Nguyễn Minh Thanh
I. Lược sử
Công chúa An Tư, còn có tên Thiên Tư. Là con gái út của vua Trần Thái Tôn (Trần Cảnh), em gái của Thượng Hoàng Trần Thánh Tôn, cô ruột của vua Trần Nhân Tôn, không rõ năm sinh, tử.
Vào mùa Xuân năm 1285, trước sức tiến quân vũ bão và uy hiếp rất ngặt nghèo kinh đô Thăng Long của giặc Nguyên Mông do Thoát Hoan làm thống soái. Thượng Hoàng Trần Thánh Tôn và vua Trần Nhân Tôn đứt ruột dâng cống Công chúa An Tư cho Thoát Hoan với dụng ý giảm bớt nhịp độ tiến quân của giặc, để ta có thời gian lui quân tránh mũi nhọn, và củng cố lực lượng hầu có chống trả về sau.
Nhờ vậy, hai vua kịp thoát hiểm lánh về Tam Trỉ thuộc Quảng Ninh. Rồi quân Trần đã phản công và đại thắng quân Nguyên. Riêng An Tư Công chúa một đi không trở lại!
II. Công chúa An Tư & Công chúa Huyền Trân (1287-1340)
Huyền Trân là con của vua Trần Nhân Tông, tính theo Vương phả, Công chúa Huyền Trân gọi Công chúa An Tư bằng Bà Cô.
Hầu hết người Việt đều biết Huyền Trân Công chúa qua cuộc hôn nhân với vua Chiêm Thành Chế Mân. Từ đó nước Việt nhận được sính lễ 2 Châu: Ô, Rí, và dần mở mang bờ cõi về phương Nam.
Di tích Bà còn tại Quảng Nghiêm Tự tức là chùa Nộm Sơn ở Nam Định. Ở Huế cũng có điện thờ Công chúa Huyền Trân.
Quả là Huyền Trân Công chúa có công lớn với Tổ Quốc trong việc mở nước. Tuy nhiên, nếu không có cuộc chiến thắng quân Nguyên năm 1285 với sự hy sinh của An Tư Công chúa thì chuyện gì với Châu Rí Châu Ô? Hỏi tức là trả lời.
Thế mà, lai lịch của An Tư Công chúa gần như là bóng mờ trong Việt Sử, ngay cả năm sinh tử cũng không ai biết!
III. Công chúa An Tư & Chiêu Quân
Vương Chiêu Quân, cung phi của Hán Nguyên Đế (49-33 TCN) bị “cống” cho người Hồ phương Bắc tức Mông Cổ ngày nay, là con của thường dân. Công chúa An Tư là lá ngọc cành vàng. Cả hai đều là “cống vật” cho giặc xâm lăng, nhằm cứu nước.
Vậy mà khi nói đến “Công chúa An Tư cống Nguyên” có rất nhiều người Việt không biết (kể cả ngưòi biên soạn, vừa mới biết). Nhưng nếu nói chuyện “Chiêu Quân Cống Hồ” hầu như ai cũng biết. Đáng buồn thay!
Ngoài ra, Vương Chiêu Quân còn có ngôi mộ khang trang ở Nội Mông tên gọi là Thanh Trủng, lưu dấu tới ngày nay.
Riêng phần Công Chuá An Tư thì mịt mù tăm tích! Nhất là, sau khi bị thua Đại Việt; về nước, tên Thoát Hoan có hiềm thù rồi không biết có sinh ra hà khắc Công chúa hay không?
Thương cảm trước nghịch cảnh, hồng nhan bạc phận của Công chúa An Tư, dưới đây là bài thơ cảm tác của người biên soạn làm theo thể ngũ thủ liên hoàn:
Xót thương An Tư Công chúa
An Tư Công chúa cống Nguyên Mông
Giặc dữ xâm lăng nước Lạc Hồng
Ngọc diệp liều thân vào hổ báo
Kim chi góp sức cứu non sông
Thoát Hoan chểnh mảng đường xung tiến
Hưng Đạo liệu trù thế phản công
Lang sói tan tành manh giáp trụ
An Tư Công chúa biệt vân mồng! [1]
Vân mồng vời vợi cả đời hoa
Từ lúc xả thân chuyện nước nhà
Chiến địa xông pha nghìn sĩ tốt
Trại thù nhập nội một quần thoa
Giã từ thân hữu màu lan úa
Biệt dá hoàng huynh ngấn lệ sa
Sông Nhĩ cau mày dờn dợn sóng
Trông vời nhạn trắng khuất dần xa!
Xa dần Cố Quốc não nùng thay
Thao thức bên song bóng nguyệt cài
Xứ giặc lạ lùng nghe tiếng nói
Quê nhà quay quắt nhớ Xuân bay
Trời Nam êm ấm tình thân thuộc
Đất Bắc bơ vơ cảnh lạc loài
Mục tú mi thanh cành liễu yếu
Non sông trọng trách kém gì ai!
Kém gì công trận đấng tu mi
Chặn bước quân thù, giảm hiểm nguy
Tam Trĩ thương vua tìm lánh nạn
Thăng Long hận giặc đến dương uy
Hoàng thân [2] dăm kẻ đang hàng phục
Dũng tướng [3] có người đã tử ly
Ai oán hồng nhan cam phận bạc
Gặp cơn quốc biến phải tùy nghi..!!
Tùy nghi phân nhiệm của triều đình
Giai nữ sứ thần hoãn chiến chinh
Thuở trước Chiêu Quân an đất nước
Bấy giờ Công chúa giãn đao binh
Người đi quay lại ngùi sông núi
Kẻ ở trông theo tủi muội huynh [4]
Dân Việt đời đời hằng tưởng nhớ
An Tư công trạng đáng tôn vinh!
Nguyễn Minh Thanh cẩn tác
[1] Vân mồng: tin tức (Vắng tanh nào thấy vân mồng – Cung Oán Ngâm Khúc)
[2] Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Lộng… hàng và theo giặc
[3] Trần Bình Trọng chỉ huy trận Thiên Mạc, điểm trọng yếu, bị giặc bắt và hy sinh năm 1285
[4] Công chúa An Tư và hoàng huynh là Trần Hoảng (Trần Thánh tông )
IV. Tóm tắt các giai đoạn kháng Nguyên Mông & Kết truyện
Nhà Trần có 3 lần chống giặc Nguyên Mông. Cả ba lần đều đại thắng. Mặc dù lúc đầu gặp nhiều khó khăn và có khi kinh đô Thăng Long phải bỏ ngõ, các Vua phải di dời long dá, hành cung!
Lần 1: 1257-1258 đời vua Trần Thái Tôn (Trần Cảnh), Trần Quốc Tuấn làm Tiết Chế. Phía giặc Ngột Lương Hợp Thai làm Thống Soái.
Lần 2: 1285 đời vua Trần Nhân Tôn và Thượng Hoàng Trần Thánh Tôn, Trần Quốc Tuấn làm Tiết Chế. Phía giặc Thoát Hoan làm Thống Soái.
Lần 3: 1287- 1288 đời vua Trần Nhân Tôn, Trần Quốc Tuấn làm Tiết Chế. Phía giặc Thoát Hoan làm Thống Soái.
Để kết thúc tiểu truyện thương cảm “Công chúa An Tư cống Nguyên”, xin mượn 4 câu thơ mở đầu trong Chinh Phụ Ngâm của tiên sinh Đặng Trần Côn, và phần Hồng Hà nữ sĩ dịch nghĩa:
Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Du du bỉ thương hề thùy tạo nhân?
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh lia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy?
(Đoàn Thị Điểm dịch)
Đất trời khơi gió bụi
Má hồng lắm truân chuyên
Cao xanh tầng thăm thẳm
Ai gây chuyện lụy phiền?
(NMT dịch)
Nguyễn Minh Thanh biên soạn
(GA, Thu 2016 )
Tham Khảo:
Các trang web: Công chúa An Tư, Công chúa Huyền Trân, Trần Hưng Đạo, Chinh Phụ ngâm…
Thành Ngữ Điển Tích & Danh Nhân Tự Điển của Gs Trịnh Vân Thanh
Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh
Nguồn: Tác giả gửi