Phan Ni Tấn
Buổi sáng thức dậy ở Dallas nghe tiếng chim hót làm thần thái con người tôi nhẹ nhàng, thơ thới hẳn ra. Nghĩ chim sáo quê người sướng thiệt, tuy cùng lứa như sáo ở bên nhà nhưng kiếp sống thì… khoẻ re. Nghĩa là từ lúc sinh ra cho đến chết, nó luôn luôn sống trong tự do tuyệt đối. Con sáo Việt Nam không được may mắn như vậy. Có lẽ kiếp trước sáo ta không có tu nên kiếp này phải chịu cảnh… chim lồng. Chỉ một câu ca dao thôi, hay một điệu lý sơ sịa như vậy mà nó cũng không tài nào bay thoát ra ngoài, cho nên đã mấy trăm năm rồi, tiếng hót của nó tuy lảnh lót nhưng sao mà thê thiết quá, cứ như than, như oán, cứ rớt dài trên mặt sông:
Ai đưa con sáo sang sông
Để cho con sáo xổ lồng bay xa
Đó. Buổi sáng ở Dallas của tôi giản dị chỉ có vậy. Chẳng có gì gọi là rắc rối cuộc đời.
Đây là lần thứ hai vợ chồng tôi tới Dallas, sau tám năm cách biệt. Đi ăm đám cưới gì mà cả hai lần chúng tôi như hai con lật đật; tới hôm trước hôm sau đã dông biệt dạng. “Ở Dallas hổng có gì đặc biệt, ngoài…”. Nghe mấy đứa em bà con cô cậu bên vợ tôi nói mà tiếc cho cái Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Kennedy xa lắc tí tè ở dưới phố chẳng biết bao giờ mới có dịp viếng thăm. Bù lại tôi có chút duyên với Phật đạo. Lâu nay đi tới đâu xa lạ tôi cũng lia mắt tìm kíếm cảnh sắc chùa chiền. Không thấy thi thôi, thấy rồi là thở phào nhẹ nhõm. Riết rồi quen thói. Thì rõ ràng xưa kia gia đình nội ngoại ba má cho tới mấy đứa em tôi ngày nay ở bên nhà đều là những Phật tử thuần thành kia mà.
Xế trưa, chúng tôi tới viếng chùa Đạo Quang, cách nhà chỉ năm mười phút đường xe. Chùa tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn, có tường bao quanh. Dưới ánh nắng trong veo của ngày đầu xuân lấp lánh trên những hàng cây xanh mát, trên ao hồ, nắng tỏa xuống những tượng Phật thạch cao đặt trên những bệ đá vững chắc càng tăng thêm vẻ thanh tịnh, trang nghiêm. Chỉ cách một bờ tường mỏng manh thôi mà ngoài đời kia có biết bao là phiền trược, khổ đế, trong khi cảnh giới nơi này lại trở nên hiền hòa, yên ả. Đứng trên đất Phật, thở hít cái không khí an lành vô biên khiến cho con người đầy tạp niệm như tôi lại có dịp quán tưởng đến hạnh từ bi của đức Thế Tôn mà lâu nay ít khi tôi nghĩ tới.
Các bạn thơ: Thích Tịnh Đức, Chánh Kiến, Vi Trần và Phan Ni Tấn
Sau khi vào chánh điện lễ Phật, chúng tôi được thầy trụ trì Thích Tịnh Đức và thầy Chánh Kiến tiếp đón đưa vào phòng khách uống trà, hàn huyên, thăm hỏi bạn đạo, đàm đạo chuyện Phật pháp. Thầy Chánh Kiến, tức nhà thơ Hoàng Long, bạn thơ của tôi trên các diễn đàn thơ văn hải ngoại, vừa bước vào cửa tam bảo vài ba năm nay. Ngồi trong phòng khách yên tịnh nghe hai nhà sư nói chuyện đạo, tôi mơ hồ cảm nhận được tiếng chuông, tiếng mõ và mùi đèn nhang, ngay cả những cử chỉ, hành vi, lời nói…, tất cả như cuộn lại hòa mình trong một triết lý thâm sâu của đạo Thiền. Trước khi từ giã, chúng tôi xin phép chụp vài tấm hình kỷ niệm với hai nhà sư áo vàng đạo hạnh này.
Buổi chiều mặt trời ngoại ô đang chìm xuống. Tiếng chim hót trên những ngọn cây lại lảnh lót vang lên. Mỗi lần nghe sáo hót đã tai tôi lại khoái cái ông tạo khéo nặn ra con sáo nhỏ téo tèo teo mà tiếng hót thì lan xa đến tận nơi nảo nào nao. Chúng tôi qua Dallas lần này để đi ăn đám cưới của đứa cháu gái bên vợ nhân tiện gặp gỡ vài bạn thơ ở địa phương này.
7 giờ tối, như đã hẹn, cô em Lê Thị Mỹ Công tới nhà đón nhà thơ Kiều Phong và tôi ra nhà hàng Quốc Hương ăn tối với các bạn văn Dallas. Tại đây, ngoài nhà thơ Mỹ Công, còn có nữ sĩ Kiều Mộng Hà, văn thi sĩ Nguyễn Thị Thanh Dương, ca nhạc sĩ Huỳnh Lan, nhà thơ Hoàng Long, tức tu sĩ Chánh Kiến và nhà văn Lê Quang Sinh, hội trưởng Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại. Chúng tôi bắt tay chào hỏi, giới thiệu nhau xong vừa kêu đồ ăn vừa trò chuyện. Câu chuyện bắt đầu có vẻ rụt rè, giữ kẽ, nhưng chỉ một lát đã râm ran, như thể chúng tôi đã quen nhau thân thiết tự bao giờ. Hình như những tâm hồn thơ thẩn lưu vong có dịp gặp gỡ nhau dễ trở nên thân thiện, thoải mái và tự nhiên hơn lúc nào. Trước mặt tôi, họ vẫn giản dị, hồn nhiên, gần gũi như trang giấy, hiền lành như một bài thơ. Và rồi Kiều Phong và tôi được tặng quà lưu niệm .
Ái chà! Để coi nào: Thiền Nhẹ Vào Đời, tập thơ của Kiều Mộng Hà và Ngô Tịnh Yên, trang nhã. Thi tập Cụm Hoa Tình Yêu, nhiều tác giả, dầy cộm. Truyện ký Người Trai Thời Chiến của Lê Quang Sinh, ngon lành. CD nhạc của Nguyễn Tất Vịnh phổ thơ, hết xẩyNgười khác không biết quí sách ra sao, riêng tôi lâu nay vẫn coi việc tặng sách là một nghĩa cử đẹp, một hành động rất văn hóa. Riêng tập thơ Hồn Tôi, Chuông Gió của Nguyễn Thị Thanh Dương đang lên khuôn, như tác giả cho biết. Tôi quen biết Thanh Dương trên diễn đàn thơ văn lâu rồi. Lúc gặp mặt tôi cảm nhận cái hay cái đẹp trong thơ cô ra sao thì con người cô cũng trong sáng y hệt làm vậy. Đọc một đoạn bài thơ Anh Và Bluebonnet Vẫn Xa Xôi Thanh Dương mới mần, dù biết nhân vật Anh được cô ưu ái nhắc đến trong thơ là một anh chàng may mắn nào đó, nhưng tôi cứ diễu dở ước gì:
Chào anh nhé, từ phương xa anh đến/ Chắc anh mang theo gió, tuyết nơi anh?
Làm em bị cảm giây phút tương phùng/ Gìó, tuyết và anh vẫn là khách quí
Em đùa đấy, gặp anh em mừng quá/ Nên tay run khi cùng uống nâng ly
Nên ngập ngừng em không biết nói gì/ Em bị cảm nghĩa là em… cảm động
Chia tay anh nhé quán khuya ly cạn/ Mai anh về hoa tím ở lại thôi
Anh và Bluebonnet vẫn xa xôi/ Và có lẽ em cũng là quá khứ.
9 giờ tối nhà hàng bắt đầu chơi nhạc sống, oneman band. Các ca sĩ trai, ca sĩ gái tha hồ trèo lên sân khấu hát hò say sưa. Bàn chúng tôi nhờ có cô ca nhạc sĩ Huỳnh Lan lên trình bày hai nhạc phẩm do cô sáng tác cũng được mọi người tán thưởng nhiệt liệt. 11 giờ đêm chúng tôi chia tay ra về trong lưu luyến, chẳng biết bao giờ mới gặp lại. Vừa quay đi tôi hồ như nghe Kiều Mộng Hà “truyền âm nhập mật: Ta về dép xách chân trầy. Mới hay hạt bụi hao gầy hơn xưa”. Con người tôi bề ngoài coi khô khan, xấu òm vậy nhưng bên trong tình cảm lại ướt chèm nhẹp. Lúc ra xe tôi cứ ngoái đầu nhìn lại cố tìm trong bóng tối những người bạn thơ của tôi, đang xa tôi.
Chiều thứ bảy hôm sau vợ chồng tôi và ông anh vợ diện đồ lớn, hí hửng theo đoàn xe ba bốn chiếc chạy theo xe cô dâu qua nhà trai. Đây là chuyện hôn nhân trăm năm hạnh phúc của con cháu gái Việt với thằng rể Mỹ, một tiệc cưới hoàn toàn diễn ra theo kiểu Mỹ, y chang như các phim ảnh thường chiếu trong các rạp chớp bóng quê người, hoàn toàn không pha trộn một chút mùi vị, màu sắc Tàu Việt nào ráo trọi. Con cháu gái xinh xắn này kiếp trước chắc có tu nên kiếp này mới về làm dâu trong một gia đình luật sư nổi tiếng giàu có nhất nhì ở Dallas này. Nhà của đàng trai tọa lạc trong một khu riêng biệt, giàu có. Cơ ngơi gì mà mới dòm đã phát khiếp. Nhà cao cửa rộng, phòng ốc thênh thang mà gặp phải cái anh nhà quê như tôi đi đứng lạng quạng một lát là… lạc ngay. Nhà cửa đã vậy, ngoài sân càng “thông thoáng”. Cỏ cây, hoa lá vào xuân tha hồ đua chen sắc thắm, vươn lên che trời. Đúng là đất lành chim đậu, vịt gà ngỗng nghiếc gì cũng nhắm cái hồ phun nước ào ạt bay tới ăn no tắm mát lên bờ nghỉ ngơi.
Buổi tối tiệc cưới của hai trẻ diễn ra tại một khách sạn danh tiếng The Westin Stonebria ở tuốt bên khu Frisco nổi tiếng giàu sang, có hồ bơi lộ thiên, có sân đánh golf mút mắt, có công viên hoa lá xanh dờn, có gió, có chim… Có thể ví cái khách sạn đồ sộ, nở nang, rắn rỏi này trông giống hệt như bộ ngực dữ dằn của một người phụ nữ có nước da ngâm ngâm đang hồi sung sức, thấy mà lé mắt. Sau xuất giải khát ngoài sân, tới giờ “hoàng đạo” quan khách tà tà nối nhau đi từ ngoài sân vô tới đại sảnh, cũng mất năm mười phút. Cái đại sảnh – chèn đéc ơi nó rộng ơi rộng, sang ơi sang. Bàn ghế được bọc vải trắng tinh tươm tăng thêm vẻ sang trọng của giới thượng lưu. Trai thanh gái lịch tay bắt mặt mừng, cười nói lao xao, lần lượt ngồi vào bàn. Sau màn giới thiệu quan viên hai họ bằng hai thứ tiếng Anh-Việt là màn văn nghệ bỏ túi hát tặng đôi tân lang tân nương, cuối cùng là ăn. Thực đơn buffet nhẹ nhàng, đơn giản không dầu mỡ, thực khách tự đi lấy mang tới bàn; thức uống thì ê hề rượu bia. Người Việt mình nói ăn đám cưới có nghĩa là ăn thật no nê những gì gọi là cao lương mỹ vị; còn Tây Đầm chỉ ăn qua loa cốt để thì giờ nhảy đầm.
Nhìn đôi trẻ Việt Mỹ hạnh phúc ngất trời dìu nhau trong tiếng nhạc êm dịu mà thương cho má của cô dâu. Cô Bòl, em cô cậu bên vợ tôi, từ những ngày thơ ấu, lớn lên lấy chồng cũng như không lấy, trải biết bao thăng trầm. Trước nỗi nhục nhằn, cay đắng của một kiếp người, cuộc đời Bòl như khòm xuống, một mình lầm lũi nuôi bốn con, vậy mà đứa nào cũng nên người. Nhưng mà đó là chuyện đời xửa đòi xưa; còn bây giờ Bòl nhà ta khoẻ re rồi. Diện đồ lớn, trang điểm ra dáng chị xui thành phố, dù U60 nhưng vẫn… ngon lành như chiếc bánh vu quy. Hihi…
Thị xã Rạch Giá, nằm bên bờ vịnh Thái Lan và thành phố Dallas xa xôi tận bên trời Mỹ, cách nhau nửa vòng trái đất. Gia đình của nàng dâu ở cuối biển kết thông gia với gia đình chàng rể ở đầu non. Ông tơ bà nguyệt xúi đứa đầu non, đứa cuối biển gặp nhau trên đất Cowboy mà nên duyên giai ngẫu. Thấy bọn trẻ bảnh quá xá ể làm tôi bồi hồi nhớ lại mối tình ngày xưa: chàng trên núi, nàng dưới biển, chẳng ai biết có ai trên cõi đời này, lúc mất nước, lưu vong qua xứ Lá Phong đi đứng lạng quạng làm sao để vấp phải… sợi xích thằng mà thành vợ thành chồng.
Tờ mờ sáng hôm sau, chị em Bòl, Hó chởchúng tôi ra bến xe đò Greyhound đi Houston thăm thân nhân bên vợ và bạn bè cách biệt đã nhiều năm. Đoạn đường Dallas đi Houston mất 4 giờ đồng hồ thì tới bến. Cha con anh Bảy, chồng chế Keora bến xe đón chúng tôi về nhà đãi cho một trận crawfish no ứ hự. Chế Keo, bà con chú bác bên vợ tôi, nhỏ nhắn, xinh xắn, cái bụng tí nẳng vậy mà “thực” không thua gì cánh đàn ông. Vừa ngồi vào bàn, Chế hùng hồn tuyên bố rặt giọng miền Tây Nam bộ ” ăn là phải ăn bốn năm pounds một lần mới đã”. Tôi nghe mà hết hồn, nhưng lúc sáp vô mới biết Chế nói không sai. Rốt cuộc 8 miệng ăn “đá” 3 ề nhôm đựng 60lbs crawfish vun cao loáng một cái hết sạch. Riêng tôi cháp hơn 4 ký tôm cộng 2 chai Heineken no muốn lòi bản họng. Mùa xuân là mùa sinh sản của giống crawfish, một loại động vật tương cận với họ nhà tôm, sống ở vùng đầm lầy New Orleans. Đây là món đặc sản truyền thống nổi tiếng của vùng này, người ta đã biết ăn từ cái hồi nẳm hồi năm 1889 đến nay. Tôi chưa thấy sinh vật nào xấu xí như con crawfish. Cái đầu thì to tổ chảng, cái đít cong cong lại nhỏ téo tèo. Xấu thầy chạy mà ngon hết biết. Ăn crawfish, bỏ đầu lấy mình và ta phải chấm nưóc sốt gia vị crab boil pha chế riêng của nó mới đúng điệu.
Vợ chồng Phan Ni Tấn và thân hữu Houston
Chiều tối, cô bạn học ngày xưa của vợ tôi tên Kim Định tới chở chúng tôi về nhà vợ chồng Mỹ Linh bên Sugar Land họp mặt do cô em Chí Mén dễ thương tổ chức. Dưới mái nhà xinh xắn này tôi gặp lại một số anh chị em cựu học sinh trường trung học Ban Mê Thuột trước 1975, cũng như gặp lại vợ chồng nhà thơ Ngu Yên và nhà văn Phan Xuân Sinh. Có người nói giới văn nghệ sĩ khác với “người thường” ở chỗ hễ gặp nhau là ăn nhậu kèm theo món văn nghệ văn gừng mệt nghỉ. Ngu Yên là một nghệ sĩ thứ thiệt, có thể ôm đàn hát liền tù tì một hơi cho tới sáng. Mấy năm trước chàng tóc xanh, bây giờ râu tóc bạc phơ như tôi. Vì người Bản -Thuột “không biết hát” nên vợ chồng Ngu Yên và tôi tha hồ lôi nhạc ra mà hò hét khản họng. Lúc Ngu Yên hát, cô em Chí Mén khều tôi nói nhỏ: “Em được anh Ngu Yên gọi em bằng anh”. Nghe vậy tôi phì cười. Thật ra, Chí Mén nhà ta họ Võ tên Túc Trí do cha sanh mẹ đẻ đặt cho. Tôi cam đoan một triệu người nghe qua danh tánh này ai mà không tưởng em Mén đích thị phải là đấng mầy râu một trăm phần dầu. Hêhê!
Sáng hôm sau, chúng tôi ra quán café Nguyễn Ngọ ăn sáng với nhà văn Phan Xuân Sinh và nhà văn Hai Trầu Lương Thư Trung (được Hai Trầu tặng cho hai cuốn sách mới keng).Cả hai ông nhà văn hiền lành này tôi đã giới thiệu trong bộ Tự Điển Văn Nghệ Sĩ Việt Nam online của tôi khá lâu rồi. Lương Thư Trung với 7 tác phẩm nổi tiếng về phong cách văn chương miệt vườn. Còn Phan Xuân Sinh tháng bảy này sẽ bay qua Seattle ra mắt đứa con tinh thần thứ sáu của chàng.
Qua Houton, Texas lần này cá nhân tôi nhận thấy có ba “hiện tượng” lạ:
1- Tất cả những nơi nào có cơ sở thương mại, dịch vụ pháp lý, bảo hiểm, địa ốc…của người Việt đều có cờ vàng ba sọc đỏ. Hôm chúng tôi tới gặp gió lớn, cờ bay phất phới như mừng đón khách phương xa ghé thăm. Phải nói thiệt tôi phục cái cộng đồng người Việt Houston này sát đất. Ở đâu có người Việt Houston ở đó có cờ vàng. Chẳng bù xứ lá phong của tôi mỗi nămtới ngày quốc hận 30/4 bà con Toronto mới thấy cờ bay.
2- Bảng hiệu của các tiệm ăn trong khu chợ Hồng Kông có những cái tên rất “ấn tượng”, gợi nhớ mà ở Toronto không có, như Phở Về Đêm, Phở Muộn, Nguyễn Ngọ, Quán Em & Anh, Phánh Ký (nhớ Chợ Lớn xưa) v.v…
3- Nhà văn quân đội Phan Xuân Sinh, trước định cư ở Boston, Massachusetts, sau qua Dallas, cuối cùng dọn về Houston, Texas tâm sự: “Lúc dọn về Houston, vợ chồng tôi đã bỏ ra trọn một tháng trời đến tất cả các quán ăn của người Việt làm chủ để ăn”. Hỏi: “Để làm gì?” Đáp:” Để lỡ có bạn bè ở xa về chơi thi dắt đi ăn cho biết quán nào ngon”. Thiệt tình như Phan Xuân Sinh chắc không có người thứ hai.
4 giờ sáng hôm sau Kim Định lại chịu thương chịu khó chở vợ chồng tôi ra phi trường quốc tế Houston cách nhà khoảng 45 phút, nếu không bị kẹt xe. Tại cổng A lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Chương Hà tiễn bạn Kiều Phong về Toronto cùng chuyến bay với vợ chồng tôi. Mới dòm huynh Chương Hà tôi có thiện cảm ngay. Hỏi Chương Hà quê ở đâu Kiều Phong nói ở Sài Gòn. Vậy mà tôi nhát thấy tất cả những cái tiêu biểu nhất của người dân miền đồng bằng sông Cửu Long như thiệt thà, chất phác, mộc mạc, giản dị… đều đổ hết lên cái bản mặt hết sức thuần lương của anh; còn cái nét quê quê nữa chớ, sao mà giống tôi quá chừng. Hè hè! Chương Hà hiện đang… làm thơ và làm dược sĩ.
Chuyến bay từ Houston, Texas qua New York về Toronto, Canada mất hết 14 giờ đồng hồ, thay vì 6, vì thời tiết mưa bão ở New York. Đó là một cuộc hành trình buồn bã.
Phan Ni Tấn
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh