Posts Tagged ‘Nguyễn Lương Vỵ’

Lê Lạc Giao

Lời giã biệt niềm chi đau gió hú
Khép lòng tay nghe nắng cũ thầm thì

(Nguyễn Lương Vỵ)


Từ trái: Lê Lạc Giao, Tô Đăng Khoa, Phan Tấn Hải, Nguyễn Lương Vỵ và Trịnh Y Thư

Tháng 10 2019, nhà thơ Du Tử Lê ra đi. Chúng tôi những người bạn của anh ở Orange County làm buổi tưởng niệm cùng ra mắt tập sách “Người Về Như Bụi” vào dịp kỷ niệm trăm ngày (15-1-2020). Ai cũng có có mặt buổi tưởng niệm ấy trừ Nguyễn Lương Vỵ vì lý do sức khỏe. Phải nói từ khi còn quán ăn Tài Bửu (trước năm 2018) mỗi sáng chiếc bàn trước cửa quán hầu như ngày nào cũng có mặt hai nhà thơ Du Tử Lê và Nguyễn Lương Vỵ. Tôi thỉnh thoảng đến uống café với hai anh. Đến cuối năm 2017, Nguyễn Lương Vỵ qua cuộc phẫu thuật tim cùng căn bệnh tiểu đường khiến anh phải nhập viện cấp cứu nhiều lần. Từ đấy sức khỏe anh ngày một mong manh hơn.
(more…)

Nguyễn Thị Khánh Minh

Chúng tôi nhận được tin buồn thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ đã mãn phần ngày 17/2/2021 tại California, Hoa Kỳ. Xin đăng lại một tản văn của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh về thơ của ông như một nén hương lòng. (Sáng Tạo)


Thi sỹ Nguyễn Lương Vỵ

Vâng. Tôi đã nhìn thấy chúng qua gương một dòng trong. Những viên cuội lấp lánh nắng mai. Những viên cuội lung linh trăng rằm. Phản chiếu mầu sắc tĩnh và động. Những viên cuội lắng vào thẳm sâu giấc mơ của dòng -dòng chữ long lanh- ánh lên những gửi gắm của thời gian. Ta có thể nghe được gì từ nơi không nguồn cội và lồng lộng hư vô huyền nhiệm?

Có một ngày buồn trong khí đông phai, tôi về bên dòng ấy, nhìn những viên cuội Lục Huyền vang âm trong dòng chảy Tám Câu, tung hứng qua vần điệu, ngữ nghĩa, của Nguyễn Lương Vỵ (NLV) -nhà thơ luôn gây cho tôi bất ngờ qua mỗi thi phẩm của ông-. Tám Câu Lục Huyền Âm, ký tặng tôi vào tháng 3. 2013. Trời Calif. đã dợm sang xuân, có trong tay một tập thơ, một không gian riêng, hẳn nhiên là tôi có đủ ba lý do để hưởng cái thú vui đã thuộc cổ xưa này. Và thơ ấy kéo tôi về không khí Đường Thi. Mái nhà thơ Đường càng ngày càng ít kẻ, gần như bằng không, tìm về đụt nắng che mưa chữ nghĩa. Thế mà NLV đã ghé vào cung kính ngả nón chào, và kiểu như là, “thưa các tiền bối, giờ xin thưởng lãm một kiểu thơ Đường-Việt.” (Thật ra dùng chữ Đường-Việt ở đây chỉ là cách nói để tạm phân biệt thôi).
(more…)

Nguyễn thị Khánh Minh
Tặng Nguyễn Lương Vỵ cùng sinh nhật tháng 5.


Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ

Đang thong thả dong ruổi những ngày góc phố cà phê, đang yên tâm những lần đi bác sĩ, lúc nào tôi cũng có người bạn thân tình Nguyễn Lương Vỵ (NLV) đón đưa, chia sẻ, đùng một cái, anh nằm viện, mổ tim. Đã hơn một năm từ ngày trái tim thơ ấy bị nghẽn mạch, giờ NLV vẫn đang ngày ngày trông nắng đến nắng đi nơi phòng bệnh. Từ khung cửa sổ ấy tôi thấy hoa tím vàng rơi đầy vào một ngày mùa thu đến thăm anh. Nhìn và hình dung những giây phút sớm khuya đâu đó của anh:

…sương rơi nương bóng thềm rêu nhạt
lá rụng nghiêng vai giọt nắng tràn…

… ngồi im nghe nắng khuya đang vỡ…

một vạt nắng chiều giăng tiếc nhớ
hai hàng mưa bụi đẫm thương mong…
(more…)

Tô Đăng Khoa


Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ
(ảnh: Uyên Nguyên)

Năm 1973 tập san Văn Chương của Joseph Huỳnh Văn đăng bài thơ Âm Nhạc của Nguyễn Lương Vỵ viết năm 1970 (lúc ông mới 18 tuổi). Bài thơ gây tiếng vang lớn vào thời đó và như là một tiên tri cho sự hòa nhập có một không hai giửa Nguyễn Lương Vỵ và Âm: “Âm nhập cốt”

ÂM NHẠC

Ghi trên nền nhạc giao hưởng số 5 của Ludwig Van Beethoven

Âm nhập cốt
Âm binh phiêu hốt tiếng tru
Ta tru một kiếp cho mù mắt
Mù lệ đề thơ để nhớ đời
À ơi! Rượu đỏ hoàng hôn tắt
Ta dắt hồn ta túy lúy chơi!

Âm nhập cốt
Âm vàng mấy gót hồ ly
Vạn kỷ cung thương còn réo rắt
Còn ru ta mãi quãng đời xanh
À ơi! Ai hát ngoài phuơng Bắc
Chờ nhau tinh đẩu sáng long lanh
(more…)

Tô Đăng Khoa


Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ
ảnh chụp bởi Uyên Nguyên

“Trong u tịch, xương máu bỗng khua vang
Cho ta rơi giữa trời sâu không đáy…”

Niệm Khúc? Khúc nhạc của sự hoài niệm? Thi sĩ vì nhân duyên gì mà tấu lên Niệm Khúc này? Ngôn ngữ thi ca của Nguyễn Lương Vỵ sẽ đưa chúng ta chạm trán điều gì qua ba đoản khúc trong sự liên hoàn hoài niệm của bài thơ Niệm Khúc?

Hoài niệm về quá khứ là một việc làm liều lĩnh, nếu không muốn nói là nguy hiểm. Nhưng ở đâu có hiểm nguy, ở đó có sự thoát hiểm. Sự thoát hiểm chính là nguồn lực hiệu quả nhất giúp con người chuyển đổi nhận thức. Đó chính là vị thầy lớn nhất mà chúng ta nên học. Nguyễn Lương Vỵ đã liều lĩnh hẹn hò với cô quạnh và tan vỡ của bóng ma quá khứ để tấu lên bài Niệm Khúc này, và qua đó đã cống hiến cho các độc giả hữu duyên một Sự Kỳ Ngộ hy hữu đệ nhất. Nhưng mà Kỳ Ngộ với Ai? Với Cái gì? Làm sao ông đã thành tựu sự Thoát Hiểm ngoạn mục này? Ta hãy thong thả theo dõi cuộc hẹn hò của Nguyễn Lương Vỵ với bóng ma quá khứ khi ông vừa châm lửa mồi điếu thuốc trên môi, mở màn cho một cuộc hoài niệm phiêu bồng:

“Hẹn hò với cô quạnh
Có dịu dàng lắm không?!
Niệm khúc vang màu hồng
Câu thơ vang màu mắt
Mang theo niềm bí mật
Khỏa thân tuyết trắng ngần
Vĩ cầm như lệ ngân
Bay đi cùng nỗi nhớ

(more…)

Võ Chân Cửu

bia_tieu_ngao_giang_ho

Thời mới lớn, hạnh phước lớn của chúng tôi là mỗi chiều tối được cùng mấy người bạn văn nghệ kéo nhau ra bãi biển nằm nói chuyện trên trời dưới đất. Có khi cùng những ngọn gió nam non ngủ thiếp luôn dưới trăng sao.

Đó cũng là cách chúng tôi khoản đãi những anh em sáng tác ở xa về (đa phần thuộc diện trốn quân dịch hoặc đào ngũ). Ở bờ biển không phải sợ bị xét giấy, và chúng tôi đều chưa có ai làm ra tiền để có thể vào quán xá!

Thời điểm này, cả tôi cũng như Lê Phiên Vươn (Lê Xuân Tiến) và Hồ Ngạc Ngữ, khi gửi bài đăng báo đã không còn ghi sau bút danh dòng ngoặc đơn “Thi văn đoàn Hồn Quê – Quy Nhơn” như trước nữa. Các tạp chí mới ra đời lúc này đều dành nhiều “đất” cho văn nghệ. Người sáng tác tìm cách thể hiện theo nhiều khuynh hướng. Và lứa chúng tôi đã bắt đầu làm thơ tình, có nhiều cảm xúc xã hội, hoặc nhiều chất suy tư. Lên trung học đệ nhị cấp, những bạn nhiều tuổi, nếu muốn, đã có thể ứng tuyển vào các khóa đào tạo cấp tốc để ra làm giáo viên tiểu học tại các trường mới mở dành cho người “tản cư” về ven đô thị. Chiến tranh ác liệt ngày một lan rộng, nên cách làm này giúp cho người có sức học yếu sớm có được tiền lương, lại khỏi lo mai kia: “rớt tú tài anh đi trung sĩ!”.
(more…)

Tô Đăng Khoa

tuyen_tap_tho_45_nam-nguyen_luong_vy

Thinking and Being are The Same
Tư tưởng và Tồn sinh là Một
(On Nature – Parmenides)

Tôi đến với cõi Thi Ca và Tư Tưởng của Nguyễn Lương Vỵ (NLV) bằng con đường rất tự nhiên của một độc giả yêu thơ, thường theo dõi thơ trên các tạp chí và nhất là các trang mạng văn học nghệ thuật. Còn nhớ lúc đó vào cuối năm 2012, khi tôi đang ngồi lướt mạng, tình cờ đọc được bài thơ “Hòa Âm Âm Âm Âm… ” của NLV trên một trang văn học, tôi đã rất sững sờ và rung động vì ý tứ của bài thơ rất lạ và cũng rất thâm sâu:

“…Mẹ đẻ đỏ loe tiếng khóc
Càn khôn tìm về ngay chóc
Vũ trụ đùn ngay một bọc
(more…)

Đỗ Xuân Tê

bia_nam_chu_ngan_cau

Khi chưa cầm được tập thơ trong tay, ý nghĩ ban đầu theo vô thức tôi cứ tưởng ai đó đã xếp chữ lầm tựa đề của tập thơ Năm Chữ Năm Câu của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ xuất bản hồi đầu năm 2014. Nhưng rồi vào thăm mấy trang nhà, cái tựa vẫn đập vào mắt tôi và không còn nghi ngờ gì nữa, đây là tập thơ thứ 9, Năm Chữ Ngàn Câu, một thi phẩm hoàn toàn mới.

Xét về góc độ thời gian, sự ra đời hai tập thơ trong vòng một năm là một thành quả sáng tác đáng chú ý, nhưng nhìn lại tuổi tác của nhà thơ, chia theo bình quân, bảy chín 63 thì bảy năm mới có một tập thơ. Hay làm con tính nhẩm 45 năm làm-thơ (chứ không phải mần-thinh) thì năm chín 45, năm năm một tập vẫn chưa phải là nhịp độ sung mãn.
(more…)

Lê Giang Trần

bia_nam_chu_ngan_cau

Tôi thấy tôi say khi viết bài tản mạn này. Chỉ có say mới thấm thía buồn. Nhưng khổ nỗi, dường như say mà không say vì dường như buồn lại thấm vào say, buồn làm cho say thành ra mơ màng, thành ra bay bay chìm chìm, thành ra rơi xuống, thành ra vút lên, thành ra lơ lững ở giữa hai thế giới thực và mộng hay thực và ảo, con bướm với Trang Tử, Nguyễn Lương Vỵ với thơ năm chữ, nhớ lây đến Bùi Giáng với ngả ba, Phạm Công Thiện với hố thẳm, Cao Đông Khánh với hồ lô, Vô Thường với tiếng đàn guitar tay trái… những thứ không mắc mớ gì đến Nguyễn Lương Vỵ và thơ năm chữ. Thế mà sao những nhớ tới này giống như những sợi tơ trời giăng gieo trong gió, buồn lồng lộng trong cái nỗi nghĩ đến hay nhớ về, buồn như tiếng con dế gáy đều đều, tiếng con ve rên siết bất tận, tiếng sóng vỗ khóc rì rào, tiếng lá cây nấc rung xào xạc hay tiếng từng giọt nước rỉ rơi đều nhịp thong thả trong đêm vắng im cùng với tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ quả lắc treo trên phía dưới chân giường ngủ. Đã hết đâu, buồn còn quay cuồng luân vũ khi bước chân say xiêu vẹo đi tìm nơi tháo nước, buồn còn đảo qua nghiêng lại khi bàn tay quơ tìm ly rượu để rưới thêm vào hồn chất cồn cháy cho cánh đồng quạnh không trong tâm tưởng bùng cháy cả không gian rồi hình dung tại sao những cánh đồng trong tranh Vangogh lại bừng cháy tất cả trăng sao, cháy cả ngọn gió, cả những hồn ma bóng quế vất vưởng… Say thấm vào buồn hay buồn thấm vào say như thế, may ra mới có thể quỳ phủ phục trang nghiêm niệm mật chú trước những bài thơ KHÔNG ĐỀ của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ.
(more…)

Tô Đăng Khoa

bia_nam_chu_ngan_cau

Tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu” của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ ra đời đúng một năm sau tập thơ “Năm Chữ Năm Câu” và cũng là tập thơ thứ 9 của ông. Hai tập thơ tiếp liền trong hai năm, tuy tựa đề của tập thơ chỉ khác nhau có một chữ, nhưng về nội dung, thần thái, biểu tượng và ẩn dụ thì khác nhau rất nhiều. Trong tập “Năm Chữ Năm Câu,” Nguyễn Lương Vỵ đã tự mình thực hiện “cú nhảy sau cùng vàng câm trên bến lạ,” vượt qua giới hạn của ngôn ngữ để kinh nghiệm trực tiếp cái-không-lời. Từ kinh nghiệm đó, ông khai triển, thiết lập ngôn ngữ để phơi bày cái-thấy “Có-Không thiệt rốt ráo” trong lãnh vực Thi Ca. Lần này trở lại với độc giả, Nguyễn Lương Vỵ lại ung dung thực hiện những “cú-nhảy-lùi” rất ngoạn mục từ cảnh giới “vàng-câm-trên-bến-lạ” để trở về lại giấc mộng đời của nhân gian trong tập “Năm Chữ Ngàn Câu”:

Nhảy qua một giấc mộng:
Nhảy qua một bầu trời
Giấc mộng thì nửa vời
Bầu trời thì lộn ngược…
(Không Ðề I)
(more…)

Tâm Nhiên

tam_nhien-nguyen_luong_vy
Từ trái: Tâm Nhiên và Nguyễn Lương Vỵ

Trời đất mênh mang sương khói, một thời thơ trẻ dại, bàng bạc nắng quái u buồn nơi quê nhà giữa hai đầu biển núi lung linh. Sinh năm 1952 ở Quán Rường, Tam Kỳ, thuộc tỉnh Quảng Nam, một chốn miền “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Rượu hồng đào chưa nhấm đà say” ấy, Nguyễn Lương Vỵ lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học. Từ thuở nhỏ vốn bẩm sinh có năng khiếu làm thơ, đặc biệt được ông nội ( nguyên là một nhà Nho, có thời kỳ làm chánh tổng ) trực tiếp truyền dạy các loại thơ tứ tuyệt, Đường luật, nên biết mần thơ ngay từ lúc 12, 13 tuổi, thuở còn chạy rông chơi bên mấy cổ tháp rêu phong Chiên Đàn, cạnh dòng sông Tam Kỳ và bãi biển Tam Thanh xanh biếc mộng.
(more…)

Tô Đăng Khoa

bia_nam_chu_nam_cau

Khi nói một bài thơ hay và đẹp, không thể chỉ dựa trên cảm tính suông của người đọc, bài thơ đó phải được biểu lộ qua văn tự, chữ nghĩa, và cấu trúc của chính nó. Đến lượt văn tự chữ nghĩa và cấu trúc của bài thơ lại đuợc phơi bày qua tâm ý, và kinh nghiệm sống của người sáng tạo. Và tâm ý, kinh nghiệm sống đó lại được làm cho hiển lộ qua phẩm cách, lối sống hàng ngày của chính tác giả. Đó chính là nền tảng của một bài thơ hay và đẹp, tức là chính đời sống hàng ngày của người sáng tạo. Nói cách khác, trên đỉnh cao nghệ thuật, nơi mà tính sáng tạo thăng hoa, tác giả và tác phẩm hài hòa đồng nhất. Chính Bùi Giáng cũng có nói đến mối liên hệ này trong hai câu thơ bâng quơ sau:

“Không tự mình bước tới bờ hương chín
Thì cõi mật không tụ về trong trái”
(more…)

Nguyễn Thị Khánh Minh

bia_nam_chu_nam_cau

Cuối thu. Có một thứ rượu, chắc ngon cũng cỡ hoàng hoa tửu của thu ẩm trong thú sống vui của người xưa, rượu thơ.

Trong lất phất mưa, lạy trời mưa xuống, mưa tầm tã đi để Calif. yên bình này không lo lắng về một cơn hạn hán, trong buồn bã cơn bệnh kéo thân thể nằm nghỉ ngơi, nhớ người bạn có gửi tới một bản thảo thơ, mở máy đọc, tâm hồn nhẹ và mỏng hẳn đi theo những sợi mưa bay ngoài cửa sổ, phất phơ với trời đất thiên nhiên, nghe xa xa tiếng cười của Thánh Thán, chắc tại sáng sớm nay chợt nghĩ sẽ ăn đậu chiên với dưa muối chua theo lời ông trước khi chết: “dưa muối mà ăn với đậu vàng thì có vị như là hồ đào, nếu phép này được lưu lại thì ta chẳng còn gì ân hận.” Những thú vui của ông sao mà nó giản dị, và phải tu luyện cái nhìn thế nào để thấu thị những điều nhỏ bé ấy?

Lúc này, đọc thơ bạn, trong cơn bệnh, cho khí trời thu hòa âm với cảm xúc mình, là chỉ muốn bắt chước hưởng những phút vui bình thường trong cuộc sống mà thôi, chứ không dám thưa thốt chuyện văn chương.
(more…)

Trần Trung Thuần

nguyen_luong_vy
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ

Đường Thơ là con đường dài, dài lắm, có khi quen thuộc, có khi lạ lùng, có khi là con đường tưởng như cụt. Nó có thể là con đường trên trời, con đường trên sông rạch biển khơi, con đường trên đất liền,…cả con đường trong lòng đất nữa! Trên con đường thơ, người ta không thấy có bảng cấm nào.

Đường thơ là con đường Tự Do. Dĩ nhiên nó không phải là con đường có tên hồi ở Sài Gòn trước 30 tháng Tư bảy lăm sau khi bỏ tên Catinat – tên một chiếc tàu Pháp chở Cha Cả Bá Đa Lộc về Pháp sau khi gặp Vua Gia Long ở Huế năm 1802 với lời khẩn cầu của nhà Vua nhờ chuyển lên Giáo Hội Pháp: cho người Nam Việt theo đạo Gia Tô thờ cúng cả Ông Bà Tổ Tiên và những người thân quá vãng. Cha Cả Bá Đa Lộc trở lại và lắc đầu. Năm 1804, Vua Gia Long quyết định ngăn cấm dân mình theo Đạo thờ Chúa dẫn đến những hệ lụy mất nước sau năm mươi năm sau đó, kể từ trận hải chiến với quân Pháp tại Đà Nẵng năm 1858. Quân Pháp đánh Đà Nẵng, chiếm Gia Định, lấy đất này lập nên thành phố Sài Gòn (chữ Tàu viết là Tây Cống vì triều đình nhà Nguyễn, Vua Đại Nam Tự Đức Cống-Cho-Tây sau khi ông Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp cầu hòa về, năm 1864, người Pháp bỏ tên Gia Định, hoan hỉ nhận tên Tây Cống và viết theo chữ Pháp mà đọc âm như Tàu: Se-goong, Saigon. Tên Catinat, từ cái tên của một con tàu, người Pháp lấy đặt cho con đường đẹp nhất thành phố: Đường Catinat! Tổng Thống Ngô Đình Diệm, dù theo Đạo Ca Tô nhân đã tới lúc không còn Giáo Hội Pháp nữa mà Giáo Hội này sau thời Napoléon đã chịu phục tùng Giáo Hội La Mã, một Giáo Hội có chủ trương phóng khoáng, bèn gỡ bỏ tên Catinat đặt lại Đường Tự Do. Tổng Thống Ngô Đình Diệm quyết tâm “bài phong đả thực”, ghét tên chữ Tây. Vừa dùng chữ Tự Do, đã hay, vừa nói lên cái lòng mình ghét Pháp nữa, lại càng hay!.
(more…)

Phan Tấn Hải

nguyen_luong_vy_2
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đang ký tên vào tập thơ mới (Photo: PTH)

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ vừa xuất bản tập thơ mới, nhan đề “Tám Câu Lục Huyền Âm.” Và đây là tập thơ thứ bảy của ông.

Thi tập này được ghi là để “Tri ân tiền bối Nguyễn Trãi.”

Tập thơ dày 154 trang, bìa sau có chân dung tác giả do họa sĩ Trương Đình Uyên vẽ, bìa trình bày chung với Lê Giang Trần.
(more…)