Trang Châu
Diễn văn của tác giả trong Buổi ra mắt sách Vượt Tù Vượt Biển của Huỳnh Công Ánh tại Montreal ngày 17/9/2017.
Kính thưa quí vị quan khách
Thưa quí văn hữu
Hôm nay tôi được hân hạnh giới thiệu đến quí vị, quí văn hữu một tác phẩm song ngữ Anh-Việt: cuốn hồi ký Vượt Tù Vượt Biển của một hội viên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đến từ Hoa Kỳ, tác giả Huỳnh Công Ánh. Xin thưa ngay, Huỳnh Công Ánh là một người đa tài, đa năng, đã thành đạt trên nhiều lãnh vực như âm nhạc, thơ văn cũng như kinh tế. Vì hôm nay là một buổi sinh hoạt ra mắt sách nên tôi xin đặt trọng tâm vào sự nghiệp văn chương của tác giả. Xin giới thiệu Huỳnh Công Ánh: nhà văn viết hồi ký.
Kể từ khi miền Nam VN rơi vào tay cộng sản, 42 năm sau, cuốn hồi ký Vượt Tù Vượt Biển của Huỳnh Công Ánh mới được xuất bản. Sự chậm trễ nầy có nhiều lý do nhưng một trong những lý do chính, như tác giả trình bày trong phần Cảm Nhận của ông, là: “Nói hết sự thật thì có thể tạo liên lụy cho những người ơn của tôi vẫn sống trong gông cùm cộng sản‘’. Nhưng dù là một sự chậm trễ có lý do, tác giả vẫn có phần lo ngại sự sinh sau đẻ muộn của tác phẩm mình sẽ không được nồng nàn đón nhận. Nhưng cá nhân tôi thì tôi nghĩ khi thăng trầm của một đời người gắn liền với thăng trầm đất nước, của lịch sử thì hồi ký xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào, cũng không bao giờ chậm, không bao giờ cũ cả.
Giống như đa số hồi ký tù cải tạo và vượt biển trước đây, trong hồi ký Vượt Tù Vượt Biển của Huỳnh Công Ánh chúng ta cũng bắt gặp cảnh đời khổ nhục của người tù cải tạo, nhất là tù cải tạo bị đày ra Bắc, bị hành hạ từ thể xác đến tinh thần. Chúng ta chứng kiến sự tàn ác của cai tù cũng như chứng kiến những hành vi đốn mạt của những tên “ăng ten”. Rồi khi vượt biển chúng ta chứng kiến cảnh thuyền nhân phải đương đầu với bao nhiêu hiểm nguy rình rập: sóng to, gió lớn, công an biên phòng, cướp biển.
Nhưng điểm nổi bật trong hồi ký Vượt Tù Vượt Biển của Huỳnh Công Ánh là chữ Tình. Tình đây bao gồm tình người, tình đồng đội và có khi là tình yêu. Bao nhiêu năm gieo rắc vào đầu dân chúng hận thù với người miền Nam, cộng sản cũng không diệt được tình người trong lòng người dân miền Bắc. Thí dụ điển hình trong cuốn hồi ký là cảnh hồi hộp mà cảm động khi một ông cụ người Tày bắt quả tang Huỳnh Công Ánh ăn trộm sắn của ông vì đói. Tưỡng sẽ bị đánh hay bị báo cáo, không ngờ Huỳnh Công Ánh được đưa về nhà ông cụ, bắt ngồi nấu cho sắn chín rồi bắt ăn cho hết chứ không được mang về vì ông cụ sợ vệ binh bắt được sẽ kỷ luật tác giả. Cộng sản cũng không dập tắt được tình người ngay cả trong lòng chính cán bộ của chúng. Tấm lòng của viên y sĩ cộng sản tên Trung Kiên dành cho Huỳnh Công Ánh, một phần do phục tài sáng tác nhạc và đàn hát của tác giả, một phần do sự kính nể khi đương sự thú nhận: “Nói chuyện với những người trong Nam ra học hỏi được nhiều và công nhận các sĩ quan miền Nam là những người có trình độ văn hóa”. Cảm tình của y sĩ Trung Kiên dành cho Huỳnh Công Ánh, vì hoàn cảnh bắt buộc, không thể lớn tiếng khẳng định là tình bạn nhưng có thể kín đáo gọi nó là tình thân. Và y sĩ Trung Kiên đã tìm cách giúp đỡ để Huỳnh Công Ánh được thuyên chuyển về một trại giam tương đối yên lành hơn. Nhưng lạ lùng nhất là tình cảm sâu đậm của một bộ đội trẻ tên Chiến dành cho Huỳnh Công Ánh. Chiến thất vọng, sau khi vào Nam, thấy mình lâu nay bị tuyên truyền lừa dối, về lại Bắc anh bỏ ngũ, rồi sống bằng nghề đi buôn ở vùng biên giới để rồi bị bắt nhốt với tội hình sự. Mến mộ tài âm nhạc của Huỳnh Công Ánh chính Chiến đã khuyên tác giả trốn trại. Sau bao thử thách Chiến đã chứng minh được lòng thành của mình với tác giả. Và từ đó Chiến gắn bó với Huỳnh Công Ánh như anh em ruột thịt trên đường vượt tù rồi vượt biển cùng tác giả.
Tình đồng đội được thể hiện trong trại tù cải tạo cũng như trên đường vượt biển của tác giả. Nếu Huỳnh Công Ánh không may mắn gặp những người đồng đội, bất chấp nguy hiểm cho cả tính mạng mình, ra tay giúp đỡ Huỳnh Công Ánh vào những lúc khốn đốn nhất thì Huỳnh Công Ánh không còn sống sót đến ngày hôm nay để cống hiến cho chúng ta cuốn hồi ký nầy. Đó là ông Thiếu Tá già tên Thái, người Huế, phụ trách chăn nuôi trong trại tù, đã dám cả gan, khi con dê cái đẻ 4 con, đã dấu đi 1 con đem luộc cho tác giả, đang ốm nặng kiệt sức, ăn để lấy lại sức. Đó là một người lính quốc gia cũ, trung sĩ nhảy dù tên Cho, nhờ có cha vợ đi tập kết, được làm việc trên một chiếc tàu quốc doanh. Chính chiếc tàu nầy đã bắt và kéo ghe vượt biển của Huỳnh Công Ánh về Rạch Giá. Khi biết Huỳnh Công Ánh là tù trốn trại, Cho vẫn không tố cáo, trái lại còn giúp tác giả trốn thoát vào bờ. Sau đó, dù gia đình nghèo mạt rệp, Cho vẫn khí khái từ chối lạng vàng đền ơn của tác giả và nói hãy dùng lạng vàng đó để chờ cơ hội làm một chuyến vượt biển khác. Ơn cứu tử đó suốt đời Huỳnh Công Ánh không bao giờ quên. Tác giả viết: ‘‘Mỗi khi nói đến chuyện nầy tôi không cầm được nước mắt. Đến giờ nầy, đối với tôi, không một thần tượng nào mà tôi ngưỡng mộ, kính nể, mang ơn suốt đời như anh trung sĩ nhảy dù tên Cho mà tôi đã gặp”.
Đúng như nhà văn Huy Phương ghi nhận trong phần đọc Hồi Ký của Huỳnh Công Ánh, tác giả là ‘‘một người may mắn được cả bạn lẫn thù thương yêu giúp đở”. Trong số nầy Huỳnh Công Ánh được một thiếu nữ tên Hoa, thuộc gia đình liệt sĩ của cộng sản, đem lòng thương yêu, sau lần gặp mặt trong một đêm văn nghệ do đội văn nghệ tù cải tạo trình diễn nơi xã cô ở. Chính người con gái nầy đã đổi được cho Huỳnh Công Ánh một bộ đồ bộ đội với đầy đủ nón cối, túi xách, giúp tác giả, sau khi trốn trại, mặc để di chuyển từ Bắc vào Nam. Để tạ ơn cô Hoa, người vừa là người tình vừa là đại ân nhân, qua đến Cali, Huỳnh Công Ánh sáng tác bài Người Em Nghệ Tĩnh để, theo lời tác giả: ‘‘trân quí sự hy sinh thầm lặng của cô Hoa, thương sự hy sinh mà không hề đòi hỏi gì khác..”
Nếu nhờ tài “đàn hay hát giỏi” mà Huỳnh Công Ánh tạo được cảm tình của từ phía bạn lẫn thù trong trại tù cải tạo thì cũng chính vì tài năng âm nhạc đó, “cái dạng văn hóa văn nghệ” của tác giả theo như lời của tù hình sự Chiến là điều mà “chế độ nầy tụi nó sợ cái đó nhất. Cái diện văn nghệ đàn hát như anh, khó lắm, không về được đâu”. Con đường duy nhất còn lại là trốn thoát. Và Huỳnh Công Ánh đã trốn trại rồi cùng người tù hình sự Chiến được mãn án tù trước đó, cùng nhau dùng đường bộ, đường xe lửa vượt qua bao trạm kiểm soát đi từ Bắc vào Nam để rồi sau đó cùng nhau vượt biển. Huỳnh Công Ánh là người tù cải tạo duy nhất sau khi trốn trại đã đi thoát nhờ ngụy trang trong bộ đồ của bộ đội cộng sản.
Phải nói Huỳnh Công Ánh là một người may mắn ngoại lệ trên bước đường gian khổ của ông. Chính tác giả cũng xác nhận điều đó: “Trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất thì lại có quý nhân xuất hiện giúp đỡ”. Nhưng phải ghi nhận bên cạnh sự may mắn là lòng can đảm của tác giả khi phải đối mặt với những cảnh huống thập tử nhất sinh. Huỳnh Công Ánh xứng đáng nhận lãnh những lời ca ngợi mà nhà văn Huy Phương dành cho ông: “Huỳnh Công Ánh là một người xuất chúng đáng cho chúng ta khâm phục. Trong quân lực VNCH ông đã từng được chọn là chiến sĩ xuất sắc; đi tù ông là một người tù kiệt xuất, qua mặt cả một hệ thống công an dày đặc để đi từ Bắc vào Nam. Đến được bến bờ tự do ông là một chiến sĩ thời bình của cộng đồng người Việt hải ngoại. Đó là chưa kể sự thành công vượt bực của ông về mặt kinh tế.”
Điều tôi muốn ghi nhận thêm trong buổi ra mắt sách hôm nay là chất thơ trong lời nhạc của những sáng tác của Huỳnh Công Ánh. Nhạc và lời của ông vừa là những khúc hùng ca vừa là những bản cáo trạng. Lời trong nhạc của Huỳnh Công Ánh là những dòng thơ, khi thì tha thiết mà hùng tráng như:
“Anh đứng đây
Nơi tuyến đầu ngăn giặc
để có xuân về
mai nở trên quê hương..”
hay:
“xin góp gió để chờ
mong một ngày
gió thổi sạch bợn nhơ
trả lại cho tôi
khung trời tự do”
Khi thì uất hận tố cáo:
“tôi là người tù khổ sai
không bản án
bước chân đi
trên bao nỗi lọc lừa..”
Khi thì não nề bi thảm khi đứng trước một thực tế phũ phàng:
“khi anh về, râu tóc đã bạc phơ
da nhăn nheo và đôi mắt đã mờ
khi anh về, bước trên bàn chân mỏi
tìm hương xưa, người tình cũ đã sang bờ..”
Nếu đời lính đã mang cho tác giả Huỳnh Công Ánh bao nhiêu hệ lụy dưới chế độ sắt máu của cộng sản thì con người nghệ sĩ nơi ông lại là cái phao đã giúp ông bao phen chìm đắm được nổi thoát. Nhưng cũng chính vì tài năng đó khiến ông luôn luôn bị nghi ngờ đến độ không còn chọn lựa nào khác là đào thoát. Âu đó cũng là một thứ ánh sáng, vừa độc đáo, vừa an ủi lại vừa oái ăm trong bóng tối của một đời tù cải tạo.
Sau cùng, điều tôi rất vui mừng là cuốn hồi ký Vượt Tù Vượt Biển của Huỳnh Công Ánh được xuất bản dưới hình thức song ngữ Việt-Anh. Đây là dịp may hiếm có để con cháu chúng ta, một số không rành rõi tiếng Việt, có thể đọc bằng tiếng Anh. Đọc để, như tác giả Huỳnh Công Ánh hằng mong ước: “hiểu về những thăng trầm, oan nghiệt của đời người mà thế hệ trước họ đã phải đi qua trong giai đoạn đen tối nhất của lịch sử.” Ước mong tác phẩm Vượt Tù Vượt Biển của tác giả Huỳnh Công Ánh sẽ góp phần giúp các thế hệ nối tiếp hiểu rằng một chế độ độc tài, lấy hận thù, bạo lực để cai trị không thể là một chế độ đem tự do, no ấm cho dân tộc Việt Nam được.
Nguồn: Tác giả gửi