Bóng hồng trong gương

Posted: 04/05/2016 in Truyện Ngắn, Virginia Woolf, Yên Nhiên

Virginia Woolf (1882—1941)
Yên Nhiên chuyển ngữ từ nguyên tác The Lady in the Looking-Glass: A Reflection

nang

Người ta không nên treo gương trong phòng, cầm bằng như khơi khơi để ngỏ tập ngân phiếu hoặc những bức thư tự thú tội ác tày đình nào đó. Buổi chiều mùa hạ nọ, mình không sao tránh khỏi nhìn vào tấm gương dài treo ở gian ngoài. Âu cũng là ngẫu nhiên. Lọt thỏm trong lòng trường kỷ ở phòng khách, mình có thể thấy mặt gương phản chiếu không chỉ mặt bàn cẩm thạch đối diện, mà cả một khoảng sân xa ngút mắt ngoài kia. Mình có thể thấy lối cỏ trải dài giữa những luống hoa cao, một góc rẻo đứt đoạn bởi đường viền kim nhũ.

Nhà vắng, và bởi chỉ có mỗi một mình trong phòng khách, mình có cảm giác là một trong những nhà thiên nhiên học, ẩn mình dưới cỏ và lá, nằm rạp ngắm nhìn những con thú nhút nhát nhất — chồn hoang, rái cá, chim bói cá — đang nhởn nhơ rong chơi, mà chính họ không bị nhìn thấy. Căn phòng buổi xế chiều hôm ấy đầy những sinh vật nhút nhát đó, ánh sáng và bóng tối, những tấm rèm tung bay, những cánh hoa rơi rụng — những gì cơ hồ chưa từng xảy ra, nếu ai đó chú mục. Căn phòng cổ miền quê yên tĩnh với những tấm thảm và bệ lò sưởi bằng đá, những kệ sách sâu và những tủ sơn son thếp vàng, đầy những sinh vật sống về đêm. Chúng xoay vòng băng qua trên sàn, nhón chân bước yểu điệu, xòe đuôi và chu mỏ như thể chúng là những con sếu hay bầy hạc thanh tú mà màu hồng lông vũ đã phai, hay những con công đuôi óng ánh bạc. Có cả những khoảng tranh tối tranh sáng bí ẩn, như thể con cá mực chợt nhuộm tím không gian; và căn phòng choáng ngợp lao xao những đam mê cuồng nhiệt đố kỵ sầu muộn, y như một con người. Không có gì ở yên dù chỉ trong chốc lát.

Song, ở ngoài kia, mặt gương phản chiếu chiếc bàn nơi gian ngoài, những đóa hướng dương, lối đi trong vườn một cách chính xác và ngưng đọng tưởng chừng như chúng bị giam cầm trong thực thể của chúng, mà không thể lẩn tránh. Cảnh tượng tương phản lạ lùng — nơi này biến hóa, nơi kia tĩnh lặng; mình không thể không đảo mắt nhìn ngắm. Khi ấy, bởi tất cả mọi cửa nẻo đều mở toang trong cái nóng nực, có tiếng thở dài liên lỉ và âm thanh đứt quãng, tiếng thoáng qua và úa rã, e chừng, vào và ra tựa như hơi thở loài người, trong khi mọi thứ phản chiếu trong gương đã ngừng thở và nằm im trong cơn mê vĩnh cửu.

Nửa giờ đồng hồ trước, cô chủ nhân Isabella Tyson đã rẽ xuống lối cỏ trong tà áo mỏng mùa hạ, tay xách giỏ làn, và mất hút, xén đứt bởi đường viền kim nhũ của khung kính. Có lẽ nàng xuống vườn hái hoa; hoặc giả đương nhiên, hái một thứ gì tươi sáng và kỳ ảo và thướt tha lá cành, hoa bìm bìm hay một trong những nhành khiên ngưu thanh nhã quấn quanh những bờ tường xấu xí và rộ nở đó đây những bông hoa trắng và tím. Nàng khơi gợi hình ảnh bìm bìm run rẩy kỳ ảo hơn là hoa thạch thảo, cúc ngũ sắc, hay những đóa hồng rực rỡ của riêng nàng thắp sáng như những bóng đèn trên thân cây thẳng tắp. Sự so sánh chứng tỏ, sau ngần ấy năm, những gì mình biết về nàng ít ỏi nhường bao; bởi một người đàn bà bằng xương bằng thịt tuổi trạc ngũ tuần có lẽ nào lại là một tràng hoa hay một lọn dây leo. Kiểu ví von đại loại như thế còn tồi tệ hơn là tầm phào và hời hợt — bất nhẫn nữa là đàng khác, chúng đến như mớ hoa bìm bìm chập chờn che chắn mắt mình với sự thực. Phải có sự thực; phải có bức tường. Mà lạ lùng thay cho dù bấy lâu nay quen biết nàng mình có thể bình phẩm gì về thân thế Isabella; mình vẫn tán nhảm về loài hoa khiên ngưu và bìm bìm. Kỳ thực, nàng đích thị là một cô gái lỡ thì; nàng giàu có; nàng đã tậu ngôi nhà này và tự tay sưu tầm — thường là từ gầm trời góc bể, dẫu rừng thiêng nước độc cũng chẳng từ nan — những tấm thảm, những chiếc ghế, những chiếc tủ mà giờ đây lêu bêu kiếp sống về đêm trước mắt mình. Dường như đôi khi chúng biết về nàng nhiều hơn chúng ta, những người đã từng ngồi trên ghế, đã từng bút nghiên bên án thư hoặc rón rén bước đi trên thảm, được phép biết về nàng. Mỗi chiếc trong đám tủ kia có nhiều hộc, và hầu chắc mỗi hộc đều chứa thư từ, buộc từng xấp bằng dải băng thắt nơ, điểm xuyết với những nhánh oải hương hay cánh lá hồng. Bởi có một sự kiện khác nữa — nếu những sự kiện là điều mình muốn biết — là Isabella giao thiệp rộng, có nhiều bạn hữu; và nếu mình liều lĩnh mở một ngăn kéo và đọc thư của nàng, mình sẽ bắt gặp dấu tích của bao phiền muộn, nào những hò hẹn gặp gỡ, nào những trách cứ về dịp tương phùng đã lỡ, những bức thư miên man của nồng nàn tình tự, những bức thư cuồng nộ của hờn ghen và giận dỗi, những lời tạ từ khốc liệt — bởi những hỏi han và hẹn hò kia rõ chỉ hoài công — nghĩa là, nàng chưa bao giờ gá nghĩa với ai, vả chăng, xét đoán vẻ mặt dửng dưng như mặt nạ của nàng, nàng đã từng trải qua những cuộc tình đam mê gấp bội phần so với những kẻ cứ khua chiêng gióng trống về tình sử của họ. Trĩu nặng suy tư về Isabella, căn phòng của nàng trở nên thêm thâm u và ám dụ; những góc tường như càng thêm tối, những chân bàn chân ghế thêm mảnh khảnh và bí ẩn.

Bất chợt những bóng hình phản chiếu trong gương chấm dứt một cách hung hãn mà tuyệt nhiên không một tiếng động. Một khối đen to lớn lờ mờ hiện trong gương, che khuất tất cả, rải lên mặt bàn một mớ phiến cẩm thạch có vân màu hồng và xám, rồi biến mất. Nhưng hình ảnh đã hoàn toàn bị xáo trộn. Trong phút chốc nó lạ lẫm và vô nghĩa và hoàn toàn lệch lạc. Không thể hình dung mớ phiến thạch này can hệ gì đến con người. Rồi lần lượt từng chút, qua trình tự lý giải, khởi sự phân định sắp xếp và đưa chúng vào vũng trải nghiệm thường lệ, rốt cuộc mình nhận ra chúng chỉ là những lá thư. Người đàn ông đưa thư đã tới.

Chúng nằm trên mặt bàn cẩm thạch, thoạt tiên thảy đều lung linh ánh sáng và sắc màu, rồi thì thô sượng và dửng dưng. Rồi lạ lùng khi thấy chúng được hòa nhập và điều hợp thành một phần của bức tranh và đượm vẻ tĩnh tại bất tử đó — vẻ tĩnh tại do chiếc gương ban phát. Chúng yên vị ở đấy, được phú cho cái thực tại mới mẻ ý vị và vẻ đường bệ, như thể phải cần đến lưỡi đục mới nạy chúng lên khỏi mặt bàn. Và, cho dù có là huyễn tưởng, chúng dường như không chỉ đơn thuần là xấp thư mà trở nên những tấm bảng đá chạm khắc sự thật vĩnh cửu — giả như mình có thể đọc chúng, mình khắc biết tất cả những gì được biết về Isabella, vâng, và luôn cả về cuộc đời. Những trang thư trong những chiếc phong bì tựa như cẩm thạch kia hẳn chất chứa biết bao tình ý. Rồi Isabella sẽ vào nhà, cầm lấy từng chiếc, nhẩn nha khui mở và đọc kỹ lưỡng từng chữ, và rồi với tiếng thở dài am hiểu, như thể đã thấu đáo ngọn ngành, nàng sẽ xé vụn những chiếc phong bì, buộc các tờ thư lại và khóa hộc tủ, quyết giữ kín những gì mà nàng không muốn hiển lộ.

Ý nghĩ khởi động sự thử thách. Isabella không muốn hiển lộ — nhưng nàng không được lẩn trốn nữa. Thật phi lý và quái đản. Nếu như nàng giấu giếm quá nhiều mà lại biết quá nhiều thì chỉ còn có nước cạy miệng nàng bằng cái khí cụ tiện dụng nhất — trí tưởng tượng. Phải chiếu cố nàng ngay trong khoảnh khắc đó. Phải trấn áp nàng. Phải từ chối không để bị trì hoãn, khi thời cơ đến, bởi những điều này nọ — những yến tiệc, hẹn hò, và thù tạc hàn huyên. Hãy tự đặt mình trong địa vị nàng; nôm na là thế, mình sẽ dễ nhìn thấy đôi giày nàng mang, lúc nàng đứng nơi khu vườn thấp, ngay lúc này đây. Đôi giày thuôn dài và hợp thời trang, làm bằng da mềm mại và êm ái nhất; chúng xinh xắn như y phục trên người nàng. Nàng sẽ đứng dưới bờ giậu cao ở mé vườn thấp, nâng chiếc kéo mà trước đó nàng giắt bên lưng, cắt bông hoa tàn nào đó, vài cành nhánh mọc rườm rà nào đó. Mặt trời e chừng dội xối xả lên mặt nàng, vào mắt nàng; nhưng không, ngay giây phút bấp bênh một làn mây che khuất mặt trời, khiến ánh mắt nàng đượm nét phân vân — giễu cợt hay dịu dàng, rạng ngời hay thờ thẫn? Mình chỉ nhìn thấy được đường viền không rõ nét của khuôn mặt nàng, thanh tú và hơi nhạt nhòa, đang ngước nhìn trời. Nàng đang nghĩ ngợi, có lẽ, rằng thì nàng cần mua một tấm lưới mới cho mấy cây dâu; phải gửi tặng hoa cho bà góa Johnson; đã đến kỳ hạn lái xe đến thăm gia đình Hippesleys trong ngôi nhà mới của họ. Hẳn nhiên đó là những điều mà nàng bàn bạc trong bữa ăn tối. Nhưng mình đã chán ngấy những điều mà nàng bàn bạc trong bữa ăn tối. Cái tâm tư sâu lắng hơn của nàng chính là cái mình muốn nắm bắt và biến chúng thành lời, cái tâm tư đối với tinh thần cũng như hơi thở với thể phách, cái mà mình gọi là hạnh phúc hay bất hạnh. Nhắc đến những chữ này thì tất nhiên phải nghĩ ngay rằng nàng hạnh phúc. Nàng giàu có; nàng phong nhã; nàng có nhiều bằng hữu; nàng du lịch khắp nơi — nàng mua sắm những tấm thảm ở Thổ Nhĩ Kỳ và chậu kiểng màu xanh biếc ở Ba Tư. Những luồng hoan lạc lan tỏa cùng khắp từ chỗ nàng đứng tỉa những cành cây run rẩy, trong khi rèm mây che khuất mặt nàng.

Nơi này đây, lia nhát kéo nhanh gọn, nàng cắt nhánh hoa bìm bìm và nó rơi xuống đất. Khi nó rơi, hầu chắc chút ánh sáng nào đó cũng rọi vào, hầu chắc mình có thể luồn vào tâm tư nàng sâu thêm chút nữa. Tâm thức nàng khi ấy đong đầy những nỗi dịu dàng và tiếc nuối…. Cắt tỉa một nhánh cây mọc tràn khiến nàng buồn bởi vì nhánh cây đã từng sống, và sự sống trân qúy đối với nàng. Và đồng thời sự rơi rụng của nhánh cây nhắc nhở cho nàng đến cái cung cách bản thân nàng phải chết ra sao và đến tất cả những phù du vô thường của mọi thứ. Tuy nhiên, với bản tính vốn dĩ thực tiễn, lập tức hoàn hồn, nàng nghĩ đời đã đãi ngộ nàng; dẫu cho nàng có phải ngã xuống, thì cũng là nằm trên nền đất và thấm quyện vào gốc rễ của khóm hoa phi yến. Bởi thế, nàng đứng tư lự. Không định hình một ý tưởng nào — vì nàng là một trong những người trầm mặc, mà tâm trí giam hãm những ý tưởng vướng mắc trong những đám mây tịch liêu — nàng chứa đầy những ý tưởng. Tâm trí nàng giống như căn phòng của nàng, nơi ánh sáng tiến rồi lùi, xoay tròn, nhón bước, xòe đuôi, nhún nhẩy; và rồi toàn thân nàng nhuộm ánh sáng, như căn phòng một lần nữa, với đám mây am tường sâu thẳm nào đó, nuối tiếc lặng thầm nào đó, và rồi thì nàng đầy những ngăn kéo khóa kín, đầy ắp những lá thư, tựa như những chiếc tủ của nàng. Bảo là “cạy miệng nàng” như thể nàng là con sò, với bất kỳ dụng cụ diệu kì và tinh tế và mềm mại nhất vẫn thật là khiếm nhã và quái dị. Mình tất phải hình dung — thì này đây, nàng hiện diện trong gương, làm mình thất kinh.

Ban đầu nàng ở xa quá mình không thấy rõ. Nàng đến lần khân, nán lại nơi này để sửa đóa hồng, nơi kia nâng đóa màu hường lên để ngửi, nhưng nàng chẳng lúc nào ngơi; và đồng thời nàng bắt đầu lớn dần trong gương, dần hình thành một nhân ảnh mà tâm tưởng mình vẫn chực len lỏi vào. Mình nhận diện nàng từng chút một, kết hợp những gì mình đã khám phá cho tương xứng với cái vóc dáng hiển hiện này đây. Kìa, áo nàng màu xanh lam, giày thuôn của nàng, chiếc giỏ và cái gì đó lấp lánh nơi ngấn cổ nàng. Nàng đến từ từ tới nỗi hầu như nàng đã không làm xáo trộn hình ảnh trong gương, mà chỉ điểm xuyết thêm một phần tử nào đó mới mẻ, nhẹ nhàng chuyển dịch và điều chỉnh những vật thể khác, tựa hồ nhũn nhặn xin chúng nhường chỗ cho nàng. Rồi những lá thư và chiếc bàn và lối cỏ và những đóa hướng dương, vốn đợi chờ trong gương, buông nhau ra và dang rộng để chào đón nàng. Cuối cùng thì nàng đã ở đấy, nơi gian ngoài. Nàng đột ngột dừng lại. Nàng đứng bên cạnh chiếc bàn. Nàng đứng im sững. Hốt nhiên gương soi bắt đầu tưới luồng ánh sáng vào nàng như thể phong tỏa nàng; như thể loại cường toan nào đó đã bào mòn những phù phiếm bề ngoài, và chỉ chừa lại sự thật. Một cảnh tượng mê hoặc. Mọi thứ tuột ra khỏi nàng — những đám mây, xiêm y, chiếc giỏ, kim cương — tất cả những gì mình vẫn từng gọi là dây cát đằng và khiên ngưu. Này đây bức tường kiên cố bên dưới. Đây chính là người đàn bà. Nàng đứng trần trụi trong ánh sáng khắc nghiệt. Và không có gì. Isabella tịnh không có gì — không ý niệm, không người tri kỷ, không gắn bó với một ai. Còn những bức thư của nàng chỉ tuyền là những hóa đơn. Hãy nhìn kìa, nàng đang đứng ở đấy, già nua và khẳng khiu, gân guốc và nhăn nheo, với sóng mũi cao và cổ xếp nếp, ngay cả việc mở thư nàng đã chẳng màng.

Người ta không nên treo gương trong phòng.

Virginia Woolf (1882—1941)
Yên Nhiên chuyển ngữ từ nguyên tác The Lady in the Looking-Glass: A Reflection
Nguồn: Dịch giả gửi truyện và tranh

Đã đóng bình luận.