Ngôn ngữ thơ Luân Hoán

Posted: 27/02/2018 in Phan Việt Thủy, Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự
Thẻ:

Phan Việt Thủy


Nhà thơ Luân Hoán

Trước hết xin thưa: tôi không phải viết phê bình thơ Luân Hoán. Viết nhận định, phê bình thơ Luân Hoán đã có nhiều người viết rồi. Từ lâu tôi muốn viết “Nội lực và phong cách Luân Hoán” nhưng thơ Luân Hoán quá nhiều, tôi chưa có thì giờ đọc hết (nói không ngoa có lẽ Luân Hoán là nhà thơ sáng tác nhiều nhất những người Việt làm thơ hiện nay) cho nên tôi chưa viết được. Lần nầy nhân nghe bản nhạc “Phải lòng cô gái Bến Tre”, thơ Luân Hoán, nhạc Phan Ni Tấn. Tôi chỉ xin viết cảm nhận và thưởng ngoạn “Ngôn ngữ thơ Luân Hoán” dựa trên đặc điểm ngữ dụng học (Pramatics) và tâm lý ngôn ngữ học (Psycho-linguistics) để cùng chia sẻ những ai yêu thích thơ Luân Hoán. Một yếu tố khác nữa là khi cảm nhận thơ văn, yếu tố từ ngữ đóng vai trò rất quan trọng. Ngày xưa, khi ngành ngôn ngữ học chưa được phổ cập trong phê bình văn học:

“Nếu coi sự khảo sát văn chương là một khoa học, thì đó là khoa giải phẫu chữ, theo hai chiều: đi từ chữ, đến câu, đến bài thơ, văn bản; rồi đi ngược lại đi từ bài thơ, văn bản đến câu, và trở về chữ. Hai hành trình này, nhà phê bình phải lặp đi, lặp lại, nhiều lần, mới có cơ tìm được giá trị của chữ trước, rồi đến câubài thơ, và tác phẩm.

Phê bình cũ, không chuyên chú đến chữ, bởi vì ngôn ngữ học chưa phát triển, cho nên đã phải dựa vào những yếu tố khác, như tiểu sử, đạo đức, tâm lý, phân tâm, v.v. để giải thích văn bản và đôi khi đi xa, đi lạc ra ngoài tác phẩm.

Sự phê bình đích thực nào cũng phải có chủ đích là nói lên những điều nằm trong chữ nghĩa của nhà văn, tức là những điều có trong tác phẩm, chứ không phải những ý chủ quan, võ đoán mà nhà phê bình ngoại suy và gán cho tác phẩm.” (Thuỵ Khuê: Phê bình văn học thế kỷ XX, Văn Việt).

 
Một hiện tượng lạ là bản nhạc “Phải lòng cô gái Bến Tre” đã gẩn 60 triệu người vào Youtube nghe (Youtube: Phải lòng cô gái Bến Tre) và được nhiều ca sĩ nổi tiếng hát, ca sĩ Tố My hát được nhiều người nghe hơn cả và đặc biệt hai em bé Khánh Băng và Bích Tuyền hát dự thi song ca nhí.

Mở đầu bài thơ  “Bậu qua phà Rạch Miễu, Qua lẻo đẻo theo sau”. Luân Hoán dùng từ lẻo đẻo thật tuyệt vời để diển tả mê gái mà nhút nhát, cứ lẻo đẻo theo sau. Cũng trong tình huống tương tự con trai mê gái, đi theo gái ở hai bản nhạc:

1. Ngày xưa Hoàng Thị, thơ Phạm Thiên Thư và Phạm Duy phổ nhạc: “em tan trường về, anh theo Ngọ về…”: chỉ theo thôi, thật nhẹ nhàng vu vơ.

2. Gặp nhau làm ngơ, nhạc và lời của Trần Thiện Thanh: “…chung một đường kẻ trước người sau. Chàng lặng yên theo nàng, hát vu vơ mấy câu nhạc tình…”: lặng lẽ theo thôi và hát vu vơ, thật lãng mạn không nói lên đam mê như hai từ lẻo đẻo của Luân Hoán.

Nếu ba hình ảnh mê gái theo gái trên đây so với ông bà chúng ta thì thua xa: “Bây giờ mận mới hỏi đào, vườn hồng đã có ai vào hay chưa? Mận hỏi thì đào xin thưa, vườn hồng đã có nhưng chưa ai vào”. Ông bà ta gặp nhau là “chat” ngay.

Từ lẻo đẻo rất đời thương, nhưng trong câu thơ của Luân Hoán thể hiện mê mệt không rời được (con lẻo đẻo theo mẹ đi chợ). Lẻo đẻo theo sau và nhận diện áo bậu đỏ cánh kiến, da bậu màu phù sa, mắt bậu  ngời xanh nước biển… Từ màu phù sa là một hình ảnh và ý nghĩa mới. Da màu phù sa là màu gì vậy? Chỉ cho cảm nhận màu nước phù sa trong các con sông Tiền sông Hậu và có lẽ hơn thế nữa, nước da ngăm ngăm, mặn mà chân quê Nam bộ. Từ quan sát kỷ áo, da, mắt, chàng/qua theo sát những hành động, cử chỉ, ở đây thể hiện cách dùng từ ngữ của Luân Hoán như “ngoe nguẩy xuống Bến Tre”, “vô chợ Giữa nhởn nhơ”, “Tức bàn chân quấn quýt”. Các từ ngoe ngẩy, nhởn nhơ, quấn quýt . . . thể hiện ngữ nghĩa đặc tính, điệu bộ cô gái/bậu. Đúng là đặc tính Nam Bộ. Nhất là khi từ “ chèn ơi quá dễ thương” được giọng miền Nam hát lên. Từ chèn ơi thường sử dụng trong khẩu ngữ, hiếm thấy trong thơ, chỉ có thơ Luân Hoán nhưng ở đây từ chèn ơi khi hát lên thật tuyệt vời dể thương trong giọng miền Nam.

Phải nói Luân Hoán xuất khẩu thành thơ, Luân Hoán cho những lời, từ ngữ hàng ngày vào thơ thành thơ. Trong một bài thơ Luân Hoán đã thú nhận: “có ai đổ rượu vào ngôn ngữ, tôi nói ra toàn thơ với thơ”.

Bởi vậy, chúng ta sẽ gặp rất nhiều từ ngữ đời thường trong nhiều bài thơ Luân Hoán:

“tuần sau bò lạc nào vào,
tao hứa chia bớt mày xào khô chơi”

“bác thuộc loại lãng mạn,
nhưng hơi hơi nhát gan,
yêu cô em “lựu đạn”,
chỉ biết ngồi mơ màng”

“Xin được chân cu li
Tại hãng Aronoff
Ngày ngày ta ra đi
Như cán bộ đi họp
Sáng đi như đuổi ma
Chiều về như ma đuổi

“Anh hùng hào kiệt đều mê rượu
Té đái trong quần chuyện tiến thân”.

“Đôi không đẹp và thường hay khắc khẩu
Chuyện tầm phào, gân cổ cãi văng răng”.

hừ, em xuỵt chó cắn chơi
Cho bỏ lảng vảng đánh hơi tỏ tình”.

Và còn nhiều nữa trong những bài thơ của Luân Hoán.

Những từ ngữ in nghiêng trong những câu thơ trên đây chứng tỏ tài năng của Luân Hoán sử dụng ngôn ngữ đời thường vào trong thơ đã đưa những từ ngữ thêm nhiều hình tượng, ấn tượng tăng thêm cảm nhận và thưởng ngoạn cho người yêu thích thơ Luân Hoán. Theo ngữ dụng học, từ ngữ có nhiều ý nghĩa khác nhau trong những tình huống khác nhau và đôi khi nghĩa của từ đi xa hơn nghĩa gốc. Mặc dầu từ ngữ đời thường, rất thường nhưng đi vào thơ như thơ Luân Hoán quả thật tuyệt vời cho đời thường thành thơ.

Phan Việt Thủy
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.