Hồ Đình Nghiêm
Mình không hiểu hết ý câu nói của hoạ sĩ Đinh Cường: “Với tôi, ai yêu mẹ cũng đều là anh hùng”. Không thẩm thấu toàn vẹn nhưng có được sự liên tưởng: Mình là chiến binh được đời gắn cho hai huân chương cao quý trên ngực áo phai màu, phía trái tim. Lủng lẳng hai nụ hoa bạc rung lên theo mỗi một cất bước. Nó cúi đầu thổn thức hay nó hãnh tiến hất mặt lên? Hai nụ hoa bạc thay cho một thứ “Chiến thương bội tinh”?
Vì sao bạc mà chẳng là vàng? Vì nhớ hoa trắng cài áo của Nhất Hạnh ngày cũ. Hình ảnh cầu chứng những ai mất mẹ. Trắng, màu ấy muôn đời tượng trưng cho trinh bạch, cho lạnh lẽo, cho hư không, cho sạch sành sanh. Nó trong ngần tựa thuỷ tinh có trong giọt lệ rơi xuống khi bạn khóc. Có nên gán thêm chữ tủi hổ, chữ cô đơn sắp hàng bên dưới TRẮNG?
Có người góp ý: Trắng là thứ vô sắc. Bạn chẳng thể gọi nó là màu trắng. Ừ, mình không nên tranh cãi. Một bảng màu, cứ thế mà gọi chết tên: Trắng, vàng, cam, đỏ, nâu, xanh lục, xanh da trời, xanh nước biển, xám, đen. Đừng đụng tới chữ màu có khi lại giống như họ tên một người con gái bị cướp đi chữ “thị” nằm giữa. Trần trụi cô đọng lắm lúc khiến lạnh lòng. Hàn Mặc Tử nói: “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Có ai trông chẳng rõ màu bông trắng rung động trước ngực đứa vừa mất mẹ?
Ngực cài tới hai hoa trắng? Ừ, chưa đủ sao? Chẳng lẽ ham hố đeo nhiều huy chương để phải còng lưng bởi cái nặng nề. Ai năm thê bảy thiếp không nói, chứ mình chỉ duy một vợ. Má vợ mất cọng thêm mạ ruột, vị chi là hai. Hai thôi đã khiến quặn ruột, ngần ấy đa đoan cũng xúi đoạn trường.
“Một hôm đếm một ra hai… đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm”. Bùi Giáng khuyên nhủ.
Nhiều người cho rằng, cái cột mốc 1975 đã là bảng đường chia lìa ra muôn hướng. Cũng phải, sông trôi lặng lờ tới bể dâu nọ đành phải bày ra một phụ lưu xao xác. Người ta hãi sợ khi sực nhớ tới một ngạn ngữ Trung hoa: “Nếu bạn ngồi lâu bên bờ sông, thế nào cũng trông thấy xác kẻ thù trôi ngang”. Tâm bất an để sanh lòng nghi hoặc, người ta sống, tự động co rúm xác thân, váng vất câu danh ngôn của bọn đế quốc phản động hiện về: “Niềm tin giống như một cục tẩy, nó sẽ nhỏ dần nhỏ dần sau mỗi một nhầm lẫn”.
Trong tiều tuỵ cùn mằn, giữa bải hoải chân tay mình leo lên được một bến bờ mới. Hoàng Xuân Sơn nói: “Em lên côi bợt em ngồi, tới bờ em đứng khóc mùi mẩn em”. Khóc, nước mắt hoan lạc đổ ra vì bến bờ kia dường như chực sẵn ở đó dáng dấp một người đàn bà mang trong lòng thứ tâm lượng hải hà để sau này tự nguyện đóng vai Mạ. Dù không mang hoa trắng trên ngực áo, bà biết mình mồ côi giữa trần gian ghẻ lạnh thiếu mặt đấng sinh thành. Bà nói, tựa tia chớp xẻ rách bầu trời nặng trĩu mây đen: “Mạ cho không đứa con gái duy nhất của mạ mà chẳng đòi hỏi điều gì cả”. Cho người năm trước, năm sau cho 10 lượng vàng để hai đứa vượt biên. Cho, nhận. Cho, nhận mà không biết cách đền đáp. Ngậm hột thị cho tới lúc nghe hung tin từ cố quận tải sang: Mạ chết rồi!
Một cái chết mà phận làm con chẳng tài nào tìm cách quy cố hương. Xa mặt cách lòng và cách triệu dặm nhiêu khê. Không như cách ra đi của Mạ mình trước đó, mình còn được sờ nắm đôi bàn tay buốt lạnh của người trước khi tẩm liệm, khuôn mặt hiền hậu của người còn hứng đọng giọt nước mắt của đứa con út vụng dại rơi để thấm rút vào da nhăn. Khi ấy, mình đã ngồi câm tiếng ba hôm bên quan tài sơn màu đỏ của Mạ, mình cắt giấy bạc thành những cánh hoa sen dán quanh “căn nhà” sẽ trở thành cát bụi nay mai. Một đứa con mất mẹ, nỗi đau của nó nói sao cho cùng tận?
Cả ngàn trang giấy thấm mực của bá tánh luôn tuôn đổ xuống để tụng ca về mẹ. Cả thế giới với đủ mọi ngôn ngữ ta bà đã không ngớt xiển dương tới hình ảnh cao quý kia. Và ai kia đã viết: Mẹ là người tình đầu, người bạn đầu, kể cả người thù đầu tiên mà bạn có. Nhưng trên trái đất này sẽ chẳng có thứ gì để chia lìa được sự liên hệ kia. Không thời gian, không gian… và ngay cả cái chết!
Mẹ, vĩnh hằng là hình bóng duy nhất nằm lắng đọng thật sâu trong hồn bạn. Trái tim mình vẫn cất giữ hai đoá hoa sen thơm mùi từ bi. Hoa sẽ tàn lụi chừng nào trái tim ấy thôi đập. Người ta có đáng sống thở không khi họ chưa từng một lần đề cao mẹ hiền?
Mình luôn mơ tưởng viết được một cuốn truyện với chủ đề MẠ. Đã hai thứ tóc trên đầu, sự mơ tưởng đi liền với niềm ăn năn. Ừ, hãy bảo vệ giấc mơ kia cho tới kỳ cùng. Nói như nhà văn Haruki Murakami: “Tôi mơ mộng. Đôi khi tôi nghĩ, duy đó là việc làm chính đáng”.
Mẹ ơi chớ đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ.
Ôi, đã muộn mất rồi. Tìm đâu ra cơ hội để van nài? Mạ ơi xin đánh con đau, để con hiểu thấu vết thương dại khờ.
Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: Tác giả gửi bài và tranh