Lâm Bình Duy Nhiên
Ngày 8/10/2015, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã trao giải Nobel Văn học 2015 cho nhà văn người Belarus, Svetlana Alexievitch. Trong lịch sử giải thưởng (bắt đầu từ năm 1901), Svetlana Alexievitch mới chỉ là người phụ nữ thứ 14 trên tổng số 112 nhà văn được vinh dự tôn vinh.
Svetlana Alexievich sinh năm 1948 tại Ukraine. Bà theo học ngành báo chí tại Belarus. Tác phẩm đầu tiêtn mang tên La guerre n’a pas un visage de femme (Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ) ra đời năm 1985 đã gây tiếng vang lớn tại Liên Xô cũ. Đó là một bức tranh sống động nhưng cay đắng về những người phụ nữ đã từng tham gia vào Đệ nhị Thế chiến. Cuốn sách đã bị nhà nước Liên Xô cấm đoán, lên án nặng nề như « phản quốc, tự nhiên chủ nghĩa, suy đồi». Chỉ đến khi Gorbatchev lên nắm quyền thì tác phẩm ấy mới được phép phát hành rộng rãi tại Liên Xô.
Xuất thân từ một nhà báo nên Svetlana Alexievitch đã chọn cho chính mình một phong cách viết sát với thực tế. Đó là sự tích luỹ, kết tinh từ những ký ức, những thông tin, những tư liệu, những bằng chứng, những kỷ niệm của hàng ngàn nhân chứng sống (thông qua các cuộc trò chuyện, phỏng vấn, ghi âm) trãi qua những biến cố thăng trầm trong lịch sử của một đế chế hùng mạnh : Liên bang Xô Viết. Từ cuộc Chiến tranh Thế giới II đến cuộc xâm lăng Afghanistan cho đến thảm hoạ hạt nhân Tchernobyl (bị nhà cầm quyền cộng sản bưng bít, giấu giếm) sự sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô. Ngòi bút của bà đã khắc hoạ những thảm kịch của người dân trong một xã hội cộng sản/hậu cộng sản. Những thảm kịch ấy đã vượt qua khỏi biên giới của một quốc gia/một chế độ vì đơn giản, nó đã mang những hệ luỵ quan trọng đến toàn thế giới.
Sách mới của bà luôn là một sự kiện cũng như là một scandale trong xã hội Liên Xô cũ. Thậm chí cho đến ngày hôm nay, ngay tại Belarus, tác phẩm Les cercueils de zinc (Những chiếc quan tài thiếc) vẫn còn bị cấm đoán dẫu bà đã viết nó từ năm 1989. Số phận cũng như ngày trở về của những chiến binh Liên Xô trong cuộc chiến tranh tàn khốc, bi thảm tại Afghanistan đã được bà miêu tả một cách chân thật nhất. Bà đã dám phá tan cái gọi là huyền thoại của một cuộc chiến. Một cuộc chiến của những người lính giải phóng đến từ Liên bang Xô Viết đội lốt nhân đạo nhưng thực chất là những kẻ ra tay tàn sát phụ nữ, trẻ em vô tội đang trốn chạy bom đạn. Dưới ngòi bút sắc sảo của mình, Svetlana Alexievitch đã lột trần bản chất giả dối của một cuộc chiến tranh, của một chế độ đã cướp đi bao sinh mạng cũng như tuổi xuân của hàng ngàn thanh niên dưới ánh hào quang phù phiếm của sự anh hùng, của lòng ái quốc. Chết được mang về trong những chiếc quan tài thiếc, nếu may mắn còn sống sót, họ cũng bị mất đi tất cả khi trở về. Họ trở nên những kẻ giết người, những kẻ bạo lực dưới cái nhìn của chính xã hội, của chính những người thân ! Cuốn sách đã bị lên án mạnh mẽ tại Liên Xô và bị cho là « vu khống » và « tưởng tượng ».
Khi Liên bang Xô Viết bị hoàn toàn sụp đổ, kéo theo nhiều thay đổi, đảo lộn quan trọng trên bản đồ chính trị thế giới. Sự tan rã của cái nôi của nền chuyên chính vô sản, của chủ nghĩa cộng sản đã đem lại tự do, độc lập cho nhiều sắc tộc. Nhưng bên cạnh đó cũng gây ra bao thảm cảnh cho chính những người Nga, vốn luôn hoài niệm về một thời đã qua, bị thất vọng về một chủ nghĩa Cộng sản tươi đẹp. Họ không chấp nhận được một sự thật quá đỗi phũ phàng, đó là sự xoá bỏ của một đế chế to lớn, hùng mạnh. Từ đó, một hiện tượng vốn dĩ không mới nhưng lại bùng nổ hơn bao giờ hết : sự tự sát. Như Nicolas Berdiaev, triết học gia người Nga đã từng viết : « Sự tự sát như hiện tượng cá nhân luôn tồn tại ở Nga. Nhưng đôi khi nó trở thành một hiện tượng của xã hội ». Chính Svetlana Alexievitch, qua tác phẩm ký sự Encorcelés par la mort (Mê hoặc vào cõi chết) đã đem lại cho chúng ta lời giải thích cho sự tự sát ngày càng gia tăng trong xã hội Nga hậu Xô Viết. Đó chính là cảm giác bị lừa dối. Bị lừa dối bởi cả một bộ máy cầm quyền độc tài, trơ trẽn đánh cắp cuộc đời, tâm hồn của hàng trăm triệu người dân. Khi bộ máy độc tài bị tan vỡ, nhường chỗ cho sự thật phũ phàng, con người không còn đủ lý trí và sự tỉnh táo cần thiết. Họ chọn con đường tự sát một cách tuyệt vọng. Svetlana Alexievitch đã thêm vào nhận xét của Nicolas Berdiaev về bản chất của sự tự sát ở Nga : một hiện tượng chính trị. Nước Nga thời hậu Xô Viết đã phơi bày bản chất thật, điên cuồng của một xã hội được thiên đường hoá bởi người cộng sản. Thông qua số phận nghiệt ngã của 14 nhân chứng trong tác phẩm, bà đã nói lên sự thật cho hàng triệu nạn nhân của cái gọi là chủ nghĩa Cộng sản. Đó cũng chính là sự dũng cảm, lương tâm của một nhà báo, một nhà văn đối mặt với tội ác, với bạo quyền.
Ngày 26/4/1986, nhân loại đã bàng hoàng trước thảm hoạ Tchernobyl tại Ukraine. Nhà máy điện nguyên tử đã bị nổ và gây nên tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử về môi trường. Đám mây bụi phóng xạ đã lan rộng ra nhiều vùng tại Liên Xô và kéo đến tận Đông và Tây Âu, thậm chí ở cả vùng bán đảo Scandinavie và sang cả phía đông nước Mỹ. Thảm hoạ Tchernobyl lại một lần nữa phơi bày bộ mặt thật của Liên bang Xô Viết : giấu giếm, bưng bít thông tin, xem mạng người một cách rẻ rúng. La Supplication (Lời Khẩn cầu), ra mắt độc giả năm 1997, đã cho chúng ta thấy đằng sau những hậu quả vô cùng nghiêm trọng của vụ nổ là những mảnh đời cay nghiệt, tràn đầy nước mắt của những kẻ sống sót mà Svetlana Alexievitch đang lắng nghe. Như « ai đó đang khích lệ tôi : Bà không được quên rằng đây không còn là chồng bà nữa, người đàn ông được yêu thương đang đứng trước bà, nhưng đó là một vật thể phóng xạ với một hệ số nhiễm xạ lớn… ». Đớn đau và oái ăm vô cùng khi nghe lời tâm sự của những nhân chứng sống. Chính họ đã cho thế giới xung quanh hiểu và khám phá ra Tchernobyl, một thế giới kinh hoàng, khiếp sợ nhưng nhiều yêu thương. Dưới ngòi bút của Svetlana Alexievitch, chúng ta dường như đang lắng nghe những lời khẩn cầu, van xin của Tchernobyl.
Các tác phẩm của Svetlana Alexievitch được ghi nhận như những biên niên sử thể hiện bằng văn chương của xã hội Xô Viết và hậu Xô Viết. Đó là di sản đồ sộ được ghi chép bằng cảm xúc, bằng nước mắt chân thật của bao nhân chứng sống về lịch sử, về những con người đã và đang sống trong xã hội ấy. Bà gọi đó là « homo sovieticus », con người Xô Viết. Những con người đã trãi qua bao biến động của thời cuộc, bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn hoài niệm, vẫn như tiếc nhớ, vẫn đang vẫy vùng tìm lối thoát một cách vô vọng. « Chủ nghĩa cộng sản đã có một dự án phi lý : biến đổi con người « trước kia », một Adam già nua. Và điều đó đã đạt được…Hơn 70 năm, trong phòng thí nghiệm của chủ nghĩa Marx-Lenin, họ đã tạo ra một kiểu người riêng biệt, Homo sovieticus/Con người Xô Viết », đó chính là mẫu người mà bà biết rất rõ, là bạn bè của bà, là gia đình bà, là cha mẹ bà và là chính bà. Con người Xô Viết tồn tại ở các nước cộng hoà thuộc Liên bang Xô Viết và dẫu Liên bang ấy không còn nữa, dẫu mọi người sống trong các quốc gia khác nhau nhưng người ta không thể nào lẫn lộn được những Con người Xô Viết ấy. Tác phẩm mới nhất La Fin de l’homme rouge (Sự kết thúc của con người đỏ) xuất bản vào năm 2013, được đánh giá là tác phẩm quan trọng nhất của bà. Svetlana Alexievitch đã phác hoạ nên chân dung của Con người Xô Viết – homo sovieticus, những kẻ không có khả năng thoát khỏi ngõ cụt, dối trá để trở nên con người Tự do. Chính sự lột trần về con người Xô Viết mà bà vẫn còn bị chính quê hương của bà, Belarus, cấm đoán, không tha thứ. Vẫn trung thành với phong cách làm việc, bà đã thực hiện những cuộc phỏng vấn, trò chuyện để hiểu thêm về thảm kịch chủ nghĩa xã hội. Bà kể lại những mẩu chuyện nhỏ về một ảo tưởng to lớn của xã hội cộng sản, về những đau thương mất mát, của cuộc sống tù đày, của những chia ly biệt xứ, của cả sự phấn khởi về perestroïka (đổi mới, cải tổ dưới thời Gorbachev) và của cả những công dân đang chống lại sự phục hồi những chế độ độc tài mới dưới bất kỳ hình thức nào.
Không đơn thuần là những tiểu thuyết, các tác phẩm của bà là những bài báo, những câu chuyện, những lời chứng, những sự thật mà bà đã tôn trọng, gói ghém qua những trang sách. Ngòi bút mạnh mẽ của bà, miệt mài từ hơn 30 năm qua đã phản biện một xã hội bệnh hoạn, tuy không còn tồn tại nhưng vẫn tiếp tục bào mòn tâm trí, khơi dậy những hoài niệm trong một xã hội mới, không kém phần đớn đau và nguy hiểm. Đó là xã hội Nga của Putin, của bọn tư bản dầu mỏ. Tác phẩm Sự kết thúc của con người đỏ còn là một chìa khoá để thế giới hiểu được nước Nga dân chủ kiểu Putin. Chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, nhưng thay vào đó là một chế độ độc tài mới khoác áo dân chủ. Như trong cuộc họp báo sau khi nhận tin được trao giải Nobel văn học, bà đã nói : « Tôi yêu thế giới Nga, tử tế và nhân văn, thế giới mà mọi người đều nghiêng mình kính phục, thế giới của múa ba lê, của âm nhạc và của văn chương. Nhưng tôi không yêu thế giới của những Beria, Stalin, Putin và Choïgou (bộ trưởng bộ Quốc phòng), nước Nga này của họ, với 86% dân chúng đã vui mừng khi thấy những người bị chết trong cuộc xung đột tại Donbass, họ cười giễu những người Ukraine và tin rằng tất cả đều có thể giải quyết bằng vũ lực ». Và bà cũng nhấn mạnh một điều đã trở thành đặc tính của bà : « Thật khó để trở thành một người trung thực, nhưng không không nên nhượng bộ trước một thế lực độc tài ». Svetlana Alexievitch vẫn đang tiếp tục phản ánh một nước Nga với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa tân ái quốc nguy hiểm của Putin. Bà cũng đã cảnh báo dư luận Âu châu về một chế độ « độc tài mềm » của Tổng thống Loukachenko ngay tại quê hương Belarus.
Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã vinh danh bà vì « lối viết văn phức điệu, tượng đài tri ân của nỗi đau và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta ». Nhưng quan trọng hơn hết, sáng tác của bà đã vượt qua khỏi khuôn khổ của nước Liên Xô cũ, của nước Nga ngày hôm nay, của các quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết đang muốn quay về với sự độc tài chính trị, như nước Belarus nhỏ bé của bà. Các tác phẩm của Svetlana Alexievitch mang lại cái nhìn trung thực về những biến cố quan trọng trong lịch sử nhân loại. Đó chính là thứ văn chương không biên giới, toàn cầu, cần thiết để giúp cho thế giới tránh lập lại những thảm hoạ đau thương.
Ngòi bút can đảm và sự đấu tranh không mệt mỏi chống lại mọi hình thức độc tài của Svetlana Alexievitch không khỏi làm cho chúng ta tự đặt một câu hỏi nghiêm túc : « Dưới chế độ CSVN, có ngòi bút phản kháng nào tranh đấu quyết liệt chống bạo quyền hay không ? ». Sau 40 năm nhất, cả dân tộc Việt Nam vẫn đang bị đoạ đày bởi một chế độ độc tài, đảng trị. Vẫn là bạo hành, vũ lực, cấm đoán, bắt bớ, tướt đoạt quyền công dân, nhưng những tiếng nói phản biện, phản kháng lại bộ máy độc tài vẫn còn thưa thớt. Những nhà văn, nhà thơ dám tố cáo, vạch trần sự tồi tệ, bẩn thỉu của nhà cầm quyền là không đáng kể. Nhà văn Dương Thu Hương là một trường hợp tiêu biểu cho lương tâm của người cầm bút, của một trí thức. Tiếng nói đanh thép, thông qua các tác phẩm của bà, như những cái tát đau điếng vào những bộ mặt vô liêm sỉ, hèn nhát của những kẻ đang lãnh đạo đất nước. Trong chừng mực nào đó, bà cũng như Svetlana Alexievitch, cũng bị lên án, miệt thị, cũng bị cấm đoán bởi nhà cầm quyền và phải chịu cảnh tha hương.
Cũng có những Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Ngọc Tấn…muốn vượt qua cái gông cùm của chế độ để phản ánh một cuộc chiến đẫm máu, ghê tởm, tàn khốc đã huỷ diệt con người (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh) hay sự tha hoá của một xã hội mà một vị tướng già, suốt đời tận tuỵ với đảng, với Tổ quốc không ngờ tới (Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp) hoặc hệ thống lao tù khắc nghiệt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (Chuyện kể năm 2000 – Bùi Ngọc Tấn). Đó là những tác phẩm quan trọng nhất của họ, khiến cho nhà cầm quyền ít nhiều lo lắng.
Nhưng sự phản biện ấy chỉ là những tiếng nói lạc lõng, bỗng chốc đến với nhiều kỳ vọng nhưng sau lại im bặt mãi với thời gian. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ trong Hội nhà văn Việt Nam, từ 40 năm qua vẫn không dám sử dụng ngòi bút của mình để tố cáo những sai lầm, những tội ác của nhà cầm quyền. Họ không dám đồng hành cùng những người dân lam lũ, vất vả mưu sinh hàng ngày trong một xã hội nhiều bất công. Họ thờ ơ, lặng lẽ đứng nhìn dòng đời, câm miệng trước sự tha hoá của xã hội. Đâu đó cũng có những tiếng nói yếu ớt, đòi thay đổi. Cũng có một số người tuyên bố từ bỏ Hội nhà văn, thực chất là một tổ chức bù nhìn được dựng lên bởi đảng cộng sản. Làn sóng phản đối của một số nhà văn ly khai gần đây do bị kiểm soát tư tưởng, thiếu tự do trong sáng tác nhưng lại không hề đá động đến những đòi hỏi cấp bách về dân chủ của dân tộc. Cố tình gạt bỏ nguồn gốc của mọi thảm cảnh tại Việt Nam đều do chính đảng CSVN gây ra, chỉ lo dồn sức viết ra những tác phẩm vô hồn, giới cầm bút tại Việt Nam đã không làm tròn trọng trách của người tri thức (bên cạnh việc sáng tác những tác phẩm văn học giá trị): đấu tranh chống bất công và độc tài, mang lại sự thật cho đồng bào cả nước !
Sức công phá to lớn của ngòi bút chống lại cường quyền là vũ khí đấu tranh hữu hiệu nhất và ôn hoà nhất. Bất cứ một chế độ độc tài nào cũng lo sợ trước những tác phẩm văn học đậm tính công kích. Alexandre Soljenitsyne, Cao Hành Kiện, Herta Müller, Jaroslav Seifert, Czeslaw Milosz…và Svetlana Alexievitch chính là những biểu tượng của lương tâm, của sự can đảm trí thức.
Những ngòi bút sắt thép của một số ít nhà văn, nhà thơ Việt Nam dũng cảm, dám đương đầu với cả một chế độ độc tài, sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc dân chủ hoá đất nước. Họ sẽ tiếp tục chia sẻ những khổ đau, cay đắng của dân tộc.
« Một thời đại đi qua. Thời đại của những lời dối trá tuyệt vời…», Svetlana Alexievitch đã viết như thế. Thời đại của CSVN sẽ phải ra đi, nhường chỗ cho một đất nước dân chủ và tự do (phải không theo vết đổ của Liên Xô khi rơi vào một xã hội tự do trá hình của Putin). Cái hay của thời đại công nghệ là người ta đã thừa nhận ra được những dối trá của một chế độ tồi bại mà không cần đợi ngày tận thế của nó.
Tính liêm sĩ của một nhà văn chính là việc góp phần lột trần những dối trá ấy, càng sớm càng tốt !
Vì tương lai sẽ không có chỗ cho những kẻ hèn nhát !
Lâm Bình Duy Nhiên
12/10/2015
Nguồn: Tác giả gửi