Phan Tấn Hải
Little Saigon (VB) — Buổi ra mắt sách tại Viện Việt Học đã trở thành một buổi hội ngộ của nhiều văn nghệ sĩ, và cũng là một đêm nhạc với nhiều kỷ niệm khó quên.
Nhiều thành viên nhóm CPS một thời — nơi đã khai sinh ra Quán Văn huyền thoại với Trịnh Công Sơn, Khánh Lý, Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Hoàng Xuân Giang… trình diễn nhạc cho sinh viên — đã gặp nhau hôm Chủ Nhật ở hội trường Viện Việt Học, và ai cũng tóc bạc cả rồi: Hoàng Xuân Sơn, Phạm Phú Minh, Đỗ Quý Toàn (tức Ngô Nhân Dụng), Đỗ Việt Anh (tức Đỗ Tăng Bí, người có sáng kiến lập Quán Văn), Hà Tường Cát…
Cuộc điểm danh ngậm ngùi khi nhắc tới nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, người từ hoạt động CPS đã đứng ra thành lập Ban Trầm Ca, rồi từ ban này sau đó hóa thân thành Phong Trào Du Ca.
Đặc biệt hiện diện lặng lẽ trong buổi ra mắt sách là nhà sư Thích Đăng Châu, người nổi tiếng với nhiều ca khúc khi sáng tác nhạc với tên gọi Hoàng Quốc Bảo.
Góp mặt trong buổi ra mắt sách, và cũng là đêm nhạc thính phòng này còn có các nghệ sĩ thế hệ trẻ, trong đó Diệu Hương — người khi là một cô bé mới lớn đã từng ngồi hát với các đàn anh văn nghệ ở Sài Gòn, trong đó có Trịnh Công Sơn, Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Xuân Giang…
Cũng độc đáó trong đêm nhạc là khi nhà văn Trịnh Y Thư trình diễn độc tấu 2 ca khúc, một ca khúc do anh sáng tác dựa vào âm điệu Tây nguyên và một ca khúc quen thuộc của quốc tế.
Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn giải thích rằng anh phóng bút vì nhớ đâu viết đó, không gọi là hồi ký được, ghi lại kỷ niệm thời trẻ, về những người bạn thân từ cảm quan riêng, không hề có ân ý gì khác.
Hàng trên, từ trái: Phạm Phú Minh (tay cầm tấm ảnh), Hoàng Xuân Sơn, Đỗ Việt Anh, Hà Tường Cát; Hàng dưới, từ trái: Hoàng Xuân Sơn, Phạm Tam Hòe, Hoàng Hà, Hoàng Yên, Phương Hà, Doãn Hương; và Trịnh Y Thư đang độc tấu.
Tuy nhiên, Hoàng Xuân Sơn đã xuất hiện trong đêm nhạc tuyệt vời, khi anh đứng hát riêng với đệm đàn Tây Ban Cầm bởi Hoàng Hà (người em họ của anh) và bởi Phạm Ngọc Tú, và với đệm đàn dương cầm bởi nhạc sĩ Phạm Đình Nghiệp. Và kể cả khi Hoàng Xuân Sơn hợp ca với các ca sĩ khác.
Nhà báo Bùi Bảo Trúc trong phần giới thiệu đã nói rằng cuốn sách của Hoàng Xuân Sơn là về một thời giữa thập niên 1960s và đầu 1970s, trong không gian của một Sài Gòn có pháo kích, có biểu tình, nhưng một ốc đảo bình yên xuất hiện ở Quán Văn, nơi đó Hoàng Xuân Sơn hiện diện như chơi, vì anh làm gì cũng part time, từ học cho tới đàn, hát, từ thiện, cứu trợ… Nhà báo họ Bùi nói rằng sách này nên đọc, vì những kỷ niệm một thời viết bởi một người tấm lòng thơ mộng như anh.
Cô Lê Đình Y Sa nói chuyện về tác phẩm, cảm ơn lời mời từ Hoàng Xuân Sơn vì lý do thân phụ cô (cố nhà báo Lê Đình Điểu) là bạn thân tác giả, và cũng vì Hoàng Xuân Sơn có 2 bài thơ tặng thân phục cô — và chính từ sách này, cô đã nhìn được phần nào khung cảnh một thời văn học nghệ thuật ở Sài Gòn, từ không khí cuủ du cá, Quán Văn, Lê Uyên Phương, hay chuyện Hoàng Xuân Sơn về ăn Tết ở Huế và trở thành nhân chứng thảm sát Mậu Thân 68…
Đặc biệt, nhà văn Phạm Phú Minh đã mời nhóm bạn Quán Văn lên, với Đỗ Tăng Bí, Hà Trường Cát, Hoàng Xuân Sơn… và từ từ rút ra khỏi phong bì, một tấm ảnh xưa thật xưa trong đó có vài sinh viên, có Hoàng Xuân Sơn và em ruột là nhạc sĩ Hoàng Xuân Giang, đứng nơi sân cỏ Quán Văn.
Hàng trên, từ trái: Bùi Bảo Trúc, Diệu Hương, Hoàng Xuân Sơn và phu nhân, Nguyễn Bá Thành, Lê Đình Y Sa. Hàng dưới, tứ trái: Hoàng Phi, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Gia Thuần; Diệu Nga và phu quân là Phạm Đinh Nghiệp đệm đàn.
Xuất sắc trong buổi trình diễn là MC Thiên Hương, khi điều hợp nhanh nhẹn, lời giới thiệu duyên dánh, không chỉ nêu lên được độc đáo điển hình của từng nhạc sĩ, từng ca sĩ trong đêm nhạc… mà cũng hiển lộ xúc động vì cô khi còn bé, đã từng ngồi dưới nhà nghe các anh lớn hát nhạc du ca trên lầu nhà cô, trong đó có Trần Đại Lộc (đã quá cố), Nguyễn Đức Quang…
Nhóm nghệ sĩ trẻ trình diễn nhạc cũng có những nét riêng từng người, với Doãn Hưng, Doãn Hương, Nguyễn Bá Thành, Phạm Tam Hòe, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Hoàng Yến, Phương Hà, Gia Thuần, Hoàng Phi…
Cũng có những ca khúc được mời hát chung trong không khí du ca, như các ca khúc của Nguyễn Đức Quang.
Hiện diện trong đêm ra mắt sách, hội ngộ và đêm nhạc còn có nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Trinh, Trúc Chi, GS Nguyễn Ngọc Kỳ, Phan Tấn Hải, Phan Huy Đạt, Đinh Quang Anh Thái…
Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn sinh năm 1942 tại Vỹ Dạ, Huế, tốt nghiệp Cử Nhân Triết Sàigòn. Một thời làm công chức ngành bưu điện, rồi định cư tại Montreal, Canada từ tháng 12 năm 1981. Bắt đầu viết từ năm 1970. Bút hiệu Sử Mặc, Hoàng Hà Tỉnh, Vô Định. Ông có nhiều tác phẩm đã xuất bản, như Viễn Phố (thơ, Việt Chiến xb 1988), Huế Buồn Chi (thơ, 1993), Lục Bát Hoàng Xuân Sơn (2004).
Tuy nhiên, tác phẩm nhiều kỷ niệm nhất của Hoàng Xuân Sơn là cuốn Cũng Cần Có Nhau. Sách dày 380 trang, gồm nhiều hình ảnh xưa; hiếm. Giá bao gồm cước phí: Gia Nã Đại và Hoa Kỳ: 25 Mỹ kim; Ngoài Bắc Mỹ: 30 Mỹ kim. Liên lạc: son_hoang42@yahoo.com. Điện thoại: (450) 689-8291. Chi phiếu & lệnh phiếu xin đề Hoang Xuan Son, gởi về địa chỉ:
Hoàng Xuân Sơn
813 Etienne-Lavoie
Laval, Quebec H7X-4H8 CANADA.
Phan Tấn Hải
Nguồn: Tác giả gửi