phai mờ, lãng đãng như đám mây trắng bay về trên đồi núi quê nhà. Về sau nầy, trong cuộc bễ dâu.  Quê hương chìm đắm trong điêu linh của cuộc chiến và những biến động của lòng người. Ngôi chùa Đại Phước, mái trường xưa của tôi cũng tan biến trong khói lửa. Những tượng Phật bằng gỗ, những ông thiện, ông ác cũng di dời, sơ tán đi đâu trong cõi ta bà nầy. Thầy tôi luân lạc phương nào ? Hình bóng thầy tôi phai mờ dần trong cái thế giới nhỏ bé của làng tôi. Và tôi lớn lên giữa đời sống bề bộn những khổ đau, mất mát. Cho đên giờ nầy, tôi vẫn không biết tin tức gì về thầy tôi! Thầy là một ông đồ nho hay một vị sư của chùa Đại Phước ? Thầy tôi đã ra khỏi thế giới nầy từ bao giờ ?  Thầy đang ở đâu trong cõi mênh mông của đất trời huyền ảo nầy ? Dù  thầy đang phiêu diêu chốn nào. Tôi vẫn mãi mãi mang nặng ân nghĩa với thầy. Trong cuộc sinh tồn, tôi đã nợ thầy, món nợ mãn khai tri thức.

Hoàng Quy
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.