Trần Mộng Lâm
Nhà văn, thi sĩ Trang Châu (1995)
Bài thơ đầu tiên của Trang Châu mà tôi được đọc xuất hiện năm 1964, như vậy cũng đã 49 năm rồi, nhưng vẫn thấy hay khi đọc lại. Bài thơ này tôi vẫn còn giữ được, có lẽ vì thấy tác giả của nó cũng cùng một tần số với mình:
Bức Họa
(Thơ Trang Châu, 1964)
Trên khung lụa nhỏ
Anh vẽ một ngôi nhà
Cho em và cho anh
Để giữ nét trẻ trung
Anh tô mầu hồng lên vách tường
Mầu xanh lên của sổ
Cửa kính thì khép kín
Vì bây giờ là mùa đông
Nên anh muốn tìm ấm cúng
Trước ngõ vào
Anh vẽ một cây dạ lan
Mà anh yêu mùi hương đêm
Rất nhẹ
Trên một cành cây
Anh vẽ đôi vành khuyên đang rỉa cánh
Anh thích nhìn chúng tự do âu yếm
Hơn là nghe tiếng hót buồn
Tiếc một khoảng trời xanh
Bên thềm nhà
Anh vẽ anh
Ngồi tư lự
Ánh mắt mong chờ
Và nếu em không đến
Anh sẽ bôi đen bức tranh
Để nói lên niềm thất vọng
Trang Châu khởi đầu sự nghiệp văn chương của mình bằng những bài thơ rất dễ thương. Ngô Thế Vinh khi đọc những bài thơ này, đã thốt lên: Rất nghiều hy vọng thơ của anh sẽ làm tăng số lượng nữ độc giả, đặc biệt là các cô Trưng Vương, Gia Long.
Nhưng tình hình chiến sự hồi đó không cho phép những sinh viên Sài Gòn có thể ngồi yên để làm thơ, mà mơ mộng. Họ bị lôi cuốn vào vòng chính trị. Lúc đó, Miền Nam là thời của những cuộc biểu tình, thời của những ông tướng, đặc biệt là ông Nguyễn Cao Kỳ, mà hồi đó người ta kỳ vọng là sẽ trở nên một Nasser cho Việt Nam. Tiếc thay, lịch sử đã cho thấy là đây chỉ là một ảo mộng.
Trang Châu ra trường năm 1966 và về làm Y Sĩ trưởng tiểu đoàn 6 Dù. Anh ghi lại trong một hồi ký “Cuộc sống của tôi thay đổi. Sống và nghĩ bây giờ qui về một tuyến đầu, là mặt trận”. Tiểu đoàn 6 Dù có hậu cứ là Vũng Tầu, nhưng vì là một lực lương tổng trừ bị nên anh có mặt ở khắp nơi, nào Tam Quan, Bồng Sơn, nào Bến Hải, Thạch Hãn. Hãy theo chân Trang Châu trong những cuộc hành quân đó:
Tiếng ông Chiến Đoàn Trưởng hét mắng tưởng vỡ cả máy. Tôi trở về chỗ nằm, không tìm lại được giấc ngủ. Trời lạnh buốt. Trong đêm, pháo binh bắn khuấy phá từng giờ, từng giờ như mõ cầm canh. Ngày đầu tiến quân không gặp địch, nhưng chúng tôi có hai kẻ thù ghê gớm, ánh nắng mặt trời thiêu đốt và những đồi núi hiểm trở… trung bình, mỗi ngày chúng tôi vượt ba ngọn đồi hay một ngọn núi cao… trong rừng, không bắt kịp người trước là bị lạc ngay….
Những đoạn văn này được trích trong Y Sĩ Tiền Tuyến, tác phẩm đã đoạt giải nhất bút ký chiến đấu do Cục Tâm Lý Chiến tổ chức năm 1967. Anh yêu đời lính, yêu mầu áo binh chủng. Người thanh niên miền Nam đã đi vào lửa đạn dù không thích chiến tranh. Hành quân lâu, sống với chiến tranh, anh đã có lúc sợ:
….Tôi lo sợ một ngày hòa bình trở lại, tôi sẽ là kẻ trở về lạc lõng giữa một xã hội không bị chiến tranh tàn phá tâm hồn….
Thời gian đã chứng minh là nỗi sợ của anh rất viển vông, vì khi Hòa Bình trở lại, không một người Miền Nam nào không bị “tàn phá tâm hồn”.Thế hệ của chúng tôi là một thế hệ bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh đó. Biết bao nhiêu người Miền Nam đã ngã xuống trong chiến tranh và sau chiến tranh . Sau chiến tranh, là tù tội, là trại cải tạo, là “từ người xuống vượn”. Hãy tìm cho tôi một người Miền Nam nào có thể giữ nguyên được tâm hồn mình an lành sau cuộc chiến tranh ô nhục đó. Cuộc chiến tranh đã chia rẽ dân tộc Việt Nam một cách kinh hoàng, Vết thương sau gần nửa thế kỷ sau vẫn còn dớm máu.
Cuộc chiến tàn. Cả một thế hệ thanh niên miền Nam thuộc lớp tuổi của Trang Châu bị vùi dập dưới sóng gió của cuộc đời và dưới sự hành hạ dã man của những người đồng chủng “phe thắng trận” Trang Châu may mắn hơn vì anh đã đến được Canada ngay sau 1975 và không bị hành hạ trong các trại cải tạo. Anh cũng may mắn trở lại nghề một cách khá dễ dàng nhờ ở chính sách nhân đạo của Canada và đặc biệt của tiểu bang Québec. Và khi làn sóng thuyền nhân vượt biên lên tới cao điểm, thì anh đã trở lại nghề một cách vững vàng. Hồi đó, số mạng của các thuyền nhân rất bi thảm, bị hải tặc, lại không có một quốc gia nào mở rộng vòng tay. Đã qua rồi thời kỳ người tỵ nạn được đối xử tử tế. Mã Lai xua đổi các thuyền nhân như một đám ăn mày. Trên biển, các tầu ngoại quốc làm ngơ khi thấy các thuyền vượt biên. Rất may, trong thế giới vẫn còn những kẻ có từ tâm. Họ tổ chức con tầu Ánh Sáng để đi vớt người vượt biển. Anh Trang Châu đã đóng của phòng mạch, không tính toán đến việc mất tiền bạc, bệnh nhân. để theo con tầu Áng Sáng cứu người Vượt Biển. Hồ Đắc Vũ là một trong những người được cứu tại biển Đông, nhờ con tầu trên đó có anh Trang Châu. Vũ kể lại cho tôi nghe:
Khi tôi nghe tiếng loa hỏi bằng tiếng Việt: Có phải là tầu vuợt biên không, thì tôi mừng quá, biết rằng mình đã được sống. Khi lên tầu Ánh Sáng, thì gặp ngay anh Trang Châu. Tôi không bao giờ quên được cái cảm giác của ngày hôm đó.
Cuộc đi cứu người này chỉ đem lại cho Trang Châu một món lợi tinh thần: Một Bút Ký Vớt Người Biển Đông mà cho đến nay, tôi vẫn không biết tác giả của nó đã thu đủ sở phí in ấn hay chưa.
Tôi vừa đề cập tới Trang Châu với bài thơ đầu tiên và 2 tác phẩm văn xuôi quan trọng nhất của anh. Người không biết rõ Trang Châu có thể đặt câu hỏi: Tại sao anh Trang Châu lại chọn binh chủng Dù khi ra trường, một đơn vị tác chiến nguy hiểm, mất mạng như chơi. Cùng thời với Trang Châu, Ngiêm Sỹ Tuấn cũng đã tình nguyện về binh chủng Nhẩy Dù năm 1966. Anh Tuấn đã đền nợ nước năm 1968 tại Khe Sanh khi đang cùng đơn vị hành quân. Anh Trang Châu , với thế lực của gia đình, theo tôi nghĩ nếu anh muốn, có thể chọn một vị trí an lành, có chữ thọ hơn. Nhưng nói như vậy là không hiểu con người Trang Châu, cũng không thể hiểu tại sao sau này anh bỏ công ăn việc làm để theo con tầu Ánh Sáng ?
Anh đã làm những sự lưa chọn này vì lý tưởng? Chưa chắc, vì trong Y Sĩ Tiền Tuyến, anh đã viết:
Có tôi hay không có tôi, chiến tranh vẫn tiếp diễn, cục diện vẫn không thay đổi.
Ở một đoạn khác:
Tôi không thích chiến tranh, nhưng tôi yêu đời lính, yêu màu áo binh chủng. Tôi ước mong ngày mai đụng trận, tiếng súng nổ, tiếng đạn reo sẽ làm tôi quên hết mệt nhọc, chán nản….mới an ủi được nỗi buồn vô cớ trong tâm hồn tôi….
Đọc đoạn văn này, tôi nghĩ trong nhà văn Trang Châu, có một chút gì của Saint-Exupery, một phi công sau này bỏ mạng trong một chuyến bay đêm, một chút gì của Ernest Hemingway. Chúng ta hẳn nhớ Ernest Hemingway đã viết được Ông Già và biển cả sau những năm dài bỏ nước Mỹ, sống ở Cuba .Trang Châu vẫn làm bổn phận của một thanh niên miền Nam, nhưng trong anh, vẫn có tâm hồn của một người ưa phiêu liêu, ưa mạo hiểm, ưa cảm giác mạnh, giống như những người bỏ cả mấy chục triệu đô la để được tham gia vào một chuyến phi hành trong vũ trụ.
Nói như vậy, không phải để khen hay chê gì anh Trang Châu, nhưng chỉ để trình bầy một cái nhìn rất chủ quan về người bạn của mình.Nhưng mà bỏ cái chuyện đó đi, thì trước và sau, Trang Châu cũng là một người rất lãng mạn, rất đa tình. Chính anh đã viết những dòng này:
Hai người đàn bà yêu tôi.
Một cô nữ sinh
Và một người thiếu phụ.
……..
Trong hạnh phúc vô biên
Chợt thấy mình tội lỗi
Con người đa tình này yêu rất nhiều, nhưng anh không thuộc loại tình si, nghĩa là có thể phát cuồng, phát điên vì yêu. Anh giao hẹn trước với người yêu:
Nếu em muốn làm ngăn cách
Cần gì phải làm một con đường hay một dòng sông
Cần gì phải một chấn song hay một bức thành
Em chỉ cần gõ cửa tim anh
Gọi tên một người rất lạ.
Với tâm hồn đa tình như vậy, những bài thơ sau này, hay những truyện ngắn của anh như “Dì Thu” không làm người đọc ngạc nhiên.
Người ta nói “văn là người”.
Đọc những vần thơ của Trang Châu, đọc những bài văn xuôi của anh, không hiểu người đọc có hình dung được tính tình của nhà thơ, nhà văn này không. Riêng tôi, thì ngay khi đọc những bài thơ đầu tiên của Trang Châu, tôi đã có ý nghĩ là ông này chắc ở nhà được cưng chiều lắm. Sau này, khi quen biết nhiều, và có dịp làm việc với anh, tôi thấy một điểm nổi bật trong cách sử thế của anh: “Trong cuộc đời, anh Trang Châu là một người rất nguyên tắc”. Với anh, không có chuyện thương thuyêt, compromis gì hết. Những gì anh không chấp nhận, là anh không chấp nhận, không cho thương thuyết, bù trừ . Người không hiểu anh, cho là anh kiêu ngạo.Nhưng hiểu anh, thì thấy nói như vậy, rất sai.
Xin hãy đọc lại bài thơ đầu tay của anh: Bức Hoạ. : Sau khi ngồi vẽ ra một ngôi nhà đẹp đẽ và ấm cúng như thế, chỉ cần người yêu không đến (phụ nữ sai hẹn là thường ), là họa sĩ sẽ ‘bôi đen bưc tranh” liền, không đắn đo, thương tiếc. Và nếu người đẹp chỉ cần “gõ cửa tim anh, gọi tên một người rất lạ” là thi sĩ sẽ chấm dứt cuộc tình, không năn nỉ ỉ ôi. Trong cuộc đời, tôi thấy có nhiều người bền chí hơn anh nhiều, có người còn sẵn sàng cắt mạch máu, nhẩy rừ cửa sổ tầng 2, tầng ba xuống đất, mới làm người đẹp xiêu lòng.
Nhưng Trang Châu muôn đời vẫn là Trang Châu.
Trần Mộng Lâm
Nguồn: Tác giả gửi