Ngô Nguyên Nghiễm
Tôi sống
Tôi tồn tại
Trong đôi mắt sợ hãi
Chập chờn những tia lửa hiu hắt
Tôi tìm
Sự tồn tại hạnh phúc
Nhưng chỉ có tiếng thở dài
Và ánh mắt âu lo
Trước những sợi tơ nhện mong manh
Đang căng
Luôn chực hờ.
Mở đầu cho thi tập Vườn Đá, ra mắt giới thưởng ngoạn bằng những câu thơ chắc nịt đầy những sự chịu đựng cam khổ với những khắc nghiệt đang vây quanh cuộc sống của Phạm Thị Quý và gia đình. Năm 1996, ra mắt tập thơ này thì Phạm Thị Quý cũng hiện diện như một tài hoa, được định hình vững chãi từ thi phẩm Thơ Hồng Lĩnh, do NXB Con Đuông ấn hành năm 1972. Chỉ với 100 ấn bản với những trình bày giản đơn bằng phương pháp thủ công đơn sơ, mà họa sĩ Lê Triều Điển cẩn mật như ong thợ kim chỉ từng nét vẽ trên 100 bìa thi tập. 100 lần vẽ cho từng tập thơ một, và để hoàn thành 100 tập thơ thì họa sĩ phải thao tác bức tranh đầu tiên đến 100 lần bươn chải. Đó cũng là một phương pháp xuất bản tự túc và là chủ trương khiêm tốn lạ mắt và đầy giá trị nghệ thuật, tuy nhiên cũng quá nhọc công của NXB Con Đuông.
Sau tác phẩm đầu tay là tập Thơ Trần Hữu Dũng , NXB Con Đuông do Ngy Cao Uyên và Lê Triều Điển sáng lập có cách trình bày và tạo lập cho riêng mình một phong thái đặc sắc, cần mẫn trân trọng từng chút một với nghệ thuật, đó là điểm sáng chói và đặc biệt của Con Đuông. Thời gian này, thập niên 70′ của thế kỷ trước, Lê Triều Điển nổi bật như một trong những con chim đầu đàn về nghệ thuật tượng hình của Đồng bằng Sông Cửu Long. Chính Lê Triều Điển đã tạo dáng cho riêng hiền thê Phạm Thị Quý một sức vóc nghệ thuật chu đáo từ thi ca đến hội họa, rồi điêu khắc sau này. Đôi vợ chồng son sánh vai vừa đi vào đường đời, vừa hạnh phúc chia sẻ nhau những khó khăn trên sân nghệ thuật, từng bước dìu dẫm vững chắc với tất cả sự chân thành say mê cuồng nhiệt của người nghệ sĩ chân đất.
Trước năm 1975, tôi thường xuyên tung tăng khắp tỉnh thành miền Nam, trước là giao tiếp làm quen với những bạn đồng hành văn nghệ khắp nơi bằng tình cảm của người theo đuổi nghiệp văn chương, sau là học hỏi những tài hoa và lẽ sống thuần hậu của những tri kỷ đồng hướng trên con đường nghệ thuật đầy ảo diệu và quyến rũ. Bút hiệu Phạm Thị Quý là tên thật mà nhà thơ khắc sâu dấu ấn trên tác phẩm mình sau này, nhưng trước đó, đầu tiên chị trầm mặc như ngọn núi Hồng Lĩnh đầy màu sắc huyền diệu của quê hương. Hồng Lĩnh đã có một bước đường dài gần 40 năm sâu sát bằng bút danh tiên khởi đưa chị vào trận đồ của thi ca và cũng như vào nghệ thuật hội họa sau này. Dấu ấn của Hồng Lĩnh, như đã trình bày ở trên, được thừa nhận như người đồng hành chung quanh chúng tôi, bắt đầu từ năm 1972 qua tập thơ Thơ Hồng Lĩnh.
Nhà thơ ung dung theo quan điểm của người nghệ sĩ, tác phẩm đánh dấu cho những thừa nhận của tha nhân, không cần biện giải hơn thiệt chỉ hư danh. Bước đường nghệ thuật, chị bước qua gần 40 năm gian khổ, một là nhiều cơ cực của gia đình, hai là tâm huyết chưa hoàn thành, thì sự thật sẽ như vầng thái dương nhễu giọt xuống cánh đồng hướng dương vàng ối, những tinh hoa mà vũ trụ ban phát cho người đầy nghị lực, chân tâm. Trước đất nước còn đang gặp nhiều sự trăn trở khổ đau, người nghệ sĩ bằng tâm thức tuệ giác của mình đã bước đi âm thầm bằng sáng tác và sự góp mặt. Tập Thơ Hồng Lĩnh, là một trong những thi tập của NXB Con Đuông, đã đem đến cho tôi một cái nhìn phiến diện về nhà thơ Phạm Thị Quý sau này. Và bút danh Hồng Lĩnh được chị gắn trọn vào sáng tác hội họa, sau khi đã dành tên Phạm Thị Quý cho Thơ.
Phạm Thị Quý bước lên con đường thi ca, từng bước vững chãi, định hướng như “ những hòn đá cuội lăn tròn theo con sóng/ đá cất tiếng thì thầm sao người nỡ lặng im”. Thơ Phạm Thị Quý có nét cương nghị, như hòn đá cuội vô tri vô giác, nằm lặng lẽ giữa bồn bề sương bụi phủ vây. Đó là một sự dấn thân, chịu đựng một cách phi thường, giữa cuộc đời bao giờ cũng rình mò của bóng đêm dàn trải, nếu một phút giây yếu lòng, rủn chí, sự buông tay, ủy mị sẽ làm tâm trí gầy héo và ảnh hưởng tương lai sự nghiệp của những người thân. Tôi thấy Phạm Thị Quý càng lúc càng bước về một hướng chân trời rạng rỡ, qua từng thi tập được ấn hành sau Thơ Hồng Lĩnh, như Những Chuyện Thường Ngày (1987), Vườn Đá (1996). Càng bước đi Phạm Thị Quý càng tỏ ra có bản lĩnh, cương hơn nhu mà người phụ nữ thường có, nhất là những phụ nữ nặng nghiệp thi ca. Từ êm dịu trong ngôn từ, huyền diệu trong suy tư của bước đầu tuổi trẻ cho thơ, Phạm Thị Quý đã “lật bật ngày đêm/ áo cơm lận đận/ kiếp người/ con tằm nhả tơ ươm kén” đã được thi nhân thắm đẫm màu hồng của tuổi thanh xuân, với những ước mơ hiền dịu như những hình thức tự nhiên trôi qua trong cuộc sống. “Trong trí tưởng tượng những ước vọng nối liền ước vọng/ Hạnh phúc niềm vui tiếng cười lấp lánh/ Đầy màu sắc say đắm tình yêu/ Đêm xuống dần ngày cũng đi qua/ Khoảnh khắc mong manh hoàng hôn và sáng tối/ Tia sáng vội vàng vươn lại trên bờ tường loang lỗ/ Tiếng đàn lẻ loi tan loãng âm thanh/ Đâu rồi khúc vọng nghìn năm?”.
Qua tập thơ Vườn Đá, NXB Trẻ ra mắt năm 1996 đến nay, Phạm Thị Quý chỉ thỉnh thoảng góp mặt với thơ ở những tuyển tập in chung. Chị dành tất cả thời gian cho hội họa và phụ giúp phu quân Lê Triều Điển trong những giai đoạn sáng tác tranh tượng và trở về với đất (gốm). Lúc này, bút hiệu Hồng Lĩnh trở về, trên những loạt tranh lụa, sơn dầu hay tranh sắp đặt.
Tập thơ Vườn Đá cách đây 12 năm, đã định danh chắc chắn tuyệt diệu cho Phạm Thị Quý. Tâm huyết hình như đã được chị dồn âm ấp vào trong tác phẩm này. Tất cả như một hóa thân tuyệt vời, khi trái vô ưu đã chờ giờ chín đỏ, trong một bầu không khí thượng thanh. Phạm Thị Quý thành công rực rỡ ở Vườn Đá và tạm dừng chân thi ca ở một bến đợi hoàng hôn nào đó, chờ ngày mở cửa cho Thơ ở giai đoạn sau này, ai biết lâu mau? Dĩ nhiên, Phạm Thị Quý vẫn làm thơ, vẫn đưa thơ như một thư pháp vào các tác phẩm tượng hình, mà chị cùng Lê Triều Điển tổ chức ra mắt nhiều lần trong 10 năm trở lại đây…
Có lúc nhà thơ Phạm Thị Quý u uất, phải bộc lộ thôi. Bộc lộ tâm sự với người, với vật, với những điêu linh sông nước Nam Bộ, nhưng lần này chị cho Thơ dán hẳn lên thánh tượng, cuộc nói chuyện với La Hán (tr 84, Vườn Đá), chứng tỏ nhà thơ đem dũng khí, không sợ trời không sợ đất, để gọi “các ông ngồi tham thiền đó ư? mà Dù thời gian trôi/ đêm dày đặc bóng đen/ ngày nhòa ánh nắng”, để tra vấn một cách đầy luận lý của một tâm hồn cay đắng trước thế sự điêu linh “Các ông ngồi đó ư?/ Thành tượng gỗ vô tri trong cõi vĩnh hằng/” Bản chất thơ của Phạm Thị Quý mang nhiều dương tính, gần giống sự bộc phá cơ bản nhưng dữ dội của một Nguyễn Quốc Chánh. Nhưng thơ Phạm Thị Quý cương trực, đầy nhân bản và bức xúc trước những khổ đau, phi lý của con người, của cuộc sống. Như một “người đàn bà quàng khăn/ đi dưới trời chiều/ những bước chân buồn bã”, bước qua một cuộc sống nhân loại điêu linh, mà trái tim nhà thơ phẫn uất nhưng đầy nhân bản và tình người. Bước qua, để ghi lại dưới cơn nắng chiều vừa tan đi, dưới những ngọn sóng bồng bềnh và khi ánh chiều tắt lịm thì mọi sự đã ghi lại trên vách đá với “người đàn bà quàng khăn đi khuất/ và chiếc đò con/ cũng xa lắc cuối trời”.
Nhiều lúc, tôi cũng tâm đắc với vài bài thơ phiêu bồng ngẫu hứng của nhà thơ Phạm Thị Quý, mà tôi xem đó là tinh hoa, là nòng cốt của khuynh hướng thật của thơ chị. Bài Nghệ sĩ hành và bài Nghệ sĩ hành 2, đã ngẫu nhiên đưa tâm thức thi nhân hòa quyện một cách nghiêm túc, sáp nhập tư tưởng và thiên nhiên một cách tuyệt vời. Lúc này, Phạm Thị Quý đích thực là một nhà thơ phiêu bồng, bay lượn trong một thế giới quan thi ca đơn sắc, không pha trộn cầu kỳ của những tia nắng nhạt mà chúng ta khi phân tích khoa học đến 7 sắc cầu vồng. Đỏ xanh vàng lục lam chàm tím, xoay vòng chỉ là một chân lý đơn sắc, mà tha nhân phải sống thực chính bản thân, trở lại cái uyên nguyên của tạo hóa, mới thấy rằng bên ngoài sự phẫn nộ, phi lý của sân khấu đời, tất cả phải trở về với chính đơn sắc chân tâm mà vạch trời đề thơ, mà lòng ta hề mênh mông, bất biến, ngửa mặt mà ca mặc đất trời nghiêng ngửa như người xưa khắc thơ trên đá và Thơ còn mãi đến nghìn sau. Tôi nhiều lúc cũng lang thang, làm một người lữ khách như nhà thơ Phạm Thị Quý viết trong Nghệ sĩ hành, cũng qua xóm qua làng, qua đường xưa lối cũ, cũng nhiều phen leo ngược vách đá sừng sững của ngọn núi cao đầy âm phong vi diệu, để máu hồng nhiều phen rưng rưng ứa đẫm gốc cây già; cũng nhiều phen bay ngang ngọn đồi cô tịch kiếm tìm ánh sáng, nhưng giữa cõi người trầm luân chợt nhận ra bao nhiêu điều tĩnh lặng, còn nằm gát hờ trên góc cõi hư vô.
Thi tập Vườn Đá, là một tuyệt phẩm của nhà thơ Phạm Thị Quý, đến nay so với các nhà thơ nữ của Đồng bằng Sông Cửu Long, vẫn chưa có đối thủ so vai cùng năm tháng với tập thơ này. Có lẽ chính vì vậy, nên gần 12 năm qua, Phạm Thị Quý vẫn nén mình, thu vén lại hồn thơ, không cho một tác phẩm mới ra mắt bằng hữu. Dù chị có âm thầm làm thơ, đằng sau bước đường đang đi là phụng sự cho nghệ thuật tượng hình, nhưng cái hay của Phạm Thị Quý đâu chỉ là hội họa, nếu so sánh với thi ca, chị vẫn là một con chim phượng đang hót phiêu bồng với khí hạo nhiên một cách tự tại…
Ngô Nguyên Nghiễm
(Nhuận sắc tại Thư trang Quang Hạnh tháng 5/2017)
Tiểu sử văn học PHẠM THỊ QUÝ
Nhà thơ Phạm Thị Quý sinh 1953 tại Vũng Liêm, Vĩnh Long.
Thơ xuất hiện trên báo chí năm 1969, bút hiệu đầu tiên là Hồng Lĩnh trên tập thơ Thơ Hồng Lĩnh, Nhà xuất bản Con Đuông ấn hành năm 1972.
Tác phẩm đã in:
1/ Thơ Hồng Lĩnh (Con Đuông, 1972).
2/ Những Chuyện Thường Ngày (Văn nghệ Cửu Long, 1987).
3/ Vườn Đá (NXB Trẻ, 1995).
Từ hai tập thơ Những chuyện thường ngày, Vườn đá chị dùng hẳn bút hiệu Phạm Thị Quý, ký trên các tác phẩm văn chương. Riêng bút hiệu Hồng Lĩnh dùng riêng cho hội họa và nghệ thuật tượng hình.
Năm 2000, Phạm Thị Quý in chung với một số văn nghệ sĩ trên tập thơ Trước Sân Nhà do NXB Trẻ ấn hành.
Triển lãm hội hoạ:
Riêng hoạt động mỹ thuật với bút hiệu Hồng Lĩnh xuất hiện trên những cuộc triển lãm được ghi lại những dấu ấn như:
Năm 1989: tham dự triển lãm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Năm 2003: triển lãm chủ đề Giữa Đất và Nước, cùng với Ki-em, Lê Triều Điển, Hồng Lĩnh tại TPHCM.
Năm 2004:
1/ Triển lãm mỹ thuật đương đại cùng với Ki-em, Lê Triều Điển, Lương Trường Thọ tại Hội Mỹ thuật TPHCM.
2/ Triển lãm mỹ thuật đương đại cùng với Ki-em, Lê Triều Điển tại khu du lịch Bình Quới 1- TpHCM .
3/ Triển lãm chung với họa sĩ Ki-em, Lê Triều Điển, Lương Trường Thọ tại Hòn Khói- Nha Trang.
4/ Triển lãm Những gì còn lại cùng với Ki-em, Lê Triều Điển, MPK tại TPHCM.
Năm 2005: Triển lãm mỹ thuật đương đại cùng với Ki-em, Lê Triều Điển tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.
Từ 2006 đến nay, chị tổ chức nhiều cuộc triển lãm về đất nung, sơn dầu trên nhiều địa bàn miền Nam …
Ngoài hội họa Phạm Thị Quý cùng Lê Triều Điển nghiên cứu trên nghệ thuật Gốm, tạo tác được nhiều tác phẩm gốm có giá trị. Chị vẫn làm thơ như một nghiệp dĩ bên cạnh nghệ thuật tượng hình.
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh