Vườn Quê Xa: Tre pheo, trầu cau và Âu Cơ

Posted: 29/08/2016 in Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự, Trần Thị LaiHồng

Trần thị LaiHồng

acreage-ttlh
Hình Trần thị LaiHồng

Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Trông lại tha hồ mây trắng bay…
(Nguyễn Bính, Hành Phương Nam)

Không thể sống tại quê hương dù đã hai lần trở về, từ tiểu bang Maryland giá buốt, chúng tôi quyết định tìm nơi có khí hậu tương tự, và từ đó có Vườn Quê Xa, tiểu bang hoa Florida phía Đông Nam nước Cờ Hoa.

Vườn Quê Xa thuộc khu rừng thông phía Tây thành phố biển West Palm Beach, có tên Acreage, đất rộng tự do trồng trọt, chia lô từ một đến 5 mẫu, đa số toàn thông và kè.

Loại thông này là Slash Pine, vỏ sù sì có những loạt tưởng bong từng mảng, không trơn lì như nhiều loại khác. Dưới gốc thông luôn có những bụi kè vây quanh, khắng khít bằng hữu.

Nhìn những hàng thông xanh cao vút ngút ngàn với mây trời hải đảo, chàng ngâm nga:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…

(Nguyễn Công Trứ, Vịnh Cây Thông)

Tôi nheo mắt tiếp lời:

– Kiếp sau… vưỡn cứ làm người… Anh à, làm người, không còn hạnh phúc nào hơn! Hỉ nộ ái ố thất tình lục dục, nhân nghĩa lễ trí tín chân thiện mỹ… chỉ con người vượt trội mọi loài…

Nhà phải đợi gần năm mới xong, nhưng vườn đã khá quang đãng, thoáng sạch. Chúng tôi chọn nơi này làm quê hương, thì sao không tạo dựng hình ảnh thân thương:

Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau…
(Chung Quân, Làng Tôi)

Bên này không có mái tranh san sát kề nhau, nhưng bụi tre thì chẳng khó.

Vườn Quê Xa có lũy tre xanh, tre lồ-ô trồng bên bờ ao phía sau, trúc la-ngà chen trúc đen bên trái, thêm một trúc bụng Phật trước rào nhà, từ bếp nhìn ra.

Bên bờ ao, dưới gốc thông, chàng kê một tảng đá nhỏ, lâu lâu ngồi câu cá. Cần vót từ cành trúc la-ngà, lưỡi câu tự làm không có ngạnh nên cá chẳng cắn. Chỉ ngồi nhìn ao thu lạnh lẽo và trời mây bao la:

… Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần… câu chẳng được…
(Nguyễn Khuyến, Thu Điếu)

ao_vuon_que_xa-ttlh
Ao Vườn Quê Xa: vịt lội không ướt lông
Hình Trần thị LaiHồng

Chàng yêu chiếc ao nhỏ. Còn tôi, ngả dài trên cỏ xanh nhìn bụi tre đong đưa trên vòm trời xanh mây trắng, và lan man…

Chúng tôi chọn tre trước tiên vì tre trúc gần gũi và có giá trị trong đời sống Á đông, trải dài từ văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị, xã hội… Tiếng Việt cổ gọi tre trúc là pheo, và đến nay, vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên vẫn còn dùng hai chữ tre pheo này.

Tre pheo cùng chung gia đình với lúabắp, cùng thuộc họ Hòa Bản, gọi nôm na họ nhà cỏPoaceae, nguyên gọi là Graminae—gồm nhiều họ phụ và có cả ngàn loại, trồng nhiều nhất bên Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ. Bên ta có khoảng 300 loại: bương, giang, luồng, nứa, vầu, lồ-ô, hóp, tre đốm tre đen, tre vàng tre nghệ, tre miễu tre la-ngà, cán giáo, tầm vông mạnh tông, tre ống điếu tre Xiêm tre bụng Phật… vô số kể!

tre_vuon_que_xa-ttlh
Tre Vườn Quê Xa
Hình Trần thị LaiHồng

Tre chép sử như từng học: Cây Tre Trăm Đốt thời tiểu học với lời chú xuất nhập, xuất nhập, dẫn nhập dẫn nhập; Tre Thánh Gióng đánh giặc Ân bên Tàu; tre trên đỉnh Ải Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn hiểm trở từng chứng kiến bao lần quân ta chận đánh quân “nước lạ” kéo sang xâm lấn.

Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn chép rằng từ thời nhà Tấn bên Tàu (265-426), quân phương Bắc kéo qua Ải Chi Lăng, bị quân ta giết nhiều đến nỗi đã để lại câu thơ hãi hùng bây giờ còn lưu: “Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan, mười người đi, chỉ một trở về).

Nhưng nói đến tre, thì nghĩ ngay đến những cọc tre trên sông Bạch Đằng thời Ngô Quyền, năm 938, nhớ đền thờ có câu đối:

Vương nghiệp khởi Loa Thành, trường biên thanh sử
Chiến công lưu Đằng Thủy, cộng mộc hồng ân

(Vương nghiệp bắt đầu từ Loa Thành lưu mãi trang sử xanh / Chiến công lưu lại trên sông Đằng, trong đó có ân phúc của loài cây). Chiến thắng của Ngô Quyền năm 938 đánh tan quân Nam Hán bên Tàu, là trận chung kết toàn thắng của dân Lạc Việt, dành lại tự do độc lập sau trên nghìn năm bị đô hộ. Cọc xưa thời Ngô Quyền có thể bằng tre nên không còn dấu tích. Những dấu vết tìm được sau này toàn cọc gỗ, cũng trên sông Bạch Đằng ngay Bến Đò Rừng, dưới thời nhà Trần.

Nhắc lại những chuyện về tre trong sử sách, tôi thú vị nhất là tranh tre quân tử và chim sẻ.

Thám hoa Mạc Đĩnh Chi (1280-1348) làm quan đời vua Trần Anh Tông, hai lần đi sứ sang nhà Nguyên bên Tàu. Thăm phủ Tể tướng nhà Nguyên thấy giữa phòng có một bức trướng thêu tinh xảo khéo tuyệt. Mạc Đĩnh Chi giả vờ ngỡ là chim sẻ thật, bèn vồ bắt, nhưng sau đó xé toang tấm họa. Ông giải thích:

Bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc và chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, sẻ là kẻ tiểu nhân. Như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo tiểu nhân sẽ mạnh, đạo quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân phản loạn.

Vẫn lan man liên hệ đến sông Bạch Đằng, nhớ chuyện Thám hoa Giang Văn Minh đời nhà Lê Thần Tông, đi sứ sang Tàu năm 1637 dự lễ khánh thọ vua Sùng Chinh nhà Minh. Vua Minh cao ngạo có ý nhắc nước Nam từng bị diệt, đưa vế đối:

Đồng trụ chí kim đài dĩ lục / Cột đồng đến nay rêu đã xanh, nhắc lại chuyện cũ năm 43

Mã Viện kéo quân sang ta đánh bại Hai Bà Trưng và dựng cột đồng. Thám hoa Giang Văn Minh ngẩng đầu khẳng khái đáp:

Đằng Giang tự cổ huyết do hồng/ Sông Bạch Đằng từ xưa đến nay máu vẫn còn đỏ nhắc lại những chiến thắng lẫy lừng của dân tộcViệt trên sông Bạch Đằng từ bao thế kỷ trước diệt quân xâm lược phương Bắc, đến nay máu trên dòng sông chưa hết đỏ! Trước đông đào bá quan văn võ và sứ bộ các nước, Vua Sùng Chinh vô cùng căm giận, ra lệnh bắt giam, còng tay, trám mắt trám miệng và sai người mổ bụng xem gan mật sứ thần Đại Việt lớn chừng nào…

dang_giang_tu_co_huyet_do_hong

Trong nước, thanh niên thời nay không phải không biết nối tiếp chí khí người xưa, nhưng chỉ mới giăng bảng biểu tình với ý nghĩa Đằng Giang thì đã bị nhà nước tóm vào tù, bởi sợ “nước lạ” đang thi hành “tàm thực” đất Việt.

Từ bụi tre lan man dòng sử, trong đầu tôi hiển hiện trận Bạch Đằng với tứ dân, và từ đó dẫn dắt viết vở hoạt nhạc kịch Hội Nghị Diên Hồng và Trận Bạch Đằng Giang, nhắc lại chiến công oanh liệt dưới thời nhà Trần, vào năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cũng dùng cọc nhọn đánh đưổi quân Nguyên Mông bên Tàu. Vở hoạt nhạc kịch này trình diễn lần đầu tại Orlando rồi Tampa rồi St Petersburg của Florida, rồi Houston Texas, rồi Alexandria Virginia, và Saigon Performing Center, Orange County, California, Hoa Kỳ.

Bên dưới là một cảnh có tứ dân tham dự Hội Nghị Diên Hồng do Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông và vua Trần Anh Tông triệu tập, quyết lòng hy sinh chống lại quân xâm lược, do Hội Từ Bi Phụng Sự vùng Virginia / Hoa Thịnh Đốn / Maryland trình diễn trong chương trình Một Thoáng Quê Hương, với bụi tre làng. Trong vở kịch, tôi là bà bán nước chè Bến Đò Rừng.

hoat_canh_hoi_nghi_dien_hong

Từ bụi tre làng trên sân khấu có cán giáo cán cờ cán cuốc, gậy gộc, cung tên, quang gánh, mái tranh phên tre phết đất, cửa sổ cửa lớn chống bằng tre… chưa kể những dụng cụ từ tre trúc như rổ rá giần sàng thúng mủng nong nia nơm rọ quản bút quản cọ sáo trúc, khèn, đàn T’rưng… Nhà làng có mõ tre làng, bồ lúa giàn xay cối chày, dao cật nứa cắt rốn trẻ sơ sinh, nôi đan, giường tre chõng tre gối tre, cán chổi cán chày cán gáo nan quạt điếu cày đôi đũa cái tăm…Suối sông hồ biển có bôi chèo sào chống bè ghe thuyền buồm… ngoài ruộng có gầu giai gầu sòng, bừa cào, ách cổ trâu cày, chói tre, nan tre làm lồng đèn, và vi vút sáo diều lơ lửng từng mây…

Ngày Tết có lạt này gói bánh chưng xanh / cho Mai lấy Trúc cho anh lấy mình… rồi cây nêu cao có giây pháo đỏ, và chết có lá phướn buộc cành tre tiễn biệt.

***

Một hôm ngắm cá đâu đớp động chẳng cắn câu, chàng bỗng hỏi:

– Mấy cây cau hôm nọ mua về trồng nay chắc khá lớn để còn cho mấy giây trầu leo…

Và cao hứng cất giọng ngâm:

Nhà em có một giàn trầu</em
Nhà anh có một hàng cau Liên Phòng
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau Liên Phòng nhớ trầu không thôn nào…
(Nguyễn Bính, Tương Tư)

Tôi đang nằm dài trên cỏ ngắm nghe con chích chòe đong đưa lảnh lót trên cành tre lả ngọn, ngoái nhìn:

– Cau ngoài góc hiên trước, phải lớn tí mới thả trầu leo, còn tảng đá thì ngay dưới gốc. Đó là tảng Rainbow Sunshine Chunk, một loại đá riêng của tiểu bang này.

Tôi biết chàng nhớ giây trầu leo thân cau ngôi nhà Thầy Mẹ thôn Mã Khái cạnh hồ Tịnh Tâm, còn tôi nhớ chiếc bình vôi xưa rất xưa, chiếc ô trầu/cơi trầu, cái ống nhổ…và cả chiếc lồng ấp, cái giỏ bội sấy áo quần mùa Đông ẩm ướt, rất… Huế! Mạ tôi và Mẹ của anh đều nhuộm răng đen, nhưng Mạ tôi không ăn trầu, dù vườn xưa hàng loạt cau ngon. Tuy nhiên, khách đến nhà không trà thì nước, và luôn có miếng trầu là đầu câu chuyện.

khay_trau_cau

Trầu kiểu cách khéo léo:

Trầu này trầu quế trầu hồi
Trầu loan trầu phượng trầu tôi lấy mình…

Trầu có tên khoa học Piper betle, gia đình họ Piperaceae cùng tiêu, càng cua, lá lốt.

Trầu tìm được là trầu Bà Điểm, nhưng cau thì thật không may, đem về tử quê hương, gói ghém trong giấy ngụy trang để chung hộp chocolate, an toàn về nhà, nhưng khi ươm xuống vừa ló mầm thì chú Đông Phương Sóc tò mò moi móc đào đem đi mất biệt!!! Đành dùng cau Mỹ, loại Chistmas Palm trái chín đỏ nhỏ nhắn, trong khi các loại khác quá đồ sộ.

Hẳn từ nhỏ ai cũng biết trầu cau có từ thời Hùng Vương, và sau này có Sự Tích Trầu Cau nhạc Phan Huỳnh Điểu ai cũng ngân nga nên càng thấm đậm xã hội Việt Nam gắn kết trầu cau, từ giao tế đến các nghi lễ trọng đại trong đời, nhất là về hôn nhân. Trầu của chúng tôi được gửi đi khắp nơi khi bà con bạn hữu có lễ cưới cho con cái. Cau thì có thể dùng cau Mỹ hay…cau giả đem từ ViệtNam qua, bán ngoài chợ. Chính đám cưới con trai tôi tuốt bên Vancouver tiểu bang Washington cũng dùng trầu cau Vườn Quê Xa.

Trên 35 năm trước, hồi bên Seattle, tôi hay vào Đại học UW giúp sinh viên tuần lễ văn hóa, và đã hướng dẫn hoạt nhạc kịch Sự Tích Trầu Cau, cũng em lang thang hóa đá, anh lang thang hóa cau, vợ lang thang hóa trầu tựa thân cau: vừa ôn lịch sử, văn hóa và xã hội. Kỹ thuật dùng đèn tắt bật để người biến và hóa…

dau_rong_duoi_phuong-ttlh
Đầu rồng đuôi phượng le te
mùa Đông ấp trứng mùa hè nở con

(Câu đố về hoa cau)
Hình Trần thị LaiHồng

hoa_cau_my-ttlh
Hoa cau Mỹ, trái non và buồng trái già
Hình chụp từ vườn nhà bạn

Tìm hiểu, tên khoa học của cau là Areca catechu, thuộc họ Arecaceae hay Palmae. Hầu hết vùng Đông Nam Á, hải đảo Thái Bình dương đều có. Ngay tại Mỹ một số vườn nurseries biết nhiều người tỵ nạn định cư có nhu cầu trồng trọt cây trái quê hương, nên đã nhập cảng vào. Tôi nghĩ Florida hay có bão, và cây cau ta rất cao, e không chịu nổi những cơn gió giật mạnh, đành trồng Christmas Palm vậy.

vuon_cau_hoc_mon-thu_thuy
Vườn cau Hóc Môn
Hình Thu Thủy, 12-2015

Trong số những vật dụng về trầu cau, tôi yêu nhất là cái bình vôi. Không có kỷ niệm đặc biệt liên hệ, nhưng thời thơ ấu và sau này mấy lần về quê, hễ nhìn thấy gốc đa với những bình vôi lăn lóc, lòng cứ bồi hồi không thôi với những xúc cảm dấy lên tử tận cùng máu xương da thịt. Hình ảnh quê hương thân thương vốn đậm với bụi tre làng, với cây đa ngoài đình bên dưới có mấy bình vôi. Làng quê tôn kính gọi là Ông Vôi hay Ông Bình Vôi, trong nhà được tôn trọng để trên khay, ô, tráp, hộp hay cơi trên sập gụ hoặc bàn kê giữa nhà.

khay_trau-binh_voi
Khay trầu, bình vôi từ sách Vietnamese Ceramics

bo_xa_tich
Hình trong sách Vietnamese Ceramics
chụp chung cùng bộ xà tích của Vườn Quê Xa

Đọc tác phẩm Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition/ Gốm Việt Nam: Một Truyền Thống Riêng, của John Stevenson và John Guy do Arery Press xuất bản năm 1997, thấy rõ thế giới biết rất nhiều về quê hương ta. Sách viết rõ bình vôi đầu tiên tìm được trong một ngôi mộ cổ ở Thanh Hóa, có tuổi khoảng thế kỷ thứ hai đến thứ năm sau Công nguyên.

Tôi chẳng phải một nhà khảo cổ, nhưng có tính rất xấu rất tò mò tìm hiểu những gì yêu thích. Thấy tài liệu nào liên hệ là ôm lấy ngấu nghiến nghiền ngẫm và sau đó không cất dấu riêng, mà luôn muốn chia sẻ với mọi người, dù biết có khi chẳng ai cùng cảm nhận…

***

Chàng biết tôi có cái trứng vỡ đất nung khá cổ, nhưng chưa biết tôi dựng lại kỳ tích truyền thuyết Âu Cơ Lạc Long Quân, ngay trước hiên nhà, sáng sáng nhìn ngắm tưởng lạc vào huyền thoại.

Xưa xửa xừa xưa khoảng 3 ngàn năm trước Công Nguyên, phía Nam lục địa Đông Á có một vị vua là Lộc Tục – Kinh Dương Vương – truyền ngôi cho con là Lạc Long Quân. Chàng kết duyên cùng Âu Cơ con gái Vua Đế Lai vùng Phú Thọ ở Bắc Việt bây giờ. Họ sinh được một bọc 100 trứng nở thành 100 con trai. Lạc Long Quân con cháu Long Vương giống Rồng, Âu Cơ giống Tiên. Hai người chia tay, 50 con theo Long Vương xuống biển, 50 lên núi theo mẹ. Người con đầu làm vua, niên hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô tại Phong Châu, truyền 18 đời, là tổ tiên 54 tộc Việt bây giờ.

Nhân dân trên thế giới cũng có truyền thuyết và huyền thoại.

Cổ Sự Ký của Nhật kể thời xưa có cả 8 trăm vạn thần linh, trong số có 2 vị được ủy thác làm mặt đất sinh sôi nẩy nở. Họ từ trên trời xuống, khuấy sóng Thái Bình dương tạo thành một đảo sinh sống và từ đó tạo thêm 8 đảo khác, làm thành nước Nhật bây giờ. Một trong hài nhi vừa sinh bị bỏng chết, bị chém làm 8 khúc thành 8 núi lửa, trong số có Phú Sĩ. Vua tự thánh tẩy, rửa mắt bên trái nẩy sinh Thần Mặt Trời, rửa mắt bên phải nẩy sinh Thần Mặt Trăng, mũi sinh Thần Biển và Gió Bão.

Ai Cập có thẩn cổ đại Atum thường thấy trong các Kim Tự tháp, tượng trưng đấng sáng tạo.

atum_god-egypt

Nước mắt Atum tạo những con người đẩu tiên tại Ai Cập.

Hy Lạp có truyền thuyết về 3 thần linh: Khaos Hỗn Mang, Nyx Nữ thần Đêm Tối và Eros thần Ái Tình. Khaos và Nyx sinh thần đất và u minh, tạo núi non và biển cả. Zeus là vị vua sau cùng của cả hàng trăm thần linh, trong số có thần Griffin, quái vật lai sư tử và đại bàng, được đưa vào tập truyện Harry Potter, dưới tên Gryffindor. Harry Potter của J.K. Rowling, có một loạt truyện và phim đang mưa gió trên thị trường thế giới.

ban_do_vn_bang_da_xep-ttlh
Bản đồ Việt Nam, Trứng Âu Cơ vỡ trăm con, Hoàng Sa và Trường Sa, đá hồng Rainbow Sunshine Chunks, Mai Tứ Quý. Cuối chính giữa bên phải có vỏ sò Hạ Long, mảnh đá Đền Hùng Phú Thọ, vỏ sò Hạ Long, sỏi Cát Bà.
Hình Trần thị LaiHồng của Vườn Quê Xa sáng 25 tháng 9, 2015

trung_au_co
Nhìn gần trứng Âu Cơ nâu, vỏ sò Hạ Long, Đá Đền Hùng, sỏi đen Cát Bà

***

Người đi, người đi rồi
Vườn xa tôi ở lại
Bóng đổ… chiều mồ côi…

shadows-le_lieu

Một mình mồ côi, nhưng tôi vẫn có Vườn Quê Xa với bao kỷ niệm, từ bụi tre làng, chiếc ao nhỏ, những cội Mai Huế Mai Tứ Quý, Ngọc Lan Hoàng Lan và Lệ Chi Long Nhãn… và cũng kha khá vô số kể cây trái hoa cỏ tình tự quê hương.

Mỗi nắng sáng mưa chiều, mồ côi lui cui lần mò từng trang sách chất đầy trên kệ trong nhà, lắng nghe trầm bổng thư giãn thiền ca hay tẩn mẩn ngoài vườn với cỏ cây hoa lá chim muông, đó đây đầy kỷ niệm cho thân tâm an lạc.

Vinh và nhục, hạnh phúc và bất hạnh, thành công hay thất bại, mảnh hình hài không có có không…không không có có…Đã có và đã không, cảm tạ ân sủng của Trời, Đất, và Người.

thu_but_vo_dinh-tho_nhat_hanh
Thủ bút Võ Đình và thơ Nhất Hạnh

Trần thị LaiHồng
Hoa bang, đêm trước Trung Thu nguyệt thực tháng 9, 2015
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh

Đã đóng bình luận.