Phất phơ năm chữ năm câu

Posted: 08/01/2014 in Biên Khảo / Phê Bình, Nguyễn Thị Khánh Minh
Thẻ:

Nguyễn Thị Khánh Minh

bia_nam_chu_nam_cau

Cuối thu. Có một thứ rượu, chắc ngon cũng cỡ hoàng hoa tửu của thu ẩm trong thú sống vui của người xưa, rượu thơ.

Trong lất phất mưa, lạy trời mưa xuống, mưa tầm tã đi để Calif. yên bình này không lo lắng về một cơn hạn hán, trong buồn bã cơn bệnh kéo thân thể nằm nghỉ ngơi, nhớ người bạn có gửi tới một bản thảo thơ, mở máy đọc, tâm hồn nhẹ và mỏng hẳn đi theo những sợi mưa bay ngoài cửa sổ, phất phơ với trời đất thiên nhiên, nghe xa xa tiếng cười của Thánh Thán, chắc tại sáng sớm nay chợt nghĩ sẽ ăn đậu chiên với dưa muối chua theo lời ông trước khi chết: “dưa muối mà ăn với đậu vàng thì có vị như là hồ đào, nếu phép này được lưu lại thì ta chẳng còn gì ân hận.” Những thú vui của ông sao mà nó giản dị, và phải tu luyện cái nhìn thế nào để thấu thị những điều nhỏ bé ấy?

Lúc này, đọc thơ bạn, trong cơn bệnh, cho khí trời thu hòa âm với cảm xúc mình, là chỉ muốn bắt chước hưởng những phút vui bình thường trong cuộc sống mà thôi, chứ không dám thưa thốt chuyện văn chương.

Không phải đọc trên giấy, mà là không gian ảo của cái cửa sổ 11 inch này, đọc với bạn, ngẫu hứng câu nào thì góp chút cười chút khóc, coi như “thu ẩm thi tửu”…

Trong tập thơ của Nguyễn Lương Vỵ (NLV) có 100 bài năm chữ năm câu, làm chủ đề chính.

1.
nhìn trong thơ thấy đạo
nhìn trong đạo thấy thơ
nhìn trong thơ thấy gạo
nhìn trong gạo thấy mình
có-không thiệt rốt ráo…

Nghe như khẩu khí vô vi của Lão Tử, mà lại từ không khí tĩnh tọa của Thiền. Ngay bài đầu tiên này thấy con đường. Đạo, con đường tu luyện Thơ ấy, thực sự đốn ngộ là rốt ráo có-không?

Hãy đi theo, im lặng thôi, những cái nhìn và nghe, coi mình có thấy gì không. Đạo của Thơ.

2.
nhìn trong em thấy mệnh
nhìn trong mệnh thấy đời
nhìn trong đời thấy bệnh
nhìn trong bệnh thấy lời
lời lôi âm rù quếnh…

Thơ là mệnh. Bao giờ cũng có dẫn dắt như thế ở những người sống chết với chữ. Và âm.

3.
nhìn trong mưa thấy nắng
nhìn trong nắng thấy giông
nhìn trong giông thấy mộng
nhìn trong mộng thấy mồng
mồng bông bay lồng lộng…

Trời Đất uyển chuyển xoắn vào nhau hóa thân mộng. Bốn câu biến hóa rồi thả câu kết như một làn gió bay… Phiêu phiêu ở cái nhìn. Tuyệt là ở chỗ như vậy.

4.
nhìn trong vườn thấy ruộng
nhìn trong ruộng thấy nương
nhìn trong nương thấy luống
nhìn trong luống thấy đường
đường thương tâm đã ruỗng…

Nghe nát tan đến thế nỗi thương hải! Biến vi tất tật, nhưng không phải Phật đã bảo có sinh, trụ thì có hoại diệt sao?!

9.
nhìn trong kinh thấy kệ
nhìn trong kệ thấy sen
nhìn trong sen thấy lệ
nhìn trong lệ thấy đèn
đèn nhen thơm bóng huệ…

Những phút, những ngày, hay một đời “nhìn” ở bài 1- 9, như những bọt nước tung lên trên dòng sông quán niệm, ảnh hình biến thiên chập chùng, để bất chợt thấy mồng bông bay, sựng một tượng số, sợi lông phất phơ ngọn cỏ, đàn câm trước trò người ngợm, đèn soi một bóng huệ.

Rồi sẽ tỏ như kệ và sen, không gì thường còn…

10.
nghe âm A ngất máu
lạ chưa mưa tím than
mưa tan trong mắt đá
đá nở búp hoàng lan
vàng câm trên bến lạ…

A. Tiếng kêu của ngạc nhiên. Tiếng reo của vui mừng. Thường là phải bật ra thanh. Vậy mà ở đây, tiếng kêu ấy là câm, ẩn sắc hoa vàng cõi lạ… Tứ và hình ảnh liên tưởng bất ngờ. Khí kỳ ảo Lý Hạ trong ngữ nghĩa rất mới.

11.
nghe âm E ngoe nguẩy
ngỡ rằng em có đuôi
nên hồn ta sập bẫy
gờn gợn gió về xuôi
cái em lừng hây hẩy…

E. Nói dài ra thì thấy nó thật có đuôi, sập bẫy cái thanh vừa thốt. E lại cũng là em. Ôi!

12.
nghe âm Ê kể lể
ca dao đắng khổ qua
đồng dao chua khổ lụy
hớp vài hớp gọi là
đỡ cơn ghiền thiên lý…

Ê. Kêu ai. Mà lời đắng chua. Thì có thể có một “hớp” hạnh ngộ cho người thơ không? Trên bước đường thiên lý?

13.
nghe âm I đi mãi
tiếng chuông lau hết chiều
chiều lau hết con gái
tinh khôi hương tình yêu
ôi gái hồng ngây dại…

Ôi! I. Không còn gì, hoạ chăng ngây dại cái tình si. Hi hi là cười. Ở kia. Hi! Hi! Là chào, ở đây. Cặp kè mà đi. Cái cười chào trẻ thơ trong cái nghe già lão, tiếng chuông lau hết chiều…

14.
nghe âm O vành vạnh
lửa reo ngầm khía cạnh
ta reo ngầm dấu son
dấu môi em thơm lạnh
bướm gáy trên đầu non…

O tròn, không nơi bắt đầu không chỗ kết thúc. Bỗng bay thành cánh bướm trên đầu non? Kết mở thật mông lung, từ một vòng kín càn khôn kia đấy. Thấy hết lẽ biến dịch tự nhiên Đất Trời Âm Dương Sinh Tử.

15.
nghe âm Ô trố mắt
ố ồ đọt rau dền
tím than nhớ tím ngát
nhạc treo trên nẻo quên
vớt chiều lên kẻo tắt…

Ô. Giống âm thanh ngạc nhiên của A. Vội hơn, như sợ sẩy mất điều gì, ôi, chỉ là vạt nắng chiều! Mỏng manh quá giữa tồn tại và hư vô!

16.
nghe âm Ơ ú ớ
tiếng chó ngáp buồn thiu
tiếng chiều lèn nước lợ
đời kĩu kịt quá nhiều
mần thơ cho hết sợ…

Sao có nhiều âm để biểu lộ sự ngạc nhiên thế ở tiếng Việt mình. Có phải tiếng nói phát triển theo kiếp đời con dân Việt kĩu kịt quá nhiều? Nhưng dùng sự ngạc nhiên để đối phó thì kể người cũng có nội lực lắm, vì chỉ có âm ngạc nhiên trẻ thơ A! Ô!, Ơ! mới nhìn thẳng được những ú ớ cuộc đời.

17.
nghe âm U bay vụt
vút lên sợi tơ trời
cả đời ta níu hụt
những trận gió hoài thai
thơ nhớ ai ngún ngút…

Trong trò chơi con trẻ, có một trò gọi là u mọi, kêu u u u chạy nín thở một hơi về phía đối phương đập vào tay tên tù nhân để cứu thoát. Ai u u u để cứu những kiếp đời. A. Ô. Ơ. Thơ!

18.
nghe âm Ư rên khẽ
hạt bụi bay khóc ré
hạt nắng bay hát vang
thơ mần ta nữa nhé
kẻo mai kia lạnh tràn…

Có lần, người-thơ nói với tôi, làm thơ thiệt đã. A. tiếng rên khẽ từ thơ mần đó vậy. Tiếng rên khẽ mà nắng bụi chuyển mình. Ưmm, tôi biết tôi cũng thế, thơ đến thì không thể ứ ừ em chả, được, vì thế thì sẽ lạnh tràn…

Những bài thơ nghe được tinh của âm này không dễ, vì NLV đã kể rằng “lì đòn chờ âm rung” Ra thế!

19.
thấy và nghe ướt mộng
đêm nhớ ngày sủi tăm
bọt nước tan theo sóng
sóng tung bờm hí rân
ngựa thời gian lửng bóng…

Chiêm bao ơi, đừng như bọt nước, thời gian vó câu…

20.
thấy và nghe khô máu
máu lịm phiến đá ong
đá vang ngàn ô cửa
vì có ngàn mắt chong
ngàn mắt đèn lệ ứa…

Tôi đồ rằng người-tu-thơ ngồi đó rất lâu, đến nỗi thấy ngàn mắt đá ong mở cửa, sáng lóe ánh nhìn, huyết lệ. Bi sầu uẩn khúc Lý Hạ cũng đến thế này thôi!

21.
thấy và nghe tê lưỡi
ngọng nghịu chẳng nên lời
ù á ôi ừng ói
ói ũng ừng ấy ôi
bông khế rụng lưng đồi…

Thấy nghe trơ vị giác rồi. Âm thanh cũng ú ớ… Nghe, lợm giọng, bèn chửi thề, ói xong rồi bỏ đi, tưởng sẽ làm gì, tưởng là hận lên chất ngất, nhưng không, chỉ là vu vơ những bông khế tím, năm câu này tuyệt (tuyệt tận) ở một câu kết mở mênh mang, đưa ta về cố lý yên bình hay nấm mộ buồn hiu lưng đồi? Nghe cũng hào sảng lắm lắm!!!

22.
thấy và nghe buốt óc
róc xương mây tủy trời
đốt thơ cho quỷ đọc
cho ta kịp lấy hơi
lấy trớn cho ma khóc…

Gom hết tủy trời xương mây thành thơ. Mà một bóng đối ẩm với quỷ, chờ nghe tiếng khóc của ma, biện biệt được không, người-ma, ma-người? một ý nghĩ theo suốt NLV từ Huyết Âm. Tiếng cười hạt máu giọt lệ hòa thanh. Nam mô Tiên Thánh Phật Quỷ Thi!!!

23.
thấy và nghe huyết tan
từ rất lâu trong chữ
chữ lòn trong nắng tàn
ta lòn trong mưa lụi
lượm lên phủi hú vang…

Nước mắt của chữ là máu, thinh không mênh mang, hay một vệt nắng tàn, một hơi mưa, ta vẫn nghe được tiếng những hạt lệ ấy, qua tiếng hú mới rền được nỗi bi thương, tiếng hú cô liêu thơ trong biên giới không gian, thời gian. Có chạm được bến bờ đất trời không để tỏ nỗi lòng, nhà thơ?

24.
thấy và nghe máu vỡ
mái đình nằm nghiến răng
điện thờ nhang nín khói
tổ tiên tơ nhện giăng
một nùi không dám hỏi…

Đấy, cái cuộc đời, cuộc sống, thân phận con người, con dân nước Việt, trải mấy nghìn năm một nùi tơ nhện tổ tiên câm lời. Thôi đành, một là hú dài, hai là hóa câm. Lời thơ kinh động cõi cội rễ…

25.
thấy và nghe bóng rung
bóng sân bừng bóng ngọ
bông bụt đỏ bập bùng
bóng mẹ gầy như gió
gió thổi nhòe chân dung…

Có lẽ cái thấy và nghe nầy ít cay, ít xót nhất trong những nghe nhìn trong 100 bài năm chữ năm câu này. Ngồi tưởng nhớ thấy bóng mình in trên bóng sân nắng quê nhà, có đâu đó gió thổi liêu xiêu bóng mẹ, gió theo hạt lệ con nhìn nhòa bóng mẹ. Những câu thơ quyến luyến lôi kéo hình này đến ảnh nọ, như bóng con luẩn quẩn chân mẹ. Như có hạt mưa trời Santa Ana rơi vào mắt, nãy giờ phất phơ cùng mưa hay thơ?

26.
thấy và nghe bóng hiện
chèo bẻo hót nghiêng chiều
nghiêng vai đời lỗi hẹn
bông gòn bay quá nhiều
bóng in trên thềm rêu…

Xuống một câu kết đóng, tóm hết vào bóng, không biết trong đời lỗi hẹn kia, bóng rồi có hóa đá như người xưa không, ngồi đợi. Chim tiễn chiều và bông gòn bay. Mấy thời gian đã trôi qua trên vai đời ấy… thềm đã đầy rêu, nhớ xưa cái anh chàng khờ đợi người yêu dưới chân cầu, nước dâng cứ thế mà chết. Nỗi đợi nào cũng ngớ ngẩn, nên thơ. Bông gòn bay quá nhiều, nói như né cái đợi dài… chép miệng than vu vơ (ơ, hóa bóng chứ không hóa đá!)

29.
đếm dấu vân trên gỗ
câu thơ vỗ tay reo
lóng xương rừng đã trổ
những cụm mây lưng đèo
đến nay còn liếc theo…

Chập chùng hình ảnh, và tứ lạ. Tôi thấy những gợi mở tương phản: vẻ kiên khổ của người ngồi đếm dấu vân gỗ bên cạnh tiếng reo trẻ thơ của câu thơ vừa ráo mực. Cũng thế, lóng xương rừng vẽ ra một cảnh tang thương âm binh, mà níu được cái liếc mộng mơ của cánh mây! Đặt cạnh nhau như thế để nói vô thường chăng?

30.
đếm linh hồn trên vách
thạch sùng liếm môi khuya
ta ngồi im liếm sạch
màu chiêm bao dị kỳ
âm xanh câm trôi đi…

Này bạn, tôi thấy người cũng hóa thành một loài bò sát và máu lạnh, như thạch sùng, và tôi thấy nỗi buồn rợn ốc trên da. Âm xanh câm trôi đi… âm, nó cũng động như người và thạch sùng trong bức tranh siêu thực này!

31.
đếm trời thu trong hạt
hạt hát chào cô liêu
ta cô độc đánh liều
hát theo treo tóc bạc
âm trắng câm bay đi…

Âm bây giờ mang mầu trắng, hòa âm với những hạt cô liêu mùa thu, những lời hát sương móc treo tóc bạc, bản hòa âm câm, và trắng, tuyệt vời an nhiên, ta cô độc… như nghe ngài Lão Tử: “Lời nói của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, thế mà thiên hạ không ai hiểu, không ai làm”.

32.
đếm ngàn sông trên lá
lá ngu ngơ thở dài
thời gian phai nhanh quá
lá chỉ nhớ một vài
giọt sương tan ban mai…

Chiếc lá phai, dòng sông trôi, biểu tượng của thời gian. Màu lá, bước đi qua của mùa, phút giây thoáng chốc, thế mà chở hết cái miên man miết miết của con sông thời gian. Thế rồi trên những qua đi ấy, chỉ cái mong manh nhất là giọt sương, đọng lại. Qua cái quặng lọc phôi phai ấy, nổi lên long lanh vẻ trường cửu. Cảm xúc về thời gian đẹp và lạc quan. Đêm tàn rồi lại bình minh…

34.
đếm ngàn sông trên tay
tay dài thêm viễn xứ
phím nâu vĩ cầm lay
phím trắng dương cầm nở
tĩnh vật ướt lưng ngày…

Bài 33 và 34 là bức tranh tĩnh vật. Có một điều lay động, nỗi lòng kẻ ly hương, đổi màu theo tâm chuyển.

35.
đếm thời gian trên trán
trán châu thơm quê nhà
và thơm lâu quê quán
tình rất sâu rất xa
rất xa ôi rất xa…

Trán ai thơm màu quê cũ, mà để người nhìn thấy những vết nhăn quê nhà xa xôi chờ ngày hợp phố, không rất xa ôi rất xa đâu tình ơi…

36.
đếm thời gian trên mộ
mộ cha giữa chiều hồng
chiều ôm trùm tấc cỏ
cỏ ôm trùm thinh không
chiều hồng ơi chiều hồng…

Huyết cha nhuộm buổi chiều, thinh không mộ cỏ. Âm dương thê lương đến thế đối với cả người dưới mộ lẫn đứa con đứng gọi chiều, từng chiều… chiều hồng ơi chiều hồng, bạn nghe đó là tiếng gọi đầy nước mắt của đứa bé nhớ cha, hay tiếng gọi bình thản của kẻ đã trôi qua những vô tận nỗi đau?

37.
câu thơ xưa yểu mệnh
chết trong vườn mưa xanh
chim quyên về ướt cánh
ta ôm mộng đái dầm
rùng mình la thất thanh…

Tứ đi đâu để câu thơ chết yểu, cho người làm thơ kêu thất thanh trong mộng vậy? Mỉm cười đọc câu 4, nghe nói rằng Tâm bất tịnh… Nhưng mà hình như ông biết hết mà giả bộ đấy ư, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ – bởi vì la thất thanh?

38.
câu thơ nay kiên khổ
lì đòn chờ âm rung
chờ nát tan tri ngộ
chờ ngất gió loạn bùng
một cú nhảy sau cùng…

Trước khi đi thạo, phải bước chập chững, muốn đi tới cuối đường, phải gian truân một con đường, muốn xong một bài thơ, thì đã nếm mùi khổ nhẫn, đã bao lần mấy bận lắng nghe tiếng rung của âm để mà giao hòa tâm mình với nó… Con châu chấu trong một buổi mai, bật lên cú nhẩy ngát xanh mầu cỏ sau một đêm – thiên thu? Ôi! Một cú nhảy sau cùng!!!

39.
câu thơ soi chín vía
cho ý nhớ mười đời
chữ căng âm ngóng đợi
gần gụi với xa vời
rồi thôi thơ đi chơi…

Nghe như sinh mệnh Thơ là bản mệnh mình… Thơ hay Ta đi chơi? Như tôi, thì tôi thích, trao thân gửi phận cho Thơ xong thì ta đi chơi. Xin lỗi nhé nhà thơ, rượu thơ có khi quá chén…

42.
câu thơ tươm lửa biếc
xanh trí não ngàn thâu
ta ngồi xâu ly biệt
mỗi kiếp một nếp chau
một hai ba… xâu mau…

Chuỗi ly biệt này dài tới đâu thì giáp lại? Muôn muôn cứ chia tay mãi ư?

43.
câu thơ tươm muối mặn
đời húng hắng gừng cay
ta sớt thêm mật đắng
hòa chung một chén đầy
dzô dzô dzô dzỗ tay…

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau (ca dao.) Thơ lại hòa thêm mầu sắc cho keo sơn hơn ly rượu đời chăng?

45.
câu thơ tươm lệ nến
nến trắng gió tê nhòa
phong cầm lòa sóng biển
nến đỏ bóng ai qua
huyết khô trong bao la…

Từ bài 38 đến 45, và cả dòng thơ NLV nữa, làm liên tưởng đến câu của người xưa, “Thi dĩ ngôn chí”, và Phùng Khắc Khoan cũng đã phân tích rất rõ Chí để tìm hiểu về Thơ. “Chí mà ở đạo đức thì tất là phát ra lời lẽ hồn hậu, chí mà ở sự nghiệp thì tất là nhả ra khí phách hào hùng, chí ở rừng suối gò hang thì thích giọng thơ liêu tịch, chí ở gió mây trăng tuyết thì thích vẻ thơ thanh cao, chí ở nỗi uất ức thì làm ra lời thơ ưu tư, chí ở niềm cảm thương thì làm ra điệu thơ ai oán” (câu này ghi trong sổ tay, không còn nhớ nguồn nữa. Xin lỗi!) Dòng thơ NLV toát ra cái tịch mịch cô liêu, âm cười máu lệ, âm khóc hồn nhiên, tạm dựa vào quan điểm trên, tôi thấy, Chí ấy là ở đạo đức, ở rừng sâu u tịch, ở nỗi kiên khổ chịu đựng, nên lời thơ vừa u tịch vừa hóa giải những oan thù. Chữ ghìm trong tiếng nấc. Dại khờ mong gặp lại. Dzô dzô dzô dzỗ tay. Rơi rơi rơi chiều tà. Huyết khô trong bao la… Chẳng phải Thơ nói Chí sao?!

48.
mười ba năm xa xứ
ư hử một mình ên
lái xe trên xa lộ
cái nhớ khều cái quên
cái xe như cái mộ…

Nghe nói thời của ông, con người ta mở mắt ra là ở trong xe hơi, lăn hoài trên xa lộ. Ui, khổ quá cái văn minh, ngồi trên lưng hạc lưng lừa như người xưa, hay như thi sĩ đại ca Bùi Giáng bỏ thành thị về cưỡi bò khắp lũng đồi không phải thanh thơi hơn sao. Liên tưởng cái xe như cái mộ thật bất ngờ và kinh hoàng cho văn minh cơ khí!!!

53.
mười ba năm xa xứ
mang chiếc nhẫn mẹ cho
mẹ dặn nhìn chiếc nhẫn
thấy chữ nhẫn rõ to
quỳ lạy mẹ đừng lo…

54.
mười ba năm xa xứ
xa mãi có mong gì
ngày về xa tắp lự
thôi cứ niệm mâu ni
và niệm em nữa chứ…

Trong mười ba năm ly hương, có một phùa hộ mệnh này: mẹ dặn nhìn chiếc nhẫn / thấy chữ nhẫn rõ to / quỳ lạy mẹ đừng lo. Thế thì có gì phải sợ đời hừ hư hứ hự nữa. Thôi cứ niệm mâu ni trên đường dài về cố xứ. Nguyễn Nhược Pháp chả bảo cứ cầu Quan Thế Âm Bồ Tát / là tha hồ đi mau, đấy ư!

Cũng có thể niệm gì mà riêng nhà thơ thấy linh ứng, cũng được:

61.
niệm em cho tận ý
ý quên lời quên câu
chỉ còn thượng thanh khí
thương tâm âm trời sâu
ta làm ma bạc đầu…

62.
niệm ma-ta một niệm
tẩm liệm một âm quen
mận cũng vừa mới chín
thu cũng vừa mới nhen
bén lên một ngọn đèn…

Phất phất phơ phơ, tưởng niệm lắm tạp niệm, nhưng ngồi đó, một đêm, ngàn thâu.

Chơi một giấc ngủ vùi / gọn một đời mọn bé (64) chơi một giấc mất tích / đời kiếm hoài chẳng ra (65), để rồi tất cả đều “tỉnh” ra một cơn điên:

66.
đất điên theo kiểu đất
trời điên theo kiểu trời
phật điên theo kiểu phật
mang cái thân con người
nên điên theo kiểu phật…

Chỉ có đó là mái che và bến đỗ thôi. Để mà quên sạch sẽ khổ đau…

71.
ta vẫn điên giản dị
nhẩm thơ cất trong đầu
lâu lâu rót một xị
mời quí vị ngàn thâu
sáng ra quên rất mau…

Cứ mỗi năm NLV rót một xị. Từ tập thơ Âm Vang và Sắc Mầu đến tập thơ mới nhất “năm chữ năm câu” này là tập thơ thứ 8. Một xị thành một biển muôn trùng!

72.
quên rất mau để đón
câu thơ khác trong đời
ý thiêng ta bắt gọn
tình sâu ta tóm rồi
lại cất trong đầu thôi…

Cảm thấy người thơ đã chứng được cho mình – Thơ – trên con đường tu thơ, mới đầu là khổ hạnh, để cho nỗi đau xé mình nghìn tiếng nghìn câu, rồi điên mà tung hứng nỗi niềm, để biết rằng trong điên thơ ấy đã thấy được lung linh ý thiêng. Chí thành thì chứng ngộ.

73.
rồi ra trong ly biệt
chẳng biết phải làm gì
đời vẫn trôi biêng biếc
mây vẫn bay rù rì
rằng thì đâu có chi…

Vô vi!?

74.
có chi đâu có đặng
gặn hỏi nói không đành
rằng thì là thinh vắng
sống là chết long lanh
nói thiệt đừng có hoảng…

Chết là hết hay chuyển sang một kiếp sống khác? Chết là giai đoạn cuối của vòng Sinh Trụ Hoại Diệt. Nhưng người thơ này đã đồng hóa sinh-tử tếu thế. Tếu là vì câu nói thiệt đừng có hoảng…

Làm như tất cả đều đùa thôi. Nhớ người đàn bà quạt mộ của Trang Tử.

75.
chỉ có hơi tiêng tiếc
trần gian một tỉ vui
người-ma ngu ác liệt
ma-người ngu sặc sùi
ma-ta ngu điếc đui…

Ha! Đây là người nằm dưới mộ mà người đàn bà đang quạt cho cỏ xanh đây, phải không? Tôi đang cười đây. Trời ngoài kia có chút nắng lên rồi, như cuối con ngõ quanh co có người vừa nói chia tay…

Để gặp nhiều bóng độc hành:

77.
một ba bảy cũng liều
như cô kiều ông giáng
đứt ruột với lòi phèo
thì trời kia mới ngán
tài với mệnh cái veo…

81.
không chờ không mong đợi
hàn mặc tử ca xang
tình quê bay diệu vợi
tung ánh biếc lừng vang
đất trời tươm lộc mới…

82.
không ồn không kể lể
ta khỏa nước chân cầu
ôn như hầu nhắc khẽ
cổ độ trơ từ lâu
đừng hỏi nữa vì đâu…

83.
không hỏi không cần biết
thức đếm nhịp xưa sau
trí lang thang náo nhiệt
óc trắng muốt trắng phau
hít một hơi thật sâu…

Thu sẽ héo và Đông rồi cũng sẽ tàn. Bước lại khởi xanh đi… từ những tàn lụi. Lừng hương sương. Em nở bông. Tung ánh biếc. Đất trời tươm lộc mới. Bánh xe ấy lại bắt đầu lăn, ở một khởi đầu mới óc trắng muốt. Hít một hơi thật sâu nhè nhẹ như vừa hớp một chén trà cúng. Nhan ơi ba năm lẻ…

88.
thương câu thơ kín kẽ
thương bạn đã về trời
nhan ơi ba năm lẻ
ba câu lục bát phơi
nắng chiêm bao ngời ngời

90.
thương câu thơ bạt mạng
chết xanh theo điêu linh
chết xanh theo khốn nạn
ảo hóa bóng soi hình
bấy nay ta động kinh…

Nghe trong những câu thơ này có hương của âm dương giao hòa. Một xâu hệ luỵ của kiếp người nhấp nhô ảo hóa trong cái bất tỉnh của cơn động kinh.

Có phải đang xướng hoạ cùng Quỷ Thi đó không, ông Nguyễn Lương Vỵ?!

91.
bấy nay ta ngáp vặt
gặp những ý tro bay
ý chớp tắt réo rắt
lời chưa bưa khôn khuây
thơ bảo tu tức khắc…

Ngáp vặt, ý tro. Nghĩ rằng tu cũng đã bưa rồi. tu thơ là tu chữ (92) tu thơ là tu hú / hú làm sao cho lâu (93)

96.
buông thơ ư…tội lắm
đời mồ côi đã lâu
đời cuồng mê đã khẳm
gói ghém gửi sơ đầu
hy vọng còn gặp nhau…

Tôi biết người tu này không bỏ đạo đâu. Điện Thơ một trái tim đập như thế. Xuân Hạ Thu Đông rồi Xuân, còn gặp nhau mà!

Đi suốt quãng đường tu thơ. Mỗi người tu có riêng tự chứng tự nội. Có thể là tôi không kinh nghiệm về những giai điệu của huyết lệ NLV, nhưng tôi cảm được bổng trầm của chữ thơ, tứ thơ, làm nẩy sinh một nỗi buồn thương vô hạn bởi cái âm vang động của một tâm hồn cô độc trên con đường thăm thẳm về với cõi có-không, này.

99.
năm câu năm chữ hiện
năm âm gieo bốn lần
một lần cuối chết điếng
vì bốn lần sẩy chân
bấn loạn hết tâm thần…

Đúng vậy, làm thể thơ này, giống như đi trên một sợi dây. Rớt nát tan hay vút bay cao là tùy cái giá đỡ câu tuyệt, một cú nhẩy sau cùng nắm sinh mệnh bài thơ.

Phải nói gần như hầu hết ở 100 bài này, câu cuối cùng là tiếng khóc oa của phút chào đời cho dù có bốn lần sẩy.

100.
năm chữ năm câu gọi
ta thức gõ phím đen
phím quen hơi quen chữ
chữ quen ta quen đèn
đèn nhen lên viễn xứ…

Vậy, thơ lúc này, đi đâu, ở đâu, thế nào, bén những duyên nợ nào khác hay là, có phải sẽ trở về bước đầu, nhìn trong thơ thấy đạo / nhìn trong đạo thấy thơ?

Còn tôi, vẫn ở cõi đất mưa thu này, sẽ lay lay áo ông Lão Tử giảng cho nghe chút nghĩa xuyên suốt…

***

Tưởng đã từ giã cõi mưa bay, tự nhiên lại nghĩ, ừ sao lại là ngũ tuyệt nhỉ, hồi nào tới giờ chỉ quen tứ tuyệt. Những là thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt mà niêm luật dựa vào thất ngôn bát cú của thơ Đường. Bèn hỏi, sao lại là năm chữ năm câu, là ngũ ngôn ngũ tuyệt? Ông bạn nhà thơ mỉm cười, ngũ hành ngũ uẩn…

Nếu nói tiếp về những phạm trù ấy ắt là mùa Thu sẽ qua đi, và Đông lại ngâm tuyết thi nữa chăng, phố xá ngoài kia người ta đang lao xao Tết đấy. Gượm một tí để nói thêm chút về thể thơ mới lạ của ông.

Thường nói dài mà nói được, nói hay, là lẽ thường tình, nhưng nói ít mà cô đọng, thì xưa nay hiếm, không nói, chỉ cần cầm cành hoa để khai thị, thì chỉ có Phật.

Loại thơ tuyệt cú, hay cả Hài cú của Nhật, thường nói những chuyện như là trước mắt, tưởng là vu vơ, đơn sơ bé mọn, mà khi đọc thốt giật mình vì cái tình ý sâu kín của nó. Những thi nhân khi dùng lối tuyệt cú thường là những người đã như con thuyền vượt qua mấy biển phong ba rồi, ngồi lại một nơi u tịch nào đó, nhìn hạt cát thấy được lẽ càn khôn; nghe hạt sương rụng biết nỗi phôi phai nghìn muôn thời gian…

Làm thơ kiểu này, câu kết là lợi hại nhất. Toàn thể 100 bài năm chữ năm câu này, người thơ đều theo cái nhất quán của ông: một cú nhẩy sau cùng. Kết đóng hoặc kết mở đều mang một yếu tố bất ngờ. Ở chữ lẫn tứ. Đó là điều tôi muốn nhấn mạnh. Chính yếu tố bất ngờ này đưa đến cảm xúc muôn màu. Nếu không có, thì bài thơ coi như bị rớt xuống từ sợi dây đang đi vắt vẻo.

Kết đóng, là chữ tôi dùng thế, để chỉ những bài với hình ảnh xâu chuỗi nhau rồi dứt điểm cảm xúc ở câu kết đi liền một huyết mạch, như thể nhân đó quả này:

Ví dụ, câu cuối gom hình ảnh ở 4 câu trên rồi bật lên cảm xúc ở câu 5: đếm ngàn sông trên lá / lá ngu ngơ thở dài / thời gian phai nhanh quá / lá chỉ nhớ một vài / rồi giọt sương tan ban mai… thả ra như một tiếng thầm, rất tịnh, đọng thành một hạt lệ trong suốt.

Và, mười ba năm xa xứ / rồi mười mươi cái vèo / tinh âm bay sáng lóa / ta sướng quá bay theo / ôi tiếng hú trong veo… dẫn đi từ từ rồi bùng vút cao nốt sầu bi tiếng hú.

Ở bài 23, ảnh hình biến hóa dẫn người ta đi, thấy và nghe huyết tan / từ rất lâu trong chữ / chữ lòn trong nắng tàn/ta lòn trong mưa lụi / để cuối cùng ta thấy cái hình ảnh nên thơ dị thường của người rong chơi cùng chữ nghĩa: lượm lên phủi hú vang…

Thấy không, hình ảnh cấu tứ trọn vẹn trong 25 âm.

Rồi. Kết mở. Có khi chả đả động gì đến cái vừa nêu ra ở trên, giống như về tới nhà không mở cổng vào mà quay ra một lối khác, đi đâu…, cũng có khi là một nụ cười mỉm tinh nghịch rồi chia tay, để lại cho người đọc bao nhiêu nỗi tự xử sau một câu kết mở. Tha hồ cho trí tưởng, tôi thích những câu kết mở như vậy, làm bài thơ có khí hư hư thực thực, kiểu lửng lơ của một công án:

mười ba năm xa xứ / cuộc lữ cũng vui thôi / xúc tuyết nghe tuyết hỏi / chưa kịp đáp tuyết rơi / lấp trắng hết tiếng nói… thật là tuyệt cái lửng lơ sau câu chưa nói!

Ở bài 21, thấy và nghe tê lưỡi / ngọng nghịu chẳng nên lời / ù á ôi ừng ói /ói ũng ừng ấy ôi / 4 câu đầu thấy những ai oán, đến bất ngờ hình ảnh câu kết, bông khế rụng lưng đồi… nghe nhẹ nhõm thanh thơi mơ mộng như con thuyền, có thể dừng một bến êm đềm cũng có thể ra biển…

100 bài này dường như đều làm một cú nhẩy sau cùng của tuyệt, tuyệt là tuyệt tròn trặn, hay tuyệt là cắt ngang như vết cắt quyết liệt, đều vi diệu cả…

Nguyễn Thị Khánh Minh
Santa Ana, 11.2013
(Viết trong những ngày dưỡng bệnh)
Nguồn: Nguyễn Lương Vỵ gửi

Đã đóng bình luận.